Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Tâm tư anh "bộ đội Cụ Hồ"


Gần nhà tôi có một bác cựu chiến binh nay đã "ngoại bát thập tuần". Có lần bác bộc bạch: "Nghề của tôi là anh bộ đội Cụ Hồ"...Nhưng thực ra bác  đã từng theo học"trường Tây" ở Hà Nội, kháng chiến bùng nỗ bác đi theo Cụ Hồ làm lính cho đến ngày về hưu với chức vụ đại tá.

Nếu chỉ có vậy thì tôi không nói ra đây làm gì, vì giờ có rất nhiều cấp tá về hưu như bác. Số là mấy tuần trước bác có gọi điện thoại cho tôi để giải bài một tâm trạng bức xúc mà qua điện thoại tôi nghe không được rõ lắm, chỉ hiểu đại khái là bác vừa được đi nghe phổ biến tình hình dành cho cán bộ hưu trí ở trong phường nơi cư trú... Hôm đó vị diễn giả là một cán bộ lãnh đạo cao cấp nhưng không hiểu sao lại nói "xanh rờn" rằng ông cha ta xưa kia đánh thắng giặc phương Bắc rồi đều trở lại quy phục, triều cống...nay chống họ làm gì... (?)...và những ai tham gia biểu tình này nọ đều là tiếp tay cho bọn Việt Tân ...(!).

Nghe vậy, tôi thấy "lạ lẫm" đã đành, nhưng vừa thương vừa cảm phục ông già đã ở tuổi "sắp về với các cụ" mà vẫn sắc sảo và đau đáu trước những vấn đề của đất nước hôm nay...

Chuyện bẳn đi cho đến hôm qua, bác sang tận nhà tôi nói : "Cậu làm sao giúp tớ đưa cái này lên mạng...", rồi chìa ra 2 trang giấy đánh máy. Đó là lá thư mà bác nói đã viết cho vị diễn giả kia! Thấy tôi hơi băn khoăn, bác bảo "Tớ đảm bảo những điều viết trong đó hoàn toàn đúng sự thật mà tớ đã ghi lại với kỹ năng của một thư ký cao cấp ...", và nói thêm: "Tớ muốn hỏi ý kiến từ công luận, cậu hiểu không?"...

Vậy là tôi đã bị "thuyết phục" không phải chỉ vì sự thận trọng mà cả vì tấm lòng nhiệt huyết của một ông lão đang nhờ  cậy mình chẳng qua vì không thành thạo internet! 

Dưới đây là nguyên văn những gì ông viết trong 2 trang giấy đó.   


 Ngày 19  tháng 8 năm 2011


Thân gửi đồng chí Tạ Ngọc Tấn
Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia.

Tôi là một đảng viên đã được nghỉ sinh hoạt Đảng, thuộc Đảng bộ Phường Nghĩa Tân, sau khi  cân nhắc suy nghĩ kỹ thấy cần phải viết cho đồng chí lá thứ này.
Ngày 30/7/2011 vừa qua, theo triệu tập của Chi ủy Chi bộ 27, cùng toàn thể đảng viên đảng bộ Phường, tôi đã đến hội trường của Học viện và được nghe đồng chí truyền đạt nghị quyết Đại hội Đảng XI. Trong nội dung trình bày của đồng chí, tôi và một số đảng viên cao tuổi khác đều rất ngạc nhiên và ngỡ ngàng về một số đoạn đồng chí đã nói và xin trích gần như nguyên văn dưới đây một số đoạn,  mong được đồng chí xem lại có thực là ý đồng chí định nói ?
1. "… Gần đây có chuyện một số người tụ tập dưới ngọn cờ yêu nước tổ chức nhiểu cuộc biểu tình tuần hành… chống Trung Quốc, phụ họa (hay nối giáo, tôi nghe không rõ lắm) với luận điệu của Đảng Việt Tân, sa vào âm mưu của bọn Việt Tân đang tìm mọi cách chia rẽ, phá hoại quan hệ Việt Trung, phá hoại về chính trị, gây bất ổn định trong xã hội…"
2. "… Yêu nước như kiểu ấy không bằng phá nước!!! Lịch sử cả ngàn năm Bắc thuộc, dù ta có đánh thắng nhiều cuộc xâm lăng từ phía Bắc nhưng ông cha ta đã rất khôn ngoan luôn coi trọng việc hòa hiếu, nào là thần phục, chịu sắc phong vương, nào là triều cống đủ thứ… Huống chi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ta với Trung Quốc như môi với răng. Bản thân tôi (đ/c Tấn) vào bộ đội chống Mỹ thì từ đầu đến chân toàn là vũ khí trang bị của Trung Quốc, đến cả quân trang, mũ cối, dép râu đến lương khô cũng là của Trung Quốc!!!".
3. "… Trong tranh chấp biên giới trên đất liền, thực ra ta có mất gì đâu? Tôi đã trực tiếp lên Bản Giốc, theo đường phân thủy, ta có 2 phần, Trung Quốc được 3 phần, thì ở bãi giữa sông Bắc Luôn (Lào Cai) ta được 3 phần, Trung Quốc chỉ có 2!!"
4. "… Tranh chấp làm gì? Ta cứ gây hấn với Trung Quốc thì được cái gì?".
5. "… Mất một chút nào đó để tránh được chiến tranh, giữ gìn bảo vệ được hòa bình thì… (đoạn này nghe không rõ). Lúc này giữ gìn bảo vệ được hòa bình là chủ trương nhất quán vì lợi ích cơ bản, toàn bộ và lâu dài của ta!!!".

Riêng tôi và một số đồng chí khác tham dự cuộc phổ biến nói trên đã có trao đổi và cho cho rằng:
1. Ghi chếp của tôi có thể chưa hoàn toàn đúng từng câu chữ , nhưng điều quan trọng nhất là ý tứ, nội dung cơ bản trên đây là đúng với với ý tứ nội dung của đồng đã chí trình bày;  
2. Nếu đúng, xin đồng chí cho biết rõ đó là những ý kiến cá nhân của đồng chí hay là chủ trương của Trung ương? (Mong rằng  có thể do phương pháp, cách thức phát ngôn của đồng chí khiến chúng tôi hiểu lầm chăng?)
3. Để ổn định và thống nhất nhận thức ý chí trong Đảng bộ, đề nghị đồng chí cho biên soạn lại bài nói hôm đó thành văn bản và phổ biến một cách chính thức trong toàn Đảng bộ phường Nghĩa Tân.
Mong sớm được sự hồi âm của đồng chí và xin gửi đồng chí lời chào quyết thắng.

                                                                     Thân kính

                                                                                                                Đã ký

Đồng kính gửi:
- Chi ủy chi bộ 27;
- Đảng ủy phường Nghĩa Tân.
          Phạm Xuân Phương

Đảng viên chính thức đã nghỉ sinh hoạt Đảng
Chi bộ 27, Đảng bộ phường Nghĩa Tân
Đ/C: 312 -C7-T2 Nghĩa Tân 

Cầu Giấy - HN. ĐT: 043. 8361687




--------------
*****

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Thế hệ "tàu chiến công nghệ mới"?

Mời mọi người xem một số hình ảnh và chức năng của cái gọi là "chiến hạm tàng hình (stealth)" thuộc loại mới nhất của Hoa Kỳ có tên là USS Independence LCS-2 mà tin tức gần đây (bắt đầu từ Singapore thì phải?) nói rằng Mỹ và Singapore đang thảo luận chi tiết một kế hoạch đồn trú cho loại tàu này tại Singapore. 



        USS Independence LCS-2 biểu diễn chạy trên biển  


USS Independence LCS-2, nhìn từ phía trước. (Hình: Internet)



USS Independence LCS-2 đậu ở căn cứ hải quân Key West, Florida 



Phòng hoa tiêu của chiến hạm USS Independence LCS-2. 



Bộ chỉ huy của tàu chiến tàng hình. (Hình: Internet)


Phía sau của chiến hạm tàng hình USS Independence LCS-2.

