Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Thế trận Việt Nam: Cần một tư duy mới

Phần I: Lịch sử cho thấy gì?
Dường như mỗi người Việt Nam sinh ra là biết mình có “hơn 4.000 năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước” và đồng thời rất đỗi tự hào về truyền thống chống ngoại xâm, từ giặc Ân-Thương, Tần, Hán, Đường, Nguyên-Mông, Thanh,  Pháp,  Nhật, Mỹ, Tàu Tưởng và CHND Trung Hoa. Phải chăng đó là do thế đất trời hay vận mệnh mà ra? Nhưng có một điều đã rõ: Người Việt có một kẻ mà dù muốn hay không vẫn phải chung sống cận kề bên nhau đời đời kíp kíp, đó là nước Trung Hoa luôn tự phong là “vương triều giữa thiên hạ”(the Middle Kingdom). Với cái "mệnh trời" tự phong đó, kể từ thời sơ khai, Nhà Hạ (từ thiên niên kỷ thứ II TCN) đã có xu hướng bành trướng lãnh thổ về hướng Nam nơi vốn là thánh địa của hàng trăm tộc người “Bách Việt”.  Trong quá trình kéo dài hàng ngàn năm đó các bộ tộc hoặc vương quốc Bách Việt đã lần lượt bị Hán tộc thôn tính và đồng hóa, chỉ còn lại Việt Nam tuy không bị đồng hóa nhưng đã bị dồn đẩy về phía Nam và bị các triều đại phong kiến Phương Bắc thay nhau đô hộ trong 1.000 năm liền. Và từ bấy đến giờ họ chưa hề ngưng giấc mộng bành trướng về phương Nam.
Có ít nhất là 4 kinh nghiệm có thể rút ra từ lịch sử:
Một là, mỗi khi Vương triều Phương Bắc thống nhất và mạnh lên thì họ đem quân sang chinh phạt Việt Nam (bắt đầu  bằng cuộc xâm lược quy mô lớn đầu tiên diến ra từ năm 218 đến 208 TCN giữa thời kỳ hoàng kim của Nhà Tần). Đôi khi trong những cơn tức giận, họ cũng mang quân “đánh hàng xóm”, điển hình là cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 mà họ nói “để dạy cho Việt Nam một bài học”. Cho đến nay chưa có gì để đảm bảo rằng cách hành xử này sẽ không lặp lại.
Hai là, kẻ thù thường triệt để khai thác những thời điểm có bất hòa, bất ổn trong nội bộ Việt Nam để khởi binh xâm lược. Đành rằng hễ khi nào bị xâm lược, người Việt Nam lại gác lại những bất hòa, bất ổn trong nội bộ để tập trung chống kẻ thù, nhưng đây là một  nghịch lý, bởi lẽ những chu kỳ chiến tranh lặp đi lặp lại ắt gây ra hậu quả nặng nề truyền kiếp đối với dân tộc ta. Tại sao không  phòng ngừa tránh để xảy ra xâm lược rồi mới đoàn kết ?    
Ba là, dù thắng, bại nhà nước Việt Nam cũng chưa bao giờ tách hẵn khỏi “vòng cương tỏa” của Vương triều Phương Bắc.  Tuy vậy phía đối phương chưa hề tỏ ra biết trân trọng quốc sách hòa hảo, phục thiện đó của dân tộc Việt Nam; trái lại còn coi đó là cử chỉ yếu hèn, nhu nhược...!  
Bốn là, các kẻ ngoại xâm không liền kề biên giới như Nguyên-Mông, Pháp, Mỹ, Nhật   sau khi bại trận đều rút khỏi lãnh thổ của Việt Nam mà không chiếm được tất đất nào, nhưng nước láng giềng Phương Bắc dù bại trận vẫn chiếm đất đai và dồn đẩy Việt Nam về phía Nam. Ngày nay điều này vẫn đang diễn ra và còn gay gắt hơn với tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ.  
Phần II: Tương quan lực lượng
Trên đây là những gì có thể thấy từ lịch sử và cũng là những kinh nghiệm thiết thực để  rút ra bài học cho hiện tại và tương lai.  Thiết nghĩ giờ đây trong bối cảnh thế giới đã hoan toàn khác xưa, đã đến lúc người Việt Nam cần suy ngẫm lại về cái triết lý bạn / thù và đồng minh, để từ đó có những sự điều chỉnh hợp lý nhằm thay đổi cục diện đang ngày càng trở nên bất lợi cho mình.
Để làm được điều này trước hết ta hãy thử xem xét mối tương quan so sánh lực lượng trong bối cảnh thế giới ngày nay.
Trung Quốc bao giờ cũng là một cường quốc với tham vọng bành trướng...
Có thể nói, kể từ khi Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nước năm 256 TCN, Trung Quốc đã là một cường quốc đầy tham vọng lãnh thổ. Ngày nay tham vọng đó càng trở nên cấp bách khi “con sư tử” đã thức giấc và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.  Đi kèm với sự lớn mạnh đó là mối nguy cơ đối với các nước láng giềng, đặc biệt đối với Việt Nam.
Khoan hãy bàn chuyện đúng, sai về chiến lược của giới lãnh đạo Trung Quốc, điều đã rõ  là họ đang nóng lòng muốn mau chóng đạt mục đích độc chiếm Biển Đông (vì biết để càng lâu càng khó). Về quân sự họ gấp rút tăng cường lực lượng hải quân cho mục đích bành trướng trên biển; về đối ngoại đã chính thức đề trình LHQ sơ đồ “ đường lưỡi bò”  bao trọn 80% diện tích Biển Đông, trong đó “lẹm” sâu vào lãnh hãi  của Việt Nam và các nước ven bờ khác đồng thời tuyên bố  đó là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc (như đối với Đài Loan và Tây Tạng vậy!?). Những bước đi của chính quyền Trung Quốc xuất phát từ chiến lược được tính toán lâu dài với khát vọng độc chiếm Biển Đông để làm  cửa ngõ thông ra thế giới. Điều mĩa mai là , một đất nước vốn chỉ bằng một vết dầu từ thời Nhà Hạ nhờ xâm lược mà nay trở thành “khủng” như Trung Quốc lại còn than phiền bị các nước nhỏ xâm chiếm đất đai và biển đảo…, nên giờ đây phải “giành lại”(?) Chưa cần nói đến hành động, chỉ nghe cách tư duy trái ngược với xu hướng thời đại như thế đã thấy chủ nghĩa bành trướng Đại Hán nguy hiểm như thế nào. Nó nhắc ta nhớ lại thuyết Đại Đức của Hít le hồi đầu thế kỷ trước.                
Riêng Việt Nam, do vị thế địa chính trị, lại một lần nữa trở thành “vật cản’ đối với chủ nghĩa bành trướng nói trên . Đó là "vạch nối" không đáng có sau lịch sử 5.000 năm ân oán giữa Hán tộc và Việt tộc. Nhưng có điểm khác là: Giờ đây các nước Đông Nam Á xa hơn  cũng bắt đầu trực tiếp cảm nhận áp lực của chủ nghĩa bành trướng Phương Bắc ; và do lợi ích thiết thân của mình, Mỹ và hầu hết các  cường quốc khác cũng không thể chấp nhận. (Ảnh minh họa đường “lưỡi bò” đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông do phía Trung Quốc đơn phương công bố)
…Trong một thế giới đã thay đổi          
