Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Biển Đông đến hồi quyết liệt

TTCT 15/5/2015 - Những động thái và ngôn từ của Trung Quốc ngày càng tỏ rõ “muốn gì”. Tuy nhiên, sự “muốn gì” đó không hẳn sẽ còn được “ung dung” như trước nữa.
Đơn vị chống khủng bố của Philippines và lực lượng tuần duyên Nhật Bản (phải) chuẩn bị cuộc diễn tập tại vịnh Manila ngày 6-5-2015 - Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp báo ngày 8-3-2015 tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã bác bỏ thẳng thừng những phản đối của các nước về việc Trung Quốc đang đẩy mạnh bồi đắp đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông Vương cũng không ngần ngại khẳng định đó là “nhà” và “sân riêng” của Trung Quốc.
BẪY SẬP BIẾN “KHÔNG” THÀNH “CÓ”
Tuyên bố này của người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc là một sự leo thang về yêu sách chủ quyền, chuyển từ việc “khẳng định chủ quyền lịch sử” đối với các đảo và “vùng biển tiếp giáp”, sang xác lập quyền sở hữu đối với các thực thể như các bãi đá ngầm hay rạn san hô. Cứ như là chủ nhân đích thực của các bãi đá nay bồi lấp thành đảo đó, Trung Quốc hôm 30-4 ngỏ ý mời tàu bè Mỹ vào sử dụng các “dịch vụ dân sự” phòng tránh bão! Tất nhiên Mỹ không cần đếm xỉa!
So với tình hình tháng 5 năm ngoái khi kéo giàn khoan xuống tìm cách “cắm dùi”, lần này Bắc Kinh gây căng thẳng hơn sau khi đã tiến xa được một bước bằng cách san lấp, chỉ trong vòng chưa đầy một năm nhiều bãi đá ở Trường Sa thành “lãnh thổ” của mình. Và từ đó cứ thế mà áp đặt chủ quyền như việc xảy ra hôm 19-4, khi Trung Quốc “lệnh cho” máy bay Philippines phải bay ra khỏi khu vực mới bồi đắp này.
“Cứ như thể một khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) đã được thành lập” - Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin thuật lại vụ việc này trong một cuộc họp báo truyền hình từ tổng hành dinh Aguinaldo ở Quezon City hôm 8-5.
Trong một điều trần trước Thượng viện Philippines hôm thứ năm tuần trước, tướng tư lệnh quân khu Đông của Philippines là phó đô đốc Alexander Lopez cho biết các máy bay của Philippines đang bay tuần thám như thường lệ trên không phận quốc tế, song Trung Quốc đã ra lệnh cho các máy bay này ra khỏi đó, không chỉ một lần mà những sáu lần.
Tuy nhiên, các máy bay của Philippines vẫn phớt lờ và tiếp tục phi vụ tuần thám thường kỳ của mình, nhất định không sập bẫy Trung Quốc. Vận dụng lý thuyết năm hình thái giải quyết xung đột của Ralph H. Kilmann và Kenneth W. Thomas, có thể thấy cái bẫy mà Trung Quốc muốn giăng ra như sau:
- Nếu các nước khác cũng giống như Philippines, không sợ những lệnh “đuổi ra” đó và tiếp tục đưa máy bay ra vào khu vực tuần thám đó như thường lệ để khẳng định chủ quyền của mình thì Trung Quốc sẽ lại “chờ thời”, đợi khi khác bày trò lại.
- Ngược lại, nếu một nước nào đó có máy bay đang bay trong khu vực này bị “đuổi đi” mà vâng lời rút máy bay ra, coi như Trung Quốc đã thành công trong việc khởi sự áp đặt một ADIZ mới ở đây. Những phép thử đó sẽ tạo đà cho Trung Quốc chính thức áp đặt ADIZ.
- Nếu một nước nào đó chủ trương “tránh voi không xấu mặt nào” mà tự ý không phái máy bay héo lánh đến khu vực trên nữa, coi như Trung Quốc đã “bất chiến tự nhiên thành”, sẽ càng nhanh chóng thiết lập luôn ADIZ.
- Nếu Trung Quốc có đủ dữ kiện để tin rằng có một “đối tượng” nào đó đang “cu ky một mình” và rằng đây chính là thời cơ thì Trung Quốc sẽ ra tay bằng cách uy hiếp và cưỡng hại chiếc máy bay đang bị “đuổi ra” đó, với mong muốn sẽ dẫn đến một cuộc đọ sức mà phần thắng nghiêng về phía Trung Quốc.
- Còn nếu Trung Quốc cảm thấy rằng các nước không “cu ky một mình” sẽ tự khắc chùn bước hoặc tiếp tục chờ thời.
Những gì đang diễn ra, tỉ như cuộc tập trận Mỹ - Philippines tái chiếm các đảo bị chiếm diễn ra tuần trước cũng như việc máy bay Trung Quốc đeo bám cuộc tập trận này, cho thấy Trung Quốc đang chọn Philippines để giở trò thử thách nhằm dò xem Philippines có thật sự được bảo vệ bởi các hiệp ước đã ký kết hay không, và xem phản ứng của “thiên hạ” như thế nào.
Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đang ở trong một bầu không khí hào hứng cao độ, tin rằng sắp trở thành bá chủ thiên hạ tới nơi.
Nhân Dân Nhật Báo ngày 7-2-2015 đặt tít “Trung Quốc sẽ thế chỗ Mỹ như là siêu cường toàn cầu?”. Một cái tựa đầy khí thế cho dù trong bài tác giả là Thẩm Đinh Lập (Shen Dingli), phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, có giả lả bảo không nhắm tới mục đích đó “bằng những động thái bất hợp pháp là xâm phạm chủ quyền nước khác mà không có sự cho phép của Liên Hiệp Quốc”. Luận cứ mềm mỏng này của GS Thẩm cực kỳ phi lý do lẽ có bao giờ Liên Hiệp Quốc “cho phép” một nước xâm phạm chủ quyền một nước khác. Chẳng qua họ Thẩm chỉ xảo ngôn nhằm làm mờ mắt những kẻ cả tin, dễ bảo!
Global Times ngày 19-11-2014 từng viết: “Đây là lúc Trung Quốc mở rộng các nỗ lực của mình trong việc xây dựng một trật tự mới ở châu Á cho các lĩnh vực chính trị và an ninh nhằm mang lại thêm nhiều lợi ích hơn nữa cho thế lực chính trị của Trung Quốc nơi các nước châu Á. Trong những năm qua, Trung Quốc đã dần dần đẩy “trục châu Á” của Washington ra rìa khu vực...”.
NHỮNG PHẢN ỨNG BẮT BUỘC
Thế nhưng, châu Á không hề là “đồng không nhà trống” để bất cứ ai có thể “múa gậy vườn hoang”. Hôm 29-4-2015, trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tỏ rõ “quyết tâm nhận lãnh trách nhiệm hơn nữa vì hòa bình và ổn định trên thế giới” của nước Nhật. Thủ tướng Abe loan báo nước ông từ nay sẽ vừa “gìn giữ an ninh quốc gia”, vừa “đảm bảo cho an ninh nhân loại”, bắt đầu là châu Á.
Đồng thời, ông Abe cũng vạch ba nguyên tắc sau: (1) Các quốc gia sẽ chỉ đưa ra những yêu sách của mình dựa trên luật pháp quốc tế, (2) Các nước ấy sẽ không sử dụng vũ lực hoặc sự cưỡng ép để thúc đẩy các yêu sách của mình, (3) Để giải quyết tranh chấp, bất kỳ tranh chấp gì, các nước đó sẽ chỉ dùng các biện pháp hòa bình. Tất nhiên, đối tượng nhắn nhủ của ba nguyên tắc đó chẳng xa lạ gì: Trung Quốc.
Để thực thi những cam kết trên, “Hướng dẫn hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật” 2015 mới vừa được thông qua hôm 25-4 đã xác quyết rằng Mỹ và Nhật sẽ không chỉ bảo vệ hòa bình, an ninh cho Nhật Bản cùng các vùng xung quanh, mà còn cho cả các nước khác. Và đặc biệt từ nay, “lực lượng phòng vệ Nhật sẽ đưa ra những hành động thích hợp bao gồm việc sử dụng vũ lực nhằm đáp ứng các tình huống của một cuộc tấn công vũ trang chống lại một nước ngoài có quan hệ mật thiết với Nhật, mà hậu quả cũng là đe dọa đến sự sống còn của Nhật”.
Nước ngoài có quan hệ mật thiết với Nhật tất nhiên không chỉ là Mỹ. Đó là lý do đang rộ lên những thông tin về khả năng Nhật sẽ cùng Mỹ tuần tra trên biển Đông. Ngày 12-5, lần đầu tiên kể từ 70 năm qua, tàu hải quân của lực lượng phòng vệ Nhật cùng tàu hải quân Philippines diễn tập bộ quy tắc đáp ứng các trường hợp chạm trán ngoài kế hoạch trên biển, căn cứ trên một thỏa thuận siết chặt cộng tác an ninh ký kết hồi tháng 1 năm nay. Mọi động tác đều mang tính ẩn dụ!
Cục diện biển Đông đang chuyển biến rất nhanh và ngày càng rõ nét. Đã qua rồi những “mông lung” của giai đoạn Mỹ bắt đầu “xoay trục”. Nay là lúc Nhật sẽ dấn thân nhiều hơn, vì chính sự an nguy của Nhật. Tokyo sẽ thôi bị trói tay bởi bản hiến pháp chống chiến tranh của Nhật (mùa hè này sẽ sửa đổi xong hiến pháp). Hơn ai hết, do là nước đã gây ra cuộc chiến Thái Bình Dương, Nhật thừa hiểu những gì kẻ khác đang làm nghĩa là gì, và Nhật phải làm gì để ngăn ngừa. Vấn đề cho mọi nước là phải biết mình thật sự muốn gì, được gì.
Hôm thứ hai 11-5, liên minh cầm quyền ở Nhật đã đạt đến một thỏa thuận chính thức về một gói luật lệ tu chính sẽ tháo bỏ những giới hạn địa dư nơi bộ máy phòng vệ của Nhật, cho phép lực lượng này có thể vươn xa.
DANH ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này