Căn lều dự án mọc lên làm xấu cả phố phường |
Người viết bài này chỉ là một "phó thường dân" nên không đủ thẩm quyền “để biết” mọi ngóc ngách của hai dự án nói trên, nhưng cũng biết đủ để xin được sử dụng cái quyền “được bàn” như sau.
Người Hà Nội chắc đều biết Làng Quốc tế Thăng Long là một trong số ít khu chung cư cao cấp đầu tiên của Thủ đô. Nó vẫn còn đó dấu tích của những biệt thự mà Lã Thị Kim Oanh “biến hóa” từ một dự án chung cư cao tầng là chính. Mảnh đất nằm ở rìa ngoài nói trên cũng là một dấu vết còn sót lại sau nhiều lần đấu tranh giằng co, quãng năm 2006 nó đã được kết luận là “đất cây xanh…, không được xây nhà ở”. Nhưng cách đây mấy tháng bỗng dưng có người đục tường rào vào trong sân dọn mặt bằng, ai hỏi chỉ nói úp mở…. Nhưng mới đây đã lộ rõ nguyên hình là sự “hồi sinh” cái ý đồ của 10 năm trước, khác chăng là, trước đây định xây 2 biệt thự thì giờ thành 4 căn liền kề!
Vấn đề chưa rõ là ai cho phép xây và xây cho ai (?). Nhưng điều đã rõ là dự án này vi phạm các quy tắc xây dựng cơ bản, và ắt hẳn có những khuất tất trong đó cần được làm sáng tổ và kịp thời ngăn chặn.
Vấn đề chưa rõ là ai cho phép xây và xây cho ai (?). Nhưng điều đã rõ là dự án này vi phạm các quy tắc xây dựng cơ bản, và ắt hẳn có những khuất tất trong đó cần được làm sáng tổ và kịp thời ngăn chặn.
Trường hợp dự án thứ hai còn lớn hơn rất nhiều với quy mô gần 100 căn liền kề tạo nên một “bức tường” bằng nhà dài gần ½ km chạy dọc sau phố Tô Hiệu và cũng cắt qua con ngõ nhỏ nói trên (theo sơ đồ thiết kế của công ty chủ quản INDECO). Dư luận đàm tiếu rằng nếu được thực hiện, nó chắc sẽ là một “kiệt tác” nữa của nền kiến trúc chắp vá của Thủ đô ta. Xấu xí không giống ai là một chuyện. Nhưng chuyện đáng nói ở đây là sự vô lý của một dự án xây chen nhà ở trên diện tích đất lưu không đường điện cao thế (dù đang treo trên cao như hiện tại hoặc sẽ hạ ngầm sau này). Hơn nữa về mật độ dân cư đây là một khu vực đã được quy hoạch với Khu tập thể Nghĩa Tân một bên và Làng QTTL một bên, chẳng có lý gì để “chèn” thêm một khu dân cư nữa vào giữa.
Ai cũng biết thủ đoạn “xây chen” là một mánh kiếm tiền của các chủ thầu xây dựng. Nhưng trong hai trường hợp kể trên nó là sự vi phạm có tính toán mà những kẻ vi phạm tỏ ra rất kiên trì bám đuổi phần lợi nhuận 200% của họ ( như luận điểm thời nào cũng đúng của Karl Max: Nếu đạt lãi xuất 200% thì nhà tư bản dù bị treo cổ cũng không từ bỏ).
Tuy nhiên, cũng xin thưa, trong một xã hội pháp quyền, thiết nghĩ mọi hoạt động kinh doanh nhất thiết phải tuân thủ pháp luật. Và pháp luật không ngoài mục đích nhằm đảm bảo quyền sống và mọi quyền lợi chính đáng của công dân. Người cầm cân pháp luật không ai khác là các cơ quan chức năng của Nhà nước. Vậy nếu không có sự chấp thuận (dưới mọi hình thức nào đó) của một cơ quan nhà nước thì liệu các công ty xây dựng trên đây có thể liều lĩnh đổ vốn cho những phi vụ làm ăn mà họ biết chắc là không được sự đồng thuận của nhân dân?
Nhưng qua những gì đang diễn ra cho dân thấy các chủ thầu đã và đang làm việc một cách đầy tự tin. Không rõ vì sao họ có thể đưa ra nhiều công văn giấy tờ có chữ ký và con dấu của các cơ chức năng cho phép xây dựng nhà ở như vậy. Nghe nói họ thậm chí đã “bán hết” các lô đất nền…(!). Trong khi đó người dân cảm thấy rất bức xúc, lo lắng không biết điều gì sẽ xảy ra nếu cái gọi là “dự án” như vậy được tiến hành. Nhiều người cho rằng những kẻ đầu cơ chỉ cần cắm mốc và rào khoanh vùng để “xí phần”, sau đó chưa chắc đến lúc nào sẽ thực hiện, miễn là giá đất sẽ tiếp tục lên! Suy luận này hoàn toàn có cơ sở khi mà chưa một cơ quan Nhà nước nào đứng ra chính thức thông báo và giải trình về tính khả thi của dự án “hạ ngầm lưới điện 110 KV” trên phần diện tích đất của dự án nhà liền kề nói trên.
Dân cư trong khu vực đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi đến các cấp chính quyền từ Phường đến Thành phố; cũng đã có sự lên tiếng của báo chí. Nhưng cho đến nay tất cả vẫn rơi vào yên lặng. Ngoài một vài cuộc họp do Phường Dịch Vọng tổ chức mà trong đó chỉ để nghe ý kiến tranh cãi giữa người dân với đại diện Công ty có dự án, chưa hề có một văn bản hay một hình thức trả lời chính thức nào của các cấp chính quyền.
Thiết nghĩ, đất nước đang thực hiện đổi mới, trong đó Thủ đô là tấm gương về mọi mặt không lẽ nào cứ quẩn quanh mãi trong nếp làm xây dựng chắp vá? Một Hà Nội mở rộng với hơn 3.300 km2 ngày nay không thể thiếu đất để phải cho xây chen, xây ép các khu dân cư trong vùng nội thành. Cách làm này chỉ có lợi trước mắt cho những kẻ đầu tư bất động sản trục lợi, nhưng sẽ mãi mãi làm nhơ xấu hình ảnh của phố phường Hà Nội. Kiếm tiền ai cũng muốn, nhưng cái giá phải trả mới là vấn đề: Đó là hình ảnh xấu xí, lạc hậu của Thủ đô; đó là lòng tin của người dân vào nơi công quyền bị xói mòn./.
Trần Kinh Nghị
Kiếm tiền ai cũng muốn..., còn sống chết thì mặc bay, he he!
Trả lờiXóaKarl Max: "Nếu đạt lãi xuất 200% thì nhà tư bản dù bị treo cổ cũng không từ bỏ." - Đỏ hay đen gì cũng rứa!
Trả lờiXóa