Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Việt-Trung sẽ giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển

Đó là tiêu đề xuất hiện trên Vn-Express sáng nay khi đưa tin về nội dung hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến thăm đầu tiên của ông Bình đến TQ với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao. 

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì (bên phải) đón Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: TTXVN
Quan điểm nói trên được bộ trưởng hai nước trao đổi trong cuộc hội đàm chiều 12/2 tại Bắc Kinh, nhân chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Phạm Bình Minh tới Trung Quốc theo lời mời của ông Dương Khiết Trì, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.
Về vấn đề trên biển, hai bên khẳng định giải quyết mọi bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, hữu nghị, cùng tôn trọng và quan tâm tới lợi ích chính đáng của nhau, căn cứ những nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 9UNCLOS 1982) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Về vấn đề biên giới lãnh thổ, hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai nước trong việc thực hiện nghiêm túc 3 văn kiện liên quan biên giới trên bộ, cũng như cùng tích cực thúc đẩy các cơ quan hữu quan tích cực trao đổi để sớm ký kết Hiệp định về hợp tác khai thác tiềm năng du lịch khu vực thác Bản Giốc và Hiệp định về quy chế tàu thuyền qua lại tự do ở cửa sông Bắc Luân, đồng thời tăng cường hợp tác trong việc sử dụng bền vững các nguồn nước sông suối biên giới giữa hai nước.
Hai bên đánh giá cao trước những bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, đặc biệt là sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc ở cương vị bộ trưởng ngoại giao, ông Phạm Bình Minh còn lần lượt hội kiến với các quan chức cấp cao khác của Trung Quốc, trong đó có Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khanh; Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc và Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Gia Thụy
 NguồnVN-Express 14/2/2012/phóng viên:Nhật Nam   .



--------------
*****

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Cẩm nang sống

Tài liệu sưu tầm trên mạng, nhận trực tiếp từ nick Bagialan: 

Hình minh họa

Life Handbook 2012 Cẩm nang sống 2012
                                                        
Health
Sức khỏe:1. Drink plenty of water.
Uống nhiều nước.

2. Eat breakfast like a king, lunch like a prince and dinner like a beggar. -

Ăn sáng như vua, ăn trưa như ông hoàng và ăn tối như kẻ ăn xin.
3. Eat more foods that grow on trees and plants and eat less food that s manufactured in plants. -

Ăn nhiều thức ăn mọc trên cây và ăn ít thức ăn được chế tạo trong nhà máy.
4. Live with the 3 E's -- Energy, Enthusiasm and Empathy. -

Sống với 3 N – Năng lực, Nhiệt thành và Nhân ái
5. Make time to pray..

Tìm ra thì giờ mà cầu nguyện.
6. Play more games.

Chơi trò chơi nhiều hơn.
7. Read more books than you did in lát year. -

Đọc nhiều sách hơn năm cũ.
8. Sit in silence for at least 10 minutes each day. -

Ngồi yên lặng ít nhất 10 phút mỗi ngày.
9. Sleep for 7 hours.

Ngủ 7 giờ.
10. Take a 10-30 minutes walk daily. And while you walk, smile. -

Đi bộ từ 10-30 phút mỗi ngày. Và mỉm cười trong khi bước đi.
Personality
Nhân cách:

11. Don't compare your life to others'. You have no idea what their journey is all about. -

Đừng so sánh cuộc đời của bạn với cuộc đời của những người khác. Bạn không biết cuộc hành trình của họ như thế nào đâu.
12. Don't have negative thoughts or things you cannot control. Instead invest your energy in the positive present moment. -

Đừng có những tư tưởng tiêu cực hoặc có những thứ mà bạn không thể làm chủ. Thay vào đó, hãy đầu tư năng lực của bạn vào khoảnh khắc hiện tại tích cực.
13. Don't over do. Keep your limits. -

Đừng làm quá mức. Giữ giới hạn của bạn.
14. Don't take yourself so seriously. No one else does. -

Đừng quá coi trọng bản thân bạn. Không ai để ý bạn ‎đâu.
15. Don't waste your precious energy on gossip. -

Đừng phí năng lực quý ‎ báu vào chuyện ngồi lê đôi mách.
16. Dream more while you are awake. -

Hãy mơ nhiều hơn khi bạn còn đang thức.
17. Envy is a waste of time. You already have all you need.. -

Ghen tỵ là phí thì giờ. Bạn đã có tất cả những gì bạn cần rồi.
18. Forget issues of the past. Don't remind your partner with His/her mistakes of the past. That will ruin your present happiness. -

Hãy quên đi những chuyện quá khứ. Đừng nhắc cho vợ/chồng của bạn nhớ lại những lỗi lầm của họ trong quá khứ. Việc này sẽ làm hỏng hạnh phúc hiện tại của bạn.
19.. Life is too short to waste time hating anyone. Don't hate others. -
Cuộc sống quá ngắn để mà phí thì giờ vào việc ghét người nào. Đừng ghét những người khác.
20. Make peace with your past so it won't spoil the present. -
Hãy làm hòa với quá khứ của bạn để nó không làm hỏng hiện tại.
21. No one is in charge of your happiness except you. -
Không ai lãnh trách nhiệm về hạnh phúc của bạn ngoài bạn.
22... Realize that life is a school and you are here to learn. - Problems are simply part of the curriculum that appear and fade away like algebra class but the lessons you learn will last a lifetime.. -
Hãy nhận thức rằng cuộc đời là một trường học và bạn ở đây là để học. Các bài toán chỉ là một phần của học trình, xuất hiện rồi phai mờ đi giống như lớp đại số, nhưng các bài học bạn học được thì sẽ kéo dài suốt đời...
23. Smile and laugh more.. -

Mỉm cười và cười nhiều hơn.
24. You don't have to win every argument. Agree to disagree. -

Bạn không buộc phải thắng mọi cuộc tranh luận đâu. Hãy đồng ‎ ý với việc không đồng ý.
Society
Xã hội:
25. Call your family often. -
Hãy thăm viếng gia đình bạn thường xuyên.
26. Each day give something good to others. -

Mỗi ngày, hãy mang lại điều gì tốt cho người khác..
27. Forgive everyone for everything. -
Hãy tha thứ cho mọi người về mọi sự..
28. Spend time with people over the age of 70 & under the age of 6. -

Hãy dành thì giờ cho những người ngoài 70 và dưới 6 tuổi.
29. Try to make at least three people smile each day. -
Hãy cố gắng làm cho ít ra ba người mỉm cười mỗi ngày.
30. What other people think of you is none of your business. -
Không cần biết những điều người khác nghĩ về bạn.
31. Your job won't take care of you when you are sick. Your friends will. Stay in touch. -
Việc làm của bạn sẽ không săn sóc bạn khi bạn đau ốm đâu. Bạn bè mới làm việc ấy. Hãy liên lạc với nhau luôn.
Life
Đời sống:
32. Do the right thing! -
Hãy làm chuyện đúng!
33. Get rid of anything that isn't useful, beautiful or joyful. -

Loại bỏ bất cứ thứ gì không ích lợi, không đẹp hoặc không vui.
34. GOD heals everything... -
Trời  chữa lành mọi sự…
35. However good or bad a situation is, it will change. -

