Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn-Thể-Mỹ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn-Thể-Mỹ. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Một hiện tượng độc đáo trong làng văn chương Việt

Đó là “Giải văn chương trannhuong.com”  được tổ chức ngày sáng 28.9.2011 tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, 49 Nguyễn Du, Hà Nội.
Nó diễn ra trong bối cảnh có thể nói là “lạm phát giải thưởng văn học” gần đây tại  Việt Nam. Tuy nhiên, được biết  sự kiện trên đây hoàn toàn theo sáng kiến riêng của nhà văn Trần Nhương nhưng được đông đảo giới văn chương hưởng ứng; và lần trao giải được coi là lần thứ nhất này chỉ trao cho 2 tác phẩm, đó là bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải(*) và tiểu thuyết Thời của thánh thần của nhà văn Hoàng Minh Tường(**). Điều thú vị là, giá trị cao nhất của giải chỉbằng 1.000 VND!
Dưới đây xin trích đăng lại một số bình luận và hình ảnh trên mạng về sự kiện độc đáo này.  


P.T.: Với phương châm, lấy sự “hâm mộ” của bạn đọc làm tiêu chí để trao thưởng, hai cuốn sách này hoàn toàn nổi trội để được nhận giải.
Tại buổi trao giải, có đông đảo các bạn văn thơ, các nhà văn hóa tiểu biểu đang công tác tại Hà Nội đến dự. Trong đó có Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Văn Như Cương, đạo diễn Trần Văn Thủy, nhà văn Tạ Duy Anh, Nguyễn Khắc Trường, Phạm Viết Đào, Phạm Xuân Nguyên, Phạm Thành, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Vân Long, Nguyễn Giang, Trần Quang Quý, nhà phê bình Văn học, GSTS Vũ Nho, và rất nhiều các nhà nổi tiếng khác.
Sự thành công rực rỡ của giải thưởng văn chương trannhương.com lần thứ nhất, chính là có sự hiện diện của những nhà này và sự đúng đắn trong việc lựa chọn tác phẩm để trao giải.
Đạt Ma:  Hôm nay 28/9, tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng văn chương trannhuong.com
Hàng trăm cây đại thụ văn chương của Việt Nam đã có mặt trong khuôn viên rất đẹp của Trung tâm, toàn những tên tuổi, những người – mà – ai – cũng – biết – là – ai – đấy, khiến nhà văn Trần Nhương hết sức xúc động và bối rối, không thể giới thiệu hết các quan khách. Ông đành chỉ giới thiệu hai vị cao tuổi nhất là nhà thơ Vân Long và Giáo sư Văn Như Cương.
Theo Nhà văn Trần Nhương: “Giải thưởng Văn chương trannhuong.com” tôn vinh tác phẩm chỉ theo một tiêu chí duy nhất là sự yêu mến của bạn đọc và sức lan tỏa của tác phẩm trong công chúng. Giải thưởng không trao định kỳ, không có hội đồng bình xét, và Chủ nhiệm trang trannhuong.com tuyên bố hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Như quý vị đã biết, trannhuong.com đã đạt con số truy cập 7 triệu lượt người, là một trong những trang web chiếm được sự tin tưởng, quan tâm và yêu mến của bạn đọc.
Giải Văn chương Gôngcua của Pháp cũng chỉ có giá trị 1franc nhưng vẫn là một giải thưởng danh giá được thế giới công nhận. Còn ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên có một giải thưởng như vậy được trao. Vì vậy, giá trị của Giải thưởng văn chương trannhuong.com dù chỉ là 1 đồng bạc Việt Nam, một ngôi sao pha lê nhưng chắc chắn đó vẫn là một Giải thưởng rất nhiều nhà văn mơ ước, bởi đó chính là sự công nhận giá trị tác phẩm của đông đảo bạn văn.
Hai tác phẩm được trao giải lần này là Bão táp Triều Trần của Nhà văn Hoàng Quốc Hải. Tác phẩm đã dựng lại một thời kỳ rực rỡ của Nhà nước phong kiến Việt Nam, thời kỳ mà vua tôi đồng lòng, toàn dân gắng sức xây nên một Vương triều hiển hách, đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa. Triều đại đã ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, thắp lên niềm kiêu hãnh hào khí Đông A còn chói sáng đến giờ. Tác phẩm Bão táp Triều Trần đã được tái bản 8 lần với hàng chục vạn đầu sách, riêng năm 2011 được tái bản 2 lần.
Tác phẩm Thời của thánh thần của Nhà văn Hoàng Minh Tường dù chưa tái bản lần nào, nhưng là một tác phẩm được các đầu nậu sách coi là một miếng mồi béo bở để khai thác. Số lần in lậu và số lượng tác phẩm đã lưu hành gần như không thể thống kê được. Phát biểu tại buổi lễ, Nhà văn Hoàng Minh Tường mong muốn độc giả hãy nói “Không” với các ấn phẩm in lậu, bởi ngoài sự thiệt thòi cho tác giả, nội dung sách còn bị cắt xén, thêm bớt khiến tư tưởng của tác giả gửi gắm vào tác phẩm bị sai lệch.
Hai Nhà văn Hoàng Quốc Hải và Hoàng Minh Tường đã vinh dự và cảm động nhận phần thưởng văn chương do website trannhuong.com trao tặng. Cả một rừng hoa và máy ảnh đã ghi lại giây phút đáng nhớ này. Rất nhiều nhà văn và độc giả nhiều thế hệ đã lên phát biểu, chia sẻ ấn tượng do hai tác phẩm mang lại cho mình.

