Chiến trường đặc trưng của thế kỷ 21 sẽ là trên biển.
Tác giả: Robert D. Kaplan,
Tạp chí Foreign Policy, Tháng 9 / 10 năm 2011
Nhìn Châu Âu thấy đất, nhìn Đông Á thấy biển. Từ đó có một khác biệt quan trọng giữa thế kỷ 20 và 21. Những khu vực bị tranh chấp nhiều nhất trên địa cầu trong thế kỷ trước nằm trên đất liền ở châu Âu, đặc biệt là trên vùng bình địa khiến cho những biên giới phía đông và phía tây của Đức trở nên giả tạo và trơ mình gánh chịu bước chân hành quân không thương tiếc của các lực lượng lục quân. Nhưng trong vòng mấy chục năm, trục dân cư và kinh tế của Trái Đất đã chuyển đáng kể sang đầu bên kia của khu vực Âu-Á, nơi mà những khoảng không gian giữa các trung tâm dân số quan trọng chủ yếu là biển.
Do cách địa lý soi rọi và xác lập các thứ tự ưu tiên, những địa hình đặc thù này của Đông Á tiên đoán một thế kỷ hải quân – hải quân ở đây được hiểu theo nghĩa rộng để bao gồm những đội hình chiến đấu cả trên biển lẫn trên không mà nay ngày càng không thể tách rời nhau. Lý do? Đó là Trung Quốc; quốc gia này đang tiến hành một cuộc bành trướng hải quân không thể chối cãi được, đặc biệt là khi mà các biên giới đất liền của nước này hiện nay vững chắc hơn bất cứ lúc nào kể từ thời kỳ đỉnh cao của triều đại nhà Thanh vào cuối thế kỷ 18. Chính bằng sức mạnh trên biển mà về mặt tâm lý Trung Quốc sẽ xóa sạch hai thế kỷ bị ngoại bang xâm lấn lãnh thổ của họ – buộc tất cả các nước xung quanh họ phải phản ứng.
Tham chiến trên bộ và trên biển khác nhau vô cùng, với những ý nghĩa quan trọng cho các đại chiến lược cần có để thắng – hoặc để tránh – cuộc chiến. Những cuộc chiến trên bộ lôi kéo cả thường dân vào cuộc, trên thực tế khiến cho nhân quyền trở thành một thành tố chính của các nghiên cứu về chiến tranh. Những cuộc chiến trên biển xem xung đột như một vấn đề phân tích lý thuyết và kỹ thuật, trên thực tế biến chiến tranh chỉ còn là một phép toán, trái ngược hẳn với những cuộc đấu trí vốn là đặc trưng của những cuộc xung đột trước kia.
Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai là cuộc đấu tranh luân lý chống lại chủ nghĩa phát xít, cái ý thức hệ dẫn tới sát hại hàng chục triệu thường dân. Chiến Tranh Lạnh là cuộc đấu tranh luân lý chống lại chủ nghĩa cộng sản, một ý thức hệ không kém phần áp bức mà qua đó đặt ách thống trị lên những vùng lãnh thổ bao la bị Hồng Quân đánh chiếm. Thời kỳ ngay sau Chiến Tranh Lạnh trở thành cuộc đấu tranh luân lý chống lại nạn diệt chủng ở vùng Balkan và Trung Phi, hai nơi mà chiến tranh trên bộ và các tội ác chống lại nhân loại không thể nào tách rời nhau. Gần đây hơn, cuộc đấu tranh luân lý chống lại Hồi giáo cực đoan đã kéo Mỹ lún sâu vào những địa hình núi non khép kín của Afghanistan, nơi mà việc đối xử nhân đạo với hàng triệu thường dân có ý nghĩa trọng yếu cho thành công của cuộc chiến. Trong tất cả những nỗ lực này, chiến tranh và chính sách đối ngoại đã trở thành những vấn đề không chỉ cho binh lính và giới ngoại giao, mà còn cho cả giới hoạt động nhân đạo và giới trí thức. Thực vậy, hoạt động chống chiến tranh du kích thể hiện cực điểm của cái có thể xem là sự liên kết giữa các quân nhân và các chuyên gia nhân quyền. Đây là kết quả của việc chiến tranh trên bộ phát triển thành chiến tranh toàn diện trong thời hiện đại.