Cho dù một hoàn cảnh tốt hay xấu, nó sẽ thay đổi.
36. No matter how you feel, get up, dress up and show up. -
Mặc cho bạn có cảm thấy thế nào, hãy ra khỏi giường, chưng diện lên và khoe thiên hạ.
37. The best is yet to come. -
Điều tốt nhất sẽ đến.
38. When you awake alive in the morning, thank GOD for it. -

Mỗi sáng thức dậy mà còn sống, hãy cám ơn Trời về điều ấy.
39. Your Inner most is always happy. So, be happy. -
Thâm tâm bạn luôn luôn hạnh phúc. Thế thì, hãy sống hạnh phúc đi.Last but not the least / Điều cuối cùng nhưng không phải là nhỏ nhất:40. *Please Forward this to everyone you care about.* -Xin vui lòng chuyển cẩm nang này đến tất cả những người mà bạn quan tâm, quý mến hoặc thương yêu*

--------------
*****

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Tiên Lãng: một cơ hội, một phép thử


Cảnh sát dùng "chó nghiệp vụ" để cưỡng chế gia đình ông Vươn
Từ  vụ  Quỳnh Phụ-Thái Bình  (năm 1997) đến vụ Tiên Lãng-Hải Phòng là 15 năm. Đó là một thời gian khá dài, nhưng hai sự kiện đều cùng một vấn đề:  nông dân và đất đai và mối quan hệ giữa cán bộ và người dân.  Nó giống như một quả bom nỗ chậm với cái ngòi nỗ âm ĩ chưa bao giờ tắt. Đó chỉ là hai vụ bùng phát trong muôn vàn vụ việc âm ĩ trên khắp đất nước này . Nhưng có những đặc điểm đáng lưu ý: a)  Trong vụ Quỳnh Phụ  dân chỉ sử dụng gậy gộc thì vụ Tiên Lãng dân đã sử dụng súng đạn, bom mìn, giống như quá trình đi từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh võ trang ; b)Trong vụ Quỳnh Phụ  dư luận công chúng tuy có xôn xao, bức xúc nhưng về cơ bản đã ủng hộ các cơ quan chính quyền nhằm giải quyết "êm thấm"; trong  vụ Tiên Lãng, dư luận  bất bình,  bất tín, bất phục với tâm trạng chờ đợi xem nhà nước sẽ giải quyết như thế nào;  c) So với thời Quỳnh Phụ, thời nay  mức độ giác ngộ chính trị của dân chúng cao hơn rất nhiều , từ một việc tưởng chừng chỉ là nỗi oan sai của một gia đình nhà ông Vươn đã nhanh chóng biến thành một vấn đề quốc gia đại sự, chủ yếu nhờ hiệu ứng nhanh nhậy của phương tiện truyền thông qua internet.

Có thể nói, lần này giới  lãnh đạo đất nước đã bắt đầu nhận ra tính chất  nghiêm trọng và nguy cấp của vụ việc và đã kịp thời chỉ đạo nhằm dập tắt “ngòi nỗ” trước khi  quá muôn. Đó là việc người đứng đầu Chính phủ đích thân chỉ đạo, và các ban/ngành Trung ương vào cuộc. Tuy nhiên, có thể thấy cách thức giải quyết dường như chưa có gì mới, chủ yếu để đối phó dư luận, chứ không nhằm vào nguyên nhân sâu xa , gốc rễ nằm ở chủ trương và đường lối, chính sách. Một biểu hiện rõ là việc các cấp từ xã, huyện, thành phố luôn tỏ ra muốn bao biện bằng các thủ đoan quanh co, dối trá, với thái độ độc đoán chuyên quyền quen ức hiếp người dân; khi bị thúc bách bởi cấp cao và công luận,  họ sinh ra giao động tìm cách đổ lỗi cho nhau. Lúc này một số cấp bậc từ xã, huyện mới bị “điểm danh”. Song một số lãnh đạo chủ chốt và quan chức thừa hành khác ở tất cả các cấp có liên quan đến vụ việc dường như vẫn được bao che hoặc vì lý do nào đó vẫn nằm ngoài vòng xử lý . Việc  cần làm trước vẫn chưa làm, đó là ra quyết định dứt khoát về sinh mạng chính trị và lợi ích kinh tế của bên bị hại là gia đình ông Vươn;  và đặc biệt  vẫn “vắng bóng” một lời xin lỗi từ phía cơ quan công quyền trước công luận - điều thường thấy ở  bất cứ quốc gia dân chủ nào. Trong nội dung xử lý vẫn nặng về quy trách nhiệm cho "luật lệ lỏng lẽo", "trình độ cán bộ yếu kém"…, nhưng tránh né nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ đường lối, chủ trương, chính sách để dẫn đến tình trạng quan liêu tham nhũng và  kém năng lực của bộ máy công quyền. Thiết nghĩ; với đội ngũ cán bộ xấu thì mọi luật lệ chỉ là một thứ bình phong mà thôi; nguyên nhân gốc rễ bắt nguồn từ hệ thống chính trị (có thể hiểu theo nghĩa "hành chính và pháp trị") đã thoái hóa, lỗi thời.

Tóm lại, về cơ bản trình tự và cách thức giải quyết như hiện nay cho thấy vẫn là cách thức cũ đã lỗi thời. Không phải chỉ đợi đến vụ Tiên Lãng, mà nhiều năm qua đất nước đã rơi vào tình trạng bất bình,  bất tín, bất phục, và phần nào “bất tuân lệnh” như có thể thấy trong các khâu điều hành công việc như giao thông, thuế khóa, tài chính-ngân hàng, ngân sách, quản lý đất đai, xây dựng, v.v…Vụ Tiên Lãng chỉ là một giọt nước làm tràn ly mà thôi. Tuy nhiên xét trong bối cảnh đối nội và đối ngoại  hiện nay, nó là một tiếng chuông cảnh báo rất đúng lúc. Dư luận trong và ngoài nước đang nóng lòng chờ đợi giải pháp công minh, đàng hoàng từ phía Nhà nước .  Sự đúng/sai của giải pháp sẽ trực tiếp tác động đến quá trình tiếp theo.

Do đó, hơn lúc nào hết  nên coi đây là một cơ hội để lắng nghe, học hỏi và nhận ra vấn đề, từ đó tìm ra giải pháp đúng đắn. Đó là cơ hội để khẳng định rằng dân tộc này có đủ tiềm năng và truyền thống  tốt đẹp để tiếp thu cái mới nhằm vượt qua chính mình trong những thời kỳ lâm nguy nhất; đó là cơ hội để đảng cầm quyền và giới lãnh đạo đất nước chứng minh có hay không bản lĩnh và quyết tâm để tiếp tục dẫn đầu trong sứ mệnh bảo vệ và xây dựng đất nước thẹo mục tiêu, mục đích đã tuyên bố. Đó là cơ hội để Đảng và chính quyền lấy lại lòng tin của nhân dân. Giải quyết vụ Tiên Lãng đồng thời cũng là một “phép thử” xem giới lãnh đạo đất nước có dám nhìn thẳng vào sự thật và tự biến cải để thích ứng với thời đại. Đó là phép thử xem cán bộ các cấp có thực sự vì nước vì dân, dám từ bỏ những lợi ích cá nhân và những thói hư tật xấu (?). Nó đòi hỏi  một phương pháp tư duy mới thể hiện bằng những giải pháp cụ thể, triệt để và phù hợp với lòng dân, chứ không phải chỉ để đối phó bằng cách ngụy biện, nữa vời như đã từng thấy lâu nay./.                    
 
