Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

Viết nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương


Những ngày này cả nước rộn ràng không khí Giỗ Tổ  Hùng Vương. Bên cạnh hàng loạt các lễ hội còn có nhiều hoạt động chính trị-xã hội , đặc biệt cuối tháng 3 vừa rồi đã hoàn tất bộ hồ sơ gửi UNESCO đề nghị công nhận tín ngưỡng thờ Hùng Vương là di sản thế giới.  Tuy nhiên, những gì tôi sắp nói dưới đây không phải là bàn về ý nghĩa hoặc cách thức tiến hành sự kiện này mà là một vài suy nghĩ về sự thật lịch sử liên quan đến Đền Hùng nói riêng  và cội nguồn dân tộc Việt Nam nói chung.

Có thể nói đã từ lâu, nhất là trong mấy chục năm lại đây  Đền Hùng đã đi sâu vào tiềm thức nhân dân ta như một biểu tượng thiêng liêng của nguồn cội tổ tiên.  Nó phản ánh nhu cầu tâm linh truyền thống thờ cúng tổ tiên  của Việt tộc, và không có gì phải bàn nếu không có những “góc khuất lịch sử” trong đó: Có thật không tại nơi đây Lạc Long Quân-Âu Cơ đã sinh ra  các Vua Hùng? Hay chỉ là nơi “thờ vọng” để tưởng nhớ tổ tiên  của 5.000 năm trước từ Hồ Động Đình lui về ?  

Do tò mò, tôi đã thử thăm dò ý kiến của một số người thuộc các thành phần và lứa tuổi khác nhau, hầu hết đều mặc nhận rằng  Đền Hùng là đất tổ của dân tộc. Tuy nhiên sau một hồi trao đổi thảo luận ai cũng cảm thấy “ngờ ngợ” về điều này. Nhưng rồi cái gì đã qua thì cho qua... Mọi người tự an ủi thế rồi không mấy băn khoăn, thắc mắc nữa.
Trước lòng tin của số đông, thú thật tôi đã nhiều lần e ngại không dám nêu lên cảm nghĩ  khác biệt . Nhưng rồi cũng phải nói ra, nhất là khi nhận thấy đang có một xu hướng "lãng quên" sự thật lịch sử vì nhiều lý do khác nhau. Không ít người thậm chí đang dẽ dãi tự cho phép mình từ bỏ quan điểm 5.000 năm lịch sử, thậm chí đùa cợt về truyền thuyết Âu Cơ-Lạc Long Quân và các Vua Hùng (!?).

Sự vô lý không chỉ thấy ở trường hợp Đền Hùng mà còn thấy  ở những di tích khác.  Đền Gióng thờ một vị anh hùng chống giặc Ân”, tức là Nhà Thương (1766-1122 TCN) một triều đại tiền sử của Trung Quốc lúc đó chỉ mới đủ mạnh để vượt qua bờ Nam sông Dương Tử thì làm sao  đủ sức để xuống tận vùng Bắc Ninh ngày nay(?) Nếu nói rằng nước Việt cổ chỉ ở lưu vực sông Hồng thì cớ sao Hai Bà Trưng đánh giặc bên Lưỡng Quảng? Rồi sau này Vua Quang Trung cũng nguyện đòi lại Lưỡng Quảng?  Tương tự cũng có những điều  phi lô-gíc liên quan đến vai trò của Triệu Đà, câu chuyện Thành Cổ Loa và chiếc Nõ Thần. Nếu Nam Việt không thuộc Việt Nam thì cớ sao Hưng Đạo Vương đã từng coi Triệu Đà là là "bậc tiền bối" của dân tộc?  Đó cũng là trường hợp của các vị vua chúa có “nguồn gốc Hoa” trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước của Việt Nam . Tất cả không chỉ truyền thuyết mà cả sử liệu và nhân chứng vật chứng vẫn còn đó. 


Thực tế nữa là Đền Hùng và các di tích lịch sử trên đất nước Việt Nam ngày nay  đều chỉ có khá muộn sau thời kỳ Bắc thuộc. Dân tộc bao giờ cũng  ra đời trước quốc gia, và quốc gia của người Việt cổ xưa (thời các Vua Hùng) và nước Việt Nam sau này đã bị gián đoạn bởi 1.000 năm Bắc thuộc - một thời gian đủ dài để  nhiều quốc gia dân tộc có thể “biến mất”!. Vậy nên những sự thật lịch sử bị mai một, thậm chí bị xuyên tạc, tráo đổi trong quá trình thống trị của ngoại bang là điều hoàn toàn có thể; chỉ có truyền thuyết được truyền miệng mới có thể trường tồn. Và trên thế giới lịch sử của nhiều dân tộc khác cũng đều căn cứ vào truyền thuyết mà không nhất thiết phải chứng minh bằng chứng cứ có thật. Cái may của Việt Nam là dân tộc vẫn còn thì việc tìm lại cội nguồn là hoàn toàn có thể. Về để tìm đúng nguồn cội, ngoài những dấu vết dưới chân mình còn phải tìm từ những dấu vết đãđi qua. Vấn đề không phải là thiếu cơ sở sử liệu và khảo cổ mà là thiếu ý chí  để nhìn nhận sự thật lịch sử một cách khách quan.  
  
Thiết nghĩ, “tìm lại chính mình” không chỉ là nguyện vọng tâm linh mà còn là nghĩa vụ của toàn dân tộc, là nguồn động lực để dân tộc tiếp tục trường tồn và phát triển sánh vai với các dân tộc khác. Để làm được điều này trước hết không thể không giải mã những “góc khuất lịch sử” nhằm  khẳng định 2 khái niệm cơ bản dưới đây:        
Một là, khẳng định lại 5000 năm lịch sử từ thuở Hồng Bàng với cội nguồn từ núi Thái Sơn, Hồ Động Đình (nay thuộc Hồ Nam , TQ). Nói “khẳng định lại” là vì đang  có trào lưu lập luận rằng dân tộc ta chỉ có hơn 2000 năm lịch sử với cội nguồn là Châu thổ sông Hồng…Nếu lập luận này là đúng thì thử hỏi  họ đã “quẳng” ½ thời gian tiền sử của họ Hùng đi đâu mất rồi? Hay chẳng lẽ ông cha ta đã bịa ra truyền thuyết Âu Cơ lạc Long quân?…Đây là một luận điểm không thể dẽ dãi bỏ qua hoặc thỏa hiệp.
Hai là, không nên chối bỏ thực thể dân tộc Viêt Nam (tiêu biểu là người Kinh) là kết quả của sự  pha chủng (hợp chủng)  giữa Hán tộc và Việt tộc (đa phần là LạcViệt,  Âu Việt)  trong quá trình "Nam tiến" của người Hán. Sau đó  trong quá trình mở mang bờ cõi xuống phía Nam của chính mình, người Việt  cũng "hợp chủng"  thêm cả với các sắc tộc bản địa như người Chàm, Khmer,... Nói cách khác nguồn gốc người Việt cũng tương tự người Hoa, chỉ khác ở chỗ người Hoa ở lại và bị người Hán đồng hóa thành nước Trung Hoa hiện đại, trong khi người Viêt lui dần về phía  Nam để bảo toàn bản sắc (chủ yếu là văn hóa) và hình thành nước Việt Nam ngày nay.

Thực ra cho đến nay đã có khá đầy đủ cơ sở lý luận và sử liệu cùng một số phát hiện mới nhất về khảo cổ, sinh học và gien di truyền để đi tới khẳng định hai nội dung nói trên. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của các truyền thuyết. Làm được như vậy  là phản ánh thực tế lịch sử khách quan một cách có lợi cho dân tộc ta  mà không xâm hại lợi ích của dân tộc khác. Cũng cần hiểu rằng nhắc lại sự thật lịch sử về cội nguồn dân tộc và cương vực lãnh thổ hoàn toàn không có nghĩa là “để đòi lại” hay “phải trả lại”, mà chỉ là để hiểu biết đúng đắn về quá khứ, trên cơ sở đó phát huy đầy đủ các mối quan hệ tương đồng, tương tác giữa các quốc gia láng giềng nhằm cùng tồn tại và phát triển một cách hài hòa và bền vững.  Vậy tại sao không làm?  
                                                                               
                                                                                                 Hà Nội, mồng mười tháng ba Tân mão

Trần Kinh Nghị




Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Hay quá! nhưng…. vẫn buồn!

Đang lúc buồn buồn …thì vớ được một entry trên nguyenuandien blogspot, trong đó trích đăng bài viết của tác giả Tống Văn Công. Thoạt thấy bài hơi dài nên định bụng đọc lướt cho nhanh…Nhưng càng đọc thấy càng phải đọc chậm lại vì bài viết như đang nói thay tâm trạng của mình. Đến cuối bài lại thấy lời bình của chủ blog nguyenuandien sao mà “trùng phùng” quá!

Có điều là, đọc xong vẫn thấy buồn...: Hình như đa phần những bài có tính chính luận hoặc phê phán (của ta) đều phải liên hệ, so sánh với người ngoài hay nước ngoài..., như thể nếu không thì sẽ không đủ sức thuyết phục (cả đối với bạn đọc lẫn những “người kiểm duyệt”). Vì sao vậy?      

Xin phép hai tác giả được trích đăng lại entry nói trên để có thêm nhiều người cùng đọc.  

 VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN

                                                                                  Tống Văn Công

Đọc Góc ảnh chiếu từ nước Nhật của nhạc sĩ Tuấn Khanh, dù đau lòng tôi cũng đồng tình với ông: " Đôi khi giữa những hoang tàn đó của nước Nhật, người ta bừng sáng hy vọng – và đôi khi sống giữa những điều được gọi tên là bình yên của đất nước mình, một người Việt Nam vẫn có thể cảm nhận được những ảnh chiếu sắc cạnh của sự hoang tàn". Đã có nhiều bài viết cho rằng nếu tai họa như nước Nhật xảy ra ở nước ta thì có thể hình dung nhiều điều xấu xa sẽ xảy ra bởi sự băng hoại đạo đức của người Việt. Mới đây, có ý kiến chỉ đạo báo chí: "Khi đề cao tinh thần vượt khó của nhân dân Nhật Bản không nên cường điệu, vô hình chung (trung) hạ thấp tinh thần của người Việt Nam". Cường điệu là điều không nên, tuy nhiên có cần phải lo lắng "vô hình trung hạ thấp tinh thần của người Việt Nam" ? Lổ Tấn chọn đơn thuốc AQ đắng nghét đã có hiệu quả chữa trị tinh thần bạc nhược của người Tàu. Sau này, nhà văn hóa Bá Dương tiếp tục mổ xẻ "Người Trung Quốc xấu xí" cũng được đồng bào ông cho là cần thiết.
Nhân chuyện này, tôi muốn chúng ta cùng nhớ rằng dân tộc ta vốn không phải xấu xa như hôm nay mà đã từng có những thời kỳ rất tốt đẹp . Hằng ngàn năm trước, ông cha ta có tư tưởng nhân văn vượt thời đại: "Thương người như thể thương thân". So với "Điều gì mình không muốn thì đừng gây ra cho người" của Khổng Tử quả là cao hơn. Con cái biết sánh: "Công cha như núi Thái sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Cha mẹ mong muốn "Con hơn cha là nhà có phúc" chứ không đòi hỏi "Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu". "Thuận vợ đồng chồng tát bể Đông cũng cạn" chứ không phải "phu xướng phụ tùy "… Đối với hàng xóm thì "Tối lửa tắt đèn có nhau". Đối với đồng bào thì "Người trong một nước phải thương nhau cùng" v.v.
Những ai đã từng trải qua thời kháng chiến chống thực dân Pháp đều biết: Ở các vùng giải phóng, đêm nhà nhà không cài cửa. Nhân dân giành nhau đón mời bộ đội về nhà mình để chăm sóc nuôi dưỡng. Đơn vị tôi có anh Nguyễn Hoàng Minh là người Bắc, được các bà các mẹ bảo: "Tao thương nó hơn tụi bay. Nó xa cha xa mẹ vô đây". Trong lần nói chuyện với cán bộ miền Bắc sắp đi B (vào Nam),Tổng bí thư Lê Duẩn kể, thời chống Pháp, ông ở nhà dân và họ đều biết ông là Bí thư Trung ương cục. Mỗi lần ông đi công tác về gặp bữa cơm, ông bà chủ nhà hỏi: "Thằng Ba, mầy ăn cơm ở đâu chưa? Chưa, thì vô bếp lấy chén đũa ra ăn luôn nghe!".
Khi tập kết ra Bắc, đơn vị tôi đóng quân ở nhiều vùng.Tôi nhận ra là đồng bào mình ở miền Bắc cũng sống đầy tình nghĩa như trong Nam, dù vật chất có thiếu thốn hơn. Thời Mỹ ném bom phá hoại, nhân dân các vùng khu IV dám đem ván phảng nhà mình lót hố bom cho xe bộ đội kịp chuyến vào Nam. Các vùng bị B52 dội bom ác liệt như Khâm Thiên, Gia Lâm…, hoàn toàn không có hiện tượng hôi của. Xăng dầu, quân dụng rải dọc theo ven đường không cần canh giữ, cũng không bị trộm cắp…
Câu thành ngữ "Ra ngõ gặp anh hùng" mô tả chính xác con người Việt Nam trong suốt 30 chiến tranh. Toàn dân tin những người lãnh đạo đang dồng cam cộng khồ với mình vì "Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do". Do vậy mà được thế giới nhìn vào,ca ngợi "Việt Nam là lương tâm của nhân loại"!
Tại sao người Nhật thảm bại trong chiến tranh, đã có thể vươn dậy làm nên sự "thần kỳ Nhật Bản". Còn ta thì ngược lại từ "ra ngõ gặp anh hùng" đến tình trạng "Đến chỗ nào cũng thấy ăn cắp"! Có lẽ xem xét hiện tượng trái ngược này sẽ giúp chúng ta thu được nhiều điều bổ ích ?
Có người cho rằng, vì người Nhật tiếp tục những bài học từ thời Thiên Hoàng. Nói như vậy thì xa xôi quá! Tôi nghĩ, chỗ khác nhau giữa ta và họ là cách rút ra bài học sau chiến tranh, từ đó mà tìm đúng con đường đi tới.
Người Nhật bại trận đã nhanh chóng nhận ra nguyên nhân thất bại của mình là đi ngược lại xu thế thời đại: Chủ nghĩa Sôvanh (Ph. Nicolas Chauvin), chủ nghĩa thực dân với mọi hình thức đã bị lịch sử phủ định .Người Nhật cũng nhanh chóng nhận ra, Mỹ là một quốc gia dân chủ, đề cao nhân quyền, họ tham gia lực lượng Đồng minh chỉ nhằm chống phe trục, chứ không có mưu toan chiếm Nhật làm thuộc địa. Từ nhận thức đó, dù vừa bị Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử đầu tiên, người Nhật không coi họ là kẻ thù mà tự nguyện giao kết là đồng minh chiến lược trong công cuộc phục hưng đất nước. Nhờ quan hệ này, người Nhật suốt thời gian dài không phải bỏ nhiều chi phí cho quốc phòng, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, trở thành tấm gương tốt đẹp nhiều mặt:
1 – Từ bỏ độc tài quân phiệt, xóa hệ thống chính trị phát xít, tôn trọng dân chủ, nhân quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập. Nhật Bản là nước quân chủ lập hiến, trong đó Thủ tướng nắm quyền cao nhất về quản lý quốc gia và chịu sự giám sát của Quốc hội hai viện, cùng Tòa án Hiến pháp nhằm ngăn chặn những quyết định vi hiến của Chính phủ. Thế giới coi Nhật là một nước có nền dân chủ đầy đủ, ưu việt vào bậc nhất.
2 – Chuyển đổi nền kinh tế phục vụ chiến tranh thành nền kinh tế dân sinh, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu. Từ hoang tàn người Nhật xây dựng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Gần đây Trung Quốc tuyên bố đã chiếm vị tri nền kinh tế lớn thứ 2, nhưng mức thu nhập bình quân của người Trung Quốc còn thấp quá xa so với Nhật. Trong khi đó Nhật không có tình trạng cách biệt giàu nghèo khủng khiếp như Trung Quốc!
3 – Xây dựng nền văn hóa tiên tiến và bảo tồn bản sắc tốt đẹp của truyền thống Nhật Bản; một nền giáo dục hàng đầu thế giới về đào tạo những con người phát triển toàn diện. Nền văn hóa và giáo dục đó sản sinh 2 nhà văn đoạt giải Nobel văn học là Yasunari Kawabata, Kenzaburo Oe và nhiều văn tài khác như Kôbô Abê , Haruki Murakami. Trà đạo, hát ka-ra-o-kê, thơ Hai-ku, ẩm thực Nhật được thế giới hâm mộ.
Đặc biệt những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn cho nhân dân Việt Nam mà chúng ta chưa thực hiện được đã có thể nhìn thấy ở Nhật Bản như : "Chính quyền từ xã tới trung ương phải do nhân dân lập ra"; "Nếu Chính phủ làm hại dân thì nhân dân có quyền đuổi Chính phủ", "Cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo và là đày tớ của nhân dân"… Mấy năm qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vị Thủ tướng Nhật chỉ vì chưa thực hiện được một lời hứa náo đó đã phải từ chức, chứ chưa cần người dân đưa đơn kiện. Trong vụ động đất hiện nay, chúng ta thấy ông Thủ tướng Can vô cùng tất bật vẫn bị người dân Nhật phê phán đã chậm có mặt ở nơi bị tàn phá nặng nhất .
Tai họa vừa qua, phẩm chất con người Nhật Bản được nhân loại thán phục chính là kết quả của nền chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục ưu việt của họ.
Hàng chục năm qua, Việt Nam chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ hào hiệp của Nhật Bản.Hiện nay hàng vạn sinh viên và người xuất khẩu lao động Việt Nam đang học tập và lao động ở Nhật. Nhiều nhà lãnh đạo nước ta trân trọng đề cao mối quan hệ đối tác chiến lược Nhật – Việt. Chẳng lẽ chúng ta không biết trân trọng tìm học con đường đưa tới dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh theo kiểu Nhật? Tựu trung gồm 3 điểm vừa kể ở trên.
Chúng ta ra khỏi chiến tranh với tư thế người anh hùng chiến thắng siêu cường số 1 thế giới! Nguồn sức mạnh để chiến thắng, được chúng ta nhận định là từ "3 dòng thác cách mang" thế giới. " Chủ nghĩa Mác – Lênin bách chiến bách thắng muôn năm !" được chúng ta trương cao khắp đất nước như là một tuyên ngôn, là tổng kết chiến tranh và là ngọn cờ sẽ dẫn đường đi tới. Từ nhận định đó đưa tới đổi tên Đảng, đổi quốc hiệu, thực hiện chuyên chính vô sản, vạch ra đường lối tiến nhanh tiến mạnh ,tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, trên bình diện quốc tế, chủ nghĩa xã hội đang lâm vào khủng hoảng, đã có nhiều dấu hiệu rạn vỡ. Rạn vỡ dễ thấy nhất là sự chống đối nhau điên cuồng, kể cả bằng vũ lực của hai nước lớn nhất là Liên Xô và Trung Quốc, cho thấy điều gọi là chủ nghĩa quốc tế vô sản không hề tồn tại! Mãi đến khi đã bị Trung Quốc phản bội tấn công, chúng ta vẫn kiên trì nhận định Mỹ là kẻ thù lâu dài, nguy hiểm, còn Trung Quốc chỉ là kẻ thù trực tiếp, bởi đang có một nhóm cầm quyền mang tư tưởng bá quyền bành trướng. Do nhận định như vậy, ngay sau khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, Tổng bí thư Nguyễn văn Linh vội vàng sang cầu hòa với Trung Quốc trong thế yếu, ca ngợi "16 chữ vàng", trong thực tế đau buồn là đang bị chiếm đất, chiếm đảo, đưa tới nghịch cảnh mãi tận hôm nay! Để Trung Quốc có cớ xâm lược là không khôn khéo, tuy nhiên thỏa hiệp vô nguyên tắc và không biết tìm cách để chọn nhiều đồng minh chiến lược, đối trọng với họ giữ vững an ninh cũng là không biết vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Khác hẳn chúng ta, người Mỹ nhanh chóng nhận ra thất bại của họ trong cuộc chiến là đã không hiểu được sức mạnh từ chủ nghĩa yêu nước của người Việt (Hồi ký của nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Macnamara). Họ muốn sớm lập quan hệ với chúng ta, nhưng trớ trêu thay chúng ta không vượt qua nổi mối thù! Chúng ta không hiểu đúng sức mạnh quyết định chiến thắng của mình chính là được khơi dậy từ lời kêu gọi chính xác của Hồ Chí Minh:"Không có gì quý hơn Độc lập Tự do"! Hiện tượng hàng triệu quân chế độ Sài Gòn dễ dàng tan rã, chắc chắn không phải vì họ hèn kém bởi họ cũng là con Lạc, cháu Hồng, chắc rằng họ rã ngũ vì không thấy mình đối địch với cộng sản, mà đối địch với Độc lập Tự do! Ông Lê Duẩn cho rằng phải "giương cao 2 ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội" , trong tình thế bấy giờ là đúng, bởi vì cần phải có vũ khí của Liên Xô,Trung quốc. Tuy nhiên, "ngọn cờ xã hội chủ nghĩa" mặt khác đã làm cho sự quyết đấu vì ý thức hệ giữa Tự do và Cộng sản của Pháp, Mỹ càng thêm quyết liệt. Nói như vậy, không hề có ý giảm nhẹ trách nhiệm của Pháp và Mỹ. Cho đến khi đã bị sa lầy trong cuộc tái chiếm thuộc địa, phải tìm giải pháp Bảo Đại, thế mà người Pháp vẫn làm cho "con ngựa cũ" của mình phải lồng lộn: "Hơn nữa, nếu chính phủ Pháp đoạn giao với "Bác Hồ" chính là bởi lý do sự đòi hỏi về độc lập và thống nhất của họ nhiều hơn lý do họ là cộng sản quốc tế" (Bảo Đại – Con Rồng Việt Nam, trang 334). Từ thời ấy, Mỹ đã gánh cho Pháp hơn 80% chiến phí. Chính thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã đẩy Cụ Hồ phải tìm chỗ dựa Trung quốc, Liên Xô .
Nếu tỉnh trí, nhìn đúng thế mạnh chiến thắng vừa qua của mình, chúng ta sẽ trở lại với Cụ Hồ khi trích Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp làm Tuyên ngôn độc lập Việt Nam, .mà vấn đề cốt lõi là Dân chủ và Nhân quyền. Nếu sớm nhận thức như vậy chúng ta ắt sẽ chủ đông thực hiện đường lối Đổi mới khi chưa bị tình thế thúc ép. Và như vậy sẽ là không có cải tạo xã hội chủ nghĩa công, nông, thương nghiệp; cũng không cần cải tạo cán binh Sài Gòn; sẽ không có nạn thuyền nhân. Toàn thế giới sẽ tiếp tục đứng bên Việt Nam như 30 năm qua. Trung Quốc không dễ lôi kéo Mỹ để gây cho chúng ta hai cuộc chiến thảm khốc. Với thế và lực mới ấy, chúng ta sẽ phát triển nhanh chóng, có thể chưa theo kịp Nhật Bản, nhưng chắc chắn không thể kém Hàn quốc, bởi họ còn bị trì kéó bởi một Bắc Triều Tiên. Tiếc thay!
Dù sao chúng ta cũng còn may mắn hơn Bắc Triều Tiên, Cu Ba, vì đã có những nhà lãnh đạo dám xé rào, Đổi mới, dù đã đến lúc bế tắc. Cuộc Đổi mới đã đem lại sức sống cho nền kinh tế Việt Nam mà thành tựu của nó đã được ca ngợi quá nhiều, thiết tưởng không cần phải nhắc lại. Riêng đối với Đảng Cộng sản thì cuộc Đổi mới đã đem lại thế mạnh nào và đào sâu thế yếu nào? Và nó đã tác động ra sao đối với phẩm chất con người Việt Nam? Đó là những vấn đề cực kỳ rộng lớn mà chúng tôi không có tham vọng giải đáp được, chỉ mong xới lên để các nhà lý luận của Đảng Cộng sản và các bậc thức giả trong ngoài nước cùng bàn.
Tôi nhớ, đầu những năm 90 ông Nguyễn Cao Kỳ trả lời câu hỏi: Vì sao vốn là người kiên quyết chống Cộng, ông lại kêu gọi hòa hợp dân tộc, về nước hợp tác với chính quyền cộng sản phát triển đất nước? Ông Kỳ đáp: Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam không còn cộng sản. Bởi tôi hiểu công sản chủ trương chỉ còn một giai cấp và không chấp nhận kinh tế thị trường .Nay họ công nhận kinh tế nhiều thành phần giai cấp, phát triển thị trường tự do. Họ giống như những thày tu đã ngả mặn rồi mà vẫn cứ đòi gọi mình là thày tu. Ý kiến nôm na của ông Kỳ hoàn toàn phù hợp với lý luận kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin . Những nhà lý luận Mác xít của Việt Nam cứ khất lần khất lữa suốt 25 năm vẫn không thể tìm ra định nghĩa mới cho chủ nghĩa xã hội ngoài câu Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, 5 năm sau được bổ sung thêm từ Dân chủ đứng sau từ Công bằng, rồi phải mất 5 năm nữa từ Dân chủ mới được chuyển lên đứng trước Công bằng! Ôi, nguyện vọng dân chủ đã được Hồ Chí Minh khơi dậy, nhân dân ta đã tốn bao xương máu để giành lấy vậy mà sao thực hiện nó vất vả đến như vậy!
Những người mác xit đều biết lý thuyết về sự phù hợp giữa kiến trúc thượng tầng với cơ sở hạ tầng. Trong lời tưạ Tuyên ngôn đảng cộng sản in bằng tiếng Đức ngày 28-6-1883, Ăng-ghen viết: "Trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội – cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra – cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy ". Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu rõ lời dạy đó, nên đã nhiều lần nhắc lại rằng phải Đổi mới toàn diện từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội. Văn kiện Đại hội 11 cũng nhắc "Đổi mới trong lĩnh vực chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế". Tuynhiên cho tới nay hệ thống chính trị hầu như không có thay đổi gì đáng kể so với 25 năm trước. Cuộc bầu cử Quốc hội đang xúc tiến từ cung cách đến nội dung chỉ đạo cũng na ná như xưa. Về tỉ lệ đảng viên trong Quốc hội, ông Võ văn Kiệt cho rằng chỉ nên hơn 50%, khóa 12 là 92%, khóa này được nêu ra là từ 85 đến 90% . Ông Võ văn Kiệt cũng đề nghị "Về cơ bản đã làm đại biểu Quốc hội thì thôi không làm quan chức hành chính nữa". Nhưng khóa này quan chức hành chính ứng cử vẫn đông!
Do cơ cấu xã hội không phù hợp sản xuất kinh tế như Ăng-ghen nêu ra mà đã xảy ra những điều tréo ngoe giữa thực tế cuộc sống với lý thuyết từ các nghị quyết. Có thể nêu ra hàng chục dẫn chứng, nhưng chỉ xin nêu hai điều đang trở thành hiểm họa cho Dân tộc và cho cả Đảng cộng sản :
1 – Trong khi chúng ta dành những lời thân thiết nhất cho các quốc gia Đảng cộng sản lãnh đạo, cho cánh tả, coi sức mạnh thời đại ta cần phải kết hợp là ở đó thì thực tế là chúng ta phải dựa vào sự giúp đỡ lớn nhất ở các nước tư bản tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc… những đồng minh chiến lược của Mỹ. Trớ trêu hơn là Trung Quốc, người đồng chí có chung16 chữ vàng, chung mục tiêu 4 tốt, chung quan điểm trong nhiều sự kiện lớn của thế giới (như Bắc Phi, Libi…) và chính sách đối nội (như dân chủ, nhân quyền; bên kia thì có Lưu Hiểu Ba, bên này là Cù Huy Hà Vũ). Dù chúng ta đã cố sức chiều theo họ rất nhiều vấn đề khó chiều như: Họ đóng cửa các công trình khai thác bôxít ở nước họ, để sang khai thác bôxit trên "mái nhà" của nước ta và cả Đông Dương. Mới hôm qua, họ xả nước bẩn làm ô nhiễm Sông Hồng, nhưng chính quyền Vân Nam thẳng thừng từ chối đề nghị khẩn thiết của Lào Cai cùng phối hợp nhau để kiểm tra!
Càng trớ trêu thay, hầu như tháng nào người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng phải lắp đi lắp lại một lời tuyên bố giống nhau: "Trung Quốc cần chấm dứt ngay sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam"!
2 – Hệ thống chính tri của chúng ta luôn luôn được đề cao về sứ mệnh cao cả là đang lãnh đạo toàn dân tộc theo quy luật tiến hóa của lịch sử loài người, nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó suốt 20 năm nay, những người điều hành hệ thống chính trị này luôn luôn bị các cơ quan chuyên môn của quốc tế xếp vào "tốp 10" đại tham nhũng. Tham nhũng Việt Nam đứng trên hơn 150 quốc gia tư bản, bộ máy điều hành của họ chắc chắn không có đảng viên cộng sản nào! Năm 2006, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhận định "Tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ"..Đầu năm 2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng chống tham nhũng là "mong mỏi rất chính đáng và tha thiết của những người dân. Nhưng cho đến hôm nay tôi tự thấy nhiệm vụ đó tôi làm chưa xong " (Báo xuân Sài Gòn tiếp thị).
Ngày nay người dân nhìn đâu cũng thấy những người đảng viên cán bộ lúc nào cũng nói về giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng, về học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ, về quyết tâm đi lên chủ nghĩa xã hội, trong khi đó họ chẳng những có mức sống cao hơn hẳn người dân mà có quá nhiều người nhà cao cửa rộng, con cái làm chủ những công ty tư nhân có vốn nhiều triệu đô la. Hơn 3.000 cuộc đình công của công nhân không qua sự chỉ đạo của Công đoàn, hiện tương nông dân khiếu kiện vượt cấp vùng nào cũng có, đã nói lên tâm trạng xã hội không yên ổn!
Từ ngàn xưa, người dân vẫn nhìn vào người cầm quyền để noi theo gương trong cuộc sống. Cổ đại có gương Nghiêu, Thuấn thuần dưỡng cả nước trở thành lương dân. Quá nhiều người dân hư hỏng người lãnh đạo phải soi lại mình.
Chúng ta kêu gọi toàn Đảng thống nhất nói theo Nghị quyết, làm theo Nghị quyết và các cơ quan truyền thông phải tuyên truyền đúng định hướng, để tạo ra sự đồng thuận trong toàn dân. Hãy nhớ lại, Cụ Hồ đâu có nhiều lời, chỉ cần một câu thôi, đã khiến cả nước đứng dậy đi theo dù con đường vô cùng gian khổ.
Hai năm qua có quá nhiều điều dù Đảng có Nghị quyết, báo chí tuyên truyền theo định hướng, nhưng không dễ tạo ra được đồng thuận, Ví dụ:
Chủ trương hợp tác với Trung Quốc khai thác bôxít, đã có hàng ngàn chữ ký kiến nghị dừng lại, có những chữ ký của các vị đáng kính như Đại tướng Võ Nguyên Giáp; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; người anh hùng có nụ cười công phá chế độ Sài Gòn Võ thị Thắng; những nhà khoa học hàng đầu đất nước như Nguyễn văn Hiệu; Chu Hảo; Đặng Hùng Võ; Nguyễn Quang A…
Mới hôm qua đây là vụ án Cù Huy Hà Vũ. Dù anh ấy có văn phong không quen tai như lâu nay (như ông bà mình nói, trực [trung] ngôn nghịch nhĩ) , nhưng tất cả nội dung đều nằm trong quyền công dân mà ngày xưa, Bác Hồ từng khuyến khích và Hiến pháp hiện hành không cấm. Do vậy, mặc dù muốn làm cho vụ án trở thành bé nhỏ ,không quan trọng (các bản tin VTV tối 4 tháng 4 năm 2011 đều không xếp vào các tin quan trọng; phiên tòa gói gọn không hết một ngày). Nhưng tầm quan trọng của nó vẫn cứ lộ rõ, bởi: nhiều tướng lĩnh cách mạng, văn nghệ sĩ, bình luận viên báo chí trong và ngoài nước cho rằng Hà Vũ nói những điều nhiều người nghĩ như thế mà không nói; Giáo dân thắp nến cầu nguyện trước ngày tòa xử; và các ngả đường quanh tòa án có quá nhiều cảnh sát bảo vệ.
Nước Nhật không thể có những vụ án tương tự. Chúng ta có nên học tập Nhật Bản? Nên lắm chứ ! Tuy nhiên trước hết nên học tập Hồ Chí Minh, không chỉ học và làm theo đạo đức mà trước hết hãy học và thực hiện tư tưởng Tự do, Dân chủ của Người!
Ngày 5 tháng 4 năm 2011