Cần nhắc lại rằng thế giới ngày nay đã hoàn toàn khác với các thời kỳ tiền sử cũng như thời phong kiến - thực dân. Đó là sự ra đời của hàng trăm quốc gia dân tộc, trong đó mọi quốc gia dù lớn nhỏ đều có thể tồn tại và phát triển với tư cách bình đẳng thông qua các cơ chế hoạt động của các tổ chức quốc tế, điển hình là Liên Hợp quốc (UN) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), được chi phối bới các “luật chơi” chung như Luật Biển, các công ước về chiến tranh và hòa bình, các luật lệ môi trường, thương mại v.v…Các mối giao lưu quốc tế đã trở nên vô cùng nhanh nhậy trên bình diện đa phương, đa chiều và tùy thuộc lẫn nhau một cách sâu sắc. Trong mối quan hệ đan xen nhiều tầng nấc như vậy, bất cứ hành động xâm lược phi pháp nào giữa các quốc gia cũng nhanh chóng bị phơi bày trước công luận quốc tế.   
Quan niệm về bạn/ thù và đồng minh cũng khác xưa. Nếu như trước đây một nước nhỏ yếu thường sớm muộn cũng bị một nước láng giềng lớn mạnh thôn tính thì ngày nay nhiều nước nhỏ vẫn có thể tồn tại độc lập và phát triển phồn thịnh (như trường hợp Thụy Sĩ, Áo, Phần lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel, và ngay cả những vùng lãnh thổ nhỏ bé như Hồng Kông, Ma Cau nằm lọt thỏm trong lòng Đại lục). Đó là nhờ họ biết vận dụng những nhân tố mới của thời đại để giảm thiểu sự lệ thuộc vào một cường quốc láng giềng bằng, chẳng hạn dựa vào đồng minh ở xa nhưng có sức mạnh và có cùng lợi ích (như trường hợp Hàn Quốc và Đài Loan, Phillipin dựa vào  Mỹ, v.v…). Nếu như trước đây những đội quân đến từ các thảo nguyên nơi có giống ngựa tốt thường là những đội quân hùng mạnh thì ngày nay sức mạnh phụ thuộc chủ yếu vào các loại vũ khí công nghệ cao được đặt bất cứ vị trí nào trên mặt đất hoặc trong đại dương. Nếu biết kết hợp những yếu tố mới của thời đại một  quốc gia nhỏ yếu có thể tùy theo vị trí địa chính trị và mục đích tự vệ của mình để tính toán việc chọn bạn/ thù và đồng mình mà không nhất thiết phải phụ thuộc  một cường quốc láng giềng.  
Nếu trong quá khứ các cuộc xâm lược thường nhằm mục tiêu chiếm đất đai, của cải trên đất liền thì ngay nay các mục tiêu biển đảo đã trở nên hấp dẫn hơn . Cùng với “hấp lực” này, hải quân các nước không chỉ có chức năng vận chuyển và tác chiến trên biển mà còn đóng vai trò của lực lượng chiếm đóng giữa biển khơi. Cũng do đó, các quốc gia có vị trí án ngữ trên các tuyến hàng hải chiến lược hoặc chứa đựng nhiều tài nguyên biển trở thành vừa đối tượng tranh giành, vừa là đối tác quan trọng.  
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin cũng là một yếu tố tác động không nhỏ đến tư duy quốc phòng trong thời hiện đại. Trước hết nó thúc đẩy quá trình “minh bạch hóa” tiềm lực quân sự của các nước lớn đồng thời hạn chế tình trạng chạy đua vũ trang một cách lãng phí. Với sự phổ cập rộng rãi công nghệ thông tin,  những âm mưu xâm lược dù được che dấu bằng bất cứ thủ đoạn nào cũng dễ bị phơi bày trước công luận. Nếu như trong quá khứ chỉ một số ít người nắm giữ thông tin tuyệt mật về quốc phòng hay các quyết định về chiến tranh và hòa bình thì giờ đây những thông tin loại này có thể bị tiết lộ và “khuếch tán” nhanh chóng trên internet. 
Tóm lại, thế giới ngày nay đưa lại nhiều lợi thế cho các quốc gia nhỏ yếu để tự vệ hơn là trong quá khứ. Đó chính là đặc điểm mới mà các quốc gia nói chung, đặc biệt các quốc gia nhỏ yếu hơn, có thể khai thác cho mục tiêu độc lập và phát triển của bản thân.
Mỹ trở lại Đông Nam Ấ, cơ hội hay thách thức?
Mọi người hẳn còn nhớ lời cảnh báo về “khoảng trống quyền lực” tại Đông Nam Á trong sự vắng bóng Mỹ sau thất bại chiến tranh Việt Nam 1975. Rốt cuộc không ai khác, chính Trung Quốc đã âm thầm ra sức lấp đầy khoảng trống này. Đó quả là “cơ hội  vàng” đối với họ, ít ra là cho đến khi Mỹ quyết định trở lại với lời tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra tại Hà Nội hồi tháng 7/2010, trong đó coi Biển Đông là “lợi ích quốc gia“ của Mỹ.
Có thể nói, sự trở lại của Mỹ lần này trước hết xuất phát từ sự tính toán lợi ích của nước Mỹ trong ván cờ quyền lực quốc tế nói chung, và với Trung Quốc nói riêng; họ không trở lại chỉ để giúp đỡ bất cứ một nước nào, kể cả Việt Nam. Tuy nhiên sự trở lại của Mỹ vào lúc này dù muốn hay không đang tạo nên một cơ hội cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để đối phó với thế lấn lướt trong âm mưu độc chiếm Biển Đông của một nước Trung Quốc khổng lồ đày tham vọng bành trướng. Sự trở lại của người Mỹ lần này không “thầm lặng”; họ cần sự ủng hộ của dư luận ASEAN và quốc tế. Cũng vì những đặc điểm nói trên, sự trở lại của Mỹ giờ đây được dư luận Mỹ và các nước Đông Nam Á đồng thuận với mức độ cao; có lẽ chỉ Trung Quốc là không hài lòng, thậm chí còn “cay cú”.        
Đối với Việt Nam, đây không phải là lần đầu phải lựa chọn bạn/ thù và đồng minh. Chỉ khác là trong một bối cảnh hoàn toàn khác so với thời kỳ phong kiến thực dân và cũng khác thời kỳ “chiến tranh lạnh” khi người Mỹ vào Đông Nam Á chủ yếu để ngăn chặn “nguy cơ Chủ nghĩa Cộng sản”, nhưng giờ đây họ trở lại nhằm ngăn chặn nguy cơ của  một nước Trung Quốc đang thách thức vị thế hàng đầu của nước Mỹ.
Do đó, có thể nói, nếu trong những năm 1940 Tổng thống Truman đã vì quá mù quáng với chủ nghĩa chống cộng mà khước từ động thái mời chào bang giao hữu nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì nay Tổng thống Obama chắc sẽ không lặp lại điều đó. Cũng đã có ít nhất vài ba cơ hội khác mà hai nước đã "đánh mất", đó là Hiệp định Geneve 1954, Hiệp định Paris 1973, và sau giải phóng miền Nam 1975. Hiện nay cũng là một cơ hội.   Nói cách khác, Việt Nam lúc nào cũng có “cái giá” của mình. Có thể thấy trong thế trận hiện nay tại khu vực Châu Á -TBD nói chung và tai Đông Nam Á nói riêng, Việt Nam và Mỹ đang có nhiều lợi ích tương đồng hơn bất cứ lúc nào trong quá khứ. 
Tuy nhiên, cũng như trong quan hệ hôn nhân, quan hệ đồng mình cần một sự tự nguyện và đồng thuận cao. Về điểm này, thiết nghĩ người Việt Nam cũng không nên quá nhẹ dạ đến mức kêu gọi nhau “đi với Mỹ” như ông Cù Huy Hà Vũ, và một số người đang làm, nhất là nếu tính đến thực thể chế chính trị hiện tại của Việt Nam . Lại cũng không thiếu gì những kinh nghiệm cay đắng về khả năng thỏa hiệp giữa các nước lớn trên lưng các nước nhỏ. Có lẽ trước mắt một sự thỏa hiệp lỏng lẻo và có điều kiện giữa hai bên là lựa chọn "khả thi" nhất. 