Ngồi bên Nhà văn Hoàng Quốc Hải trong bữa tiệc chay tại Nhà hàng của chị Như Anh – người yêu của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trong tác phẩm Sống mãi tuổi hai mươi – tôi thấy rất nhiều người đến chào và xin phép nhà văn Hoàng Quốc Hải cho cầm tận tay, nhìn tận mắt Giải thưởng. Trang trọng mở chiếc túi gấm đỏ, nâng đồng bạc trên tay, nhà văn Hoàng Quốc Hải cảm động: “Đối với tôi, đây là một giải thưởng của tình người, vì vậy nó là vô giá”.
Tranh thủ khai thác nhà văn Trần Nhương về dự định trao giải cho những tác phẩm tiếp theo, ông chỉ cười sảng khoái. Tiếng cười ấm mà vang của ông tiễn chúng tôi về trong nắng chiều thu…
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Nhà văn sư tử và giải thưởng tí hon 1 đồng bạc
Cụ Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu, một danh sĩ thời Nguyễn đã từng có ý kiến “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Chúc đồng nghiệp, các nhà văn, nhà thơ hãy vững tay bút vì con người mà phục vụ…

Sáng 28/9/2011 tại Trung tâm văn hóa Hàn Quốc, 49 phố Nguyễn Du – Hà Nội đã diễn ra buổi lễ trao giải thưởng khá đặc biệt trong đời sống văn học nghệ thuật. Đó là giải thưởng trannhuong.com cho 2 nhà văn Hoàng Quốc Hải với bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần và Hoàng Minh Tường với tiểu thuyết Thời của thánh thần.
Hết sức lạ vì trong thời buổi rào rào “gạo châu củi quế” thông tin thì thời gian và địa điểm lễ trao giải thưởng lại được bí mật đến phút chót để tạo bất ngờ và độ “nóng”. Mọi chi tiết về giải thưởng thấy bảo là “to lắm” và sẽ được trao cho những tác phẩm của hai nhà văn “phân khối lớn”. Thậm chí, trước khi trao giải thưởng khoảng 1 tiếng, thông tin cũng chỉ vầy vậy, chẳng có gì khá khẩm hơn.
Hồi hộp quá khi bạn bè văn chương chỉ được rỉ tai nhau hoặc qua tin nhắn, điện thoại… cũng chẳng thấy rùm beng loan báo trên các trang mạng (ngay cả chính chủ giải trannhuong.com), ngoài một bài của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo giới thiệu vào sát giờ trao giải thưởng.
Cái lạ nữa là giải thưởng có giá trị đúng 1 đồng bạc cộng với một cúp Ngôi sao pha lê trannhuong.com mà đông đảo các văn nghệ sĩ trí thức vẫn ùn ùn kéo đến để dự và đòi phát biểu chúc mừng và ôm hôn các nhà văn đoạt giải thưởng tôn vinh có một không hai.
Hà Nội sau mấy ngày ảnh hưởng của bão, sáng nay nắng đẹp. Mới 8h00’ sáng đã thấy nhiều nhà văn, nhà thơ đang bắt tay, kéo áo nhau lại để đọc thơ trong khu vườn rất đẹp phía trong tòa nhà Trung tâm văn hóa Hàn Quốc.
Có thể thấy được nhà văn già vẫn chưa già, họ có nhiều cách để gặp gỡ, trò chuyện, tôn vinh nhau một cách văn hóa, sang trọng, ấm áp tình bè bạn mà vẫn tinh tế và lãng mạn đến khó ngờ. Cái chưa già này còn rõ hơn ở Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII, đi mấy trăm cây số, hầu như ngày nào cũng ở trên xe ô tô, thế nhưng các nhà văn già vẫn tỏ ra sung sức không thua lớp trẻ. Đêm Văn nghệ trung thu trên tầng 10 tại Nhà khách Kim Bình (Tuyên Quang) có mặt đầy đủ các nhà văn, nhà thơ già như Định Hải, Tô Đức Chiêu, Phan Thị Thanh Nhàn, Vũ Quần Phương, Nguyễn Xuân Khánh,… để chia vui cùng lớp trẻ và động viên “chúng tôi hoàn toàn yên tâm về hành trình của các bạn” như nhà văn Hoàng Quốc Hải trò chuyện. Nhà thơ Bằng Việt, nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa, nhà thơ Đỗ Hàn, Vũ Hồng, nhà văn Võ Thị Xuân Hà… thức đến 0h đêm để nghe các nhà văn trẻ đọc thơ, hát và trình diễn thơ, rồi cùng hòa mình bình chọn danh hiệu gương mặt nam tính, rồi gương mặt khả ái, hoa khôi của Hội nghị. Nhà thơ Văn Công Hùng đã hài hước nói rằng “chịu đựng” nhau đến giờ phút này như thế cũng là quá giỏi.
Các nhà văn già quả là có những cách chuyển động mà ngay đến cả những người viết trẻ cũng phải phục lăn và sửng sốt.
Đến dự buổi lễ trao giải thưởng có rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi. Đại diện các cơ quan thông tin truyền thông như tạp chí Nhà văn, báo Văn nghệ, báo Người cao tuổi, báo Thanh niên, quỹ hỗ trợ Văn chương và Cuộc sống, các Website: Vannghequandoi.com.vn, nguoihanoi.com.vn, micronet.vn, Lucbat.com….
Đã thấy thấp thoáng “ngài râu đẹp” – Giáo sư Văn Như Cương, đạo diễn “Hà Nội trong mắt ai” NSND Trần Văn Thủy, nhà thơ – NSND Lê Huy Quang, nhà văn Châu Diên, nhạc sỹ - thi sỹ Nguyễn Trọng Tạo, TS Phạm Thị Như Anh (Hội bảo trợ và truyền bá văn hóa truyền thống các nước ASEAN – Cửu Long), nhà văn Nguyễn Khắc Phục, Tô Đức Chiêu, Tạ Duy Anh, Minh Chuyên, Phạm Xuân Nguyên, Y Ban, Lê Hoài Nam, Phùng Văn Khai, nhà thơ Trần Ninh Hồ, Đỗ Hàn, Đặng Vương Hưng, Lê Quang Sinh, Trần Quang Quý, Vũ Từ Trang, Bùi Hoàng Tám, Nguyễn Việt Chiến, Bành Thanh Bần, dịch giả Đoàn Tử Huyến, Lê Bá Thự, Vũ Nho… và hàng trăm khách quý, độc giả yêu mến văn chương tham dự.
Tại buổi lễ, nhà thơ Vân Long cho rằng: Đây là một sự kiện văn hóa thứ hai, sau cuộc mít tinh kỷ niệm 60 năm ngày bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng ra đời do bạn bè tự tổ chức tôn vinh. Giải thưởng cao nhất chính là giải thưởng của công chúng và ông khẳng định có lẽ chỉ với 1 đồng bạc mà sao thấy đồng tiền Việt Nam chưa bao giờ có giá trị như ngày hôm nay.
Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy thì đầy ca ngợi nhưng cũng đầy suy tư: Giải thưởng trannhuong.com đó là một sáng kiến, một sự đột phá để nó mở ra rất nhiều những tiềm năng khác trong lĩnh vực văn chương và văn học nghệ thuật, nó khích lệ những tấm lòng, những trách nhiệm công dân và những người còn đang do dự. Cách hành xử này, sự hiện diện của quý vị ở đây nói lên nhiều điều, đó là chúng ta phải tìm đến giá trị đích thực của cuộc sống… Chúng ta khởi xướng lên, rồi sung sướng với nhau. Theo quy luật của trời đất anh Trần Nhương cũng đã già, chúng tôi cũng đã già, cái tôi quan tâm rồi ai sẽ là người kế tiếp những công việc thầm lặng đó. Tôi lo lắm, nhưng nhìn những gương mặt trong ngày hôm nay, tôi lại thấy tin tưởng. Tại sao chúng ta lại không tin tưởng vào tương lai bởi những tấm lòng như thế, những trái tim như thế?
Nhà văn Hoàng Quốc Hải xúc động khi phát biểu: Cảm ơn mọi người, tôi cảm thấy sâu lắng và ngọt ngào vì tình bạn, tình văn son đỏ của đồng nghiệp khắp nơi. Thấy tấm lòng của độc giả và hạnh phúc dù giải thưởng mang tính biểu tượng chỉ là 1 đồng bạc kèm cúp Ngôi sao pha lê. Cụ Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu, một danh sĩ thời Nguyễn đã từng có ý kiến “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Chúc đồng nghiệp, các nhà văn, nhà thơ hãy vững tay bút vì con người mà phục vụ.
Có một giải thưởng Goncourt ở Việt Nam?
Qua trao đổi nhanh nhà văn Trần Nhương cho biết: Giải thưởng văn chương Trannhuong.com dựa trên tiêu chí hay và được bạn đọc đón nhận. Giải này không có Hội đồng, không có bỏ phiếu, chủ yếu là tác phẩm ấy có sức sống và nhanh chóng được bạn đọc đón nhận đã tự bỏ phiếu giúp cho Trannhuongcom làm việc tôn vinh. Giải thưởng cũng không định kì 5 năm hay 3 năm mà thấy có tác phẩm hay và được bạn đọc đón nhận là trao giải. Giải không lấy tiền thưởng làm thước đo giá trị mà lấy sự yêu mến của người đọc là sự vinh quang của tác giả.
Cuối buổi trao giải, nhà văn Trần Nhương đã mời tất cả khách quý tham dự ra nhà hàng cơm chay 72, Nguyễn Du để thưởng thức với lời mời rất dễ thương “mời mọi người đi bộ 500 mét, xe cộ cứ để ở đây đã có người trông nom, chúng ta cùng ăn cơm kiểu nhà chùa nhưng không phải tiền chùa”. Tiếng cười và tiếng vỗ tay rào rào không dứt.
Chợt não thần thoáng lên, trong khi dư luận vẫn chưa hết “thôi xao” về giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh, thậm chí gia đình nhà văn anh hùng lao động Sơn Tùng còn có đơn đề nghị xin rút khỏi giải thưởng vì những chuyện bên lề đến khó tin. Người thì hậm hực vì tuyển tập dày cỡ gang tay mà không vào giải, người thì kỳ công “đẽo mắt” (chữ Thuận Nghĩa) đọc hàng trăm tác phẩm để chứng minh một số tác giả và tác phẩm đận này y phục còn chưa xứng kỳ đức.
Lạ thay việc trao giải thưởng “1 đồng bạc và cúp Ngôi sao pha lê” lần thứ nhất của trannhuong.com cho bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần của nhà văn – “sử quan” Hoàng Quốc Hải và tiểu thuyết Thời của thánh thần của nhà văn Hoàng Minh Tường lại được hầu hết văn giới Hà thành ủng hộ, chia sẻ và tin tưởng chúc mừng. Có người còn ví như một giải thưởng Goncourt trong văn học rất uy tín và danh giá của Pháp, dù giải thưởng của nó chỉ mang tính biểu tượng. Thế giới văn chương quả là có “lối công bằng kỳ quặc” (Chế Lan Viên).
Tôi bâng khuâng ngắm tòa nhà Trung tâm Văn Hóa Hàn Quốc (49 Nguyễn Du, Hà Nội), có tiếng chim lích chích trong cây xanh bóng lá, có bụi tre um tùm như những kỷ niệm quá vãng, phía ngoài bờ tường hoa tigon vẫn tận tụy tượng hình nở hồng dáng tim những hy vọng.
Thời gian sẽ trôi đi, phù sa sẽ ở lại. Giải thưởng lớn nhất thuộc về nhân dân lựa chọn, độc giả lựa chọn và đó cũng là vinh quang lớn nhất, bừng sáng nhất. Nhà văn Trần Nhương với sáng kiến của mình đã trồng được một cột mốc giải thưởng độc đáo trong văn học sử. Hãy tin rằng ông đã cung tiến một giọt chuông thơm vào trong ngôi đền thiêng văn chương dân tộc.
Cơ mà người Việt mình dù ở đâu, lúc nào ai chẳng có những suy nghĩ, những việc làm vì lẽ phải - vì dân tộc, phải không? Đ.M.