Các tính năng chính của USS Indepence LCS-2:
+Dài 419 bộ (foot) với tốc độ hơn 40 hải lý; tầm hoạt động lên tới 10,000 hải lý (19,000 km) với nhiều khả năng khác nhau từ tình báo, tấn công, đến phá mìn. 
+Được đưa vào hoạt động từ Tháng Giêng 2010 sau khi rời xưởng đóng tàu ở Mobile, Alabama.
+Hoạt động ở các vùng nước nông dọc bờ biển (trang bị 2 máy bay trực thăng chiến đấu, một số máy bay không người lái làm nhiệm vụ trinh sát hay tiêu diệt tàu ngầm, tàu chiến, chống mìn;  4 xe bọc thép... 
Nói chung USS Independence LCS-2 là loại chiến hạm đa năng thuộc hàng nhanh nhất của Hải Quân Hoa Kỳ hiện nay.

...và đây là một lời bình của báo giới: "Để kềm chế Trung Quốc"
Tin tức sơ khởi được nghe nói từ năm ngoái, và nay các cuộc thảo luận giữa hai nước đang ở các chi tiết cụ thể sau cùng.Ðặt căn cứ ở Singapore, sự hiện diện của chiếc USS Independence LCS-2, và có thể thêm một chiếc nữa cùng loại, ở cửa ngõ từ Ấn Ðộ Dương sang Biển Ðông là chỉ dấu cụ thể hóa những lời tuyên bố của Hoa Kỳ đặt ưu tiên đến Á Châu. Lực lượng Hoa Kỳ nhiều nơi khác bị cắt giảm thì khu vực Á Châu được tăng cường.
Một nữ phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, theo báo SCMP ở Hongkong, xác nhận hôm Thứ Tư, 17 Tháng Tám 2011, là các cuộc thảo luận đang tiến hành với Singapore mà các chi tiết cuối cùng đang được đề cập.Giới phân tích thời sự ở Trung Quốc cho rằng việc chọn Singapore để đồn trú chiếc USS Independence LCS-2 là một việc chưa từng có từ trước tới giờ không ngoài mục đích giám sát vùng Biển Ðông.Sự hiện diện của chiến hạm đa năng và mới nhất của Hải Quân Hoa Kỳ trên vùng biển này sẽ có nhiều tác động rộng rãi nhiều mặt, theo giới phân tích Bắc Kinh. Một tổ chức nghiên cứu ở Hoa Kỳ mới đây nhận định cuộc chiến lớn sắp tới sẽ xảy ra ở trên biển. Rất có thể là biển ÐôngTiến Sĩ Vương Hàn Lĩnh, giám đốc Trung Tâm Á Châu Vụ tại Học Viện Khoa Học Xã Hội ở Bắc Kinh nói chiến hạm trên không có đe dọa gì rõ rệt đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với các hàng không mẫu hạm Mỹ, chúng (tàu LCS) là dấu hiệu Mỹ muốn kềm chế Trung Quốc.“Hiển nhiên là vì vấn đề biển Ðông. Nó (tàu LCS) được coi như một trong những biện pháp cụ thể để kềm chế Trung Quốc. Ðây là một dấu hiệu quan trọng.” Vương Hàn Lĩnh nói với SCMP.
Nhiều giới chức Bắc Kinh từng nêu vấn đề hoạt động quân sự của Mỹ ở biển Ðông, gồm cả các cuộc tập luyện hải quân với Phi Luật Tân và Việt Nam khi có dịp gặp các giới chức quân sự Mỹ.Các quan sát viên thời sự cũng theo dõi sát các diễn biến trong khu vực.Chính phủ Singapore không thấy nói đến vấn đề tàu chiến tàng hình LCS một cách công khai. Chỉ riêng Bộ Trưởng Quốc Phòng Ng Eng Hen nói hồi Tháng Sáu vừa qua rằng Singapore sẵn sàng nghe Mỹ đề nghị. Bởi vì “sự hiện diện của Mỹ sẽ là lực lượng cốt yếu để khu vực có ổn định và tiến bộ.”Theo một số nhà ngoại giao thân cận với các cuộc thảo luận, có thể 2 tàu LCS sẽ đặt căn cứ ở Singapore và sớm là từ năm 2012.
Thứ Tư tuần trước, chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc đã chạy thử trên biển. Ðám chính trị và ngoại giao Bắc Kinh thanh minh nhiều lần là không đe dọa ai hết, chiếc hàng không mẫu hạm này chỉ dùng để huấn luyện. Nhưng tờ Quân Ðội Nhân Dân của Bắc Kinh, hôm Thứ Năm tuần trước, lại không ngần ngại nóithẳng là hàng không mẫu hạm là để bảo vệ các vùng biển tranh chấp.“Tại sao chúng ta xây dựng hàng không mẫu hạm nếu chúng ta không có can đảm và ý chí dùng hàng không mẫu hạm để giải quyết tranh chấp?” Tờ báo vừa nói đặt câu hỏi rồi tự trả lời: “Thật là có lý khi dùng hàng không mẫu hạm hay các loại tàu khác để giải quyết tranh chấp khi cần.”
Ngày Thứ Sáu, 12 Tháng Tám 2011, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ Victoria Nuland đặt dấu hỏi tại sao Bắc Kinh cần đến hàng không mẫu hạm và nước này cần minh bạch về trang bị quân sự cũng như ngân sách quốc phòng.


Chủ blog tôi thú thật đến nay chưa có đủ mọi thông tin cần thiết, nhưng có thể tạm thời đặt ra  3 câu hỏi để cùng suy ngẫm: 
1) Hình dạng khác hẵn những tàu chiến truyền thống cho thấy một thế hệ tàu chiến mới bắt đầu, đó là "tàu chiến công nghệ mới"... cũng là sự cảnh báo đối với các nước đang chạy đua mua sắm vũ khí, trong đó có Việt Nam(?);
2) Loại tàu này có tính năng chủ yếu  là tự vệ gần bờ...Những loại có tính năng khác khác thì sao (?);
3) Tại sao Mỹ chọn Singapore làm địa bàn triển khai...để "kiếm chế Trung Quốc"...mà không phải một địa bàn gần Trung Quốc hơn như Đài Loan, Philipine hay đâu đó (?)      

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Nước đệm

Lâu nay thế giới  vẫn nói về "chuỗi đảo phòng thủ" của Mỹ chạy từ Bắc đến Nam bờ Tây Thái Bình Dương, đó là Nhật và các đảo mà nước này đang kiểm soát, Hàn Quốc và các đảo của nước này, đảo Đài Loan và các đảo nhỏ trong quyền kiểm soát của mình, cuối cùng là Philippin và các đảo mà nước này đang kiểm soát hoặc đòi chủ quyền trên Biển Đông. Cũng đã từng có những lời đồn đoán rằng Mỹ sẽ từ bỏ ở một vài mắc xích nào đó của chuổi đảo trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc...Nói cách khác là Mỹ phải chịu lùi ra xa hơn về phía Đông. Cũng đã có lúc có ai đó đã đề cập đến khả năng Mỹ có thể nới rộng phòng tuyến sang phía Tây... đến Cam Ranh của Việt Nam chẳng hạn(?), v.v...