Phần III: Sự chọn lựa nào cho Việt Nam?
Không nhất thiết phải đứng về một bên chống một bên  
Từ kinh nghiệm của 1.000 năm Bắc thuộc, rồi 100 năm Pháp thuộc và gần 50 năm chiến tranh chống lại các thế lực đế quốc, phát xít và bành trướng, Việt Nam dù muốn hay không vẫn luôn bị đặt vào thế phải chọn bạn, thù và đồng minh nhằm mục tiêu đánh thắng kẻ thù để giành lại và bảo vệ nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Có thể nói Việt Nam đã thành công trong việc lựa chọn bạn/thù  trong  quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây. Tuy nhiên, những lựa chọn đó là “vạn bất đắc dĩ” khi buộc  phải đứng về bên này chống bên kia, và do đó, đằng sau những thành công luôn tiềm ẩn những nguy cơ từ nước  láng giềng Phương Bắc. Đó là một sự thật nghiệt ngã, đôi khi rất trớ trêu. Chẳng hạn trong thời kỳ trước và sau giải phóng miền Nam năm 1975, trong bối cảnh mâu thuẩn Xô-Trung ngày càng căng thẳng và Mỹ-Trung đang  xích lại gần nhau, Việt Nam một lần nữa rơi vào thế “quân tốt” trong ván cờ của hai siêu cường Trung, Mỹ. Điều tệ hại đã xảy ra khi Mỹ, Trung bắt tay nhau trong qúa trình đàm phán bí mật Thượng Hải năm 1972,  nhân cơ hội này phía Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, rồi đơn phương phát động chiến tranh  trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam vào tháng 2/1979.  
Thực tế là như vậy. Nhưng có điều trớ trêu là, ông bạn láng giềng Phương Bắc lúc nào cũng chỉ chăm chăm trách cứ Việt Nam “vong ơn bội nghĩa...”, và dường như không muốn biết rằng, nếu xem xét vấn đề một cách ngọn ngành thì chỉ có người Việt Nam lúc nào cũng trước sau như một, đã hy sinh sức người, sức của và thời gian giúp Trung Quốc đạt được những mục đích chiến lược của họ kể cả những tình huống không có lợi cho Việt Nam. Phải chăng người Trung Quốc không bao giờ thỏa mãn chừng  nào cái “vành đai” phía Nam chưa nằm trọn vẹn trong vòng cương tỏa của họ? 
Có thể nói với trạng thái quan hệ Việt-Trung như lâu nay không có gì để đảm bảo rằng những hành động bất bình đẳng sẽ lại không tái diễn. Đó  chính  là nguy cơ trực tiếp đối với Việt Nam. Do đó. nếu nói rằng tình huống buộc người Việt Nam phải lựa chọn, thì đó chính là phương châm đã được xác định từ Đại hội Đảng lần thứ VI: “Sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước”. Chỉ tiếc là, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong 15 năm qua  phương châm đó chưa được thực hiện một cách đầy đủ và nhất quán bằng những biện pháp cụ thể; có lúc có nơi còn đi chệch hướng.
Tuy nhiên, phải chăng chậm còn hơn không ? Giờ đây đã đến lúc để Việt Nam đoạn tuyệt với cách thức chọn  bạn-thù và đồng minh theo kiểu đứng về một bên chống lại một bên, bằng cách cởi bỏ tâm lý lo sợ và lệ thuộc bằng "ý thức hệ" hoặc dưới bất cứ dạng nào vào  nước lớn láng giềng Phương Bắc, đồng thời không tự hạn chế trong quan hệ với Mỹ và các cường quốc khác vì mục tiêu tối thượng là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Để làm được điều đó, trước hết Việt Nam cần dựa vào sức mình là chính, phát huy mạnh mẽ tinh thần độc lập tự chủ, tự cường trước mọi hành động và âm mưu xâm lấn của nước ngoài. Đó mới là cách tư duy hợp lý trong bối cảnh và tương quan lực lượng quốc tế và khu vực hiện nay, có tính đến  thực thể chính trị hiện tại của Việt Nam. Trong quá trình vận động, điều gì đến ắt sẽ đến. Hy vọng rằng Việt Nam sẽ thắng nhờ những nước cờ tiếp theo chứ không ở những nước đã đi.  