Đông Á, hay chính xác hơn khu vực Tây Thái Bình Dương, hiện đang nhanh chóng trở thành trung tâm mới của thế giới về hoạt động hải quân, báo trước một thế cục khác căn bản. Có thể sẽ có tương đối ít những thế tiến thoái lưỡng nan về luân lý kiểu như những trường hợp chúng ta đã quen trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, với một ngoại lệ nổi bật nhưng khó xảy ra là chiến tranh trên bộ ở Bán đảo Triều Tiên. Khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ đưa các vấn đề quân sự trở lại phạm trù hạn hẹp của các chuyên gia quốc phòng. Sở dĩ như vậy không chỉ vì chúng ta đang bàn tới một phạm trù hải quân, trong đó vắng mặt thường dân. Mà cũng bởi vì bản chất của chính các nước ở Đông Á, mà, giống như Trung Quốc, có thể rất độc tài nhưng trong phần lớn các trường hợp lại không phải là tàn bạo hay quá độc ác.
Cuộc đấu tranh giành thế thượng phong ở khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ không nhất thiết sẽ có đánh nhau; phần lớn những gì xảy ra sẽ diễn ra lặng lẽ và ở phía chân trời giữa biển cả mênh mông, với một nhịp độ chậm lừ đừ như băng trôi phù hợp với tiến trình thích nghi từ từ, đều đặn với sức mạnh kinh tế và quân sự ưu việt mà các nước đã trải qua trong lịch sử. Chiến tranh không phải là tất yếu cho dù cạnh tranh là điều hẳn nhiên. Và nếu Trung Quốc và Mỹ xử lý thành công cuộc chuyển giao sắp đến, Châu Á, và thế giới, sẽ là nơi an ninh và thịnh vượng hơn. Còn gì có thể luân lý hơn thế? Nên nhớ: chính chủ nghĩa hiện thực nhằm phục vụ lợi ích quốc gia – với mục tiêu là tránh chiến tranh – trong quá trình lịch sử đã cứu nhiều mạng người hơn sự can thiệp nhân quyền.
ĐÔNG Á LÀ MỘT KHU VỰC MÊNH MÔNG BAO LA trải dài gần như từ Bắc cực tới Nam cực – từ Quần đảo Kuril xuống phía nam tới New Zealand – và có đặc điểm là một chuỗi không liền lạc các bờ biển tách biệt và những quần đảo dàn trải. Ngay cả khi tính đến chuyện khoa học kỹ thuật đã giảm đáng kể khoảng cách, bản thân biển cả vẫn là một rào cản cho việc xâm lấn, ít nhất là trong chừng mực mà đất liền không phải là rào cản. Khác với đất liền, biển tạo ra những biên giới xác định rõ ràng, khiến nó có tiềm năng giảm xung đột. Rồi còn phải kể đến tốc độ. Ngay cả những tàu chiến nhanh nhất cũng đi tương đối chậm, chẳng hạn 35 hải lý, làm giảm xác suất tính toán sai và giúp cho các nhà ngoại giao có thêm nhiều giờ – thậm chí nhiều ngày – để xem lại các quyết định. Hải quân và không quân không thể chiếm đóng lãnh thổ như cách của lục quân. Chính vì các vùng biển xung quanh Đông Á – trung tâm của hoạt động sản xuất toàn cầu cũng như chi tiêu mua sắm quân sự ngày càng tăng – mà thế kỷ 21 có cơ may lớn hơn thế kỷ 20 để tránh những cuộc đại xung đột quân sự.
Dĩ nhiên Đông Á đã gặp nhiều cuộc đại xung đột quân sự trong thế kỷ 20 mà các vùng biển không ngăn chặn được: Chiến Tranh Nga-Nhật; gần nửa thế kỷ nội chiến ở Trung Quốc diễn ra với sự sụp đổ từ từ của nhà Thanh; nhiều cuộc chinh phạt của đế quốc Nhật mà tiếp theo đó là Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai ở Thái Bình Dương; Chiến Tranh Triều Tiên; các cuộc chiến tranh ở Cam Bốt và Lào; và hai cuộc chiến ở Việt Nam có dính líu đến người Pháp và người Mỹ. Chuyện địa lý của Đông Á chủ yếu là biển chẳng có tác động gì tới những cuộc chiến tranh đó vốn dĩ cốt lõi là những cuộc xung đột nhằm thống nhất quốc gia hay giải phóng dân tộc. Nhưng thời kỳ đó nhìn chung đã lùi vào quá khứ. Các quân đội Đông Á, thay vì tập trung vào đất liền với các binh chủng lục quân kỹ thuật thấp, đang tập trung ra ngoài khơi với hải quân và không quân kỹ thuật cao.
Nhiều người so sánh giữa Trung Quốc hiện nay và Đức trước lúc xảy ra Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất, nhưng so sánh đó sai lầm: Trong khi Đức chủ yếu là một quyền lực trên đất liền do địa lý của Châu Âu, Trung Quốc sẽ chủ yếu là một quyền lực trên biển do địa lý của Đông Á.
