Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Việt Nam có thể làm gì và nên làm gì với Trung Quốc?

Một tranh biếm họa cũ nay vẫn còn nguyên giá trị
Đây là câu hỏi thường dẫn đến nhiều câu trả lời khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, không chỉ trong nội bộ người Việt Nam mà trên thế giới. Bởi vì quan hệ Việt-Trung giống như một chiếc hàn thử biểu loạn nhịp trước nhiệt độ nóng lạnh thất thường trong quan hệ giữa hai quốc gia "vừa là đồng chí vừa là anh em", có lúc tưởng như sóng đã yên biển đã lặng, bỗng chốc ào lên những đợt sóng cồn. Với tình trạng quan hệ bấp bênh như thế, phần bị động thiệt thòi luôn thuộc về Việt Nam, và tình huống luôn đặt Việt Nam vào thế phải lựa chọn giữa chiến hay hòa, giữa đối đầu hay cam chịu..., đằng nào cũng khó cả. 

Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan khổng lồ Haiyang 981(dưới đây gọi tắt là giàn khoan 981) được gọi là "lãnh thổ di động" tại một tọa độ sâu trong lãnh hải Việt Nam hiện nay là một trong những đợt sóng cồn như thế và nó đang khuấy lên những tình cảm lẫn lộn trong nội bộ người Việt với bao nỗi băn khoăn trăn trở. Những ngày qua dồn dập diễn ra nhiều vụ việc cùng với hàng triệu ý kiến từ chính giới, các học giả, nhà nghiên cứu đến người dân. Bên cạnh các phát biểu, bài viết được đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng còn vô số ý kiến khác trên mạng internet với sức lan tỏa không kém gì nhau. Có lẽ chưa bao giờ sự khác biệt chính kiến được thể hiện nhanh, đầy đủ và rộng khắp như bây giờ.
  
Lòng yêu nước không thuần nhất  

Một lần nữa từ "yêu nước" lại vang lên với tần suất cao trong ngôn từ của người Việt, từ nhà ra ngõ, trong nước và ngoài nước, từ thành thị đến nông thôn, từ miền biển lên miền núi, ai cũng muốn chứng tỏ mình là người yêu nước và yêu nước là lẽ sống. 

Đó là dấu hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh đất nước đang cơn khủng hoảng mất lòng tin do tệ nạn tham nhũng và sự yếu kém của bộ máy công quyền đến nỗi nhiều người cho rằng nếu có giặc ngoại xâm sẽ không còn ai để chống giặc... Thật ra đâu phải thế (!?)

Tuy nhiên, nhìn cận cảnh ta thấy lòng yêu nước giờ đây có khác so với các thời kỳ trước. Đó là tính đa dạng trong quan niệm và cách thức thể hiện mà nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự thay đổi trong cơ cấu chính trị-xã hội và sự hình thành các nhóm lợi ích mới. Lẽ đương nhiên, người giàu yêu nước khác với người nghèo; lòng yêu nước của người có chức quyền chưa chắc trong sáng hơn lòng yêu nước của dân thường và lòng yêu nước của doanh nhân còn phụ thuộc vào mức độ cam kết với đối tác của quốc gia xâm lược (như được thể hiện qua nhiều phi vụ làm ăn gây thiệt hại cho nền kinh tế và an ninh quốc phòng trong thời gian qua); và hình như các thế lực tham nhũng có phần cảm thấy "an toàn" hơn khi đất nước bận đối phó với ngoại xâm. Ngoài ra còn hàng triệu người Việt định cư hoặc làm ăn, học tập ở nhiều nước khác nhau trên thế giới tùy hoàn cảnh mỗi người cách thể hiện lòng yêu nước cũng không giống nhau. 

Nói cách khác, sự khác nhau về lợi ích dù muốn hay không cũng chi phối mức độ của lòng yêu nước. Nếu trước đây mọi người dễ dàng gác sang một bên lợi ích cá nhân để cùng nhau chiến đấu chống giặc Pháp, Mỹ thì giờ đây chắc sẽ có những người không tránh khỏi đắn đo do dự khi chống lại "giặc tàu". 

Ấy là chưa kể có những thành phần luôn chờ cơ hội để thực hiện những mưu đồ riêng của họ như lật đổ chính quyền, tranh giành quyền lực hoặc can thiệp vào nội tình của Việt Nam. Tất cả các thành phần này cũng núp dưới khẩu hiệu yêu nước nhưng tâm địa thì đen tối.  Hiện tượng bạo loạn đập phá hôi của mới xảy ra tại Hà Tĩnh và Bình Dương là một biểu hiện. Tình trạng dân trí khập khiển trong dân chúng cũng là một nguyên nhân khiến họ không nhận rõ ai là bạn/thù và đâu là cách thích hợp để thể hiện lòng yêu nước.  