Yếu tố quyết định là nội lực và sự đoàn kết dân tộc
Có thể nói, đối với Việt Nam, việc lựa chọn bạn/thù và đồng minh tuy rất quan trong nhưng cũng chỉ là một mặt của toàn bộ chiến lược bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Lựa chọn vô cùng quan trọng là nội lực của đất nước, đó là sức mạnh tổng hợp mà trong đó khối đoàn kết toàn dân giữa vai trò quan trọng nhất.  
Như đã nói trên đây, bài học lịch sử của  hàng ngàn năm giữ nước cho thấy khi nào xảy ra tình trạng vua quan tự mãn, quan liêu, tham nhũng xa rời nhân dân khiến lòng dân oán giận, bất bình,...  ắt dẫn đến tình trạng lục đục mất đoàn kết nội bộ, và đó là nguy cơ cho ngoại xâm tràn vào. 
Thiết nghĩ, tình trạng “bất hòa”, “bất ổn”, “bất tín”  ít nhiều đã xuật hiện và đang diễn biến khá phức tạp  trong những năm tháng gần đây. Dư luận nhân dân ngày càng bức xúc trước những biểu hiện tham nhũng, năng lực yếu kém bộc lộ ở tất cả các cấp độ của hệ thống công quyền. Tất cả đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tình trạng này đã được các văn kiện Đại hội Đảng ghi nhận là “đang đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Thiết nghĩ đây là một vấn đề mà dân tộc ta phải bằng mọi cách  khắc phục càng sớm càng tốt để không lặp lại tình trạng như đã từng xảy ra trong quá khứ lịch sử.
Dựa vào thế trận “chiến tranh nhân dân”
Kinh nghiệm cho thấy chiến tranh nhân dân luôn luôn là nhân tố quyết định tạo nên sức mạch vô địch của nền quân sự Việt Nam. Phải nhắc lại điều này bởi lẽ nó dường như đã bị lãng quên trong tư duy chiến thuật trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trong thời gian qua; thậm chí có tình trạng dân không được biết, không được bàn…,  trái lại còn bị cấm đoán. Qua ý kiến phản hồi của dân chài Quãng Ngãi và miền Trung chothấy  sự cấm đoán mang tính “bao cấp” về tư tưởng chính trị như vậy không chỉ tự hạn chế sức mạnh đấu tranh của ta mà còn làm chia rẽ nội bộ chỉ có lợi cho âm mưưu của bọn bành trướng. Còn đó kinh nghiêm “xương máu” của thời kỳ trước cuộc chiến tranh biên giới 1979: Trong khi phía đối phương chủ động tung tin “sẽ đánh Việt Nam” để thăm dò dư luận thì phía ta lại chủ trương giữ kín thông tin trong nội bộ, không thông báo cho dân. Hậu quả khi quân giặc tiến quân vào, không chỉ từng người dân mà cả cán bộ, chiến sĩ đều bị bất ngờ, bị động. Liên quan đến chủ đề này, được biết ông Lưu Văn Lợi- nguyên chuyên gia cao cấp về biên giới  đã có đưa ra một đề xướng từ năm 2009 và được Quốc hội và dư luận tán đồng, đó là cần phát động và triển khai thế trận chiến tranh nhân dân trên vùng biển đảo của đất nước. Thiết nghĩ giờ đây cần“phục hoạt" lại kế hoạch đó.