Mọi khả năng vẫn còn đó. Nhưng với 2 tin mới mà bạn có thể đọc chi tiết ở dưới đây khiến chủ blog tôi có xu hướng tin rằng trong thế cân bằng lực lượng mới hiện nay, nhất là khi nước Mỹ đang liên tục suy yếu về kinh tế tài chính, thì việc giữ cho được tuyến phòng thủ với chuổi đảo Tây Thái Bình Dương như cũ đã là khó lắm rồi. Vị trí lung lay dường như đang lộ rõ hơn với Đài Loan, nơi vốn dĩ phải luôn hứng chiệu rất nhiều trận động đất. Phải chăng vì thế mà Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Dương Niệm Tố đã phải lên tiếng vừa cảnh báo Mỹ phải tự "đi tuần tra khu vực"nếu không bán máy bay F-16 C/D cho quân đội Đài Loan, đồng thời  cảnh báo cả Trung Quốc "không được đặt chân lên đảo Ba Binh"( đảo to nhất mà họ đang chiếm giữa thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Đó là một động thái hiếm thấy khi mà Đài Loan trong những năm gần đây đã tỏ ra "đi đêm" một cách khó hiểu với đại lục; nó có thể là dấu hiệu lo sợ của người Đài Loan trước áp lực từ cả hai cường quốc. Tuy nhiên, đối với Philipin cùng lúc này, phía Mỹ lại nói rõ lập trường gồm 2vế: "không can thiệp vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông"... nhưng "tôn trọng cam kết bảo vệ Philipin".   Điều này cho thấy  có thể trong bối cảnh hiện nay xem ra việc giữ mắc xích Philipin đối với Mỹ  tỏ ra cần  thiết hơn (?).  Có thể  Chú Sam dường như đang tính đến một "ván bài ngửa" nữa trong lịch sử ban giao Mỹ-Trung... Lần này ai sẽ là những "con tốt đen" đây? 

Kết hợp với những diễn biến gần đây, chủ blog tôi có cảm nhận  rằng thân phận của nước Việt Nam sắp được an bài trong thế trận mới với vai trò của một "nước đệm"- chỉ khác là giờ đây với hình chữ S đầy đủ, chứ không chỉ là 1/2 nước, và giữa hai siêu cường Mỹ -Trung, chứ không phải giữa "hai phe"của thời chiến tranh lạnh. Ai cũng biết vai trò "đệm" thì khổ/ sướng như thế nào rồi... Bản thân khái niệm "đệm" cho thấy sự chịu đựng hơn là tầm quan trọng, tương tự như  phần sụn giữa các đốt xương trong cơ thể hay cái long-đen trong máy móc, thiết bị...

Vậy đó, có lẽ đến thời điểm này, những người Việt Nam lạc quan nhất cũng nên trở về với thực tế và phải chấp nhận chung sống với thân phận "nước đệm"! Suy cho cùng cũng là phải chăng thôi, bởi lịch sử đã cho Nước Việt Nam Mới  hơn 70 năm, tức bằng một đời người, mà không làm được điều gì mới  hơn thời phong kiến thực dân thì khó mà có lựa chọn nào khác ! Chẳng thế mà mới đây chủ blog tôi có được nghe một số nhân vật lãnh đạo tầm quốc gia nhắc nhỡ dân chúng, đại ý rằng xưa kia ông cha ta đánh thắng kẻ thù phương Bắc xong đều quy phục, triều cống ..., bây giờ chống... làm gì? Các vị này còn quả quyết rằng chống Trung Quốc thì chỉ có lợi cho "bọn Việt Tân" nào đó (!?). Quả thật, là những người đã sống, làm việc và chiến đấu trọn cuộc đời cho Nước Việt Nam Mới, chúng tôi thật không thể hiểu được ý tứ sâu xa (nếu có) của các vị lãnh đạo kia. Chẳng lẽ họ không thấy thời phong kiến thực dân khác xa với thời của thế giới hiện đại? Chẳng lẽ họ không phân biệt được phong trào yêu nước chân chính với nhóm người quá khích Việt Tân? 
    
Thôi thì,  bà con ơi, hay là ta hãy vui lên mà tồn tại hay không tồn tại với thân phận của một "nước đệm" và "dân tộc đệm"?


(Hình trên do chủ blog sao chụp trên mạng internet chỉ để làm minh họa cho bài viết)

Bây giờ xin mời bạn đọc 2 mẫu tin chi tiết đưới đây và cho biết có thể đồng ý với chủ blog tôi được bao nhiêu %?

Tin thứ nhất được đăng trên tờ United Daily News của Đài Loan  với tiêu đề khá bắt mắt : "Đài Loan tuyệt đối không để Trung Quốc đặt chân lên đảo Ba Binh"; không những thế, nội dung được cẩn thận nhấn mạnh bằng 2 tiểu mục rất rõ ràng như sau:

Không bán F-16C/D thì Mỹ đi mà tuần tra khu vực
Tờ “United Daily News” Đài Loan đưa tin, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Dương Niệm Tổ đã trả lời tờ “Defense News” Mỹ cho rằng: “Một khi Trung Quốc kiểm soát Đài Loan và thiết lập căn cứ quân sự, Đài Loan sẽ trở thành bàn đạp để Trung Quốc bành trướng hoạt động quân sự ở Biển Đông, đương nhiên là không phù hợp với lợi ích của Mỹ.  

Theo Dương Niệm Tổ , nếu Đài Loan không có máy bay F-16C/D để thay thế cho máy bay chiến đấu cũ kỹ thì sẽ mất đi ưu thế phòng không, lập tức đối mặt với thách thức, không thể đảm đương trách nhiệm bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.“Washington có lúc nhận thức đúng đắn trách nhiệm của Đài Loan”, người hiện đang tiến hành tuần tra hàng ngày tại khu vực này, nhưng nếu không bán máy bay chiến đấu mới cho Đài Loan, “quân Mỹ sẽ phải tự điều binh đến thực hiện nhiệm vụ này”.
Khi được hỏi về việc phải chăng Đài Loan có ý đồ đóng quân ở đảo Thái Bình (Ba Bình) trên quần đảo Trường Sa, Dương Niệm Tổ cho biết, trong giai đoạn hiện nay, Mã Anh Cửu và Cơ quan An ninh Quốc gia quyết định trước hết tăng cường trang bị cho bộ phận chiếm giữ của Cảnh sát biển, nhưng hiện cũng đang đánh giá Cảnh sát biển có thể thực hiện được nhiệm vụ giữ đảo này và tuần tra vùng biển xung quanh hay không.
Ông này còn đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng tôi tuyệt đối không để cho Trung Quốc đặt một bước chân lên đảo Ba Bình. Đây là một phần “lãnh thổ” của chúng tôi, do chúng tôi quản lý, không có chỗ cho bất cứ thỏa hiệp nào”.
Trung Quốc đang “phá hoại hòa bình và ổn định khu vực
Liên quan đến quan hệ ba bên Mỹ-Trung-Đài, Dương Niệm Tổ nói, phía Đài Loan hiểu rõ Mỹ và Trung Quốc có lợi ích chung chặt chẽ, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với quyết sách của Washington đang tăng lên, nhưng ông không cho rằng Mỹ sẽ nghiêng về Trung Quốc, coi nhẹ lợi ích của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Dương Niệm Tổ nói, Trung Quốc muốn hai bờ Eo biển Đài Loan tạo ra một “hiện trạng mới” xây dựng trên cơ sở giao lưu, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là Bắc Kinh giảm chuẩn bị quân sự để sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.
Trung Quốc cần xem xét,  phải chăng vì theo đuổi sự thống nhất hai bờ, họ “sử dụng vũ lực hoặc cách thức khác phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”.
Dương Niệm Tổ còn nói, nếu Mỹ đồng ý bán F-16C/D, Trung Quốc sẽ rất không hài lòng, cắt đứt trao đổi quân sự thường lệ là một trong những phương thức bày tỏ sự bất mãn, “nhưng Mỹ và Trung Quốc có lợi ích chung chặt chẽ, quan hệ quân sự nên chỉ có thể thụt lùi trong thời gian ngắn”.
Ông không cho rằng, Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp kinh tế quyết liệt để đáp trả Mỹ.

Tin thứ hai nói về hoạt động nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Quốc phòng Mỹ-Phi, được đưa với những dòng tít khá đậm trên báo chí Philipine và Mỹ, cho hay  Mỹ sẽ gửi một trong những sĩ quan quân đội cao cấp nhất cùng một đội tàu sân bay hạt nhân đến Philippines vào tháng này để kỷ niệm 60 năm hiệp ước quốc phòng Mỹ-Phi, động thái cũng nhằm khẳng định thêm mối quan tâm của Mỹ đối với nền quốc phòng Philippines. 
 
Một đội tàu sân bay hạt nhân của Mỹ sẽ đến Philippines cuối tháng này.

