Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Du lịch. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Một giả thuyết về nguồn gốc người Việt dựa trên bằng chứng nhân chủng học phân tử

  • Tác giả : Đỗ Kiên Cường  22 Tháng 9 2014 07:26
  • Nguồn: Văn hóa Nghệ An 
Đặt vấn đề:
Tìm về cội nguồn là nhu cầu tự thân của con người. Chính vì vậy nhiều thế hệ người Việt Nam đã cố gắng đi tìm nguồn gốc dân tộc trên nhiều góc độ như truyền thuyết, ngôn ngữ, sử sách, dân tộc học, khảo cổ… Tuy nhiên cho đến nay, chưa thấy những cố gắng tìm tòi dựa trên bằng chứng phân tử và di truyền học, cơ sở của ngành nhân chủng học phân tử. Đó là một khiếm khuyết lớn, vì theo nhà di truyền học Spencer Wells, từng lãnh đạo Dự án bản đồ gien của Hội địa lý quốc gia Mỹ, “cuốn lịch sử vĩ đại nhất từng được viết là cuốn ẩn giấu trong ADN của chúng ta”1. Bài viết này dùng các bằng chứng nhân chủng học phân tử trong hai mươi năm qua và phát hiện năm 2012 về nguồn gốc mới của lúa nước thuần hóa để đưa ra một giả thuyết mới về nguồn gốc người Việt. Theo đó người Việt là hậu duệ của những người đã tới Việt Nam từ 45.000 - 30.000 năm trước, và cùng với các cư dân Đông Nam Á khác, họ chính là nguồn gốc chủ yếu của cư dân Đông Á.

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Ngoại giao Con đường Tơ lụa và sự xuyên tạc lịch sử

Tác giả: Tansen Sen | Biên dịch: Phạm Thị Huyền Trang (Theo Yale Global)-VN net 31/10/2014

Với dòng tiền và đầu tư dồi dào, sáng kiến Con đường Tơ lụa của chính phủ TQ có thể thúc đẩy nền kinh tế của nhiều quốc gia châu Á và châu Âu, miễn là các nước này tự nguyện tuyên bố có mối liên kết với đế chế TQ cổ đại.

Lịch sử đang bị bóp méo

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Hãy đưa Quảng Bình, Quảng Trị ra khỏi danh sách "tỉnh nghèo"

Đã từng qua lại vùng đất Quảng Bình-Quảng Trị có lẽ không dưới 50 lần, nhưng đây là lần đầu tiên mình ở lại đây trong một chuyến du lịch. Và chuyến đi đã làm thay đổi quan niệm của mình về vùng đất này: Xin lỗi những ai có liên quan, ý nghĩ đầu tiên đến với mình là nếu ai đó đến giờ vẫn bảo rằng đây là "hai tỉnh nghèo" thì người đó là kẻ bảo thủ hoặc quan liêu, nói  theo kiểu dân gian là "có mắt mà như mù!", "ngồi trên mỏ vàng mà không biết".

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Khi chính khách Việt tranh luận công khai

Gần đây các báo đài chính thức và "lề trái", cả trong nước và quốc tế, đều đưa tin về vụ tranh cãi giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn và Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc liên quan sự cố hoa hậu Trần Thị Quỳnh đeo dải băng ghi sai chữ “Viet Nem” tại đêm chung kết cuộc thi sắc đẹp quốc tế tổ chức tại Trung Quốc giữa tháng 11 vừa qua. Được biết sự cố này đã được phía ban tổ chức (Trung Quốc) và cá nhân hoa hậu Trần Thị Quỳnh gửi thư xin lỗi. Xem thêm tại đây .


Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

25 công trình được cho là vĩ đại nhất lịch sử nhân loại (*)


Trong khi chờ đợi sự ra mắt những kỳ quan kiến trúc của kỷ nguyên mới như đường hầm tàu biển hay khách sạn dưới nước, hãy cùng điểm lại 25 thành tựu xây dựng vĩ đại nhất được tạo dựng bởi bàn tay và khối óc của con người.
1. Đảo nhân tạo Dubai (UAE)
dubai-palm-jumeriah-large-600x460-137307
Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) là một trong những quốc gia trẻ nhất trên thế giới, nổi tiếng là vùng đất của những câu chuyện "Một nghìn lẻ một đêm". Quần đảo hình cây cọ ở Dubai bao gồm Palm Jumeirah, Palm Jebel Ali và Palm Deira, đây cũng chính là ba hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới.

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Một lựa chọn khả thi cho đường sắt Bắc - Nam

Lời giới thiệu của chủ blog
Là ngươi quê miền Nam nhưng hầu hết cuộc đời sống và làm việc ở Hà Nội, bản thân tôi và gia đình đã từng  nhiều lần đi Tàu Thống nhất, từ những chuyến tàu nhếch nhác nhất  trong những năm sau 1975 đến những chuyến tàu tuy chưa đẹp và chưa thuận tiện nhưng khá an toàn ngày nay, tôi thấy hoàn toàn đồng cảm với nội dung của bài viết dưới đây của tác giả người Nhật Pi Uy đăng trên báo Asahi Shimbun và được đưa lại trên Dân trí hôm nay.

May mắn thay, sau rất nhiều tranh cãi tại Quốc hội và trong công luận, cái gọi là "Dự án Tàu cao tốc Bắc -Nam " đã tạm hoãn vô thời hạn. Lúc đó tôi nghĩ  "Ông Trời đã cứu Việt Nam khỏi một bàn thua trông thấy!" Và tôi cũng rất lấy làm thú vị khi đường hầm Đèo Hải Vân được khánh thành, nhưng đường sắt vẫn còn chạy trên con đường cũ của nó vắt vẻo trên đĩnh Đèo mà mỗi lần có dịp đi qua tôi vẫn thầm khen là "báu vật" của ngành du lịch Việt Nam chỉ tiếc rằng chưa được khai thác...

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Cuộc hội ngộ sau 40 năm của nhóm cựu sinh viên VN tại Ấn Độ

Có lẽ ít người biết Ấn Độ đã từng là nước đầu tiên trong số các quốc gia Anh ngữ nhận đào tạo cán bộ tiếng Anh cho Việt Nam. Và điều này xảy ra vào năm 1973 khi Mỹ vừa ngừng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân chống miền Bắc và Hội nghị Paris bắt đầu chuyển sang giai đoạn cuối. Suốt thời kỳ chiến tranh cả Chính phủ VNDCCH và Chính phủ CMLT đều rất cần nguồn nhân lực tiếng Anh nhưng chưa bao giờ có thể cử sinh viên sang các nước mà ở đó tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, để đào tạo, lý do chính là vì không quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào trong số đó dám làm trái lệnh phong tỏa của Mỹ đối với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ đã là cánh cửa đầu tiên mở ra, và sau đó một số năm lần lượt Úc, Anh, Tân Tây Lan cũng làm như vậy.  Sở dĩ tôi nói dong dài về điều này để thấy không phải đơn giản khi chính phủ Ấn Độ đã đi đầu trong việc phá rào cản của Mỹ đặt ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Và nếu nói về quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời Việt -Ấn thì đây là một dẫn chứng rất đáng kể, và nhóm sinh viên VN tại Đại Học J Nehru năm 1973-1974 (gọi tắt "Nhóm JNU") có một ý nghĩa rất đặc biệt.

Nhóm sinh viên JNU tham quan một đền cổ ở miền Bắc Ấn Độ mùa  Đông 1973  (Ảnh tư liệu của tác giả)

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

5 quốc gia nhỏ nhất thế giới

1. Công quốc Monaco: diện tích: 1,95km2
Nằm lọt trong lòng nước Pháp và bên cạnh bờ biển Địa Trung Hải, Monaco là quốc gia độc lập với diện tích nhỏ thứ hai trên thế giới. Được thành lập từ năm 1927, Monaco nổi tiếng với những ngôi nhà chọc trời san sát, những khu vui chơi giải trí sầm uất và sự xuất hiện dày đặc của những siêu xe đắt tiền trên đường phố.

