Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Bao giờ Rồng bay lên từ “ao làng” Thăng Long?

Hiệu Minh/ blog Hiệu Minh

Cầu Thê Húc. Ảnh: Internet
Cầu Thê Húc. Ảnh: Internet
Bài này tôi viết từ năm 2008, dù qua 6 năm, có lẽ thông điệp còn nguyên giá trị.
Người ta nói người ở làng chỉ biết ao làng, người ra biển sẽ biết biển lớn. Đáng tiếc chúng ta đang muốn Rồng Thăng Long bay ra đại dương nhưng hình như ta lại chưa thoát khỏi tư duy “ao làng”.
“Ao làng” Thăng Long
Như bao sinh viên ra trường, tôi chọn hồ Hoàn Kiếm làm tâm điểm để tìm việc trong bán kính ba ki-lô-mét. Vài người bạn còn chọn cả người yêu trong cái vòng tròn đó. Hồi mới ra Thủ đô, do chưa quen 36 phố phường, mỗi lần cần đi đâu, tôi đạp xe vòng lên bờ Hồ mới có thể định hướng đi tiếp. Với tôi, hồ Hoàn Kiếm như cái “ao làng xưa, một cõi đi về”.

Khỏi cần nói, hồ Tây, sông Hồng hay tháp Rùa là nơi linh thiêng có từ bao đời, qui tụ tâm linh của bao người Việt, giá trị lịch sử không thể bàn cãi. Nhưng để cho cụ Rùa trong hồ Hoàn Kiếm trường tồn thì ta có nên lấy đó là điểm tựa cho thành phố phát triển mấy thế kỷ sau như cái cách lũ sinh viên chúng tôi đi tìm việc?
Gần đây, bàn chuyện mở rộng Hà Nội, người ta lại nghĩ đến mấy cái hồ – sắp thành ao và vài năm nữa sẽ thành chuôm – để chọn là tâm điểm của “thành phố sông Hồng”. Muốn Thủ đô với khoảng 10-15 triệu dân trong vài chục năm tới xứng tầm khu vực và thế giới thì mấy cái hồ bé tý kia có ý nghĩa gì mà từ kiến trúc sư trưởng đến lãnh đạo đều lấy đó làm trung tâm phát triển. Phải chăng vì ta quá yêu “ao làng” nên “Long” không “Thăng” được nữa.
Di chuyển thủ đô trên thế giới
Nhiều nước trên thế giới đã, đang và sẽ nghĩ cách chuyển thủ đô về nơi mới. Vì thật ra, để cho một thủ đô trụ lại được vài trăm năm quả là khó vì sự phát triển khó lường trước.
Thủ đô Bắc Kinh đã có hàng ngàn năm vì các vị hoàng đế xa xưa đã nhìn thấy khu đất đó tồn tại vĩnh hằng. Người Nhật khó chuyển Tokyo đi đâu vì chỗ nào trong nước họ cũng động đất nên đành sống chung với thiên tai bằng cách xây nhà thật phù hợp với địa tầng hay gặp dư chấn. Sau 1999, người Đức bắt đầu chuyển thủ đô từ Bonn về Berlin như trước chiến tranh. Dân Kazachtan đã bỏ thành phố xinh đẹp Almaty về trung tâm đất nước Akmola từ năm 1997.
Nếu ai hỏi thủ đô của Malaysia ở đâu thì ai cũng nghĩ là Kuala Lumpur. Thật sự họ đang chuyển về Putrajaya cách 25km theo mô hình Canberra (Úc) hay Washington DC (Mỹ) – thủ đô chỉ dành cho các cơ quan chính trị và hành chính. Kuala Lumpur trở thành trung tâm kinh tế, tha hồ xây building chọc trời. Ngay tại nước Mỹ, có thủ đô kinh tế là New York, Washington DC là thủ đô hành chính – chính trị có từ khi thành lập nước cách đây hơn 200 năm, nhưng dân Mỹ vẫn tiếp tục tranh cãi là tại sao DC lại nằm lệch phía bờ Đông mà không nằm giữa nước Mỹ.
Sông Hồng với lụt lội và nguy cơ vỡ đê
Ở nước ta, Hà Nội nằm ven sông Hồng, hàng năm về mùa nước lũ, thành phố thường thấp hơn với mức nước trên sông khoảng 5-6 mét. Tôi thầm so sánh Hà nội với New Orleans (Mỹ).