Lời bình của Nguyễn Xuân Diện:
Bài viết này hay quá! Lời văn giản dị, cách nhìn điềm đạm, thấu đáo, chân thành. Một nhà cách mạng lão thành viết cho mọi người với lời lẽ ôn tồn, nhủ bảo, không lên gân mà ý và lời đi thẳng vào tim óc người đọc, đi vào từng mao mạch những ai mang dòng máu Lạc - Hồng. Tống tiên sinh tuổi đã cao mà không "lão giả an chi", lòng vẫn sắt son, chí vẫn trinh bền, tâm vẫn cầu thị, trí vẫn mẫn tiệp, lời vẫn thiết tha.
Phàm là người Việt Nam, bất kể trẻ già, sang hèn, trong ngoài, thân phận thế nào, cứ là người đọc được Tiếng Việt thì nên đọc bài này. Ai đã đọc bài này, nếu gặp những người không biết chữ thì nên gia tâm đọc cho họ nghe bài này, để cùng nhau chia sẻ với Tống tiên sinh.
Các nhà lãnh đạo càng nên đọc bài này, để trau giồi thêm cho mình, - nghe nói là người Cộng sản phải trau mình đến tận lúc tàn hơi (như Bác Hồ mong muốn) - để từ đó, trên cương vị công tác của mình gắng từ việc nhỏ đến việc to, gắng từ việc dễ đến việc khó, vượt qua bản thân mình, góp phần đưa nước mình tiến lên cõi "xuân đài thọ vực". Kính vậy thay! Mong vậy thay!