Lúng túng trong đối sách  

Lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Kinh tế Đông Á (Philipin) mới đây làm nức lòng người dân đất Việt sau một thời gian dài thất vọng. Không chỉ nêu đích danh Trung Quốc xâm lược, Thủ tướng còn chỉ rõ Trung Quốc nói một đàng làm một nẻo và thuyên bố "nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này (tức độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ) để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc". Chỉ cần thế, người Việt dường như đã tìm lại được chính mình với khí thế của thời chống chống Pháp, chống Mỹ. 

Có thể nói, đây là một bước tiến dài trong nhận thức của Lãnh đạo Việt Nam trong một thời gian ngắn, mà chỉ có được do sự hung hãn trắng trợn của Trung Quốc đưa lại. Nhưng đây không phải lần đầu Trung Quốc trở mặt gây hấn xâm lược. Họ đã làm thế với cuộc chiến tranh biên giới 1979, rồi cuộc chiến chớp nhoáng Trường Sa năm 1988 cũng như hàng loạt vụ cướp phá tàu cá, cắt cáp tàu dầu khí của Việt Nam, v.v... 

Nhưng có điều là, sau mỗi sự kiện, Việt Nam tuy đều bị thua thiệt, thậm chí bị mất một phần lãnh thổ hay biển đảo, nhưng rồi vẫn tiếp tục với phương châm mà Bắc Kinh đã đề ra "gác lại tranh chấp...vì vì đại cục". Thực tế đầy mỉa mai này khiến ta không thể không băn khoăn liệu lần này Việt Nam có thể vượt qua chính mình để làm một điều gì đó khác trước (?). Liệu mọi chuyện sẽ đâu lại về đó khi "nó" mời ông nọ bà kia sang thăm và nói lời hạo hạo cùng với những hứa hẹn riêng tư... Có thể lắm chứ khi mà "ý thức hệ" vẫn còn đó với lá bùa 4 tốt và 16 chữ vàng dán trên trán. 

Sự lúng túng được thể hiện trong chủ trương chính sách cũng như trong hành động cụ thể.  Ai cũng biết, cho đến trước vụ giàn khoan 981, chính quyền không cho phép biểu tình chống Trung Quốc dù dưới bất kỳ hình thức, quy mô nào, nhưng sau vụ giàn khoan thì lại cho phép với hàng loạt cuộc mít tinh biểu tình từ đảo Lý Sơn đến Thành phố HCM, Hà Nội và các nơi khác. Tuy nhiên, sau vụ bạo loạn tại khu công nghiệp ở Hà Tĩnh và Bình Dương thì lại cấm tiệt, không phân biệt ai là kẻ xấu, người tốt. Hiện chỉ người Việt ở nước ngoài được biểu tình trong khi người Việt ở trong nước thì không. Đây là một nghịch lý chứa đựng những nguy cơ bất bình trong dân chúng.
   
Trên mặt trận thông tin tuyên truyền (truyền thông)  ta thấy từ "tàu lạ", "nước lạ" được thay bằng từ "Trung Quốc" sau vụ giàn khoan 981. Những thay đổi bất chợt như nói trên không phải chỉ có bây giờ mà đã có nhiều lần trong quá khứ. Tất nhiên chính quyền có đủ lý lẽ để biện minh, nhưng không thể che dấu được thực chất lúng túng khó xử bắt nguồn từ sai lầm trong chủ trương đối sách với Trung Quốc. 

Có vô lý không khi Việt Nam lúc nào cũng sẵn sàng phê phán, công kích Mỹ và Phương Tây về mọi điều sai trái, kể cả những điều không trực tiếp có hại cho Việt Nam, nhưng với Trung Quốc thì lại kìm nén, im lặng chịu phần thua thiệt? Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân khiến đất nước đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để "làm bạn với tất cả", và rốt cuộc không thể thoát khỏi vòng cương tỏa của ông bạn lớn láng giềng phương Bắc?

Kịch bản nào cho vụ giàn khoan 981?