Phát biểu trước một buổi gặp gỡ của Hội châu Á hôm qua tại Washington, Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Harry K. Thomas Jr. đã nhắc lại lập trường của Mỹ là không can thiệp vào các vụ tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng tôn trọng cam kết bảo vệ Philippines.
“Mỹ là một đồng minh đã kết ước từ lâu với Philippines … Hai bên đang là và vẫn sẽ là đối tác chiến lược của nhau”, đại sứ Mỹ nói trước một cử tọa phần đông là người Mỹ gốc Philippines.
Ông Thomas Jr. cho biết thêm khi trở lại Manila vào tuần tới, ông sẽ đi cùng với Tướng Norton Schwartz, Tư lệnh Không quân Mỹ. Đây sẽ là chuyến ghé thăm thứ hai của một sĩ quan chỉ huy cao cấp của Mỹ.
Theo chương trình dự kiến, Hàng không mẫu hạm nguyên tử USS John Stennis và đội tàu hộ tống sẽ đến Manila vào cuối tháng Tám, để hợp nhất với phần còn lại của Hải đội Tàu sân bay tấn công số 3, bao gồm các tàu tuần dương trang bị tên lửa USS Mobile Bay và các chiến hạm thuộc Đội tàu khu trục Squadron 21 bao gồm các chiếc USS Pinckney, USS Kidd, USS Dewey và USS Wayne Meyer, vốn đã rời căn cứ San Diego Clifornia ngày 29/7 để trực chỉ Biển Đông.
Sau khi biểu dương thanh thế tại Philippines, Hải đội Mỹ sẽ lên đường đi hỗ trợ cho hoạt động quân sự ở Iraq và Afghanistan.
Đối với đại sứ Mỹ tại Philippines, việc một lực lượng hải quân hùng hậu như vậy được cử đến Philippines là nhằm thể hiện quyết tâm của Mỹ cam kết yểm trợ Philippines khi cần thiết.
Cuối tháng 7 vừa qua, Manila đã tiếp đón Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại vùng Thái Bình Dương.
Vào lúc nhiều nước châu Á lo ngại các hành động lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông, đại sứ Mỹ đã nhấn mạnh rằng: Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện quân sự trong khu vực. Ông tiết lộ thêm rằng các chiến hạm Mỹ mỗi năm đều ghé cảng Philippines khoảng một trăm lần.
Philippines là một trong hai quốc gia hiếm hoi tại vùng Đông Nam Á đã ký kết Hiệp ước Phòng thủ với Mỹ. Văn kiện mang tên Hiệp ước Tương trợ Quốc phòng Mỹ - Philippines (MDT) đã được ký kết tại Washington DC vào ngày 30/8/1951, tức là cách đây đúng 60 năm.
Sau một thời gian bị lơ là, Hiệp ước MDT gần đây đã được nêu bật trở lại do tình hình tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, đặc biệt là giữa Philippines và Trung Quốc.
Khi Ngoại trưởng Albert del Rosario tiếp xúc với đồng nhiệm Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tại Washington hồi tháng 6 vừa qua, ông đã được phía Mỹ bảo đảm là “sẽ giúp Philippines xây dựng năng lực quân sự để bảo vệ lãnh hải của mình”.

*****

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Phản đối: Sao không thể nhanh và mạnh hơn?

Xin mời mọi người đọc tin mới dưới đây (nguyên văn theo nguồn Dantri và TTXVN): 
      
                             Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền
Việt Nam phản đối hoạt động của phía Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay.
Ngày 2/8, Tân Hoa xã đưa tin từ ngày 13/6 đến 30/7, Cục thăm dò địa chất Trung Quốc hợp tác với phía Pháp đã sử dụng tàu thăm dò “Tan Bao Hao” tiến hành đo đạc, khảo sát khoa học từ vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa (Bản tin của Tân Hoa xã gọi là “Tây Sa”) đến phía Bắc quần đảo Trường Sa (Bản tin của Tân Hoa Xã gọi là “Nam Sa”).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước sự việc này, ngày 8/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết, về các hoạt động của tàu “Tan Bao Hao,” đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc nêu rõ quan điểm của Việt Nam, phản đối các hoạt động của phía Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Bà Nga cũng cho biết Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động tương tự. 


 Lời lạm bàn của chủ blog:
Đọc xong tin trên chắc bạn sẽ thắc mắc: Tại sao thời gian vụ việc thăm dò (của phía Trung Quốc) đã diến ra từ ngày 13/6 đến 30/7 mà mãi đến nay NPN của ta mới lên tiếng? và chỉ lên tiếng sau khi có tin của THX đưa ra ngày 2/8?  

Ai cũng biết, trong quan hệ quốc tế, nước nào cũng sử dụng hình thức Người phát ngôn Bộ Ngoại giao-NPN như một kênh chính thức để thể hiện lập trường của quốc gia trước các vấn đề đối ngoại. Ở Việt Nam trong những năm gần đây sự xuất hiện với tầng số ngày càng cao của "người đẹp" Nguyễn Phương Nga  trên các phương tiện thông tin đại chúng mà trong đó hầu hết đều mang nội dung phản đối sự vi phạm của phía TQ đối với chủ quyền của Việt Nam tại cùng Biển Đông..., và đã trở nên quen thuộc đến mức mà người dân bắt đầu coi đó như một cái "hàn thử biểu" cho thấy nhiệt độ của mối quan hệ Việt - Trung vậy! 

Tuy nhiên, ai cũng biết những lời tuyên bố sẽ có tác dụng khác nhau, đôi khi còn phản tác dụng, nếu chúng được đưa ra sớm quá hoặc muộn quá. Có thể thấy trường hợp tuyên bố nói trên đây là "hơi muộn" !.

Vẫn biết đây không phải là lỗi của cá nhân NPN Nguyễn Phương Nga hay của Bộ Ngoại giao, mà chắc chắn là lỗi do những yếu tố khác nhau cộng lại, của  các ban /ngành liên quan và  của  căn bệnh "phối hợp" muôn thuở  giữa họ với nhau.  Chẳng lẽ nước ta nghèo đến mức không có phương tiện và lực lượng để phát hiện sớm hơn sự vi phạm trắng trợn trên diện rộng trong thời gian lâu như vậy của phía đối phương? 

Thiết nghĩ nếu sự phản đối đã được đưa ra từ một thời điểm sớm hơn chắc chắn sẽ có tác dụng ngăn chặn hoặc hạn chế hoạt động của đối phương. Nay họ đã "hoàn thành xuất sắc" nhiệm vụ và công bố trên THX thì sự phản đối của ta có lẽ chỉ còn tác dụng thông báo và "ghi nhận"?



--------------
*****

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

Lịch sử cần sự thật(*)


Hồi đầu năm 2010 đã rộ lên sự kiện một nữ nghiên cứu sinh người Việt tại Mỹ tên là Đào Ngọc Bích viết bài cho BBC nói rằng Việt Nam là từ Trung Quốc mà ra... (!) để rồi ngay sau đó bị đông đảo dư luận trong và ngoài nước phê phán rất dữ dội. Không chỉ vậy, chính cô cựu sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội này, trong nỗ tự lực bào chữa cho mình, đã “đổ tại” quá trình đào tạo môn lịch sử khi cô còn ở Việt Nam đã khiến cô tin như vây (!?). Tiếp theo cuối năm đó, nhân dịp đến tham dự Hội thảo quốc tế về  Biển Đông lần thứ 2 tại Tp Hồ Chí Minh một vị giáo sư danh tiếng của Trung Quốc tên là Vương Hàn Lĩnh đã tuyên bố xanh rờn rằng “Kể từ năm 1885 về trước Việt Nam là thuộc quốc của Trung Quốc...”. Vị này còn tỏ ý vừa khuyên vừa dọa phía Việt Nam nếu không biết "hợp tác" với Trung Quốc thì chỉ có thua thiệt!  
Thực ra, không phải chỉ một mình cô Bích hay ông Lĩnh mà còn khá đông đảo người Việt Nam và  Trung Quốc đều chưa hiểu đúng về lịch sử của đất nước mình, đặc biệt là lịch sử liên quan đến mối quan hệ lâu đời của hai quốc gia dân tộc “núi liền núi, sông liền sông” này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiểu biết lịch sử “lệch lạc” như vậy nhưng có một nguyên nhân sâu xa nằm ở những “góc khuất” trong sử sách  khi nói về nguồn cội dân tộc của mỗi nước. Vẫn biết, kẻ mạnh thường thắng kẻ yếu, và sự thôn tính lẫn nhau giữa các dân tộc, quốc gia vốn là một thực tế hiển nhiên trong lịch sử nhân loại, nhưng điều quan trong có tính nguyên tắc là, mọi sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng và giữ gìn một cách trung thực. Với tinh thần đó, người viết bài này xin được nêu lên một vài điều suy nghĩ lâu nay để mọi người cùng suy ngẫm nhằm tìm ra một lời giải.  
       
