Hiển thị các bài đăng có nhãn Triết lý kinh doanh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Triết lý kinh doanh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Một lựa chọn khả thi cho đường sắt Bắc - Nam

Lời giới thiệu của chủ blog
Là ngươi quê miền Nam nhưng hầu hết cuộc đời sống và làm việc ở Hà Nội, bản thân tôi và gia đình đã từng  nhiều lần đi Tàu Thống nhất, từ những chuyến tàu nhếch nhác nhất  trong những năm sau 1975 đến những chuyến tàu tuy chưa đẹp và chưa thuận tiện nhưng khá an toàn ngày nay, tôi thấy hoàn toàn đồng cảm với nội dung của bài viết dưới đây của tác giả người Nhật Pi Uy đăng trên báo Asahi Shimbun và được đưa lại trên Dân trí hôm nay.

May mắn thay, sau rất nhiều tranh cãi tại Quốc hội và trong công luận, cái gọi là "Dự án Tàu cao tốc Bắc -Nam " đã tạm hoãn vô thời hạn. Lúc đó tôi nghĩ  "Ông Trời đã cứu Việt Nam khỏi một bàn thua trông thấy!" Và tôi cũng rất lấy làm thú vị khi đường hầm Đèo Hải Vân được khánh thành, nhưng đường sắt vẫn còn chạy trên con đường cũ của nó vắt vẻo trên đĩnh Đèo mà mỗi lần có dịp đi qua tôi vẫn thầm khen là "báu vật" của ngành du lịch Việt Nam chỉ tiếc rằng chưa được khai thác...

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

Đã tham nhũng còn lãng phí !

Vài tuần trước tôi có đăng một "chuyện thường ngày ở huyện" tại đây  http://trankinhnghi.blogspot.com/2013/01/cchuyen-binh-thuong-cua-mot-xa-hoi.html

Và chuyện đó chưa chấm hết...Hôm nay một nhóm thợ (mặc đồ thường dân) lại đến phố Tô Hiệu đào bới vỉa hè....Và họ đã làm vỡ một ống nước khiến nước tuôn ra ào ào suốt hơn một tiếng đồng hồ.  Người dân rất xót của nhìn giòng nước trôi xuống cống và tràn ngập lòng đường. Nước tạo ra bùn bẩn và cản trở giao thông. Tấm ảnh dưới đây được chụp sau khi giòng nước đã được tạm thời bịt lại chờ xử lý.
 
Hỏi ra mới biết mấy người "thợ không chuyên" đó đang tìm chỗ để cắt bỏ vĩnh viễn cái đường ống nước đã được thay thế hồi trước Tết! Không có sơ đồ đường ống, họ chỉ biết mò mẫm dò tìm hú họa dọc theo tuyến phố, không trúng chỗ này thì đào chỗ khác. Khi ống nước vỡ họ cứ loay hoai tìm cái họ gọi là "mối nối" gì đó... mà không quan tâm đến việc bịt chỗ ống nước vỡ, mặc kệ nước cứ chảy. Chỗ nước thất thoát ước tính mất hàng nghìn mét khối. Không biết ai chịu thất thoát này, nếu không phải là người tiêu dùng?

Qua đó cho thấy, cái gọi là "Dự án di dời đồng hồ nước từ trong nhà ra ngoài nhà" nghe đã vô lý. Và những việc làm khuất tất sớm muộn cũng phơi bày ra, trong đó có vụ vỡ ống nước hôm nay. Tuy nhiên, như thường lệ, mọi dự án đều "hoàn thành xuất sắc" và những kẻ vụ lợi đã cao chạy xa bay. Bây giờ chỉ thấy mấy người thợ thường dân được thuê để khắc phục hậu quả...; họ có nhỡ làm vỡ ống nước cũng là chuyện bình thường. Nước chảy, bèo càng dễ trôi mà ! Đó là thứ triết lý đơn giản ở  một xã hội mà tham nhũng đã trở thành "cơ chế". Bọn tham nhũng ăn một phá mười, lãng phí nước chỉ là chuyện vặt so với những vụ tầy đình như PMU, Năm Cam, Vinashin, Vinalines, Vietnam Airlines, v.v...../.        
       

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Học gì từ văn hóa Nhật Bản


Người Việt gần đây, nhất là sau những vụ thiên tại và nhân tai liên tiếp giáng vào nước Nhật, càng nhận rõ hơn thế mạnh của văn hóa Nhật Bản. Càng đọc, càng tìm hiểu càng thấy sức mạnh của nước Nhật Bản thật sự bát nguồn từ văn hóa. Nhưng không ai có thể cuối đầu đúng kiểu hơn người Nhật, cũng không thể cứ mặc ki-mô-nô hoặc uống rượi sa-kê thì sẽ thành người Nhật..., đồng thời người Nhật cũng không bắt chước các nền van hóa khác, kể cả Mĩ hoặc Trung Hoa. Phải chăng điểm cốt lõi của nền văn hóa Nhật Bản chính là lòng chân thành, hay nói cách khác, không bao giờ có chỗ cho sự giả dối trong văn hóa? Và đó chính là bài học trước tiên mà người Việt, đặc biệt là doanh nhân nên học - Bách Việt

Cúi nhưng không thấp

Người Nhật có thói quen gập hơn nửa người cúi chào khách. Từ ông chủ tịch, tổng giám đốc của tập đoàn thực phẩm lớn như Acecook (Oaska) cho đến cô bé bán kem ở Lake Hill Farm (Jozankei) đều nhiệt thành ra tận xe, vẫy chào tạm biệt khách cho đến xe đi khuất hẳn.

