Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn do H. Giang & V.V. Thành thực hiện
Giáo sư Kenichi Ohno:
“Ở VN, vấn đề là có quá nhiều hội thảo, hội nghị, báo cáo… và quá ít hành động” – ông Kenichi Ohno trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ chiều 4-5.
* Giáo sư nhiều lần nhắc đến nguy cơ VN rơi vào bẫy thu nhập trung bình (TNTB). Vì sao?
- Bẫy TNTB không phải là khái niệm mới. Tôi muốn dùng khái niệm này ở VN vì tôi cho rằng VN cần khẩn trương có các chính sách tiến về phía trước. VN chưa bị những cú sốc mạnh như Thái Lan, Hàn Quốc từng gặp phải và theo tôi thấy, VN dường như chưa tiến đủ nhanh. Một số người cho rằng bây giờ nói đến bẫy TNTB là quá sớm. Đúng là VN mới gia nhập nhóm nước có TNTB vài năm nay, nhưng tôi vẫn dùng điều này để khuyến cáo Chính phủ cần phải nghĩ về tương lai. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Malaysia là 8.000 USD và họ đang đối mặt với cái bẫy này. Với VN, cái bẫy này là rủi ro của tương lai nhưng VN cần hành động bây giờ để không phải đối mặt với nó.
Tôi không nói về sự phát triển vội vã, mà là những biện pháp dứt khoát. VN có thể phản ứng tốt trước các cuộc khủng hoảng sâu sắc, ví dụ đổi mới bắt đầu khi VN rơi vào khủng hoảng, nhưng bẫy TNTB là điều ở tương lai chứ không phải là một cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện thời. Nhưng cần phải nhìn nhận vấn đề rộng hơn là tạo tăng trưởng mới. Đó còn là vấn đề lạm phát, đầu cơ bất động sản, bảo vệ môi trường…
Đây là điều tôi muốn thấy: nếu các bạn muốn làm điều gì đó, bạn xây dựng thành phong trào để nó trở thành câu chuyện chung của mọi người, từ tài xế taxi và nông dân tới quan chức Chính phủ. Đây là quá trình thay đổi tư duy: thay đổi sự trì trệ của khu vực tư nhân, khiến họ trở nên khát khao cạnh tranh hơn; thay đổi từ việc kiếm thu nhập chính từ bất động sản thành sự thành đạt nhờ kiến thức, công nghệ, nhờ biết sản xuất ra sản phẩm của riêng mình, có thể tiếp thị sản phẩm, quản lý nhà máy mà không cần sự hỗ trợ của người nước ngoài…
* Giáo sư có thể gợi ý phong trào nào cho VN?
- Nó sẽ phải liên quan tới năng suất. Ở Singapore dù thu nhập của họ rất cao, họ vẫn nói về năng suất. Ý tưởng ở đây không phải là làm thế nào để thu hút ODA hay FDI, mà là tìm cách để có thiết kế, tiếp thị… của riêng mình để nếu thế giới có thay đổi, các bạn vẫn còn “vốn” của mình.
* Ông từng cho rằng có quá nhiều ưu tiên phát triển nghĩa là không có ưu tiên?
- Khi xem chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm của VN, tôi thấy có quá nhiều ưu tiên. Tôi không thể nói tên những ưu tiên mà các bạn cần có, nhưng các bạn cần chỉ ra dưới 10 ưu tiên. Có thể thành lập hội đồng cạnh tranh quốc gia và giao cho họ nhiệm vụ xác định 7-10 ưu tiên. Chẳng hạn: thu hút các nhà máy lắp ráp điện tử, sản xuất và chế biến thực phẩm sạch có chất lượng cao…
Một khi đã có ưu tiên thì phải lập ra các nhóm làm việc đặc biệt thuộc các bộ chủ quản để xây dựng về mặt tổ chức, nhân sự, ngân sách cho ưu tiên đó. Điều quan trọng nữa là giám sát và chế tài thực hiện. Ở VN, nếu có chỉ tiêu nào đó không đạt được, không ai làm sao cả. Hơn nữa, VN có quá nhiều hội thảo, kiến nghị không có trọng lượng mấy tới hành động. Các bạn nên giảm họp hành và tạo ra các ủy ban hoạch định chính sách, đảm bảo các chính sách, gợi ý được thực hiện.
* Làm thế nào để tránh rơi vào bẫy TNTB?
- Cần có hai điều: thứ nhất là chất lượng ra chính sách của Chính phủ và thứ hai là thúc đẩy sự năng động của khu vực tư nhân. Đây là các chính sách khó nên phải học từ nước khác. Các bạn đã vào WTO, có thị trường chứng khoán, cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước… nhưng tất cả những điều đó chỉ giúp các bạn đạt tới mức có TNTB; còn từ đó trở đi sẽ phải tập trung vào hai điều trên.
* Theo giáo sư, rủi ro lớn nhất khiến VN rơi vào bẫy TNTB là gì? Và đâu là cơ hội để VN tránh bẫy đó?
- Cơ hội của VN là các bạn có một vị trí tốt, xung quanh toàn những nước đang cạnh tranh khốc liệt với bạn, đồng thời sẵn sàng hợp tác với bạn, nên VN khó có thể yên lòng ngủ kỹ được. Thứ hai, nhìn chung người VN làm việc chăm chỉ. Đợt nghỉ lễ vừa rồi, máy điều hòa ở nhà tôi bị hỏng. Dù là ngày lễ nhưng thợ vẫn tới sửa cẩn thận. Tất nhiên đây mới là ở mức độ công nghệ thấp. Nếu ở tầm công nghệ cao mà có những người kỹ sư như vậy thì họ sẽ biết cách giảm sự lãng phí và tăng năng suất. Cộng với chính sách tốt, các bạn có thể vượt qua bẫy TNTB. Còn rủi ro lớn nhất là sự tự hài lòng về chính sách.
Tôi không nghĩ người Malaysia chăm chỉ hơn người VN, nhưng họ lại có các chính sách tốt hơn.
Theo TTO
http://haydanhthoigian.wordpress.com
http://haydanhthoigian.wordpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.