Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Toan tính Trung-Việt tại Biển Đông


(Tiếp theo entry trước-" Chiến lược nước đôi của Hà Nội đang làm mờ nhạt tình hình Biển Đông", chủ blog thấy cần giới thiệu tiếp bài viết dưới đây để cung cấp cho bạn đọc một cách nhìn khác về thế trận của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay)

Tác giả: David Brown- nguyên là một nhà ngoại giao Mỹ đã về hưu có nhiều bài viết  về Việt Nam. Nguồn:  Asia Online, Asia Times
Người dịch: Trần Kinh Nghị 
Trong bối cảnh cuộc tranh cãi hàng hải dữ dội từ mùa xuân năm ngoái, người ta ngày càng hy vọng về một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Việt Nam trong vấn đề  Biển Đông.
Các tàu tuần tra Trung Quốc đã gây ra những sự cố vào tháng Năm và tháng Sáu năm ngoái làm rúng động các cơ quan ngoại giao từ Đông Nam Á đến New Delhi, Canberra, Tokyo và Washington xa xôi. Hành động khiêu khích đó phần nào cho thấy rằng các phần tử cứng rắn đã điều khiển chính sách của Bắc Kinh đối với các vùng biển tranh chấp.
Bị thúc bách bởi cách trình bày thiên lệch về sự xâm phạm của Philippin và Việt Nam đối với các vùng lãnh thổ không thể tranh cãi của Bắc Kinh tại biển Đông, công luận Trung Quốc dường như muốn "dạy bài học" cho cả hai nước  láng giềng bị cho là không tuân phục này.
Trong mùa hè, một loạt các hoạt động ngoại giao của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã dẫn đến những lời hứa hẹn mới của Trung Quốc rằng họ sẽ tìm kiếm một giải pháp hòa bình đối với các đòi hỏi chủ quyền hàng hải chồng lấn nhau.
Hầu hết các nước trong khu vực thấy có rất ít khả năng giải quyết thực sự cuộc tranh chấp kéo dài âm ỉ này;  họ chỉ hy vọng tránh nổ ra một cuộc xung đột . Và mọi người  thở phào nhẹ nhõm trước việc Bắc Kinh đồng ý với "Phương hướng thực thi Bản Tuyên bố ứng xử” tại Biển Đông (DOC).
Hải quân TQ cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của VNtháng 7/2011
Những người hoài nghi suy đoán rằng sau khi thể hiện thái độ sẵn sàng ngăn cản mọi hoạt động thăm dò dầu khí ngay tại ngoài khơi bờ biển Việt Nam và Philippin, Trung Quốc đã quay lại giai đoạn hiền lành  với chiến lược  "vừa ăn cướp vừa la làng "   trong thời gian có mùa bão tại vùng Biển Đông.
Cuộc tranh chấp lãnh thổ này không chỉ là những sự  tranh giành đối với các rạn san hô và đảo nhỏ xa xôi không đáng kể mà chính là những điểm  tranh chấp  nằm ngang các  tuyến đường hàng hải  nhộn nhịp nhất thế giới, những vùng biển quan trọng  và được cho là những bể dầu và khí đốt khổng lồ chưa được khai thác
Nếu không kiểm soát  cuộc vận động dai dẳng về "chủ quyền bất di bất dịch" này thì sự  khẳng định chủ quyền có tính lịch sử dù là mong manh của Trung Quốc xuống tận vùng biển  phía nam Singapore có thể có khả năng dẫn đến những cuộc đụng độ chết người - không chỉ với các nước đối thủ đòi hỏi  chủ quyền  như Philippin, Brunei, Malaysia hay Việt Nam mà còn đối với cả với lực lượng hải quân Mỹ.
Tại một hội nghị gần đây ở Hà Nội, vị chuyên gia Mỹ được mời đến đã nêu lên mối quan tâm  mạnh mẽ của Washington trước những diễn biến tại  Biển Đông. Ông này nói" “Trung Quốc vênh vang tự mãn, và điều đó chỉ có lợi cho Mỹ trong  việc phát huy các nguyên tắc về tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp... và tạo ra cho các nước Đông Nam Á nhiều lý do để cải thiện quan hệ song phương với Mỹ".
Nếu nền ngoại giao của ASEAN  yếu ớt và Mỹ cùng các đồng minh khu vực đang bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi của khu vực, thì đâu là tia hy vọng? Niềm hy vọng ấy chỉ mới xuất hiện gần đây từ những dấu hiệu cho thấy rằng Việt Nam và Trung Quốc có thể tìm ra được một thỏa thuận song phương, hoặc ít nhất là hướng tới một Tạm ước (Vivendi modus).
Tám tháng sau khi xảy ra các mối đe dọa thương mại, giờ đây Trung Quốc và Việt Nam đang  bận rộn vào các cuộc đàm phán về phần phía bắc của Biển Đông - phần mở rộng mà không quốc gia nào khác tranh chấp. Đó là một trò chơi đầy rũi ro đối với các nhà lãnh đạo cộng sản của hai nước.
Vấn đề đặt ra là chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển lân cận. Quần đảo Hoàng Sa bao gồm các đảo, bãi cát và rạn san hô ở phía nam đảo Hải Nam của Trung Quốc và phía đông bờ biển phía nam miền trung Việt Nam. Ngư dân từ các quốc gia ven biển  thường xuyên lui tới các quần đảo trong nhiều thế kỷ, hành động này đã hình thành cơ sở  cho các đòi hỏi chủ quyền có tính lịch sử bởi cả Việt Nam và Trung Quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thămTQ tháng 10.2011

Theo luật pháp quốc tế thì đòi hỏi dựa trên cơ sơr lịch sử của Việt Nam mạnh mẽ hơn bởi vì từ thời quân chủ của Việt Nam, rồi đến Pháp (thuộc địa hóa Việt Nam trong những năm 1800) và sau đó là Viêt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam) thực hiện chủ quyền không gián đoạn từ thế kỷ 16 cho tới năm 1974, khi một đơn vị đồn trú của miền Nam Việt Nam bị áp đảo bởi các lực lượng Trung Quốc.
Kể từ đó, mặc dù Hà Nội vẫn bám vào các đòi hỏi của mình, Trung Quốc đã mở rộng các công sự trên những đảo nhỏ và xây dựng các cơ sở cảng và bãi đáp máy bay. Tàu thuyền Việt Nam đã bị sách nhiễu, đôi khi bị bắt giữ để đòi tiền chuộc khi họ tìm cách  đánh bắt cá trong vùng biển gần đó.
Vì thế, điều  ngạc nhiên là Bắc Kinh, dù  được sở hữu trên thực tế đối với quần đảo Hoàng Sa và có  lực lượng hải, không quân mạnh hơn nhiều, đã phải đồng ý vào giữa tháng Mười vừa qua sẽ đẩy nhanh việc  phân định vùng biển ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ và ... tích cực thảo luận việc hợp tác phát triển chung tại vùng biển này"
Thậm chí còn ngạc nhiên hơn là (trong khi” bằng chứng lịch sử” sẽ được xem xét), Việt Nam và Trung Quốc sẽ "nỗ lực để tìm kiếm các giải pháp có thể chấp nhận được về cơ bản và dài hạn cho cả hai bên trong các vấn đề tranh chấp có liên quan đến biển"dựa trên chế độ pháp lý và các nguyên tắc quy định của pháp luật quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)”.
Trong thời gian chờ đợi một thỏa thuận dứt khoát nhằm giải quyết vấn đề lãnh thổ, hai bên sẽ tích cực thảo luận về hợp tác cùng phát triển". Căn cứ vào giá trị bề nổi, điều này dường như cho thấy rằng Trung Quốc rút lui khỏi tuyên bố về "chủ quyền bất di bất dịch" của mình trên toàn bộ khu vực trong phạm vi đường cong nổi tiếng hình chữ U chín gạch, một khẳng định bao gồm hơn 80% Biển Đông.
Các chuyên gia pháp lý cho  rằng, bất kể bên nào kiểm soát, quần đảo Hoàng Sa  không đủ rộng để tạo nên một "vùng đặc quyền kinh tế". Vì vậy, theo các nguyên tắc của UNCLOS, sự phân chia  các khu vực tranh chấp giữa hai bên sẽ có thể  ở vào khoảng dọc theo đường phân định giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và ven biển miền Trung của Việt Nam. Điều này sẽ phân chia các vùng biển thành các phần  tương đương bằng nhau.
Nếu Trung Quốc quan tâm nghiêm chỉnh đến việc dàn xếp một thỏa thuận song phương, họ cũng có thể phải thừa nhận sự kiểm soát các rạn san hô và đảo nhỏ của Việt Nam ở phần cuối phía tây của quần đảo Hoàng Sa, khu vực phía tây của đường trung tuyến.