*Ghi chú: Chư vị coppy hình đôi chim ra màn hình máy tính. Đôi chim này sẽ bay lượn bên nhau và mớm mồi cho nhau, hình một trái tim hồng xuất hiện - biểu tượng của tình yêu nồng nàn, trao gửi.

--------------
*****

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Lại bàn về nguồn cội dân tộc Việt Nam

Lang thang trên mạng gặp bài này đề cập một chủ đề mà tôi cũng đang quan tâm .., xin mạn phép tác giả dchph (tôi chưa biết rõ) được đưa lại nguyên văn trên blog này để nhiều người cùng đọc (Hơi tiếc là không up được mấy hình ảnh và lời tựa của bài gốc).

Một vài suy nghĩ về nguồn gốc dân Việt (On the Origin of the Vietnamese People)
dchph

Trong mỗi giai đoạn của quá trình phát triển của mỗi dân tộc, về mặt địa lý và lịch sử, có thể nhận thấy rằng thực thể dân tộc Việt Nam, phát triển song hành với sự thành hình của dân tộc Hán, càng xuống địa bàn phía Nam, tính hợp chủng với người dân bản xứ phía Nam càng đậm nét như khi đi sâu xuống tầng bản địa.

Nếu bạn sang viếng thăm các tỉnh thuộc miền nam của Trung Quốc ngày nay, nhất là Tỉnh Quảng Tây, bạn sẽ thấy người dân của tỉnh nầy, không khác biệt mấy với dân Việt Nam ta; thí dụ so về mặt thể chất, như là vóc người nhỏ nhắn so người Tàu phương Bắc cao lớn (do họ hoà chủng lần nữa với “rợ Hồ” thuộc gốc Tartar, người Altaic, người Kim, người Mãn châu, người Mông Cổ...) và tập quán ăn uống, thí dụ, cơm gạo và bún là món ăn chính của người phương Nam thay vì bánh bao làm bằng bột mì của “người Hán” phương Bắc. Cái điểm chung trong cái văn hoá ẩm thực của tất cả là ai cũng đều biết dùng “đũa” (một từ có cùng gốc với tiếng Hán), uống trà (“chè”), một đặc sản phát xuất từ phương Nam ở vùng Phúc Kiến, hay là nước Việt của Câu Tiễn ngày xưa. Cũng với cái nhìn tương tự, ở xứ ta, càng xuống sâu vào trong Nam của nước Việt thời hiện đại, yếu tố bản địa hoà chủng với dân bản xứ (người Lâm Ấp, người Chàm, người Môn, người Chân Lạp, v.v... thuộc các nền văn hoá khác nhau trong đó bao gồm nền các văn hoá Sa Huỳnh, Hồi giáo, Ấn Độ, Ốc Eo...) cũng dần dần hiện rõ nét hơn. Dường như nơi nào có địa danh bản địa nơi đó càng mang đậm nét bản xứ, thí dụ, Đà Nẵng, Quảng Đức, Buôn Mê Thuộc, Pleiku, Đắc Lắc, Phan Rí, Sóc Trăng, Hà Tiên...

Tưởng cũng nên nhắc lại là hầu hết những địa danh ở Việt Nam ngày nay, ngay cả tại những vùng mới được sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam từ sau thế kỷ thứ 12 như từ Thuận Hoá trở vào miền Nam, từ Bắc chí Nam nơi nào cũng đầy rẫy những địa danh tiếng Hán Việt hoặc đối xứng hoặc đã có sẵn bên Trung Hoa từ ngàn xưa, thí dụ, Sơn tây, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Bắc, Hà Nam, Hà Đông (ta “chôm” luôn cả thành ngữ “sư tử Hà Đông”), Quảng Tín, Quảng Nam (đối xứng với Quảng Đông và Quảng Tây), Tây Ninh, v.v… quá nhiều kể không xuể; và điều gì đã buộc người ta không dùng địa danh bản địa đã có sẵn mà lại đặt những tên mới như vậy nếu chúng không mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó với cư dân ở đó? Thành phần dân số từ đó cũng phản ảnh một cách chừng mực, thí dụ, bản sắc người thuộc Tỉnh Hà Đông khác với người vùng Tỉnh Sóc Trăng, dân Thuận Hoá dĩ nhiên là có những nét cá biệt khác với dân Phan Rang.

Ngày xưa người Tàu phương Bắc gọi những người phương Nam là “Nam Man”, nói chung là “man” là “mọi”. Tổ tiên của những người Kinh sống ở vùng đồng bằng Sông Hồng ngay từ xưa lại cũng dùng từ “mọi” để chỉ người dân thiểu số người Thượng sống trên miền thượng du, mà họ có thể đã từng là chủ nhân ông của vùng đồng bằng ruộng lúa màu mỡ và chỉ vì họ bị đàn áp, tàn sát, truy đuổi, bất hợp tác với người Hán thống trị cho nên đã bỏ chạy lên miền núi rừng thiêng nước độc (so sánh những biến cố xung đột sắc tộc ở miền Tây nguyên đã đẩy hàng ngàn người thuộc dân tộc thiểu số gốc Mon-Khmer sang Cam bốt 10 năm trước đây.)

Nếu quả thật là họ cùng gốc với tổ tiên của người Kinh sinh sống ở vùng bình nguyên thì người Kinh đã không gọi những người Thượng bằng cái danh từ “mọi” một cách trịch thượng có tính cách miệt thị như vậy (ngược lại cũng thế, Việt kiều sống ở Cam bốt trong lịch sử đã bị cáp duồn bao lần?) trong khi đó lịch sử cho thấy người Việt bao giờ cũng tử tế với “Hoa kiều” sống chung với họ mặcdù mẫu quốc của họ đã liên tục hiếp đáp dân Việt trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước!

Trước những biến cố dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979, nhà nước CHXNCN Việt Nam lo ngại về một viễn tượng “đội quân Tàu thứ năm” ở trong nước nên đã có chính sách mở cửa biên giới và công khai khuyến khích, nhưng không ép buộc, Hoa Kiều rời bỏ Việt Nam. Bấy giờ chỉ có một số ít khoảng 100 ngàn kiều dân chấp nhận trở về cố quốc của cha ông mấy đời trước qua ngã Nam Quan và Móng cái, còn số hàng trăm ngàn người còn lại đều theo chân người Việt chọn quê hương thứ ba khác trên thế giới.

Tính cả thảy trong thập niên 1975-85, khi người ta nói hơn một triệu người dân Việt bỏ nước ra đi, có nghĩa là hơn nửa triệu người Hoa đã được bao gồm trong đó. Khi sang định cư ở nước ngoài, Hoa kiều Việt Nam tỵ nạn vẫn giữ sự giao du làm ăn với người Việt hơn là người Tàu đến từ các xứ khác.

Người Hoa sinh sống trong những nước Đông Nam Á rất nhiều, Phi Luật Tân, Nam Dương, Thái Lan, và đặc biệt là ở Mã Lai với dân số Hoa kiều chiếm trên 33 phần trăm (thống kê chính thức) so với người gốc Mã Lai bản xứ, mà sự hoà chủng ở những xứ đó có lẽ sẽ không lặp lại những gì đã xảy ra ở xứ ta—người Hán thống trị và xô đuổi dân bản địa lên miền rừng núi—vì lịch sử cho thấy khi kinh tế của những xứ đó mỗi khi có điều trục trặc gặp khó khăn là Hoa kiều ở đó bị “làm thịt” theo đúng nghĩa đen của từ này. Lịch sử ghi nhận trong quá khứ đã có hàng trăm ngàn Hoa kiều bị tàn sát ở Phi Luật Tân, Mã Lai, và Nam Dương. Chuyện này đã xảy ra ngay cả trong thời đại ngày nay tại Nam Dương thời thập niên 60 và chỉ mới 10 năm trước đây cho dù đa số người Hoa ở xứ đó đều mang tên họ người Nam Dương!
Trong khi đó, theo thống kê chính thức thì có bao nhiêu “Hoa kiều” ở Việt Nam? Chỉ mới hơn 1 phần trăm dân số! Nếu thế, ta có thể đặt câu hỏi là dân Tàu từ phương Bắc xuống Việt Nam từ xưa nay đã biến đi đâu hết rồi? Rõ ràng là số dân Tàu di cư đến Việt Nam trong suốt hơn hai ngàn năm nay đã biến thành một thành tố không phân biệt được trong cái tổng thể cấu thành dân tộc Việt Nam. Về mặt thể chất, bạn đã đến Mỹ và tự quan sát và đã thấy, trẻ con Việt Nam ngay cả của của thế hệ thứ nhất sanh ở Việt Nam nhưng lớn lên ở Mỹ đều có vóc người cao lớn, trắng trẻo, và chúng thường bị nhìn lầm là người Tàu giữa đám đông dân Á châu như người Việt thuộc thế hệ cha chú mới đến, người Phi, hay người Campuchia nào đó. Do đó, những lý luận bàn cải về nguồn gốc dân Việt thuộc giống dân Nam Á (aka “Bách Việt”) có phải là từ lục địa xuống hay từ các hải đảo miền Nam lên 10 ngàn năm trước (?) thì không ăn nhập gì tới sự kiện quan trọng là sự hoà chủng là giữa “Hán tộc” từ phương Bắc xuống với “Việt tộc” cho ra dân tộc Việt Nam ngày nay về mặt dân tộc học.

Vì vậy cách luận giải “người Việt là sự hoà chủng của người bản xứ (tức là dân Lạc Việt thuộc Bách Việt) với ‘người Hán-tạp pín lù’” có liên hệ mật thiết với sự kiện người Việt mang họ Tàu; nếu không, làm sao lý giải được sự kiện mỗi người trong chúng ta đều mang họ Tàu? Có người cho rằng nhiều họ đã được vua thưởng cho vì có công. Nhưng triều đại Việt Nam chỉ có ngần ấy họ, nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn... Còn họ của mấy ông vua thì các ngài lấy đâu ra, xin của ai, ai thưởng cho? Họ của người Việt chỉ có năm ba chục họ đổ lại, còn họ Tàu bên Tàu thì nhiều không kể xiết, không phải trăm họ mà cả hàng ngàn họ. Ta nhận thấy rõ họ Việt là một “sub-set” của hàng ngàn họ Tàu kia.

Thực ra ta có thể làm nghiên cứu và truy nguyên ra những họ Việt tương đồng cùng gốc của những họ của những nhóm người Hoa gốc Quảng Đông và Triều Châu, của những nhóm khác có tổ tiên làm quan bên Tàu bị đày ải đi đến chốn của bọn “man di mọi rợ”, và của những người thuộc vào số người còn lại khác để giúp ta có thể quy ra là có nguồn gốc từ dân di cư đã đến từ miền Nam nước Tàu, cũng như từ những đám lính viễn chinh hỗn hợp đủ các sắc tộc bên Tàu có tổ tiên đã bị “Hán hoá” (mà tôi gọi là “người Hán-tạp pín lù”) trước khi thừa lệnh đến xâm chiếm vùng đất Giao Chỉ. Đa số những kẻ tha hương đó—phần lớn là những trai tráng xuất thân cùng đinh cực khổ -- đã định cư vĩnh viễn ở vùng đất mới nơi đây.

