Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Xấu chơi

Xấu chơi hay chơi xấu cũng vậy thôi. Đó là một thói xấu mà rất nhiều người làm ăn kinh doanh cần tránh (Tôi muốn nói đến người làm kinh doanh vì đối với họ nó quan trọng hơn nhiều đối với những người khác, vì nếu không khéo thì “gậy ông đập lưng ông”).

Hôm vừa rồi tôi có việc đi Pleyku mấy ngày rồi quay ra Hà Nội . Chuyến đi sẽ trôi chảy và khá thú vị , nếu không có một hiện tương (tôi nói là “hiện tượng” cho nó nhẹ bớt đi dù vẫn biết loại hiện tượng này rất phổ biến ở nước ta trong thời buổi kinh doanh chụp dựt vô nguyên tắc, vô đạo lý có thể gọi là "nhọm nhạm" trong nhiều năm nay). Nó khiến tôi cảm thấy rất chi là “tức cảnh” và phải ngồi lại viết đôi điều ít ra cũng để “xả xì-trét”.

Là người Nam sống ở Bắc nên tôi thường phải đi lại rất nhiều từ đầu đến gữa hoặc cuối cái đất nước có hình chữ S này, ít nhất cũng 2 lần mỗi năm. Ngày trước  do khó khăn tôi không ngại đi bằng bất cứ phương tiện nào. Ngày nay thuận tiện hơn, và bản thân cũng đã có tuổi, nên tôi hay đi máy bay, lại còn đi taxi ra vào sân bay nữa.

Tuy nhiên gần đây không hiểu vì tình hình khủng hoảng kinh tế hay lý do nào đó mà tôi sinh ra ý định sẽ đi từ sân bay về nhà bằng xe bus. Ý định này được “bà xã” rất hoan nghênh  bằng cách “tư vấn” cho tôi cách làm thế nào tìm được đúng loại và số xe tốt nhất.

Để cẩn thận, tôi định sẽ làm quen với một vài hành khách cùng tuyến để hỏi kinh nghiệm. Và cũng thật may, khi ngồi phòng chờ ở Pleyku tôi nhận ra một người trẻ tuổi mà tôi đã ngồi cạnh tại phòng đợi trong chuyến bay vào hôm trước. Anh ta cũng rất vui nhận ra tôi giữa cái sân bay tĩnh lẻ này .   Tôi chưa kịp nói hết “ý đồ” của mình thì anh bạn trẻ đã nhận lời sẽ giúp tôi ngay và cho biết anh ta vẫn thường xuyên đi xe bus sân bay. Vậy là tôi đã cảm thấy “yên chí lớn” giống như một cậu bé đến trường với sự diều dắt của cô bảo mẫu.

Khi xuống máy bay, thấy trời mưa, tôi hơi do dự muốn gọi taxi , bụng nghĩ  dù sao đi 2 người thì chi phí cũng bớt được ½. Nhưng anh bạn vẫn “kiên trì đường lối” và dẫn tôi đi nhanh về phía có nhiều xe bus to, nhỏ cách đó độ 300m. Khi đi ngang qua một chiếc minibus thì có mấy người xông ra níu kéo mời chào rất nhiệt tình. Thấy trên xe đã có khá đông người, có cả  người Tây…tôi tưởng đây là “đúng fốc” cái xe mà mình cần. Nhưng anh bạn tôi nhìn qua một cái  liền quay đầu đi tiếp. Tôi đành phải đi theo. Đến một chiếc bus loại to nhất thì dừng lại. Mà không dừng cũng không xong khi có mấy người cũng xông ra níu kéo mời chào . Lúc đó tôi thoáng nghe ai đó nói: “….xe này không đi qua đường Hoàng Quốc Việt đâu”. Tôi nghĩ  đây không phải là xe giành cho mình, nên đành chào anh bạn rồi quay lại với cái xe minibus lúc nãy, bụng bảo dạ: đàng nào họ cũng đang cần mình để đủ người đi…Mình cần họ, họ cần mình, thế là phải đạo.

Thế nhưng, không ngờ đó không phải là cái lô-gíc của những gã lơ xe kia. Họ nhìn tôi quay lại với một con mắt đầy hằn học…thậm chí muốn báo thù thì phải(?) Một gã bảo: “Lúc nãy bảo đi, không đi…Giờ thì không cho đi nữa! Một gã khác lại nói “Đã bảo không nghe…cho chết!”. Trong tôi nỗi lên một cảm giác như bị giội nước lạnh từ trên đầu giữa mùa Đông rét mướt. Không van xin cũng không cần giải thích, tôi buộc mồm quát lên: Sao xấu chơi thế!..., khiến mấy người Tây đang chờ đợi trên xe cũng giật mình. Trông họ có vẽ muốn cảm ơn tôi đã phần nào giúp họ bày tỏ sự bực tức đối với đám lơ xe. Lúc này trong đầu tôi lại hiện lên những lời nhận xét của một bài viết của một tác giả hải ngoại mà tôi đã tình cờ đọc được cách đây mấy tháng :”Người Việt xấu xí”…Đúng quả thật người Việt xấu xí…xấu từ ngoài vào trong. Có lẽ từ nay về sau tôi sẽ không bao giờ dám nghĩ đến việc đi bằng xe minibus sân bay nữa.

Nhưng sau đó khi ngồi trên một cái xe khác để vào thành phố, tôi nghĩ : Người Việt không những xấu xí mà còn rất yếu kém trong lĩnh vực kinh doanh (Tôi dùng chữ “yếu kém” cho nó lịch sự chứ thật ra là “không biết” thì đúng hơn). Mấy gã lơ xe kia chắc là ít học thì không biết đã đành, chứ các cơ quan chức năng  mà cũng không biết thì còn ai có thể biết (?)  Hà Nội có khá nhiều xe bus trống rỗng chạy nhông nhông giữa phố như "điên", mặt lái xe và lơ xe lúc nào cũng cau có...; nhà xe kêu "lỗ vốn" vì ít khách trong khi hành khách rất cần xe nhưng cũng rất lo sợ bị "hành" nên đành quy về với cái xe máy hay xe đạp (!) Có quá nhiều nghịch lý trong các ngành kinh doanh dịch vụ như vậy trên đất nước ta ngày nay./.              




3 nhận xét:

  1. Đời là rứa, bác ơi!
    Vấn đề liên quan - Bác đi nhiều, vậy theo bác có phải người Việt láu cá nhất hành tinh không?
    Thật tình tôi rất tò mò chuyện này, bản thân chỉ tiếp xúc, so sánh giữa người Việt với người dân tộc anh em, Khmer, lào, Hoa và sợ mình qua ác cảm.

    Trả lờiXóa
  2. Sao Trần Hùng nói "Đời là rứa"? Mình nghĩ đời đúng ra không thể như rứa!
    Chung quy là vì thói coi trọng đồng tiền hơn nhân phẩm (của bản thân và của người khác)sẵn sàng trở mặt chỉ vì đồng tiền...

    Trả lờiXóa
  3. Ai đi làm cũng kiêm luôn phóng viên thế này thì cực hay

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này