Đông Á có thể được chia thành hai khu vực tổng quát: Đông Bắc Á, nổi bật là Bán Đảo Triều Tiên, và Đông Nam Á, nổi bật là Biển Đông. Đông Bắc Á xoay quanh vận mệnh của Bắc Hàn, một nhà nước chuyên chế, cô lập với những viễn cảnh mờ mịt trong một thế giới chịu sự chi phối của chủ nghĩa tư bản và thông tin liên lạc điện tử. Nếu như Bắc Hàn bùng nổ từ bên trong, các lực lượng lục quân Trung Quốc, Mỹ, và Nam Hàn có thể gặp nhau ở phía bắc của bán đảo này với những can thiệp nhân đạo ở quy mô lớn khủng khiếp, ngay cả khi họ tạo ra những vùng ảnh hưởng cho chính mình. Các vấn đề hải quân sẽ là thứ yếu. Nhưng nếu cuối cùng hai nước Triều Tiên thống nhất, thì những vấn đề hải quân sẽ nhanh chóng được đưa lên hàng đầu, với Đại Hàn, Trung Quốc, và Nhật nằm trong thế cân bằng tế nhị, được tách biệt bởi Biển Nhật bản và các biển Hoàng Hải và Bột Hải. Tuy nhiên vì Bắc Hàn vẫn tồn tại, giai đoạn Chiến Tranh Lạnh của lịch sử Đông Bắc Á vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, và sức mạnh trên đất liền rất có thể vẫn chiếm lĩnh thời sự ở đó trước khi sức mạnh trên biển lên ngôi.
Ngược lại, Đông Nam Á đã bước sâu vào giai đoạn hậu Chiến Tranh Lạnh của lịch sử. Việt Nam, chi phối bờ phía tây của Biển Đông, là một cỗ xe khổng lồ băng băng lao tới theo chiều hướng tư bản bất chấp hệ thống chính trị của họ, đang muốn thắt chặt quan hệ quân sự gần gũi hơn với Mỹ. Trung Quốc, được Mao Trạch Đông củng cố thành một nhà nước mang tính triều đại sau nhiều thập niên hỗn loạn và được các chính sách tự do hóa của Đặng Tiểu Bình biến thành nền kinh tế năng động nhất thế giới, đang dùng hải quân của mình để lấn dần ra ngoài tới cái mà nước này gọi là “chuỗi đảo đầu tiên” trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Quốc gia Hồi giáo khổng lồ Indonesia, sau khi đã cam chịu và cuối cùng chấm dứt hàng thập niên ách cai trị quân phiệt, đang sẵn sàng trỗi dậy thành một Ấn Độ thứ hai: một nền dân chủ mạnh mẽ và ổn định với tiềm năng phô trương sức mạnh nhờ nền kinh tế lớn mạnh của mình. Singapore và Malaysia cũng đang tiến nhanh về kinh tế, nhiệt thành theo đuổi mô hình “nhà nước đô thị kiêm nhà nước thương mại” và bằng nhiều sắc thái khác nhau pha trộn giữa dân chủ và chế độ độc tài. Bức tranh tổng hợp thể hiện một cụm gồm những nước tuy vẫn còn trĩu nặng những vấn đề về tính chính đáng cúa thể chế trong nước và xây dựng đất nước nhưng đã sẵn sàng thúc đẩy những quyền lãnh thổ do tự họ cảm nhận vượt ra khỏi bờ biển của chính họ. Lực đẩy tổng hợp ra biển khơi này nằm trong vùng tranh chấp dân số của địa cầu, vì chính Đông Nam Á, với 615 triệu người, là nơi 1,3 tỉ dân của Trung Quốc hội tụ với 1,5 tỉ người của tiểu lục địa Ấn Độ. Nơi gặp nhau về mặt địa lý của những nước này và quân đội của họ là trên biển: Biển Đông.
