Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Cuộc hội ngộ sau 40 năm của nhóm cựu sinh viên VN tại Ấn Độ

Có lẽ ít người biết Ấn Độ đã từng là nước đầu tiên trong số các quốc gia Anh ngữ nhận đào tạo cán bộ tiếng Anh cho Việt Nam. Và điều này xảy ra vào năm 1973 khi Mỹ vừa ngừng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân chống miền Bắc và Hội nghị Paris bắt đầu chuyển sang giai đoạn cuối. Suốt thời kỳ chiến tranh cả Chính phủ VNDCCH và Chính phủ CMLT đều rất cần nguồn nhân lực tiếng Anh nhưng chưa bao giờ có thể cử sinh viên sang các nước mà ở đó tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, để đào tạo, lý do chính là vì không quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào trong số đó dám làm trái lệnh phong tỏa của Mỹ đối với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ đã là cánh cửa đầu tiên mở ra, và sau đó một số năm lần lượt Úc, Anh, Tân Tây Lan cũng làm như vậy.  Sở dĩ tôi nói dong dài về điều này để thấy không phải đơn giản khi chính phủ Ấn Độ đã đi đầu trong việc phá rào cản của Mỹ đặt ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Và nếu nói về quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời Việt -Ấn thì đây là một dẫn chứng rất đáng kể, và nhóm sinh viên VN tại Đại Học J Nehru năm 1973-1974 (gọi tắt "Nhóm JNU") có một ý nghĩa rất đặc biệt.

Nhóm sinh viên JNU tham quan một đền cổ ở miền Bắc Ấn Độ mùa  Đông 1973  (Ảnh tư liệu của tác giả)




Photo: Vài hình ảnh về hội ngộ của nhóm cựu sinh viên Việt Nam du học Ấn Độ những năm trước 1975
Với Bà Nguyễn Thị Bình
Đến nay vừa tròn 40 năm trôi qua và giờ đây hầu hết nhóm cựu sinh viên đó đã  nghĩ hưu, một vài người không may đã qua đời, chỉ còn một thành viên đương chức là ông Lê Lương Minh đang làm Tổng Thư ký ASEAN. Trong hoàn cảnh đó để có một cuộc "hội ngộ" vào dịp này không phải là dễ. Tuy nhiên, với sáng kiến của ông Nguyễn Văn Huỳnh (cựu sinh viên JNU) một cuộc gặp mặt đã được thu xếp hôm qua (24/7/2013) lại tai số 61 Bà Triệu (Hà Nội) với sự tham dự của một số vị khách mời đặc biệt, đó là Bà Nguyễn thị Bình- Nguyên Ngoại trưởng Chính phủ CM LT, sau đó làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam thống nhất; và Ngài  đương kim Đại sứ  cùng một số cán bộ Sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội. Đến dự còn có ông Vũ Quang Diệm người không thuộc nhóm JNU nhưng là bạn đồng môn, đồng nghiệp cùng thế hệ và từng có một nhiệm kỳ làm đại sứ tại Ấn Độ. Tuy chưa đông đủ mọi thành viên JNU, nhưng với thành phần kể trên cuộc gặp thật ý nghĩa. Đây là dịp để ôn lại những kỹ niệm đáng nhớ của một thời kỳ ý nghĩa nhất trong quan hệ Việt-Ấn. Chuyện cũ, chuyện mới, chuyện công, chuyện riêng cứ thế nổ như ngô rang trong bầu không khí cởi mở, chân tình và thân mật.

Về phần mình, các cựu sinh viên JNU bùi nguồi nhớ lại những ngày đầu "sang Tây Trúc lấy kinh" với bao điều lạ lẫm nhưng rất thú vị và đáng nhớ. Đầu tiên là sự ngỡ ngàng trước cái nắng nóng thường xuyên trên 40 độ C nhưng người Ấn hầu như không ai đội mũ (?) Tiếp đến là cái mùi cà-ri đặc trưng đi đâu cũng ngửi thấy của  xứ sở này. Và không sao quên được những cuộc tham quan đến những đền đài và di tích lịch sử cổ kính khắp mọi miền của đất nước Ấn Độ rộng lớn và đa dạng. Và những kỷ niệm vui buồn về cuộc sống tại  khu ký túc xá của trường vừa mới xây trên khu đồi sỏi đá không một bóng cây mà những sinh viên Việt Nam là một trong số những người đầu tiên dọn đến. Đó là nơi tụ tập sinh viên đến từ nhiều sắc tộc và tôn giáo trên khắp đất nước Ấn Độ, đặc biệt là các nữ sinh trong những bộ sa-ri nhiều màu sắc và kiểu cách trang sức độc đáo trên khuôn mặt và đôi mắt hút hồn của họ. Tất cả tạo nên một cộng đồng sinh viên mang đậm bản sắc Ấn Độ và không giống bất cứ một nước nào khác trên thế giới. Mọi người vẫn nhớ một chi tiết có lẽ chỉ có ở các trường học Ấn Độ, đó là lúc nào cũng có những người gác gọi là chu-ki-đa túc trực trước cửa các phòng ký túc nữ sinh để ngăn không cho nam sinh viên vào phòng, trong khi tại khu ký túc nam thì hoàn toàn tự do. Điều này có nghĩa là, nếu vì  một nguyên nhân nào, khi có nam, nữ ở cùng phòng với nhau thì coi như "xong rồi!". Kể ra đây là một thông lệ rất thú vị đấy chứ? 