Khả năng một giải pháp song phương
Liệu Trung Quốc có thực sự đồng ý với sự phân giới như vậy? Tối thiểu có bốn lý do  tại sao họ có thể đồng ý.
Trước tiên, là vì có một tiền lệ. Năm 2000, sau bảy năm tranh cãi, Trung Quốc và Việt Nam đã tìm cách để thỏa thuận được với nhau trong việc  phân định biên giới trên biển tại Vịnh Bắc Bộ - khu vực có hình ngón tay của Biển Đông nằm giữa các tỉnh phía  Bắc Việt Nam và bờ biển phía tây đảo Hải Nam. Ngoài ra, hai nước đã thiết lập việc tuần tra quản lý  nguồn thủy sản chung. Kết quả là, một gạch thứ mười đã được xoá hoàn toàn trên "bản đồ đường chữ U" mà Trung Quốc sử dụng để minh họa cho đòi hỏi của mình tại vùng biển phía Nam.
Thứ hai, Trung Quốc đã từng nhấn mạnh rằng vấn đề chủ quyền lãnh thổ phải được giải quyết song phương. Nói một cách khác, là họ sẽ không đàm phán về các tuyên bố chồng lấn nhau tại  phần phía nam của Biển Đông với tất cả hoặc một nhóm  nước ASEAN. Nếu  thu xếp được một thỏa thuận công bằng song phương với Việt Nam đối với một phần của khu vực biển, nơi chỉ bị đe dọa bởi sự tranh chấp giữa hai nước sẽ làm tăng đáng kể uy tín của Bắc Kinh.
Thứ ba, việc duy trì mối quan hệ dân sự với các nhà lãnh đạo Việt Nam là hệ trọng đối với Trung Quốc. Chế độ Hà Nội là một loại chế độ duy nhất thứ hai trên thế giới quyết tâm xây dựng "chủ nghĩa xã hội thị trường" dưới sự lãnh đạo độc quyền của một đảng cộng sản. Dưới sự bảo trợ của  Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt -Trung, mức độ quan hệ  hai chiều rất lớn thông qua các chuyến thăm viếng lẫn nhau nhằm xây dựng các mối liên kết hữu nghị giữa các Bộ, các tỉnh lân cận, các cơ quan  chức năng, lực lượng vũ trang, và tất nhiên các tổ chức đảng.
Thứ tư, một thỏa thuận như vậy sẽ hậu thuẩn cho lý thuyết  rằng các hành động khiêu khích vào mùa xuân năm ngoái chỉ là công việc của các diễn viên cấp dưới, đó là   các đơn vị bảo vệ bờ biển và các công ty dầu mỏ của Trung Quốc vốn thiếu  hiểu biết về mục tiêu rộng lớn hơn của Trung Quốc tại khu vực. Khi đạt đến mức khiến các thành viên ASEAN tin rằng đó là sự thật, họ sẽ trở lại  tin tưởng vào kịch bản "trỗi dậy hòa bình" của Bắc Kinh và thôi không quan tâm đến vai trò của Mỹ, Nhật Bản và Úc và khép lại màn diễn của  vở kịch Biển Đông như nó đang diễn ra.
Múc độ nguy hiểm là rất cao đối với Bộ Chính Trị tại Hà Nội. Kể từ xa xưa, việc điều hành  mối quan hệ bất bình đẳng với người láng giềng khổng lồ phương bắc luôn  là mối quan tâm chủ chốt đối với các nhà cầm quyền Việt Nam. Điều đó có nghĩa họ cần thuyết phục Trung Quốc tin rằng Việt Nam sẽ chiến đấu nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của mình bị đe dọa, trong khi cũng biết khi nào cần tỏ ra tôn trọng và thương lượng.
Có nhiều thành phần ở Việt Nam, trong đó có những người “phóng khóang" ngay trong nội bộ đảng cầm quyền luôn sẵn sàng công kích các nhà lãnh đạo hiện nay nếu họ tỏ ra mềm yếu  đối với Trung Quốc. Và, Bộ chính trị hẳn phải lo lắng rằng những người Trung Quốc yêu nước cực đoan, đặc biệt là thành phần hiếu chiến trong lực lượng hải quân của Trung Quốc, đang phá hỏng mọi việc để tiến hành chiến tranh.
Từ đó, chiến lược của Việt Nam là không nhân nhượng  cho đến khi Bắc Kinh đặt lên bàn nghị sự một đề nghị thực tế đủ để xem xét. Trong khi đó, Hà Nội đã và đang xây dựng quốc phòng , từng bước đưa các vấn đề quan trọng với Trung Quốc vào thế chờ đợi, đồng thời phô trương việc xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc trong khi cho phép công chúng bày tỏ tình cảm yêu nước xung quanh Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
Tuy nhiên, hiện nay có vẻ như đã hình thành các yếu tố cho một thỏa thuận có thể chấp nhận được, và với toàn bộ uy tín của hai bộ chinh trị đều đặt cả vào đó. Chuyến viếng thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh vào tháng Mười, và chuyến thăm của Tập Cận Bình- nhân vật kế vị rõ ràng của Trung Quốc đến Hà Nội hồi tháng Mười hai năm ngoái, nhấn mạnh rằng các nhà đàm phán đã được chỉ đạo để thi hành "nhận thức chung của lãnh đạo hai nước".
Khi Trung Quốc đạt được khả năng quân sự để hậu thuẩn các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp tại Biển Đông, thì một cuộc chiến tranh nóng dường như ngày càng có thể xảy ra một cách có tính toán hoặc ngoài ý muốn. Cho đến nay, Bắc Kinh dường như không quan tâm đến việc phấn đấu cho một một thỏa thuận nhằm dọn đường cho các nước ven biển đầu tư năng lực của họ vào việc khai thác chung về thuỷ sản và nguồn năng lượng.
Và khi Hoa Kỳ từ bỏ sự can dự tại Iraq và Afghanistan, sự sắp đặt  của Washington nhằm can thiệp vào cuộc xung đột ngày càng trở nên rõ ràng. Nhưng hiện nay lại có những hy vọng rằng Việt Nam và Trung Quốc đang di chuyển theo hướng giải quyết ít nhất là một phần của vấn đề./.


Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Chiến thuật nước đôi của Hà Nội đang làm mờ nhạt tình hình Biển Đông


Bài do chủ blog địch và giới thiệu, không nhất thiết phản ảnh quan điểm của chủ blog.  

Tác giả: Rodion Ebbighausen- Deutsche Welle, số ra ngày 27/01/2012
Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại  Biển Đông (nguyên văn Biển Nam Trung Hoa) được cho là giàu có về trữ lượng dầu hỏa và khí đốt nên bị một vài nước đòi chủ quyền, trong đó có Trung Quốc  và Việt Nam.
Trung Quốc, Đài Loan và 4 quốc gia ĐNÁ, kể cả Việt Nam và Philipin  đều có những đòi hỏi xung đột lẫn nhau đối với các hòn đảo tại Trường Sa và Hoàng Sa. Khu vực này được cho là có những trữ lượng lớn về dầu  khí và cũng là một ngư trường trù phú . Hơn nữa, vùng này quan trọng xét trên phương diện địa chiến lược bởi vì nó nằm  giữa tuyến đường hàng hải nối ĐNÁ và miền nam TQ với Trung Cận Đông ,Châu Phi và Châu Âu. Khoảng 80% nguồn cung cấp dầu hỏa cho TQ đi qua tuyến đường này.
Những tranh chấp thường xuyên diễn ra trước đây với hàng chục binh sĩ hy sinh trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974 giữa TQ và VN , nhưng đến gần đây tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền đều chính thức nói rằng họ đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Vào tháng 5/ 2011, Tổng thống Philipin Benigno Aquino đã công khai cảnh cáo người TQ về một cuộc chạy đua vũ trang và nói rằng nó có thể làm tăng mối căng thẳng trong khu vực . Hồi tháng Bảy các ngoại trưởng Hội các Quốc gia ĐNÁ –ASEAN và TQ đã thông qua phương hướng của “Tuyên bố về Quy tắc Ứng xử của các Bên tại Biển Đông" -DOC. Mặc dù quy tắc này rất mơ hồ, nhưng trong khuôn khổ của nó tất cả các bên đồng ý thúc đẩy hòa bình, ổn định, sự tin tưởng lẫn nhau và tìm  kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột giữa họ với nhau.

Mối căng thẳng Trung-Việt
Tuy nhiên điều này đã không ngăn chặn được hàng loạt các sự kiện mà trong đó các thuyền bè của người Việt Nam bị hải quân TQ bắn và buộc tội vi phạm, và điều này dẫn đến những cuộc phản đối giận dữ tại Việt Nam . Lê Trọng Phương  của Đại học Bonn nói với tờ  Deutsche Welle rằng những cuộc phản đối này cho thấy rõ sự thật là đại đa số nhân dân Việt Nam muốn thấy những “chính sách rõ ràng và quả quyết hơn” đối với Bắc Kinh . Hầu hết người Việt Nam muốn chính phủ bảo vệ những hòn đảo mà họ coi là chủ quyền lãnh thổ  của mình trước TQ, ông này nói.
Cơ sở đồn trú của TQ tại một bãi đá ởtTường Sa mà họ chiếm được trong cuộc chiến chớp nhoáng năm 1988
TQ đã không phản ứng rõ ràng trước sự phản đối đó, nhưng một bài báo trên tờ Hoàn Cầu bằng Anh ngữ của Đảng CS TQ kêu gọi một giải pháp quân sự.  “ Đối với những kẻ xâm phạm chủ quyền của chúng ta để ăn cắp dầu,chúng ta cần cảnh cáo họ một cách lịch sự và hành động nếu họ không đáp ứng. Chúng ta không nên lãng phí cơ hội để tiến hành một số cuộc chiến tranh quy mô nhỏ để có thể răn đe những kẻ khiêu khích không đi xa hơn”.