Biển Đông nối các nước Đông Nam Á với khu vực Tây Thái Bình Dương, có chức năng như nút cổ chai của các tuyến đường biển toàn cầu. Đây là trung tâm của vùng biển khu vực Âu-Á, bị chia cắt bởi các eo biển Malacca, Sunda, Lombok, và Makassar. Hơn phân nửa trọng tải tàu thương mại hàng năm của thế giới đi qua những nút thắt chật hẹp này, và một phần ba của toàn bộ lưu lượng giao thông đường biển qua đây. Lượng dầu hỏa được chuyên chở qua Eo biển Malacca từ Ấn Độ Dương, trên đường tới Đông Á qua Biển Đông, là gấp sáu lần lượng dầu đi qua Kênh Suez và gấp 17 lần lượng dầu chở qua Kênh Panama. Khoảng hai phần ba nguồn cung cấp năng lượng của Nam Hàn, gần 60 phần trăm nguồn cung cấp năng lượng của Nhật và Đài Loan, và khoảng 80 phần trăm lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Biển Đông. Ngoài ra, Biển Đông đã chứng tỏ có trữ lượng dầu 7 tỉ thùng và ước tính 900 ngàn tỉ bộ khối khí đốt tự nhiên, một kho báu khổng lồ.
Không chỉ vị trí và trữ lượng năng lượng hứa hẹn khiến cho Biển Đông có tầm quan trọng địa chiến lược lớn lao, mà còn do những cuộc tranh chấp lãnh thổ tàn khốc từ lâu đã diễn ra xung quanh các vùng biển này. Nhiều cuộc tranh chấp liên quan đến Quần đảo Trường Sa, một quần đảo ở phía đông nam của Biển Đông. Việt Nam, Đài Loan, và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc phần lớn Biển Đông, cũng như toàn bộ Quần đảo Trường Sa và Quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt, Bắc Kinh khẳng định một đường lịch sử: Họ tuyên bố chủ quyền tới tận trung tâm của Biển Đông trong một đường vòng khổng lồ (thường được gọi là “đường lưỡi bò”) từ Đảo Hải Nam của Trung Quốc ở đầu cực bắc của Biển Đông kéo dài suốt 1.200 dặm xuống phía nam đến gần Singapore và Malaysia.
Kết quả là tất cả chín nước tiếp giáp với Biển Đông ít nhiều đều dàn trận chống lại Trung Quốc và do đó dựa vào Mỹ để được ủng hộ về ngoại giao và quân sự. Những tuyên bố chủ quyền mâu thuẫn này có thể sẽ càng gay gắt hơn vì các nhu cầu năng lượng tăng dần của Châu Á – mức tiêu thụ năng lượng dự kiến
đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi, trong đó Trung Quốc chiếm phân nửa mức gia tăng đó – khiến cho Biển Đông thành nhân tố càng trọng yếu hơn để bảo đảm cho sức mạnh kinh tế của khu vực. Hiện Biển Đông đã ngày càng trở thành một trại vũ trang khi mà các nước giành chủ quyền tăng cường và hiện đại hóa hải quân của họ, ngay cả khi việc tranh giành các đảo và bãi đá ngầm trong những thập niên gần đây hầu như đã chấm dứt. Tính đến nay Trung Quốc đã chiếm giữ 12 vị trí địa lý, Đài Loan một, Việt Nam 25, Philippines tám, và Malaysia năm.
Chính địa lý của Trung Quốc định vị nước này theo hướng Biển Đông. Trung Quốc nhìn về hướng nam tới một vùng biển được định hình, theo chiều kim đồng hồ, bởi Đài Loan, Philippines, đảo Borneo được phân tách giữa Malaysia và Indonesia (cũng như quốc gia bé tí Brunei), và bờ biển dài ngoằn ngèo của Việt Nam: tất cả đều là nước yếu, so với Trung Quốc. Giống như Biển Caribbe, bị chia cắt bởi nhiều đảo quốc nhỏ và bao quanh bởi Mỹ có kích thước bằng cả lục địa, Biển Đông là một đấu trường hẳn nhiên để phô trương sức mạnh của Trung Quốc.
Thực vậy, vị trí của Trung Quốc ở đây về nhiều mặc giống như vị trí của Mỹ đối với khu vực Caribbe có kích thước tương tự trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Mỹ đã nhận ra sự hiện diện và các tuyên bố chủ quyền của các cường quốc Châu Âu trong vùng Caribbe, thế nhưng vẫn tìm cách thống lĩnh khu vực này. Chính Chiến Tranh Tây Ban Nha – Mỹ 1898 và việc đào Kênh Panama từ năm 1904 đến 1914 đã đánh dấu việc Mỹ trở thành một cường quốc thế giới. Hơn nữa, việc thống lĩnh khu vực đại Lưu vực Caribbe thực sự đã trao cho Mỹ quyền kiểm soát Tây Bán cầu, cho phép họ có ảnh hưởng đến cán cân quyền lực ở Đông Bán cầu. Và ngày nay Trung Quốc thấy mình ở trong một tình thế tương tự ở Biển Đông, một tiền sảnh dẫn vào Ấn Độ Dương, nơi mà Trung Quốc cũng muốn có sự hiện diện hải quân để bảo vệ các nguồn cung năng lượng Trung Đông của mình.