             Một là, về cội nguồn dân tộc, có thể nói không chỉ truyền thuyết mà cả sử sách (của cả Trung Quốc và Việt Nam) dù có nhiều điều chưa được làm sáng tỏ thậm chí bị xuyên tạc , bưng bít... cũng cho thấy rằng nước Việt Nam ngày nay là một thực thể thống nhất duy nhất còn lại của Bách Việt- một tên gọi chung cho nhiều tộc người Việt đã từng định cư hàng ngàn năm trước Công nguyên trên vùng lãnh thổ rộng lớn từ bờ Nam Sông Dương Tử xuống miền Bắc Việt Nam ngày nay, phía Tây giáp Tân Cương, phía Đông giáp biển Thái Bình Dương. Qua sử sách cho thấy người Hán vào thời sơ khai Nhà Hạ (khoảng 2.000 năm trước CN) chỉ là một vương quốc nhỏ tại vùng xung quanh Bắc Kinh ngày nay. Nhưng từ đó họ đã không ngừng mở mang bờ cõi, chủ yếu theo hướng “nam tiến” với thế mạnh của kỵ binh và đã phải mất hàng ngàn năm để xâm chiếm, chinh phục và đồng hóa hầu hết các bộ tộc hoặc vương quốc có tên tuổi của người Bách Việt (xem bản đồ minh họa dưới đây*).

Đó là một quá trình kéo dài với biết bao biến cố lịch sử phức tạp mà trong đó có nhiều sự kiện đã bị lãng quên hoặc bị xuyên tạc, thậm chí bị “tráo đổi” tùy theo mục đích của các triều đại phong kiến thống trị trong các thời kỳ khác nhau, đặc biệt là thời nhà Hán và nhà Đường. Tuy nhiên có một thực tại không thể bác bỏ là, Lạc Việt (tên nước Văn Lang) mặc dù bị các triều đại phong kiến Hán-Hoa  thay nhau thống trị trong suốt thời kỳ dài được sử ta gọi là “ 1.000 năm Bắc thuộc” nhưng vẫn tồn tại và phát triển với tư cách một quốc gia dân tộc độc lập như ngày nay. Trong suốt quá trình đó đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ của các tộc người Việt liên tục nỗ ra dù không thành công trọn vẹn cũng nói lên sự bất khuất kiên cường của dân tộc này.  Có thể nói, đó là quá trình lịch sử tang thương của Bách Việt nói chung, nhưng cũng là trang sử hào hùng đối với dân tộc Việt Nam nói riêng. Sự tồn tại và phát triển của Việt Nam không phải là trường hợp ngẫu nhiên mà là kết cục của cả quá trình đấu tranh sinh tồn của người Bách Việt nói chung mà các thế hệ sau này không bao giờ được phép lãng quên. Bởi lẽ, với không ít những dân tộc khác, chỉ cần vài trăm năm cũng đủ để "biến mất" trên bản đồ thế giới, thì sự tồn tại của dân tộc Việt sau 1.000 năm mất nước quả là rất đỗi phi thường rồi! Lại càng không thể đem ra so sánh những gì còn lại của ngày hôm nay giữa kẻ thống trị và người bị trị để kết luận rằng ai đã hơn ai! Chỉ có sự thật lịch sử chân chính không bị bóp méo mới có quyền quyết định sự so sánh này.  

Ở đây rõ ràng có vấn đề nỗi cộm là quan niệm thế nào về sự thật lịch sử và truyền thuyết.  Thử hỏi người Việt có thể làm gì trong 1.000 năm dưới ách đô hộ hà khắc của phương Bắc - kẻ duy nhất có quyền viết sử- nếu không sử dụng truyền thuyết?  Và truyền thuyết đều nói lên rằng nguồn gốc tổ tiên của Việt Nam bắt nguồn từ Hồ Động Đình (thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay) bắt đầu bằng Thời đại Hồng Bàng của Kinh Dương Vương (có sách ghi cụ thể năm 2879 TCN, tức cách nay gần 5.000 năm). Thuyết này trùng khớp với các câu chuyện cổ tích về Âu Cơ-Lạc Long Quân, các Vua Hùng, và cũng được thêu dệt bằng nhiều câu chuyện giả sử lưu truyền qua bao đời dân gian khác nữa. Đó là câu dân ca Việt cổ “Công cha như núi Thái Sơn (gần Hồ Động Đình), Nghĩa mẹ  như nước trong nguồn chảy ra…”; ngay cả bản thân truyền thuyết Thánh gióng đánh giặt Ân (tức nhà Thương) cho thấy bờ cõi nước Việt vào thời đó ắt phải ở sâu trên phía Bắc, chứ không thể là Vùng Bắc Ninh bây giờ (?). Nhưng câu chuyện truyền thuyết như vậy đều có giá trị lịch sử của chúng, và trên thực tế cũng đã một phần được kiểm chứng bằng một số kết quả nghiên cứu khảo cổ, nhân chủng và ngôn ngữ,  qua các di chỉ đồ đá,  Trống Đồng, nghề trồng lúa nước và  cả gen di tuyền v.v… Nếu kết hợp cả truyền thuyết với cổ sử đồng thời đối chiếu với các kết quả nghiên cứu của loài người , ta có thể nhận thấy trong suốt quá trình “nam tiến” và “đông tiến” của Hán tộc, các tộc người Bách Việt như Ngô Việt, Âu Việt, Dương Việt, Đông Việt, Nam Việt, Mân Việt, Di Việt v.v…. đều không thoát khỏi bị thôn tính và đồng hóa, để cuối cùng đều biến thành “người Hoa” hiện đại. Nhưng riêng một số tộc Bách Việt ở phía Nam, tiêu biểu là  Lạc Việt, Âu Việt  vẫn tồn tại, có thời kỳ bao gồm cả vùng đất Quảng Tây, Quảng Đông  của Trung Quốc xuống vùng Bắc Bộ của Việt nam ngày nay. Theo dòng lịch sử, ta còn thấy một thực tế là đã từng có rất nhiều người gốc Bách Việt tham gia vào bộ máy đô hộ của phong kiến Trung Hoa trong các thời kỳ khác nhau nhưng đã chọn Lạc Việt ( sau là Chân lạp, Giao Chỉ...) làm "hậu cứ" để chống lại Vương triều trung ương (như Hồ Quý Ly, Lý Bôn, Lý Bí chẳng hạn);  rất nhiều người trong số họ thực sự đã tái hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam và có khá nhiều người đã dựng nên các triều đại huy hoàng cho Đại Việt  như  Lý, Trần v.v...; trường hợp Triệu Đà  cùng đã được sử sách Việt nam từ trước thế kỷ thứ 18 coi là "vua Việt". Cũng đã từng diễn ra những đợt rời bỏ quê hương của người Hoa gốc Bách Việt thuộc nhiều thế hệ trước đến định cư tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Sử cận đại Trung Quốc cho thấy, mãi đến những năm 1940 danh từ “dân tộc Việt” mới bị Tôn Trung Sơn chủ trương xóa bỏ trong bản đồ dân số Trung Quốc. Cho đến này nay để ý thấy ít nhiều vẫn còn những tình cảm kỳ thị giữa các cộng đồng gốc gác Bách Việt tại Trung Quốc với người “từ phương Bắc”. Bản thân người viết bài này mới đây trong chuyến du lịch mấy tĩnh phía Nam Trung Quốc đã được dịp “kiểm nghiệm”điều này qua chuyện trò với một số người bản địa; dân bản địa vùng này bày tỏ bất bình trước các biện pháp hạn chế của chính phủ trung ương ngày càng  làm mai một ngôn ngữ bản địa (gọi là "Việt ngữ" lâu nay vẫn còn được  sử dụng tai các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và cả Hồng Kông, Macau). Còn nhớ hồi  đầu năm 2000 sau khi Trần Thủy Biển  lên làm thủ tướng Đài Loan đã nêu cao tinh thần  “người bản địa” Mân Việt để đấu tranh  bảo vệ sự tồn tại độc lập với Đại lục. Bản thân Tôn Trung Sơn cũng là gốc người Bách Việt.