Nên nhớ là thời xưa giao thông rất khó khăn, có người cả đời có lẽ chưa bao giờ rời xa quá 50 cây số khỏi làng mạc của họ, khi họ đã đến đây rồi họ sẽ khó mà có phương tiện để trở về cố quốc. Sau khi định cư lập ng hiệp họ đã lấy vợ người bản xứ và hoà nhập vào dòng “Việt tộc”, sanh cháu sanh chít, tất cả do đó đều mang họ Tàu. Khái niệm “Hán hoá” là một từ lội ngược dòng thời gian bao gồm luôn cả đa số người trong đám 500 ngàn lính viễn chinh của Tần Thỉ-Hoàng xuống chinh phục miền Nam Việt và đa số những người đó đã bị “Tần hoá” (Tàu hoá?) trước khi bị nhà Hán “Hán hoá”.

Nói đi nói lại kết luận chủ yếu vẫn là phần lớn dân Việt Nam chúng ta ngày nay là hậu duệ của dân bản xứ đã hoà chủng với những người Tàu (“người Hán-tạp pín lù”) đến vùng đất nầy ròng rã từ hơn hai ngàn năm đổ lại đây, tính luôn thời điểm kể từ khi nước Việt giành được độc lập từ năm 936, và như vậy dân tộc Việt Nam đã thực sự thành hình như ta thấy ngày nay là cái tổng thể hoà hợp chủng tộc của “thổ dân” và người đến sau từ phương Bắc trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc và của những triều đại tiếp theo sau đó. Hãy so sánh cái “melting pot” của nước Mỹ, hay đúng hơn là của các nước Nam Mỹ, vì ta có thể nhận thấy mô hình chủng tộc của phần đông dân số các nước châu Mỹ La Tinh sau chỉ 300 năm bị người Tây Ban Nha (Spanish) thống trị và đồng hoá, thành phần “Hispanic” (dân bản xứ hợp chủng với người Tây Ban Nha da trắng) đa số mang họ Tây Ban Nha và nói tiếng Tây Ban Nha, còn dân bản địa vẫn là dân bản địa, có sự phân biệt rõ ràng, và ở xứ ta, dân bản địa chính là “dân Thượng”.

Nếu thế tại sao người Việt lại không “ưa” người Tàu? Bạn có “ưa” người Tàu ở Việt Nam không? Câu hỏi nầy thật khó trả lởi. Nói đúng ra là ta không ưa cái nước Tàu khổng lồ phương Bắc thường xuyên ăn hiếp nước ta chứ không phải cá nhân Hoa kiều nào cả. Bằng chứng là người dân xứ ta đã sống rất hoà đồng với nhiều cộng đồng người Hoa chung quanh, đa số là hậu duệ của những người mới di cư đến sau, cỡ từ 500 năm đổ lại đây, đó là người Quảng đông, người Hẹ, người Hải Nam, người Phúc Kiến, và người Minh hương bao gồm người Triều Châu, mà trên thống kê chính thức thiểu số người Hoa ở Việt Nam mới hơn khoảng 1 phần trăm dân số.

Bởi những lý do lịch sử, nước Việt dường như lúc nào cũng ở trong tư thế chuẩn bị để đối đầu với những đe doạ uy hiếp từ anh Tàu (để chỉ Trung Quốc) vì anh ta quá mạnh xưa nay, nhất là vào thời điểm của thế kỷ 21 ngày nay. Từ xưa đến nay nước Việt lúc nào cũng phải hoà hoãn tìm cách phòng vệ để khỏi bị Bắc thuộc một lần nữa. Ngày nay nhà nước CHXHCN Việt Nam chơi với anh Tàu, nhưng dân ta cũng như người Đài loan, người Tân Gia Ba, người Mã Lai—về mặt thời gian thì họ thuộc thời cận đại – không ai muốn trực thuộc Trung Quốc hết mặc dù thành tố người Tàu ở những xứ này rất là đông đảo. Mô hình chủng tộc của Việt Nam chính là hình ảnh của Đài Loan sau hai ngàn năm nữa, nếu xứ nầy còn tồn tại như một thực thể riêng biệt như ta thấy ngày hôm nay, dân của xứ này sẽ không nhận họ là “người Tàu” mà họ sẽ tự xem mình là dân Đài Loan (ngày nay đã thế) mặc dù thành phần dân bản xứ (“thổ dân”) Đài loan rất là ít (nếu bạn sang Đài loan và thấy rất nhiều người nhai trầu bỏm bẻm khắp nơi, đó là hậu duệ của dân Phúc Kiến, là hậu duệ của sắc tộc Âu Việt trong tộc Bách Việt đã hoà chủng với “người Hán-tạp pín lù” chứ không nhất thiết phài là “thổ dân” gốc Austronesian).

Có phải nói như vậy mọi người trong chúng ta mang họ Tàu đều có tổ tiên là người Tàu hết à? Trả lời thoả đáng câu hỏi nầy chưa có nghiên cứu đứng đắn nào trực diện với vấn đề một cách khách quan (không có đầ uóc thiên Tàu hoặc bài Tàu) và khoa học (như là lập bảng mô hình gene-DNA—không hiểu sao các ông khoa học gia nhà ta vẫn còn chưa thực hiện nổi dự án nầy—cũng như đồng thời tiến hành những nghiên cứu mới mẻ về lịch sử cổ đại của các dân tộc thuộc tộc Bách việt như đã được ghi chép rải rác và tản mạn trong cổ thư của Tàu nhưng chưa có nghiên cứu nào nhắc đến chúng, không cứ phải nhai đi nhai lại những điều đã có sẵn từ Hoàng Lê Thông nhất Chí, Đại Nam Sử Lược, Việt Nam Sử Lược, v.v...)

Tóm lại, dưới mắt nhìn của tôi, người Việt của nước Việt ngày nay chính là hậu duệ của một tổng thể thành tựu và kết tủa từ đám cháu chít của dân bản địa—tính luôn cả những nhóm đã bị hoà chủng hoàn toàn trước đó—họ là những người gốc Tàu đã hoàn toàn “An Nam hoá” từ nhiều đời liên tục trong suốt hơn hai ngàn năm trước và đã trở thành “người Kinh” hay “dân tộc Kinh”. Trong thời đại ngày nay cứ đơn giản nhìn quanh bạn những người quen biết là bạn thấy ngay tỷ lệ Tàu/Việt khá cao, đó là chưa kể những người gốc Tàu đã hoàn toàn Việt hoá. Thí dụ, bên ngoại của tôi, nguyên cũng là người gốc Hải Nam và ông ngoại tôi vẫn còn nói trọ trẹ tiếng Việt, nhưng nay tất cả gia đình phía cậu dì cùng anh em cậu mợ đều đã trở thành người Việt Nam 100 phần trăm, và dĩ nhiên là cái họ Diệp chưa hề bị thay đổi.

Còn “người Thượng”, họ là ai? Họ chính là những người dân bản địa bị đẩy lên vùng miền thượng du (tổ tiên của Mạc Đặng-Dung là người có thể thuộc dân tộc Tày—Dai, Tai, Thai—mà có sách gọi là dân tộc Đản thời cổ đại), trong số đó có cả “người Mường” (gần gũi với người Việt nhất, và Vua Lê Lợi có thể là người gốc Mường) là những người bất hợp tác với những người chủ mới trên đất đai của họ, là giai cấp thống trị của nhà Hán bắt đầu trước hơn thuở vùng đất Giao Chỉ được đổi tên thành Giao Châu vào khoảng năm 197.

Do đó từ câu chuyện nguồn gốc họ P. của tôi và họ Diệp bên ngoại tôi, nói thêm dăm ba câu nhàn đàm về họ Huỳnh của bạn, rồi nếu có tán thêm về họ Khổng, họ Đỗ, họ Võ, họ Cao, họ Đoàn, họ Trịnh, họ Lâm, họ Lê, họ Lưu, họ Phạm, v.v.. cuối cùng kết luận tất cả vẫn đều là những họ Tàu. Và nói chung, không có họ nào là họ Việt Nam thuần tuý cả, kể cả họ Nông. Người ta cũng cho rằng họ Nông là họ của người Nùng nhưng thực ra đó cũng là họTàu!
Nói về người Nùng, như đã kể trên, đây là nhóm dân tộc thiểu số có mặt khắp nơi từ trên miền thượng du Bắc bộ ở Việt Nam trải dài đến suốt cả vùng miền nam Trung Quốc. Dân tộc nầy ở Trung Quốc ngày nay người ta gọi là tộc Tráng, dù họ vẫn giữ bản sắc riêng thì đa số bây giờ cũng đã bị Hán hoá khá nhiều, tất cả hầu như ai cũng đều mang họ Tàu như ta. Cũng như sắc tộc Lạc Việt, tổ tiên của dân Nùng là một thành phần của các dân tộc Bách Việt của trên 4000 năm trước nằm trên địa bàn miền Nam Trung hoa vượt qua bên tả ngạn Sông Dương Tử lên tận đến vùng thuộc Tỉnh Sơn Đông miền Đông Bắc nước Tàu trước khi người Hán bành trướng đến chiếm lĩnh và đồng hoá. Trong thời đại ngày nay, dân tộc Tráng (Nùng) là một dân tộc có số dân thiểu số đông nhất thế giới, hơn 20 triệu người, sống trong một lãnh thổ mà họ không có quốc gia riêng (quốc gia riêng của họ ngày xưa đã bị thay thế bằng nước Sở cách đây trên 2500 năm). Địa bàn tập trung của dân tộc nầy ngày nay nằm trong khu vực tự trị của Tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ngày xưa, người Nùng là người bất hợp tác với người Hán, số người chấp nhận sự Hán hoá, ngày nay đã trở thành người Quảng Đông, người Phúc Kiến!

Tôi đã từng hoài nghi là người Việt cổ đại của tổ tiên dân tộc Việt Nam ngày nay có máu mủ quan hệ với dân Nùng nhưng luận cứ nầy chỉ căn cứ trên những sự kiện văn hoá như di vật trống đồng mà cho tới ngày nay họ vẫn còn sử dụng vào các dịp lễ lạc (họ còn có cả chuyện cổ tích về nguồn gốc trống đồng), sự tích nỏ thần, và về mặt ngôn ngữ, ngữ pháp của tiếng Nùng có cấu trúc danh từ đi trước hình dung từ đi sau, và vết tích nầy vẫn còn hằn dấu trong tiếng Quảng Đông, thí dụ, “gà cồ” họ gọi là “cáy công” (tiếng Phước Kiến, Triều châu, và Hải Nam cũng đều có cách nói tương tự.) Có điều là khi tôi nghiên cứu từ nguyên đã không tìm thấy sự tương đồng nào đáng kể với các cụm từ cơ bản giữa tiếng Nùng và tiếng Việt, có lẽ vì từ nguyên tiếng Việt đã bị Hán lấn át gần hết.

Sở dĩ tôi dài dòng như vậy vì vấn đề ngôn ngữ và dân tộc đều có mối quan hệ mật thiết với nhau, ví dụ, sự tách rời người Kinh và người Mường từ người Việt cổ bản xứ giống y như sự tách rời của tiếng Việt ra khỏi ngữ chi Việt-Mường. Thực ra nhận thức này chỉ nảy sinh trong tôi sau những cố gắng truy tìm nguồn gốc tiếng Việt, cụ thể hơn, đó là từ nguyên tiếng Việt có gốc Hán. Tôi nhận thấy sự hình thành dân tộc Việt Nam và tiếng Việt có rất nhiều điểm chung, đó là cái nền Bách Việt, còn cụ thể thì tôi vẫn chưa biết cái nền nguyên sinh (aborginal stratrum) của Lạc Việt tiếp cận với thành phần sắc tộc thiểu số nào ngày xưa để bắt cây cầu nối bị đứt đoạn bắt đầu từ lúc dân Lạc Việt sau khi đã trải qua hết sự cai trị của 18 đời Hùng vương—kéo dài tối đa là 500 năm, tuổi thọ thời đó không cao—tình hình ở xứ Giao Chỉ thời bấy giờ đã ra sao trước khi hoà nhập vào nước Nam Việt của Triệu Đà? Đám dân bản xứ có ngón chân giao nhau đã biệt dạng chốn nào khi nhà Hán đến cai trị xứ nầy? “50 con lên núi?” Dân tộc đó có lẽ phải biết trồng lúa, ăn trầu, nhuộm răng, xâm mình, đánh cá, luyện đồng thau, đúc trống đồng, v.v... tuỳ theo thời điểm và không gian mà ta xác định là muốn bắt nguồn vùng Hồ Nam Động Đình Hồ hay chỉ tính từ vùng Châu thổ Sông Hồng, mà ở cả hai vùng đều có mặt những người thuộc sắc tộc Môn (thuộc Mon-Khmer) vì trong tiếng Việt đã giữ lại những dấu ấn đáng kể vì ngoài sự vay mượn từ vựng do sự giao tiếp ra còn phải có mối liên hệ cật ruột nào đó trước khi người Hán tới.

