Người xưa nói "Tổ quốc hưng vong, thất phu hữu trách", vậy nên làm người
lúc này chỉ có là gỗ đá mới không biết trăn trở, lo lắng. Với cương vị
một công dân bình thường có nghĩa vụ đối với đất nước, tôi cũng muốn đem
cái trí lực hèn mọn của mình góp vào việc chung.
Người xưa cũng nói "Ôn cố tri tân" nhắc cái cũ để biết cái mới, trước hết tôi xin nhắc lại một chuyện cũ:
Chuyện rằng, năm 1282 vua nhà Nguyên sai Sài Thung đưa Trần Di Ái (được
phong làm An Nam quốc vương) về nước bị quân dân Đại Việt ta đánh cho
tan tác, Sài Thung trúng tên mù mắt chạy về không còn mảnh giáp. Vua
Nguyên giận lắm, năm 1284 cử Thoát Hoan đốc binh rầm rộ kéo sang, khí
thế ngất trời, mạnh như chẻ tre. Nhiều đại thần xin hàng, chầu cống;
riêng chỉ hai vị Trần Quốc Tuấn và Trần Khánh Dư quyết cầm quân chặn
giặc. Nhưng giặc mạnh quá, vua Trần Nhân Tông lo quân ta không địch nổi,
cứ phân vân. Tuy nhiên vốn là vị hoàng đế sáng suốt, ngài và Thượng
hoàng Trần Thánh Tông quyết định triệu họp các phụ lão trong cả nước để
trưng cầu dân ý, bàn việc nước, xin ý kiến về chủ trương
hòa hay
chiến, để
dân quyết việc hệ trọng nước nhà. Hội nghị được tổ chức tại điện Diên
Hồng nên sau này sử sách gọi là Hội nghị Diên Hồng, được đánh giá như là
hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử nước ta, và cho đến nay chưa
có thêm sự kiện nào như vậy. Thời ấy các phụ lão có thể coi là những đại biểu của dân. Sau hội nghị, chính
các phụ lão là những người truyền đạt lại chủ trương của chính quyền đến
người dân.
Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển 5) của nhà sử học Ngô Sĩ Liên chép "Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban
yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói "đánh", muôn người cùng
hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng". Ông cũng lý giải: "Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp
mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi
đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế
để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ
hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa
nuôi người già để xin lời hay vậy".
Về chuyện này, nhà sử học Lệ thần Trần Trọng Kim cũng biên lại: "Nhân
Tông thấy vậy lập tức cho triệu cả những bô lão trong dân gian, hội tại
điện Diên Hồng để bàn xem nên hòa hay nên đánh. Các bô lão đều đồng
thanh xin đánh. Vua thấy dân gian một lòng như vậy, cũng quyết ý kháng
cự" (
Việt Nam sử lược, quyển 1, phần nhà Trần).
Nhắc lại chuyện xưa tích cũ để cùng nhau tỏ rằng thời nào cũng cần có
bậc minh quân. Làm người chèo chống quốc gia phải sáng suốt, bản lĩnh,
tin dân, đừng nghe theo bọn gian thần, nịnh thần, hèn thần. Trong triều
đình nhà Trần khi đó thiếu chi kẻ ngồi chót vót, quyền cao chức trọng,
thân thích ruột thịt của vua, như thái úy Trần Nhật Hiệu, Chiêu quốc
vương Trần Ích Tắc, Trần Di Ái (chú ruột vua)... chỉ một mực đầu hàng,
chấp nhận khom lưng uốn gối. Nhưng đức Thánh Tông, Nhân Tông đã lấy
dân-nước làm trọng. Và điều hết sức đáng khâm phục là các vị ấy cực kỳ
tin tưởng vào dân. Trí tuệ nhân dân lúc bấy giờ được thể hiện ở các bô
lão. Đại thần xin hàng, nhà vua phân vân. Bô lão quyết đánh, nhà vua
theo ngay. Rõ ràng không phải lúc nào quan chức cũng là người đại diện
cho đất nước. Ấp a ấp úng trước dã tâm kẻ thù, làm sao những kẻ đó quyết
chiến như dân được.