Chi chú:
(*)Bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần gồm 6 cuốn được nhà văn Hoàng Quốc Hải viết trong nhiều năm, đã tái bản hàng chục lần với số lượng phát hành cả chục vạn bản, và hiện là cuốn sách gối đầu giường của các tướng tá Việt Nam. Tinh thần của bộ tiểu thuyết này là nêu tinh thần yêu nước, bảo vệ biên cương lãnh thổ của quân dân Đại Việt trong thời Trần với 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông với chiến công hiển hách trên sông Bạch Đằng, Vạn Kiếp nổi tiếng. Đây là cuốn sách luôn được in một cách hợp pháp với số lượng lớn.
(**)Tiểu thuyết Thời của thánh thần, dày hơn 600 trang, được tác giả viết trong 4 năm, là một biên niên sử của dân tộc Việt Nam trong suốt thế kỷ XX với những bão tố của thời cuộc mà tác giả đã phải cay đắng, nát lòng thốt lên: “ Đất Việt lưng còng, dáng Mẹ / Xót xa muôn kiếp Lạc Hồng”. Tác phẩm đã được độc giả trong và ngoài nước ngưỡng mộ. Nhiều nơi còn thành lập Câu lạc bộ “Thời của thánh thần” để mạn đàm về cuốn sách; có người mua tới hơn 200 cuốn để tặng bạn bè. Sách in lần đầu 1.000 cuốn và không được phép tái bản trong hệ thống các nhà xuất bản do Nhà nước quản lý. Vì vậy, cuốn sách đã và đang tiếp tục nối bản, in lậu với số lượng lớn.