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

Biển Đông: Lật tẩy chiêu độc Trung Quốc dùng văn hóa xâm phạm chủ quyền Việt Nam(*)

(*) mới đây. Bài báo chỉ ra những thủ đoạn tuyên truyền trắng trợn đầy dụng ý nham hiểm của  nhà cầm quyền Trung Quốc. Nhưng vẫn còn thiếu một vụ việc nghiêm trong khi họ cho in hình "lưởi bò" trên hộ chiếu Trung Quốc hồi năm ngoái (ảnh dưới). Và tấm hộ chiếu này đã bị VN, Philipine và nhiều nước khác tẩy chay.

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Đôi điều tai nghe mắt thấy trên đất Lào


Đã nhiều lần muốn đi cho biết nước Lào, nhưng đến giờ tôi mới thực hiện được khi đã ở tuổi thất thập...Kể ra là quá muôn, nhưng còn hơn không! Điều thú vị là chuyến đi toàn bằng đường bộ, nên được ngắm ngía cái vùng "đất rộng người thưa" của nước bạn láng giềng đặc biệt. Thời gian ở trên đất Lào thực sự chỉ 5 ngày là quá ngắn để nói về đất nước và con người..., có lẽ chỉ đủ để ghi lại một vài cảm nhận dưới đây.        

Đất nước xanh, sạch, đẹp 
 
Đi đâu cũng thấy rừng và màu xanh cây cỏ, thích nhất là vùng đất mầu mỡ bạt ngàn  từ Bắc xuống Nam dọc sông Mêkông. Bất giác mình liên tưởng đến đất nước Việt Nam- nơi mà đi đâu cũng thấy toàn người là người với núi đồi trọc lóc loang lỗ và nhiều vùng đất ngập trong bụi bậm và rác phế thải... 

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Lạ hơn hòn đá lạ

Gần đây hễ có điều gì, việc gì, thậm chí người gì ...không tiện gọi đích danh thì thêm cái đuôi "lạ" như "nước lạ", "tàu lạ"...và mới đây có thêm "đá lạ" ngay giữa Đền Hùng. Đang loay hoay chưa biết thực hư ra sao thì một ông bạn hưu trí từng nhiều năm làm văn hóa quốc gia và quốc tế gửi cho một bài viết với cái tiêu đề cũng khá lạ trên đây. Thấy bài viết vừa nghiêm túc, vừa sâu sắc lại dí dỏm, chủ blog Bách Việt xin mạn phép tác gỉa Vũ Đức Tâm (*) đăng lại dưới đây nguyên văn bài viết để chia sẻ cùng bạn đọc (Bách Việt).


Những ngày qua dư luận không ngớt bàn tán về một hòn đá cao 50 cm, bề rộng nhất 35 cm, hình cánh buồm được đặt ở Đền Thượng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Vì chưa rõ lai lịch nên người ta gọi là hòn đá lạ. Xung quanh hòn đá lạ này, khi đọc một số bài viết trên báo mạng (http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/04/hon-da-la-o-den-hung/http://www.tienphong.vn/xa-hoi/622590/Can-canh-hon-da-la-tai-den-Hung-tpov.htmlhttp://www.tienphong.vn/xa-hoi/622799/Giai-ma-“Hòn-dá-lạ”-ỏ-Dèn-Hùng-tpov.html …), mình thấy cách hành xử và phát ngôn của một số quan chức lại còn lạ hơn nhiều.

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Liệu Vietnam Airlines có theo bước Vinashin?

Bẳng đi mấy năm không có dịp trở lại khu nhập cảnh quốc tế của sân bay Nội Bài, mới đây nhân một chuyến du lịch, tôi được "gặp" lại khu này và không khỏi ngỡ ngàng về sự xuống cấp của nó.

Dưới ánh sáng dù tù mù bên trong khu đón khách đến (arrival) người ta vẫn đễ dàng nhận thấy tình trạng cũ kỉ lỗi thời đến mức quê mùa của phòng ốc, trang thiết bị và phong cách làm việc tại đây. Có lẽ đối với những du khách mới đến đây lần đầu thì mọi thứ tại đây thật xa lạ so với các sân bay mà họ từng đi qua. Sự khác biệt toát ra từ những viên gạch lát sàn dưới chân đến những quầy hải quan to, thô và từ bản thân những người nhân viên ngồi trong đó. Khác hẳn với tất cả các sân bay quốc tế, ở Việt Nam nhân viên Hải quan và bảo vệ thường có dáng gầy gò lại ăn mặc quá rộng và có thể nói tềnh toàng như dân thường vậy!; họ không quen đứng thẳng chân và tay, .mà đứng khụy một chân trong khi một hoặc cả hai tay đút túi quần trông thật thảnh thơi!...Tất cả khiến họ mất thế oai nghiêm cần thiết của một người đang thực thi công vụ. Lẽ đương nhiên đó không chỉ là bề ngoài, mà còn cho thấy thực chất  công việc.

Có lẽ vì cảm thấy lạ lẫm nên đám hành khách bổng trở nên trầm lắng khi bước vào khu giành cho khách đến.Sự yên tĩnh đó chỉ bị phá vỡ khi mọi người tỏa ra các nơi để tìm cho mình một chiếc xe đẩy hàng.  Nhưng ngay cả  những chiếc xe đẩy hàng đối với họ cũng là một sự lạ lẫm thì phải (?) Chúng trông nặng nề và thô kệt, lại còn han rĩ, thậm chí khó di chuyển hoặc khó lái theo ý muốn; khi chúng chuyển động thì mỗi vòng lăn bánh đều phát ra tiếng kêu cót két...  Không chỉ vậy, những tiếng gầm rú kéo dài phát ra từ các dãy băng chuyền "hòa tấu" cùng tiếng cót két của những chiếc xe đẩy để tạo nên một giàn hợp xướng đặc biệt chào đón du khách đến sân bay Nội Bài -Thủ đô của Việt Nam!

Sẽ là phiến diện nếu không thấy một sự tiến bộ nào đó tại nơi đây. Cũng có đấy! Đó là việc giảm bớt hẳn trong khâu khám xét hành lý một cách "đại trà" như đã từng diễn ra trước đây. Nhưng thay vào đó, nghe nói nạn mất cắp  hành lý kí gửi đang khiến hành khách rất lo lắng. Đó là lý do mà người HDVDL của đoàn chúng tôi đã liên tục nhắc nhỡ mọi người không nên để bất cứ thứ gì có giá trị trong hành lý ký gửi, đặc biệt trong chặng bay về nước!  Đúng là ở nước Việt Nam thường khi được cái này thì mất cái kia, chẳng bao giờ được trọn vẹn!. Ví dụ, trong khi ở  tất cả các sân bay trên thế giới, xe ô tô đưa đón khách đều được phép vào sảnh, thì ở Nôi Bài xe bus đón đoàn khách đông người phải đứng tít bên ngoài buộc số đông người phải lếch thếch kéo đẩy  hàng hóa ra  xe thật nhếch nhác!. Hôm đó chúng tôi được may mắn không bị khám xét ...,nhưng đổi lại chúng tôi phải cuốc bộ ra ô tô. Nhưng dù sao kết  quả  cuối cùng về đến nhà không quá muôn là tốt lắm rồi!.