Xin nhắc lại, trong vòng 1/2 thế kỷ qua cứ mỗi lần gây hấn, Trung Quốc đều gặm nhấm một phần lãnh thổ hoặc biển đảo của Việt Nam. Bằng cuộc hải chiến với Việt Nam Cộng hòa năm 1974 Trung Quốc đã nuốt trọn toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Bằng cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 mà Đặng Tiểu Bình nói để "dạy Việt Nam bài học", nhưng thực chất là để tạo tiền đề phục vụ việc đàm phán biên giới một cách có lợi về sau, và kết quả đã chiếm được một diện tích rải rác dọc biên giới Việt-Trung tổng cộng bằng tỉnh Thái Bình (theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Vĩnh-nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc). Bằng cuộc hải chiến chớp nhoáng tại quần đảo Trường Sa năm 1988 Trung Quốc đã chiếm 6 đảo đá ngầm và hình thành thế "cài răng lược" tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam nơi mà trước đó Trung Quốc không hề có chỗ đứng chân nào.  Không còn nghi ngờ gì, bằng việc hạ đặt giàn khoan 981 mà họ gọi là "lãnh thổ di động" lần này Trung Quốc nhằm chiếm một vùng biển rộng lớn sâu bên trong lãnh hải của Việt Nam. Chắc chắn Trung Quốc sẽ không dừng lại ở đây nếu họ không bị buộc phải dừng lại. 

Diễn biến tình hình  hơn 20 ngày qua ngày càng căng thẳng phức tạp không loại trừ bùng nổ chiến tranh với mọi mức độ và quy mô, đồng thời cũng có khả năng kết thúc bằng các biện pháp phi chiến tranh. Những khả năng đó có thể được liệt kê theo thứ tự khả thi như dưới đây:

a) Trước sức ép của dư luận quốc tế, Trung Quốc đơn phương tuyên bố "hoàn thành kế hoạch..." và rút giàn khoan đúng ngày 15/8 đồng thời rút lực lượng khỏi khu vực;

b) Do sức ép dư luận (có thể mạnh hơn khi Việt Nam phát đơn kiện) Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan và lực lượng trước thời hạn 15/8; 

c) Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì giàn khoan và di chuyển để khoan thêm những mũi khác quanh đảo Tri Tôn, tất nhiên vẫn duy trì lực lượng tàu bảo vệ;

d) Trung Quốc sẽ không rút giàn khoan nếu tìm thấy dầu hoặc khí đốt ở mức độ có thể khai thác thương mại;

e) Trong quá trình đấu tranh giằng co, do một sai lầm nào đó của lực lượng tại chỗ từ một trong hai phía, dẫn đến xung đột vũ trang  làm chìm tàu, chết người...; 

f) Trung Quốc cố tình khai hỏa dẫn đến xung đột vũ trang tại chỗ với sự tăng cường lực lượng từ hai phía và chiến sự lan rộng ra dọc ven biển Việt Nam và quần đảo Trường Sa.  

Tất cả các khả năng đều có thể xẩy ra, nhưng cuối cùng cũng phải chấm dứt. Chấm dứt như thế nào còn phụ thuộc vai trò của các tổ chức quốc tế và các nước lớn khác. Nhưng vai trò quyết định là Việt Nam, nếu Việt Nam biết rằng muốn thế giới cứu mình, trước hết Việt Nam phải tự cứu. Đó là quy luật của cuộc sống.    

Việt Nam nên làm gì?

Ai cũng biết, nếu nổ ra chiến tranh, Việt Nam khó thắng Trung Quốc trong từng trận, nhưng nhất định sẽ thắng trong một cuộc chiến tranh kéo dài. Hơn nữa, trong bối cảnh thời đại ngày nay mọi thắng lợi bằng biện pháp chiến tranh sẽ không có giá trị cho mục tiêu chiếm đóng lãnh thổ về lâu dài. Đây là điều Trung Quốc cũng tự biết. 

Cuộc "xung đột giàn khoan" này sớm muộn rồi cũng đến hồi kết. Tuy nhiên, dù kết cục thế nào, Việt Nam cần nhận thức rõ, đây không phải là chuyện tranh giành lợi ích dầu khí hay ngư trường mà là chủ quyền lãnh thổ. Mục đích tối thượng của Việt Nam là phải tống khứ không chỉ giàn khoan 981 mà cả lực lượng tàu thuyền của Trung Quốc ra khỏi khu vực mà họ đang định lấn chiếm, chí ít phải trở lại nguyên trạng trước ngày 2/5/2014. Chừng nào chưa hoàn thành mục tiêu này chừng đó Việt Nam còn phải tiếp tục đeo bám đấu tranh đến cùng.