Tránh chạy dua vũ trang một cách dàn trải, ưu tiên vũ trang phòng thủ từ đất liền
Trong số các bên tranh chấp Biển Đông, Việt Nam là nước án ngữ gần như toàn bộ bờ Tây của biển này. Với địa thế và địa hình độc đáo như vậy, không có lý do gì để không tính đến một chiến thuật phòng thủ độc đáo. Đó là phòng thủ từ đất liền là chính (tất nhiên với mức độ vũ trang cần thiết về hải quân và không quân với  khả năng của nền kinh tế nước nhà). Với địa hình địa thế ven biển của Việt Nam, đây có thể là một giải pháp lý tưởng mà các nước khác quanh Biển Đông không thể có.
                                               Hình chỉ có tính chất minh họa

Chiến thuật này không chỉ phù hợp về  địa thế mà còn ít tốn kém hơn nhiều so với các phương án chiến thuật phòng thủ trên biển hoặc trên không.  Chưa cần tính toán cụ thể , ta cũng có thể ước đoán kinh phí  cho một cỗ đại pháo tầm xa hay một dàn tên lữa “đất đối biển” chắc chắn thấp hơn  so với một tàu chiến, và thấp hơn nhiều so với một tàu  ngầm hay tàu sân bay. Độ chính xác hỏa lực cũng không thua kém gì nhau. Khả năng ngụy trang, bảo vệ  tương đương so với các phương tiện trên biển. Ngoài ra nó có ưu thế từ đất liền khống chế hầu như toàn bộ 1/2 phía Tây của Biển Đông. Yếu điểm (nếu có) của chiến thuật này là chỉ mạnh về phòng thủ, không có khả tấn công và chiếm giữa trên biển. Tuy nhiên nó hoàn toàn phù hợp với mục tiêu chính trị của Việt Nam với tư cách người tự vệ. Nó có tác dụng răn đe  và khống chế  (tương tự như những cổ pháo của Đan Mạch từng một thời khống chế eo biển Ban Tích ). 
 (Trên đây chỉ nêu ra một ý tưởng xét về mặt địa chính trị và tương quan so sách lực lượng tổng hợp giữa các bên liên quan.  Để cụ thể hóa, cần có sự tham gia của các chuyên gia vũ khí và chiến thuật gia quân sự).
Ngoại giao cởi mở, công khai, minh bạch
Ngoại giao luôn là một bộ phận cấu thành quan trong bậc nhất trong sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Vậy thì không có lý do gì khi đối phương liên tục xâm phạm chủ quyền biển đảo, xâm nhập sâu vào ngư trường của ta để bắt cướp, đâm thủng tàu thuyền của dân chài đang làm ăn bình thường mà mãi vẫn chỉ có “tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao” với những từ ngữ hết sức phản cảm: “nước lạ”, “tàu lạ”….(?)    
Thiết nghĩ đã quá đến lúc cần thay đổi cách làm ngoại giao cứng nhắc trong “vòng kim cô” của những chỉ đạo chính trị từ cấp cao nhất của "hai đảng anh em". Suốt thời gian qua trong khi phía ta luôn chủ trương nghiêm túc và kiềm chế..., thì phía đối phương ra sức lấn chiếm trên thực địa đồng thời chuẩn bị lập luận pháp lý và  tuyên truyền tranh thủ dư luận,  và trên thực tế họ đã đảo lộn chiều hướng dư luận một cách có lợi cho họ.  Không có cách nào khác là ta nên khẩn trương chuyển sang phong cách thích hợp, đó là ngoại giao cởi mở, công khai, minh bạch vốn  là lợi thế của ta - nước duy nhất có cơ sở pháp lý lịch sử và tư cách chính nghĩa trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của ngày nay.

Thay cho lời kết
 Việt Nam với hơn 80 triệu dân là một nước trung bình lớn, với diện tích hơn 300.000  km2 có  hai vựa thóc phì nhiêu ở hai đầu đất nước, có rừng có biển, lại sở hửu một “mặt tiền” dài hơn 3.000 km quay ra Biển Đông, hoàn toàn không thể mãi là một nước nghèo yếu. Nếu biết duy trì  khối đoàn kết nội bộ thật sự vững bền trên cở sở đặt lợi ích dân tộc lên trên hết và có sự lãnh đạo sáng suốt của môt bộ máy nhà nước trong sạch, thật sự do dân, vì dân thì đất nước này sẽ mãi mãi không kẻ thù nào có thể đánh bại ./.

Tài liệu tham khảo và ghi chú
- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia;
- Đại Việt sử ký của Trần Trọng Kim  
 -Phát biểu của Đặng Tiểu Bình, Vương Hàn Lĩnh;
-Các bài viết của các nhà nghiên cứu Dương Danh Dy , tướng Nguyễn Trọng Vĩnh 
- Quyễn” Giấc mơ Trung Quốc-Tư duy nước lớn về định vị chiến lược trong thời đại hậu Mỹ” của tác giả: Lưu Minh Phúc- , Giáo sư, Giám đốc Học viện Nghiên cứu xây dựng Quân đội thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, xuất bản đầu năm 2010 đã được TTXVN dịch ra tiếng Việt;
- Phát biểu của Đới Bình Quốc- Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc”năm 2010:   ASEAN là một nhân tố bị chia rẽ và hướng nội, thậm chí còn thiếu thống nhất hơn EU.  Chúng ta (tức là Trung Quốc) có tầm ảnh hưởng rất lớn ở Đông Nam Á bởi sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, các thỏa thuận thương mại tự do và khả năng đổi hướng các cuộc thảo luận của ASEAN thông qua Campuchia, Lào và đôi khi cả Philippines”.
-Bài   Hu Jintao’s visit and the SouthChina Sea: “Whose/Hu’s Core Interest?”  của  Ernest Z. Bower ngày 11/01/2011.        
- Văn kiện  Kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban CHTW Khóa 9 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X ngày  10/4/2006;  tham khảo các văn kiện Báo cáo Đại hội Đảng lần thứ  XI và một số ý kiến đóng góp xây dựng Văn kiện này.


Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Lời khuyên của con ếch

 Ở nước ta trong những năm gần đây có một sự thật chưa được thừa nhận,  đó là tâm trạng bất bình, bất an, bất tín, bất phục,... . Nói vậy có quá không? Không quá, nhưng hơi chậm. Chậm là vì hậu quả của nó đang lấp ló đâu đó như sóng thần trong khi  nhiều người vẫn làm như không nghe, không biết, không thấy…Nhưng tôi tin rằng những ai đã trải qua  trọn thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng  lại đất nước  đều không thể thản nhiên nhìn những thành quả của họ bị sóng thần cuốn trôi.       

Xin miễn kể lể dài dòng, bởi lẽ  ai cũng nghe, cũng thấy, cũng biết cả rồi; nếu nói ra lại bảo “biết rồi, khổ lắm nói mãi!” Mà có nói,  chắc cũng không thể nào hay và trúng bằng các vị tiền bối “khai quốc công thần” hay các “cựu chiến binh” và “cựu lãnh đạo”. Tôi xin chỉ nói với vai trò của một con ếch ngồi đáy giếng với bản năng dự báo thời tiết mà thôi. Và  sẽ chỉ nói càng ngắn gọn càng tốt… để còn kịp chuẩn bị đối phó với sóng thần !

Sai lầm đường lối là việc không thể tránh khỏi và có thể tha thứ được trong những hoàn cảnh nhất định, đó là trong thời kỳ đầu sau giải phóng miền Nam năm 1975 mặc dù với những sai lầm đó đã để lại cho đất nước và nhân dân ta những hậu quả không bao giờ khắc phục được. Nhưng tình trạng sai lầm kéo dài, lặp đi lặp lại  do "lỗi hệ thống" lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Dưới đây xin điểm qua một số biểu hiện có tính "đại diện" cho những sai lầm như thế ở nước ta trong mấy chục năm gần đây.