Theo các nguồn tin cho thấy hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đến nay dù chiếm mưu thế độc quyền với nhiều ưu ái của Nhà nước vẫn đang gặp rất nhiều thua lỗ (theo tôi biết vẫn đang được nhànước bù lỗ) mà nguyên nhân chủ yếu là do những sai lầm trong chiến lược đầu tư và sức cạnh tranh yếu kém trên cả thị trường nội địa lẫn quốc tế. Có nhiều điều để nói, nhưng ở đây chỉ xin đơn cử về đường bay Hà Nội-Seoul -Tokyo mà tôi vừa đi qua . Cùng ngày có 5-6 đoàn du khách người Việt đi Nhật Bản và Hàn Quốc thì tất cả đều sử dụng hãng hàng không ASIANA của Hàn Quốc với cả hai chiều đi và về. Khách đông đến nỗi các chuyến bay của ASIANA luôn đầy ắp trong khi các chuyến bay của Vietnam Airlines chỉ được 1/2. Thời gian qua báo chính thống cũng đã đưa nhiều tin xấu về tình trạng dịch vụ và thái độ phục vụ yếu kém của Vietnam Airlines, như giá vé cao nhưng không thuận tiện cho người mua, thái độ tiếp viên mất lịch sự, thiếu chu đáo đối với hành khách, làm bắn nước chè hoặc thức ăn vào hành khách mà không xin lỗi, v.v...Đó là chưa kể nạn ăn cắp xăng dầu máy bay và sự tắc trách trong công tác duy tu bảo dưỡng trang thiết bị và trong cả khâu điều hành bay cùng với tình trạng buôn lậu đang lan tràn trong ngành khiến người ta lo ngại về độ an toàn của các chuyến bay.    

Phải chăng đó là những đấu hiệu cho thấy thời kỳ hoàng kim của Vietnam Airlines với tư cách một hãng bay độc quyền quốc gia sắp kết thúc? Nếu vậy liệu còn kịp hay không để rút bài học xương máu từ sự đổ vỡ của Vinashin có cùng hoàn cảnh để có cách nào khắc phục trước khi quá muộn?         

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Tình người trên đất miến (*)

(*) Đây là bài viết của tác gitên Dương Đình Giao và là nạn nhân "người thật việc thật" gửi đến Blog Bách Việt; sau khi kiểm chứng thông tin, xin đăng lên để bạn đọc tiện tham khảo. Với hai tiểu mục "Thoát nạn xứ người","Gặp hạn xứ mình" bài viết đã nói lên nghịch cảnh của bn thân tác giả và gia đình mình vừa thoát khỏi một tai nạn máy bay ngày 25-12-2012 tại Miến Điện. Câu chuyện càng chua chát khi so sánh cung cách làm việc của quan chức Việt Nam với nước bạn láng giềng Myanma mới đây còn bị thế giới coi là độc tài, lạc hậu. Hy vọng đây là một bài học sinh động về tình trạng quan liêu, tc tách của ngành hành chính công nói chung và của các Cơ quan đại diện ở nước ngoài nói riêng của Việt Nam. Xin cảm ơn  tác givà bạn đọc quan tâm (Bách Việt). 

Thoát nạn ở xứ người

Chiếc máy bay vẫn bốc cháy nhiều giờ liền sau vụ tai nạn.Thêm chú thích
Ngày thứ 2 của hành trình, hôm 25-12-2012, máy bay của hãng hàng không Air Bagan đưa chúng tôi từ Yangon đi Heho, nơi có hồ Inle nổi tiếng. Theo lịch trình, chuyến bay sẽ đến Heho lúc 9 giờ sau khi dừng lại ở sân bay Mandalay để đón và trả khách trong khoảng 30 phút.

Khi máy bay hạ độ cao chuẩn bị xuống sân bay Heho, tôi nhìn đồng hồ, lúc ấy là 8 giờ 55 phút. Một lát sau, tôi cảm thấy một cú tiếp đất mạnh hơn bình thường khi máy bay hạ cánh. Ngay sau đó là những rung lắc liên tục trong vòng khoảng 10 giây. Đang bất ngờ vì không hiểu chuyện gì đã xảy ra, tôi nghe một tiếng kêu ở phía sau. Biết là đã có chuyện, tôi nhắc mọi người bình tĩnh và đứng lên bật nắp khoang hành lý để lấy ba lô của mình. Nhưng nắp vừa bật, tôi bị đẩy ngã nhào về phía trước. Đứng lên, quay lại nhìn phía sau, tôi thấy các thành viên trong gia đình mình đã rời khỏi ghế và ra được lối đi. Bước lên mấy bước, tôi chợt ngửi thấy mùi khói. Một ý nghĩ thoáng qua: “Chỉ cần một tiếng nổ là tất cả sẽ chấm hết!”

Xuống khỏi thang máy bay, tôi mới thấy máy bay đã không hạ cánh trên đường băng bê tông mà đang nằm trên một cánh đồng, phía đuôi máy bay đang bốc cháy, khói nghi ngút. May mắn bất ngờ, tất cả chúng tôi (6 người trong gia đình và hai mẹ con bà thông gia người Úc) đều an toàn. Tôi vội giục mọi người nhanh chóng chạy ra xa.
Trên chuyến bay có 65 người, kể cả phi hành đoàn, trong đó ngoài 5 người Việt Nam trong gia đình tôi, còn lại đều là khách du lịch từ các nước Mỹ, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, …
Nơi máy bay hạ cánh khẩn cấp cách sân bay khoảng 3 km và cách đường ô tô khoảng 200 m. Khi ra tới nơi, mấy xe cứu hỏa đã có mặt đang tìm cách tiếp cận với đám cháy. Nhưng vì không có lối vào, phải nối dài vòi rồng nên việc cứu chữa không thật kết quả. Trên đường, chúng tôi đã thấy nhiều biển tên khách của các công ty du lịch, khách sạn mà khách du lịch trên chuyến bay đã đặt chỗ. Họ nhanh chóng tiếp cận với khách của mình. Sự có mặt của họ dù là những người chưa quen biết cũng khiến chúng tôi yên tâm hơn, vì đã có người sẵn sàng hỗ trợ khi khó khăn nơi đất khách quê người. Nhiều xe máy, ô tô đã dừng lại chứng kiến đám cháy trong đó có cả nhiều người dân Myanmar đang làm việc trên cánh đồng. Lúc này dù đã hơn 9 giờ, nhưng mặt trời chưa kịp xua tan sương mù. Trời khá lạnh. Thật cảm động, khi thấy những người nông dân lam lũ, cởi những chiếc khăn choàng khoác lên vai, trùm lên đầu những đứa trẻ, bỏ những đôi dép mình đang đi cho những phụ nữ phương Tây xa lạ đang chịu cảnh rét mướt.
Trên đường thoát hiểm, nhiều túi, xắc, mũ, ba lô,… bị rơi được mọi người tập hợp bên lề đường, để người thất lạc đến nhận. Rất nhiều người dân Myanmar có mặt, nhưng không hề thấy ai để ý đến.
Một lát sau, hai xe khách loại lớn đưa tất cả về sân bay Heho. Khi xe dừng lại bên ngôi chùa gần sân bay, tôi nghĩ người dân Myanmar sùng đạo Phật đã đưa chúng tôi đến đây để tạ ơn Trời Phật giúp thoát nạn. Nhưng không phải! Air Bagan đã nhanh chóng liên hệ với chính quyền sở tại mượn ngôi chùa làm nơi để chúng tôi tạm nghỉ, tránh cái lạnh giá ngoài trời.