Thiết nghĩ, những sử liệu và sự kiện trên đây ít nhiều tự chúng đã nói lên những sự thật  khách quan xung quanh những “góc khuất” trong cổ sử và chính sử liên quan đến cội nguồn dân tộc và quan hệ giữa hai nước Việt-Trung. Khách quan mà nói nghiên cứu để tìm ra sựthật lịch sử mộtcvách khách quan sẽ là hướng đi tích cực nhất cho mục đích xây dựng mối quan hệ hữu nghị bình đẳng lâu dài giữa hai nước và cho lợi ích hợp tác hòa bình hữu nghị trong khu vực nói chung.
                 
Hai là, về nhân văn, tuy chỉ dựa vào các nguồn sử sách cổ để lại từ thời “1.000 năm Bắc thuộc”, ta cũng có thể thấy Việt Nam là kết tinh, là đại diện của Bách Việt. Về  góc độ văn hoá, kể cả phong tục tập quán, ngôn ngữ, Việt Nam và Trung Quốc  ngày nay có rất nhiều điểm tương đồng, đồng thời cũng có rất nhiều điểm khác biệt. Đặc điểm này  nếu được hiểu và vận dụng một cách đúng đắn sẽ có tác dụng tích cực cho việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị và bình đẳng giữa hai nước, chứ không có gì là không tốt như một số người có thể nghĩ. Tuy nhiên trên thực tế không được như vậy vì có quá nhiều sự thật đã bị xuyên tạc, có những giá trị đã bị “tráo đổi” trong suốt quá trình lịch sử hàng ngàn năm qua mà trong đó phần lợi bao giờ cũng nghiêng về phía kẻ mạnh. Xin đơn cử vài ví dụ: Thế giới lâu nay vẫn tin rằng Kinh Dịch là của người Trung Quốc. Nhưng thực ra gần đây các chứng cứ khảo cổ quốc tế đã cho thấy Trống Đồng không phải của người Hán mà là của các dân tộc phương Nam. Kết luận này cho phép các nhà nghiên cứu suy ra rằng những hình khắc biểu tượng Kinh Dịch trên trống cũng không phải của người Hán; và do đó chủ nhân của  Kinh Dịch chính là người Bách Việt, cụ thể hơn là của người Âu Việt và  Lạc Việt. Về ngôn ngữ, đã từ lâu người Việt Nam phải an phận đón nhận chữ Nho (tốt đẹp) của người Hán, mặc dù đã cố tạo dựng cho mình chữ Nôm như một nỗ lực độc lập (!) tuy không mấy thành công vì những lý do khác nhau. Nhưng có một số luận điểm khác cho rằng người Hán trong quá trình xâm lược đã sử dụng ngôn ngữ của người Bách Việt, cụ thể là của  Ngô Việt (tại vùng Việt Châu, tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến ngày nay) để cải tiến thành chữ Hán, rồi thành tiếng Trung hiện đại. Lập luận này dựa trên cơ sở nghiên cứu về ngữ nghĩa, âm thanh, ngữ pháp v.v… cho thấy một tỷ lệ rất cao các nhân tố ngôn ngữ Bách Việt trong tiếng Hán cỗ và tiếng Trung ngày nay. Đó là hiện tượng các danh từ nhưng có tính từ được xếp sau danh từ được thấy phổ biến trong Kinh Thi và ngay ở tên gọi các vị Thần Nông, Đế Nghiêu, Đế Thuấn vốn được coi là truyền thuyết  Trung Quốc ; từ “Việt” hiển thị với tầng số rất cao trong các tên địa danh ở miền Nam Trung Quốc; từ “giang” (sông) của tiếng Việt cổ được sử dụng cho hầu hết các con sông miền Nam Trung Quốc (trong khi ở miền Bắc gọi là “hà”); tuồng Kinh kịch ở phía Nam Trung Quốc ngày nay vẫn còn gọi là “Việt kich”; tiếng Quảng Đông được sử dụng ở Quảng Đông, Quảng Tây, Hồng Kông, Macau và nhiều cộng đồng người Hoa trên thế giới  gọi là Việt ngữ, v.v… Thuyết này đồng thời cũng đặt ra mối nghi vấn rằng di chỉ thẻ tre có khắc chữ Hán cổ là “giả mạo” vì vào thời đó người Hán chưa có mặt ở miền đất phía Nam nơi có cây tre đủ to để làm thẻ viết. Tương tự cũng có sự “nhập nhằng” về chủ thể của “con đường tơ lụa” vì đúng ra  người Bách Việt mới có thể là chủ thể của sản vật tơ lụa làm từ cây dâu tằm chỉ có ở vùng đất  phương Nam. Rất nhiều luận điểm và luận cứ tượng tự cũng đã được nhiều học giả Việt Nam và quốc tế nêu ra.
            Tóm lại, dù bị người Hán cố tình đồng hóa bằng rất nhiều thủ đoạn tinh vi và cường bạo như đốt sách, bắt từ bỏ, xóa bỏ  hoặc tráo đổi v.v…, nhưng các dấu tích Bách Việt  vẫn còn đó  cho đến ngày nay. Trong suốt quá trình đấu tranh sinh tồn khốc liệt bên thua trận ắt chịu nhiều mất mát, nhưng những gì là bản sắc riêng vẫn còn đó; và điều này có thể nhận thấy qua nhiều nét tương đồng giữa Việt Nam với các tỉnh phía Nam và Đông Nam Trung Quốc ngày nay cũng như với các nước Đông Nam Á.