Chính trị bập bênh

Ông Gerhard Will của Học viện Quốc tế và An ninh của Đức nói với tờ  Deutsche Welle rằng việc Việt Nam không theo một đường lối nhất quán là một vấn đề lớn. Hà Nội đang tiến hành chính trị bập bênh – vừa tìm cách cân bằng giữa các bên khác nhau vừa giữ cho mình càng nhiều lựa chọn càng tốt.
Đầu tháng này , tình hình thậm chí đã trở nên phức tạp hơn  khi Ấn Độ và VN ký một hiệp định nhằm đẩy mạnh việc thăm dò dầu khí trong vùng hải phận của Việt Nam, và việc này đã khiêu khích thêm đối với TQ.
Đồng thời Tổng bí thư  Nguyễn Phu Trọng đã ký một thỏa thuận tại Bắc Kinh phác thảo ra những phương hướng cơ bản về việc các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ được tiến hành như thế nào và các cuộc xung đột trong khu vực sẽ được giải quyết ra sao.  
Ông Lê Trọng Phong nói rằng “chiến lược hai mặt” của chính phủ và sự thiếu minh bạch trong quá trình ra quyết định cũng đã khiến công chúng khó hiểu và bực tức . Về phần mình Gerhard Will không tin rằng chính sách bập bênh của Hà Nội đang đóng góp gì nhiều  cho sự ổn định chính trị tại Biển Đông, và cảnh báo rằng Hà Nội sẽ không được gì nhiều từ một thế cân bằng dễ đổ vỡ tại khu vực.


Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Đầu năm Rồng: Food for thought


14829
8381
/2011-06-20-nhung-gia-thuyet-ngay-tho
Thác Bản Giốc
Giới thiệu của chủ blog: Người Việt Nam nào mà chẳng mong đất nước mình sánh vai với các cường quốc năm châu. Nhưng hình như cái gì mong mõi thì thường lâu đến? Nhiều nhà kinh tế VN thường giải thích lý do vì sao chưa đến bằng cụm từ " phát triển chưa tương xứng với tiềm năng". Nhưng tiềm năng là gì? chúng cần được khai thác thế nào ...; và quan trong hơn làn guyên nhân nào khiến chúng chưa được phát huy? Để góp thêm một cách nhìn bên ngoài khách quan xin trích đăng lại đây một bài viết cách nay 1/2 năm của tác giả Tiến sĩ Alan Phan- Chủ tịch Quỹ Đầu tư VIASA làm tài liệu tham khảo.
 Những giả thuyết ngây thơ
Các nhà đầu tư thế giới thường nghĩ về Việt Nam như một quốc gia trẻ trung, đang lên và chứa nhiều tiềm năng nhất trong số các thị trường mới nổi. Họ ấn tượng với con số tăng trưởng về dân số, về sự kiện là 58% người VN dưới tuổi 25, và theo nhãn quan của người Âu Mỹ, đây là phân khúc sáng tạo và cầu tiến nhất của bất cứ xã hội nào. Họ tìm đến VN mong những đột phá kỳ diệu và một vận hành năng động kiểu thung lũng Silicon (trung tâm IT của Mỹ ở phía nam San Francisco). Sau vài năm tung tiền mua tiềm năng và cơ hội, họ thường thất vọng và âm thầm bỏ đi. Tại sao?
Họ đã không lầm về những số liệu tạo nên hình ảnh đó. Tuy nhiên, sự phân tích và biện giải về logic của họ vướng phải vài giả thuyết và tiền đề không chính xác. Một người có số tuổi còn trẻ không có nghĩa là sự suy nghĩ và vận hành của người đó cũng phải trẻ trung như số tuổi, nhất là khi họ lớn lên trong một xã hội khép kín, ít tiếp xúc với thế giới.
Tôi còn nhớ một đai gia IT nổi tiếng cũng đã từng kết luân trong một buổi hội thảo về kinh tế là số người sử dụng điện thoại di động ở VN đã tăng trưởng ấn tượng 36% mỗi năm trong 5 năm qua và lên đến 68 triệu người hay khoảng 80% dân số. Kết luận của anh chuyên gia trẻ này là tương lai về công nghệ thông tin của VN phải sáng ngời và sẽ vượt trội các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines...
Đây là những kết luận ngây thơ về thực tại của xã hội. Một người trẻ suốt ngày la cà quán cà phê hay quán nhậu sẽ không đóng góp gì về sáng tạo hay năng động; cũng như vài ba anh chị nông dân với điện thoai cầm tay không thay đổi gì về cục diện của nông thôn ngày nay (nông dân vẫn chiếm đến 64% của dân số xứ này).
Tôi thích câu nói (không biết của ai): Tất cả bắt đầu bằng suy nghĩ (tư duy). Suy nghĩ tạo nên hành động, hành động liên tục biến thành thói quen và thói quen tạo nên định mệnh. Định mệnh của cá nhân phát sinh từ tư duy cá nhân, định mệnh tập thể đúc kết bởi suy nghĩ của tập thể.
Tư duy, thói quen và định mệnh
Quên đi góc nhìn cá nhân, hãy tự suy nghĩ về tư duy thời thượng của xã hội này và từ đó, ta có thể nhận thức được những hành xử và thói quen của người dân VN. Bắt đầu từ tầng cấp lãnh đạo về kinh tế, giáo dục và xã hội đến lớp người dân kém may mắn đang bị cơn lũ của thời thế cuốn trôi; tôi không nghĩ là một ai có thể lạc quan và thỏa mãn với sự khám phá.

Những thói quen xấu về chụp giựt, tham lam, mánh mung, dối trá, liều lĩnh, sĩ diện... vẫn nhiều gấp chục lần các hành xử đạo đức, cẩn trọng, trách nhiệm, danh dự và hy sinh. Dĩ nhiên, đây là một nhận định chủ quan, sau một lục lọi rất phiến diện trên báo chí, truyền hình và diễn đàn Internet. Nhưng tôi nghĩ là rất nhiều người VN sẽ đồng ý với nhận định này.
Tôi nghĩ lý do chính yếu của những thói quen tệ hại này là bắt nguồn từ một tư duy già cỗi, nông cạn và nhiều mặc cảm. Tôi có cảm giác là ngay cả những bạn trẻ doanh nhân và sinh viên mà tôi thường tiếp xúc vẫn còn sống trong một thời đại cách đây 100 năm, dưới thời Pháp thuộc. Thực tình, nhiều bậc trí giả đã lo ngại là so với thời cũ, chúng ta đã đi thụt lùi về đạo đức xã hội và hành xử văn minh.
Tôi thường khuyên các bạn trẻ hãy đọc lại những tiểu thuyết của thời Pháp thuộc trước 1945. Họ sẽ thấy đời sống và các vấn nạn của một nông dân trong truyện của Sơn Nam vẫn không khác gì mấy so với một nông dân qua lời kể của Nguyễn Ngọc Tư. Bâng khuâng và thách thức của những gia đình trung lưu qua các câu chuyên của Khái Hưng rất gần gũi với những mẫu chuyện ngắn của nhiều tác giả trẻ hiện nay. Ngay cả những tên trọc phú, cơ hội và láu lỉnh trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng cũng mang đậm nét hình ảnh của những Xuân Tóc Đỏ ngày nay trong xã hội.
Ôm lấy quá khứ ở thế kỷ 21
Tóm lại, tôi có cảm tưởng chúng ta vẫn sống và vẫn tranh đấu, suy nghĩ trong môi trường cả 100 năm trước. Những mặc cảm thua kém với các ông chủ da trắng vẫn ám ảnh các bạn trẻ ngày nay. Trong lãnh vực kinh doanh, phần lớn các doanh nhân vẫn cho rằng bất động sản và khoáng sản là căn bản của mọi tài sản. Sản xuất gia công và chế biến nông sản vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Một doanh nhân Trung Quốc đã mỉa mai với tôi khi đến thăm một khu công nghiệp của VN, "Họ đang cố học và làm những gì chúng tôi đang muốn quên".

Tôi đang ở tuổi 66. May mắn cho tôi, nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi khác hẳn thời Pháp thuộc. Tôi không cần phải dùng tay chân để lao động, cạnh tranh với tuổi trẻ. Kinh doanh bây giờ đòi hỏi một sáng tạo chỉ đến từ trí tuệ và tư duy đổi mới. Thân thể tôi dù bị hao mòn (xương khớp lỏng lẻo, tai mắt nhấp nhem..). nhưng trí óc tôi và tinh thần vẫn trẻ hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, nó không bị phân tâm bởi những hóc môn (hormones) về đàn bà hay những thứ lăng nhăng khác như các bạn trẻ. Do đó, hiệu năng và công suất của sự suy nghĩ trở nên bén nhậy hơn.
Người Mỹ có câu, "Những con chó già không bao giờ thay đổi" (old dogs never change). Do đó, tôi thường không thích trò chuyện với những người trên 40, nhất là những đại trí giả. Nhưng tôi thất vọng vô cùng khi về lại VN và gặp toàn những ông cụ non mới trên 20 tuổi đời: Nhút nhát, cầu an, thụ động, chỉ biết ăn nhậu, và đua đòi theo thời thế. Họ sống như các ông già đã về hưu, họ nói năng như một con vẹt, lập đi lập lại những giáo điều, khẩu hiệu đã hiện diện hơn trăm năm. Họ làm việc như một con ngựa bị bịt kín đôi mắt để chỉ nhìn thấy con đường một chiều trước mắt.
Nhiều người đỗ lỗi cho những thế hệ trứơc và văn hóa gia đình đã kềm kẹp và làm cho thế hệ trẻ này hay ỷ lại và hư hỏng. Cha mẹ vẫn giữ thói quen sắp đặt và quyết định cho các con đã trưởng thành (ngay khi chúng vào tuổi 30, 40..) về những cuộc hôn nhân, công việc làm, ngay cả nhà cửa và cách sinh họat. Hậu quả là một thế hệ đáng lẽ phải tự lập và lo tạo tương lai cho mình theo ý thích lại cúi đầu nghe và làm theo những tư duy đã lỗi thời và tụt hậu.
Trong khi thế giới đang hồi sinh với thế hệ trẻ tự tin tràn đầy năng lực cho những thử thách của thế kỷ 21, thì người trẻ VN đang lần mò trong bóng tối của quá khứ. Tôi tự hỏi, sao quê hương mình ... già nua nhanh như vậy? Những nhiệt huyết đam mê của tuổi thanh niên bây giờ chỉ dành cho những trận đá bóng của Châu Âu? Tôi nhìn vào những nghèo khó của dân mình so với láng giềng chỉ là một tình trạng tạm thời. Nhưng tôi lo cho cái tư duy già cỗi của tuổi trẻ sẽ giữ chân VN thêm nhiều thập niên nữa. Cái bẫy thu nhập trung bình to lớn và khó khăn hơn mọi ước tính.
·         T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là aphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Thế nào là trí thức?


