Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Nhân đọc bài viết của ông Phạm Bình Minh cách đây một năm rưỡi

  

Mới đây, tôi được một người bạn tặng quyển sách "Định hướng chiến lược đối ngoại Việt Nam đến năm 2020" (do Học viện Ngoại giao phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản tháng 3 năm 2010 gồm nhiều bài viết của nhóm tác giả thuộc Bộ Ngoại giao),  trong đó có bài "Một số suy nghĩ về định hình chính sách đối ngoại mới" của tác giả Phạm Bình Minh (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nay là Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao).
Ấn tượng đầu tiên của tôi là, tuy bài viết cách đây một năm rưỡi nhưng vẫn mang tính thời sự nóng bỏng  của ngày hôm nay, và điều này khiến  tôi thấy rất tâm đắc. Dưới đây  xin có đôi lời bình luận mong được bạn đọc gần xa góp phần cùng suy ngẫm.
1. Bài viết dù khá ngắn gọn  nhưng mang tính chuyên nghiệp và tính khái quát cao với những nhận định đánh giá, phân tích và khuyến nghi xác đáng xuất phát từ quan điểm đổi mới toàn diện kết hợp với  thực tiễn đã và đang biến động một cách vô cùng sâu sắc và “khó lường” trên thế giới kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc (trang 56 - sđd).

2.Người đọc dễ đồng tình với những nhận định và đánh giá cùa tác giả  khi điểm lại về thành tựu và mặt  hạn chế của quá trình đổi mới trên mặt trận đối ngoại, cụ thể là "Chưa tìm được giải pháp để giải quyết tranh chấp và thúc đẩy hợp tác trên biển Đông một cách cơ bản, lâu dài" (trang 53 - sđd); và "Chưa có sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong Đảng và hệ thống chính trị về một số vấn đề đối ngoại" (trang 53 - sđd).
Đúng vậy, có lẽ  do mặt hạn chế này nên ta chưa tạo được sự nhất trí và đồng thuận cao làm cơ sở để phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của tổ quốc trong thời gian qua.
3. Người độc cũng dễ nhất trí và thấy yên tâm khi thấy tác giả đưa ra nhận định "Toàn vẹn lãnh thổ bị de dọa sẽ tiếp tục là thách thức lớn trong nhiều thập kỷ tới" (trang 57 - sđd).
Đây là một dự báo tỉnh táo có tính chiến lược  đã và đang được thực tiễn chứng minh với  tình trạng tranh chấp biển đảo vô cùng gay go, phức tạp và quyết liệt trên Biển Đông cũng như trên mặt trận kinh tế-xã hội có nhân tố đối ngoại trong thời gian gần đây.
4. Trong phần bàn về nguyên tắc và phương châm xử lý đối ngoại, tác giả nhấn mạnh: "Phải lấy lợi ích dân tộc làm cơ sở hàng đầu cho mọi chính sách và hành động đối ngoại" (trang 62 - sđd)  đồng thời  cảnh báo: "Nếu không quán triệt điều này sẽ thiên về hành dộng theo ý thức hệ và bị cảm tính chi phối" (trang 62 - sđd).
Qủa thực, lời cảnh báo về vấn đề “ý thức hệ” không mới mẻ nhưng thật mạnh dạn và cũng thú vị  vì đó là vấn đề được coi là  rất“nhạy cảm”  trong một quan hệ truyền thống lâu đời với các nút đan xen chồng chéo ràng buộc, không dễ gì gỡ rối đối với một số người quen với tư duy "hai phe, ba giai đoạn…" của một thời đã qua. Có điều tiếc là tác giả có thể vì  lý do nào đó, chưa phân tích sâu hơn về điểm này.
5. Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng  khi  tác giả cho rằng mọi hoạt động đối ngoại trên biển, đảo phải nhằm đạt cho được yêu cầu: "Làm thất bại mọi âm mưu và hành động gây sức ép, áp đặt và cường quyền" (trang 63-sđd).Đây là một yêu cầu rất cao, đòi hỏi sự  vận dụng một cách sáng tạo, vừa quyết liệt vừa khôn ngoan bài học "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", kết hợp chặt chẽ "giữa hợp tác và đấu tranh", bằng sức mạnh tổng hợp của khối Đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh của thời đại mới.

Với tư cách một “anh bộ đội Cụ Hồ” đã nghĩ hưu   nhưng luôn cố gắng dõi theo diễn biến  của đất nước,  bản thân tôi  thấy rất cảm kích khi đọc bài viết  của đích thân ông Bộ trưởng  Ngoại giao trong thời buổi  đầy khó khăn phức tạp cả bên trong lẫn  bên ngoài của đất nước chúng ta. Đồng thời tôi cũng rất kỳ vọng với  cương vị và trọng trách mới, Ông Phạm Bình Minh sẽ  kiên trì cùng với tập thể lãnh đạo  đất nước   đưa những suy nghĩ mà ông đã viết trong bài viết nói trên   trong chỉ đạo công tác thực tiễn, góp phần giành thắng lợi lớn hơn nữa trên mặt trận đối ngoại./.
Phạm Xuân Phương
                                               

Ghi chú: Bài viết do tác giả gửi trực tiếp đến chủ blog. Bạn đọc có thể liên hệ với tác giả
theo địa chỉ: 
Phạm Xuân Phương -"Anh Bộ đội Cụ Hồ"    
312 - C7- Nghĩa Tân - Cầu Giấy - Hà Nội, ĐT: (04) 38361687 - 0988287349
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này