Cái nghiêng mình quen thuộc khi người Nhật chào khách
 
Ở đất nước mặt trời mọc, hình ảnh nghiêng gập người cúi chào thể hiện cả một nền văn hóa Nhật Bản: Cúi nhưng không hạ mình . Sự nhún nhường chỉ làm tăng thêm sự nể trọng của người đối diện. 
Trên các chuyến bay của hãng hàng không Japan Airlines, nụ cười luôn nở trên môi các tiếp viên. . Họ sẵn sàng ngồi, chính xác là "quỳ xuống", giúp khách sửa tư thế của đôi chân tê mỏi.
Họ niềm nở, vui vẻ tiếp nhận yêu cầu của hành khách khó tính nhất. Không phải phẩm  chất  máy bay khiến hành khách hài lòng mà chính cách phục  vụ của tiếp viên khiến mọi người nghĩ tốt về người Nhật. Chỉ vài phút khởi hành trễ, toàn bộ nhân viên phục vụ mặt đất và tiếp viên, phi công dàn thành hàng ngang, cúi  rạp người xin lỗi khách.
Họ thật sự đã thành công khi để lại ấn tượng sâu sắc về một nước Nhật vô cùng hiếu khách và  nghệ thuật giao tiếp của họ tuyệt vời.

 
Trung thực
Ở Nhật, bạn khó có cơ hội bắt taxi để đi một cuốc đường dài. Vì sao? Các tài xế sẽ tự chở bạn thẳng đến nhà ga tàu điện ngầm, kèm lời hướng dẫn “Hãy đi tàu điện ngầm cho rẻ”.
Sự trung thực của người Nhật, in đậm nét ở những
 
"mini shop không người bán” tại Osaka. 
  Nhiều vùng ở Nhật không có nông dân. Ban ngày họ vẫn đến công sở, ngoài giờ làm họ trồng trọt thêm. Sau khi thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm, dán giá và để thùng tiền bên cạnh. Người mua cứ theo giá niêm yết mà tự bỏ tiền vào thùng. Cuối ngày, trên đường đi làm về, họ ghé đem thùng tiền về nhà. Nhẹ nhàng và đơn giản.
Các con đường mua sắm, các đại siêu thị ở Hokkaido, Sapporo hay Osaka... cũng không nơi nào bạn phải gửi giỏ/túi xách.  Quầy thanh toán cũng không đặt ngay cổng ra vào.  Người Nhật tự hào khẳng định động từ "ăn cắp vặt" gần như đã biến mất trong từ điển.
Nếu bạn đến Nhật, toàn bộ các cửa hàng sẽ tự động trừ thuế, giảm 5 - 10% khi biết bạn là khách nước ngoài.
“No noise” - không ồn
Nguyên tắc không gây tiếng ồn được áp dụng triệt để tại Nhật. Tất cả hight ways đều phải xây dựng hàng rào cách âm, để nhà dân không bị ảnh hưởng bởi xe lưu thông trên đường. Osaka bỏ ra 18 tỷ USD xây hẳn 1 hòn đảo nhân tạo để làm phi trường  rộng hơn 500ha ngay trên biển. Lý do đơn giản chỉ vì “người dân không chịu nổi tiếng ồn khi máy bay lên xuống”.
Phi trường  quốc tế Kansai được xây dựng trên hòn đảo nhân tạo, cách xa khu dân cư
Tại các cửa hàng mua sắm, dù đang vào mùa quảng cáo, cũng không một cửa hàng nào được đặt máy phát ra tiếng. Tuyệt đối không được bật nhạc làm ồn sang cửa hàng bên cạnh. Muốn quảng cáo và thu hút thì cách duy nhất là thuê một nhân viên dùng loa tay, quảng cáo với từng khách.
Nhân bản
Vì sao trên những cánh đồng ở Nhật luôn còn một góc nguyên, không thu hoạch? Không ai bảo ai, những nông dân Nhật không bao giờ gặt hái toàn bộ nông sản mà họ luôn "để phần" 5-10% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự nhiên.
 
Bình đẳng
Mọi đứa trẻ đều được dạy về sự bình đẳng.
Để không có tình trạng phân biệt giàu nghèo ngay từ nhỏ, mọi trẻ em đều được khuyến khích đi bộ đến trường. Nếu nhà xa thì xe đưa đón của trường là chọn lựa duy nhất. Các trường không chấp nhận cho phụ huynh đưa con đến lớp bằng  xe hơi.