Ngày Tết nhớ làng tôi xanh bóng tre
Trưa chiều 30 Tết nhàn nhã...Ở nhà không có việc gì  làm, ra phố thấy vắng hẳn xe cộ chỉ lác đác vài ba chiếc xe lăn bánh nhẹ nhàng, hai bên phố những căn nhà đóng cửa với hè phố thênh thang chỉ vài ba người thảnh thơi dạo bộ... Trời không mưa không gió  trong cái se lạnh của mùa đông...  Tất cả tạo nên một sự yên tĩnh không nhàm chán. Ước gì ngày nào cũng được thế này!
Định bụng sẽ không blog bliếc gì trong mấy ngày Tết để thưởng thức không khí thanh bình hiếm hoi của Thủ đô . Nhưng không hiểu sao lại  quay vào nhà ngồi trước máy tính...Rồi thấy Quêchoa với dòng tít "Gửi Ngô Bảo Châu" không có từ Giáo sư là lạ ... (Xem tại http://quechoa.info/2012/01/22/g%e1%bb%adi-ngo-b%e1%ba%a3o-chau/)
Tò mò vào đọc tiếp thì thấy bàn về chuyện Giáo sư Ngô Bảo Châu trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ, trong đó có câu   "...Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội..Tiếp dưới là những ý kiến phản biện của nhiều người. Nếu tôi không nhầm thì đây là lần đầu tiên vị giáo sư này bị người hâm mộ phản bác (?). Nội dung  xoay quanh chủ đề thế nào là trí thức, ai là trí thức.
  
Không đọc, không biết thì thôi chứ đọc, biết rồi mà không "còm", thì e rằng ăn Tết mất ngon. Cảm nhận đầu tiên là, nội dung trả lời phỏng vấn của vị giáo sư nói chung là "ổn" trừ một vài câu chữ có thể gọi là "nhỡ mồn" của "Người thích làm toán". Ai cũng biết ông là người tài giỏi thật sự (nếu không làm sao lấy được giải Field?) và cũng rất quan tâm đến thời cuộc đất nước (qua những phát biểu rất "trúng đích" trước đây). Còn nhớ cách đây không lâu chính ông đã từng nói câu bất hủ: "Chỉ có đàn cừu mới đi theo lề" khiến dư luận đông đảo rất tán thưởng . Nhưng bây giờ ông lại cho rằng trí thức không cần tham gia phản biện xã hội; hay nói cách khác là đứng ngoài công cuộc đấu tranh chính trị-xã hội. Với uy tín của mình e rằng câu nói của vị giáo sư trẻ có thể khuyến khích giới trẻ đứng ngoài lề công cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ chính trị-xã hội của đất nước. Có lẽ đây chính là điều mà dư luận cảm thấy thất vọng hoặc không thể tán thành đối với vị giáo sư mà họ rất kỳ vọng .

Vẫn biết khi nói về phạm trù trí thức,đặc biệt nói với giới trí thức, thường không đơn giản chút nào!  Bản thân blogger tôi không rành về lý thuyết Đông-Tây, kim-cổ..., nhưng tin rằng khái niệm trí thức hoàn toàn khác với trí óc (nói "lao động trí óc" thì được, nhưng không ai nói "lao động trí thức"), tức là trí thức không phải một nghề. Vì vậy, nếu đem ra bình chọn trí thức thì dựa vào cơ sở nào? hay chỉ là căn bệnh "thích bình chọn"? Lại còn căn cứ vào việc có tham gia phản biện hay không để phân loại trí thức thì đúng là không công bằng, nghe thoang thoảng mùi "hồng vệ binh"! Mặc khác, thiển nghĩ  đâu phải cứ làm việc bằng trí óc là trí thức, cũng không phải cứ tham gia phản biện là trí thức; nếu thế thì mấy bác xí-lô cũng là trí thức trong khi các nhà khoa học có thể bị loại khỏi dánh sách trí thức (?).

Nhưng nếu cứ tranh cãi loanh quanh như thế sẽ không bao giờ phân thắng bại, nhất là trong môi trường Việt Nam lâu nay không chỉ thiếu nhiều luật lệ mà còn thiếu nếp tư duy khách quan (Chỉ có dân số ngày càng đông, xe cộ ngày càng nhiều, kẻ cắp các loại cũng nhiều làm ô nhiễm cả môi trường tự nhiên cũng như môi trường xã hội). Sự thật là, từ ngày cách mạng thành công dường như không còn chỗ cho cách tư duy độc lập, khách quan theo lô-gíc, mà thay vào đó bằng cách tư duy theo định hướng hoặc để chứng minh cho một định đề. Cách tư duy này được áp dụng không chỉ trong trong lĩnh vực nghiên cứu chính trị mà cả trong khoa học tự nhiên và xã hội, nguy hại nhất là cả trong giáo dục-đào tạo. Rốt cuộc ai cũng rất giỏi ngụy biện và thích "thần tượng hóa", mô hình hóa"...Nhà toán học trẻ mới chân ước chân ráo về nước đã được đón nhận như một thần tượng....đến bản thân ông cũng ngỡ ngàng. Và giờ đây người hâm mộ cũng rất dễ thất vọng khi thấy có điều gì đó không như ý từ thần tượng của mình.Và người ta tha hồ suy diễn, tranh cãi không theo một thứ lo-gíc nào cũng là điều dễ hiểu./.    

Hẹn sau Tết  gặp lại bàn thêm. Nhân đây chúc mọi người NĂM MỚI AN KHANG, HẠNH PHÚC! 

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Hiểm họa đối với các quốc gia độc tài

Vì sao độc tài được dân chấp nhận?   
Các bài học luân lý Đông-Tây xưa nay đều cho rằng các chế độ độc tài dù ở bất cứ hình thức nào đều là xấu xa , và vì vậy sớm muộn cũng bị nhân dân vùng lên đánh đổ. Cũng đã có rất nhiều dẫn chứng về vấn đề có tính quy luật này, đó là sự sụp đổ của các thể chế cũ kĩ, lỗi thời trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, gần đây nhất là trường hợp Saddam Hussein ở I rắc, Mubarak ở Ai Cập và Gadhafi ở Libya.
Tuy nhiên còn có một thực tế khác, đó là nhiều thể chế độc tài chuyên chế vẫn trường tồn, thậm chí với sự ngưỡng mộ và thần phục của đông đảo dân chúng. Đó là trường hợp các vương triều như ở Bhuttan,  Botswana, Bruney, và cả các thể chế chính trị hiện đại nơi mà đói nghèo luôn đeo bám người dân, như Zimbabwe và Bắc Triều Tiên, v.v...Ở một số nước phát triển vẫn duy trì hình thức vua chúa vì nó còn hấp dẫn đối với dân chúng. Trước cảnh tượng người dân Bắc Triều Tiên than khóc như mưa sau cái chết của "lãnh tụ vĩ đại" Kim Jong-Il mới đây nhiều người không tin đó là khóc thật. Nhưng dù khóc thật hay giả, đó là một cách hành xử thường thấy trong cộng đồng các nền độc tài chuyên chế. Nó cho thấy những chế độ độc tài vẫn có cơ sở để tồn tại một cách vững chắc, thậm chí còn lâu hơn một số thể chế không độc tài.
Phụ nữ Botswana khoe sắc để được nhà vua chọn làm thê thiếp  
Vậy ra, không hẳn cứ là độc tài thì ắt sẽ bị quần chúng nhân dân đứng lên đánh đổ(?). Và điều này thể hiện khá rõ ngay cả ở trường hợp Sadam Husein và Gadhafi trong suốt thời kỳ cầm quyền của họ; lại càng rõ với trường hợp Bắc Triều Tiên, I-ran và một số quốc gia độc tài chuyên chế khác nơi mà mãi vẫn chưa thấy một phong trào quần chúng thật sự lớn mạnh lật đổ; trái lại còn được dân chúng một lòng ủng hộ. Trên thực tế hầu hết các vương quốc ngự trị bởi chế độ cha truyền con nối hoặc các chính thể độc tài chuyên chế không hề gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ nào từ dân chúng, trái lại ở đó kẻ thống trị còn được người dân sùng bái hơn nhiều so với những gì mà các nguyên thủ ở các quốc gia dân chủ nhận được từ nhân dân của họ.
Người dân Bắc Triều Tiên vật vã tiếc thương Kim Jong Il
Người ngoài cuộc thường dễ dãi kết luận rằng đó là do sự đàn áp và bưng bít thông tin. Kết luận này đúng nhưng chưa đủ; còn phải tính đến đặc điểm tư duy của con người bị chi phối bởi yếu tố tinh thần mơ hồ về đạo đức, tín ngưỡng và quyền lợi....  Mặc khác, khách quan mà nói, ngay cả bản thân khái niệm độc tài cũng chưa hẳn nhất thiết phải như nhau giữa các dân tộc tùy trình độ phát triển và hoàn cảnh lịch sử, văn hóa-xã hội. Tất cả những điều đó dù muốn hay không đều góp phần tạo nên mãnh đất màu mỡ cho các chế độ độc tài chuyên chế sinh tồn. Chúng tồn tại ở nhiều dạng khác nhau, có trường hợp công khai, lộ liễu, thậm chí được tuyên bố; có trường hợp trá hình dưới những tên gọi mĩ miều với những chiêu bài chính trị, tôn giáo thần bí. Điểm chung nhất của chúng là tệ sùng bái cá nhân, tham quyền cố vị và tham nhũng bất chấp lợi ích của dân chúng. Để tồn tại chúng thường sử dụng các thủ đoạn tuyên truyền đạo đức giả kết hợp với các thủ đoạn đàn áp.    