--------------
*****

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Một trong nhiều cái "nhất" của Việt Nam

Dân gian Việt có câu "Nhất quận công, nhì ỉa đồng"... hay “Thứ nhất là đỗ thám hoa, thứ nhì cưới vợ, thứ ba ỉa đồng”... Nói tóm lại cái sự ỉa thật sự là quan trọng! 

Và do đó...chủ blog tôi không thể không đăng lại một tài liệu có tính  "tổng quét" dưới đây mặc dù cùng nội dung này có thể đã được đăng ở đâu đó trên mạng rồi. Cái chính là để hiểu thêm thế nào là "nhất Việt Nam ta"... mà rút ra kinh nghiệm gì đó (?)  

                
                Một bản tin trên báo Dân Việt đọc cứ  rùng mình: Từ nhiều năm nay, hơn 500 học sinh và 42 giáo viên trường mầm non Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) phải thường xuyên đi đại tiện vào… túi nylon. Động tác thường xuyên đã trở thành thói quen thường nhật của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền mỗi khi kết thúc giờ dạy là đi túm gom những túi nylon ấy ném ra thùng rác trước cổng trường.
          Đó là câu chuyện giữa Hà Nội thủ đô nghìn năm văn vật. Chuyện ỉa đái ở những vùng xa vùng sâu nghèo khó hơn thủ đô còn kinh hãi vạn phần.

          Đổ lỗi cho sự khốn khó cũng không đúng. Bởi không thấy đất nước nào dân tộc nào mà cái sự ỉa bậy lại được khái quát thành một văn hóa sướng: “nhất Quận Công nhì ỉa đồng”, hay “thứ nhất là đỗ thám hoa, thứ nhì cưới vợ, thứ ba ỉa đồng”…
          Nhiều bạn phỏng vấn tôi: anh Nhất hay ra nước ngoài, thấy ấn tượng nhất điều gì? Tôi hay bảo: là… chủ nghĩa xã hội! Mô hình chủ nghĩa xã hội mà Mác và Lê-nin mơ tưởng nó đang hiện hữu ở các nước Tư bản phát triển, chứ không phải ở các quốc gia Cộng sản. Họ tiến đến chủ nghĩa xã hội lâu rồi nhưng người ta im không nói, còn Việt Nam mình nói mãi, hô hào tiến lên mãi mà hơn nửa thế kỷ vẫn quẩn quanh ở “thời kỳ quá độ”. Có anh vặn: nói thế chung chung và mơ hồ quá, anh cụ thể vắn tắt xem chuyện gì, cái gì ấn tượng nhất, nói ra hiểu liền cơ!

             Hóa ra nói chủ nghĩa xã hội là chung chung mơ hồ. Thế thì cụ thể nhé: Nhiều người sang Mỹ đi Âu về ấn tượng bởi những tòa nhà chọc trời, về ô tô và mức sống như thiên đường… chủ nghĩa xã hội! Còn với tôi, ấn tượng nhất chính là chuyện… ỉa đái!

          Hôm rồi đi Canada, buổi gặp nào với người Việt xa xứ họ cũng hỏi tôi “anh Nhất ấn tượng điều gì”. Lần nào tôi cũng thật thà: là chuyện ỉa đái! Người Canada gọi cái chốn ỉa đái ấy là washroom. Nhìn washroom, chui vào washroom biết cái đất nước này nó sạch và văn minh cỡ nào. Không biết họ “thiết kế” cái đất nước Canada ra sao mà đi đâu, nhìn đâu cũng thấy washroom, bất kể giữa trung tâm phố thị hay heo hút giữa núi rừng. Như thể cứ lúc nào nghe cảm giác buồn… là thấy ngay washroom trước mặt. Họ giải thích thế này: Không vậy lỡ một người dân nào, bất chợt một lúc nào đó, ở đâu đó buồn ỉa mà tìm không kịp chỗ để cho họ đi, người ta sẽ kiện chính phủ ra tòa! Đi suốt từ Vancouver- Toronto- Ottawa- Montreal- Quebec… không thấy đâu họ thu tiền phí đái ỉa như Việt Nam mình.

