Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Nước đệm

Lâu nay thế giới  vẫn nói về "chuỗi đảo phòng thủ" của Mỹ chạy từ Bắc đến Nam bờ Tây Thái Bình Dương, đó là Nhật và các đảo mà nước này đang kiểm soát, Hàn Quốc và các đảo của nước này, đảo Đài Loan và các đảo nhỏ trong quyền kiểm soát của mình, cuối cùng là Philippin và các đảo mà nước này đang kiểm soát hoặc đòi chủ quyền trên Biển Đông. Cũng đã từng có những lời đồn đoán rằng Mỹ sẽ từ bỏ ở một vài mắc xích nào đó của chuổi đảo trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc...Nói cách khác là Mỹ phải chịu lùi ra xa hơn về phía Đông. Cũng đã có lúc có ai đó đã đề cập đến khả năng Mỹ có thể nới rộng phòng tuyến sang phía Tây... đến Cam Ranh của Việt Nam chẳng hạn(?), v.v...

Mọi khả năng vẫn còn đó. Nhưng với 2 tin mới mà bạn có thể đọc chi tiết ở dưới đây khiến chủ blog tôi có xu hướng tin rằng trong thế cân bằng lực lượng mới hiện nay, nhất là khi nước Mỹ đang liên tục suy yếu về kinh tế tài chính, thì việc giữ cho được tuyến phòng thủ với chuổi đảo Tây Thái Bình Dương như cũ đã là khó lắm rồi. Vị trí lung lay dường như đang lộ rõ hơn với Đài Loan, nơi vốn dĩ phải luôn hứng chiệu rất nhiều trận động đất. Phải chăng vì thế mà Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Dương Niệm Tố đã phải lên tiếng vừa cảnh báo Mỹ phải tự "đi tuần tra khu vực"nếu không bán máy bay F-16 C/D cho quân đội Đài Loan, đồng thời  cảnh báo cả Trung Quốc "không được đặt chân lên đảo Ba Binh"( đảo to nhất mà họ đang chiếm giữa thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Đó là một động thái hiếm thấy khi mà Đài Loan trong những năm gần đây đã tỏ ra "đi đêm" một cách khó hiểu với đại lục; nó có thể là dấu hiệu lo sợ của người Đài Loan trước áp lực từ cả hai cường quốc. Tuy nhiên, đối với Philipin cùng lúc này, phía Mỹ lại nói rõ lập trường gồm 2vế: "không can thiệp vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông"... nhưng "tôn trọng cam kết bảo vệ Philipin".   Điều này cho thấy  có thể trong bối cảnh hiện nay xem ra việc giữ mắc xích Philipin đối với Mỹ  tỏ ra cần  thiết hơn (?).  Có thể  Chú Sam dường như đang tính đến một "ván bài ngửa" nữa trong lịch sử ban giao Mỹ-Trung... Lần này ai sẽ là những "con tốt đen" đây? 

Kết hợp với những diễn biến gần đây, chủ blog tôi có cảm nhận  rằng thân phận của nước Việt Nam sắp được an bài trong thế trận mới với vai trò của một "nước đệm"- chỉ khác là giờ đây với hình chữ S đầy đủ, chứ không chỉ là 1/2 nước, và giữa hai siêu cường Mỹ -Trung, chứ không phải giữa "hai phe"của thời chiến tranh lạnh. Ai cũng biết vai trò "đệm" thì khổ/ sướng như thế nào rồi... Bản thân khái niệm "đệm" cho thấy sự chịu đựng hơn là tầm quan trọng, tương tự như  phần sụn giữa các đốt xương trong cơ thể hay cái long-đen trong máy móc, thiết bị...

Vậy đó, có lẽ đến thời điểm này, những người Việt Nam lạc quan nhất cũng nên trở về với thực tế và phải chấp nhận chung sống với thân phận "nước đệm"! Suy cho cùng cũng là phải chăng thôi, bởi lịch sử đã cho Nước Việt Nam Mới  hơn 70 năm, tức bằng một đời người, mà không làm được điều gì mới  hơn thời phong kiến thực dân thì khó mà có lựa chọn nào khác ! Chẳng thế mà mới đây chủ blog tôi có được nghe một số nhân vật lãnh đạo tầm quốc gia nhắc nhỡ dân chúng, đại ý rằng xưa kia ông cha ta đánh thắng kẻ thù phương Bắc xong đều quy phục, triều cống ..., bây giờ chống... làm gì? Các vị này còn quả quyết rằng chống Trung Quốc thì chỉ có lợi cho "bọn Việt Tân" nào đó (!?). Quả thật, là những người đã sống, làm việc và chiến đấu trọn cuộc đời cho Nước Việt Nam Mới, chúng tôi thật không thể hiểu được ý tứ sâu xa (nếu có) của các vị lãnh đạo kia. Chẳng lẽ họ không thấy thời phong kiến thực dân khác xa với thời của thế giới hiện đại? Chẳng lẽ họ không phân biệt được phong trào yêu nước chân chính với nhóm người quá khích Việt Tân? 
    