Xu hướng sử dụng can thiệp bên ngoài để đánh đổ độc tài và hệ quả của nó
 
Nhìn lại hầu hết trường hợp sụp đổ của các chế độ độc tài gần đây tại Trung Đông và Bắc Phi ta thấy đều nhờ có sự can thiệp trên quy mô lớn của quân đội nước ngoài. Đó là sự can thiệp công khai, thậm chí trắng trợn, của một nước hoặc nhóm nước. Vẫn biết đó là cái giá mà những kẻ độc tài phải trả, nhưng khách quan mà nói, hầu hết các trường hợp can thiệp quân sự từ bên ngoài trong thời gian qua đều dẫn đến chiến tranh tàn khốc kéo dài, và nạn nhân chính là nhân dân ở các nước bị can thiệp.
Nguy cơ nội chiến kéo dài ở Libya


Có thể còn quá sớm để thế giới ngồi lại đặt vấn đề một cách nghiêm túc về câu hỏi nói trên. Nhưng trước mắt có thể thấy nguyên nhân từ hệ quả của trào lưu toàn cầu hóa cao độ đang xóa bỏ tình trạng biệt lập hoặc khác biệt quá xa giữa các quốc gia, đồng thời sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã tạo ra những hiệu ứng trực tiếp giúp con người mau chóng truyền đạt thông tin và tri thức xuyên quốc gia trên quy mô toàn cầu, trong đó internet là phương tiện hầu như không bị ngăn cách bởi biên giới hay chế độ chính trị-xã hội. Nói cách khác, bức tường ngăn cách thông tin giữa các quốc gia đã bị phá vỡ. Đó là cơ sở để nhanh chóng hình thành mối liên kết giữa các cá nhân và các nhóm chính kiến từ bên trong các quốc gia độc tài chuyên chế với thế giới bên ngoài và tạo nên tình huống cho sự hỗ trợ của các lực lượng từ bên ngoài . Phương cách can thiệp như vậy dường như đang tìm thấy lý do chính đáng và được hoan nghênh đơn giản vì vì nó có thể đánh sập nhanh một chế độ độc tài . Đó là những gì đã và đang diễn ra khi Mỹ và Đồng minh được cả LHQ chấp thuận sử dụng biện pháp chiến tranh để lật đổ các chế độ độc tài chuyên chế của các quốc gia có chủ quyền như ta thấy gần đây tại Trung Đông và Bắc Phi.

Vẫn biết các chế độ độc tài là xấu xa và cần phải loại bỏ càng sớm càng tốt, và trước sự cố kết để bám giữ của chúng thì sự can thiệp từ bên ngoài là cần thiết. Song cái gì cũng có ít nhất là hai mặt của nó. Trước hết cần khẳng định lại nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đó là mọi sự can thiệp quân sự  từ bên ngoài vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền đều là phi pháp. Thực tiễn cho thấy cách thức can thiệp như vậy suy cho cùng chỉ có lợi cho các nước lớn mạnh, và cũng được các nhóm lợi ích kình chống nhau trong nội bộ mỗi quốc gia lợi dụng, nhưng đại đa số nhân dân các nước bị can thiệp cũng như các nước đi can thiệp đều không có lợi ích gì, trái lại phải hứng chịu những hậu quả khôn lường .  Về mặt này cũng nên nhắc lại nguyên lý  "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng". Sự can thiệp của bên ngoài chỉ có thể chấp nhận một khi quần chúng bên trong một quốc gia đồng lòng kêu gọi. Nói cách khác, xấu-tốt, sớm-muộn, thành công hay thất bại, đều nên để nhân dân mỗi nước quyết định vận mệnh của họ. Khốn nỗi đó là một khái niệm mơ hồ, dễ nhầm lẫn giữa phong trào quần chúng thực sự với những nhóm lợi ích hay sắc tộc hoặc tôn giáo cố tình lợi dung sự can thiệp của bên ngoài. Mọi sự can thiệp dựa trên cơ sỡ "nhầm lẫn" như vậy đều không thể chấm dứt được nguồn gốc  độc tài  mà chỉ thay thế chế độ độc tài này bằng một chế độ độc tài khác hoặc gây ra một quá trình nội chiến và nạn nghèo đối kéo dài, thậm chí nguy cơ mất độc lập chủ quyền đối với các quốc gia bị can thiệp. Nguy cơ này đang thể hiện khá rõ trong trường hợp I-rắc sau Saddam Hussein,  Libya sau Gadhafi và cả Ai cập, Afghanistan cũng như đối với các nước khác đang trong quá trình của cái gọi là "cách mạng màu".

Tóm lại, các thể chế độc tài, chuyên chế và phi dân chủ là trở ngại phải loại bỏ để mở đường cho nhân dân tiến lên ấm no hạnh phúc. Nhưng cách thức đánh đổ chúng và hậu quả sau đó đối với quốc gia bị đánh đổ là một vấn đề đặt ra đối với thế giới hiện đại. Đây là bài học đối với mọi quốc gia dân tộc không may đang bị các chế độ độc tài chuyên chế ở các mức độ khác nhau thống trị. Bài học nhãn tiền là đất nước có thể rơi vào tình trạng bạo loạn và nội chiến, thậm chí mất cả độc lập tự chủ. Không phải dân tộc nói chung mà trước hết những kẻ độc tài chuyên chế phải nhận thức được điều này. Họ cần biết rằng ngày nay dân chúng có điều kiện tốt hơn để hiểu biết và giác ngộ về quyền lợi chính đáng của mình để nổi dậy. Và đó là cơ sở để bên ngoài can thiệp dù muốn hay không. Do đó, giải pháp ít xấu hơn là  họ phải tự thay đổi  hoặc chuyển giao quyền lực khi chưa quá muộn. Trường hợp Vua Nêpan đã tự nguyện thoái vị để nhường bước cho cho chế độ dân chủ hồi năm 2006 và mới đây giới quân sự Myanma cũng đã chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho giới dân sự khiến thế giới hết sức ngưỡng mộ. Sự sụp đổ của Liên Xô cũ và các nước Đông Âu những năm cuối thế kỷ trước dù sao cũng là một dạng chuyển giao quyền lực thành công một cách hòa bình  mà không cần sự can thiệp quân sự  từ bên ngoài. /.       


Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

5 điểm du lịch đáng đến trong dịp Tết âm lịch năm này

1. Hà Giang
Nằm ở Cực Bắc của Tổ Quốc, Hà Giang là nơi có phong cảnh tuyệt đẹp cuốn hút rất nhiều khách du lịch. Đến đây du khách sẽ được tham quan những cảnh đẹp hoang sơ, với núi đá trải dài hai bên đường đi, không khí trong lành và thoáng đãng như tuyến đường Bắc Quản Bạ - Yên Minh – Đồng Văn – Mèo Vạc. Các cảnh đẹp sẽ đi qua theo thứ tự là Núi Đôi (Quản Bạ) - Đồi Thông và Ruộng Bậc Thang ở Yên Minh - Cực Bắc Lũng Cú - Chợ phiên Đồng Văn - Đèo Mã Pì Lèng. Khi tới Hà Giang bạn sẽ được đến thăm cột cờ Lũng Cú.


Nếu đi bằng xe máy thì nên chú ý chọn xe tốt, được bảo dưỡng cẩn thận và nên đưa theo các dụng cụ cần thiết để sửa những lỗi trên đường đi. Nếu đi vào trời mưa hoặc sương mù nên cẩn thận. Một số người đã từng đi Hà Giang đưa ra lời khuyên có thể đi ô tô tự lái thì tiện hơn xe khách, vì các điểm du lịch nằm rải rác ở nhiều tuyến đường khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý chọn lái xe có kinh nghiệm, kiểm tra xăng đầy đủ vì đường núi nên để tìm được trạm xăng không phải dễ dàng.

Một vài chỗ ở gợi ý: Mèo Vạc có KS Hoa Cương, Đồng Văn có Hoàng Ngọc, Cao Nguyên Đá, TP Hà Giang có Khách sạn Huy Hoàn.