          Hoặc hãy nhìn vào chỗ ỉa đái của Google để học gã khổng lồ này. Với Google, muốn tư duy, sáng tạo và phát triển, hãy tư duy và sáng tạo từ… cái bàn ỉa! Mọi chốn ỉa đái trong đại bản doanh của tập đoàn Google đều được trang bị giàn xí hiện đại và tối tân bậc nhất của Nhật Bản, chúng có khả năng sưởi ấm trong những ngày giá lạnh. Xả nước vẫn là chưa đủ, một nút bấm không dây ngay trên cánh cửa sẽ kích hoạt tính năng dọn vệ sinh và sấy khô vòng 3 cho người dùng. Không chỉ được nuông chiều bằng những bồn xí hi-tech, nhân viên Google còn được khuyến khích tận dụng tối đa khoảng thời gian "rảnh rỗi" hiếm hoi trong không gian yên lặng một mình này cho tư duy sáng tạo. Bên trong mỗi khoang toilet của Google đều gắn một bảng điện tử với mã test sử dụng cơ sở dữ liệu. Nó sẽ hiển thị những câu đố được thay đổi hàng tuần, xoáy vào những chủ đề kỹ thuật và mã lập trình testing. Toilet của Google phản ánh rõ triết lý làm việc của họ. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại, hào phóng, toilet không chỉ là chốn ỉa đái, nó giúp con người cảm thấy nhẹ nhõm, thư giãn, vui vẻ và tư duy theo cách thức… không bình thường! Đấy là triết lý của Google và chính nhờ vậy mà Google có thể sáng tạo ra hàng loạt những sản phẩm, dịch vụ mới với tốc độ tên lửa!
          Năm qua Mỹ, tôi thấy thằng bạn cứ mỗi lần vào toilet là hắn lại ôm theo cái laptop. Hỏi mày tranh thủ chát chít với con nào à? Hắn bảo: tư duy nghiêm túc chứ chát chít chi, không hiểu sao cứ mỗi lần ngồi ỉa, tớ lại tư duy ra nhiều chuyện lớn!
          Tôi tin hắn. Cũng như tôi tin, không ít phát kiến vĩ đại làm thay chuyển nhân loại đã có thể nảy sinh từ cái khoảng không gian một mình yên lặng ỉa đái này.
          Nói đâu xa, nhìn ngay mấy anh châu Á mũi tẹt da vàng như ta nhưng chuyện ỉa đái của họ cũng khác xa vời vợi. Hồi chuyện ỉa đái vẫn còn bậy như Việt Nam mình, Phó Thủ tướng Malaysia N. Razak đã bức xúc đến mức phải kêu gọi một cuộc "cách mạng toilet" trên toàn quốc. Ông tuyên bố: sự sạch đẹp của "chốn riêng tư" này là thước đo cho sự văn minh của một quốc gia.
          Người Hàn quốc thì đã biết nói không với tượng đài lãnh tụ để thay bằng tượng đài nhà xí. “Toà nhà toilet” Haewoojae, hay còn gọi là tượng đài nhà xí là một biểu tượng văn hóa kỳ thú và tự hào của Suwon. Kiến trúc trông như một bệ xí khổng lồ. Bên trong chứa 4 toilet, trong đó một toilet trung tâm có vách, trần, sàn đều làm bằng kính trong suốt và hệ thống âm thanh chất lượng cao phát các bản nhạc cổ điển du dương. Các bức vách của toilet sẽ tự động chuyển sang đục khi có người vào sử dụng. Tác giả tượng đài nhà xí này là kiến trúc sư Sim Jae Duck (người được mệnh danh là Mr. Toilet). Ông nói: “nên học cách xem toilet không chỉ là nơi để bài tiết mà còn là chỗ để thư giãn, suy tư và hạnh phúc”.
          Còn với người Nhật, toilet từ lâu đã trở thành một nét văn hóa quan trọng đến mức họ tổ chức hẳn một ngày lễ ỉa đái, gọi là “ngày toilet Nhật Bản” ấn định vào 10/11 hàng năm.
          Chuyện ỉa đái quan trọng và mang tính toàn cầu đến mức thế giới cũng đã có Tổ chức nhà cầu quốc tế (World Toilet Organization). Thành lập năm 2001, World Toilet Organization là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu dành riêng cho việc cải thiện các điều kiện vệ sinh môi trưởng trên toàn thế giới. Hội nghị thượng đỉnh toilet thế giới lần thứ 11 sẽ được tổ chức trong các ngày 22-25/11 năm nay tại Hải Nam, Trung Quốc.
          Nhiều nước đã ban hành hẳn bộ qui chuẩn quốc gia về bồn cầu và không gian toilet. Cụ thể và chi li đến từng độ chuẩn ánh sáng, độ bóng sạch, chiều cao bề rộng cũng như hệ thống các “công cụ hỗ trợ”… Việt Nam rất nhiều thứ bộ qui chuẩn quốc gia, kể cả bộ chuẩn về gia đình văn hóa, tổ văn hóa, khu phố văn hóa, Hà Nội thậm chí còn đang xây dựng một bộ chuẩn gọi là “người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Những thứ đó quá nhiều, nhiều đến mức không nhớ hết. Nhưng lại thiếu một bộ chuẩn về bồn cầu và không gian ỉa đái.
          Sẽ không quá khi nói rằng: muốn biết cung cách, nề nếp sinh hoạt, tính cách, thẩm mỹ, văn hóa của một chủ nhân, hay thậm chí là của một dân tộc, đừng nhìn vào phòng khách hay chỗ ngồi ăn, hãy nhìn vào chốn ỉa đái trong nhà họ.
          Vào chỗ ỉa đái, người ta không chỉ đái ỉa. Bồn cầu ở nhiều quốc gia trên thế giới người ta thiết kế cả thiết bị điện từ phát sóng lan qua bồn cầu để đo tỷ lệ mỡ trong cơ thể, hoặc để sưởi ấm, để đo nhịp tim, huyết áp… Có loại bồn cầu phát sáng trong bóng tối, có nắp đậy phát ra tiếng vo vo như ong khi bộ cảm biến hồng ngoại nhận ra cơ thể người, rồi còn có thể chơi một lúc 6 bản nhạc với tiếng chim hót líu lo, tiếng hòa âm của gió đến tiếng bập bùng của đàn hạc. Có loại bồn cầu vừa ngồi vừa lướt web, xem phim, thậm chí gắn hẳn một giàn nhạc giao hưởng.
          Nhìn chuyện ỉa đái, vào chốn ỉa đái của họ đủ biết mức sống, văn hóa của con người và dân tộc họ cách xa người Việt mức nào. Không có nền giáo dục nào mà cô giáo một tay cầm phấn dạy một tay cầm túi phân. Có quốc gia nào mà trung bình mỗi ngày, các đoàn tàu khách xuyên Việt thản nhiên tống đổ xuống đường ray trên 4 tấn phân người và 6 vạn lít nước tiểu.
          Lâu rồi, tôi đã viết: Trên thế giới này, chắc mỗi người Việt có văn hoá… đái đường. Hễ thấy những ai thản nhiên móc tay kéo quần tè bên vệ đường thì không cần phải hỏi quốc tịch, bởi chắc chắn đó chỉ có thể là người Việt Nam (xem bài Đông Tây nghịch- thuận trong loạt phóng sự “Ngao du trên trục Đông Tây”).
          Ngành văn hóa- du lịch hay thăm dò, thống kê ý kiến du khách. Thấy năm nào cũng đầy rẫy những ý kiến ấn tượng. Nhưng đã bao giờ lấy ý kiến du khách ngoại quốc quanh chuyện ỉa đái này? Nếu hỏi, tôi chắc đa phần họ “kinh sợ” Việt Nam nhất là chuyện… ỉa đái!
          Trong vô vàn mục tiêu phát triển, thôi thì chưa phát được cái gì trước hết hãy thay chuyển cho được chuyện ỉa đái. Ưu tiên cho mục tiêu ỉa đái trước có lẽ cũng là một cách thay chuyển văn hóa. Để thay chuyển hình ảnh đất nước, để đất nước phát triển và văn minh, có lẽ phải tư duy đầu tiên cho mục tiêu đái ỉa này!
          Lãnh đạo nhà mình, ai cũng “khiêm nhường” không muốn (hoặc không thể) tạo dấu ấn. Thôi thì đừng nói đến dấu ấn gì lớn lao, hãy cố gắng để lại dấu ấn làm thay chuyển chuyện ỉa đái này cũng đã là văn hóa và phước hạnh lắm rồi !