Như trên đã nói, Việt Nam không chủ trương dùng chiến tranh để giải quyết tranh chấp. Lợi thế của Việt Nam  nằm ở tính chính nghĩa và pháp lý. Nếu biết phát huy tốt mặt lợi thế này Việt Nam nhất định sẽ thành công trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đồng thời tránh được chiến tranh. 

Nói cách khác Việt Nam không thể đùng biện pháp chiến tranh để đánh đuổi Trung Quốc mà chỉ có thể dùng biện pháp chính trị ngoại giao và pháp lý. Biện pháp chính trị ngoại giao thì lâu nay đã dùng. Biện pháp đấu tranh pháp lý thì chưa. Vậy đây là thời điểm thích hợp để sử dụng pháp lý một cách có hiệu quả.

Điều quan trọng hơn là, đã đến lúc Việt Nam cần xác định lại toàn bộ đường lối chính sách trong quan hệ với Trung Quốc- đó là không bao giờ chủ trương đối đầu nhưng cũng không thân thiết "anh em chiến lược" - tức là chỉ coi Trung Quốc như một nước đối tác bình thường, tốt với nhau thì chơi, không tốt thì đề phòng hoặc không chơi. Phải dứt khoát đoạn tuyệt với quan niệm "hữu nghị viễn vông" như Thủ tướng đã nói. 

Trung Quốc có thể trả đủa bằng biện pháp kinh tế-thương mại nhưng chỉ có thể gây những khó khăn lúc đầu, vì vai trò đầu tư, thương mại của Trung Quốc tại Việt Nam hiện nay chưa đủ sức gây áp lực đáng kể lên nền kinh tế Việt Nam. Ngược lại Việt Nam sẽ có cơ hội để thực hiện tự lực tự cường thông qua việc đa dạng hóa quan hệ với thế giới. Thực tiễn cho thấy, càng buôn bán, hợp tác kinh tế với Trung Quốc nền kinh tế Việt Nam càng lệ thuộc vào Trung Quốc đồng thời mất cơ hội để tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến của nhân loại. Điều này thể hiện rõ qua những hậu quả nhãn tiền chỉ sau một thời kỳ ngắn "bình thường hóa" quan hệ Việt-Trung.

Thực tiễn cũng cho thấy Trung Quốc chỉ giúp Việt Nam khi nào có lợi cho họ, triệt để sử dụng Việt Nam để chống lại Mỹ, Nga, khi có cơ hội thì thông đồng với Nga, Mỹ để xâm lược Việt Nam. Lịch sử cho thấy người Pháp dù đô hộ Việt Nam 100 năm nhưng không chiếm được tất đất nào của Việt Nam, người Mỹ, người Nga cũng không làm điều đó. Nhưng Trung Quốc thì lúc nào cũng lăm le nhòm ngó xâm lấn đất đai biển đảo của hàng xóm bằng mọi thủ đoạn bẩn thiểu nhất. Đây là đặc điểm phải tính đến trong hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam. 

Trong họa có phúc, thiết nghĩ vụ giàn khoan 981 chỉ là một vụ trong hàng trăm vụ gây hấn vì mục đích lãnh thổ của Trung Quốc trong suốt quá trình 75 năm quan hệ Việt-Trung. Hy vọng đây là tiếng chuông cảnh báo cuối cùng để người Việt Nam từ giới lãnh đạo đến người dân bình thường biết làm gì để đoạn tuyệt với kiểu quan hệ bất bình đẳng được tạo dựng bởi "vòng kim cô ý thức hệ" cùng những thứ viễn vông... Có lẽ bài học đơn giản cần rút ra là, là trong quan hệ với  ông bạn láng giềng phương bắc Việt Nam phải duy trì một khoảng cách đủ rộng để tiến lui. Và trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, trí phải khôn nhưng chí phải quyết, lòng phải bền, tuyệt đối tránh cái cảnh sau cơn bỉ cực thì gà con lại sà vào lòng con cáo già.  
              
TL Tham khảo:
-Sự thật về Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua
Nxb Sự Thật, Hà Nội 10/1979.

-Tin TTXVN
-Tin Internet






   



2 nhận xét:

  1. Cảm ơn tác giả đã viết bài này. Chúng ta cần độc lập, tự chủ. Cần thoát ra càng nhanh càng tốt sự lệ thuộc vào ông bạn " vàng " phương bắc !

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này