Thôi thì,  bà con ơi, hay là ta hãy vui lên mà tồn tại hay không tồn tại với thân phận của một "nước đệm" và "dân tộc đệm"?


(Hình trên do chủ blog sao chụp trên mạng internet chỉ để làm minh họa cho bài viết)

Bây giờ xin mời bạn đọc 2 mẫu tin chi tiết đưới đây và cho biết có thể đồng ý với chủ blog tôi được bao nhiêu %?

Tin thứ nhất được đăng trên tờ United Daily News của Đài Loan  với tiêu đề khá bắt mắt : "Đài Loan tuyệt đối không để Trung Quốc đặt chân lên đảo Ba Binh"; không những thế, nội dung được cẩn thận nhấn mạnh bằng 2 tiểu mục rất rõ ràng như sau:

Không bán F-16C/D thì Mỹ đi mà tuần tra khu vực
Tờ “United Daily News” Đài Loan đưa tin, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Dương Niệm Tổ đã trả lời tờ “Defense News” Mỹ cho rằng: “Một khi Trung Quốc kiểm soát Đài Loan và thiết lập căn cứ quân sự, Đài Loan sẽ trở thành bàn đạp để Trung Quốc bành trướng hoạt động quân sự ở Biển Đông, đương nhiên là không phù hợp với lợi ích của Mỹ.  

Theo Dương Niệm Tổ , nếu Đài Loan không có máy bay F-16C/D để thay thế cho máy bay chiến đấu cũ kỹ thì sẽ mất đi ưu thế phòng không, lập tức đối mặt với thách thức, không thể đảm đương trách nhiệm bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.“Washington có lúc nhận thức đúng đắn trách nhiệm của Đài Loan”, người hiện đang tiến hành tuần tra hàng ngày tại khu vực này, nhưng nếu không bán máy bay chiến đấu mới cho Đài Loan, “quân Mỹ sẽ phải tự điều binh đến thực hiện nhiệm vụ này”.
Khi được hỏi về việc phải chăng Đài Loan có ý đồ đóng quân ở đảo Thái Bình (Ba Bình) trên quần đảo Trường Sa, Dương Niệm Tổ cho biết, trong giai đoạn hiện nay, Mã Anh Cửu và Cơ quan An ninh Quốc gia quyết định trước hết tăng cường trang bị cho bộ phận chiếm giữ của Cảnh sát biển, nhưng hiện cũng đang đánh giá Cảnh sát biển có thể thực hiện được nhiệm vụ giữ đảo này và tuần tra vùng biển xung quanh hay không.
Ông này còn đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng tôi tuyệt đối không để cho Trung Quốc đặt một bước chân lên đảo Ba Bình. Đây là một phần “lãnh thổ” của chúng tôi, do chúng tôi quản lý, không có chỗ cho bất cứ thỏa hiệp nào”.
Trung Quốc đang “phá hoại hòa bình và ổn định khu vực
Liên quan đến quan hệ ba bên Mỹ-Trung-Đài, Dương Niệm Tổ nói, phía Đài Loan hiểu rõ Mỹ và Trung Quốc có lợi ích chung chặt chẽ, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với quyết sách của Washington đang tăng lên, nhưng ông không cho rằng Mỹ sẽ nghiêng về Trung Quốc, coi nhẹ lợi ích của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Dương Niệm Tổ nói, Trung Quốc muốn hai bờ Eo biển Đài Loan tạo ra một “hiện trạng mới” xây dựng trên cơ sở giao lưu, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là Bắc Kinh giảm chuẩn bị quân sự để sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.
Trung Quốc cần xem xét,  phải chăng vì theo đuổi sự thống nhất hai bờ, họ “sử dụng vũ lực hoặc cách thức khác phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”.
Dương Niệm Tổ còn nói, nếu Mỹ đồng ý bán F-16C/D, Trung Quốc sẽ rất không hài lòng, cắt đứt trao đổi quân sự thường lệ là một trong những phương thức bày tỏ sự bất mãn, “nhưng Mỹ và Trung Quốc có lợi ích chung chặt chẽ, quan hệ quân sự nên chỉ có thể thụt lùi trong thời gian ngắn”.
Ông không cho rằng, Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp kinh tế quyết liệt để đáp trả Mỹ.