Ba là, công tác nghiên cứu và giáo dục về lịch sử cần đi sâu hơn nữa về nguồn gốc dân tộc cùng các giá trị nhân văn trên tinh thần khách quan, dựa trên chứng cứ khoa học biện chứng lịch sử, khảo cổ, nhân chủng… (chứ không chỉ dựa vào sử sách củ để lại từ thời Bắc thuộc) . Thiết nghĩ, trong việc này  những kiến thức xác thực về Bách Việt sẽ giúp giải mã rất nhiều điều mà lâu nay chưa cảm thấy thỏa đáng hoặc chỉ là “ngộ nhận”. Công tác sử học cũng cần tập trung nghiên cứu và bổ cứu lại toàn diện, đặc biệt về lĩnh vực nguồn gốc dân tộc và nhân văn của người Việt nhằm làm sáng tỏ những kiến thức mang tính  truyền thuyết kết hợp với những chứng cứ lịch sử dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khảo cổ và gen di truyền v.v…Khi có đủ dữ liệu thì công khai  chỉnh sửa những mọi sự sai lệnh hoặc bị xuyên tạc hoặc bị giả mạo  trong sách sử củ dưới bất cứ hình thức nào, của bất cứ thời đại nào. Lý do là vì toàn bộ sách sử cổ của Việt Nam đều đã bị đốt và thủ tiêu trong các thời kỳ “10000 năm Bắc thuộc”; các sách sử hiện có, kể cả Đại Việt sử ký, đều là sử “chép lại” dựa chủ yếu vào các nguồn sử của các thời Hán, Đường và “hậu Hán Đường” nên không thể đảm bảo tính chính xác, trung thực và đầy đủ được; thật nguy hại nếu đã có những sự thật bị xuyên tạc, thậm chí đã bị tráo đổi trong đó.  Mặc khác, cũng cần thừa nhận những khiếm khuyết trong khâu giáo dục công dân về lịch sử trong thời gian qua ở nước ta với những hậu quả “nhãn tiền” như đã được nhiều lần cảnh báo trước công luận. Thật nguy hại nếu mọi công dân đều hiểu biết sơ sài, thậm chí hiểu sai lệch về lịch sử của đất nước mình. Ví dụ khi nói mình "con rồng cháu tiên" nhưng trong lòng phân vân không biết có đúng thật không vì thấy ở Trung Quốc người ta cũng nói như vậy; không biết tại sao người Việt có các họ giống như  người Trung Quốc, không biết chắc nên thiếu tự tin  rằng Trống Đồng là bảo bối của dân tộc Việt Nam; không dám đòi quyền chủ thể của Kinh Dịch, v.v…Tương tự, trong lĩnh vực ngôn ngữ , sao ta không đặt mạnh vấn đề nghiên cứu xem tiếng Việt có chữ viết cổ? Lẽ nào dân tộc ta chỉ có chữ Hán Nôm? Có lẽ vì không biết mình là ai, nên đến ngày nay vẫn lúng túng không biết nên bảo tồn cái gì, thay thế, xoá bỏ cái gì để thực hiện "trong sáng tiếng Việt"?. Thậm chí có người cứ “vô tư” nhận mình là "con cháu" của người Trung Quốc (trong khi phía bên kia không nghĩ như vậy). Cũng cần xem xét lại một số khái niệm và quan niệm như cho rằng văn hóa Việt “bị ảnh hưởng” của văn hóa Trung Quốc là không hoàn toàn chính xác (mà thực chất đó chỉ là một sự giao thoa và ảnh hưởng qua lại); cách hiểu về nguồn gốc đạo Phật, Đạo Khổng, về Chữ Nho và  Nho Giáo cũng có nhiều điều phải bàn thêm, v.v… Chỉ khi nào hiểu đúng về nguồn gốc dân tộc và tự tin với những giá trị nhân văn riêng biệt của mình, người Việt Nam ngày nay mới thực sự tìm lại chính mình và thoát khỏi nỗi mặc cảm truyền kiếp luôn thấy yếu kém và phụ thuộc các thế lực thần bí, thần quyền của "Vương triều Phương Bắc".
             
Thay cho lời kết     
              Những lập luận trên đây chỉ là ý kiến cá nhân của người viết để nhắc lại rằng dân tộc Việt Nam có cội nguồn lâu đời với những giá trị nhân văn không thua kém các dân tộc khác. Đó là một lịch sử cần được tôn trọng bằng các chứng cứ khoa học khách quan chứ không chỉ bằng truyền thuyết; ngay cả sử sách cũng phải được kiểm chứng lại bằng các kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Theo hướng đó, bài viết chỉ nêu lên một thực trạng tình hình đồng thời gợi ra một số việc cần làm thêm (chứ không nhằm phê phán ai hoặc nước nào) với hy vọng góp phần đem lại sự hiểu biết đúng đắn hơn về lịch sử và cội nguồn dân tộc của Việt Nam cũng như các bên liên quan khác trong khu vực, coi đó là cơ sở để đảm bảo mối quan hệ hữu nghị, bình đẳng lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như giữa các nước khu vực với nhau./.

Tài liệu tham khảo
-Mục Bách Việt  trong Bách khoa toàn thư mở -Wikipedia, và rất  nhiều tài liệu khác nhau được liên kết trong tài liệu này.
-Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
-Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê
-Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim
-Tạp chí Xưa và Nay
-Bộ sách giáo khoa môn sử học phổ thông của Nhà XB Giáo Dục Việt Nam.
-*Công trình nghiên cứu nguồn gốc chủng tộc dựa vào gen di truyền (DNA) của M. Liu thuộc Mackay Memorial hospital và được Viện Nghiên Cứu Sức Khoẻ quốc gia của Đài Loan tài trợ chứng minh là các giống dân miền Hoa Nam, Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương có liên hệ gen di truyền khác biệt với chủng tộc Hán ở miền bắc. 
-* Sử dụng lại bản đồ của Nhóm nghiên cứu về Bách việt trên mạng internet- Nguồn: nhatnguyen.yolasite.com  Chú ý: những tên nước trong bản đồ này chỉ mang tính chất tượng trưng; trên thực tế chúng được thay đổi hoặc biến mất trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. 

(*) Bài này đã được đăng trên TuầnVietnam:  http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-27-lich-su-can-su-that

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Nói đại tướng Võ Nguyên Giáp treo chữ "nhẫn" là bịa đặt (*)

(*)Đây là tiêu đề của bài viết mới đăng trên Sài gòn tiếp thị.vn. mà chủ blog muốn đưa lại  vì nhận thấy bài viết có độ tin cậy nhất định, lại bàn về một chủ đề mà nhiều người Việt Nam đang quan tâm - đó là quan niệm thế nào cho đúng đắn về sự  kiên nhẫn, khôn khéo và mền dẽo trong qúa trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và  độc lập dân tộc.
    

 "Chuyện nói đại tướng treo chữ “nhẫn” là hoàn toàn bịa đặt. Đại tướng không hề treo chữ đó" - đại tá Nguyễn Huyên - người trợ lý đã gắn bó với đại tướng Võ Nguyên Giáp gần 40 năm, nói.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế sắp tròn 100 tuổi và bước sang tuổi 101, phóng viên Vietnam+ đã được gặp đại tá Nguyễn Huyên - người trợ lý đã gắn bó với đại tướng gần 40 năm để hỏi ông một số câu hỏi còn gợi băn khoăn pha chút tò mò với những người kính yêu đại tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng lỗi lạc, vậy thì cách cư xử của đại tướng có "quân sự" và rất nguyên tắc không, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Huyên: Anh (đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV) nghiêm túc trong công việc nhưng không cứng nhắc đâu. Anh Văn (tên thân mật của đại tướng Võ Nguyên Giáp) còn hay đùa dí dỏm nữa. Ví dụ như khi đang tập trung làm việc tôi có việc cần xin anh nghỉ 10 phút thì anh bảo: “Cho cậu nghỉ hẳn 11 phút luôn!”
Trong trường hợp gặp những ý kiến khác ý của mình thì Đại tướng có chấp nhận và chấp nhận thế nào, thưa ông?
Anh luôn thích trung thực, thẳng thắn. Anh hay dặn: “Cái gì thấy đúng thì cứ giữ ý kiến.” Đại tướng luôn lắng nghe ý kiến của mọi người, dù ý kiến đó có thể ông chưa đồng tình. Chính vì thế khi anh đến các địa phương, các ngành ở đâu có có vấn đề gì người ta cũng muốn nói với anh. Có lẽ nhờ vậy mà anh có điều kiện để phân tích tình hình một cách khách quan, toàn diện, hiểu được thực chất và tìm ra giải pháp thuận lòng người.
Xin được mạo muội hỏi ông một chuyện? Có lần phỏng vấn một cán bộ quân đội, tôi được biết chuyện đồn về đại tướng có treo chữ "nhẫn" ở chỗ làm việc là không đúng. Vậy mong ông nói rõ về việc này?
Đại tá Nguyễn Huyên: Chuyện nói đại tướng treo chữ “nhẫn” là hoàn toàn bịa đặt. Đại tướng không hề treo chữ đó. Một lần, có người yêu kính đại tướng muốn tặng anh chữ "nhẫn" thư pháp lồng trong khung kính. Trước khi tặng, anh ấy có đến hỏi tôi, tôi nói chữ “nhẫn” có hai cách hiểu.
Thứ nhất có nghĩa là kiên nhẫn, nhẫn nại nhưng cũng có nghĩa thứ hai là nhẫn nhục. Đại tướng chưa bao giờ là người chịu nhẫn nhục theo cách hiểu thứ hai. Vì vậy tặng là không nên vì có thể làm cho người ta hiểu sai lệch hoặc có kẻ xuyên tạc.