*****

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Ai sẽ thay chức Tổng thư ký ASEAN?

Ông Lê Lương Minh (bên trái)
BBC hôm qua nói rằng theo một "nguồn khả tín", Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh sẽ đảm đương vị trí Tổng thư ký ASEAN thay ông Surin Pitsuwwan mãn nhiệm cuối năm nay .Ông Surin đã từng là Ngoại trưởng Thái Lan trước khi làm Tổng TK ASEAN.
Ông Lê Lương Minh, sinh năm 1952, trước khi làm Thứ trưởng Ngoại giao đã có thời gian dài làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền -Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc.
Ông được cho là người dày dạn kinh nghiệm trong các vấn đề ngoại giao chung và đa phương.
Từng làm phiên dịch khi mới khởi nghiệp, Thứ trưởng Lê Lương Minh thành thạo hai ngoại ngữ Anh và Pháp.
Theo thông lệ, nhân vật vào chức vụ này sẽ được lựa chọn từ các quốc gia thành viên, lần lượt theo thứ tự chữ cái. Quốc gia của tổng thư ký đương nhiệm là Thái Lan, tiếp đến sẽ là Việt Nam.Đây sẽ là lần đầu tiên một người Việt giữ vai trò tổng thư ký cho hiệp hội gồm 10 thành viên.Nhiệm kỳ của tổng thư ký Asean là 5 năm, không gia hạn. Do vậy, người kế nhiệm ông Surin sẽ phải được thông qua trong hội nghị thượng đỉnh Asean cuối năm nay để bắt đầu công việc vào tháng 1/2013.
BBC đánh giá việc ông Minh giữ chức Tổng thư ký ASEAN là "quan trọng cho Việt Nam". Tổng cộng tới nay Asean đã có 12 tổng thư ký. Tiến sỹ Surin Pitsuwan từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan.Việc tổng thư ký thứ 13 của Asean là người Việt Nam được đánh giá sẽ mang lại thuận lợi cho nghị trình ngoại giao của Hà Nội, cho dù vị trí này cũng nặng tính nghi lễ và hành chính.
Giới bình luận khu vực cho rằng Việt Nam đã sử dụng khá thành công chiếc ghế chủ tịch hiệp hội năm 2010 để thúc đẩy các vấn đề 'nóng', liên quan trực tiếp tới Việt Nam, như giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.Nguồn tin của BBC nhận định: "Có người ở vị trí cần thiết nhằm bảo đảm chủ đề Biển Đông được duy trì trên nghị trình Asean là điều quan trọng cho Việt Nam, nhất là khi chức chủ tịch hiệp hội trong bốn năm tới sẽ phải qua tay lần lượt các quốc gia Campuchia, Brunei, Miến Điện và Lào".
Trong thời gian làm chủ tịch Asean, Việt Nam cũng đã đưa ra một số sáng kiến như tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Asean và các nước đối tác.


Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Tôi tự hào mình là người Việt Nam vì cái gì?

Lời giới thiệu của chủ blog: Dưới đây là một "hot entry" mới xuất hiện trên mạng. (Theo thiển nghĩ của chủ blog tôi) nó không phải là một án văn tuyệt cú, cũng không phải một bài bình luận chính trị sâu xa..., thậm chí chỉ là một bài viết ngẫu hứng không theo thứ tự cú pháp nào. Nhưng nó cho thấy một cách tự hào dân tộc hồn  nhiên chân thực, đôi khi ngây thơ một chút, thiếu thông tin một chút ...Và do đó nó chứa đựng những thông điệp rất đáng để suy ngẫm.  
Tác giả và nguồn gốc xuất xứ được nêu rõ qua nội dung entry với mọi bút tích đều giữ nguyên không chỉnh sửa;  trừ một vài hình ảnh minh họa của chủ blog. Mời quý vị tham khảo, và tốt hơn nếu cho biết commment của quý vị.  



             Tôi tự hào mình là người Việt Nam vì cái gì?


1) Tôi tự hào vì nước tôi trải dài từ Bắc chí Nam, không đâu là không có thắng cảnh, không đâu không có di tích văn hóa.

2) Tôi tự hào vì trường tôi mang tên Lý Tự Trọng, Châu Văn Liêm, Kim Đồng, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Du, Lê Lợi...

3) Tôi tự hào vì mỗi tên đất, tên đường ở xứ tôi đều viết bằng tên người chứ không phải đánh số.

4) Tôi tự hào vì quê tôi có hai mùa mưa nắng. Mùa mưa thì ngập lụt mùa nắng thì hạn hán nhưng chưa có ai ở nước tôi chết đói.

5) Tôi tự hào vì nước tôi có núi, có sông, có rừng, có biển chứ không phải chỉ toàn cát như Iran và Ai Cập.

6) Tôi tự hào vì nước tôi có 54 dân tộc trên 85 triệu dân thay vì 56 dân tộc trên 1600 triệu dân.

7) Tôi tự hào vì người Sài Gòn nói: “trời hôm nay nóng quá” chứ không phải là “It’s hot” như người Anh.

8) Tôi tự hào vì tôi có thể bằng ngôn ngữ mẹ đẻ nói chuyện cho cả anh bạn ở Hà Nội và ở An Giang đều hiểu.

9) Tôi tự hào vì nước tôi có 4000 năm văn hiến chứ không phải 400 năm.

10) Tôi tự hào vì thủ đô Hà Nội là Thăng Long 1000 năm chứ không phải Washington 220 năm.

11) Tôi tự hào vì Văn Miếu là đại học đầu tiên ở Đông Nam Á.

12) Tôi tự hào vì lúc nhỏ mẹ đã ru:

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ Nhu
Chín trăng em đợi ngàn thu em chờ

13) Tôi tự hào vì bia Tiến sỹ.

14) Tôi tự hào vì chữ Nôm, chữ Quốc ngữ chứ không phải chữ Tàu.

15) Tôi tự hào vì 1000 năm Bắc thuộc, vì hôm nay vẫn là công dân Việt Nam chứ không phải người tỉnh Việt Nam của Trung Quốc.

16) Tôi tự hào vì nước tôi là quốc gia đầu tiên trong số các thuộc đại giành được độc lập thực sự.

17) Tôi tự hào vì Nguyễn Trãi đã viết:

Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

18) Tôi tự hào vì Michael Jackson đổi màu da và vì Lê Chiêu Thống đã nói: “Da có thể lột được nhưng áo không thể đổi. Đầu có thể chém được nhưng tóc không thể cắt.”

19) Tôi tự hào vì cái xấu xí mà Hoàng Cầm viết:

Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng

20) Tôi tự hào vì sự tích Trầu Cau, sự tích bánh chưng bánh dày...

21) Tôi tự hào vì Sơn Tinh thắng Thủy Tinh, vì ông Hạng đánh thần gió, vì Đam San đi bắt nữ thần Mặt Trời.