Tin thứ hai nói về hoạt động nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Quốc phòng Mỹ-Phi, được đưa với những dòng tít khá đậm trên báo chí Philipine và Mỹ, cho hay  Mỹ sẽ gửi một trong những sĩ quan quân đội cao cấp nhất cùng một đội tàu sân bay hạt nhân đến Philippines vào tháng này để kỷ niệm 60 năm hiệp ước quốc phòng Mỹ-Phi, động thái cũng nhằm khẳng định thêm mối quan tâm của Mỹ đối với nền quốc phòng Philippines. 
 
Một đội tàu sân bay hạt nhân của Mỹ sẽ đến Philippines cuối tháng này.

Phát biểu trước một buổi gặp gỡ của Hội châu Á hôm qua tại Washington, Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Harry K. Thomas Jr. đã nhắc lại lập trường của Mỹ là không can thiệp vào các vụ tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng tôn trọng cam kết bảo vệ Philippines.
“Mỹ là một đồng minh đã kết ước từ lâu với Philippines … Hai bên đang là và vẫn sẽ là đối tác chiến lược của nhau”, đại sứ Mỹ nói trước một cử tọa phần đông là người Mỹ gốc Philippines.
Ông Thomas Jr. cho biết thêm khi trở lại Manila vào tuần tới, ông sẽ đi cùng với Tướng Norton Schwartz, Tư lệnh Không quân Mỹ. Đây sẽ là chuyến ghé thăm thứ hai của một sĩ quan chỉ huy cao cấp của Mỹ.
Theo chương trình dự kiến, Hàng không mẫu hạm nguyên tử USS John Stennis và đội tàu hộ tống sẽ đến Manila vào cuối tháng Tám, để hợp nhất với phần còn lại của Hải đội Tàu sân bay tấn công số 3, bao gồm các tàu tuần dương trang bị tên lửa USS Mobile Bay và các chiến hạm thuộc Đội tàu khu trục Squadron 21 bao gồm các chiếc USS Pinckney, USS Kidd, USS Dewey và USS Wayne Meyer, vốn đã rời căn cứ San Diego Clifornia ngày 29/7 để trực chỉ Biển Đông.
Sau khi biểu dương thanh thế tại Philippines, Hải đội Mỹ sẽ lên đường đi hỗ trợ cho hoạt động quân sự ở Iraq và Afghanistan.
Đối với đại sứ Mỹ tại Philippines, việc một lực lượng hải quân hùng hậu như vậy được cử đến Philippines là nhằm thể hiện quyết tâm của Mỹ cam kết yểm trợ Philippines khi cần thiết.
Cuối tháng 7 vừa qua, Manila đã tiếp đón Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại vùng Thái Bình Dương.
Vào lúc nhiều nước châu Á lo ngại các hành động lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông, đại sứ Mỹ đã nhấn mạnh rằng: Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện quân sự trong khu vực. Ông tiết lộ thêm rằng các chiến hạm Mỹ mỗi năm đều ghé cảng Philippines khoảng một trăm lần.
Philippines là một trong hai quốc gia hiếm hoi tại vùng Đông Nam Á đã ký kết Hiệp ước Phòng thủ với Mỹ. Văn kiện mang tên Hiệp ước Tương trợ Quốc phòng Mỹ - Philippines (MDT) đã được ký kết tại Washington DC vào ngày 30/8/1951, tức là cách đây đúng 60 năm.
Sau một thời gian bị lơ là, Hiệp ước MDT gần đây đã được nêu bật trở lại do tình hình tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, đặc biệt là giữa Philippines và Trung Quốc.
Khi Ngoại trưởng Albert del Rosario tiếp xúc với đồng nhiệm Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tại Washington hồi tháng 6 vừa qua, ông đã được phía Mỹ bảo đảm là “sẽ giúp Philippines xây dựng năng lực quân sự để bảo vệ lãnh hải của mình”.

*****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này