Và đây là một số hình ảnh có lẽ chỉ có ở Việt Nam ta (?).

dai duong
UpRXSF1fYei64p58VdLHRoCDo1_500

 



*****


                                      

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2011

Thấy gì từ nhạc phẩm "Chú ếch con"?

Đây là một kiệt tác của một "nhí Việt 100%" tham gia một cuộc thi bên nước Ý cách nay đã hơn 8 năm nhưng gần đây đang gây chấn động dư luận...Nó chỉ là một trong rất nhiểu trường hợp cho thấy tài năng của người Việt khiến mọi người phải suy ngẫm : Bài hát "chú ếch con" có lẽ mãi vẫn chỉ là một bài hát tầm thường trong tay các nhà đạo diễn Việt của thế hệ này...Nhưng nó đã trở thành một kiệt tác trong tay các nhà đạo diễn Ý. Những yếu tố nào tạo nên sự khác biệt đó?

Rõ ràng, xét trên mọi lĩnh vưc, người Việt  không hề thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới...Nhưng để phát huy chúng một cách có hiệu quả nhất thì trách nhiệm thuộc về ai? Hãy đừng thân thân trách phận nghèo hèn và cũng đừng "đổ tại" thiên tai, địch họa v.v.. mà hãy tự trách bản thân mình, trước tiên là những người quản lý đất nước và các nhà chuyên môn ngành, nghề...

Chủ blog tôi nhân đây xin phép được đăng tải lại  chương trình để giới thiệu thêm cùng bạn đọc. Mời bạn hãy kích chuột vào đường link này để thưởng thức tác phẩm độc đáo nói trên:  http://tintuconline.com.vn/vn/video/487663/index.htmḷ



Chân thành cảm ơn.

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

CNXH mang màu sắc Trung Quốc

Mời mọi người hãy xem qua mấy bức ảnh và đừng vội kết tội chủ blog tôi vi phạm "tuyên truyền văn hóa đồi trụy". Đây hoàn toàn là một chủ đề nghiêm túc:"CNXH mang màu sắc Trung Quốc", và do tính chất nghiêm túc của chủ đề, nên cần "nói có sách mách có chứng" bằng cách  post lại  vài hình ảnh trong số muôn vàn hình ảnh đang lưu truyền trên internet được chụp tại  một hội chợ đang diễn ra ở trung tâm Thủ đô Bắc Kinh mấy ngày nay.



Nếu tôi không nhầm, đây là một hình thức trình diễn khỏa thân "danh chính ngôn thuận" lớn nhất Trung Quốc cho đến nay. Nó nhằm phát ra  tín hiệu rằng Lãnh đạo TQ  đã từ bỏ "đạo đức cộng sản" chính thống. Sự kiện này cùng với những diễn biến liên quan đến đợt chuẩn bị đại hội đảng CS Trung Quốc sắp tới đây không biết chừng họ sẽ công khai tuyên bố một thứ CN XH không màu sắc... và tiếp đến sẽ là đa đảng chưa biết chừng(?) Đây là một biến chuyển "long trời lỡ đất" nữa mà những kẻ tự xưng là cộng sản thường gọi. Họ đã đưa đất nước đông dân nhất hành tinh này đi từ cuộc "cách mạng văn hóa " mà ở đó toàn dân phải  ăn mặc cùng một mốt quần áo đại cán kín cổng cao tường trong những năm 1960 sang nền "văn hóa cởi truồng" ngày hôm nay. Đảng cộng sản TQ cũng sẵn sàng thay đổi bạn/thù đối với VN, Liên Xô cũ... miễn  có lợi cho mục đích chủ nghĩa dân tộc đại Hán. 
    
Ai cũng biết Việt Nam có rất nhiều thứ giống Trung Quốc, đặc biệt là thể chế và ý thức hệ. Việt Nam noi gương người đồng chí lớn này trong hầu hết mọi điều từ cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đến từng phong trào thi đua các thể loại. Riêng trên mặt trận văn hóa Việt Nam tuy không gọi "cách mạng văn hóa" nhưng việc làm thực tế cũng không khác gì nhau mấy. Có khác chăng là  Việt Nam luôn đi sau TQ một cách thận trọng, mà nói theo cách dân gian nôm na là rất dễ bị lâm vào cảnh " kẻ ăn ốc người đổ vỏ". 

Một câu hỏi đặt ra là tại sao Đảng CS Việt Nam không chọn học bài học lớn nhất từ TQ là phải thực tế đến mức thực dụng, và chỉ có cách thay đổi chính mình và thay đổi nhanh hơn TQ thì VN mới có cơ hội phát triển và thoát khỏi sự lệ thuộc vào TQ "đặng sánh vai với các cường quốc năm châu" như bậc tiền bối Hồ Chí Minh đã từng mong mỏi./.   


     

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Blog để làm gì?