Bình đẳng là điều đầu tiên các em học được ở trường
Việc mặc đồng phục vest đen từ người quét đường đến tất cả nhân viên, công chức cho thấy một nước Nhật không khoảng cách. Những ngày tuyết phủ trắng nước Nhật, từ trên cao nhìn xuống, những công dân Nhật như những chấm đen nhỏ di chuyển nhanh trên đường. Tất cả họ là một nước Nhật chung ý chí, chung tinh thần lao động.
Văn hóa xếp hàng thấm đẫm vào nếp sinh hoạt hàng ngày của người Nhật. Không có bất cứ sự ưu tiên nào . Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một ngày bạn thấy người xếp hàng ngay sau lưng mình chính là Thủ tướng.
Nội trợ là một nghề 
 Hàng tháng chính phủ tự trích lương của chồng đóng thuế cho vợ. Do đó, người phụ nữ ở nhà làm nội trợ nhưng vẫn được hưởng các chế độ y như một người đi làm. Về già, vẫn hưởng đầy đủ lương hưu.
Độc đáo hơn nữa là nhiều công ty áp dụng chính sách, lương của chồng sẽ vào thẳng tài khoản của vợ. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình vì thế luôn được đề cao, tôn trọng.
***
Ở đất nước mặt trời mọc, mọi người  hiểu sâu sắc lý do khiến nước Nhật tan hoang sau chiến tranh thứ 2, bật dậy mạnh mẽ trở thành cường quốc khiến cả thế giới phải nghiêng mình.
Nguồn: Qua trao đổi e-mail với bạn bè 


Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Tết cổ truyền nên tổ chức theo dương lịch(*)

(*) Đó là ý kiến của Ông Võ Tòng Xuân -Giáo sư – Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân -nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa. Ông sinh năm 1940 tại Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang, nguyên Hiệu trưởng ĐH An Giang. Nhân dịp năm mới Dương lịch vừa đi qua và Tết Âm lịch đang đến gần, Bách Việt muốn đăng lại bài viết của tác giả cách nay 7 năm để tham khảo. Vẫn biết để thay đổi một tập tục có bề dầy hàng ngàn năm hoàn toàn không đơn giản. Nhưng mọi sự thay đổi đều có giá trị của nó-Bách Việt.
 
Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân là nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa. Ông được tặng nhiều giải thưởng cao quý trên thế giới, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông có nhiều đóng góp cho trong việc nghiên cứu cây lúa ở ĐBSCLcũng như trong sự nghiệp giáo dục tại vùng này. Ông sinh năm 1940 tại Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang, nguyên Hiệu trưởng ĐH An Giang.
GS-TS Võ Tòng Xuân
“Trong khi ta vui Tết âm bên chén tạc chén thù thì những đối tác của ta lại làm việc bình thường, còn trong khi chúng ta vẫn làm việc bình thường ở Tết dương thì ở nước ngoài người ta nghỉ, thị trường chứng khoán đóng băng”.
GS-TS Võ Tòng Xuân chia sẻ quan điểm Tết cổ truyền Việt Nam nên tổ chức theo dương lịch cùng thế giới trong thời đại hội nhập hiện nay. Dưới đây là nguyên văn bài viết của ông.
Ngày 14/02/2005 mục “Chào buổi sáng” của báo chí có đăng bài viết của tôi nhan đề Tết “hội nhập,” tại sao không? Ngay sau đó một làn sóng tranh luận rất sôi nổi đã dấy lên trong mục “Ý kiến bạn đọc” của tờ báo.
Chỉ trong vòng vài ngày mà đã có hơn 200 độc giả góp ý, trong số đó nhóm không đồng tình chiếm hơn 50%. Sự tranh luận này tiếp tục kéo dài cho đến năm nay 2012, qua nhiều diễn đàn. Tôi tải về tổng cộng được 396 trang A4 với cỡ chữ 8,5.
Thật sự tôi rất cảm kích sự quan tâm của độc giả về vấn đề này, vì đó là thể hiện sự tiến bộ của dân tộc Việt Nam chúng ta trong thời đại mới.
Vì ý kiến quá nhiều, tôi không thể đọc hết các chi tiết lập luận, nhưng có thể thấy được số ý kiến ủng hộ ngày càng nhiều hơn trước, nhất là khi các ý kiến ấy mới được nêu vào năm nay 2012, bảy năm sau khi bài báo xuất hiện.
Tuy nhiên tôi cố gắng đọc kỹ những ý kiến không đồng tình để học hỏi thêm lập luận của các bậc tiền bối.
Một điều tôi khám phá rất quan trọng là những lập luận không đồng tình này đã chỉ căn cứ vào cái tít của những thành viên diễn đàn (hoặc của biên tập viên nhà báo) viết cho kêu như “Có nên bỏ ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam?”, “Tết Tây hay Tết ta?”, “Bỏ hay không bỏ ngày Tết cổ truyền Việt Nam?”, không đúng theo nội dung trình bày của tôi trong bài Chào Buổi Sáng 14/2/2005.
Vì không đọc kỹ lập luận của tôi mà chỉ căn cứ trên những cái tít giựt gân trên đây nên có một số vị độc giả đã viết những câu chê trách quá nặng lời. Sự hiểu lầm này nhằm vào 2 điểm chính:
1. Bỏ ngày Tết cổ truyền
Tôi không hề viết một ý kiến như vậy bất cứ ở đâu. Đọc lại bài trên mục Chào buổi sáng trên báo chí năm 2005, tôi viết rất rõ: “Đã đến lúc chúng ta định nghĩa lại “bản sắc dân tộc” của sự ăn Tết theo lịch Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập thế giới.
Dứt khoát chúng ta không nỡ hưởng thụ đến 3-4 tuần lễ Tết dương lịch và âm lịch gộp lại trong khi các nước đang dành thời giờ đua làm giàu.
Và dĩ nhiên chúng ta cũng không muốn để lỡ cơ hội đưa đất nước tiến nhanh đến phồn vinh. Nên thống nhất ăn Tết cùng lúc với các đối tác thương trường của chúng ta, chuyển các tập quán ăn Tết âm lịch sang các ngày dương lịch, và giảm dần ngày nghỉ Tết âm lịch quá lê thê”.
Như thế, thí dụ tục lệ lì xì thay vì xảy ra vào ngày mồng 1 âm lịch thì ta đổi lại là mồng 1 dương lịch, v.v… Có độc giả chuyên chơi hoa đã cho biết là có thể điều khiển cho hoa mai và hoa đào nở vào ngày mồng 1 dương lịch.
Những phong tục tốt đẹp ngày Tết cổ truyền, dù có dược đổi sang dương lịch, vẫn cần phải được gìn giữ và phát huy.