22) Tôi tự hào vì cô Tấm là nhân vật cổ tích duy nhất có tên. Tất cả họ đều vô danh.

23) Tôi tự hào vì Sơn Nam viết Lịch sử khẩn hoang miền Nam chứ không phải lịch sử tàn sát người da đỏ.

24) Tôi tự hào vì Đoàn Giỏi đã viết Đất rừng Phương Nam: “Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh... cho ta thêm yêu, dấu chân ngàn năm đi mở đất, cho ta thêm yêu bầy chim sáo, sổ lòng...”

25) Tôi tự hào vì Huỳnh Văn Nghệ đẽ viết:

Từ độ mang gươm đi mở cõi
Nghìn Năm thương nhớ đất Thăng Long

26) Tôi tự hào vì cây Kơ-nia đã nói: Hỏi cây uống nước đâu, uống nước từ miền Bắc...

27) Tôi tự hào vì Tế Hanh đã nói:

Tôi nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng hai tiếng Miền Nam

28) Tôi tự hào vì người xưa đã viết: Việt điểu sào nam chi, chim Việt bay về phương Bắc, không phải cành cây phía Nam thì không đậu, không phải nguồn nước chảy về Nam thì không uống.

29) Tôi tự hào vì tôi không phải người miền Bắc, không phải người miền Nam mà là người Việt Nam.

30) Tôi tự hào vì Phạm Văn Đồng đã nói: “Không có miền Bắc đánh thắng miền Nam, trong trận chiến này, cả dân tộc chúng tôi đều thắng.”

31) Tôi tự hào vì Vovinam chỉ có một màu áo, vì dù chúng tôi không thể vào World cup nhưng không bao giờ có hai đội bóng Việt Nam.

32) Tôi tự hào vì Hồ Chí Minh đã nói:

Non sông Việt Nam là một
Dân tộc Việt Nam là một
Sông có thể cạn, núi có thể mòn
Song chân lý đó không bao giờ thay đổi.

33) Tôi tự hào vì Albert Einstein vẫn mang quốc tịch Đức sau 30 năm sống trên đất Mỹ và Nguyễn Thái Bình đã viết thư cho tổng thống Nickson để khẳng định, rằng: Thưa ngài tổng thống, tôi là người Việt Nam.

34) Tôi tự hào vì Trần Đại Nghĩa đã nói: “Một ngày ở Việt Nam bằng ba mươi năm tôi ở Pháp.”

35) Tôi tự hào vì Trần Bình Trọng cũng nói: “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.”

36) Tôi tự hào vì Nguyễn Văn Thạc đã nói: “Rồi mai đây sẽ còn người tiếp bước tôi viết lên những trang giấy trắng này.”

37) Tôi tự hào vì Quang Dũng hát: “Đất nước tôi, thong thả giọt đàn bầu... Từ lúc nằm nôi sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa... lao xao trưa hè một giọng ca dao... lao xao trưa hè một giọng ca dao...”

38) Tôi tự hào vì:

Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều và đất nước hóa nên thơ

39) Tôi tự hào vì Bà Trưng: “Là đàn bà đem một lũ quân ô hợp mà lấy được hai mươi thành dễ như trở bàn tay.”

40) Tôi tự hào vì Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sống Bạch Đằng, Lý Thường Kiệt đánh tan quân Tống trên sông Như Nguyệt.

41) Tôi tự hào vì nhà trần dùng mười vạn quân đánh tan 50 vạn quân Nguyên.

42) Tôi tự hào vì quân Nguyên đã đánh thắng hầu hết các quốc gia thời đó trừ Nhật Bản và Việt Nam.

43) Tôi tự hào vì Lê Lợi mười năm đánh quân Minh, Hoàng Hoa Thám Phan Đình Phùng thế cô trường kỳ đánh Pháp.

44) Tôi tự hào vì Nguyễn Trãi viết:
Việc nhân nghĩa cốt ở an dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

45) Tôi tự hào vì Lê Lai chết thay vua.

46) Tôi tự hào vì Huyền Trân hy sinh tình riêng để mở mang bờ cõi.

47) Tôi tự hào vì Tố Hữu viết:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà Lòng phơi phới dậy tương lai.

48) Tôi tự hào vì không một ai trong số những người đi kháng chiến có mặt trong các tấm hình mà tôi biết lại đang khóc. Tất cả họ đều cười rất tươi để đi vào chỗ chết.

49) Tôi tự hào vì thanh niên xứ tôi viết đơn bằng máu để xin ra chiến trường.

50) Tôi tự hào về những cô gái ngã ba Đồng Lộc, về câu hát của những bà cụ trong đêm gặp mặt ngày truyền thống Thanh niên xung phong: “Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường... Hỡi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường... Em đi san rừng em đi bạt núi, em như con suối nước chảy đá mòn...”

51) Tôi tự hào vì Mỹ không thể san phẳng Hà Nội như đã từng làm với Bình Nhưỡng trong 20 ngày đêm năm 1972.

52) Tôi tự hào vì câu mà bộ trưởng McNamara đã nói: “Hãy dừng ngay lại, tổng thống, nếu không B52 sẽ tuyệt chủng mất.”

53) Tôi tự hào vì Nguyễn Hữu Thọ đã mang một cái nhẫn gò từ xác máy bay Mỹ khi dự hội nghị đàm phán Pari 1972.

54) Tôi tự hào vì một chiếc xe đạp thồ có thể chở trên 100kg và đi trên 1.000km đường đất.

55) Tôi tự hào vì những gì mà Thế giới gọi là pháo đài bất khả xâm phạm và bất khả chiến bại thì đều bị Việt Nam đánh bại.

56) Tôi tự hào vì những tấm bia vô danh trên nghĩa trang quốc gia Trường Sơn.

57) Tôi tự hào vì Trọng Tấn hát: “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ... các anh không về, chỉ mẹ lặng im...”

58) Tôi tự hào vì sau chiến tranh Việt Trung 1979, người Trung Quốc đã làm một bức tượng Mao Trạch Đông ngay gần biên giới chỉ tay về Hà Nội còn người Việt Nam thì dựng lên một tấm bảng: Không có gì quý hơn độc lập tự do.

59) Tôi tự hào vì Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy đã nói: “Thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ.”

60) Tôi tự hào vì Mạc Đĩnh Chi đã viết câu:
Nhật hỏa vân yên, đán thượng điêu tàn ngọc thố
Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô
(Mặt trời là lửa mây là khói, ngày lên đốt rụi mặt trăng – Câu đối của vua Nguyên
Trăng là cây cung sao là đạn, hoàng hôn bắn rụng mặt trời – Vế đáp)

61) Tôi tự hào vì Lý Thượng Kiệt đã nói:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành địa phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc bây xâm phạm
Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời.

62) Tôi tự hào vì ngay sau khi đọc bài thơ ấy và nghe kể về ba lần đánh thắng quân Nguyên thì Kissinger đã thốt lên: “Ba lần ư? Thôi xin ngài. Với chúng tôi một lần là quá đủ rồi.”

63) Tôi tự hào vì Lê Lợi thắng quân Minh mà lại sai sứ cầu hòa, Quang Trung thắng quân Thanh mà lại sai Ngô Thì Nhậm viết thư tạ tội.