Bàn đến vấn đề ngôn ngữ, sự hình thành một dân tộc thường đi đôi với sự hình thành tiếng nói của dân tộc đó. Những yếu tố cấu thành tiếng Việt hiện đại, trong quá trình phát triển, yếu tố mạnh sẽ lấn át những yếu tố yếu. Do đó, nghiên cứu về nguồn gốc dân Việt cần phải có sự hỗ trợ của những thành quả nghiên cứu về tiếng Việt. Và ngược lại đối với tộc Hán cũng thế vì người ta cũng đã tìm thấy rất nhiều dấu vết từ “Bách Việt” trong tiếng Hán (như yếu tố Mon-Khmer trong tiếng Việt).

Bài viết nầy chẳng phải là bài nghiên cứu về Việt ngữ cho nên những kết luận vắn tắt nêu ra ở đây là hệ luận rút tỉa từ những nghiên cứu của vấn đề đó mà ra. Tuy những nhà ngữ học Tây phương ngày nay—theo thiển ý, có điều phiến diện và thiếu “ngữ cảm”, tuy là “Tây” nhưng không nhất thiết mấy ổng đúng vì đa số dựa vào thông tin do “informants” hay “thông dịch viên” cung cấp, sử dụng công cụ ngữ học Ấn Âu một cách máy móc và cứng nhắc cũng như không “master” ngôn ngữ liên hệ mà họ nghiên cứu—đều kết luận là tiếng Việt có nguồn gốc Nam Á (Austroasiatic, aka “Bách việt”) thuộc ngữ hệ Mon-Khmer, ngữ chi Việt-Mường phát triển từ tiếng Việt cổ đại, hay là “Vietic”.

Trong tiếng Việt hiện đại tất cả những thành tố tiếng Hán cổ đại và hiện đại đều hiện diện rõ nét và được sử dụng tích cực, nhất là về mặt từ vựng, bao gồm luôn những từ căn bản, trong khi đó tiếng Việt lại cách xa rất nhiều với những ngôn ngữ thuộc hệ Mon-Khmer. Dù là trong bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới ngày nay đều có những yếu tố vay mượn ngoại lai, nhưng những từ cơ bản dùng trong sinh hoạt hằng ngày cũng như những khái niệm để chỉ những sự vật và hiện tượng xung quanh ít khi có sự vay mượn. Do đó sự tương đồng của những từ cơ bản này trong tiếng Việt với nhiều phương ngữ tiếng Hán cho thấy mối quan hệ của chúng không chỉ đơn giản là sự vay mượn thuần tuý mà có thể có mối bàng hệ vì lý do cả hai dân tộc Hán và Việt, như đã kể trên, hình thành do sự hoà chủng lẫn nhau. Sự kiện nầy cho ra kết quả phản ánh rõ nét trong hầu hết các phương ngữ tiếng Hán và tiếng Việt. Giống như về mặt dòng máu sắc tộc, càng tiến về phương Nam, yếu tố “Hán-phương Bắc” loãng dần và yếu tố “bản địa-phương Nam” đậm lên.

Cách sử dụng từ vựng ở miền bắc Việt Nam cho đến ngày nay vẫn còn bị ảnh hưởng tiếng Hán, cả cổ đại và hiện đại, một cách mạnh mẽ trong khi tiếng miền Nam biến âm và kết nạp nhiều ngữ tố bản địa, thí dụ “lợn” (Hán Việt “độn”) đối lập với “heo” (HV “hợi”); ngan | ngỗng; giời | trời, giăng | trăng; bố | tía; mợ | mẹ; xơi | ăn; tiểu | đái; đéo | đụ ... cho dù trong tiếng Nam vẫn còn lưu giữ những âm vị cổ như Việt | “Jiệt”, vô | “dô”... Đồng ý là số đếm “một” đến “năm” trong tiếng Việt đồng nguyên với các thứ tiếng Mon-Khmer, nhưng không có ông Tây nào biết “bánh chưng”, “bánh dày”, “dưa hấu”, “đậu phụng”, “bắp”, “chả lụa”, “ruốc”... đều đồng nguyên với tiếng Hán. Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu trên 90 phần trăm từ vựng trong tiếng Việt có mối quan hệ trực tiếp với tiếng Hán, thành phần dân Việt có phải có cùng tỷ lệ?

Nhiều chủng tộc khác trên thế giới ngày nay như là người Ấn độ, người Châu Mỹ La tinh, như người Tàu và người Việt hiện đại (tôi cố ý lặp lại ở đây), đều có nguồn gốc hợp chủng! Tôi và bạn và những người Việt Nam ngày nay chỉ khác nhau ở chỗ là tổ tiên của mỗi người trong chúng ta di cư đến nơi nầy trước và sau mà thôi, giống như dân của Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ vậy.

Người mà ta chính thức gọi là “Hoa kiều” hay “người Hoa” là những người có tổ tiên mới đến từ Tàu thời gian sau khi Triều Minh bên đó bị Nhà Mãn Thanh thôn tính. Một vài thế hệ nữa, những người Hoa này sẽ trở thành người Việt Nam hoàn toàn, hay nói đúng hơn, một người Tàu Việt Nam, hoặc là “người Việt gốc Hoa”, giống như bên Mỹ họ gọi “người Mỹ gốc Hoa”, “người Mỹ gốc Việt”, và thế hệ thứ hai thứ ba sinh đẻ ở Mỹ sẽ đơn giản gọi là người Mỹ.

Giống như lời bàn luận của anh NTK về sự hình thành của nước Mỹ và người Mỹ, thuở ban sơ bắt đầu từ dân Anh di cư nổi lên làmcách mạng dành độc lập. Thực tế là người Mỹ thuở ban đầu là người gốc Anh và sau khi họ giành được độc lập nước Anh và người Anh vẫn là người đồng minh tự nhiên của họ. Một trong những lý do là điều kiện địa lý xa xôi, Đế quốc Anh không vói tay tới Mỹ được để thuộc địa hoá lần nữa. Và nước nầy vẫn còn đang trong tiến trình trưởng thành để trở thành một nước hợp chủng đúng nghĩa. Nếu ta cứ giả dụ rằng những người Mỹ đến trước là người da vàng, thì thực thể chủng tộc sẽ không còn sự phân biệt nào nữa, y chang như sự cấu thành thành phần dân tộc Hán hay Việt Nam.

Tôi đưa sự kiện hình thành nước Hiệp chủng Quốc Hoa Kỳ, nhưng chưa tới 300 năm, để chúng ta dễ dàng nhận thấy dân Hán ở bên Trung Quốc ngày nay là một tổng thể hợp chủng “hiệp chủng Quốc” đã có và hình thành trong suốt hơn 5000 năm (Nhà Ân bị nhà Hạ tiêu diệt, nhà Thương lấy nhà Hạ, nhà Châu hạ nhà Thương, rồi nhà Châu bị suy yếu trong thời “Xuân thu chiếnquốc”, nhà Tần hùng mạnh lên diệt nhà Châu (“Đông chu liệt quốc”) tóm thu thiên hạ -- đa số là dân có nguồn gốc Bách Việt—rồi bị nhà Hán tiêu diệt, Hán hoá tất cả dân các nước xong họ tiếp tục bành trướng xuống phương Nam. Do đó ta thấy dân Hán tức là cái tổng thể hoà hợp đó, là cái “tạp pín lù” nát nhứ chín rục từ cái nồi súp với mọi thứ rau cỏ thịt thà trong đó. Phải nói đây là nồi súp de hoặc nối áp suất mới đúng, thứ gì bỏ vào đều bị tan rục: dân Rợ, dân Nam man, dân Kim, dân Mãn châu, dân Mông cổ, và suýt nữa là dân Nhật khi họ xâm lăng Trung Quốc trong thời Đệ nhị Thế chiến (cho dù họ có gọi là Đại Đông Á, Xứ Mặt trời mọc hay lặn hay là cái chi chi gì chăng nữa thì cái thành tố “Hán” vẫn còn đó bất kể dưới danh xưng nào.

Nước Việt may mắn là Vua Quang Trung không sống đủ lâu để thực hiện giấc mộng lấy lại hai vùng đất Lưỡng Quảng, nếu thành công và ngay cả cho dù có thâu tóm cả nước Tàu và gọi nước nầy là nước Đại Việt đi chăng nữa thì bản chất của nó vẫn là “Hán” như ta đã lặp đi lặp lại nhiều lần ở trên. Got the ideas, my buddy? Phải hiểu lịch sử hình thành nước Tàu từ xưa đến nay như thế nào mới không có những khái niệm lệch lạc về người Tàu.
Do đó ngày nay khi chúng ta bàn về ý đồ bành trướng với “chủ nghĩa đế quốc mới” của Trung Quốc, cũng đang nới rộng qua đến những nước Phi châu, ta biết rằng là trong tâm thức người Tàu (“người Hán hiện đại”) bao giờ cái ý tưởng bành trướng về phương Nam vẫn là con đường lý tưởng nhất và cần thiết để sinh tồn. Vì vậy, mối đe doạ “Bắc thuộc kiểu tân thời” là một hiện thực mà Việt Nam phải đối đầu thường trực, nếu không, 100 năm hay 200 năm nữa xứ ta không chừng sẽ trở thành một tỉnh của Trung Quốc, không khác gì Quảng Đông ngày nay.

Như đã nói trên, dân Quảng Đông bản xứ 2200 năm trước có thể là cùng gốc với người Nùnggiống như Việt và Mường vậy sau bị “người Hán” thống trị và Hán hoá nay trở ành “Đường nhân” hay là “Thòng dành”. Sở dĩ họ thường tự xưng như vậy là vì di dân từ khắp nơi vào vùng nầy nhiều nhất xảy ra vào đời nhà Đường, tiếng Quảng Đông là tiếng biến dạng của tiếng nói từ đời nhà Đường xây dựng trên cái nền “tiếng Nùng cổ đại”. Trong đám bạn của chúng ta có LVD và HHQ là người có thể người Quảng gốc Nùng đó, bạn hiền ạ.

Tôi không nghĩ là có nhiều người Việt Nam hiểu rõ nước Tàu và người Tàu như tôi đã trình bày, ở mỗi thời đại người Hán mỗi khác, và đa số những cái nhìn hạn hẹp nông cạn của những tay kỳ thị chủng tộc này nọ chỉ lặp đi lặp lại những quan điểm và cái nhìn của những những tay kỳ thị chủng tộc khác. Và đây là bài viết để những người đó hiểu sâu hơn chút nữa nếu họ chịu suy gẫm về những luận định của tôi.