Phương tiện đi lại: Nếu đăng ký tour với các công ty du lịch thì sẽ có xe đưa đón

Nếu tự tổ chức đi thì bạn có thể chọn xe khách khởi hành từ Bến xe Mỹ Đình vào lúc sáng (6, 7, 9, 11h), chiều (1h, 2h), tối (8h30, 9h) với mức giá giường năm khoảng gần 180.000 đồng/người, nếu ghế ngồi khoảng 140.000 đồng/người.

Nếu chọn ô tô có lái xe kèm theo thì nên thuê xe từ 16 – 24 chỗ.


2. Biển Ninh Chữ (Ninh Thuận)

Ninh Chữ trải dài khoảng 10km, thuộc thôn Bình Sơn, xã Văn Hải, tỉnh Ninh Thuận. Nơi đây có biển xanh, bãi cát trắng. Đến đây, các bạn sẽ được trải nghiệm khi tham quan vịnh Vĩnh Hy. Đặc biệt không thể bỏ qua làng gốm bàu Trúc, suối Lồ Ô…Thưởng thức đặc sản Phan Rang ngoài nho, táo, tỏi, hành tím còn có con dông, mực một nắng ... các loại trái cây như sầu riêng, chôm chôm, mít... các loại trái cây này trồng ở khu vực Lâm Sơn - Sông Pha.

Còn về nhà hàng, nếu chọn phong cách miệt vườn có Song Yến, Chốn Quê, Hoa Phượng vừa ẩm thực vừa câu cá thư giãn. Còn các quán trong thành phố có các nhà hàng Hoa Thiên Lý, Hương Đồng, Bồ Câu quán, Đông Dương .v.v. Ngoài ra còn có cơm gà Khánh Kỳ, Hải Nam...

Phương tiện đi: Nếu đi từ Hà Nội có thể bay vào sân bay Cam Ranh sau đó đi ô tô đến Ninh Chữ hoặc đi tàu vào ga Tháp Chàm sau đó đi taxi hoặc ô tô đến resort của bạn.
Nếu đi từ TP.HCM có thể đi ô tô Đường Lê Hồng Phong Quận 5 có các hang xe: Tuấn Tú, Liên Thành, Hoàng Anh. 

Ngã 4 Lê Hồng Phong , Trần Phú có hãng Quốc Trung. Các hãng xe này xuất phát từ 17h00 là chuyến đầu tiên. Với mức giá vé từ 80.000 đồng – 100.000 đồng.


3. Phú Yên
Phú Yên nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, cách Hà Nội 1.160km, cách TP.HCM 561 km. Đây là nơi có biển và nhiều thắng cảnh đẹp. Ngoài biển, ở đây có khu sinh thái Sao Việt, Bãi Tràm, Mũi Điện, Vịnh Vũng Rô, Đá Bàn, suối nướng nóng, lạnh, Đập Đồng Cam, Nhất Tự Sơn, Vịnh Xuân Đài, Đồi Thơm… Đặc biệt, khi đến Phú Yên không quên thăm gành Đá Đĩa và đầm Ô Loan, tham quan Vũng Rô, Núi Đá bia, ngọn hải đăng mũi Đại Lãnh.





Các khách sạn cho bạn có thể lựa chọn là Kaya (238 Hùng Vương) 4 sao, khách sạn Hương Sen, KS Ái Cúc, KS Công đoàn sát biển... và rất nhiều nhà khách, nhà trọ giá bình dân Ngoài ra, ở Tuy Hòa còn có khách sạn 5 sao Cendeluxe. Bạn có thể chọn nhà hàng tại khu sinh thái Thuận Thảo, nhà hàng Gió Chiều, Hoàng Gia…

Ở Phú Yên có rất nhiều đặc sản biển, bạn có thể đến cảng cá Phường 6 (TP Tùy Hòa) để thưởng thức hải sản. Ngoài ra, còn có các đặc sản như bánh canh Tuy Hòa, sò huyết Ô Loan, gà nướng Sông Cầu..... Phương tiện đi lại ở Phú Yên là có  Taxi ( Mai Linh, Thuận Thảo, Ái Cúc...), xe máy và xe bus (Anh Tuấn, Cúc Tư). Để chủ động bạn có thể thuê xe máy để đi tham quan.

Phương tiện đi lại: Để tới Phú Yên bạn có thể bay từ Hà Nội – Phú Yên hoặc TP.HCM – Phú Yên
Với du khách đi từ TP.HCM còn có thêm lựa chọn là ô tô, còn du khách ở Hà Nội cũng có thể đi bằng ô tô nhưng không tiện bằng đi máy bay.

Ngoài ra, du khách có thể chọn đi bằng tàu hỏa từ Hà Nội – Phú Yên hoặc TP.HCM – Phú Yên.

4. Duyên hải Bắc Trung Bộ

Năm 2012 sẽ là năm du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ. Với chủ đề “Du lịch Di sản” sẽ được thực hiện với chuỗi hoạt động xuyên suốt năm với sự tham gia của 8 tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Vườn


quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình), cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế (Thừa Thiên - Huế), di tích Mỹ Sơn và phố cổ Hội An (Quảng Nam).

 Khu vực này cũng là nơi có nhiều đặc sản như: cháo lươn Vinh, cu đơ (Hà Tĩnh), các món ăn như cơm hến (Huế), bánh canh, bánh bèo và rất nhiều loại bánh khác.

Ngoài ra, ở đây nếu đi vào mùa hè, bạn sẽ được tắm các biển Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Cửa Tùng, Nhật Lệ, Thuận An, Cảnh Dương và một số bãi biển của các tỉnh Nam Trung Bộ. Một số khu vực đã có thương hiệu như Phong Nha- Kẻ Bàng, Vườn quốc gia Bạch Mã, Lăng Cô.
Phương tiện đi lại: Có thể đi bằng máy bay tới Vinh (Nghệ An) rồi tiếp tục thuê xe đi dọc các tỉnh Bắc Trung Bộ. Hoặc đi máy bay tới Huế, Quảng Nam, Quảng Bình.

Hoặc bạn có thể chọn đi tàu, dừng ở ga Thanh Hóa để bắt đầu hành trình các tỉnh hoặc chọn phương tiện di chuyển là tàu sau khi hoàn thành tham quan ở mỗi tỉnh.

Ngoài ra, với các du khách từ Hà Nội có thể chọn đi bằng ô tô. Để về các tỉnh Bắc Trung Bộ, bạn đến bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) để mua vé và chọn điểm đến trong hành trình của bạn.


5. Phú Quốc
Biển Phú Quốc còn gọi là Đảo Ngọc, thuộc huyện Đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang. Tới đây du khách được chìm đắm với những bãi biển tuyệt đẹp như bãi Dài, cát trắng lấp lánh tại bãi Sao, hòa mình vào không khí trong lành. Thích khám phá tự nhiên có thể đi lặn xuống biển, ngắm san hô. Vào rừng nguyên sinh khám phá suối Tranh, đi thăm trại nuôi chó xoáy lưng. Về thị trấn Dương Đông thăm Dinh Cậu…




Để khám phá toàn bộ đảo thì nên chọn xe máy với giá 120.000 đồng -150.000 đồng/ngày ( khu vực đường Trần Hưng Đạo – Thị trấn Dương Đông nhiều chỗ thuê). Hoặc thuê ô tô với loại xe jeep giá khoảng 400.000 đồng/ngày. Ở đây cũng có dịch vụ cho thuê ô tô tự lái giá khoảng 600.00 đồng/ngày, xe từ 7-8 chỗ (nhưng nhớ trước khi khởi hành mang theo các loại giấy tờ như bằng lái xe, chứng minh thư nhân dân…).

Ngoài ra, bạn có thể đi câu cá ban ngày, câu mực ban đêm lênh đênh trên thuyền. Ẩm thực ở đây chủ yếu là món ăn làm từ hải sản như gỏi cá trích hoặc bánh canh hải sản ở gần Blue Galoon, cá măng, nước mắm Phú Quốc nức tiếng gần xa ngon miễn chê, rượu vang sim được chế biến từ trái sim chín, hồ tiêu Phú Quốc. Đi du lịch bụi cần cẩn trọng với những bụi cây trên đá, bởi trong đó có thể có những tổ ong nếu không cẩn thận trẻ em hoặc người lớn đều dễ bị ong đốt.