64) Tôi tự hào vì Trần Đăng Khoa đã viết:
Chúng em chẳng sợ Mỹ đâu
Vẫn vui vẫn hát vẫn là bé ngoan
Ao trường vẫn nở hoa sen
Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu

65) Tôi tự hào vì Ngô Đình Nhu đã nói: “Chúng ta sai lầm khi đánh giá thấp sức mạnh nhân dân.”

66) Tôi tự hào vì Nguyễn Trãi viết rằng:
Đem đại nghĩa thắng hung tàn
Lấy chí nhân thay cường bạo

67) Tôi tự hào vì Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định: “Tuy vậy, đối với nước Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày mồng 9 tháng 3, Việt minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ...”

68) Tôi tự hào vì đoàn quân tóc dài và nữ tướng duy nhất trên Thế giới.

69) Tôi tự hào vì chị Út Tịch nói: “Còn cái lai quần cũng đánh.”

70) Tôi tự hào vì Bà Triệu đã nói: “Tôi muốn đạp cơn sóng dữ, chém con cá kình ngoài bể đông.”

71) Tôi tự hào vì Tố Hữu viết:
Em là ai cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi?
Tóc em đây hay là mây là suối
Mắt em nhìn hay chớp lửa đêm đông.

72) Tôi tự hào vì mẹ Tơm, mẹ Suốt, chị Sáu, chị Sứ, chị Hồ Thị Kỷ.

73) Tôi tự hào vì ba đảm đang, ba sắn sàng, thóc không thiếu một cân quân không thiếu một người, tất cả vì miền Nam ruột thịt.

74) Tôi tự hào vì “Hội chứng Việt Nam” của lính Mỹ.

75) Tôi tự hào vì Mỹ phải bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

76) Tôi tự hào vì nước tôi là một trong 20 nước từng làm Ủy viên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

77) Tôi tự hào vì nước tôi là chủ tịch luân phiên của ASEAN.

78) Tôi tự hào vì Việt Nam là thành viên thứ 150 của WTO trong khi Nga vẫn chưa được kết nạp.

79) Tôi tự hào vì Bill Clinton là nguyên thủ đầu tiên của phương Tây đến thăm Việt Nam.

80) Tôi tự hào vì Morrisson đã tự thiêu để phàn đối chiến tranh Việt Nam và Tố Hữu đã viết bài Emily con ơi.

81) Tôi tự hào vì du kích Venezuela đã đồng ý đổi con tin để lấy Nguyễn Văn Trỗi.

82) Tôi tự hào vì Phidel Castro đã nói: Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình.

83) Tôi tự hào vì Hải Thượng Lãn Ông đã tự thử độc dược để nghiên cứu bệnh.

84) Tôi tự hào vì chúng tôi đã nói câu: Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho dân giàu, nước mạnh. Dân ta ai cũng phải có cơm ăn áo mặc, ai cũng phải được học hành.

85) Tôi tự hào vì Bảo Quốc đã đứng lên chào và Hồng Sơn cũng làm tương tự khi đá thủng lưới Indonesia.

86) Tôi tự hào vì có người đã viết:

Dừng chân bên bờ suối
Nghe đâu tiếng quốc ca
Anh thương binh đang hát
Để át hết cơn đau
Đòn quân Việt Nam đi
Chung một lòng cứu quốc
Người ta phải cưa chân
Nhưng lại hết thuốc ngủ
Thế nên anh phải hát
Và máu vẫn phải rơi
Bác sỹ thì mím mỗi
Và anh thì vẫn hát
Đoàn quân Việt Nam đi...

87) Tôi tự hào vì Saddam Hussen đã dọa Mỹ: “Nếu các ông đánh nước tôi, các ông sẽ gặp một Việt Nam trên sa mạc.”

88) Tôi tự hào vì những đứa trẻ sinh ra bị dị tật do chất độc màu da cam, tự hào vì tóa án Mỹ đã phủ quyết những tội lỗi của họ.

89) Tôi tự hào mỗi sớm mai tôi có thể thức dậy và yên tâm là đầu mình còn trên cổ và tự do đi lại bất cứ nơi nào mà tôi thích giữa hai miền.

90) Tôi tự hào vì nước tôi không có đánh bom liều chết, không có xung đột sắc tộc, không có biểu tình phong tỏa sân bay Nội Bài.

91) Tôi tự hào vì đất nước tôi không có thủ tướng thuộc đảng Cam còn quốc hội thuộc đảng Vàng để mà tổ chức bầu cử nửa năm một lần.

92) Tôi tự hào vì thủ tướng Úc có thể chạy bộ một mình trên bờ hồ Hoàn Kiếm còn tổng thống Bush thì phải được bảo vệ nghiêm ngặt ở Washington.

93) Tôi tự hào vì nước tôi không sản xuất vũ khí hạt nhân, không sản xuất những thứ có thể giết người mà chỉ sản suất những thứ để phục vụ con người.

94) Tôi tự hào vì ở nước tôi phụ nữ mặc áo dài chứ không phải áo hai dây, tam tòng tứ đức chứ không phải ba chồng bốn đứa (con)

95) Tôi tự hào vì em gái tôi không mang thai trước khi nó kết hôn, em trai tôi không nghiện hút.

96) Tôi tự hào vì các em tôi có thể an toàn ở trường, vì không ai có thể xả súng hay kỳ thị chúng.

97) Tôi tự hào vì Martin Luther King đã nói: “Tôi mơ về một ngày mà những đứa con của tôi có thể được xét đoán dựa trên phẩm hạnh và tính cách chứ không phải trên màu da.”

98) Tôi tự hào vì tôi xài đồng 1.000VND chứ không phải 1 tỷ Dollar Zimbabue.

99) Tôi tự hào vì Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ hai trên Thế giới trong khi cách đây 30 năm phải nhập khẩu lương thực.

100) Tôi tự hào vì đoàn Việt Nam dẫn đầu trong các kỳ thi Robocon chứ không phải đoàn Nhật.

101) Tôi tự hào vì người phát hiện ra lỗ hổng của Google và Microsolf là công ty Bkis của Việt Nam.

102) Tôi tự hào vì Trường Sa Hoàng Sa vẫn có lính biên phòng của hải quân Việt Nam.

103) Tôi tự hào vì GDP của Việt Nam vẫn tăng trong năm 2009.

104) Tôi tự hào vì cầu Cần Thơ.

105) Tôi tự hào vì Ilia Erembua đã nói: “Tình yêu nước bắt đầu từ những vật thân quen nhất, như dòng suối đổ về sông, như sông đổ ra đại trường giang Vonga và đại trường giang Vonga trôi về biển cả.”

106) Tôi tự hào vì de Amicis đã viết trong Những tấm lòng cao cả: "Khi con du lịch ở xa về, một buổi sáng, đứng dựa bao lơn tàu con thấy ở chân trời một dãy núi xanh của xứ con hiện ra, bấy giờ con sẽ thấy trào lệ cảm ở lòng con dâng lên và miệng con vuột ra những tiếng kêu mừng rỡ."