Nếu không biết địch là gì và cũng chẳng biết ta là ai luôn, lúc đụng trận bị thua là cái chắc.

(Nguồn: Blog Sự thật và tri thức )

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Ranh giới giữa sáng kiến và “tối kiến”(*)

  (*) đã được đăng tại http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-04-06-ranh-gioi-giua-sang-kien-va-toi-kien- 
                                                                                                         
Cách đây mấy hôm cả nước ta đã đồng loạt tắt điện trong 1 giờ nhân “Ngày trái đất”. Đó là lần thứ 3 thực hiện sáng kiến tiết kiệm điện kể từ năm 2009  mà trong đó mỗi người chỉ cần làm một động tác đơn giản và hoàn toàn tự nguyện là tắt điện trong gia đình mình. Nhưng kết quả  đưa lại  thật là ấn tượng và đầy ý nghĩa : Không chỉ tiết liệm được 400,000 Mw tương đương 500 triệu Đồng mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng !. Một việc làm như thế không xâm hại lợi ích của bất cứ ai và không ảnh hưởng đến bất cứ một hoạt động kinh doanh sản xuất  nào,  lại còn tao ra một niềm vui nho nhỏ trong các gia đình có dịp được quây quần bên nhau trong ánh sáng của ngọn nến.

Xin miến bàn về nguồn gốc xuất xứ hay động cơ của sáng kiến “Ngày trái đất”, ta có thể dẽ dàng đi tới nhất trí rằng đây chính là một SÁNG KIẾN ĐÍCH THỰC theo đúng nghĩa của nó. Do đó nó không chỉ được nhiều người tự nguyện hưởng ứng mà còn được duy trì phát huy lâu dài . Một sáng kiến như vậy không đòi hỏi bất cứ một nguồn vốn tài trợ nào nên cũng không có chuyện các “ bên” xông vào nhằm chia chát , xè xẻn rồi biến  thành những “hậu quả” như đã từng thấy. Thế mới hay, một ý tưởng mới chỉ có thể xác định là sáng kiến bằng kết quả và giá trị thực của nó, chứ không nên nhìn vẻ bề ngoài hoặc nghe những lời giới thiệu hoa mỹ về nó.

Tuy nhiên,  thực tế lâu nay ở nước ta đã và đang có vô số những việc làm được cao rao là “sáng kiến” có khi ở tầm cỡ những dự án tiêu tốn rất nhiều nguồn lực nhưng kết quả chẳng bao nhiêu, thậm chí còn gây ra những hậu quả khôn lường. Đơn cử như câu chuyện mua tàu cũ của nước ngoài đem về sửa chữa cải tạo thành tàu du lịch Hoa Sen mà VINASHIN đã từng làm và để lại hậu quả như ta đã thấy . Hay gần đây nhất là trường hợp khai thác bauxite Tây nguyên đang diễn tiến theo chiều hướng hậu quả hơn là kết quả. Khắp nơi trên đất nước này nếu có dịp đến cơ quan xí nghiệp nào cũng thấy treo đầy những bằng khen tặng sáng kiến xuất sắc,...nhưng không mấy ai biết rõ những hậu quả đằng sau những tấm bằng khen đó. Có những sáng kiến đưa lại một vài cái lợi trước mắt nhưng gây ra những hậu quả lâu dài.  Câu chuyện đóng/ mở, mở/đóng đói với các ngã tư đường phố của Thủ đô Hà Nội có lẽ cũng thuộc loại sáng kiến như vậy; nó không chỉ  gây nên những lãng phí về vật liệu, xăng dầu..., mà còn làm mất mĩ quan  đồng thời làm tăng độ ô nhiễm môi trường đô thị, đặc biệt là sự phản tác dụng đối với công tác giáo dục công dân về ý thức chấp hành luật lệ giao thông (tham khảo tại đây: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-13-dem-ngu-van-mo-tay-nam-vo-lang-quay-chong-ca-mat- )

Có thể nói có tình trạng lạm dụng khái niệm sáng kiến ở nước ta trong nhiều năm nay. Đi kèm với nó là sự lãng phí nguồn lực một cách oan uổng. Có những sáng kiến tiêu tốn rất nhiều ở giai đoạn tiền khả thi để rồi bị "treo"  như “Thành phố ven sông Hồng”, “Trục Thăng Long-Ba Vì”, v.v... Vì thế, có người đưa ra một định nghĩa vui vui  rằng  sáng kiến là ý kiến đưa ra vào buổi sáng đến buổi tối đã  trở thành “tối kiến”!

Vẫn biết sáng kiến là một phạm trù đặc biệt, không thể thiếu nếu muốn thúc đẩy nhanh hơn tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhưng trong bối cảnh nước ta còn thiếu một cơ chế và năng lực để đánh giá, xét duyệt và quản lý quá trình thực hiện sáng kiến, thì trước hết phải hết sức thận trọng trong việc phê duyệt và áp dụng các sáng kiến đồng thời  phải biết kiên quyết chấm dứt kịp thời những sáng kiến nào đang biến thành “tối kiến”. /.
     
Trần Kinh Nghị

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Xấu chơi

Xấu chơi hay chơi xấu cũng vậy thôi. Đó là một thói xấu mà rất nhiều người làm ăn kinh doanh cần tránh (Tôi muốn nói đến người làm kinh doanh vì đối với họ nó quan trọng hơn nhiều đối với những người khác, vì nếu không khéo thì “gậy ông đập lưng ông”).

Hôm vừa rồi tôi có việc đi Pleyku mấy ngày rồi quay ra Hà Nội . Chuyến đi sẽ trôi chảy và khá thú vị , nếu không có một hiện tương (tôi nói là “hiện tượng” cho nó nhẹ bớt đi dù vẫn biết loại hiện tượng này rất phổ biến ở nước ta trong thời buổi kinh doanh chụp dựt vô nguyên tắc, vô đạo lý có thể gọi là "nhọm nhạm" trong nhiều năm nay). Nó khiến tôi cảm thấy rất chi là “tức cảnh” và phải ngồi lại viết đôi điều ít ra cũng để “xả xì-trét”.

Là người Nam sống ở Bắc nên tôi thường phải đi lại rất nhiều từ đầu đến gữa hoặc cuối cái đất nước có hình chữ S này, ít nhất cũng 2 lần mỗi năm. Ngày trước  do khó khăn tôi không ngại đi bằng bất cứ phương tiện nào. Ngày nay thuận tiện hơn, và bản thân cũng đã có tuổi, nên tôi hay đi máy bay, lại còn đi taxi ra vào sân bay nữa.

Tuy nhiên gần đây không hiểu vì tình hình khủng hoảng kinh tế hay lý do nào đó mà tôi sinh ra ý định sẽ đi từ sân bay về nhà bằng xe bus. Ý định này được “bà xã” rất hoan nghênh  bằng cách “tư vấn” cho tôi cách làm thế nào tìm được đúng loại và số xe tốt nhất.

Để cẩn thận, tôi định sẽ làm quen với một vài hành khách cùng tuyến để hỏi kinh nghiệm. Và cũng thật may, khi ngồi phòng chờ ở Pleyku tôi nhận ra một người trẻ tuổi mà tôi đã ngồi cạnh tại phòng đợi trong chuyến bay vào hôm trước. Anh ta cũng rất vui nhận ra tôi giữa cái sân bay tĩnh lẻ này .   Tôi chưa kịp nói hết “ý đồ” của mình thì anh bạn trẻ đã nhận lời sẽ giúp tôi ngay và cho biết anh ta vẫn thường xuyên đi xe bus sân bay. Vậy là tôi đã cảm thấy “yên chí lớn” giống như một cậu bé đến trường với sự diều dắt của cô bảo mẫu.

Khi xuống máy bay, thấy trời mưa, tôi hơi do dự muốn gọi taxi , bụng nghĩ  dù sao đi 2 người thì chi phí cũng bớt được ½. Nhưng anh bạn vẫn “kiên trì đường lối” và dẫn tôi đi nhanh về phía có nhiều xe bus to, nhỏ cách đó độ 300m. Khi đi ngang qua một chiếc minibus thì có mấy người xông ra níu kéo mời chào rất nhiệt tình. Thấy trên xe đã có khá đông người, có cả  người Tây…tôi tưởng đây là “đúng fốc” cái xe mà mình cần. Nhưng anh bạn tôi nhìn qua một cái  liền quay đầu đi tiếp. Tôi đành phải đi theo. Đến một chiếc bus loại to nhất thì dừng lại. Mà không dừng cũng không xong khi có mấy người cũng xông ra níu kéo mời chào . Lúc đó tôi thoáng nghe ai đó nói: “….xe này không đi qua đường Hoàng Quốc Việt đâu”. Tôi nghĩ  đây không phải là xe giành cho mình, nên đành chào anh bạn rồi quay lại với cái xe minibus lúc nãy, bụng bảo dạ: đàng nào họ cũng đang cần mình để đủ người đi…Mình cần họ, họ cần mình, thế là phải đạo.

Thế nhưng, không ngờ đó không phải là cái lô-gíc của những gã lơ xe kia. Họ nhìn tôi quay lại với một con mắt đầy hằn học…thậm chí muốn báo thù thì phải(?) Một gã bảo: “Lúc nãy bảo đi, không đi…Giờ thì không cho đi nữa! Một gã khác lại nói “Đã bảo không nghe…cho chết!”. Trong tôi nỗi lên một cảm giác như bị giội nước lạnh từ trên đầu giữa mùa Đông rét mướt. Không van xin cũng không cần giải thích, tôi buộc mồm quát lên: Sao xấu chơi thế!..., khiến mấy người Tây đang chờ đợi trên xe cũng giật mình. Trông họ có vẽ muốn cảm ơn tôi đã phần nào giúp họ bày tỏ sự bực tức đối với đám lơ xe. Lúc này trong đầu tôi lại hiện lên những lời nhận xét của một bài viết của một tác giả hải ngoại mà tôi đã tình cờ đọc được cách đây mấy tháng :”Người Việt xấu xí”…Đúng quả thật người Việt xấu xí…xấu từ ngoài vào trong. Có lẽ từ nay về sau tôi sẽ không bao giờ dám nghĩ đến việc đi bằng xe minibus sân bay nữa.

Nhưng sau đó khi ngồi trên một cái xe khác để vào thành phố, tôi nghĩ : Người Việt không những xấu xí mà còn rất yếu kém trong lĩnh vực kinh doanh (Tôi dùng chữ “yếu kém” cho nó lịch sự chứ thật ra là “không biết” thì đúng hơn). Mấy gã lơ xe kia chắc là ít học thì không biết đã đành, chứ các cơ quan chức năng  mà cũng không biết thì còn ai có thể biết (?)  Hà Nội có khá nhiều xe bus trống rỗng chạy nhông nhông giữa phố như "điên", mặt lái xe và lơ xe lúc nào cũng cau có...; nhà xe kêu "lỗ vốn" vì ít khách trong khi hành khách rất cần xe nhưng cũng rất lo sợ bị "hành" nên đành quy về với cái xe máy hay xe đạp (!) Có quá nhiều nghịch lý trong các ngành kinh doanh dịch vụ như vậy trên đất nước ta ngày nay./.              




Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Vì tiền? nhưng không thể bất cứ giá nào!