Ngày xưa là bô lão, còn nay là những bậc nhân sĩ, trí thức. Họ là hiền
tài, "nguyên khí quốc gia". Họ đại diện cho nhân dân. Không coi trọng họ
tức là xem nhẹ ý chí, tinh thần, sự sáng suốt của nhân dân. Giữ nước mà
không cùng đi với dân thì có bao giờ thành đạt. Giờ đây giặc Tàu đang
lăm le bờ cõi, giở mọi quỷ kế hòng cướp thêm biển đảo của ta, từ ông chủ
tịch nước đến kẻ thứ dân đều biết rõ. Vậy mà chẳng hiểu sao giữa nhà
cầm quyền với dân chưa đồng ý đồng lòng, chưa chung tiếng nói, chưa
chung hành động. Tại sao không giải tỏa bất đồng, tổ chức một cuộc gặp
giữa những người lãnh đạo cao nhất với những nhân sĩ trí thức đã cùng đi
dân trong các cuộc biểu tình chống Trung cộng hoặc một số sự kiện nổi
cộm vừa qua. Hãy phát huy tinh thần thân dân, trọng nhân sĩ trí thức của
cụ Hồ, nhất là thời kỳ sau cách mạng tháng tám và kháng chiến chống
Pháp. Hãy biết lắng nghe, trao đổi, tiếp thụ; hãy thực sự cầu thị, đừng
vội vàng quy kết dân khi họ trái với mình.
Tôi nghĩ, có thể lẩn thẩn chăng, sao các vị tứ trụ triều đình hiện nay,
hoặc ông tổng bí thư, ông chủ tịch nước- những người nghe đồn được coi
là gần dân, trong khi chưa thể tổ chức được cuộc hội nghị Diên Hồng quy
mô thời hiện đại, tại sao không tạo nên một Diên Hồng nho nhỏ, mà bô lão
chính là những nhân vật đang có nhiều ý kiến, quan điểm, thái độ, hành
động gần gũi với dân, trái tim chung nhịp với đại đa số nhân dân. Họ là
ai? Tôi cho rằng những con người mang cái tên sau đây rất đáng có mặt
trong cái Diên Hồng mini mà tôi mong ước đó, rất nhiều người đã trải qua
2-3 mùa kháng chiến, vào sinh ra tử, từng giữ trọng trách trong bộ máy
cầm quyền, từng là niềm tự hào của bao thế hệ, từng đóng góp nhiều sức
lực, trí tuệ, tình cảm... vào công cuộc đấu tranh, lao động của dân tộc:
Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Quốc Thước, Đồng Sỹ Nguyên, Trần Quốc Thuận,
Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Đình Đầu, Hạ Đình Nguyên, Cao Lập, Huỳnh Tấn
Mẫm, Lê Công Giàu, Lê Hiếu Đằng, Tương Lai, Lưu Trọng Văn, Nhật Tuấn,
Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Phạm Xuân Nguyên, Huỳnh Ngọc Chênh, Đỗ Trung
Quân, Nguyễn Thế Thanh, Lê Phú Khải , Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Huệ Chi,
Dương Trung Quốc, Bùi Minh Quốc, Phạm Toàn, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh
Nhị, Tống Văn Công, Kha Lương Ngãi, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Quang Lập,
Tô Văn Trường, Phạm Đình Trọng, Bùi Văn Bồng, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Trọng
Huấn, Nguyễn Trung, Đào Tiến Thi, Trần Mạnh Hảo, Võ Thị Hảo, Thái Kế
Toại, Nguyễn Duy, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Minh Hiền, Thùy Linh, Đỗ Minh
Tuấn, Thanh Thảo, Cù Huy Hà Vũ, Lê Hiền Đức... Nhiều lắm, nhiều lắm.
Một cuộc gặp Diên Hồng như thế sẽ đi vào lịch sử. Giải tỏa những vướng
mắc, cản trở. Không có lý gì mà ai cũng nói cũng tự nhận mình yêu nước
yêu dân mà rốt cục lại trái nhau, đối lập nhau, thậm chí thù hằn bắt bớ
triệt hạ nhau. "Nhiễu điều phủ lấy giá gương", "gà cùng một mẹ chớ hoài
đá nhau". Khi đã thống nhất được ý chí và hành động, cả nước một lòng,
không kẻ thù nào có thể lấn át được chúng ta.