107) Tôi tự hào vì Nguyễn Khoa Điềm viết:
Đất là nơi em tắm
Nước là nơi ta hò hẹn

108) Tôi tự hào vì dân nước tôi gọi nơi này là Tổ Quốc, là Quê Hương, là nơi chôn nhau cắt rốn, là hai khái niệm thật đơn thuần: Đất và Nước.

109) Tôi tự hào vì Giang Nam đã viết:

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người

110) Tôi tự hào vì ngôi nhà của tôi, con đường tôi đến trường, tự hào vì các bạn tôi, tự hào đơn giản vì nếu tôi không tự hào về nó thì tôi cũng không tự hào về mình.
Tôi không phải là người Việt 100%. Tôi mang một chút dòng máu Hoa, một chút dòng máu Ấn, một chút dòng máu Mỹ la tinh, và dĩ nhiên một chút dòng máu Việt.

Tôi có trong mình hai hộ chiếu, một của Hoa Kỳ, một của Việt Nam, vì tôi có hai quốc tịch.

Tôi có nhiều điều không thuộc về đất nước này như thế nào, thì tôi vẫn chưa bao giờ thôi tự hào rằng tôi là người Việt Nam.

Khi tôi sang nước ngoài, tôi dùng tên Võ Ánh Ban Mai, tên trong chứng minh thư của tôi, trong hộ chiếu Việt Nam của tôi, thay cho tên Sussan Sunrise Wong, tên trong hộ chiếu của nước Mỹ. Bởi vì khi đó, những bạn bè quốc tế đều phải nhìn tôi, phải "ồ" lên rằng: "Bạn là người Việt Nam à ? Tôi biết về đất nước bạn. Đất nước bạn có Vịnh Hạ Long thật đẹp, và tôi đã bỏ phiếu bầu cho Vịnh Hạ Long của bạn trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới." Bởi vì khi đó, một cô bạn Israel, trong kì cắm trại Hướng đạo thế giới, đã nói với tôi rằng: "Tôi ước gì đất nước tôi yên bình như đất nước các bạn."...

Việt Nam của tôi không giàu có, nhưng đã không còn là nước nghèo chỉ sau hơn 20 năm phát triển, trong khi Singapore có 100 năm và nước Mỹ 300 năm. Việt Nam chúng tôi yên bình, những người trẻ tuổi có thể yên ổn học hành mà không sợ bị đánh bom hay xả súng, khi đất nước này chỉ có được hoà bình 35 năm, mà người Mỹ thì không khi Mỹ chưa bao giờ hứng chịu bất kỳ cuộc chiến tranh quốc tế nào. Việt Nam của tôi nợ tiền của nhiều quốc gia, tổ chức thế giới, nhưng cũng là chủ nợ về máu xương của chính những quốc gia ấy. Việt Nam của tôi gòng mình hứng chịu chiến tranh, chưa thôi đau đớn vì những vết thương chiến tranh để lại, nhưng vẫn tiến lên phía trước. Việt Nam của tôi có những đứa con lai như tôi nhưng chưa bao giờ bị kì thị...

Bao nhiêu đó cũng đã đủ đế tôi vỗ ngực nói với bạn bè quốc tế rằng: "Tôi là người Việt Nam !"

--------------

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Không thể mãi dựa dẫm vào quá khứ

Đất nước ta đã ra khỏi chiến tranh ngót 1/2 thế kỷ rồi mà sao đến giờ vẫn phải viện dẫn toàn những "tấm gương" của quá khứ chiến tranh để áp dụng cho công cuộc xây dựng thời bình? Chẳng hạn, khi nói về đạo đức cán bộ công chức, không có cách nào khác là phải kêu gọi học tập "tấm gương Bác Hồ"; về ngoại giao, quân sự, ngay cả làm kinh tế, v.v...đều phải nêu gương Bác Hồ. Bất cứ một lĩnh vực gì dường như đều chỉ tìm thấy niềm tự hào từ trong quá khứ lịch sử, còn hiện tại thì đẫy rẫy khó khăn, phức tạp... Thực tế này cũng là một nghịch lý đối với đất nước ta ngày nay. Nó không chỉ khó hiểu mà còn gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân.  

Vẫn biết không ai có quyền quên quá khứ . Nhưng nếu cứ cố tình bám víu và sống mòn vào quá khứ, thậm chí khi cần thì đỗ lỗi cho quá khứ để dũ bỏ trách nhiệm của hiện tại, là một câu chuyện hòan toàn khác. Chỉ có những đứa con kém cõi mới chịu sống mòn bằng cách gậm nhấm những di sản của ông cha. Tuy nhiên, mọi giá trị đều có giới hạn thời gian của nó; người ta không thể chỉ mặc một bộ quần áo và ăn cùng một món ăn trong cả cuộc đời. Nếu như trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp khi Cụ Hồ hô hào tiết kiệm, toàn dân hưởng ứng làm theo và đưa lại những kết quả cực kỳ lớn lao , nhưng bây giờ lãnh đạo hô hào mãi có ai  làm theo đâu? thậm chí còn làm ngược lại. Trong điều kiện kháng chiến ác liệt khẩu hiệu diệt "giặc dốt", "giặc đói" của Cụ Hồ đã đưa lại những hiệu quả rất thiết thực, nhưng thời nay dù nắm trong tay mọi nguồn lực, ngành giáo dục vẫn ì ạch và chìm sâu trong khủng hoảng, bế tắc; tình trạng chênh lệch giàu-nghèo ngày càng nghiêm trọng hơn . Nếu trước đây bản thân cụ Hồ và các vị lãnh đạo cấp cao thường đích thân tham gia và thể hiện quan điểm một cách đàng hoàng, minh bạch về mọi vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia khiến đối phương kính nể, dân chúng yên lòng,  thì ngày nay chỉ thấy "Người phát ngôn ngoại giao" lên TV đọc những "tuyên bố" cứng nhắc. Đó là chưa kể rất nhiều những vụ việc tai tiếng do bộ máy công quyền yếu kém gây ra khiến nhân dân ngày càng bức xúc.Có người ví chúng như những quả bom nỗ chậm đang được cài đặt, quả không sai!.   

Câu hỏi đặt ra là, phải chăng đang có một sự hẩng hụt trong cách tư duy và phong cách làm việc của giới lãnh đạo đất nước trong quá trình chuyển tiếp từ quá khứ chiến tranh sang xây dựng hòa bình? Chẳng lẽ các vị lãnh đạo ngày nay không đủ tài giỏi và không xứng đáng làm "tấm gương" hay sao mà cứ phải nhờ cậy mãi vào Cụ Hồ ? Hay vì họ mãi lo việc nhà hơn lo việc nước? Có thể do tất cả những điều này cộng lại./.