Xuống xe, chúng tôi lại thấy những người dân bình thường đang mang đệm, chăn của gia đình mình trải trên nền chùa bằng gạch men. Khi mọi người đã vào hết trong chùa, các nhân viên y tế đã có mặt. Họ thăm khám, đo huyết áp, băng bó cho những người bị thương nhẹ. (những người bị thương nặng đã ngay lập tức được đưa về Yangoon, có hai khách người Mỹ bị bỏng nặng đã được đưa sang Bangkok bằng trực thăng). Nước uống, bánh trái đã được mang đến.
Lúc 10 giờ, tức là sau khi sự cố xảy ra 1 giờ, ông chủ tịch huyện sở tại cũng đã đến thăm hỏi những người gặp nạn. Lúc này cảnh kẻ nằm người ngồi trong chùa vô cùng lộn xộn. Việc kiểm đếm những hành khách có mặt thật khó khăn. Những người có trách nhiệm có lẽ vì tôn trọng đã không yêu cầu chúng tôi ngồi cho ngay hàng thẳng lối. Họ cứ đếm đi đếm lại, người đếm bằng tiếng Myanmar, người đếm bằng tiếng Anh. Có lúc thấy ba bốn người cùng đếm. Sau tôi mới hiểu, họ cần nhanh chóng xác định số người có mặt ở đây để có thể phát hiện số người mất tích nếu có.
Phải đến khi có danh sách hành khách từ sân bay Yangoon và Mandalay gửi tới, việc kiểm đếm mới chấm dứt. Lúc này công việc đơn giản hơn. Những người có mặt được đánh dấu vào danh sách. Nhưng việc này cũng được thực hiện tới ba bốn lần bởi những người khác nhau, chứng tỏ họ rất thận trọng.
Đến 11 giờ, chúng tôi được đưa tới phòng khách của sân bay. Ở đây có bia, nước ngọt và những thức ăn nhẹ. Họ thông báo cho chúng tôi biết, ai muốn trở về Yangoon sẽ được bố trí một chuyến bay riêng, còn những ai muốn ở lại sẽ được đưa tới một resort bên hồ Inle chờ đợi giải quyết hậu quả. Gia đình chúng tôi quyết định ở lại và được đưa tới resort bằng hai xe con. Ở đây, chúng tôi đã được đón tiếp chu đáo, hai hoặc ba người được bố trí ở trong một biệt thự.


Xe cứu hỏa đến rất nhanh
Sau khi tạm nghỉ ngơi, đến 3 giờ, chúng tôi được báo đi ăn cơm. Ai cũng nghĩ chắc sẽ được một bát mì hoặc cái gì đại loại như thế, nhưng thật bất ngờ, tất cả được mời một bữa tiệc buýp-phê thịnh soạn, trên bàn ăn còn có cả hoa và thắp nến. Người quản lý giải thích “vì hôm nay là Noel!” Sau khi ăn xong, mỗi người chúng tôi được phát quần áo và một số tiền (tiền Myanmar và đôla) đủ để mua sắm lại những hành lý đã mất và tiếp tục hành trình nếu muốn. Ai cũng bất ngờ trước sự khẩn trương của Air Bagan.
Bảy giờ tối, mọi người lại được mời ăn cơm. Lại tiệc buýp-phê, hoa và nến, có thêm rượu champagne, rượu vang. Ông chủ tịch Tập đoàn HTOO (mà Air Bagan là một trong nhiều công ty con) đã từ Yangoon vượt gần một nghìn cây số tới thăm hỏi những người gặp nạn. Sáng hôm sau, chúng tôi lại được nhận thêm một số quần áo và tiền (chắc do lệnh của ông Chủ tịch tập đoàn).
Air Bagan đã vô cùng chu đáo và có trách nhiệm giải quyết hậu quả của vụ tai nạn. Trong suốt thời gian ở lại (5 ngày), ở Heho hay khi đã trở về Yangoon, tất cả hành khách trên chuyến bay đều được ăn ở tại những nơi tương đương khách sạn 5 sao, được hưởng các dịch vụ như giặt là, điện thoại quốc tế, … hoàn toàn miễn phí. Tôi vốn mơ ước một cuộc sống bình dị, rất sợ tất cả những gì là hào nhoáng, bóng bảy, nay trong hoàn cảnh không một xu dính túi, trên người chỉ độc một bộ quần áo (hành lý và xách tay đều đã cháy cùng máy bay, ngay cái máy ảnh đeo trên cổ cũng chỉ còn sợi dây đeo, kính cận thị cũng rơi mất), lại được ăn ở như thế này thật cũng là một bất ngờ thú vị. Chúng tôi không phải bước chân ra khỏi khách sạn, mọi công việc cần thiết đều do nhân viên của họ giải quyết. Ngay việc làm giấy thông hành để sử dụng khi còn trên đất Myanmar cũng được thực hiện ngay tại nơi ở. Theo họ, chỉ hai việc chúng tôi phải có mặt: đi kiểm tra sức khỏe và làm lại hộ chiếu. Nhưng với hai việc này, họ đều cho xe đưa đón và cử nhân viên đi theo hỗ trợ khi cần thiết. Họ đã hợp đồng với bệnh viện tốt nhất Yangoon để Giám đốc bệnh viện có mặt bất cứ lúc nào chỉ đạo việc thăm khám và chữa trị khi có khách do họ đưa đến.
Những nhân viên đi theo cũng ngồi đó chờ đợi và đưa khách về tận nơi ở sau khi việc thăm khám kết thúc. Vợ tôi và bà thông gia người Úc sau khi gặp chấn động mạnh bị đau lưng. Hai bà đã được thăm khám suốt hơn 3 giờ, mỗi người được làm đủ các loại xét nghiệm, chụp 4 tấm phim cỡ 50 x 50. Khi thấy không có vấn đề gì trầm trọng, họ đã cho mỗi người một cái đai bó lưng và thuốc giảm đau các loại. Bà xã nhà tôi đã nhận xét: Cả đời gần 70 tuổi, chưa bao giờ được thăm khám kỹ càng như thế!
Sau khi về Yangoon, Air Bagan đã tập hợp mọi người để thông báo về việc giải quyết bảo hiểm cho hành khách đi trên chuyến bay. Cuộc họp này cũng được thông báo cho các sứ quán có công dân trên chiếc máy bay gặp nạn. Sứ quán các nước đều có mặt đầy đủ để sẵn sàng can thiệp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân nước mình, trừ sứ quán Úc (vì đang đóng cửa nghỉ Noel và Tết dương lịch) và sứ quán Việt Nam (không rõ lý do). Nhưng sứ quán các nước cũng không có nhiều việc phải làm, vì Air Bagan đã giải quyết vụ việc với đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Địa chỉ và số tài khoản của hành khách được ghi lại để nhận kết quả sau khi một công ty bảo hiểm của Anh tiến hành bồi thường.
Không chỉ những người có trách nhiệm, suốt 5 ngày, dù ở đâu, chúng tôi cũng đón nhận được sự ân cần chu đáo của mọi nhân viên Air Bagan và nhân viên tại các khách sạn, resort dù tuổi đời còn rất trẻ. Họ dìu những người bị đau khi lên xuống các bậc thềm, đưa chúng tôi đến tận nơi, mở cửa, bật đèn rồi giơ tay mời vào khi hỏi đến nơi nào đó. Thấy trên tay ai có mấy túi nilon, vỏ hoa quả, họ đều nhanh chóng giơ tay đón lấy mặc dù thùng rác ở ngay trước mặt. Những cử chỉ ấy tôi hiểu không chỉ vì phương châm coi “khách hàng là Thượng đế”. Qua ánh mắt, nụ cười của họ, chúng tôi cảm nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của những con người giàu lòng trắc ẩn.
Khi vào một làng dệt lụa thủ công trên hồ Inle, khi được biết chúng tôi là những người vừa gặp nạn, chủ cửa hàng lập tức hạ giá 30% cho toàn bộ sản phẩm mà chúng tôi mua. Số tiền thực ra không nhiều nhưng cử chỉ ấy của họ cũng khiến chúng tôi phải xúc động.
Sau 5 ngày, mọi thủ tục đã xong. Air Bagan lại cho xe đưa gia đình tôi ra sân bay. Ở đây, nhân viên của họ làm tất cả mọi thủ tục cho chuyến bay và chỉ ra về sau khi chúng tôi tạm biệt để vào phòng cách ly.
Từ Myanmar trở về, tôi cứ bâng khuâng và ân hận, vì sao một đất nước chẳng cách xa chúng ta là mấy, một xứ sở có những người dân giàu lòng nhân hậu, vị tha như thế mà tôi chưa hiểu biết được bao nhiêu?
Trong cuộc đời chưa bao giờ gặp một tai họa lớn và lại thoát hiểm “ngoạn mục” như vậy, chúng tôi biết ơn Ông Bà, Cha Mẹ đã ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức dù trong biết bao vất vả thiếu thốn để con cháu bây giờ được hưởng phúc. Tôi xin cám ơn những người dân Myanmar đã giang vòng tay che chở khi gia đình tôi gặp nạn. Tôi cám ơn Air Bagan, đã cư xử đàng hoàng, đầy trách nhiệm trước sự cố chắc chắn họ không hề mong muốn. Và tôi thầm nghĩ, chuyến đi hôm nay của chúng tôi dang dở, nhưng nhất định sẽ có chuyến đi khác. Một đất nước với những con người như thế xứng đáng để chúng ta khám phá.