Phương tiện đi lại: Khởi hành từ TP.HCM có thể đi xe ô tô hoặc chọn máy bay đến Rạch Giá rồi đi tàu ra Phú Quốc. Đi từ Hà Nội thì chọn chặng bay Hà Nội – Phú Quốc./.
Nguồn :  phuonglp | DU Lich Snoop Blogs


Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Việt Nam một lần nữa chính thức khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam


Liên quan đến nội dung trả lời trực tuyến mạng Tin tức Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông  của Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới và Biển, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dị Tiên Lương ngày 6/1/2012, Vụ trưởng Vụ Biển - Uỷ ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Quý Quỳnh đã trả lời phỏng vấn báo VnExpress trong đó nêu rõ tính phi lý của cái gọi là "đường lưỡi bò" đồng thời khẳng định lai Hoàng Sa là của VN . 
Dưới đây là toàn văn nội dung phỏng vấn do PV Mai Trang thực hiện- Nguồn: VN-Express  13/1/2012,


Hỏi:  Trong bài phỏng vấn của mình, ông Dị Tiên Lương có nói: Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, Trung Quốc đã thu hồi quần đảo “Tây Sa” (cách Trung Quốc gọi Hoàng Sa của Việt Nam) và “Nam Sa” (cách Trung Quốc gọi Trường Sa của Việt Nam) từ tay quân Nhật. Vậy thưa ông, sự thật lịch sử là như thế nào?
 Đáp:  Tại Hội nghị hòa bình San Francisco 1951 - một Hội nghị quốc tế quan trọng giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ II, đại diện của Chính phủ Việt Nam khi đó đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và không có nước nào tham dự Hội nghị phản đối, trong khi Dự thảo Nghị quyết do Liên Xô đưa ra nhằm trao hai quần đảo này cho Trung Quốc đã bị 48/51 phiếu chống. Điều đó cho thấy, đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã bị bác bỏ; còn chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được thừa nhận tại một hội nghị quốc tế quan trọng sau chiến tranh thế giới thứ II. Như vậy, ý kiến phát biểu nói trên của ông Dị Tiên Lương là hoàn toàn trái với thực tế lịch sử lúc bấy giờ.

Hỏi:  Ông Dị Tiên Lương nói rằng: Tháng 12/1947, Bộ Nội chính Chính phủ Trung Quốc đã ban hành “Bản đồ vị trí các đảo ở Nam Hải”, vẽ “đường nét đứt” và đặt tên cho một số đảo đá, bãi v.v.... và chính thức công bố ra bên ngoài năm 1948 v.v... Đường nét đứt là để khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lợi ích biển liên quan của Trung Quốc. Việc Trung Quốc đưa ra đường yêu sách theo đường đứt khúc 9 đoạn (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) năm 2009 trên Biển Đông đã gây ra rất nhiều phản ứng của các nước trong và ngoài khu vực và đã bị phê phán rất nhiều trong các cuộc hội thảo quốc tế. Xin ông cho biết ý kiến về việc này?
Đáp: Cho tới trước năm 2009, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức đưa ra yêu sách này. “Đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và lịch sử, vì được vẽ ra một cách tùy tiện, không có toạ độ của các điểm cụ thể và không được quốc tế công nhận. Năm 2009, Trung Quốc lần đầu chính thức đưa yêu sách “đường lưỡi bò” ra Liên Hợp Quốc nhưng không có giải thích cụ thể. Ngay sau đó, Việt Nam, và tiếp đến là Indonesia, Philippines đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối yêu sách phi lý đó của Trung Quốc. Tại các cuộc hội thảo quốc tế gần đây, rất nhiều học giả quốc tế như Pháp, Bỉ, Mỹ, Indonesia đã chỉ ra tính phi lý của yêu sách “đường lưỡi bò”, đồng thời, nhiều học giả còn nhấn mạnh rằng, chính yêu sách “đường lưỡi bò” là nguyên nhân gây ra những căng thẳng, phức tạp trên Biển Đông. Cụ thể là:
- Yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn đi ngược lại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia; vùng biển mà “đường lưỡi bò” bao trùm không thể là lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Trung Quốc.
- Cho tới nay, các văn bản pháp luật về biển của Trung Quốc đều không đề cập tới yêu sách “đường lưỡi bò”;
- Thực tiễn các quốc gia ven Biển Đông cũng như các quốc gia ngoài khu vực đều phủ nhận yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc;
- “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của năm nước là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Brunei.

Hỏi: Ông Dị Tiên Lương khẳng định Trung Quốc có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý đối với chủ quyền ở “Nam Sa” (Trường Sa). Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Đáp: Đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử chứng minh rằng Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này ít nhất từ thế kĩ 17 khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ 19, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo như cử các đội Hoàng Sa ra quần đảo đo đạc, thể hiện trên bản đồ, dựng bia, lập miếu, quản lý và tổ chức đánh bắt hải sản tại quần đảo Hoàng Sa. Các văn bản pháp lý của Nhà nước phong kiến Việt Nam như Châu bản, Sắc chỉ hiện đang được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ của Việt Nam đã khẳng định rõ chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong thời kỳ Pháp thuộc (cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỷ 20), Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục thực thi quyền quản lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; từ những năm 30 của Thế kỷ 20 Pháp quy thuộc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào các tỉnh đất liền của Việt Nam và cho quân đồn trú ở hai quần đảo này; sau đó theo Hiệp định Geneva, Pháp đã chuyển giao hai quần đảo cho chính quyền Sài Gòn - Chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Sau năm 1975, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lý các đảo ở Trường Sa.
Như vậy, việc thực thi chủ quyền lãnh thổ của các Nhà nước Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được tiến hành một cách thực sự, hoà bình và liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, năm 1956 Trung Quốc đã đưa quân đội chiếm các đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa, năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa; và năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đi ngược lại tinh thần Hiến Chương của Liên Hợp Quốc và đã bị nhiều quốc gia trên thế giới lên tiếng lên án.

Hỏi: Ông Dị Tiên Lương nói rằng năm 1958, Thủ tướng Việt Nam khi đó là Phạm Văn Đồng đã gửi Công thư đến Thủ tướng Chu Ân Lai, công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa) và “Nam Sa” (Trường Sa). Ông có thể cho biết ý kiến của mình về việc này?
Đáp: Nội dung của Công thư ngày 14/9/1958 là hết sức rõ ràng: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chỉ ghi nhận, tán thành và tôn trọng Quyết định của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về hải phận 12 hải lý của đất nước Trung Quốc. Công thư không liên quan gì đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó nằm phía Nam Vĩ tuyến 17 và theo Hiệp định Geneva thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền miền Nam Việt Nam - Chính phủ Việt Nam Cộng hoà.
Việc cho rằng bản Công thư ngày 14/9/1958 là bằng chứng Chính phủ Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là xuyên tạc lịch sử. Việt Nam từ trước tới nay chưa hề có bất cứ một tuyên bố nào từ bỏ chủ quyền thiêng liêng của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 9 năm 1975, khi tiếp đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm Trung Quốc, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nói: “Giữa hai nước có tranh chấp về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau này sẽ bàn bạc giải quyết”. Trong Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã nhắc lại nội dung này. Điều này cho thấy, theo quan điểm của phía Trung Quốc, giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc có tồn tại tranh chấp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại các cuộc đàm phán về vấn đề trên biển giữa hai nước, kể cả tại các vòng đàm phán về Thoả thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển vừa qua, hai bên đều nêu rõ quan điểm của mình về vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tôi xin khẳng định lại một lần nữa rằng lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam là nhà nước đầu tiên và duy nhất đã thực hiện quyền làm chủ của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hoà bình, ổn định và liên tục. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mặt khác, Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và trên tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002.

Hỏi: Ông có bình luận gì về việc ông Dị Tiên Lương nói rằng các hoạt động dầu khí của các nước ở “Nam Hải” (Biển Đông) mà không có sự đồng ý của Trung Quốc là hoạt động phi pháp?
- Là quốc gia đã ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Việt Nam đã và đang thực thi đầy đủ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các hải đảo, vùng biển và thềm lục địa của mình theo các quy định của Công ước. Cụ thể, Việt Nam đã thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát đảm bảo thi hành pháp luật trên các vùng biển và hải đảo; tiến hành thăm dò, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển trong đó có các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí. Các hoạt động dầu khí đều được tiến hành trong vùng đặc quyền và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, không có tranh chấp với bất kỳ quốc gia nào.
Chính Trung Quốc cũng là quốc gia đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 nên cần phải có nghĩa vụ thực hiện các quy định của Công ước này.
Phát biểu nói trên của ông Dị Tiên Lương là hoàn toàn vô lý, xúc phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các quốc gia ven biển theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Trống Đồng - Di chỉ nguồn cội Việt


