Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Cơ hội để HLV nội lên ngôi?


Sự ra đi đột ngột của Huấn luyện viên (HLV) ngoại Calisto dù muốn hay không đã đặt Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nói riêng và nền bóng đá nước nhà nói chung vào thế khó. Khó vì nhiều lẽ , nhưng có hai lý do chính: đó là thời gian còn quá ít từ nay cho đến khi Tuyển Quốc gia phải ra quân ( trước tiên là trận vòng loại cup châu Á vào tháng 5); và vì tâm lý “sính ngoại” không chỉ trong dân chúng, đặc biệt người  hâm mộ, mà còn cả trong làng bóng đá nước nhà.

Một lần nữa VFF lại đứng trước thế tiến thoái lương nan giữa hai lựa chọn: HLV nội hay ngoại?  HLV ngoại thì đã có nhiều tiền lệ rồi, nội thì hầu như chưa có kể từ thời “mở cửa”. Đối với Tuyển quốc gia, lâu nay HLV nội toàn làm “chân phụ” là chính ! Khó có thể nói dứt khoát vì lý do gì, nhưng có một sự thật  là, người ngoài bảo thì nghe nhưng người đồng chủng, đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí bảo thì không “tâm phục khẩu phục”. Có lẽ vì thế mà dù muốn hay không, bàn đi tính lại, rốt cuộc đành phải chọn “của ngoại” cho được việc cái đã. Nhiều lúc đắt giá lắm mà cũng phải bấm bụng mở hầu bao (như trường hợp thuê  ông Lalisto gần đây nhất chẳng hạn- cò kè mãi cũng không dưới 24.000 đô/tháng!). Nhưng khốn nỗi,  đổi lại, rõ ràng ông ta đã đưa lại một kết quả đúng với cái giá của nó: tấm huân chương vàng Suzuki Cup 2008. Và cũng chính cái kết quả này đang “làm khó” thêm cho các nhà lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam trước tâm lý  “sính ngoại” đã được cũng cố hơn trong dân chúng.

Trên đây là một cách nhìn khách quan. Tuy nhiên người viết bài này lại muốn đưa ra một cách tiếp cận khác nhằm đi tới kiến nghị rằng Việt Nam vào lúc này tốt hơn hết là hãy chọn một HLV nội.  Xin được nêu lý do như sau:

Một là, thời gian đã quá gấp để một HLV ngoại (dù năng lực tốt bao nhiêu) có thể làm quen và nắm vững về mọi điều cần thiết nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ (ngay cả nếu bản thân người được chọn cam kết có thể làm được việc này). Ngược lại, với một HLV nội, việc này không khó khăn gì.  

Hai là, hãy coi đây là một dịp tốt để thử thách năng lực thực sự cũng như các tố chất khác giữa HLV ngoại và HLV nội. Riêng đối với HLV nội đây là một cơ hội để được thể hiện mình, nhất là khi nước ta đang có một thế hệ HLV còn trẻ tuổi nhưng “lớn lên” từ thưc tiễn với những thành tích cao trong quá trình thi đấu khu vực và quốc tế như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn… 

Ba là, dù thành bại, đây là một cơ hội để trãi nghiệm về tâm lý: nên tự cường hay tự ti mà lâu nay người Việt Nam từng vấp phải trong lĩnh vực bóng đá nói riêng cũng như trong các môn thể thao khác và cả  trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, v.v…. Nói cách khác, mọi việc đều cần được liên tục thử nghiệm và kiểm nghiệm lại, chứ đừng mãi sống bằng kinh nghiệm của qúa khứ.

Bốn là, (có thể có người không tán thành) nhưng tôi nghĩ nên hy vọng  đây là một cơ hội để đáp lại lối “làm cao” của một số HLV ngoại mỗi khi họ muốn tìm việc làm với bóng đá Việt Nam. Trong chuyện này cá nhân tôi dù rất hâm mộ ông Calisto nhưng cũng không hài lòng với cái cách mà ông đã chọn thời điểm vừa rồi để “ra đi”.

Thiết nghĩ Việt Nam với gần 80 triệu dân hoàn toàn không phải là một nước nhỏ, lại có một truyền thống yêu bóng đá đầy nhiệt huyết và bản sắc riêng; về trí tuệ cũng đã được minh chứng bằng năng lực học tập và tiếp thu kiến thức thuộc loại cao nhất của thế giới. Thể lực và tầm vóc có thể ảnh hưởng ít nhiều đến thành tích thi đấu nhưng chắc chắn không ảnh hưởng đến nghề làm HLV.  Do đó  không có lý do gì để không sản sinh ra những HLV tầm cở quốc tế. Thậm chí về lâu dài ta hoàn toàn có thể “xuất khẩu “ HLV bóng đá ra thế giới./.
                                                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này