                                                     Những phong tục tốt đẹp ngày Tết cổ truyền, dù có được  đổi sang  dương lịch, vẫn cần phải được gìn giữ và phát huy.

2. Bỏ lỡ cơ hội kinh tế (làm giàu)
Tôi nêu mấy thí dụ cho thấy trong khi ta vui Tết lê thê thì thị trường chứng khoán ở Tokyo, New York, London đang hoạt động; các doanh nghiệp bạn hàng của ta ở ngoại quốc cũng đang hoạt động, chắc chắn ta sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt.
Tôi viết: “Ở An Giang, Công ty XNK thủy sản Afiex liên tục nhận fax của khách hàng nước ngoài đặt mua cá filê. Cũng trong mấy ngày Tết ta này tôi vẫn nhận đều đều 30 – 40 bức điện, thư mỗi ngày, trong đó có hai thư phải trả lời ngay để kịp thời hạn.
Một thư về dự án Asia Link (Kết nối Á châu) của Trường Đại học Corvenus ở Budapest, và thư kia của ông Hiệu trưởng Đại học Tufts của Mỹ yêu cầu cho biết ngay tôi có thể tham gia hội nghị quốc tế hiệu trưởng một số trường đại học thảo luận chuyên đề vai trò đại học trong phục vụ xã hội hay không.
Tôi chắc chắn hàng nghìn người chức trách điều hành các ban ngành trung ương và các doanh nghiệp công và tư cũng đã nhận được những điện thư khẩn của các đối tác từ nước ngoài gửi về cần được trả lời ngay trong lúc chúng ta đang “ăn Tết”.
Thực vậy, trong khi chúng ta vui Tết bên dưa hành và bánh chưng, bánh tét, bên chén tạc chén thù đến nhức cả đầu thì những đối tác của ta lại đang làm việc bình thường, và các dịp may trong thương trường quốc tế không thể chờ ta ăn Tết xong, mà chúng sẽ lọt vào tay những ai đáp ứng trước.
Nhớ lại khoảng thời gian từ 24/12 đến 3/1 dương lịch, trong khi chúng ta vẫn làm việc bình thường thì ở nước ngoài người ta nghỉ Tết Tây (kể cả Nhật Bản), thị trường chứng khoán Tokyo, New York, London… đóng băng.
Lúc ấy cho dù ta muốn giao thương với họ vẫn không ai làm việc hoặc gửi thông tin gì cho ta. Như vậy trong thời hội nhập kinh tế thế giới, nếu Việt Nam tiếp tục ăn Tết theo âm lịch thì đương nhiên chúng ta hưởng hai lần nghỉ Tết, tổng cộng ít nhất 3 tuần lễ nghỉ.
Chúng ta biết trên thương trường quốc tế, chỉ hơn thua nhau vài phút là có thể giật lấy hoặc bỏ rơi cơ hội mang về những lợi ích quan trọng. Nếu vì mải mê ăn Tết mà để lỡ cơ hội thì cơ quan sẽ bị thiệt thòi hoặc bỏ lỡ nhiều cơ hội làm giàu.”
Tôi nghĩ rằng nếu tất cả quí vị độc giả có thời gian đọc kỹ bài viết của tôi thì chắc sẽ đồng tình với những lập luận của tôi, như tôi đã cảm nhận khuynh hướng này trong số đông ý kiến mới nhất trong các diễn đàn.
Trong khi các nước đang thi nhau làm giàu, Việt Nam có tiềm năng bắt kịp họ hoặc hơn họ trong tương lai gần nếu bớt ăn nhậu, vui chơi kéo dài, dành thời gian làm việc vào những ngày thế giới làm, nghỉ theo những ngày thế giới nghỉ.
Dĩ nhiên các tập quán cổ truyền lành mạnh của ta chúng ta vẫn giữ và sẽ cử hành vào ngày dương lịch như thế giới đang làm. Chúng ta nên cương quyết đổi mới, không ăn tết 2-3 thậm chí 4 tuần theo âm lịch nữa mà chỉ nên ăn tết 4 ngày theo dương dương lịch là đủ.
Thay đổi tập quán rất khó, nhưng trong tập quán Tết Việt Nam chúng ta thay đổi không khó vì chúng ta vẫn cử hành các tập quán đó, nhưng trong ngày dương lịch. Có quyết tâm đổi mới “Ăn Tết Ta theo ngày dương lịch,” đất nước Việt Nam sẽ có những điều lợi sau đây:
1- Vừa giữ được các tập quán Tết cổ truyền, vừa ít bỏ lỡ cơ hội nắm bắt đối tác kinh doanh, giao thương với nước ngoài.
2- Ít mất thời giờ của nông dân (đại bộ phận người dân) dành chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm.
3- Học sinh và sinh viên có thời khóa biểu học tập và thi học kỳ một cách hợp lý, không gượng ép nghỉ theo âm lịch, do đó không phí thời gian học hành.
4- Giám tối thiểu tình trạng dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian học tập, tổn hại sức khỏe và tính mạng trong giao thông.
5- Chấm dứt lãng phí nhiều ngày làm việc mà mình nghỉ, trong khi quốc tế làm việc.
Theo VTC News