Tuy nhiên có một điều sâu xa hơn và cảm tính hơn địa lý thúc đẩy Trung Quốc tiến tới vào Biển Đông và vươn ra Thái Bình Dương: đó là việc chính Trung Quốc bị các cường quốc phương Tây chia cắt một phần trong quá khứ tương đối gần đây, sau khi đã là một cường quốc vĩ đại và một nền văn minh thế giới trong mấy ngàn năm.
Trong thế kỷ 19, khi nhà Thanh trở thành con bệnh của Đông Á, Trung Quốc mất phần lớn lãnh thổ của mình về tay Anh, Pháp, Nhật, và Nga. Trong thế kỷ 20 xảy ra những vụ tiếp quản đẫm máu của Nhật đối với Bán đảo Sơn Đông và Mãn Châu. Đâu chỉ có những sự kiện này; Trung Quốc còn chịu bao nhục nhã ê chề do các thỏa thuận đặc quyền ngoại giao trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, qua đó các nước phương Tây giành giật quyền kiểm soát một số phần của các thành phố Trung Quốc – những cái gọi là “cảng hiệp ước”. Đến năm 1938, như sử gia Jonathan D. Spence thuộc Đại học Yale thuật lại trong cuốn
The Search for Modern China (Đi tìm Trung Quốc hiện đại), do những cuộc cướp bóc này cũng như Nội Chiến Trung Hoa, thậm chí có một nỗi sợ ngấm ngầm rằng “Trung Quốc
sắp bị chia cắt, rằng nó sẽ không còn tồn tại như một quốc gia, và rằng bốn ngàn năm lịch sử được ghi nhận của nó sẽ đột ngột chấm dứt.” Nỗi khát khao bành trướng của Trung Quốc là lời tuyên ngôn cho biết rằng họ không bao giờ có ý định để cho người nước ngoài lợi dụng họ lần nữa.
CŨNG NHƯ ĐẤT CỦA NƯỚC ĐỨC tạo thành tiền tuyến quân sự của Chiến Tranh Lạnh, vùng nước của Biển Đông có thể tạo thành tiền tuyến quân sự của những thập niên sắp tới. Khi hải quân của Trung Quốc trở nên mạnh hơn và khi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông mâu thuẫn với tuyên bố chủ quyền của những nước ven biển khác, những nước khác này sẽ buộc phải tăng cường năng lực hải quân của họ. Họ cũng sẽ giữ thế cân bằng với Trung Quốc bằng cách ngày càng dựa vào Hải quân Mỹ với sức mạnh có lẽ đã đạt tới đỉnh cao xét về tương đối, ngay cả khi Mỹ phải chuyển hướng khá nhiều nguồn lực sang Trung Đông. Tính đa cực toàn cầu đã là một đặc điểm của ngoại giao và kinh tế học, nhưng Biển Đông có thể cho ta thấy tính đa cực thực sự nghĩa là gì về mặt quân sự.
Không có gì viễn vông về trận tuyến mới này, dù cho nó không có những cuộc đấu tranh luân lý. Trong các cuộc xung đột hải quân, trừ phi có nã pháo lên bờ, không có nạn nhân, cũng không có kẻ thù triết lý để đối đầu. Có thể sẽ không xảy ra chuyện gì cỡ như thanh trừng sắc tộc trong vũ đài xung đột trung tâm này. Tuy vẫn còn những người đối lập chịu đau khổ, Trung Quốc chưa tới mức để được xem là mục tiêu bị phẫn nộ về luân lý. Chế độ Trung Quốc thể hiện chủ nghĩa độc tài chuyên chế chỉ ở mức độ thấp, với một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và chẳng có là bao ý thức hệ cai trị để bàn tới. Hơn nữa, Trung Quốc có thể trở thành một xã hội mở, chứ không khép kín trong tương lai. Thay vì chủ nghĩa phát xít hay chủ nghĩa quân phiệt, Trung Quốc, cùng với những nước khác ở Đông Á, ngày càng được đặc trưng bởi tính bền bỉ của chủ nghĩa dân tộc kiểu cũ: đương nhiên là một quan niệm, nhưng không phải là một quan niệm còn hấp dẫn đối với giới trí thức kể giữa thế kỷ 19. Và ngay cả khi Trung Quốc trở nên dân chủ hơn, chủ nghĩa dân tộc của họ có thể chỉ càng tăng mạnh hơn, như có thể thấy rõ nếu chỉ cần điểm sơ qua các quan điểm của những công dân mạng tương đối được tự do của họ.