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Toan tính Trung-Việt tại Biển Đông


(Tiếp theo entry trước-" Chiến lược nước đôi của Hà Nội đang làm mờ nhạt tình hình Biển Đông", chủ blog thấy cần giới thiệu tiếp bài viết dưới đây để cung cấp cho bạn đọc một cách nhìn khác về thế trận của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay)

Tác giả: David Brown- nguyên là một nhà ngoại giao Mỹ đã về hưu có nhiều bài viết  về Việt Nam. Nguồn:  Asia Online, Asia Times
Người dịch: Trần Kinh Nghị 
Trong bối cảnh cuộc tranh cãi hàng hải dữ dội từ mùa xuân năm ngoái, người ta ngày càng hy vọng về một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Việt Nam trong vấn đề  Biển Đông.
Các tàu tuần tra Trung Quốc đã gây ra những sự cố vào tháng Năm và tháng Sáu năm ngoái làm rúng động các cơ quan ngoại giao từ Đông Nam Á đến New Delhi, Canberra, Tokyo và Washington xa xôi. Hành động khiêu khích đó phần nào cho thấy rằng các phần tử cứng rắn đã điều khiển chính sách của Bắc Kinh đối với các vùng biển tranh chấp.
Bị thúc bách bởi cách trình bày thiên lệch về sự xâm phạm của Philippin và Việt Nam đối với các vùng lãnh thổ không thể tranh cãi của Bắc Kinh tại biển Đông, công luận Trung Quốc dường như muốn "dạy bài học" cho cả hai nước  láng giềng bị cho là không tuân phục này.
Trong mùa hè, một loạt các hoạt động ngoại giao của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã dẫn đến những lời hứa hẹn mới của Trung Quốc rằng họ sẽ tìm kiếm một giải pháp hòa bình đối với các đòi hỏi chủ quyền hàng hải chồng lấn nhau.
Hầu hết các nước trong khu vực thấy có rất ít khả năng giải quyết thực sự cuộc tranh chấp kéo dài âm ỉ này;  họ chỉ hy vọng tránh nổ ra một cuộc xung đột . Và mọi người  thở phào nhẹ nhõm trước việc Bắc Kinh đồng ý với "Phương hướng thực thi Bản Tuyên bố ứng xử” tại Biển Đông (DOC).
Hải quân TQ cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của VNtháng 7/2011
Những người hoài nghi suy đoán rằng sau khi thể hiện thái độ sẵn sàng ngăn cản mọi hoạt động thăm dò dầu khí ngay tại ngoài khơi bờ biển Việt Nam và Philippin, Trung Quốc đã quay lại giai đoạn hiền lành  với chiến lược  "vừa ăn cướp vừa la làng "   trong thời gian có mùa bão tại vùng Biển Đông.
Cuộc tranh chấp lãnh thổ này không chỉ là những sự  tranh giành đối với các rạn san hô và đảo nhỏ xa xôi không đáng kể mà chính là những điểm  tranh chấp  nằm ngang các  tuyến đường hàng hải  nhộn nhịp nhất thế giới, những vùng biển quan trọng  và được cho là những bể dầu và khí đốt khổng lồ chưa được khai thác
Nếu không kiểm soát  cuộc vận động dai dẳng về "chủ quyền bất di bất dịch" này thì sự  khẳng định chủ quyền có tính lịch sử dù là mong manh của Trung Quốc xuống tận vùng biển  phía nam Singapore có thể có khả năng dẫn đến những cuộc đụng độ chết người - không chỉ với các nước đối thủ đòi hỏi  chủ quyền  như Philippin, Brunei, Malaysia hay Việt Nam mà còn đối với cả với lực lượng hải quân Mỹ.
Tại một hội nghị gần đây ở Hà Nội, vị chuyên gia Mỹ được mời đến đã nêu lên mối quan tâm  mạnh mẽ của Washington trước những diễn biến tại  Biển Đông. Ông này nói" “Trung Quốc vênh vang tự mãn, và điều đó chỉ có lợi cho Mỹ trong  việc phát huy các nguyên tắc về tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp... và tạo ra cho các nước Đông Nam Á nhiều lý do để cải thiện quan hệ song phương với Mỹ".
Nếu nền ngoại giao của ASEAN  yếu ớt và Mỹ cùng các đồng minh khu vực đang bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi của khu vực, thì đâu là tia hy vọng? Niềm hy vọng ấy chỉ mới xuất hiện gần đây từ những dấu hiệu cho thấy rằng Việt Nam và Trung Quốc có thể tìm ra được một thỏa thuận song phương, hoặc ít nhất là hướng tới một Tạm ước (Vivendi modus).
Tám tháng sau khi xảy ra các mối đe dọa thương mại, giờ đây Trung Quốc và Việt Nam đang  bận rộn vào các cuộc đàm phán về phần phía bắc của Biển Đông - phần mở rộng mà không quốc gia nào khác tranh chấp. Đó là một trò chơi đầy rũi ro đối với các nhà lãnh đạo cộng sản của hai nước.
Vấn đề đặt ra là chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển lân cận. Quần đảo Hoàng Sa bao gồm các đảo, bãi cát và rạn san hô ở phía nam đảo Hải Nam của Trung Quốc và phía đông bờ biển phía nam miền trung Việt Nam. Ngư dân từ các quốc gia ven biển  thường xuyên lui tới các quần đảo trong nhiều thế kỷ, hành động này đã hình thành cơ sở  cho các đòi hỏi chủ quyền có tính lịch sử bởi cả Việt Nam và Trung Quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thămTQ tháng 10.2011

Theo luật pháp quốc tế thì đòi hỏi dựa trên cơ sơr lịch sử của Việt Nam mạnh mẽ hơn bởi vì từ thời quân chủ của Việt Nam, rồi đến Pháp (thuộc địa hóa Việt Nam trong những năm 1800) và sau đó là Viêt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam) thực hiện chủ quyền không gián đoạn từ thế kỷ 16 cho tới năm 1974, khi một đơn vị đồn trú của miền Nam Việt Nam bị áp đảo bởi các lực lượng Trung Quốc.
Kể từ đó, mặc dù Hà Nội vẫn bám vào các đòi hỏi của mình, Trung Quốc đã mở rộng các công sự trên những đảo nhỏ và xây dựng các cơ sở cảng và bãi đáp máy bay. Tàu thuyền Việt Nam đã bị sách nhiễu, đôi khi bị bắt giữ để đòi tiền chuộc khi họ tìm cách  đánh bắt cá trong vùng biển gần đó.
Vì thế, điều  ngạc nhiên là Bắc Kinh, dù  được sở hữu trên thực tế đối với quần đảo Hoàng Sa và có  lực lượng hải, không quân mạnh hơn nhiều, đã phải đồng ý vào giữa tháng Mười vừa qua sẽ đẩy nhanh việc  phân định vùng biển ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ và ... tích cực thảo luận việc hợp tác phát triển chung tại vùng biển này"
Thậm chí còn ngạc nhiên hơn là (trong khi” bằng chứng lịch sử” sẽ được xem xét), Việt Nam và Trung Quốc sẽ "nỗ lực để tìm kiếm các giải pháp có thể chấp nhận được về cơ bản và dài hạn cho cả hai bên trong các vấn đề tranh chấp có liên quan đến biển"dựa trên chế độ pháp lý và các nguyên tắc quy định của pháp luật quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS)”.
Trong thời gian chờ đợi một thỏa thuận dứt khoát nhằm giải quyết vấn đề lãnh thổ, hai bên sẽ tích cực thảo luận về hợp tác cùng phát triển". Căn cứ vào giá trị bề nổi, điều này dường như cho thấy rằng Trung Quốc rút lui khỏi tuyên bố về "chủ quyền bất di bất dịch" của mình trên toàn bộ khu vực trong phạm vi đường cong nổi tiếng hình chữ U chín gạch, một khẳng định bao gồm hơn 80% Biển Đông.
Các chuyên gia pháp lý cho  rằng, bất kể bên nào kiểm soát, quần đảo Hoàng Sa  không đủ rộng để tạo nên một "vùng đặc quyền kinh tế". Vì vậy, theo các nguyên tắc của UNCLOS, sự phân chia  các khu vực tranh chấp giữa hai bên sẽ có thể  ở vào khoảng dọc theo đường phân định giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và ven biển miền Trung của Việt Nam. Điều này sẽ phân chia các vùng biển thành các phần  tương đương bằng nhau.
Nếu Trung Quốc quan tâm nghiêm chỉnh đến việc dàn xếp một thỏa thuận song phương, họ cũng có thể phải thừa nhận sự kiểm soát các rạn san hô và đảo nhỏ của Việt Nam ở phần cuối phía tây của quần đảo Hoàng Sa, khu vực phía tây của đường trung tuyến.