Năm 2005, cơn bão Katrina đổ bộ vào New Orleans, thành phố xinh đẹp kiểu Pháp thấp hơn mực nước biển từ một đến ba mét, đã phá hỏng hệ thống đê bê tông kiên cố. Trong hai ngày, 70% thành phố đã bị ngập trong biển nước, nhiều nhà biến mất. Thành phố bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Sự chậm trễ của chính phủ trong việc cứu trợ khắc phục hậu quả làm mọi chuyện càng tồi tệ hơn. Hơn một nghìn người bị chết đuối, xác trôi lềnh bềnh, hàng tháng không được chôn cất. Hàng chục vạn người bị đói khát, thiếu nước uống và nhiều người đã chết sau đó vì không được cứu trợ đúng lúc. Tổng thống Bush mất khả năng kiểm soát tình hình. Siêu cường Hoa Kỳ đành bó tay trước cơn thịnh nộ của thuỷ thần.
Hà Nội từ trên cao. Ảnh: Internet
Hà Nội từ trên cao. Ảnh: Internet
Thử hỏi một ngày nào đó đê sông Hồng bị vỡ, không hiểu chúng ta sẽ xoay xở ra sao. Theo dự đoán, biến đổi khí hậu trong vài thập kỷ tới sẽ đe dọa nghiêm trọng Việt Nam. Mưa bão sẽ tăng nhiều và mạnh dần lên, hai năm qua là một ví dụ. Theo dự kiến, mực nước biển dự kiến sẽ dâng cao 33cm vào năm 2050 và một mét vào năm 2100. Như vậy trong vài chục năm tới, Hà Nội càng bị đe doạ bởi lụt lội và mưa bão nguy hiểm nhiều hơn bao giờ hết.
Phát triển Hà Nội như thế nào để tránh được thảm hoạ Katrina? Người Mỹ đã tính chuyển thành phố New Orleans lên một chỗ cao hơn. Suy đi tính lại, New Orleans phải nằm trong đê bao dưới mặt nước biển vài mét mới “Pháp”. Nhưng đó là chuyện thành phố nhỏ vài trăm ngàn dân của họ. Còn Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến với hàng triệu dân thì không thể để lũ lụt hàng năm đe doạ.
Chúng ta đã có hay chưa một kế hoạch xây dựng Hà Nội để sống chung với bão lũ và vỡ đê? Hay dân ta thích lãng mạn kiểu “Hà Nội với hai cái tai”, xây thành phố hai bên bờ sông Hồng để rồi đợi hôm nào đó thuỷ thần đến phá. Chỉ cần một lần vỡ đê, công sức cả ngàn năm sẽ bay đi. Lúc đó, cụ Rùa sẽ bơi ra sông Hồng đi tìm vua Lê Lợi để tiếp tục đòi kiếm lần nữa.
Mở rộng Hà Nội hay chuyển chức năng ra nơi hợp lý
Ta thường tự hào “Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, quân sự, hành chính, kinh tế, thương mại và văn hoá của cả nước”. Chính cái phần “kinh tế thương mại” kia làm cho Hà Nội manh mún, kẹt xe và môi trường ô nhiễm nặng nề. Nó phá luôn cả “văn hoá” và ảnh hưởng không nhỏ đến “chính trị, quân sự” và tự kìm hãm chính cả bản thân “kinh tế”. Những thành phố như Bắc Kinh, Bang Kok, Manila hay Jakarta  đang chịu cảnh ô nhiễm ngột ngạt và tắc đường triền miên cũng chỉ vì tuyên ngôn trên.
Ý tưởng không tồi nếu chúng ta đưa “chính trị, quân sự và hành chính” lên Hoà Lạc, chuyển “kinh tế, thương mại” về phía bắc Thăng Long và Gia Lâm hay đâu đó nhưng không phải giữa trung tâm như bây giờ, giữ nguyên ” văn hóa” ở phố cổ quanh bờ Hồ và Quảng trường Ba Đình với Hoàng thành Thăng Long. Ít nhất, “các bác địa phương” ra họp Trung ương sẽ đi thẳng lên Sơn Tây, đỡ hẳn chuyện tắc đường dịp lễ tết.
Nếu chúng ta vẫn giữ khư khư Hà Nội là “trung tâm của tất cả” thì than ôi, chục năm nữa, thành phố sẽ biến thành một cái “làng” Thăng Long thật sự theo đúng nghĩa đen. Nó sẽ nham nhở như những ngôi nhà lắp ghép Giảng Võ với lồng sắt chuồng cọp lợp tấm nhựa bảy sắc cầu vồng.