Ta thường nghĩ tới chủ nghĩa dân tộc như một cảm nghĩ phản động, một di tích của thế kỷ 19. Nhưng chính chủ nghĩa dân tộc truyền thống là động lực chính thúc đẩy chính trị ở Châu Á, sẽ còn tiếp tục như thế. Chủ nghĩa dân tộc đó đang không ngại ngùng dẫn tới sự tăng cường quân sự trong khu vực – đặc biệt là hải quân và không quân – để bảo vệ chủ quyền và tuyên bố chủ quyền đối với những tài nguyên thiên nhiên bị tranh chấp. Hoàn toàn không có sức hấp dẫn triết lý ở đây. Chỉ là lô gíc lạnh lùng của cán cân quyền lực. Nếu như chủ nghĩa hiện thực không ủy mị, được liên kết với chủ nghĩa dân tộc, có một ngôi nhà địa lý, đó chính là Biển Đông.
Vì thế, bất cứ vở kịch luân lý nào thực sự diễn ra ở Đông Á cũng sẽ dưới dạng chính trị quyền lực khắt khe theo kiểu khiến nhiều tri thức và nhà báo bàng quan. Như
Thucydides thuật lại rất đáng nhớ chuyện người Athens cổ đại chinh phục đảo Melos, “Kẻ mạnh làm chuyện họ có thể làm, và kẻ yếu chịu đựng những gì họ phải chịu đựng.” Trong phiên bản của thế kỷ 21, với Trung Quốc trong vai trò của Athens như một quyền lực trên biển ưu việt trong khu vực, kẻ yếu vẫn sẽ quy phục – nhưng chỉ vậy thôi. Đây sẽ là chiến lược không công bố của Trung Quốc, và những nước nhỏ ở Đông Nam Á rất có thể đi cùng với Mỹ để tránh số phận như người Melos. Nhưng sẽ không có cảnh tan xương nát thịt.
Biển Đông báo trước một hình thức xung đột khác với những cuộc xung đột mà chúng ta xưa nay đã quen. Kể từ đầu thế kỷ 20, chúng ta đã đau lòng trước một mặt là những cuộc chiến trên bộ to lớn theo quy ước, và một mặt khác là những cuộc chiến bẩn thỉu, nhỏ không theo quy ước. Bởi vì cả hai loại chiến tranh đều gây ra thương vong lớn cho thường dân, chiến tranh xưa nay là đề tài cho giới hoạt động nhân đạo cũng như giới tướng lĩnh. Nhưng trong tương lai chúng ta có thể chứng kiến một hình thức xung đột tinh khiết hơn, chỉ giới hạn trong lĩnh vực hải quân. Đây là một kịch bản tích cực. Không thể loại trừ hoàn toàn xung đột ra khỏi thế gian. Trong tác phẩm
Discourses on Livy (Bàn về Livy) của Machiavelli, có một chủ đề cho rằng xung đột, nếu được kiểm soát đúng mức, có khả năng dẫn tới tiến bộ cho nhân loại hơn là tình trạng ổn định cứng nhắc. Một vùng biển đông đúc tàu chiến không mâu thuẫn với một kỷ nguyên đầy hứa hẹn cho Châu Á. Tình trạng bất an sinh ra tính năng động.
Nhưng liệu xung đột ở Biển Đông có thể được kiểm soát đúng mức hay không? Lập luận của tôi cho tới đây giả định trước rằng sẽ không bùng nổ chiến tranh lớn trong khu vực này, mà thay vì thế, các nước sẽ hài lòng với việc giành giật ưu thế bằng các tàu chiến ngoài khơi xa, trong khi tranh nhau tuyên bố chủ quyền đối với các tài nguyên thiên nhiên và có lẽ thậm chí thỏa thuận một cách phân phối công bằng các tài nguyên này. Nhưng nếu Trung Quốc, bất chấp mọi xu hướng rõ rệt, xâm lược Đài Loan thì sao? Chuyện gì xảy ra nếu Trung Quốc và Việt Nam với lịch sử kình địch khốc liệt từ lâu nay lại đánh nhau như hồi năm 1979, nhưng lần này với vũ khí hiệu nghiệm hơn? Vì không chỉ Trung Quốc mà cả các nước Đông Nam Á cũng mạnh tay xây dựng quân đội của mình. Ngân sách quốc phòng của họ đã tăng khoảng một phần ba trong thập niên vừa qua, trong khi ngân sách quốc phòng của Châu Âu đã giảm. Lượng nhập khẩu vũ khí vào Indonesia, Singapore, và Malaysia đã tăng lần lượt 84%, 146%, và 722% kể từ năm 2000. Khoản chi tiêu này dành cho các hệ thống hải quân và không quân: tàu chiến trên mặt biển, tàu ngầm với các dàn tên lửa tối tân, và máy bay chiến đấu tầm xa. Gần đây Việt Nam chi 2 tỉ đô-la mua sáu chiếc tàu ngầm hạng Kilo thượng hạng của Nga và 1 tỉ đô-la mua máy bay chiến đấu của Nga. Malaysia vừa mới mở
một căn cứ tàu ngầm trên đảo Borneo. Trong khi Mỹ đang bị phân tâm bởi những cuộc chiến tranh trên bộ ở khu vực đại Trung Đông, quyền lực quân sự đã và đang lặng lẽ chuyển từ Châu Âu sang Châu Á.
