Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Australia có cần "sợ" Trung Quốc?


Chuyến công du Trung Quốc của Thủ tướng Julia Gillard đã xác định những ưu tiên chiến lược quan trọng với Australia. Bà kêu gọi hai nước gia tăng hợp tác quốc phòng như một biện pháp để thúc đẩy mối quan hệ và hiểu biết lẫn nhau. Bà cũng nhấn mạnh mong muốn được chứng kiến sự minh bạch hơn nữa về quân sự của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith cũng khẳng định, ông đã nói rất rõ ràng với người đồng nhiệm Trung Quốc rằng, Australia mong muốn Trung Quốc tuân thủ, thực thi đúng các chuẩn mực quốc tế, bao gồm cả luật biển quốc tế.
Trung Quốc gần đây đã không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự và có cách hành xử ngày một quả quyết hơn ở biển Hoa Đông cũng như Biển Đông.
Chuyến công du Trung Quốc của Thủ tướng Julia Gillard đã xác định những ưu tiên chiến lược quan trọng với Australia. Ảnh: The Courrier-Mail

Trong khi bà Gillard đơn giản thể hiện rằng, bà không ủng hộ ý tưởng của Mỹ và các đồng minh nhằm kiềm chế Trung Quốc, nhưng sự ủng hộ các đồng minh Mỹ của lãnh đạo Australia trong chuyến thăm Washington gần đây không phải là điều Bắc Kinh không biết tới. Hơn thế nữa, trước khi công du tới Trung Quốc, Thủ tướng Australia đã tới thăm Nhật Bản và Hàn Quốc.
Dĩ nhiên, mục tiêu của bà Gillard vẫn là khuyến khích gia tăng hợp tác quân sự và liên kết quốc phòng. Vậy người Australia phải hiểu thế nào về những mục đích của Trung Quốc sẽ làm với lực lượng quân sự Australia trong tương lai.
Có những vấn đề không nhỏ với Australia trong hai hoặc ba thập niên tới. Tất nhiên, cần có một chính sách hợp lý để thúc đẩy Bắc Kinh trở thành một cường quốc đang trỗi dậy có trách nhiệm và tham gia chặt chẽ hơn trong tiến trình hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cũng sẽ cần một chính sách tốt để thu hút Trung Quốc tham gia nhiều mặt trong mối quan hệ song phương với Australia - từ chính trị tới kinh tế, quốc phòng, văn hóa và nhân quyền.
Nhưng khi sức mạnh của Bắc Kinh chắc chắn gia tăng thì cũng cần có một chính sách "bảo hiểm rủi ro" nhằm đối phó với khả năng một Trung Quốc quả quyết hơn trong tương lai. Sách tăng quốc phòng Australia tháng 5/2009 cho rằng, vào năm 2030, Trung Quốc sẽ là một cường quốc quân sự mạnh nhất châu Á do nỗ lực hiện đại hóa quân sự ngày càng mang đậm đặc trưng là phát triển các khả năng thể hiện sức mạnh.
Khi Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn về kinh tế, thì chắc chắn họ sẽ phát triển hơn các khả năng quân sự để phù hợp với kích cỡ tăng trưởng của mình. Tuy nhiên, như sách trắng nhấn mạnh, tốc độ, phạm vi và cơ cấu hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc gây ra nhiều lo lắng với các nước láng giềng.
Nếu Trung Quốc không trở nên minh bạch hơn, thì sẽ ngày càng có nhiều nghi vấn về mục tiêu những kế hoạch phát triển quân sự của họ. Bắc Kinh đang theo đuổi và đã đạt được một số khả năng khá ấn tượng mà nhiều người cho rằng, những khả năng ấy cuối cùng sẽ gây rủi ro với Mỹ và các đồng minh khi hoạt động tại những khu vực hàng hải giáp Trung Quốc. Lo ngại này trên thực tế được minh chứng trong những trường hợp va chạm trên biển giữa Mỹ, Nhật Bản với Trung Quốc.
Tại Australia, gần đây xuất hiện một số ý tưởng kỳ quặc rằng, có thể phát triển lực lượng có khả năng đối phó trực tiếp với Trung Quốc. Ý tưởng này là rủi ro và ngu ngốc. Dĩ nhiên, Australia có thể mong muốn xây dựng lực lượng - bao gồm cả tàu ngầm - để có thể đóng góp hữu ích vào một liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Cũng không nên xem Trung Quốc như một đối thủ không thể tránh khỏi. Hiện tại cũng như trong dự đoán, họ sẽ không có sức mạnh quân sự đáng sợ như Liên Xô. Và, Bắc Kinh cũng chưa từng có kinh nghiệm hay trải qua một cuộc chiến tranh hiện đại nào.
Hơn thế nữa, Trung Quốc cần một môi trường hòa bình chiến lược để có thể dành ưu tiên cho việc quản lý khối lượng dân số khổng lồ 1,3 tỉ người.
Trung Quốc không phải là một đất nước không có điểm yếu. Cần phải nhớ điều này trước khi kết luận rằng, Trung Quốc sẽ gia tăng và gia tăng cũng như không gặp trở ngại nào nghiêm trọng. Đơn giản đưa ra ví dụ này, chính sách một con dẫn tới hệ quả là sự già hóa dân số nhanh chóng. Vào năm 2014, số người trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ bắt đầu sụt giảm và tới năm 2040, khoảng 30% dân số Trung Quốc sẽ ở độ tuổi trên 60. Điều này chắc chắn sẽ có những tác động lớn tới tỉ lệ tăng trưởng kinh tế, vốn đã có dự báo sẽ sụt giảm còn khoảng 7%/năm so với tăng trưởng 10-12% trước đây.
Có rất nhiều vấn đề khác về chính trị, kinh tế, môi trường và tham nhũng mà Trung Quốc đang đối mặt trong thế kỷ 21. Cũng cần cẩn trọng với suy đoán rằng, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ dẫn nước này tới một vị trí uy quyền trong khu vực.
Ở đây nên đề cập tới những yếu tố địa chính trị khác.
Nếu Trung Quốc trở nên gây hấn hơn, họ sẽ phải đối mặt với một sự liên kết chặt chẽ hơn tại châu Á. Trong khi thực tế là nhiều quốc gia ở khu vực, gồm cả Australia, ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc để phát triển kinh tế, thì nỗi bất an cũng không ngừng mở rộng về việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, cách hành xử quả quyết hơn khi tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.
Trung Quốc không có nhiều bạn bè thực sự thân cận ở châu Á. Ấn Độ chắc chắn cũng không thoải mái với sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc. Những nước "tầm trung" khác như Indonesia cũng sẽ phải chú tâm tới cách hành xử quả quyết hơn của Bắc Kinh.
Có hai viễn cảnh xảy ra. Một là Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển kinh tế và ngày càng chú tâm vào việc xây dựng một môi trường an ninh hợp tác trong khu vực (điều mà Bắc Kinh gọi là "một khu vực hòa hợp"). Viễn cảnh thứ hai là điều Australia cần phải "rào giậu": nó liên quan tới một Trung Quốc mạnh hơn về quân sự và trở nên nguy hiểm hơn.

Bài của tác giả Úc: Paul Dibb đăng trên Theo theaustralian, được dịch giả Nhật Huy dịch,  đã đăng trên tuanvietnamnet  ngày 11/05/2011 * Tác giả Paul Dibb là giáo sư danh dự nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia. Năm 1978, với cương vị phó giám đốc tình báo quốc phòng, ông đã tới thăm Trung Quốc để mở rộng quan hệ hai bên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này