Gặp “hạn” với xứ mình

Tôi có một người bạn, do có hoàn cảnh nhiều thuận lợi (chú bác cô dì, anh em con cháu ở nhiều nước trên thế giới) nên anh đã đi khắp nơi trên cả các châu lục Âu, Á, Mỹ, Phi, Úc (chỉ còn thiếu châu Nam Cực). Một hôm, ngồi uống bia, anh dứ dứ ngón tay, bảo tôi: “Ông mà đi ra nước ngoài thì liệu mà giữ lấy cái hộ chiếu. Ông nên nhớ rằng, ông mất tiền bạc, người ta có thể cho ông, nhờ các tổ chức nhân đạo giúp ông. Nhưng nếu mất hộ chiếu thì, … thì,… chỉ có mà bỏ mẹ!”
Tôi nghe “lời răn dạy” mà thoáng có chút ngờ vực.
Vì thế, trong vụ tai nạn máy bay ở Myanmar, khi phát hiện bị mất hộ chiếu (mà lại tận 3 quyển của ba người), tôi thật sự lo lắng.
Tòa Sứ quán VN tại Myanma
Biết chúng tôi là người Việt Nam, ông quản lý khách sạn nơi tôi đang ở cho tôi số điện thoại của một người mà theo ông là nhân viên sứ quán Việt Nam ở Yangoon. Nhưng chủ nhân của số điện thoại này nói đúng là mình làm việc ở sứ quán nhưng không làm công việc về lãnh sự. Ông đã cho chúng tôi số điện thoại của ông Trần Văn Hoằng, Bí thư thứ nhất, phụ trách công việc này. Liên hệ với ông Hoằng, chúng tôi được ông trả lời, khi nào về Yangoon thì đến sứ quán và “không có gì khó khăn cả, giấy tờ sẽ được cấp ngay thôi”. Nghe lời ông Hoằng mà chúng tôi nhẹ cả người. Anh bạn tôi đã quá bi quan khi nói đến chuyện mất hộ chiếu.
Buổi trưa về tới Yangoon, chúng tôi đã điện thoại cho ông Hoằng và được ông hẹn đến vào buổi chiều.
Chiều hôm đó, tất cả những người cần cấp lại hộ chiếu trong gia đình tôi đã có mặt tại sứ quán Việt Nam ở Myanmar. Cùng đi có một nhân viên của Air Bagan. Vừa bước vào cổng, chúng tôi đã thấy một tấm baner kín bức tường lớn: Nhiệt liệt chào mừng quý khách tới thăm sứ quán Việt Nam ở Myanmar. Thật là thân thiện và mến khách! Nhưng chúng tôi đã lầm, vì chúng tôi không phải đến thăm mà đến xin sự giúp đỡ.
Sứ quán Việt Nam thật khéo chọn người! Bà lễ tân người Myanmar thấy năm sáu người bước vào phòng khách nhưng vẫn mải mê với chiếc điện thoại. Nghe cách nói cười bả lả, chắc đây không phải là chuyện công vụ. Sau khoảng 10 phút, bà mới đặt điện thoại và đến lúc này, nhân viên của Air Bagan mới có thể nói mục đích chuyến viếng thăm của chúng tôi. Bà gọi điện thoại đi đâu đó, rồi bảo chúng tôi ngồi chờ. Chờ tới 30 phút, không thấy ai ra tiếp, chúng tôi lại điện thoại báo để ông Hoằng biết chúng tôi đã ngồi chờ ngoài văn phòng của sứ quán. Ông Hoằng lại bảo chờ. Lại 30 phút nữa, mới thấy ông Hoằng xuất hiện. Chắc để tiết kiệm thời gian vì “công việc bề bộn” của sứ quán, nhà ngoại giao bỏ qua việc thăm hỏi, an ủi, động viên những đồng bào của mình vừa thoát chết, đưa cho chúng tôi mỗi người 3 mẫu in sẵn tờ giấy khổ A4, yêu cầu chúng tôi khai báo, đồng thời đòi nộp 3 tấm ảnh. Việc này khiến chúng tôi bất ngờ, vì nhà chức trách Myanmar chỉ chuẩn bị cho chúng tôi mỗi người một tấm ảnh để làm việc này. Nhưng ông Hoằng không giải thích gì thêm và quay vào trong với những “công việc bận rộn” của mình.
Rất may, anh nhân viên của Air Bagan đi theo bảo chúng tôi cứ khai giấy tờ, còn anh ta cùng lái xe đi làm thêm ảnh giúp chúng tôi. Đến khi có thêm mỗi người hai tấm ảnh, vẫn chẳng thấy ai có mặt. Mặc dù chưa hết giờ làm việc nhưng nhân viên lễ tân người Myanmar cũng chẳng thấy đâu. Gần 5 giờ, ông Hoằng mới xuất hiện và hẹn chúng tôi 3 giờ chiều hôm sau gọi điện đến để biết kết quả. Khi chúng tôi thắc mắc sao không được kết quả ngay, ông Hoằng giải thích, còn phải chờ thẩm tra ở trong nước (chắc vì sợ “thế lực thù địch” luồn về trong nước để phá hoại công cuộc xây dựng CNXH?). Nếu xong thì mai có giấy, còn nếu không xong thì phải chờ đến tuần sau (vì ngày mai đã là thứ 6, thứ 7 và chủ nhật sứ quán không làm việc). Chúng tôi trở vể với bao thất vọng.
Đêm ấy, tôi không ngủ được. Sao có thể yên tâm chờ đợi đến tuần sau trong khi người thì chấn thương, người thì có bệnh mãn tính mà các loại biệt dược mang theo đã mất hết. Tôi buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của ông Nguyễn Vũ Tú, Đại sứ Việt Nam tại Philippin. Có lẽ do sự tác động này, đến 3giờ chiều, điện thoại đến sứ quán, chúng tôi được ông Hoằng trả lời: đã có giấy tờ và hẹn 4 giờ rưỡi đến lấy. Chúng tôi lại thở phào nhẹ nhõm.
Đúng hẹn, 4 giờ rưỡi, chúng tôi có mặt ở sứ quán. Lại được bảo ngồi đợi. Thời gian cứ trôi, nhưng không thấy ai ra tiếp. Đến 5 giờ kém 10 phút, một kết quả không mấy tốt đẹp đã hiện ra trước mắt: 5 giờ, ông Hoằng sẽ xuất hiện mang theo 3 giấy thông hành, nhưng chúng tôi không thể nhận vì nhân viên thu tiền lệ phí đã ra về vì hết giờ làm việc. Sự cố gắng giúp đỡ của ông Nguyễn Vũ Tú có thể không có tác dụng. Lúc này, tôi lại nhớ tới lời “đe dọa” của anh bạn và cảm thấy anh ấy chưa nói hết sự nguy hiểm khi mất hộ chiếu. Tôi cảm thấy việc mất hộ chiếu còn đẩy tôi vào tình cảnh “trên cả bỏ mẹ”.
5 giờ kém 5, tôi quyết định phải hành động gấp nếu không muốn nằm chờ thêm mấy ngày nữa. Tôi kín đáo lên tầng 2 của văn phòng sứ quán tìm đến phòng làm việc của đại sứ Chu Công Phùng cầu cứu. Rất may, cửa phòng làm việc mở, ông Phùng đang ngồi viết, tôi “liều mạng” bước vào tự giới thiệu. Ông Phùng vồn vã đứng dậy bắt tay và mời tôi ngồi. Tôi vội cám ơn hết lòng vì sự giúp đỡ của ông Phùng. Sau khi biết tôi đang ở khách sạn do sự sắp xếp của Air Bagan, ông Phùng bảo tôi:“Chúc mừng bác và gia đình đã may mắn thoát khỏi hiểm nghèo. Thế bác đã nhận được đầy đủ giấy tờ rồi chứ?” Ông Phùng vô cùng ngạc nhiên khi tôi nói cho đến nay tôi chưa nhìn thấy những giấy tờ này như thế nào. Ông Phùng vội đưa tôi sang phòng làm việc bên cạnh của ông Trần Văn Hoằng – Bí thư thứ nhất phụ trách công tác lãnh sự.
Cửa mở, tôi thấy ông Hoằng tay đang di chuột máy vi tính, trên mặt bàn có mấy tấm phôi giấy thông hành. Sau khi nghe ông Phùng hỏi: “Giấy tờ của bác Giao đã làm xong rồi chứ?” Ông Hoằng vội rời máy vi tính và trả lời: “Xong bây giờ đây”! Lúc này là đúng 5 giờ. Lúc đó ông Hoằng mới viết tên, dán ảnh vào những tờ giấy thông hành chuẩn bị cấp cho chúng tôi. Ông Phùng vội xin lỗi vì đang dở việc gấp và nói tôi ngồi chờ. Khoảng 15 phút sau ông Phùng quay lại, gọi người pha nước và hỏi thăm về hoàn cảnh xảy ra tai nạn, về việc được bảo hiểm đền bù. Tôi cám ơn và trả lời ông Phùng: “Hôm qua, khi họp bàn về vấn đề bảo hiểm, Air Bagan đã mời sứ quán các nước có công dân trên máy bay gặp nạn đến dự. Các sứ quán đều đã cử người đến để sẵn sàng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân nước họ nhưng sứ quán Việt Nam không có mặt.” Tôi cũng không quên nói để ông Phùng yên tâm, mặc dù thế chúng tôi đã được “ăn theo” công dân của các nước “Tư bản giãy chết” nên vấn đề bảo hiểm không có gì khó khăn.
Khi ông Hoằng viết xong mấy giấy thông hành liền bảo tôi sang nộp lệ phí. Ông Phùng chính là người đã dẫn tôi đến nơi làm việc của bộ phận hành chính (có lẽ ông Phùng đã yêu cầu họ ở lại dù thời gian làm việc đã hết từ lâu). Nhân đây, một lần nữa, gia đình chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến ông Chu Công Phùng – Đại sứ Việt Nam ở Myanmar. Tôi nộp lệ phí và nhận giấy thông hành. Nhân viên của Air Bagan vẫn chờ tôi ở tầng dưới. Lúc ấy đã là 6 giờ 30 phút.
Nhờ ba giấy thông hành này chúng tôi mới có thể trở về nước vào ngày Chủ nhật 30/12/2012.
Để các bạn hiểu thêm niềm sung sướng của một người dân trong một đất nước có độc lập tự do mà chúng ta vẫn đang tự hào, tôi xin kể hai câu chuyện xảy ra trong chuyến đi này:
- Câu chuyện thứ nhất: Bà thông gia người Úc của tôi cùng với cô con gái cũng bị mất hộ chiếu. Bà không may mắn như tôi vì sứ quán Úc đang đóng cửa nghỉ lễ. Nhưng chỉ một cuộc điện thoại vào đường dây nóng của Bộ Ngoại giao Úc, bà đã kéo được người phụ trách lãnh sự trở về nhiệm sở và nhận được hộ chiếu sau 2 giờ đồng hồ (Hộ chiếu chứ không phải giấy thông hành).
- Câu chuyện thứ hai: Từ khi đi cùng chúng tôi tới sứ quán Việt Nam để nhận giấy thông hành, nhân viên của Air Bagan đã qua điện thoại giữ liên lạc với cơ quan xuất nhập cảnh của Myanmar và yêu cầu họ ở lại sau giờ làm việc chờ giấy thông hành của chúng tôi đóng dấu xác nhận đã nhập cảnh (có như vậy khi ra sân bay chúng tôi mới có thể làm thủ tục xuất cảnh). Sau khi nhận được giấy thông hành lúc 6 giờ 30 phút nhân viên của Air Bagan đã đến cơ quan XNC làm thủ tục (chúng tôi ngồi chờ trên ô tô, không cần có mặt). Nhưng rất tiếc người nhân viên này quên không mang theo ảnh của chúng tôi. Anh ta trở về báo với chúng tôi 9 giờ sáng hôm sau cần có mặt tại khách sạn để cơ quan XNC Myanmar cho người đến chụp ảnh và họ sẽ trả lại giấy tờ sau khi hoàn tất.
Vì sao ông Hoằng đã hành xử như vậy với chúng tôi – những người đồng bào của ông đang gặp hoạn nạn ở nơi đất khách quê người? Điều ấy chỉ có Trời biết, Đất biết và ông Hoằng biết.
Dương Đình Giao
1200 đường Láng, Hà Nội.
ĐT 0983 240446.


Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Công viên Nghĩa Đô đang biến dạng

Công viên Nghĩa Đô được xây dựng từ 10 năm trước theo định hướng "công viên cây xanh". Hàng ngày có hàng trăm người đến đây từ các khu dân cư lân cận, thậm chí xa vài ba cây số, để đi bộ, tập dưỡng sinh hoặc đơn giản là nghĩ ngơi, đọc sách… Sáng chiều là những giờ cao điểm thường chứng kiến cảnh "quá tải" không chỉ trên các lối đi bộ mà cả các bãi cỏ và sân tập...  Vị trí giữa khu dân cư đông đúc, bốn bề tiếp giáp các  tuyến đường có hồ nước, quanh hồ có đường đi bộ, cây cối rợp bóng mát, chính là thế mạnh của công viên này. Nếu được sự quan tâm đúng hướng của các cơ quan chức năng Công viên Nghĩa Đô hoàn toàn có thể trở thành  một công viên cây xanh kiểu mẫu của Thủ đô tránh được tình trạng bị “địch vụ hóa” như  đang thấy tại hầu hết các công viên mới và cũ của Hà Nội .

Dự án khu vui chơi trẻ em xây chồng lên vườn hoa cây cảnh
Tuy nhiên, đáng tiếc là, thời gian gần đây,  không hiểu vì lý do gì, Quận Cầu Giấy đang cho phép thi công một số công trình bên trong hoặc sát hàng rào  của Công viên dẫn đến tình trạng ô nhiễm và nguy cơ thay đổi toàn bộ diện mạo và công năng của Công viên này.