Mỹ hiện tại bảo đảm hiện trạng rối rắm ở Biển Đông, giữ cho sự xâm lấn của Trung Quốc bị hạn chế chủ yếu trên bản đồ của họ và đóng vai trò kìm hãm đối với giới ngoại giao và hải quân của Trung Quốc (mặc dù như vậy không phải để nói rằng Mỹ là trong sáng trong hành động của mình và Trung Quốc đương nhiên là kẻ ác). Mỹ mang đến cho các nước thuộc khu vực Biển Đông sức mạnh thô, chứ không hẳn là giá trị dân chủ. Chính cán cân quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc rốt cuộc sẽ giúp cho Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Singapore, và Malaysia được tự do, có thể buộc hai đại cường quốc kình giữ nhau. Và trong không gian tự do đó, chủ nghĩa khu vực có thể nổi lên để tự thân nó là một quyền lực, dưới dạng Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên tự do đó không thể được xem là đương nhiên. Bởi thế cân bằng tiếp tục căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc – bao trùm một loạt vấn đề từ thương mại tới cải cách tiền tệ, từ an ninh mạng tới do thám tình báo – có nguy cơ rốt cuộc sẽ chuyển hướng có lợi cho Trung Quốc ở Đông Á, chủ yếu là do vị trí địa lý trọng tâm của Trung Quốc đối với khu vực này.
BẢN TÓM TẮT TOÀN DIỆN NHẤT về bức tranh địa chính trị Châu Á mới không xuất phát từ Washington hay Bắc Kinh, mà từ Canberra. Trong một bài viết dài 74 trang xuất bản năm ngoái có tựa đề
“Power Shift: Australia’s Future Between Washington and Beijing” (Chuyển đổi Quyền lực: Tương lai của Úc giữa Washington và Bắc Kinh), Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược ở Đại học Quốc gia Úc, đã mô tả đất nước của ông là quyền lực “hiện trạng” thuần túy – vốn thiết tha muốn tình hình ở Châu Á giữ y nguyên như hiện nay, với Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng để Úc có thể giao thương ngày càng nhiều hơn, trong khi Mỹ vẫn là “quyền lực mạnh nhất ở Châu Á”, để là “người bảo vệ cuối cùng” của Úc. Nhưng như giáo sư White viết, vấn đề là ở chỗ cả hai điều này không thể tiếp tục như vậy. Châu Á không thể tiếp tục thay đổi về kinh tế mà không thay đổi về chính trị và chiến lược; con khủng long kinh tế Trung Quốc đương nhiên sẽ không hài lòng với thế thượng phong quân sự của Mỹ ở Châu Á.
Trung Quốc muốn gì? GS White cho rằng người Trung Quốc có thể muốn ở Châu Á có một đế chế kiểu mới giống như kiểu mà Mỹ đã gầy dựng ở Tây Bán cầu sau khi Washington đã nắm chắc vị thế thống lĩnh đối với Lưu vực Caribbe (vì Bắc Kinh hy vọng họ sẽ có được vị thế đó đối với Biển Đông). Theo lời của GS White, đế chế kiểu mới này đã có nghĩa là các nước láng giềng của Mỹ “ít nhiều cũng được tự do cai quản đất nước của họ”, ngay cả khi Washington nhất quyết đòi hỏi rằng những quan điểm của Mỹ phải “được cân nhắc thấu đáo” và được ưu tiên hơn quan điểm của các quyền lực bên ngoài. Trở ngại của mô hình này chính là Nhật, mà có lẽ sẽ không chấp nhận bá quyền Trung Quốc, cho dù có mềm đến đâu chăng nữa. Như vậy là chỉ còn lại mô hình Hòa hợp Châu Âu, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Mỹ, và có lẽ một hoặc vài nước khác sẽ ngồi chung bàn quyền lực Châu Á với vai trò bình đẳng. Nhưng liệu Mỹ có chấp nhận một vai trò khiêm tốn như vậy, vì xưa nay họ đã gắn sự thịnh vượng và ổn định của Châu Á với thế thượng phong của họ? GS White cho rằng trong bối cảnh quyền lực Trung Quốc đang tăng lên, sự thống lĩnh của Mỹ có thể từ nay dẫn tới bất ổn cho Châu Á.