Không quá ồn ào…, nhưng mới đây cộng đồng mạng đã rất xôn xao trước sự kiện đóng cửa blog “Người thích làm toán”. Kể cũng lạ, như tôi đây đã mấy lần đóng/mở blog mà chẳng thấy ai nói gì (?) Hóa ra, thế giới ảo nhậy cảm và phức tạp hơn nhiều lần so với  thế giới thực!.
                                                   Ảnh minh họa: Mùa hoa cải

Còn nhớ trước thời  bùng nổ “công nghệ thông tin” các bác nhà văn, nhà báo kỳ cạch cả ngày mới được đôi trang . Viết là một chuyện. Còn phải tìm nhà xuất bản . Rồi chờ có khi hàng tuần, hàng tháng, hàng năm sau  mới được thấy “đứa con tinh thần” của mình đến với bạn đọc. Thời đó tác giả nào viết gì thì thiên hạ đều biết. Họ thuộc loại quý hiếm. Có lẽ vì thế mà  cũng rất dễ nỗi tiếng, và  cũng dễ “chết”!
Nhưng, giờ đây mọi thứ đều đảo lộn với cái gọi là “blog”. Cánh nhà văn, nhà báo chẳng may chưa bắt kịp,  có thể đứng trước nguy cơ bi đẩy ra ngoài gìòng chảy của văn chương và thời cuộc. Ngược lại có những kẻ “vô học” thì bổng chốc trở nên “nổi tiếng” (ít ra là trên cộng đồng mạng ảo)... miễn là họ biết “chơi internet”! Thôi thì “trăm hoa đua nở, trăm người đua thể hiện”…Và blog “mọc” lên còn hơn cả nấm!
Bên cạnh những blog chuyên về chính trị, thời cuộc hay văn thơ, nghệ thuật, hội họa v.v…còn  có những blog chỉ để  để up ảnh nude các loại; lại có những blog chỉ để hàng ngày “buôn dưa lê” v.v… Bên cạnh những blog nghiêm túc với trữ lượng nội dung "đồ sộ", có không ít những blog chỉ để làm sàn trình diễn của những kẻ phàm tục, chí phèo hễ hở mồm là chửi thề, chửi tục...Có lẽ đó là nơi để chửi mà không sợ bị đấm vỡ mõm! . Cũng không ít những blog mở ra chỉ một lần rồi bỏ đấy để trở thành những ngôi nhà hoang vô chủ.  Đa số blog đề nick thật cho mọi người biết, nhưng có không ít blog mạo danh, nặc danh, thậm chí giả danh khiến nhiều người bị oan….
Có thể nói, ngoài những mục đích nghiêm túc về văn chương, hội hoa hay  thời sự, chính trị..., nhìn chung  ít nhiều blogger nào cũng  có mục đích "xả stress". Tuy nhiên trên thực tế hậu quả  "mua stress" cũng rất nặng nề đầy bi hài .
Tóm lại, mục đích nào cũng có phần đạt được nhưng luôn đi kèm với  những "tác dung phụ" (side effects).Vì sao vậy? Trước hết vì bản thân mỗi blogger thường không tự chế ngự mình trong quá trình giao tiếp trên mạng ảo, nhiều khi vượt ra ngoài mục đích ban đầu của chính mình. Thứ đến là do sự tác động của các nội dung thông tin rất đa dạng, đa chiều, đa mục đích....từ các blogger khác. Đó cũng là lẽ thường tình, vì có thể nói, cho đến nay blog là một loại hình văn hoá mới và có sức lan toả nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Nó cho phép phản ánh một cách nhanh nhậy nhất, sâu rộng nhất và có lẽ cũng chân thật nhất  muôn mặt của xã hội đời thường, trong đó "cái tôi" được thoả sức vẫy vùng với cả  mặt hay, mặt tích cực lẫn mặt không hay... 
Nhưng do blog có những đặc tính riêng, đặc biệt là người viết không nhất thiết biết mặt nhau và có thể không bao giờ gặp mặt nhau, khiến người ta có thể nói thẳng, nói thật hoặc nói đối, nói khoác,  thậm chí nói tục hoặc chửi cho đã mồm...Có những blogger hễ online (mở mồm) là chửi… chửi như hát hay vậy(!), có thể vì do không biết viết hoặc nếu có viết thì e không lột tả đầy đủ và chính xác bằng chửi (?)
Xét về mặt chính trị-xã hội, có thể nói công nghệ  blog đã mở ra một thời đại mới cho việc thực thi quyền dân chủ, chính xác là quyền tự do ngôn luận. Thông qua phương tiện blog, mọi người ai cũng có thể nói lên quan điểm cá nhân trước mọi vấn đề, mọi lúc mọi nơi  ; tuy không hoàn toàn nhưng người ta cảm nhận đầy đủ hơn cái quyền được nói ra những gì mình muốn nói; và ít nhiều thấy mình được bình đẳng hơn chăng(?). Đó là mặt tốt chủ yếu của blog.
Nhưng cái gì cũng có ít nhất là hai mặt của nó. Phải chăng, với blog người viết dẽ tự cho phép mình trở nên “vô trách nhiệm” hơn trước cộng đồng nói chung? Ngoài ra tính chất “ảo” của blog vừa là chất men say để sáng tạo nhưng cũng đồng thời là mầm mống của tính cách ngông cuồng hoặc lối sống vị kỷ, thậm chí là mảnh đất mầu mỡ cho chủ nghĩa vô chính phủ (anarchism).
Có lẽ những ai đã từng “chơi blog” trong một thời gian đủ dài đều có thể chia sẻ ít nhiều với những suy nghĩ trên đây. Bản thân tôi đã đôi lần cảm thấy “lưỡng lự” không biết có nên tiếp tục duy trì blog  hay không. Nhưng rồi tôi  tự “điều tiết” bản thân rằng, tốt nhất là hãy sử dụng blog của mình như một kho lưu trữ dữ liệu (bài viết, hình ảnh, âm nhạc, sáng tác...của bản thân và của người khác) và coi nó như một "kênh" trao đổi thông tin chủ yếu với bạn bè, một phần nào đó với cộng đồng nói chung. Để giảm thiểu những "tác dụng phụ", tốt nhất  là không (hoặc hạn chế) ghé thăm những trang blog mà mình đã từng biết nhưng rốt cuộc vẫn cảm thấy khó đồng cảm. Đồng thời cũng không nên cố ý áp đặt tư tưởng, sở thích của cá nhân mình đối với người khác.
Nhân đây cũng xin lạm bàn một chút về truờng hợp đóng cửa blog “Người thích làm toán”-sự kiện đang làm xôn xao dư luận  kèm theo với những lời khen, chê rất kịch tính. Riêng tôi cho rằng nguyên nhân chính có lẽ do Gs Ngô Bảo Châu đã sử dụng bản năng lô-gíc toán học vốn rất nhậy bén của ông trong việc đi tới quyết định đóng blog nói trên. Đó là phép tính của những điều lợi và hại đối với cuộc sống và sự nghiệp lâu dài của ông trong một môi trường không gian và thời gian cụ thể vừa qua. Đó cũng là một cách bày tỏ thái độ dứt khoát trước tình trạng lạm dụng blog của một bộ phận cộng đồng mang.    