 Đó là sự di chuyển ồ ạt của dòng người từ nông thôn đổ vào các đô thị mà nhiều người ngộ nhận là một hệ quả của  quá trình công nghiệp hóa đất nước!. Nhưng không, đó là hậu quả của một sai lầm nghiêm trọng trong chính sách kinh tế dài hạn mà cùng vói nó là hàng loạt những hậu quả nhãn tiền: ngành nông nghiệp truyền thống bị lãng quên trong khi các đô thị nhanh chóng bị "nông thôn hóa"; nạn thất nghiệp và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khó cứu vãn, v.v.... Để chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng, Nhà nước đã chủ trương "tranh thủ " viện trợ nước ngoài như một ưu tiên quốc sách trong khi các nguồn nội lực không được coi trọng hoặc sử dụng không hợp lý: Thay vì đầu tư để phát triển các cơ sở sản xuất, người ta chỉ chú trọng một vài ngành khai khoáng như dầu thô và một vài loại quặng "ăn liền" như than đá, bauxit,  đặc biệt đầu tư qúa mức cần thiết cho lĩnh vưc bất động sản . Những chủ trương sai lầm này này đã lập tức bị các nhóm lợi ích tham lam ra sức lợi dụng khiến cho nguồn khoáng sản và đất dai mau chóng bị khánh kiệt. Thay vì khẩn trương tiến hành tư nhân hóa và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng thị trường, thì người ta lại duy trì và củng cố những tập đoàn "anh cả đỏ"- một việc làm không chỉ trái với với quy luật kinh tế mà còn trái với bản thân  phương châm đổi mới của Đảng đã đề ra. Hậu quả là những tập đoàn nhà nước to xác biến thành những cỗ máy tiêu "tiền chùa" với cả vốn lẫn lời chui vào túi cá nhân bọn tham nhũng. Thế nên chỉ sau vài đợt kiểm toán đầu tiên đã phát hiện vụ bê bối Vinashin khiến dư luận khẳng định rằng "sờ đâu cũng thấy tham nhũng", và lòng tin của nhân dân đã thực sự hoàn toàn bị "đánh cắp" từ sau  vụ bê bối này. Công cuộc cải cách hành chính thì sao? Hãy nhìn biên chế của các cơ quan  công quyền ngày một  phình to trong khi chúng dường như chỉ có thể làm cái công việc “bắt cóc bỏ đĩa” mà không xong. "Công nghiệp hóa" ư?  Vẫn chỉ là một thuật ngữ trống rỗng khi mà toàn bộ nền kinh tế đất nước vẫn phải sống dựa vào hàng nhập khẩu từ cái đinh vít cho đến chiếc máy bay. Tất thảy khiến ta nhận ra rằng đất nước hiện nay không phải trong “giai đoạn quá độ tiến lên CNXH" mà    tình trạng tạm thời, tạm bợ với vô số những chiếc bong bóng sắp vỡ tung. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, là tình trạng bất cập  liên quan đến chủ trương chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng vốn thường được coi là "phạm húy" nếu đem ra bàn luận. Sự bức xúc của dư luận đã đến mức bùng phát khi phía Trung Quốc liên tục trấn cướp tàu cá của dân chài miền Trung nhưng các phương tiện thông tin đại chúng chính thức vẫn gọi là "nước lạ", tàu lạ".
      
Điều cần biết là trong bối cảnh đất nước hiện nay người dân suy nghĩ gì? Chẳng khó khăn lắm để biết nếu ta  làm một chuyến vi hành ngược xuôi Nam Bắc và bắt chuyện với mọi người sẽ thấy không dưới 90% là những lời ca thán. Đừng nghĩ rằng khi người tham gia giao thông cáu bẳn,  gây sự...chỉ đơn giản vì bị va chạm; đó chính là biểu hiện của  trạng thái tư tưởng bất ổn bên trong đầu họ.   Sự bất bình cũng diễn ra gay gắt ngay ở giai tầng cao hơn của đất nước, đó là giới quan chức và  học giả, trí thức. Chỉ cần qua kênh Quốc hội (dù còn nhiều khiếm khuyết) và qua kênh   thông tin đại chúng chính thức cũng dễ dàng nhận thấy cuộc đấu tranh giằng co đang hồi khó phân thắng bại. Gần đây có chuyện "vừa buồn, vừa cười"  khi dư luận kháo nhau: ”Ai là lực lượng phản động?”, “ai là thế lực thù địch?” và "ai đang diễn biến hòa bình?" Thiết nghĩ không còn biểu hiện bất bình nào sâu sắc hơn thế!  
    
Thực tế buộc ta phải suy diễn: Phải chăng đang có một sự rạn nứt của niềm tin vốn là cơ sở để  hun đúc nên  khối đoàn kết dân tộc- cội nguồn của sức mạnh để “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc vừa qua? Niềm tin ấy, khối đoàn kết ấy đang mất đi nhanh chóng, và những thành công cũng ngày một hiếm hoi, thậm chí đã và đang thay thế bằng những thất bại.  

Đó là sự thật dù phũ phàng. Nhưng mỗi người ở cương vị khác nhau, xuất phát từ lợi ích khác nhau hoặc hoàn cảnh khác nhau, nhìn nhận sự thật đó một cách khác nhau. Nếu như những sai lầm trước đây đã buộc  nhiều người Việt Nam dù không muốn đã phải bỏ đất nước ra đi, thì những sai lầm ngày nay lại buộc nhiều người Việt Nam dù không muốn cũng phải lên tiếng .  Khác biệt là một phạm trù quy luật, nhưng khác biệt theo cái cung cách mà ta đang thấy  trong thời gian gần đây là hoàn toàn không bình thường. Nó không chỉ là sự bất đồng quan điểm thông thường mà là sự bất bình, sự phẫn nộ.  Nó báo hiệu một nguy cơ bất ổn xã hội và, xa hơn, là sự tồn vong của quốc gia mà những ai có chút lòng trắc ẩn chắc chắn đều cảm thấy lo lắng. Nếu quan sát kỹ lưỡng hơn ta sẽ nhận thấy tình hình nói trên phảng phất bóng dáng của tình hình ở  những chu kỳ trước đây trong lịch sử dân tộc, không xa lắm là thời Hậu Lê (1780-1789) và gần nhất là thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Nhân loại đã đúc kết về tầm quan trọng của sự gắn kết (đoàn kết) giữa những con người cùng chí hướng, coi đó như nhân tố chính yếu của thành công hay thất bại bất luận khi làm việc gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những câu đúc kết rất thiết thực đối với nước ta là: “Dễ mọi bề không dân cũng chịu, khó mọi bề dân liệu cũng xong” và ”Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công” v.v…

Lịch sử đất nước ta là minh chứng hùng hồn về quy luật mật thiết giữa nhân tố đoàn kết và sự tồn vong. Nhưng lịch sử nước ta vẫn còn đó một sự thật chua xót: Hễ khi nào có ngoại xâm thì toàn dân đồng lòng cùng vua quan chống giặc. Nhưng khi thái bình rồi thì vua quan lại trở nên hư đốn, gian tham khiến lòng dân oán hận, vận nước suy vong. Biết vậy mà không mấy triều đại từ cổ chí kim không mắc phải.

Ứng nghiệm hiện tượng lịch sử nói trên vào hoàn cảnh ngày nay ta thấy gì? Nếu kể cả thời kỳ “tiền khởi nghĩa 1945” thì chính thể hiện nay của đất nước đã trải qua gần 70 năm tương đương với một vòng đời người. Trong đó chỉ 1/2 thời kỳ đầu có khối đoàn kết dân tộc thực sự do nhu cầu đánh thắng các kẻ thù xâm lược.  Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi trong quãng thời gian sau khi đất nước đã yên bình. Nhiều người không che dấu nỗi băn khoăn: Liệu lịch sử sẽ lặp lại cái chu kỳ  muôn thuở? Và người ta bắt đầu  nghĩ về nguy cơ giặc ngoại xâm. Nhưng chẳng lẽ lại phải đợi giặc ngoại xâm “giúp” ta đoàn kết lại?  Phải chăng đó là một nghịch lý hay là một lời nguyền của lịch sử?  

Con ếch ngồi đáy giếng cũng phải kêu lên rằng chẳng phải vì lời nguyền nào cả, mà chính là một nghịch lý do chính ta gây ra ("ta" ở đây là cả nhân dân và giai tầng lãnh đạo). Dân lúc nào cũng chỉ là dân; chỉ những người lãnh đạo mới nắm giữ vai trò quyết định đối với  sự tồn - vong của dân tộc. Vấn đề là liệu họ giờ đây có đủ sáng suốt và quyết tâm để vượt qua chính mình, tức là từ bỏ những lợi ích cá nhân cục bộ để vì nghĩa cử dân tộc lớn lao? Con ếch chỉ muốn kêu lên rằng, để làm được sứ mệnh thiêng liêng đối với vận mệnh dân tộc, trước hết  những người lãnh đạo hãy lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Và điều khẩn cấp là hãy cảnh giác đề phòng những con sóng thần đang rình rập.  Trước mắt, nếu chưa thể tự biến cải thì ít nhất họ hãy biết trở lại với chính mình của mấy mươi năm trước. Chỉ cần làm được thế thì đất nước và dân tộc này cũng may mắn lắm rồi ./. 




Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Trung Quốc toàn lực đả thông Trung Nam bán đảo hành lang chiến lược đối phó với tiền tuyến Nam Sa

Trên đây là đầu đề của một trong hàng trăm ngàn bài viết nhan nhãn trên các phương tiện thông tin đại chúng (cả cá nhân , tư nhân và nhà nước) ở Trung Quốc ngày nay. Chúng không xa lạ đối với nhiều "dân mạng", nhưng cách hiểu về chúng rất khác nhau,  cũng có nhiều người cho đó là "vớ vẫn" không đáng bận tâm. 

Tôi nghĩ, tin hay không tùy mỗi người, nhưng có thể khẳng định đó là một thủ đoạn tuyên truyền của phía Trung Quốc. Thật đáng quan ngại khi phía ta luôn chủ trương "nghiên túc" trong khi phía đối phương thì "phóng tay phát đông quần chúng" liên tục đưa ra các loại lập luận đầy giọng lưỡi khiêu khích, hiếu chiến, ngạo mạn....

Bản thân tôi tuy  tán đồng  với lời dẫn đề của dịch giả Trần Đông Đức, nhưng chỉ xin mạn phép đưa lại nguyên văn nội dung bài địch để người đọc được rộng đường tư duy một cách khách quan. Vấn đề là cần biết họ muốn gì? và ta cần làm gì?


Việt Nam hung hăng tại quần đảo Nam Sa, dẫn tới sự phẫn nộ to lớn cho quốc dân. Gần đây trên mạng không ngừng nghe lời kêu gọi đánh nhau với Việt Nam. Liên Minh Thu Phục Lãnh Thổ (LMTPLT) vì vậy mà đã viết vài bài liên quan tới Việt Nam và Nam Sa. LMTPLT càng lúc càng phát hiện, bất luận là đối với Việt Nam, khống chế Nam Hải hay là tiến nhập Ấn Độ Dương, Trung Nam bán đảo phải là một miếng đất chiến lược đặc biệt quan trọng đối với nước ta. Trước mắt, thiết lập được chiến lược hành lang Trung Nam bán đảo đối với Trung Quốc có ý nghĩa to lớn.
I. Vân Nam và bốn chiến lược hành lang với Trung Nam bán đảo
Trung Nam bán đảo, trong từ ngữ gọi tên có nghĩa là “bán đảo của phía Nam Trung Quốc”, nhưng trong tiếng Anh gọi Trung Nam bán đảo là Indochina (Ấn-Độ-Chi-Na 印度支那, trong chữ Hán, lời người dịch), ý nghĩa là bán đảo nằm giữa Ấn Độ và China (tức Trung Quốc). Trung Nam bán đảo về mặt địa lý có sự phân biệt về nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa hẹp nói đến ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Thật ra, bán đảo Indochina (Đông Dương) trong tiếng Anh bao gồm cả năm nước Campuchia, Lào, Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam. Nếu như chiếu theo sự hoạch phân rộng lớn hơn về bản đồ chính trị, Trung Nam bán đảo còn bao luôn tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Chính vì nguyên nhân này, ngày nay trên các diễn đàn quốc tế về hợp tác khu vực lại xuất hiện một từ ngữ mới, tức là Khu Vực Nguồn Dưới Mê Kông. Khu vực nguồn dưới Mê Kông bao gồm Trung Quốc (Tỉnh Vân Nam), Lào, Miến, Thái, Việt

Bản đồ minh họa cái gọi "Trung Nam Bán đảo"

Chính là do nguồn sông này, lợi ích quốc gia của Trung Quốc và Trung Nam bán đảo gắn bó mật thiết bất khả phân. LMTPLT cho rằng, từ góc độ Trung Quốc mà nhìn, tiến vào Trung Nam bán đảo có bốn chiến lược thông đạo hay gọi là chiến lược hành lang, tức là:
Chiến lược 1: Trung Quốc Vân Nam — Miến Điện;
Chiến lược 2: Trung Quốc Vân Nam (hay là Quảng Tây) — Việt Nam;
Chiến lược 3: Trung Quốc Vân Nam — Miến Điện — Thái Lan (Nam tiến một bước tới bán đảo Mã Lai rồi tới Singapore);
Chiến lược 4: Trung Quốc Vân Nam — Lào — Campuchia — Vịnh Thái Lan è Nam Hải;
LMTPLT phân tích qua một chút về bốn chiến lược thông đạo này:
Thứ nhất: “Chiến lược lớn thông đường Trung Miến” là con đường tốt đẹp nhất để Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương, đối với anh ninh quốc gia của Trung Quốc có ý nghĩa to lớn. LMTPLT trong bài “Miến Điện – Trung Quốc Tây Nam con đường tốt đẹp nhất để ra biển” và “Phá thế khốn cục của eo biển Malacca: Trung Quốc với ba chiến lược lớn để hướng ra Ấn Độ Dương đã tường tận giới thiệu, có hứng thú thì có thể tìm đọc.
Thứ hai: tình hình nếu như Việt Nam với nước ta có quan hệ tốt đẹp, không xâm hại lợi ích của Trung Quốc, thì việc thành lập hành lang Trung Việt khống chế Nam Hải đối với nước ta có ý nghĩa to lớn. Nhưng là do ở Việt Nam trước mắt đang xâm chiếm nhiều nhất các đảo ở Nam Sa, nước thù địch hưởng lợi nhiều nhất, từ góc độ thu phục Nam Sa mà nhìn, nói đến hành lang này không thể vô ý nghĩa được.
Thứ ba: hành lang thực sự là đang trong dự tính về con đường sắt quan trọng xuyên Á qua đường Đông Nam Á. Một khi thành hình thì đối với chính trị kinh tế và các phương diện khác của nước ta có ý nghĩa to lớn. Nhưng do liên quan đến nhiều nước, tạo thành một trò chơi đa phương, Ân Độ, Nhật Bản nhảy vào làm khó, Singapore thái độ tiêu cực, những quốc gia khác mỗi nước mỗi cách suy nghĩ. Ngoài ra vẫn còn gặp phải những nhân tố ảnh hưởng như thi công khó, thời gian dài, đầu tư nhiều, từ đó đến nay vẫn chưa đạt thành ý hướng thi công, trong đoản kỳ khả năng thực hiện không lớn, đối với việc kiểm soát Nam Hải vẫn chưa có ý nghĩa quá to lớn.
LMTPLT cho rằng, chỉ có chiến lược hành lang thứ tư tức là Trung-Lào-Campuchia đối với con đường Nam hạ của ta đặc biết có ý nghĩa to lớn trong việc tiến quân Nam Sa khống chế Nam Hải.
II. Ý nghĩa to lớn trong việc kiến lập hành lang Trung-Lào-Campuchia
LMTPLT trong rất nhiều bài viết đều đề xuất sách lược “chia để trị” đối với Đông Nam Á. Tức là lấy Nam Hải làm trục, lấy Trung Nam bán đảo làm trọng điểm, chia Đông Nam Á thành hai bộ phận “quốc gia bán đảo”“quốc gia quần đảo”, áp dụng tuần tự trước gần sau xa và từng bước trước dễ sau khó, từng bước biến Đông Nam Á tạo thành sân sau chiến lược của nước ta, vì lợi ích căn bản nước ta phục vụ.
Đề án này chỉ dùng tới tình hình xâm lược Việt Nam gia tăng, chuyện phải thu phục Nam Sa, mà nói tới ý nghĩa thành lập chiến lược hành lang Trung Lào Cam.
TPLTLM phán đoán về mặt cơ bản là: Việt Nam về mặt thực tế trong thời gian về lâu về dài sẽ là nước thù địch với Trung Quốc, vấn đề Nam Sa trong vòng ít nhất là 20 năm thật khó giải quyết xong xuôi. Cho dù Việt Nam trong tương lai chắc chắn sẽ quay lại lấy hệ thống và thế chế chính trị Trung Quốc làm trọng tâm, nhưng sẽ trong một giai đoạn so đo nào đó tuột ra ngoài hệ thống Trung Quốc, điều này tạo nên một hiện thực uy hiếp Trung Quốc, mục đích chủ yếu thành lập hành lang Trung-Lào-Cam là để đối phó Việt Nam!
Ý nghĩa chủ yếu của việc thành lập hành lang này là:
1-     Phối hợp Nam Sa, đả thông con đường lục địa Tây Nam Trung Quốc. Trung Quốc đang lúc ra sức phát triển lược lượng hải, không quân, nhưng ưu thế thực sự của Trung Quốc vẫn là lục quân. Đối với Trung Quốc, lục lộ hiển nhiên có ý nghĩa to lớn. Do người Trung Quốc trong lịch sử chưa từng mở đường thông đến Ấn Độ Dương, và cũng chưa chiếm hữu toàn bộ Trung Nam bán đảo, lãnh thổ nguồn gốc của tổ tiên lại bị Nga Sa hoàng và Nhật Bản chiếm đi, khiến cho hiện tại Đông Bộ Trung Quốc bị bịt đường bởi các chuỗi đảo, Nam Bộ bị khốn bởi eo biển Malacca! Đông Bắc Bộ thì có Đông Bắc chiến lược khốn cục (bị bịt đường ra biển)! Vào những năm 70 của thế kỷ trước, các hòn đảo Nam Sa bị các nước nhỏ Đông Nam Á xâm chiếm, trở thành một cục diện của hiện tại! Để đả thông con đường “Nam Hải Lục Lộ”, chúng ta hiển nhiên có thể thông qua thành lập hành lang Trung-Lào-Cam trực thông Nam Hải, từ lục địa ứng phó Nam Sa!
2-     Cô Lập Việt Nam, hình thành cái thế của ba mặt giáp kích. Việt Nam Nam Nam Bắc hẹp dài, chiến lược thọc sâu đọ nông, ở chiến lược trên mặt đất có thế xấu về thiên nhiên, ở thế nước nhỏ lực yếu lại mang ảo tưởng lấy ít địch nhiều, thật là không phải là phúc cho dân cho nước này. Do hai nước Lào, Campuchia trực tiếp biên giới với Việt Nam, Trung Quốc lại cùng Lào và Việt Nam tiếp giáp biên giới, Trung Quốc một khi đã ổn định hành lang chiến lược Trung-Lào-Cam, sẽ từ hướng Bắc, hướng Tây và hướng Đông từ Nam Hải đối với Việt Nam hình thành thế của ba mặt giáp kích! khiến Việt Nam như bị thột vào lưng, như xương mắc họng, tạo nên sức kìm giữ cực đại, ít nhất là làm mất khả năng toàn lực đầu tư vào việc xâm chiếm các đảo Nam Sa của ta.
3-     Cơ hội chiến thắng, vì tương lai của phương án nối liền eo đất Kra (trên bán đảo Mã Lai thuộc về Thái Lan và Miến Điện). Tương lai một khi eo đất Kra được khai tạc thành công, địa vị chiến lược các nước như Campichia sẽ tuỳ thời tăng lên. Trung Quốc nếu như ra tay trước tại nơi này thành lập được “căn cứ địa” bền vững, tức không những chỉ lấy thế ngang mặt Việt Nam, mà còn có khả năng thuận lợi tiến vào kênh đào Kra chiếm thế thượng phong! Đây là một chiến lược thông đạo trong tương lai của nước ta dựa vào con kênh đào Kra (từ Vịnh Thái Lan xuyên qua Ấn Độ Dương), ý nghĩa hiển nhiên không cùng một dạng.
4-     Đáng mặt nước lớn, kiến lập căn cứ chiến lược bền vững. Việt Nam một khi đối với nước ta triệt để đối đầu, đặc biệt là sau khi nước ta dùng vũ lực thu phục lãnh thổ Nam Sa, không loại trừ khả năng đánh trả nước ta, có khả năng dẫn vào các nước ngoài khu vực như Mỹ, Ấn Độ thậm chí là Nhật Bản. Nếu như những quốc gia trên trú quân ở Vịnh Cam Ranh, đối đầu với thế cục Nam Hải, các đảo Nam Sa cùng các tuyến hàng hải tạo thành sứ uy hiếp to lớn. Nhưng nếu như nước ta tại Lào, Cam đứng vững, lấy chiến lược thông đạo hỗ trợ, tức thì có đủ lực giao chiến với Việt Nam và nước đồn trú nào đó trong tương lai, làm cho những uy hiếp trở khó khăn đối với nước ta, bảo vệ sự cân bằng chiến lược.
(Còn tiếp 1 kỳ)