Mới đây xuất hiện một entry trên 5xublog.org về cội nguồn dân tộc Việt Nam khiến dư luận khá xôn xao (Mời xem nội dung đầy đủ tại địa chỉ: http://5xublog.org/) Blog Bách Việt tôi cảm thấy ít nhiều có chút "trách nhiệm" để tham gia thảo luận xung quanh chủ đề thú vị này.
Trước hết xin chân thành bày tỏ sự đồng cảm trước tấm lòng quan tâm đến cội nguồn dân tộc của blog5xu khi đã cất công tìm tòi, lục lọi… và đưa ra một vài "ý tưởng" khá thú vị. Dù sao việc này cũng còn hơn là "ngồi chơi xơi nước" như nhiều vị "thiền sư sử học" trong biên chế lâu nay chỉ quen tụng niệm bài bản đã có và bắt học sinh học thuộc lòng lấy điểm rồi khen/chê giỏi/dở...; ai thắc mắc hay nói trái ý thì cho trượt luôn!
Thứ đến xin có vài nhời bàn như sau:
Entry của 5xublog đã diễn giãi một vài đoạn trong một quyển Giao châu ngoại vực kí của kẻ thống trị phương Bắc để nói rằng lịch sử nguồn cội dân tộc Việt Nam chẳng có gì, kể cả mấy cái tên gọi là Lạc Việt, Hùng Vương,...đều là do người Hán gọi thế kia, rồi người Việt dịch nôm na thành ra thế này...!
Thiết nghĩ nếu cứ suy diễm kiểu blog 5xu thì không thể nào kể ra cho hết mọi sự suy diễn có thể có về nguồn cội người Việt. Nhưng có một điều không nên quên là, mọi sử sách liên quan đến dân tộc Viêt Nam ngày nay đều do kẻ thống trị phương Bắc viết ra hoặc sao chép lại, thậm chí bị xuyên tạc, bịa đặt cho mục đích thống trị,do đó càng về sau càng sai lệch với sự thật. Khoan hãy bàn về nguồn gốc nguyên thủy người Việt từ đâu mà ra, gọi là gì,...nhưng điều đã rõ, họ đã bị người phương Bắc dồn đẩy về phương Nam và đô hộ 1.000 năm liên tục, cộng lại không ít hơn  2.000. Giả sử người Việt đã có chữ viết, thì trong quá trình bị dồn đẩy và thống trị chắc chắn khó mà còn lại dấu vết gì trên con đường ly tán tha hương đó. Cái mà ta còn thấy được trên vùng đất mà kẻ thù đặt tên là "Giao chỉ" thực sự không phải là điểm xuất phát của dân tộc Việt; và người Việt Nam bằng da bằng thịt ngày nay chắc chắn không phải là người Giao chỉ. Cũng không thể có cái gì gọi là "thuần Việt" cả đâu! Lịch sử nhiều nên văn minh nhân loại đã từng bị lãng quên trong các thời kỳ ngắn hơn thế nhiều lần (như người Maya,người Sumer, người Da đỏ, người Chàm...). Cái còn lại chính xác nhất không phải là qua sử sách mà trong các di chỉ khảo cổ và gen di truyền mặc các di tích còn phụ thuộc vào điều kiện thiên nhiên, di truyền đôi khi cũng khó nhận biết rạch ròi.
Theo tôi thiện nghĩ, trong khi còn phải chờ đợi bổ sung của những kết quả nghiên cứu khảo cổ và di truyền, có một cơ sở không chối cãi được của nguồn cội Việt là Trống đồng. Nói cách khác ở đâu có trống đồng, ở đó có thể tìm thấy nguồn cội Việt. Được biết, trong khi VN, vì một số lý do khác nhau, chưa thực sự coi trọng thì thế giới lại có nhiều nghiên cứu dưa trên các di chỉ khảo cỗ Trống Đồng. Ngoài giá trị vật thể của bản thân chiếc trống, các hoa văn trên trống cũng cho thấy những chỉ dấu về nhân văn của người Việt, đặc biệt có biểu tượng Kinh Dịch mà đến nay người TQ đã chính thức thừa nhận không phải của mình. Dưới đây là một trích đoạn nói về Trống Đồng trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

Bắt đầu trích dẫn
Nghiên cứu về nguồn gốc trống đồng
Tại phương Tây, đã có dấu vết rằng người ta đã biết về trống đồng từ năm 1682[6]. Nhưng mãi tới cuối thế kỷ 19 mới có học giả bàn về trống đồng như Hirth (1890), tác giả này cho rằng trống đồng là của Trung Quốc. Rồi De Grooth (1901) cho là của Việt Nam. Trong cuốn Alte Metalltrommeln aus Südost Asien (Trống kim loại cổ Đông Nam Á) năm 1902, Franz Heger, nhà khảo cổ học người Áo khẳng định rằng trống đồng xuất phát từ miền Bắc Việt Nam và trung tâm các cuộc tìm kiếm sau này về trống đồng phải là ở vùng này. Ông Heger phân chia 165 chiếc trống được biết đến lúc ấy thành 4 loại - phân loại Heger. Trước thập niên 1950, một số phân loại khác đã được đề xuất, nhưng không có cách nào được chấp nhận rộng rãi như phân loại của Heger[7].
Các nghiên cứu về trống đồng mãi đến cuối thế kỷ 19 mới được bắt đầu và được bắt đầu bởi người phương Tây. Trước thập niên 1950, hầu hết các nghiên cứu quan trọng đều được viết bởi các học giả phương Tây, đặc biệt nhất là Heger. Sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949 và Việt Nam bị chia cắt vào năm 1954, các học giả Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu chiếm lĩnh lĩnh vực nghiên cứu về trống đồng. Đến cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, đã có những cuộc tranh luận xung quanh việc phân loại trống, ý nghĩa các họa tiết trang trí, niên đại trống..., nhưng chủ đề tranh luận chính yếu là trống đồng xuất phát từ đâu: miền Bắc Việt Nam hay miền Nam Trung Quốc[8]. Các học giả Việt Nam ủng hộ phân loại của Heger và cho rằng trống đồng Đông Sơn (Heger loại I) là loại cổ nhất. Còn các học giả Trung Quốc ban đầu đa số phủ nhận phân loại của Heger, cho rằng kiểu trống tương ứng với Heger loại II mới là cổ nhất. Từ khi trống loại Vạn Gia Bá, loại trống gần giống loại Đông Sơn nhưng hoa văn đơn giản hơn, được tìm thấy ở Vân Nam, các học giả Trung Quốc lại quay về thống nhất với một cách phân loại theo thứ tự phân loại của Hegel nhưng bổ sung một loại xếp thứ tự cổ hơn Heger loại I, đó là loại trống Vạn Gia Bá. Theo cách phân loại của Việt Nam, trống Vạn Gia Bá (trống Thuong Nong tìm thấy ở Việt Nam thập niên 1980 thuộc loại này) được xếp vào loại con của thời kỳ cuối của loại trống Đông Sơn.
Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa đi được đến một kết thống nhất về một xuất xứ Việt Nam hay Trung Quốc của trống đồng - một truyền thống mà có thể đã được chia sẻ giữa tổ tiên của cả hai. Thực tế là tại thời điểm trống đồng được phát minh, không có một đường biên giới giữa Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc. Nhiều nhóm người sống trong vùng đất rộng lớn đó đã có quan hệ với nhau về sinh học hoặc văn hóa hoặc cả hai. Học giả phương Tây Charles Higham, người đứng ngoài cuộc tranh cãi, cho rằng các xu thế dân tộc chủ nghĩa của các nhà khảo cổ học Việt Nam và Trung Quốc đã che lấp tình huống mà khảo cổ học đã khai lộ. Ông đưa ra giả thuyết rằng trống đồng đã được tạo bởi các nghệ sĩ tài hoa của một nhóm các xã hội có tổ chức ngày càng phức tạp với địa bàn trải rộng qua biên giới Việt-Trung hiện đại, để trang bị cho các chiến binh và làm biểu tượng cho vị thế cao của những người lãnh đạo. Ông viết: "Việc tìm kiếm nguồn gốc tại một vùng này hay vùng khác đã bỏ qua điểm quan trọng. Các thay đổi đã được thực hiện suốt từ vùng mà ngày nay là miền Nam Trung Hoa tới đồng bằng sông Hồng bởi các nhóm người mà thời đó đã trao đổi hàng hóa, tư tưởng, và cùng chống lại sự bành trướng từ phía Bắc của một quốc gia hùng mạnh và hiếu chiến"[9]. Quan điểm này tương đồng với sự thống nhất giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam, Trung Quốc, hay phương Tây rằng trống đồng là sản phẩm của người Lạc Việt - tộc người Việt cổ được cho là có địa bàn sinh sống trải từ miền Nam Trung Quốc tới miền Bắc Việt Nam.
Hết trích dẫn.(*)

Nói vậy để thâý rằng nếu chỉ "tầm ngôn, trích cú" từ sách sử của phương Bắc thì chưa đủ để kết luận về nguồn gốc người Việt! Hơn nữa nếu trình bày vấn đề một cách phiến diện rất dễ khiến cho bản thân ta mất lòng tin vào chính mình,thậm chí tự chế nhạo mình, thì thật là tai hại!. Dân tộc nào, kể cả người Hán, đều trãi qua thời kỳ mông muội, thô sơ lạc hậu...Chẳng qua nhờ có cơ hội nào đó mà vượt lên hoặc nhỡ cơ mà đi xuống hoặc lụi tàn. Nhưng vạn vật đều có chu kỳ tiến hóa của nó. Khi bàn về cội nguồn dân tộc, người ta không căn cứ vào kết quả mà căn cứ vào quá khứ dù quá khứ đó là huy hoàng rực rỡ hay không. Cái chính là để tìm ra "sợi giây" liên kết hiện tại với quá khứ để làm điểm tựa đi vào tương lai, nếu không sẽ như con diều đứt giây vây!./.

 (*) Nguồn:Wikipedia song ngữ Việt và Anh.


Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Chán quá!



Gần tuần lễ nay blogger tôi không thể nào vào được "nhà" của mình. Thử vào blog khác thấy một số như Lều Thăng sắc, Tuanvn, v.v...cũng không được,nhưng vào Quechoa,Bauxitvn, Basam... vẫn bình thường.Hỏi tranhung09 bảo đó là do "trùng" với đợt chặn của nguồn cung cấp dịch vụ gì đấy..., và bày cho cách "vượt rào". Thế là hôm nay mới vào được... Nhưng thấy nhà trống vắng hẳn, chỉ có vài trăm readers cả tuần qua!

Từ ngày chuyển sang blogspot (tháng 3/2011) đây là lần "bị chặn" tệ hại nhất.Đáng lẽ không sốt ruột lắm nếu không có tâm trạng chờ đợi số reader 99.999!, và cũng lo bị ai đó "phá nhà"... Hiện giờ tạm thời "vượt rào", nhưng tốc độ rất chậm chạp và khó làm việc, cũng chẳng thấy mấy reader vào đọc. Nói chung là chán và nản với cái trò "ngăn sông cấm chợ"!

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này