Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Tiên Lãng: một cơ hội, một phép thử


Cảnh sát dùng "chó nghiệp vụ" để cưỡng chế gia đình ông Vươn
Từ  vụ  Quỳnh Phụ-Thái Bình  (năm 1997) đến vụ Tiên Lãng-Hải Phòng là 15 năm. Đó là một thời gian khá dài, nhưng hai sự kiện đều cùng một vấn đề:  nông dân và đất đai và mối quan hệ giữa cán bộ và người dân.  Nó giống như một quả bom nỗ chậm với cái ngòi nỗ âm ĩ chưa bao giờ tắt. Đó chỉ là hai vụ bùng phát trong muôn vàn vụ việc âm ĩ trên khắp đất nước này . Nhưng có những đặc điểm đáng lưu ý: a)  Trong vụ Quỳnh Phụ  dân chỉ sử dụng gậy gộc thì vụ Tiên Lãng dân đã sử dụng súng đạn, bom mìn, giống như quá trình đi từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh võ trang ; b)Trong vụ Quỳnh Phụ  dư luận công chúng tuy có xôn xao, bức xúc nhưng về cơ bản đã ủng hộ các cơ quan chính quyền nhằm giải quyết "êm thấm"; trong  vụ Tiên Lãng, dư luận  bất bình,  bất tín, bất phục với tâm trạng chờ đợi xem nhà nước sẽ giải quyết như thế nào;  c) So với thời Quỳnh Phụ, thời nay  mức độ giác ngộ chính trị của dân chúng cao hơn rất nhiều , từ một việc tưởng chừng chỉ là nỗi oan sai của một gia đình nhà ông Vươn đã nhanh chóng biến thành một vấn đề quốc gia đại sự, chủ yếu nhờ hiệu ứng nhanh nhậy của phương tiện truyền thông qua internet.

Có thể nói, lần này giới  lãnh đạo đất nước đã bắt đầu nhận ra tính chất  nghiêm trọng và nguy cấp của vụ việc và đã kịp thời chỉ đạo nhằm dập tắt “ngòi nỗ” trước khi  quá muôn. Đó là việc người đứng đầu Chính phủ đích thân chỉ đạo, và các ban/ngành Trung ương vào cuộc. Tuy nhiên, có thể thấy cách thức giải quyết dường như chưa có gì mới, chủ yếu để đối phó dư luận, chứ không nhằm vào nguyên nhân sâu xa , gốc rễ nằm ở chủ trương và đường lối, chính sách. Một biểu hiện rõ là việc các cấp từ xã, huyện, thành phố luôn tỏ ra muốn bao biện bằng các thủ đoan quanh co, dối trá, với thái độ độc đoán chuyên quyền quen ức hiếp người dân; khi bị thúc bách bởi cấp cao và công luận,  họ sinh ra giao động tìm cách đổ lỗi cho nhau. Lúc này một số cấp bậc từ xã, huyện mới bị “điểm danh”. Song một số lãnh đạo chủ chốt và quan chức thừa hành khác ở tất cả các cấp có liên quan đến vụ việc dường như vẫn được bao che hoặc vì lý do nào đó vẫn nằm ngoài vòng xử lý . Việc  cần làm trước vẫn chưa làm, đó là ra quyết định dứt khoát về sinh mạng chính trị và lợi ích kinh tế của bên bị hại là gia đình ông Vươn;  và đặc biệt  vẫn “vắng bóng” một lời xin lỗi từ phía cơ quan công quyền trước công luận - điều thường thấy ở  bất cứ quốc gia dân chủ nào. Trong nội dung xử lý vẫn nặng về quy trách nhiệm cho "luật lệ lỏng lẽo", "trình độ cán bộ yếu kém"…, nhưng tránh né nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ đường lối, chủ trương, chính sách để dẫn đến tình trạng quan liêu tham nhũng và  kém năng lực của bộ máy công quyền. Thiết nghĩ; với đội ngũ cán bộ xấu thì mọi luật lệ chỉ là một thứ bình phong mà thôi; nguyên nhân gốc rễ bắt nguồn từ hệ thống chính trị (có thể hiểu theo nghĩa "hành chính và pháp trị") đã thoái hóa, lỗi thời.

Tóm lại, về cơ bản trình tự và cách thức giải quyết như hiện nay cho thấy vẫn là cách thức cũ đã lỗi thời. Không phải chỉ đợi đến vụ Tiên Lãng, mà nhiều năm qua đất nước đã rơi vào tình trạng bất bình,  bất tín, bất phục, và phần nào “bất tuân lệnh” như có thể thấy trong các khâu điều hành công việc như giao thông, thuế khóa, tài chính-ngân hàng, ngân sách, quản lý đất đai, xây dựng, v.v…Vụ Tiên Lãng chỉ là một giọt nước làm tràn ly mà thôi. Tuy nhiên xét trong bối cảnh đối nội và đối ngoại  hiện nay, nó là một tiếng chuông cảnh báo rất đúng lúc. Dư luận trong và ngoài nước đang nóng lòng chờ đợi giải pháp công minh, đàng hoàng từ phía Nhà nước .  Sự đúng/sai của giải pháp sẽ trực tiếp tác động đến quá trình tiếp theo.

Do đó, hơn lúc nào hết  nên coi đây là một cơ hội để lắng nghe, học hỏi và nhận ra vấn đề, từ đó tìm ra giải pháp đúng đắn. Đó là cơ hội để khẳng định rằng dân tộc này có đủ tiềm năng và truyền thống  tốt đẹp để tiếp thu cái mới nhằm vượt qua chính mình trong những thời kỳ lâm nguy nhất; đó là cơ hội để đảng cầm quyền và giới lãnh đạo đất nước chứng minh có hay không bản lĩnh và quyết tâm để tiếp tục dẫn đầu trong sứ mệnh bảo vệ và xây dựng đất nước thẹo mục tiêu, mục đích đã tuyên bố. Đó là cơ hội để Đảng và chính quyền lấy lại lòng tin của nhân dân. Giải quyết vụ Tiên Lãng đồng thời cũng là một “phép thử” xem giới lãnh đạo đất nước có dám nhìn thẳng vào sự thật và tự biến cải để thích ứng với thời đại. Đó là phép thử xem cán bộ các cấp có thực sự vì nước vì dân, dám từ bỏ những lợi ích cá nhân và những thói hư tật xấu (?). Nó đòi hỏi  một phương pháp tư duy mới thể hiện bằng những giải pháp cụ thể, triệt để và phù hợp với lòng dân, chứ không phải chỉ để đối phó bằng cách ngụy biện, nữa vời như đã từng thấy lâu nay./.                    
 
*****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này