Sự thống lĩnh của Mỹ dựa trên quan niệm cho rằng bởi vì Trung Quốc độc tài chuyên chế trong nước, họ sẽ hành động “không chấp nhận được ở nước ngoài”. Nhưng có thể không phải như vậy, GS White lập luận. Theo cách Trung Quốc tự nhìn nhận về mình, họ là một cường quốc ôn hòa, không bá quyền, không can thiệp vào những triết lý quốc nội của những nước khác như cách của Mỹ với kiểu luân lý bao biện. Vì Trung Quốc tự xem mình là Vương quốc Trung tâm, nền tảng cho sự thống lĩnh của Trung Quốc là vị thế trọng tâm vốn có của họ đối với lịch sử thế giới, chứ không phải bất kỳ kiểu chế độ nào mà họ muốn xuất khẩu.
Nói cách khác, Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, có thể là vấn đề trong tương lai. Chúng ta có thể thực tình quan tâm quá nhiều về bản chất nội tại của chế độ Trung Quốc và mong muốn hạn chế sức mạnh của Trung Quốc ở nước ngoài bởi vì chúng ta không thích những chính sách quốc nội của họ. Thay vì thế, mục tiêu của Mỹ ở Châu Á nên là giữ thế cân bằng, chứ không phải thống lĩnh. Cũng chính vì quyền lực cứng vẫn là thiết yếu cho quan hệ quốc tế mà chúng ta phải chừa chỗ cho một Trung Quốc đang vươn lên. Mỹ không cần phải tăng sức mạnh hải quân của mình ở Tây Thái Bình Dương, nhưng Mỹ không thể giảm đáng kể sức mạnh đó.
Việc giảm bớt một đội tiêm kích từ hàng không mẫu hạm Mỹ ở Tây Thái Bình Dương do cắt giảm ngân sách hay tái triển khai sang Trung Đông có thể gây nên những thảo luận căng thẳng trong khu vực về sự suy tàn của Mỹ, và từ đó dẫn tới nhu cầu cần phải làm lành và thỏa thuận bên lề với Bắc Kinh. Tình thế tối ưu là sự hiện diện không quân và hải quân của Mỹ ít nhiều vẫn ở mức hiện nay, ngay cả khi Mỹ nỗ lực hết mức trong khả năng của mình để gượng gạo giữ những quan hệ thân tình và dễ tiên đoán với Trung Quốc. Bằng cách đó Mỹ có thể dần dần điều chỉnh thích ứng với hải quân có khả năng tác chiến ngoài khơi xa (blue-water navy) của Trung Quốc. Trong quan hệ quốc tế, đằng sau những câu hỏi về luân lý đạo đức luôn có những câu hỏi về sức mạnh. Việc can thiệp nhân đạo ở vùng Balkan đã khả thi chỉ vì chế độ Serbia yếu, chứ không phải như chế độ Nga có những hành động tàn bạo ở quy mô tương tự ở Chechnya trong khi phương Tây chẳng làm gì cả. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương trong những thập niên sắp đến, luân lý có thể nghĩa là từ bỏ một số trong những lý tưởng chúng ta hằng ấp ủ để đổi lấy ổn định. Còn cách nào khác nữa để chúng ta chừa chỗ cho một Trung Quốc bán độc tài chuyên chế khi quân đội của họ mở rộng? Bản thân cán cân quyền lực, thậm chí hơn cả những giá trị dân chủ của phương Tây, thường là cách bảo vệ tự do tốt nhất. Đó cũng sẽ là một bài học của Biển Đông trong thế kỷ 21 – một bài học mà những người lý tưởng không muốn nghe.
Robert D. Kaplan là nghiên cứu viên cao cấp ở Center for a New American Security, thông tín viên quốc gia cho tờ Atlantic
, và là ủy viên Hội đồng Chính sách Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách Monsoon: The Indian Ocean and the Future of American Power (
Gió mùa: Ấn Độ Dương và Tương lai của Quyền lực Mỹ).
Dịch: PVLH, Blog
lên đông xuống đoài,
--------------
*****