--------------

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Tản mạn về "Tây hóa"

Tác giả: Phạm Gia Minh; nguồn: Boxitvn; hình minh họa của chủ blog
Nghe râm ran đâu đây câu chuyện thời sự về những người “bạn quốc tế hảo tâm vốn sẵn tình cảm chân thành “ với Việt Nam đã khuyên chúng ta phải tránh 3 xu hướng nguy hiểm, đó là “Tây hóa”, “ tha hóa” và thoái hóa”. Tha hóa và thoái hóa thì rõ ràng chẳng ai muốn và nhất thiết phải chống quyết liệt, thế nhưng “Tây hóa” là thế nào đây khiến không ít người hoài nghi, thắc mắc.
Nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm lại thấy khó – chống thế nào đây khi Việt Nam đã giã từ chữ tượng hình Hán Nôm với bao bất cập, rối rắm và nhược điểm để phổ cập chữ quốc ngữ gốc Latinh- một hệ thống ký tự của văn hóa Phương Tây đích thực, giúp quảng đại quần chúng dễ dàng tiếp cận kiến thức và xây dựng phong cách tư duy khoa học, mạch lạc. Ngôn ngữ và chữ viết chính là con thuyền chở tư tưởng đi xa và người Việt Nam cần phải cám ơn lịch sử đã cho chúng ta một cơ hội để trang bị cho bản thân một công cụ tiện lợi và sắc bén, đó là chữ quốc ngữ ngày nay. Trong số rất nhiều các nước Á Châu, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia đã thành công trong việc dám từ bỏ những bất cập trong hành trang văn hóa truyền thống để tiếp thu văn minh Phương Tây năng động, khoa học.