Với Đại sứ  và 2 cán bộ Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội
Ông Nguyễn Sĩ Sung nguyên Trưởng Nhóm JNU nhớ lại chuyện thầy giáo Kapur một hôm đột nhiên hỏi cả lớp: "Sao hôm nay các anh không mặc comple?"  Cả lớp ớ ra...nhìn nhau cười. Chả là trước khi lên đường du học, như thường lệ Bộ Tài chính Việt Nam vẫn cấp  "quân trang" cho sinh viên, trong đó mỗi người có 2 bộ comple giống nhau của hiệu may Tiến Thành. Thời chiến tranh vải rất khan hiếm huống chi là màu sắc và kiểu cách! Bất luận đoàn gồm bao nhiêu người, là nam giới thì phải comple và sơ mi trắng. Đúng thời kì đó chỉ có vải xi-mi-li là loại được ưa thích vì vừa bền chắc, vừa không phải lo giặt là!. Nhưng chỉ có màu đen. Ai không thích đen cũng không thể đổi sang màu khác! Tất cả được đựng trong một chiếc va ly vải bố thô kệt không lẫn vào đâu được! Comple là "bộ cánh bốn mùa" của cán bộ và sinh viên Việt Nam khi được cử ra nước ngoài dù xứ lạnh hay xứ nóng, đi ngắn hạn hay dài hạn... (Chẳng hay các vị nào thích bàn về "quốc phục" có để ý đến chi chiết mang tính lịch sử này không nhĩ?) . Khi nào lạnh quá thì mặc thêm chiếc áo len, khi nào nóng quá thì chỉ mặc áo sơ mi trắng. Giầy thì cũng chỉ một loại của Nhà máy Giày da Thụy Khuê với một model muôn thuở, sang đến xứ người phần da co chật, phần đế bong tróc "há mồm"..., nhiều phen chết ngượng giữa đường! Riêng anh em Đoàn đi Ấn Độ năm ấy đã tự nhận ra mình trong bộ comple đồng phục màu đen và đùa với nhau "giống như đàn quạ!". Sở dĩ thầy Kapur hỏi vậy là vì hôm đó mọi người đã có dịp ra cửa hàng mua vài chiếc áo khác màu mặc lên lớp mà!

Cứ thế, hết chuyện nọ sang chuyện kia tưởng không bao giờ dứt. Bên cạnh những câu chuyện chính trị-xã hội có phần nghiêm chỉnh vẫn là những chuyện vui hài, và cũng có những chuyện về các sự cố không mong muốn...., và tất nhiên không thể thiếu vắng chủ đề ăn uống. Sau một thời gian ăn chung tại nhà ăn ký túc xá, nhóm sinh viên Việt Nam nhận ra rằng không thể nào tiếp tục như thế, vì không chỉ khác biệt về khẩu vị mà cả về cách ăn: Quân ta không thể nào ăn bằng những ngón tay... trong khi các bạn Ấn Độ dường như chỉ có thể ăn ngon bằng hai bàn tay của họ. Theo lẽ thường thì cái gì cũng có thể cố để thích ứng, nhưng chuyện ăn uống thì không. Kể cũng lạ! Rốt cuộc Ban quản lý nhà trường đã đồng ý và còn nhã ý "hỗ trợ" để nhóm sinh viên Việt Nam "tự biên, tự diễn" trong khâu ăn uống. Từ đó cứ sau mỗi buổi học mọi người tranh thủ ghé qua chợ rồi về nhà nấu ăn xì xụp với nhau rất ngon lành, và cũng rất hiệu quả! Phải chăng đây chính là một trong những đặc điểm dân tộc của người Việt, bất luận đó là tốt hay xấu?
 

Có rất nhiều những ký ức và không sao có thể kể hết ra được. Do điều kiện hạn hẹp, cuộc gặp mặt chỉ diễn ra trong quảng 2 giờ. Nhưng có lẽ điều quan trọng là nó không chỉ làm sống lại trong ký ức của mọi người về những gì đã xảy ra cách nay 40 năm mà còn gợi lên những gì cần làm trong thời gian sắp tới. Đó là cảm nhận từ không khí cuộc gặp giữa những con người không chỉ  nặng tình với quá khứ mà đồng thời luôn ý thức về hiện tại và tương lại. Là "người trong cuộc" tôi chỉ mạn phép ghi lại đôi điều và cung cấp một số hình ảnh để lưu niệm và chia sẻ cùng mọi người. Hi vọng cuộc hội ngộ đầu tiên này sẽ tạo tiền đề cho nhiều hoạt động khác.

Trần Kinh Nghị                            

      .

2 nhận xét:

  1. Tôi không hiểu sao bà Bình có tên thật,đẹp là Đoàn Thị Châu Sa mà lại đổi ra Nguỳễn Thị Bình.
    Thường ai cũng đặt lại tên rất đẹp như Lê Đức
    Thọ,Mai Chí Thọ v.v.

    Trả lờiXóa
  2. Tưỏng cũng cần nhắc lại là cụ Phan Chu Trinh cũng
    có 1 người cháu tên là Nguyễn Thị Bình,nhưng không
    phải N.T.Bình đề cập ở đây.

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này