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Thái độ hiếu chiến trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là cưỡi trên lưng hổ

Chủ blog tôi đã đọc khá nhiều bài viết về chủ đề Biển Đông nhưng thấy "tâm đắc" với bài viết dưới đây  (không phải vì "thiên vị" hoặc định kiến nào). Do đó xin mạn phép post lại bài viết lên blog của mình để vừa làm dữ liệu cá nhân vừa có thêm người đọc.
"Thông điệp" chính của bài viết là: Những gì TQ  đang thực thi tại Biển Đông là xuất phát từ một chính sách sai lầm của gới lãnh đạo hiện nay của nước này. Dĩ nhiên với một nước lớn dù "làm đúng"  hay "làm sai" đều nguy hiểm như nhau. Nhưng trong trường hợp Biển Đông, thông điệp này cho thấy TQ không hoàn toàn "mạnh" trong tương quan so sánh lực lượng khu vực. Những hệ lụy của chính sách sai lầm như vậy chắc chắn sẽ sớm muộn buộc TQ phải thay đổi (và có thể họ đang thay đổi....) 
Hy vọng đây là một góc nhìn khách quan và thực tế hơn về nhân tố TQ trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.    
                                                                            (Tác giả: Daniel Blumenthal viết ngày 15-04-2010)
Vì sao chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiếu chiến hơn trong ba năm qua? Vì sao Trung Quốc xóa bỏ chính sách ngoại giao láng giềng tốt đúng đắn ở châu Á cả thập kỷ? Thực tế vấn đề được hiểu khá rõ. Trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” (một thuật ngữ trước đây chỉ dành cho Đài Loan và Tây Tạng), về bản chất để xác định vùng biển là lãnh thổ của Trung Quốc. Để nhấn mạnh quan điểm, Trung Quốc quấy nhiễu ngư dân Việt Nam (1) gần các đảo tranh chấp trên biển.  
Trong vùng Đông Bắc Á, Trung Quốc không thể lên án (2) đồng minh Bắc Hàn của mình (3) về việc Bình Nhưỡng cố tình giết hại các binh sĩ Nam Hàn và dân thường trong hai trường hợp riêng biệt hồi năm ngoái. Trung Quốc đã gây sự với Nhật Bản (4). Sau khi Tokyo đồng ý yêu cầu của Bắc Kinh phóng thích thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc đã bị bắt vì đâm vào tàu ​​Nhật Bản ở vùng biển tranh chấp, Trung Quốc đình chỉ quan hệ ngoại giao, yêu cầu một lời xin lỗi, và ngưng việc bán đất hiếm cho Tokyo.
Và cuối cùng là sự đối xử tệ bạc của Trung Quốc đối với Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm Trung Quốc của ông hồi tháng 11 năm 2009. Nếu từng có một tổng thống nhậm chức với một bàn tay chìa ra cho Bắc Kinh, thì đó là Obama. Ngoại trưởng của ông đã giảm nhẹ vấn đề Trung Quốc vi phạm nhân quyền (5). Obama đã trì hoãn cả cuộc họp với Đức Đạt Lai Lạt Ma (6) – một vấn đề chuẩn mực trong chính sách ngoại giao của Mỹ – và bán nửa phần còn lại trong gói vũ khí rất cần thiết mà Tổng thống Bush đã hứa bán cho Đài Loan.
Trong chuyến viếng thăm đầu tiên của Obama đến Trung Quốc, Bắc Kinh đã không giữ lời hứa về những thỏa thuận (7) cho phép các bài phát biểu của tổng thống phát trên truyền hình mà không bị kiểm duyệt, và để cho vị tổng thống mới trở về Washington mà không hoàn thành bất cứ điều gì trong chương trình nghị sự của mình (8), từ các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu cho đến vấn đề thao túng tiền tệ của Bắc Kinh.   
Những lời giải thích cho sự thô lỗ mang tính quốc tế của Trung Quốc là một kế hoạch ba phần về trò láu cá: sức mạnh quân sự lớn hơn kết hợp với lãnh đạo yếu kém và chủ nghĩa dân tộc bài ngoại mà lãnh đạo Trung Quốc đã tạo ra (tôi bỏ qua quan điểm của một số người ở Trung Quốc cho rằng Mỹ tương đối suy sụp, bởi đây có thể là suy nghĩ nhất thời).
Sức mạnh quân sự lớn hơn
Trung Quốc hiện có quân đội đủ khả năng bắt nạt các nước láng giềng của mình. Họ phô trương sức mạnh hàng hải trên biển Đông, nghĩa là với mục đích đe dọa các nước yếu hơn. Thật vậy, ngay khi dấu hiệu đầu tiên về sự phản kháng của người Việt Nam đối với các tuyên bố của Trung Quốc, báo chí Trung Quốc chính thức cảnh cáo (9) các nước Đông Nam Á không nên quá gần với Hoa Kỳ. Và bỏ ra một trang trong chiến lược của mình để đe dọa Đài Loan, Quân đội Trung Quốc đã chuyển một lượng tên lửa tầm ngắn gây chết người của mình (10) đặt vào đúng nơi để đưa Việt Nam trở về đúng vị trí. Cho rằng Trung Quốc tấn công Việt Nam hồi năm 1979 do bị chọc tức vì sự can đảm của Hà Nội, khi Trung Quốc giơ nắm đấm vào Hà Nội, tất cả các bên quan tâm.  
Chính sách mới của Trung Quốc khoe khoang thay vì che giấu khả năng quân sự lớn mạnh được họ phô bày khi Bộ trưởng Quốc phòng Gates đến thăm Trung Quốc đầu năm nay. Để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ông, Quân Giải phóng Nhân dân [Trung Quốc] rõ ràng đã chứng tỏ khả năng tên lửa đạn đạo chống tàu bè, dẫn đến việc chỉ huy Bộ Tư lệnh đặc trách Thái Bình Dương (PACOM), đô đốc Willard khẳng định rằng, tên lửa này đã đạt “khả năng hoạt động ban đầu” (11). Rõ ràng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem chuyến thăm của ông Gates là thời điểm thích hợp để phô trương máy bay chiến đấu mới, J-20 của họ (12), một loại máy bay chắc chắn có khả năng tàng hình. Tóm lại, Trung Quốc mạnh hơn và đang sử dụng sức mạnh đó để theo đuổi lợi ích quốc gia của họ.   
Lãnh đạo yếu kém
Ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo chứng tỏ là những nhà lãnh đạo yếu kém, không có khả năng ra quyết định cứng rắn về cải cách kinh tế và không làm cho các Ủy viên Bộ chính trị làm theo chính sách của Đặng Tiểu Bình về “ẩn mình chờ thời” (tức là, cho phép Trung Quốc phát triển mạnh mẽ mà không khiêu khích, gây ra một liên minh đối kháng do lo ngại sức mạnh của Trung Quốc). Nhưng đó không chỉ là vấn đề lãnh đạo yếu kém, mà là hệ thống lãnh đạo yếu kém.
Không ai còn sót lại ở Trung Quốc có chính nghĩa cách mạng như ông Đặng hoặc có chính nghĩa mà không cần ông ta (như ông ta đã làm với Giang Trạch Dân), và do đó nhà nước độc đảng hiện được điều khiển bởi sự đồng thuận – dường như không có ủy viên nào trong Bộ Chính trị có nhiều quyền hơn hoặc hợp pháp hơn người nào. Các quyết định có vẻ chao đảo từ những người hoàn toàn không dám chấp nhận rủi ro (ví dụ như Bắc Triều Tiên và cải cách kinh tế) đối với những người đã bị lèo lái bởi chủ nghĩa dân tộc gây phiền toái, điều khiển bởi “các cư dân mạng” và giới tinh hoa (ví dụ, các vấn đề về biển Đông và Nhật Bản được mô tả ở trên). Do hệ thống lãnh đạo yếu kém, Quân đội Trung Quốc có khuynh hướng ủng hộ chính sách đối ngoại diều hâu hơn, có tiếng nói mạnh mẽ trong việc ra quyết định như các đảng viên quan tâm đến cải cách kinh tế.  
Chủ nghĩa dân tộc 
Nhiều nhà quan sát Trung Quốc đã nhận diện chủ nghĩa dân tộc thường được biểu lộ bởi những người sử dụng internet và trí thức Trung Quốc, là một kênh điều khiển chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nhiều người không nhận ra rằng, chính Trung Quốc đang tự cưỡi trên lưng hổ. Kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Đảng đã tham gia vào một chiến dịch “giáo dục lòng yêu nước” có quy mô lớn, nhấn mạnh uy thế văn minh Trung Quốc cũng như nỗi nhục trong tay các cường quốc như Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Nói chuyện với các công dân Trung Quốc ở độ tuổi 20-30, bạn có thể nghe về kế hoạch của Mỹ – Nhật làm cho Trung Quốc suy yếu và chia cắt Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương của Trung Quốc, và về vị trí tự nhiên của Trung Quốc đứng đầu trong hệ thống quyền lực ở châu Á. Đây là những người Trung Quốc được học hành ở phương Tây, mà chính sách của Mỹ đã xem họ như những người có thể mang lại tự do cho nước Cộng hòa Nhân dân [Trung Hoa]. Nhiều người Trung Quốc trẻ tuổi chưa bao giờ nghe nói về cuộc thảm sát Thiên An Môn, xem tất cả chính sách của Mỹ là một nỗ lực nhằm ngăn chặn Trung Quốc (gồm cả cuộc chiến ở Afghanistan), tin rằng nền dân chủ Đài Loan là một ví dụ về sự hỗn loạn chính trị và bực bội với những người Tây Tạng (nhiều người trong số họ đã bị giết hoặc bị cầm tù trong một chiến dịch đàn áp kéo dài ba năm, không được báo cáo đầy đủ) không hiểu rõ giá trị việc Bắc Kinh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Tây Tạng.  
Nếu nhiều người thuộc giới tinh hoa của Trung Quốc che giấu những quan điểm như thế về thế giới, một người có thể tưởng tượng “những kẻ thất bại” khi tin vào những năm bị bóp méo về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là gì. Và còn hàng chục triệu đàn ông dư thừa trong chính sách một con của Trung Quốc và ưu tiên chọn con trai thì sao? Họ sẽ là những người ở dưới đáy của tầng lớp kinh tế, xã hội Trung Quốc, không thể kết hôn và sẵn sàng cho cách hành xử bạo lực và tình trạng lộn xộn.
Sự thật là Trung Quốc phải đối mặt nhiều hơn với ý kiến ​​công chúng mà họ đã từng đối mặt, nhưng điều đó tạo ra không khí chủ nghĩa dân tộc phiền toái mà hiện nay hạn chế hoặc thậm chí điều khiển cả chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Điều này không có nghĩa muốn nói rằng, không có những người tự do ở Trung Quốc, những người muốn cải cách kinh tế hoặc những người muốn Trung Quốc hoàn toàn nắm lấy quyền tự do tại Trung quốc và ngoài quốc tế. Thực tế cũng có, nhưng những người muốn cải cách kinh tế thì cúi đầu xuống để kiếm tiền và những người muốn hoàn toàn tự do thì không làm được gì nhiều từ các xà lim trong tù.
Sự kết hợp giữa sức mạnh quân sự nhiều hơn, lãnh đạo yếu kém, và chủ nghĩa dân tộc phiền toái là những vấn đề mang tính hệ thống. Ba điều này có thể sẽ là một phần trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong một thời gian. Trung Quốc đã gieo những hạt giống cho mỗi kế hoạch hàng thập kỷ trước, bằng cách đầu tư vào khả năng quân sự gượng ép, trì hoãn cải cách chính trị, và bằng cách “giáo dục” người dân của họ qua cách tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Bây giờ cả thế giới đang gặt hái những gì mà Đặng Tiểu Bình đã gieo./.
Người dịch: Ngọc Thu
Ghi chú:


Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này