Ảnh tư liệu: Hà Nội thời Pháp thuộc
Chẳng phải Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng đã trích dẫn các lý tưởng về Tự do - Bác ái - Bình đẳng - Nhân quyền của các cuộc cách mạng xã hội ở Phương Tây như những hình mẫu mà nhân dân chúng ta hằng mơ ước đó sao?
Nhìn lại lịch sử, Phương Đông tuy có bề dày lịch sử hàng ngàn năm nhưng lại là một đêm dài của xã hội toàn trị nơi quyền lực chi phối hết thảy, còn mạng sống của các “thần dân bé nhỏ, bất lực và thụ động” có khác gì con ong, cái kiến. Đó là mô thức phát triển ngưng đọng, trì trệ, ngột ngạt kéo dài triền miên mà không có thay đổi về cấu trúc và tiến bộ xã hội. Trái lại, tuy còn có những hạn chế và bất cập nhưng Phương Tây đã xây dựng nên những khái niệm và hình mẫu về Dân chủ - Nhân quyền - Bình đẳng - Bác ái và tiến bộ xã hội. Trên cơ sở đó mà hình thành nên mô hình nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự được đa số các quốc gia thịnh vượng ngày nay áp dụng. Có thể nói Phương Tây đã đóng góp phần lớn các giá trị và chuẩn mực văn minh mang tính phổ quát toàn cầu, làm nền tảng cho các sinh hoạt cộng đồng quốc tế hiện nay.
Phương Tây với lối tư duy hệ thống, năng động, phóng khoáng và mạch lạc đã xây dựng nên nhiều ngành khoa học mang giá trị thực chứng và các ngành sản xuất năng suất cao mang lại hạnh phúc cho nhân loại, trong khi đó Phương Đông mặc dù có những nền văn minh lâu đời nhưng không thể vượt ra khỏi những giáo điều cứng nhắc và không thể hệ thống hóa lại những kiến thức mang nặng tính chiêm nghiệm để nâng lên tầm khoa học.
Trung Quốc trong hơn 30 năm trở lại đây đã tiến hành “4 hiện đại hóa” trên cơ sở học tập khá kỹ và toàn diện những kiến thức kinh doanh và quản trị xã hội của Phương Tây. Hàng trăm ngàn sinh viên đã được gửi sang các nước Phương Tây học tập và ngày nay không hiếm những lãnh đạo trẻ Trung Quốc đã từng được tu luyện về quản trị cao cấp ở các trường như MIT, Harvard, Cornell, v.v. Gần đây Trung Quốc còn mạnh dạn thuê các CEO từ các nước Phương Tây phát triển và áp dụng nhiều chuẩn mực quốc tế để quản trị các tập đoàn kinh tế nhà nước và xu hướng này cũng đang được nhiều doanh nghiệp tư nhân noi theo. Mua lại, sáp nhập các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ và Châu Âu với giá hời nhân cơ hội khủng hoảng kinh tế, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tình báo công nghiệp tại các trung tâm kỹ nghệ quan trọng của Phương Tây nhằm lấy cắp bí mật đang là một chính sách dài hơi của Bắc Kinh.
Nếu như chúng ta đã tiến hành “cải tạo tư sản” sau tháng 4/1975 bằng cách quốc hữu hóa nhiều nhà máy, xí nghiệp và cơ sở kinh doanh khiến sản xuất đình trệ, nhân lực có tay nghề cao ly tán thì Trung Quốc đã khôn ngoan sử dụng sự trở về với đại lục của Hồng Kông năm 1997 như một cơ hội ngàn vàng để học cách kinh doanh hiện đại của Phương Tây một cách rất triệt để, góp phần nâng cao năng lực hội nhập toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa. Chính sách thu hút vốn và nhân tài Hoa kiều ở các quốc gia Phương Tây của Trung Quốc có nhiều điểm khiến chúng ta phải học hỏi.
Giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế của Trung Quốc đã vững mạnh thì việc các nhà quản trị và học giả của họ quảng bá những luận thuyết phát triển riêng mang màu sắc Trung Hoa và đầy tinh thần dân tộc cũng là lẽ thường tình. Tuy vậy Trung Quốc vẫn chưa đạt được bình đẳng xã hội khi hệ số Gini có xu hướng tăng liên tục và đạt mức khá cao trong những năm gần đây (khoảng 0.47 – theo Wikipedia) khiến hàng năm có tới hơn 100.000 cuộc biểu tình, bãi công. [Chỉ số Gini bằng 0 có nghĩa là mọi người đều có thu nhập như nhau; bằng 1 nghĩa là một người có tất cả thu nhập, còn những người khác không có chút thu nhập nào – BVN]; tham nhũng đã trở thành con bệnh trầm kha và bức tranh an sinh - xã hội mang nhiều gam màu u tối nếu so sánh với nhiều quốc gia Phương Tây khác, đặc biệt là những nước Bắc Âu theo mô hình xã hội - dân chủ.
Tham gia vào các tổ chức toàn cầu như WTO, IMF, World Bank, v.v. vận hành chủ yếu theo các chuẩn mực Phương Tây bắt buộc những quốc gia thành viên phải thực hiện hợp chuẩn mọi hoạt động kinh tế - xã hội trong nước. Khó có thể tưởng tượng liệu chúng ta lại một mình chơi theo một kiểu riêng biệt khi mà ngay cả Trung Quốc cũng đang tích cực chơi theo luật quốc tế để hướng tới một vai trò lãnh đạo trong các tổ chức đó, xứng với tầm cỡ của họ hiện nay.
Nhớ lại lịch sử dân tộc đầy những biến cố đau thương, ngay cả khi Việt Nam hoàn toàn nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa và mô thức phát triển Phương Đông kiểu Trung Hoa thì nhà Minh vẫn cho hủy hoại, cướp đi mọi giá trị văn hóa mang dấu ấn và hồn Việt của chúng ta. Đối với các dân tộc lân bang, từ ngàn xưa các vua chúa Trung Hoa vẫn có chính sách kìm hãm phát triển để dễ bề thôn tính. Ngay cả đối với môn phong thủy, các vua chúa Trung Hoa đã chủ ý phát tán những sách vở được gọi là “ngụy thư” nhằm đưa các quốc gia nằm trong vòng ảnh hưởng của họ mãi mãi rơi vào cái tâm thế “mê lú, luẩn quẩn” nên không thể tự lực, tự chủ vươn lên thoát ra khỏi vòng cương tỏa về tư tưởng của họ được, còn các “chính thư” thì được họ giữ kín để dùng riêng. Điều này chỉ được tiết lộ cho thế giới bên ngoài cung đình Trung Hoa biết khi Anh quốc xâm chiếm Trung Hoa (1).
Dân tộc Nhật Bản rất đáng được chúng ta khâm phục và ngưỡng mộ khi cách đây hơn 100 năm họ đã có những đại diện cho giới trí thức tinh hoa như Fukuzawa Yukichi dám dũng cảm đương đầu với những thế lực phong kiến hủ lậu khi ông cho công bố văn kiện có ý nghĩa canh tân toàn diện đất nước “Thoát Á luận”.
Ngày nay không ai có thể nói nước Nhật không còn giữ được những nét văn hóa và giá trị tinh thần truyền thống của mình, quả thực người Nhật đã “Tây hóa” để trở thành một quốc gia thịnh vượng, văn minh mà vẫn không bị “hóa Tây”. Chúng ta hẳn còn nhớ những hình ảnh sống động về con người và tính cách Nhật Bản khi cách đây đúng một năm, thảm họa sóng thần khủng khiếp ập đến, dân tộc Nhật đã bình tĩnh và can đảm như thế nào đương đầu với khó khăn để rồi lại tiến lên không ngừng. Xa hơn, cách đây hơn một thế kỷ, trước làn sóng thôn tính thị trường thế giới của Phương Tây mạnh mẽ và kéo dài hơn mọi con sóng thần, người Nhật đã rất thông minh áp dụng chiến lược “học Phương Tây để thắng Phương Tây”.
Hãy tiếp thu những bài học “Tây hóa” từ lịch sử các quốc gia Châu Á thành công. Viết tới đây, tôi bỗng nhớ tới những lời rất tâm huyết của một nhà văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX: “Lịch sử không chỉ có tác dụng giáo dục; nó còn khích lệ. Nó làm nguôi ngoai, đem lại sự bình tâm; nó xoa dịu những nôn nóng cũng như những lo âu và cung cấp chỗ dựa cho niềm tin và hy vọng….” và “khi ta có được cái may mắn thuộc về một dân tộc có sau lưng mình hai mươi lăm thế kỷ lịch sử, thì trong những lúc thất vọng hay hoài nghi, sẽ là một khích lệ tuyệt diệu nếu biết nhớ lại thiên sử thi anh hùng dài lâu của tổ tiên và rút lấy từ trong các bài học của quá khứ những sức mạnh cần thiết để đối mặt với hiện tại và chuẩn bị cho tương lai”.(2).
Chỉ bằng cách đó mới không bị rơi vào cái thế hoang mang như kẻ “đẽo cày giữa đường” và có khi còn bị kẻ xấu “xui trẻ con ăn cứt gà sáp” như dân gian vẫn thường nhắc nhở.
Thăng Long - Hà Nội 6/3/2012
P. G. M.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
(1). Raymond Lo 2008. Phong thủy và số mệnh đối với các nhà quản lý (bản dịch của Phạm Gia Minh). Hà Nội: NXB Tri thức.
(2).Phạm Quỳnh 2007. Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932. Hà Nội: NXB Tri thức.
----------------