Hà Nội đã tắc nghẽn giao thông, không còn đường nào để “xếp” xe máy và ô tô, vỉa hè không có chỗ để người đi bộ. Nếu xung quanh bờ Hồ thêm những building chót vót như Vietcombank, hay EVN Land đang dự định xây 15-20 tầng ngay cạnh hồ và giải quyết tắc nghẽn giao thông bằng cách xây dựng skyline train (tàu điện treo) để vào khu Hoàn Kiếm thì hẳn cụ Rùa sẽ bơi trong cái chuôm. Cổ cụ thấp lắm, không thể nhìn được nóc nhà EVN Land. Từ khi có “hàm cá mập” cụ ít dám nổi lên.
Du khách Tây đến Hà Nội không phải để ngắm mấy cái nhà cao chót vót do Vinaconex xây dở Tây, dở ta, chắp vá như anh trai tôi ở quê làm nhà mái bằng. Họ muốn chiêm ngưỡng cụ Rùa nổi lên những ngày thu đẹp trời, ra khu phố cổ 36 phố phường để mua tơ lụa Hà Đông hay lựa gốm Bát Tràng.
Trong thập kỷ tới, bài toán kinh tế nan giải đặt ra cho chúng ta là bỏ ra 50 hay 100 tỷ đô la để chắp vá Hà Nội vốn đã chật hẹp, manh mún và lộn xộn để rồi nó càng chắp vá thêm hay tiền tỷ đô đó để bắt đầu một cuộc đời mới về phía Hoà Lạc hay đâu đó. Nếu Hà Nội “Tây tiến” mới được bắt đầu lại với kỹ thuật hiện đại chắc chắn sẽ không kém thủ đô Canberra (Úc). Hà Nội cũ vẫn đẹp như New Orleans, lãng mạn nằm bên cạnh sông Hồng với những cái hồ thơ mộng và cụ Rùa 400-500 tuổi.
Quyết định đó nằm trong tay các nhà chính trị hơn là “mấy ông” vừa tìm cách chiếm tấc đất tấc vàng quanh hồ Gươm, mua villa hóa giá lại vừa “quân sư quạt mo” giảm xe máy, xây metro hay “cầu treo” vào Ba Đình.
Hào kiệt nước Nam và chuyện dời đô 
Lần ngược lịch sử, có thể thấy, năm 1010  Vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô vì nhận thấy cố đô Hoa Lư bị những dãy núi đá vôi bao quanh, chỉ thuận tiện cho việc phòng thủ, không thích hợp cho việc phát triển kinh tế. Cách đây 1000 năm, các vị tiên đế làm gì có ảnh vệ tinh hay máy định vị toàn cầu để nhìn được toàn cảnh Đại La. Thế nhưng các vị đã thấy được mảnh đất Thăng Long cho nghìn năm sau: xuyên lịch sử, xuyên không gian và vượt qua thời gian.
Hà nội của chúng ta. Ảnh: Internet
Hà nội của chúng ta. Ảnh: Internet
Hồi nhỏ, tôi thấy cha tôi hay kể về cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đầy thán phục. Cụ có rất nhiều lời “sấm”, tiên đoán cho tương lai. Chỉ cần một câu “”Lê tồn Trịnh tại” cũng giúp cho hai triều Trịnh Lê dựa vào nhau tồn tại 200 năm. Nghe lời sấm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (dải Hoành Sơn có thể dung thân lâu dài) mà Nguyễn Hoàng lập được nghiệp lớn ở Thuận Hoá. Vào thế kỷ 16, cụ Trạng cũng không có Vietnam Airlines để thị sát trước khi đưa ra lời sấm truyền.
Lúc này rất cần những chính trị gia có khả năng ra quyết định với tầm nhìn xa như Lý Thái Tổ và các nhà khoa học biết phán những lời sấm xuyên thế kỷ cho Hà Nội như cụ Trạng Trình trước đây. Nếu các bậc hào kiệt ngày nay chịu khó lên trực thăng bay vài tháng liền trên bầu trời Hà Nội, Hà Tây hay Hòa Bình vào mùa nước lũ để nghiên cứu và định hướng phát triển Thủ đô cho vài chục năm sau, có thể hy vọng họ sánh được với các bậc tiền nhân dùng thuyền nan tìm đất dời đô. Nếu mấy vị ngồi bờ Hồ bàn cãi và lo qui hoạch để cho nhà mình ra ngoài mặt đường thì Rồng Thăng Long sẽ chỉ vùng vẫy quanh mấy cái “ao làng” tương tự mấy anh chàng nhà quê tìm vợ ở Hà thành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này