Mới đây Quận đã cho xe ủi san bằng khu vườn hoa cây cảnh đang tươi tốt rộng gần 5.000 m2 tại vị trí đẹp nhất bên trái cổng chính của Công viên để thay vào bằng một khu vui chơi giành cho trẻ em. Đồng thời một khu nhỏ hơn giành cho người lớn cũng được xây lên bên cổng phụ . Khi dư luân xôn xao, thì thấy trương  lên sơ đồ "Dự án khai thác quỷ đất" theo phương thức xã hội hóa. tổng kinh phí dự toán là 5 tỷ đồng. Công trình này đã hoàn thành khá chóng vánh chỉ sau 2 tháng đưa vào sử dụng với những phản ứng lẫn lộn từ công chúng. Người thì hoan nghênh khi nhìn thấy sự mới mẽ, người thì phê phán cách làm dự án thiếu minh bạch với lối quan niệm sai lệch, lẫn lộn giữa  công viên  cây xanh và  khu vui chơi giải trí, nên đã  phá vỡ cấu trúc ban đầu của một công viên cây xanh - nơi cần  không gian yên tĩnh, mát mẽ với không khí trong lành, để biến thành nơi ồn ào, náo nhiệt; thoạt nhìn tưởng là thuận tiện, nhưng thực chất sự xô bồ, chơi không ra chơi, nghĩ ngơi không ra nghĩ ngơi; mới đưa vào sử dụng đã cho thấy một số hạng mục kém chất lượng và sự bất cập trong quản lý. Mấy ki-ốt mới mọc lên bên cạnh gây cảm giác chật chội và lộn xộn mất mĩ quan. Nhiều ý kiến cho rằng số tiền đó đáng ra nên dùng để sửa chữa nhiều hạn mục đã bị xuống cấp của Công viên; các khu vui chơi nên xây tại các khu đất còn trống, không nên thay vào vị trí trung tâm Công viên đã ổn định.
Nhiều ki-ốt mọc lên 

Có một hiện tượng đáng nói là, ngay sau khi hoàn thành hai khu vui chơi nói trên, người ta thấy có ít nhất là hai “dự án” khác đang diễn ra trên đất Công viên hoặc giáp sát hàng rào Công viên.  Cụ thể, đó là lô đất rộng khoảng hơn 3.000 m2 thuộc góc trái của Công viên giáp đường Nguyễn Văn Huyên  vừa  được quây tường bao, để làm gì chưa thấy công báo (Xem ảnh dưới)

Quay tường chiếm đất (bên góc trái Công viên)
Cổng vào lỡ lói lâu ngày  không tu sửa










Một điểm nhậu nữa đang "mọc ra" trên đất cây xanh gipá  Công viên


Đồng thời một dự án khác đang diễn ra tại lô đất hình tam giác bên phải Nhà Văn Hóa Phường Dịch Vọng giáp đường Chùa Hà  cũng khá rộng vốn là "đất kẹt" đang trồng cây xanh. Mấy tháng trước có người vào trong chặt cây, san nền nhà và mở cổng giống như để xây một khu “ăn nhậu” thì phải(?). Vì lý do nào đó công việc  đã tạm ngừng một thời gian, nay lại tiếp tục với nhịp độ nhanh hơn. Họ xây  cả tường che chắn áp sát hàng rào sắt  của Công viên trông rất chướng mắt. Như vậy, cùng với khoảnh "đất kẹt" đắc địa bên trái Nhà Văn hóa Dịch Vọng lâu nay đã được "khai thác” làm quán bia gây ô nhiễm nguồn nước hồ, làm chết cá và ô nhiễm không khí, nếu khu ăn nhậu mới này hoàn thành thì gần như toàn bộ Công viên phía đường Chùa Hà sẽ bị vây hãm bởi hai “tổ hợp ăn nhậu”; nguyên nhân ô nhiễm chắc chắn sẽ tăng hơn nhiều cả đối với không khí, nguồn nước và cả văn hóa nữa!  
Động nhậu thải nước bẩn xuống hồ làm chết cá, gây ô nhiễm  
 
Thiết nghĩ những việc làm  khuất tất trên đây nếu không có sự “bật đèn xanh” từ một cơ quan công quyền thì không ai dám làm.  Dư luận nhân dân bất bình, khó hiểu trước cách thức quản lý đất công mà chính quyền địa phương đang áp dụng tại khu vực Công viên Nghĩa Đô. Thiết nghĩ Chính quyền Quận Cầu Giấy hoàn toàn có đủ thẩm quyền để thu hồi những phần “đất kẹt” hai bên Nhà Văn hóa Phường Dịch Vọng và sáp nhập vào Công viên Nghĩa Đô thành một công viên hoàn chĩnh, nhưng lại không làm như vậy. Những lô đất đắc địa đó đang trôi nỗi vào tay ai? Đó là dấu hỏi mà nhân dân muốn chính quyền làm rõ. Chậm còn hơn không, nhân dân khẩn thiết đề nghị các cơ quan hửu trách  hãy vào cuộc nhằm ngăn chặn những hoạt động xây dựng sai trái để bảo vệ Công viên Nghĩa Đô cho hôm nay và mai sau./.
  


Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Đôi điều sau chuyến du lịch Cămpuchia(*)


Tang lẽ Cựu Hòang Sihanouk tại Phnom Penh
Do điều kiện nghề nghiệp khi còn công tác tôi đã may mắn được đến khá nhiều nước khác nhau trên thế giới, nhưng chưa bao giờ được đến Cămpuchia ngay bên cạnh Việt Nam. Đó là điều thôi thúc tôi giờ đây dù đã nghĩ hưu vẫn muốn đi một chuyến đến nước láng giềng "gần nhà xa ngõ" này xem sao. Và tôi đã làm được điều đó bằng đường bộ cuối tháng 10 này, chỉ hơi tiếc một chút là vào dịp quốc tang Cựu Hoàng Norodom Sihanouk nên không được xem Hoàng cung và hoạt động tại các sòng bạc bên kia biên giới. Nhưng dù sao chuyến đi cũng giúp tôi kiểm chứng lại một số nhận thức về đất nước và con người vốn là chủ nhân của những bức tượng Bayon có tới 4 mặt nhìn về mọi hướng.  Dưới đây là một vài  cảm nhận như vậy.

Một là, có thể khẳng định giá trị tuyệt vời của nền văn minh Angkor huy hoàng và sự phì nhiêu của miền đất nằm ở ví trí thuận lợi  nhất  giòng sông Mekông. Nhưng với một đất nước trù phú, đất rộng người thưa (chỉ có 13 triệu dân) như vậy ta lại càng  ngạc nhiên trước cảnh nghèo nàn và sự cách biệt giàu/ngèo quá rõ rệt của nó. Có thể dẽ dàng nhận biết sự cách biệt qua nhà ở và phương tiện đi lại của người dân. Người  giàu (hầu hết là quan chức nhà nước) thường ngồi bên trong các xe ô tô loại sang nhất thế giới và ở trong các biệt thự sang trong có vườn rộng "kín cổng cao tường" trong khi người nghèo đều ở trong các ngôi nhà sàn truyền thống nhỏ bé, đơn sơ và đi lại chen chúc nhau trên các phương tiện công cộng quá tải. Suốt chuyến thăm tôi chưa thấy một người giàu nào đi bộ trên đường, nhưng đâu đâu cũng thấy trẻ nhỏ và phụ nữ kiếm tiền bằng cách bán các thứ hàng lặt vặt hoặc ăn xin tại bất cứ nơi nào có khách du lịch nước ngoài.
 
Kiếm sống bằng hàng rong và ăn xin
Hai là, tính cách trầm tĩnh và khả năng chịu đựng của dân tộc Khmer thật là phi thường. Có lẽ đây là một trong tố chất để hiểu tại sao nhân dân Cămpuchia đã phục tùng chế độ Pol Pot và nếu không có sự can thiệp của Việt Nam thì chưa chắc họ đã tự đúng lên lật đổ Pol Pot (?) Tố chất này mãi vẫn còn đó. Trong dịp quốc tang Cựu hoàng Norodom Sihanouk, nhìn bề ngoài thấy người dân Cămpuchia ai ai cũng vô cùng tôn kính và yêu quý Quốc vương của họ. Nhưng trong câu chuyện riêng tư với họ ta sẽ nhận ra rằng đó là cách để người dân bày tỏ sự không tôn trọng đối với chính quyền hiện tại và bản thân ông Hunsen!   Đối với họ, chính quyền và chính sách của Hunsen không khác gì của Việt Nam. Nếu có gì khác thì (theo họ) ở Việt Nam người giàu không quá cách biệt với người nghèo so với tình trạng cách biệt giàu/nghèo quá rõ ràng, lộ liễu tại Căpmuchia!. Họ có thể đúng với nhận xét này khi họ không nằm trong cái chăn Việt Nam nên không biết trong chăn đó cũng có rận, và cả "sâu" nữa!

