Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Một thử thách đối với ý chí của Việt Nam

Có thể nói, so với tất cả các vụ xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông của Bắc Kinh kể từ sau cuộc lấn chiếm chớp nhoáng tại Trường Sa năm 1988 cho đến nay thì vụ giàn khoan HD-981 là vụ nghiêm trọng nhất. Đúng ra đã từng có 2 vụ nghiêm trọng trước đó là vụ cắt cáp tàu Bình Minh 2 và vụ thành lập thành phố Tam Sa. Tuy nhiên, tính chất của hai vụ đó hoàn toàn khác với vụ giàn khoan lần này ở chỗ:  Vụ cắt cáp chỉ xảy ra chốc lát theo kiểu "cắn trộm"; vụ lập thành phố Tam Sa nặng về hình thức không có yếu tố lấn chiếm; trong khi vụ giàn khoan HD-981 thực chất là hành động xâm lấn lãnh thổ có chủ đích lâu dài. 

Việc Bắc Kinh chọn vị trí đặt giàn khoan HD-981 vừa gần quần đảo Hoàng Sa mà họ đang chiếm đóng phi pháp, vừa sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là nhằm lợi dụng để cãi chầy cãi cối và đánh lừa dư luận quốc tế rằng đó là vùng thuộc quần đảo Hoàng Sa đồng thời che đậy ý đồ lấn chiếm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nếu chiếm được vị trí này họ không chỉ chiếm được một vùng có nhiều tiềm năng dầu khí nhất mà còn xác lập một thế đứng chân mới chuẩn bị cho việc đàm phán phân chia biển đảo sau này với Việt Nam - điều mà sớm muộn cũng phải diễn ra.

Về thời điểm cũng cho thấy sự tính toán xảo quyệt của phía Trung Quốc. Đó là lúc quan hệ Mỹ-Xô đang căng thẳng và dư luận quốc tế đang tập trung vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Mặc khác Bắc Kinh nhận thấy không thể gây sức ép với Tokyo hoặc Manila vừa được tuyên bố bảo vệ bởi đồng minh Hoa Kỳ. Đó là nguyên nhân trực tiếp khiến họ chuyển hướng sang gây sức ép với Việt Nam bất chấp những thỏa thuận "riêng tư" giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.    

Xét về mọi mặt, hành động lấn chiếm bằng giàn khoan HD-981 đang đặt ra cho Việt Nam một thách thức cam go, nếu không nói là một sự thách đố. Nếu Việt Nam không bằng cách này hay cách khác buộc phía Trung Quốc rút dàn khoan sẽ có nghĩa là mất thêm một phần lãnh thổ. Mất tài nguyên là một chuyện, nhưng mất lãnh thổ là điều không thể chấp nhận được. Đối với Trung Quốc, nếu thành công trong âm mưu này chắc chắn họ sẽ lấn tới bằng nhiều vụ lấn chiếm khác nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò được coi là "lợi ích cốt lõi" của họ, và điều này sẽ đặt Việt Nam vào thế khó khăn nguy hiểm hơn nhiều.

Xem ra sự tính toán của Bắc Kinh như vậy là thâm hiểm. Tuy nhiên (xin được bình luận theo kiểu bóng đá),  cơ hội vẫn còn đối với Việt Nam. Trước một đối thủ vừa mạnh vừa chơi rắn thì đối pháp của đội Việt Nam phải là quyết tâm, bình tĩnh, khôn khéo và chơi đúng luật. Thời gian của trận cầu còn dài (từ nay đến 15/8) và nếu đối phương bị buộc phải rút giàn khoan trước kế hoạch dự kiến thì đó là thắng lợi đối với Việt Nam.  

Qua cung cách phản ứng mấy ngày qua của phía Việt Nam cho thấy một số điểm mới đáng lưu ý. Đó là, không chỉ dừng lại ở mức Người phát ngôn  Bộ Ngoại giao, đích thân Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh ngày 6/5 đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc. Trong nội dung điện đàm có nêu hai ý: Việt Nam kiên trì giải quyết bất đồng bằng thương lượng; và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bằng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Việc Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo rộng để công bố thông tin cập nhật về diễn biến tình hình tại chỗ cho thấy hướng chú trọng đến công tác vận động dư luận quốc tế.  Diễn biến trên thực địa mấy ngày qua cho thấy các lực lượng Việt Nam đã sẵn sàng cho những tình hướng xấu nhất.   

Theo các nguồn tin, mấy ngày nay phía Trung Quốc thường xuyên duy trì và tăng cường lực lượng tham gia bảo vệ dàn khoan lên khoảng 80 tàu các loại, trong đó có cả tàu chiến, và họ đã chủ động "va chạm" làm hư hại một số tàu của Việt Nam (Xem thêm tại đây). Tuy nhiên tin tức cũng cho thấy dư luận quốc tế đang ngày càng có lợi cho Việt Nam. Mỹ gọi hành động của Trung Quốc là "khiêu khích vô bổ" trong khi các nước khác ở mức độ khác nhau đều phản đối Trung Quốc. Tình hình sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, không loại trừ khả năng xảy ra xung đột có yếu tố vũ trang. Tuy nhiên có thể loại trừ khả năng xảy ra chiến tranh, vì bên nào cũng biết rõ nếu để chiến tranh nổ ra, không bên nào có lợi, Trung Quốc dù có sức mạnh áp đảo cũng chỉ có thể thắng trong từng trận đánh nhưng không thể chiến thắng trong cả cuộc chiến.   

Với kinh nghiệm xương máu của mình, người Việt Nam không bao giờ mong muốn chiến tranh, nhưng khi tình thế bắt buộc thì bao giờ cũng sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng cuối cùng. Trong bối cảnh cụ thể của vụ việc hiện nay, Việt Nam không chủ động gây hấn nhưng không thể khoanh tay chịu đòn mãi; nếu muốn thế giới hậu thuẫn thì trước hết bản thân phải tự đứng lên. Tin rằng nếu Việt Nam làm tốt công tác vận động quốc tế đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ bằng các biện pháp cần thiết thì đối phương khó có thể bất chấp mọi sức ép, và khả năng đẩy lùi mưu đồ này của Trung Quốc là hoàn toàn có thể.



3 nhận xét:

  1. dan toc Viet Nam se day cho bon Tau Phu mot bai hoc bon Tau den Viet Nam se ko co duong ve

    Trả lờiXóa
  2. Muốn hòa bình nhưng chúng ta không thể nhân nhượng hơn được nữa ! Đảng và nhà nước hãy đoàn kết toàn dân tộc và dùng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền biển đảo ! Chúng ta nhẫn nhịn quá mức chịu đựng rồi, không thể lùi được nữa !

    Trả lờiXóa
  3. "Chúng ta" ở đây là ai thế bác ? Nếu chúng ta là tất cả thì chúng ta đang bi lãnh đạo
    bời chế độ toàn trị.nên chỉ có giới chóp bu nhún nhường mà thôi !
    Vấn đề là tại sao "chúng ta" nhân nhượng ? Vì bị Tầu cộng lừa bịp bởi cái thòng lọng
    "4 T+16 V" mà Tàu cộng buộc chặt đảng CsVN.Đó là lý do tại sao lâu nay,VN.cứ ở
    trong tình trạng nhượng bộ từ thiệt hại này đến thiệt hại khác do TC.chủ động.

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này