Tôi còn được biết bài thơ “Chữ Nhẫn” đã đăng lên báo nói là của đại tướng. Nhưng đại tướng không hề có bài thơ ấy và tờ báo đó đã phải đính chính. Trong bài thơ có câu “Có khi nhẫn để tiến thân” thì đại tướng của chúng ta không bao giờ như vậy.

Đại tướng là người luôn làm chủ tình hình, luôn chủ động, không bao giờ bị động, biết làm việc gì, nêu ý kiến gì, lúc nào cho đạt hiệu quả. Anh cũng là người giữ ý kiến của mình mà không gây mất đoàn kết, lại có phương pháp đấu tranh phù hợp để cuối cùng thực hiện được ý kiến đúng đắn đó và được mọi người đồng tình.
Suốt bao nhiêu năm ở bên đại tướng, ông có cảm nghĩ gì về chính mình?
Một câu hỏi có tính tổng kết quá! Được làm việc với đại tướng, bản thân tôi khi mới về làm việc giúp đại tướng chỉ là một thiếu tá, một cán bộ nghiên cứu ở cơ quan cấp dưới. Trình độ của tôi ban đầu còn hạn chế nhưng sau này và đến giờ đã mở rộng được hiểu biết, về lý luận cũng như về thực tiễn. Tôi thấy trình độ của mình được nâng lên nhiều và học được anh Văn nhiều lắm: Học được về phẩm chất đạo đức, về kiến thức và về phương pháp làm việc, về cách cư xử ở đời.

Điều sâu sắc mà anh Văn nhiều lần kể với anh em là thời kỳ đầu cách mạng, một đêm nằm ngủ với Bác Hồ trên giường làm bằng cành cây khiến người rất đau tại hang Pắc Bó, đang trao đổi công việc, bỗng dưng Bác dừng lại và nói một câu: "Chú Văn ạ! làm cách mạng là phải "dĩ công vi thượng" - nghĩa là phải lấy việc công làm trên hết, cũng có nghĩa là luôn đặt lợi ích chung lên trên hết, không cá nhân chủ nghĩa. Điều này rất có nghĩa với chúng ta hiện nay.

Là một cán bộ quân đội, tôi thấy mình thật hạnh phúc là đã có một thời gian khá dài được làm việc, gắn bó với anh Văn - một vị tướng kiệt xuất, nhân nghĩa, tài ba, luôn hết lòng vì nước vì dân.
Trân trọng cảm ơn đại tá! Chúc ông luôn mạnh khỏe!
Theo Vietnam+

--------------
*****

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Nhân chuyện "chè bẩn"


Dạo này đọc báo, xem TV...thấy toàn chuyện làm ăn dối trá, lại cũng thấy có sự giống nhau giữa lối làm ăn gian trá của người Việt và người tàu. Chẳng lẽ ảnh hưởng của "1.000 năm bắc thuộc" sâu sắc đến vậy?  

Ai cũng biết lâu nay ở Việt Nam luôn rộ lên những đợt mua vét từ phía thương lái TQ đối với các "hàng độc" xuất xứ từ  Việt Nam. Cách đây không lâu đó là móng và sừng trâu; thậm chí cả con đỉa dưới ruộng nước; rồi nhãn, vãi,...hiện tại là khoai lang, chè (trà) được sơ chế thành "chè bẩn". Mỗi lần như thế dân ta chẳng cần biết lợi hại lâu dài thế nào, và cũng quên luôn bài học của quá khứ, cứ thế nhào dzô làm mọi điều có thể, kể cả những thủ đoạn bẩn thiểu (theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của nó) chỉ vì một chút trước mắt. Đó là dân gian. Còn những kẻ có chức quyền thì làm ăn to hơn nhiều bằng cách đem cho thuê dài hạn (thực chất là bán rẻ) cả đất rừng, hầm mỏ, đồng ruộng... ! Nghĩ mà vừa buồn vừa cười...Và nhục nữa!      

Nghĩ kĩ thì cũng có căn nguyên của nó. Để nói về chuyện này, trước hết cứ phải khẳng định lại rằng dân tộc Việt Nam có rất nhiều ưu điểm . Nhưng cụ thể ra, trong đó, phần ưu điểm thường thấy trong chiến tranh; phần yếu điểm thường thấy trong thời bình. Nếu ai đó không muốn gọi là yếu điểm thì có thể gọi là “tác dụng phụ" (như đối với thuốc Tây vậy). Tất thảy bắt nguồn từ điều kiện đặc thù về địa lý, lịch sử, truyền thống và nhân văn của dân tộc này. Thiết nghĩ không cần nói nhiều vì đã có rất nhiều lời đàm tiếu dân gian xung quanh những yếu điểm như vậy rồi. Ở đây chỉ xin nêu ra một điểm có liên quan đến cách làm ăn vừa nói trên đây. Đó là tính “theo đuôi mù quáng và thiển cận” (tức là thấy người ta làm gì thì làm theo để mong cái lợi trước mắt, chứ không tự mình khởi sự hoặc làm khác với số đông, qua đó thường tạo nên lối hành xử theo kiểu "phong trào"). Đây là nguyên nhân của câu chuyện dở cười dở khóc về quá trình chuyển đổi sản xuất giữa các cây/con như mía-đường, cao su, café, hồ tiêu, lúa, tôm, cua, cá, ốc biêu, chim cút, gà vịt, sắt thép, xi măng, cảng biển … ! 

Lần này đến lượt cafe và chè - hai thứ đặc sản truyền thống mà ta đang rất hy vọng sẽ sớm trở thành "thương hiệu quốc gia" trên thị trường quốc tế. Giờ thì hy vọng đó đang bị đe dọa khi các quán cafe đã bắt đầu vắng khách trước thông tin về cafê pha bột ngô hoặc bất cứ thứ gì có thể...Mới đây lại có tin (và hình ảnh cụ thể rõ ràng) về "công nghệ" sản xuất chè bẩn theo quy trình cực kỳ giản đơn, tùy tiện và rất bẩn. Nghe nói người từ bên kia biên giới phía Bắc sang dạy cách làm rồi lại thu mua đem về bên í ..., còn làm gì thì không biết! Chỉ biết là dân ta đua nhau giữ lá chè lại để tự làm trong khi các nhà máy không có nguyên liệu để duy trì sản xuất. Đã xuất hiện nguy cơ phá sản cả một ngành chè và cả uy tín quốc tế đang mới được nhen nhóm của nó.

                                               Sản xuất chè bẩn tại một gia đình người dân

Không chỉ vậy. Còn nhớ cứ mỗi lần rộ lên những vụ việc như vậy thì lại có lối suy luận trong dân và giới chức rằng đó là "âm mưu thâm độc" của nước ngoài (TQ) . Nói vậy, nhưng chẳng thấy ai, kể cả các nhà chức trách , có biện pháp gì để kịp thời ngăn chặn. Cứ thế vụ việc thường kéo dài cho đến khi ngành nghề nào đó đó hay địa phương nào đó bị "sập tiệm" phải kêu cứu ...thì đã quá muộn.

Trên đây chỉ là một trong vô số những biểu hiện của những “tác dụng phụ” mà dường như luôn đeo bám dân tộc ta. Lý do thì chẳng ai, kể cả "ông nhà nước", có thể trả lời một cách rõ ràng, minh bạch, mà chỉ ầm ừ cho qua chuyện, lần não cũng không quên nhắc nhỡ "bà con đừng hám lợi..."!. Phải chăng đây cũng là một cách thể hiện tinh thần "do dân, vì dân"?  

         Cũng không khác mấy với tình hình biển Đông đang dậy sóng, trên biên giới phía Bắc người ta cũng nói "thương trường là chiến trường" nhưng chưa hề thấy phát súng nào nổ khi cần nổ. Vì sao vậy? Chẳng lẽ sau bao phen bị lừa phỉnh, cả dân tộc này vẫn chưa thực sự tĩnh ngộ và sẵn sàng muốn thoát khỏi vòng cương tỏa của Vương triều phương Bắc?   

*****

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này