Khả năng một giải pháp song phương
Liệu Trung Quốc có thực sự đồng ý với sự phân giới như vậy? Tối thiểu có bốn lý do  tại sao họ có thể đồng ý.
Trước tiên, là vì có một tiền lệ. Năm 2000, sau bảy năm tranh cãi, Trung Quốc và Việt Nam đã tìm cách để thỏa thuận được với nhau trong việc  phân định biên giới trên biển tại Vịnh Bắc Bộ - khu vực có hình ngón tay của Biển Đông nằm giữa các tỉnh phía  Bắc Việt Nam và bờ biển phía tây đảo Hải Nam. Ngoài ra, hai nước đã thiết lập việc tuần tra quản lý  nguồn thủy sản chung. Kết quả là, một gạch thứ mười đã được xoá hoàn toàn trên "bản đồ đường chữ U" mà Trung Quốc sử dụng để minh họa cho đòi hỏi của mình tại vùng biển phía Nam.
Thứ hai, Trung Quốc đã từng nhấn mạnh rằng vấn đề chủ quyền lãnh thổ phải được giải quyết song phương. Nói một cách khác, là họ sẽ không đàm phán về các tuyên bố chồng lấn nhau tại  phần phía nam của Biển Đông với tất cả hoặc một nhóm  nước ASEAN. Nếu  thu xếp được một thỏa thuận công bằng song phương với Việt Nam đối với một phần của khu vực biển, nơi chỉ bị đe dọa bởi sự tranh chấp giữa hai nước sẽ làm tăng đáng kể uy tín của Bắc Kinh.
Thứ ba, việc duy trì mối quan hệ dân sự với các nhà lãnh đạo Việt Nam là hệ trọng đối với Trung Quốc. Chế độ Hà Nội là một loại chế độ duy nhất thứ hai trên thế giới quyết tâm xây dựng "chủ nghĩa xã hội thị trường" dưới sự lãnh đạo độc quyền của một đảng cộng sản. Dưới sự bảo trợ của  Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt -Trung, mức độ quan hệ  hai chiều rất lớn thông qua các chuyến thăm viếng lẫn nhau nhằm xây dựng các mối liên kết hữu nghị giữa các Bộ, các tỉnh lân cận, các cơ quan  chức năng, lực lượng vũ trang, và tất nhiên các tổ chức đảng.
Thứ tư, một thỏa thuận như vậy sẽ hậu thuẩn cho lý thuyết  rằng các hành động khiêu khích vào mùa xuân năm ngoái chỉ là công việc của các diễn viên cấp dưới, đó là   các đơn vị bảo vệ bờ biển và các công ty dầu mỏ của Trung Quốc vốn thiếu  hiểu biết về mục tiêu rộng lớn hơn của Trung Quốc tại khu vực. Khi đạt đến mức khiến các thành viên ASEAN tin rằng đó là sự thật, họ sẽ trở lại  tin tưởng vào kịch bản "trỗi dậy hòa bình" của Bắc Kinh và thôi không quan tâm đến vai trò của Mỹ, Nhật Bản và Úc và khép lại màn diễn của  vở kịch Biển Đông như nó đang diễn ra.
Múc độ nguy hiểm là rất cao đối với Bộ Chính Trị tại Hà Nội. Kể từ xa xưa, việc điều hành  mối quan hệ bất bình đẳng với người láng giềng khổng lồ phương bắc luôn  là mối quan tâm chủ chốt đối với các nhà cầm quyền Việt Nam. Điều đó có nghĩa họ cần thuyết phục Trung Quốc tin rằng Việt Nam sẽ chiến đấu nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của mình bị đe dọa, trong khi cũng biết khi nào cần tỏ ra tôn trọng và thương lượng.
Có nhiều thành phần ở Việt Nam, trong đó có những người “phóng khóang" ngay trong nội bộ đảng cầm quyền luôn sẵn sàng công kích các nhà lãnh đạo hiện nay nếu họ tỏ ra mềm yếu  đối với Trung Quốc. Và, Bộ chính trị hẳn phải lo lắng rằng những người Trung Quốc yêu nước cực đoan, đặc biệt là thành phần hiếu chiến trong lực lượng hải quân của Trung Quốc, đang phá hỏng mọi việc để tiến hành chiến tranh.
Từ đó, chiến lược của Việt Nam là không nhân nhượng  cho đến khi Bắc Kinh đặt lên bàn nghị sự một đề nghị thực tế đủ để xem xét. Trong khi đó, Hà Nội đã và đang xây dựng quốc phòng , từng bước đưa các vấn đề quan trọng với Trung Quốc vào thế chờ đợi, đồng thời phô trương việc xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc trong khi cho phép công chúng bày tỏ tình cảm yêu nước xung quanh Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
Tuy nhiên, hiện nay có vẻ như đã hình thành các yếu tố cho một thỏa thuận có thể chấp nhận được, và với toàn bộ uy tín của hai bộ chinh trị đều đặt cả vào đó. Chuyến viếng thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh vào tháng Mười, và chuyến thăm của Tập Cận Bình- nhân vật kế vị rõ ràng của Trung Quốc đến Hà Nội hồi tháng Mười hai năm ngoái, nhấn mạnh rằng các nhà đàm phán đã được chỉ đạo để thi hành "nhận thức chung của lãnh đạo hai nước".
Khi Trung Quốc đạt được khả năng quân sự để hậu thuẩn các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp tại Biển Đông, thì một cuộc chiến tranh nóng dường như ngày càng có thể xảy ra một cách có tính toán hoặc ngoài ý muốn. Cho đến nay, Bắc Kinh dường như không quan tâm đến việc phấn đấu cho một một thỏa thuận nhằm dọn đường cho các nước ven biển đầu tư năng lực của họ vào việc khai thác chung về thuỷ sản và nguồn năng lượng.
Và khi Hoa Kỳ từ bỏ sự can dự tại Iraq và Afghanistan, sự sắp đặt  của Washington nhằm can thiệp vào cuộc xung đột ngày càng trở nên rõ ràng. Nhưng hiện nay lại có những hy vọng rằng Việt Nam và Trung Quốc đang di chuyển theo hướng giải quyết ít nhất là một phần của vấn đề./.


Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này