Chắc chắn còn quá sớm để tổng kết mọi vấn đề liên quan đến blog. Nhưng cũng đã hơi muộn nếu không bàn về lĩnh vực thông tin đặc biệt này. Do đó tôi chỉ muốn nêu lên một vài suy nghĩ tản mạn tức thời để chia sẻ cùng mọi người thôi./.


Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Cơ hội để HLV nội lên ngôi?


Sự ra đi đột ngột của Huấn luyện viên (HLV) ngoại Calisto dù muốn hay không đã đặt Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nói riêng và nền bóng đá nước nhà nói chung vào thế khó. Khó vì nhiều lẽ , nhưng có hai lý do chính: đó là thời gian còn quá ít từ nay cho đến khi Tuyển Quốc gia phải ra quân ( trước tiên là trận vòng loại cup châu Á vào tháng 5); và vì tâm lý “sính ngoại” không chỉ trong dân chúng, đặc biệt người  hâm mộ, mà còn cả trong làng bóng đá nước nhà.

Một lần nữa VFF lại đứng trước thế tiến thoái lương nan giữa hai lựa chọn: HLV nội hay ngoại?  HLV ngoại thì đã có nhiều tiền lệ rồi, nội thì hầu như chưa có kể từ thời “mở cửa”. Đối với Tuyển quốc gia, lâu nay HLV nội toàn làm “chân phụ” là chính ! Khó có thể nói dứt khoát vì lý do gì, nhưng có một sự thật  là, người ngoài bảo thì nghe nhưng người đồng chủng, đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí bảo thì không “tâm phục khẩu phục”. Có lẽ vì thế mà dù muốn hay không, bàn đi tính lại, rốt cuộc đành phải chọn “của ngoại” cho được việc cái đã. Nhiều lúc đắt giá lắm mà cũng phải bấm bụng mở hầu bao (như trường hợp thuê  ông Lalisto gần đây nhất chẳng hạn- cò kè mãi cũng không dưới 24.000 đô/tháng!). Nhưng khốn nỗi,  đổi lại, rõ ràng ông ta đã đưa lại một kết quả đúng với cái giá của nó: tấm huân chương vàng Suzuki Cup 2008. Và cũng chính cái kết quả này đang “làm khó” thêm cho các nhà lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam trước tâm lý  “sính ngoại” đã được cũng cố hơn trong dân chúng.

Trên đây là một cách nhìn khách quan. Tuy nhiên người viết bài này lại muốn đưa ra một cách tiếp cận khác nhằm đi tới kiến nghị rằng Việt Nam vào lúc này tốt hơn hết là hãy chọn một HLV nội.  Xin được nêu lý do như sau:

Một là, thời gian đã quá gấp để một HLV ngoại (dù năng lực tốt bao nhiêu) có thể làm quen và nắm vững về mọi điều cần thiết nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ (ngay cả nếu bản thân người được chọn cam kết có thể làm được việc này). Ngược lại, với một HLV nội, việc này không khó khăn gì.  

Hai là, hãy coi đây là một dịp tốt để thử thách năng lực thực sự cũng như các tố chất khác giữa HLV ngoại và HLV nội. Riêng đối với HLV nội đây là một cơ hội để được thể hiện mình, nhất là khi nước ta đang có một thế hệ HLV còn trẻ tuổi nhưng “lớn lên” từ thưc tiễn với những thành tích cao trong quá trình thi đấu khu vực và quốc tế như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn… 

Ba là, dù thành bại, đây là một cơ hội để trãi nghiệm về tâm lý: nên tự cường hay tự ti mà lâu nay người Việt Nam từng vấp phải trong lĩnh vực bóng đá nói riêng cũng như trong các môn thể thao khác và cả  trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, v.v…. Nói cách khác, mọi việc đều cần được liên tục thử nghiệm và kiểm nghiệm lại, chứ đừng mãi sống bằng kinh nghiệm của qúa khứ.

Bốn là, (có thể có người không tán thành) nhưng tôi nghĩ nên hy vọng  đây là một cơ hội để đáp lại lối “làm cao” của một số HLV ngoại mỗi khi họ muốn tìm việc làm với bóng đá Việt Nam. Trong chuyện này cá nhân tôi dù rất hâm mộ ông Calisto nhưng cũng không hài lòng với cái cách mà ông đã chọn thời điểm vừa rồi để “ra đi”.

Thiết nghĩ Việt Nam với gần 80 triệu dân hoàn toàn không phải là một nước nhỏ, lại có một truyền thống yêu bóng đá đầy nhiệt huyết và bản sắc riêng; về trí tuệ cũng đã được minh chứng bằng năng lực học tập và tiếp thu kiến thức thuộc loại cao nhất của thế giới. Thể lực và tầm vóc có thể ảnh hưởng ít nhiều đến thành tích thi đấu nhưng chắc chắn không ảnh hưởng đến nghề làm HLV.  Do đó  không có lý do gì để không sản sinh ra những HLV tầm cở quốc tế. Thậm chí về lâu dài ta hoàn toàn có thể “xuất khẩu “ HLV bóng đá ra thế giới./.
                                                  

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này