Trong suốt cuộc hành trình, anh bạn tourguide  nguời Khmer chính hiệu nhưng nói rất sõi tiếng Việt, không biết vô tình hay cố ý, hay kể những câu chuyện huyền thoại hàm ý rằng người Cămphuchia rất thật thà, chất phát, hiền lành (như con giun, con dế), nhưng không bao giờ chịu khuất phục...  Họ cũng hay có những so sánh khá tinh tế giữa đất nước mình với Việt Nam, ví dụ lưu truyền câu chuyện tiếu lâm nói rằng nếu người Việt ra đường sợ Công An bao nhiêu thì người Cămpuchia ra đường sợ Con Bò bấy nhiêu, vì chúng đều có quyền chặn người tham gia giao thông bất cứ lúc nào! Do đó, Công An Việt Nam = Con Bò Cămpuchia !!! Phải chăng đó là cách "phê bình nhẹ nhàng" đối với người  Việt Nam? . Dù sao nó cũng nói lên sự khác biệt giữa tính cách người Khmer và người Việt . Quan sát dọc đường thấy những  cảnh sát giao thông Cămpuchia cũng nhận tiền hối lộ của lái xe, nhưng có vẽ lịch sự và "hiệu quả" hơn nhiều so với cảnh sát Việt Nam. Mỗi khi thấy lái xe vi phạm, họ giơ tay cảnh báo, và  lái xe  vẫn ngồi yên trong xe dúi tiền vào tay viên cảnh sát, hai bên cười vui vẽ không cần đếm số tiền thường  là tiền lẽ có giá trị bằng bát phở hay tách cà fê mà thôi. Do đó, dòng xe cộ vẫn tiếp tục di chuyển không ảnh hường gì đến giao thông chung. Nhưng ở Việt Nam cảnh sát bao giờ cũng chặn xe lại , rồi hai bên giằng co, cải vã ,van xin rất lâu , có khi đánh nhau ...khiến giao thông bị ách tắc, quan hệ hai bên càng căng, và cảnh sát mất hết uy tín.

Phương tiện di chuyển của người nghèo  ở C
Trong lĩnh vực đối ngoại cũng vậy. Có một sự nhất quán trong quan niệm bạn/thù của người Campuchia, đó là cả 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Lào đều chiếm đất đai của họ; và do đó họ không ngần ngại treo bản đồ thời Đế chế Angkor ở các nơi công cộng. Nhưng  khi có mặt người Việt Nam, người Cămpuchia rất biết cách kiềm nén không nói xấu Việt Nam, mà chỉ nói xấu Thái Lan hoặc Lào...để người Việt Nam tự hiểu về bản thân mình! Rất có thể họ cũng làm như vậy khi đi với người Thái, người Lào hoặc người Trung Quốc, người Mỹ....  Có thể gọi đó là môt  thủ pháp truyền thống của người Cămpuchia thì phải, vì cả thế giới đều biết tật  "nói trước quên sau" hoặc tính cách "sáng nắng chiều mưa"  của người Cămpuchia mà một trong những bậc thầy của họ chính là Vua Norodom Sihanouk.Những diễn biến trong chính trường ASEAN gần đây chứng minh điều đó.  

Ba là, về quan hệ Việt Nam-Cămpuchia, có thể nói, do vị thế địa chính trị và quan hệ lịch sử hai nước Việt Nam và Cămpuchia luôn cần duy trì mối quan hệ hòa bình hữu nghị (không nên gọi là "đặc biệt" để tránh gây hiểu nhầm không cần thiết). Cămpuchia có hận thù lịch sử với Việt Nam nhưng cũng cần có vai trò của Việt Nam để đối trọng với một kẻ thù lịch sử khác là Thái Lan. Trên thực tế người Cămpuchia ngày nay lo ngại Thái Lan hơn là Việt Nam. Về lâu dài thì chưa chắc, nhưng trong giai đoạn hiện nay khi vẫn còn chính quyền Hunsen, có lẽ người Cămphuchia vẫn coi trọng quan hệ với Việt Nam vì cả hai lý do an ninh và kinh tế. Họ biết rõ chính người Việt đem lại sức sống cho nền kinh tế Cămpuchia, chứ không phải người Thái, thậm chí ngay cả khi ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng tại đây. Hàng ngày hàng trăm ngàn người Việt Nam qua Cămpuchia làm ăn, buôn bán;  khách du lịch Việt Nam thường chiếm khoảng 1/2 tổng số khách du lịch vào Cămpuchia, trong khi du khách từ Thái Lan và Lào không đáng kể. Riêng việc người Việt Nam tham gia đánh bạc tại khu vực biên giới cũng đóng góp phần lớn vào nguồn thu của Cămpuchia. Có thể nói Cămpuchia cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần Cămpuchia. Điều  Việt Nam cần là quan hệ hòa bình hữu nghị và an ninh để xây dựng đất nước.

Trong điều kiện thế và lực giữa Việt Nam và Cămpuchia và trong khuôn khổ ASEAN, quan hệ hai nước có thể đảm bảo bền vững. Việc Cămpuchia tìm kiếm quan hệ với các nước lớn ngoài khu vực, kể cả Trung Quốc nên được hiểu là bình thường và lẽ đương nhiện. Ngay cả hành động câu kết giữa Cămpuchia và Trung Quốc tại Hội nghị AMM 45 vừa qua dẫn đến thất bại không đưa ra được tuyên bố chung về COC cũng có thể "hiểu được".  Tuy nhiên, xét trên tổng thể toàn bộ diễn biến tình hình gần đây, có thể nói,  với nhân tố thứ ba là Trung Quốc đang ra sức tăng cường ảnh hưởng bằng mọi giá tại Cămpuchia trong chiến lược chia rẽ nội bộ ASEAN nhằm ý đồ bành trướng xuống phía Nam của  họ mới là nhân tố đáng lo ngại. Với những bài học của quá khứ, không ai có thể đoan chắc rằng Cămpuchia với truyền thống "hay thay đổi" mà biểu trưng là những bức tượng Bayon 4 mặt (chứ không phải chỉ có hai mặt) sẽ không một lần nữa  thay đổi trong quan hệ với Việt Nam, nếu được sự hỗ trợ của một thế lực nước lớn. Đó là điều mà không chỉ Việt Nam mà cả Lào và Thái Lan cũng phải dè chừng.

Cuối cùng là, cũng từ kinh nghiệm mà hiểu ra, Việt Nam không nên đề ra yêu cầu  quá cao trong quan hệ với Cămpuchia, kể cả khái niệm quan hệ "đặc biêt" cũng không nên có. Việt Nam đã hy sinh quán hiều vì người anh em Cămpuchia trong hơn 10 năm chống Pol Pot. Tuy nhiên đổi lại, Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh "trắng tay". Đó là sự thật dù có phủ phàng bao nhiêu. Do đó nên chăng trong tương lai, trong  bất cứ tình huống nào, Việt Nam cần kiên quyết tránh bị lôi kéo vào công việc nội bộ của  Cămpuchia, để tập trung  nguồn lực đảm bảo an ninh biên giới mà thôi. Đây không phải là điều dẽ, nhưng là một phương châm hành động ./.        
(*) Ghi chú: Bài viết đã có những chỉnh sửa bổ sung nhằm làm rõ thêm ý chủ đạo của nó. Xin thông báo và mong sự cảm thông của những ai  sử dụng nội dung bài viết.  Xin cảm ơn.
 

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này