Căn lều dự  án mọc lên làm xấu cả phố phường
Tấm ảnh trên được chụp mới sáng nay tại con ngõ số 239 Phố Tô Hiệu, Quận Cầu Giấy, Thủ đô Hà Nội, cũng là con ngõ chính nối  Phố Tô Hiệu với Làng Quốc tế Thăng Long nên lúc nào cũng quá “nhộn nhịp” với dầy đặc hàng quán và xe cộ khiến người đi bộ luôn phải đi dưới lòng đường rất nguy hiểm. Đã có không ít vụ tai nạn xảy ra tại đây. Ấy vậy mà người ta đang hối hả xây chen tại đây ít nhất là 2 dự án chung cư nữa. Mảnh đất hẹp chỉ khoảng 400 m2  bên phải tấm ảnh này thuộc một “dự án” gồm 4 biệt thự đang được khởi công. Còn một dự án “khủng” hơn nhiều với gần 100 căn liền kề đang được lăm le khởi động ở phía đầu ngõ trên rẻo đất  hiện đang là hành lang bảo hiểm lưới điện 110KV giữa Làng Quốc tế Thăng Long và Phố Tô Hiệu.

Người viết bài này chỉ là một "phó thường dân" nên không đủ thẩm quyền “để biết” mọi ngóc ngách của hai dự án nói trên, nhưng cũng biết đủ để xin được sử dụng cái quyền “được bàn” như sau.

Người Hà Nội chắc đều biết Làng Quốc tế Thăng Long là một trong số ít khu chung cư cao cấp đầu tiên của Thủ đô. Nó vẫn còn đó dấu tích của những biệt thự mà Lã Thị Kim Oanh “biến hóa” từ một dự án chung cư cao tầng là chính. Mảnh đất nằm ở rìa ngoài nói trên cũng là một dấu vết còn sót lại sau nhiều lần đấu tranh giằng co, quãng năm 2006 nó đã được kết luận là “đất cây xanh…, không được xây nhà ở”.  Nhưng cách đây mấy tháng bỗng dưng có người đục tường  rào  vào trong sân dọn mặt bằng,  ai hỏi chỉ nói úp mở…. Nhưng mới đây đã lộ rõ nguyên hình là sự “hồi sinh” cái ý đồ của 10 năm trước, khác chăng là, trước đây định xây 2 biệt thự thì giờ thành 4 căn liền kề!
Vấn đề chưa rõ là ai cho phép xây và xây cho ai (?). Nhưng điều đã rõ  là dự án này vi phạm các quy tắc xây dựng cơ bản, và ắt hẳn có những khuất tất trong đó cần được làm sáng tổ và kịp thời ngăn chặn.

Trường hợp dự án thứ hai còn lớn hơn rất nhiều với quy mô gần 100 căn liền kề tạo nên một “bức tường” bằng nhà dài gần  ½ km chạy dọc sau phố Tô Hiệu và cũng cắt qua con ngõ nhỏ nói trên (theo sơ đồ thiết kế của công ty chủ quản INDECO).  Dư luận đàm tiếu rằng nếu được thực hiện, nó chắc sẽ là một “kiệt tác” nữa của nền kiến trúc chắp vá của Thủ đô ta. Xấu xí không giống ai là một chuyện. Nhưng chuyện đáng nói ở đây là sự vô lý của một dự án xây chen nhà ở trên diện tích đất lưu không đường điện cao thế (dù đang treo trên cao như hiện tại hoặc sẽ hạ ngầm sau này). Hơn nữa về mật độ dân cư đây là một khu vực đã được quy hoạch với Khu tập thể Nghĩa Tân một bên và Làng QTTL một bên, chẳng có lý gì để “chèn” thêm  một khu dân cư nữa vào giữa.     

Ai cũng biết thủ đoạn “xây chen” là một mánh kiếm tiền của các chủ thầu xây dựng. Nhưng trong hai trường hợp kể trên nó là sự vi phạm có tính toán mà những kẻ vi phạm  tỏ ra rất kiên trì bám đuổi phần lợi nhuận 200% của họ ( như luận điểm thời nào cũng đúng của Karl Max: Nếu đạt lãi xuất 200% thì nhà tư bản dù bị treo cổ cũng không từ bỏ).

Tuy nhiên,  cũng xin thưa, trong một xã hội pháp quyền, thiết nghĩ mọi hoạt động kinh doanh nhất thiết phải tuân thủ pháp luật. Và pháp luật không ngoài mục đích nhằm đảm bảo quyền sống và mọi quyền lợi chính đáng của công dân. Người cầm cân pháp luật không ai khác là các cơ quan chức năng của Nhà nước. Vậy nếu không có sự chấp thuận (dưới mọi hình thức nào đó) của một cơ quan nhà nước thì liệu các công ty xây dựng trên đây có thể liều lĩnh đổ vốn cho những phi vụ làm ăn mà họ biết chắc là không được sự đồng thuận của nhân dân?  

Nhưng qua những gì đang diễn ra cho dân thấy các chủ thầu đã và đang làm việc một cách đầy tự tin. Không rõ vì sao họ có thể đưa ra nhiều công văn giấy tờ có chữ ký và con dấu  của các cơ chức năng cho phép xây dựng nhà ở như vậy.  Nghe nói họ thậm chí đã “bán hết” các lô đất nền…(!). Trong khi đó người dân cảm thấy  rất bức xúc, lo lắng không biết điều gì sẽ xảy ra nếu cái gọi là “dự án” như vậy được tiến hành. Nhiều người cho rằng những kẻ đầu cơ chỉ cần cắm mốc và rào khoanh vùng để “xí phần”, sau đó chưa chắc đến lúc nào sẽ thực hiện, miễn là giá đất sẽ tiếp tục lên!  Suy luận này  hoàn toàn có cơ sở khi mà chưa một cơ quan Nhà nước nào đứng ra chính thức thông báo và giải trình về tính khả thi của dự án “hạ ngầm lưới điện 110 KV” trên phần diện tích đất của dự án nhà liền kề nói trên.   

Dân cư trong khu vực đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi đến các cấp chính quyền từ Phường đến Thành phố; cũng đã có sự lên tiếng của báo chí. Nhưng cho đến nay tất cả vẫn rơi vào yên lặng. Ngoài một vài cuộc họp do Phường Dịch Vọng tổ chức mà trong đó chỉ để nghe ý kiến tranh cãi giữa người dân với đại diện Công ty có dự án, chưa hề có một văn bản hay một hình thức trả lời chính thức nào của các cấp chính quyền.

Thiết nghĩ, đất nước đang thực hiện đổi mới, trong đó Thủ đô là tấm gương về mọi mặt không lẽ nào cứ quẩn quanh mãi trong nếp làm xây dựng chắp vá? Một Hà Nội mở rộng với  hơn 3.300 km2 ngày nay không thể thiếu đất để phải cho xây chen,  xây ép các khu dân cư trong vùng nội thành. Cách làm này chỉ có lợi trước mắt cho những kẻ đầu tư bất động sản trục lợi, nhưng sẽ mãi mãi làm nhơ xấu hình ảnh của phố phường Hà Nội. Kiếm tiền ai cũng muốn, nhưng cái giá phải trả mới là vấn đề: Đó là hình ảnh xấu xí, lạc hậu của Thủ đô; đó là lòng tin của người dân vào nơi công quyền bị xói mòn./.           

Trần Kinh Nghị

Cơ hội để HLV nội lên ngôi?


Sự ra đi đột ngột của Huấn luyện viên (HLV) ngoại Calisto dù muốn hay không đã đặt Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nói riêng và nền bóng đá nước nhà nói chung vào thế khó. Khó vì nhiều lẽ , nhưng có hai lý do chính: đó là thời gian còn quá ít từ nay cho đến khi Tuyển Quốc gia phải ra quân ( trước tiên là trận vòng loại cup châu Á vào tháng 5); và vì tâm lý “sính ngoại” không chỉ trong dân chúng, đặc biệt người  hâm mộ, mà còn cả trong làng bóng đá nước nhà.

Một lần nữa VFF lại đứng trước thế tiến thoái lương nan giữa hai lựa chọn: HLV nội hay ngoại?  HLV ngoại thì đã có nhiều tiền lệ rồi, nội thì hầu như chưa có kể từ thời “mở cửa”. Đối với Tuyển quốc gia, lâu nay HLV nội toàn làm “chân phụ” là chính ! Khó có thể nói dứt khoát vì lý do gì, nhưng có một sự thật  là, người ngoài bảo thì nghe nhưng người đồng chủng, đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí bảo thì không “tâm phục khẩu phục”. Có lẽ vì thế mà dù muốn hay không, bàn đi tính lại, rốt cuộc đành phải chọn “của ngoại” cho được việc cái đã. Nhiều lúc đắt giá lắm mà cũng phải bấm bụng mở hầu bao (như trường hợp thuê  ông Lalisto gần đây nhất chẳng hạn- cò kè mãi cũng không dưới 24.000 đô/tháng!). Nhưng khốn nỗi,  đổi lại, rõ ràng ông ta đã đưa lại một kết quả đúng với cái giá của nó: tấm huân chương vàng Suzuki Cup 2008. Và cũng chính cái kết quả này đang “làm khó” thêm cho các nhà lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam trước tâm lý  “sính ngoại” đã được cũng cố hơn trong dân chúng.

Trên đây là một cách nhìn khách quan. Tuy nhiên người viết bài này lại muốn đưa ra một cách tiếp cận khác nhằm đi tới kiến nghị rằng Việt Nam vào lúc này tốt hơn hết là hãy chọn một HLV nội.  Xin được nêu lý do như sau:

Một là, thời gian đã quá gấp để một HLV ngoại (dù năng lực tốt bao nhiêu) có thể làm quen và nắm vững về mọi điều cần thiết nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ (ngay cả nếu bản thân người được chọn cam kết có thể làm được việc này). Ngược lại, với một HLV nội, việc này không khó khăn gì.  

Hai là, hãy coi đây là một dịp tốt để thử thách năng lực thực sự cũng như các tố chất khác giữa HLV ngoại và HLV nội. Riêng đối với HLV nội đây là một cơ hội để được thể hiện mình, nhất là khi nước ta đang có một thế hệ HLV còn trẻ tuổi nhưng “lớn lên” từ thưc tiễn với những thành tích cao trong quá trình thi đấu khu vực và quốc tế như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn… 

Ba là, dù thành bại, đây là một cơ hội để trãi nghiệm về tâm lý: nên tự cường hay tự ti mà lâu nay người Việt Nam từng vấp phải trong lĩnh vực bóng đá nói riêng cũng như trong các môn thể thao khác và cả  trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, v.v…. Nói cách khác, mọi việc đều cần được liên tục thử nghiệm và kiểm nghiệm lại, chứ đừng mãi sống bằng kinh nghiệm của qúa khứ.

Bốn là, (có thể có người không tán thành) nhưng tôi nghĩ nên hy vọng  đây là một cơ hội để đáp lại lối “làm cao” của một số HLV ngoại mỗi khi họ muốn tìm việc làm với bóng đá Việt Nam. Trong chuyện này cá nhân tôi dù rất hâm mộ ông Calisto nhưng cũng không hài lòng với cái cách mà ông đã chọn thời điểm vừa rồi để “ra đi”.

Thiết nghĩ Việt Nam với gần 80 triệu dân hoàn toàn không phải là một nước nhỏ, lại có một truyền thống yêu bóng đá đầy nhiệt huyết và bản sắc riêng; về trí tuệ cũng đã được minh chứng bằng năng lực học tập và tiếp thu kiến thức thuộc loại cao nhất của thế giới. Thể lực và tầm vóc có thể ảnh hưởng ít nhiều đến thành tích thi đấu nhưng chắc chắn không ảnh hưởng đến nghề làm HLV.  Do đó  không có lý do gì để không sản sinh ra những HLV tầm cở quốc tế. Thậm chí về lâu dài ta hoàn toàn có thể “xuất khẩu “ HLV bóng đá ra thế giới./.
                                                  

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này