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Xấu chơi

Xấu chơi hay chơi xấu cũng vậy thôi. Đó là một thói xấu mà rất nhiều người làm ăn kinh doanh cần tránh (Tôi muốn nói đến người làm kinh doanh vì đối với họ nó quan trọng hơn nhiều đối với những người khác, vì nếu không khéo thì “gậy ông đập lưng ông”).

Hôm vừa rồi tôi có việc đi Pleyku mấy ngày rồi quay ra Hà Nội . Chuyến đi sẽ trôi chảy và khá thú vị , nếu không có một hiện tương (tôi nói là “hiện tượng” cho nó nhẹ bớt đi dù vẫn biết loại hiện tượng này rất phổ biến ở nước ta trong thời buổi kinh doanh chụp dựt vô nguyên tắc, vô đạo lý có thể gọi là "nhọm nhạm" trong nhiều năm nay). Nó khiến tôi cảm thấy rất chi là “tức cảnh” và phải ngồi lại viết đôi điều ít ra cũng để “xả xì-trét”.

Là người Nam sống ở Bắc nên tôi thường phải đi lại rất nhiều từ đầu đến gữa hoặc cuối cái đất nước có hình chữ S này, ít nhất cũng 2 lần mỗi năm. Ngày trước  do khó khăn tôi không ngại đi bằng bất cứ phương tiện nào. Ngày nay thuận tiện hơn, và bản thân cũng đã có tuổi, nên tôi hay đi máy bay, lại còn đi taxi ra vào sân bay nữa.

Tuy nhiên gần đây không hiểu vì tình hình khủng hoảng kinh tế hay lý do nào đó mà tôi sinh ra ý định sẽ đi từ sân bay về nhà bằng xe bus. Ý định này được “bà xã” rất hoan nghênh  bằng cách “tư vấn” cho tôi cách làm thế nào tìm được đúng loại và số xe tốt nhất.

Để cẩn thận, tôi định sẽ làm quen với một vài hành khách cùng tuyến để hỏi kinh nghiệm. Và cũng thật may, khi ngồi phòng chờ ở Pleyku tôi nhận ra một người trẻ tuổi mà tôi đã ngồi cạnh tại phòng đợi trong chuyến bay vào hôm trước. Anh ta cũng rất vui nhận ra tôi giữa cái sân bay tĩnh lẻ này .   Tôi chưa kịp nói hết “ý đồ” của mình thì anh bạn trẻ đã nhận lời sẽ giúp tôi ngay và cho biết anh ta vẫn thường xuyên đi xe bus sân bay. Vậy là tôi đã cảm thấy “yên chí lớn” giống như một cậu bé đến trường với sự diều dắt của cô bảo mẫu.

Khi xuống máy bay, thấy trời mưa, tôi hơi do dự muốn gọi taxi , bụng nghĩ  dù sao đi 2 người thì chi phí cũng bớt được ½. Nhưng anh bạn vẫn “kiên trì đường lối” và dẫn tôi đi nhanh về phía có nhiều xe bus to, nhỏ cách đó độ 300m. Khi đi ngang qua một chiếc minibus thì có mấy người xông ra níu kéo mời chào rất nhiệt tình. Thấy trên xe đã có khá đông người, có cả  người Tây…tôi tưởng đây là “đúng fốc” cái xe mà mình cần. Nhưng anh bạn tôi nhìn qua một cái  liền quay đầu đi tiếp. Tôi đành phải đi theo. Đến một chiếc bus loại to nhất thì dừng lại. Mà không dừng cũng không xong khi có mấy người cũng xông ra níu kéo mời chào . Lúc đó tôi thoáng nghe ai đó nói: “….xe này không đi qua đường Hoàng Quốc Việt đâu”. Tôi nghĩ  đây không phải là xe giành cho mình, nên đành chào anh bạn rồi quay lại với cái xe minibus lúc nãy, bụng bảo dạ: đàng nào họ cũng đang cần mình để đủ người đi…Mình cần họ, họ cần mình, thế là phải đạo.

Thế nhưng, không ngờ đó không phải là cái lô-gíc của những gã lơ xe kia. Họ nhìn tôi quay lại với một con mắt đầy hằn học…thậm chí muốn báo thù thì phải(?) Một gã bảo: “Lúc nãy bảo đi, không đi…Giờ thì không cho đi nữa! Một gã khác lại nói “Đã bảo không nghe…cho chết!”. Trong tôi nỗi lên một cảm giác như bị giội nước lạnh từ trên đầu giữa mùa Đông rét mướt. Không van xin cũng không cần giải thích, tôi buộc mồm quát lên: Sao xấu chơi thế!..., khiến mấy người Tây đang chờ đợi trên xe cũng giật mình. Trông họ có vẽ muốn cảm ơn tôi đã phần nào giúp họ bày tỏ sự bực tức đối với đám lơ xe. Lúc này trong đầu tôi lại hiện lên những lời nhận xét của một bài viết của một tác giả hải ngoại mà tôi đã tình cờ đọc được cách đây mấy tháng :”Người Việt xấu xí”…Đúng quả thật người Việt xấu xí…xấu từ ngoài vào trong. Có lẽ từ nay về sau tôi sẽ không bao giờ dám nghĩ đến việc đi bằng xe minibus sân bay nữa.

Nhưng sau đó khi ngồi trên một cái xe khác để vào thành phố, tôi nghĩ : Người Việt không những xấu xí mà còn rất yếu kém trong lĩnh vực kinh doanh (Tôi dùng chữ “yếu kém” cho nó lịch sự chứ thật ra là “không biết” thì đúng hơn). Mấy gã lơ xe kia chắc là ít học thì không biết đã đành, chứ các cơ quan chức năng  mà cũng không biết thì còn ai có thể biết (?)  Hà Nội có khá nhiều xe bus trống rỗng chạy nhông nhông giữa phố như "điên", mặt lái xe và lơ xe lúc nào cũng cau có...; nhà xe kêu "lỗ vốn" vì ít khách trong khi hành khách rất cần xe nhưng cũng rất lo sợ bị "hành" nên đành quy về với cái xe máy hay xe đạp (!) Có quá nhiều nghịch lý trong các ngành kinh doanh dịch vụ như vậy trên đất nước ta ngày nay./.              




Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này