Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Việt – Trung đàm phán hòa bình vấn đề Biển Đông (?)

Đó là tiêu đề bản tin nói là "theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ" đươc Vietnamnet đưa lên mạng hôm nay. (Dấu (?) là của Bách Việt) vì thấy nó thiếu độ chuẩn xác, và do đó phát ra một thông tin mơ hồ đối với người đọc . Chẳng hay đó là vì mục đích tuyên truyền hay vì trình độ chuyên môn, nếu không phải chủ đích "giật gân" của người đưa tin ? (xem tin dưới đây). Trước tin này, không biết nên mừng hay nên lo ? Khó mà tin dược về chuyện "đàm phán biển Đông" một cách nghiêm túc vào lúc này!  

Đọc nội dung thì đó là một tin tổng hợp về cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với  Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nam Ninh, Quảng Tây nhân dịp Hội chợ và Hội nghị cấp cao về thương mại giữa tổ chức ASEAN-TQ. Tại đó hai nhà lãnh đạo chỉ mới đưa ra những lời hứa suông mà thôi. Xin hãy đừng quên những kinh nghiệm của quá khứ. Người TQ là bậc thầy của chiêu bài "dương đông kích tây", nói một đường làm một nẻo; chủ thuyết "vừa đánh vừa đàm" cũng là của họ. Thử hỏi, từ sau thỏa thuận cấp cao hai nước tháng 1/2011 đến nay họ có chịu đàm phán hòa bình không hay chỉ toàn dùng sức mạnh lấn chiếm biển đảo của VN? Hãy đợi đấy! Đây chỉ là một đợt "giải lao" đối với bọn bành trướng bá quyền mà thôi! Dưới đây là bản tin của Vietnamnet

 Việt-Trung đám phán hòa bình vấn đề Biển Đông 
 


Chiều 20/9, tại Nam Ninh, Quảng Tây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp Phó Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.  Xem đầy đủ tin tại đây: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/89378/vie-t---trung-da-m-pha-n-ho-a-bi-nh-va-n-de--bie-n-dong.html



Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Thế kỉ Trung Quốc?


Phạm Thị Hoài lược dịch /Blog pham thi hoai /Anh Basam 17/9 2012
Chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư ĐCSVN tại Singapore đang được dư luận quan tâm. Cuộc trò chuyện kéo dài ba ngày mới đây giữa hai chính khách kì cựu, một ở phương Đông và một ở phương Tây: cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt (Đảng Dân chủ Xã hội) có thể cung cấp cho người đọc Việt Nam một số góc nhìn tham khảo về những đề tài lớn, đặc biệt về sự dịch chuyển quyền lực, sự phân cực trên thế giới và vai trò của Trung Quốc trong thế kỉ này.
Người dịch
­­­­­­­­­­­­__________________
Helmut Schmidt: Lần đầu tiên đến Bắc Kinh tôi được Hoàng đế Trung Hoa tiếp – hồi đó ngài là Mao Trạch Đông.
Lý Quang Diệu: (cười)
Helmut Schmidt: Mao là một tay tàn bạo.
Lý Quang Diệu: Ông ta là một nhà lãnh đạo chiến tranh du kích lỗi lạc đã giải phóng Trung Quốc. Nhưng ông ta cũng tàn phá Trung Quốc bằng Cách mạng Văn hóa. 18 triệu người chết đói vì phải đem hết dao và muổng ra để luyện gang. Ông ta thật điên rồ. Tưởng giải phóng Trung Quốc xong rồi thì thay đổi thế giới có khó gì.
Helmut Schmidt: Ông ta cho rằng: Cần gì giai cấp vô sản công nghiệp, dùng vô sản nông thôn cũng được.
Lý Quang Diệu: Đúng vậy.
Helmut Schmidt: Nhưng người nông thôn thường không sẵn tinh thần cách mạng.
Lý Quang Diệu: Điều đó tôi không chắc. Ở thời buổi của iPhone, internet và truyền hình toàn quốc bây giờ, người ta rất bất mãn vì thấy nhà mình thì tồi tàn, còn những thành phố duyên hải lại thịnh vượng.
Helmut Schmidt: Thời ông, ai là nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại nhất?
Lý Quang Diệu: Đặng Tiểu Bình.
Helmut Schmidt: Tôi đồng ý. Đặng Tiểu Bình là nhà lãnh đạo chính trị vĩ đại nhất trong tất cả những người tôi từng gặp.
Lý Quang Diệu: Người có một mét rưỡi, nhưng tầm vóc chính trị thì khổng lồ.
Helmut Schmidt: Năm 1983 tôi có một buổi trò chuyện với ông ấy. Hai chúng tôi và một người phiên dịch, khi đó chúng tôi đã quen nhau gần mười năm, nên nói chuyện khá cởi mở và thành thật. Tôi giễu cợt rằng nhìn kĩ vào thực tế thì những người cầm quyền ở Bắc Kinh không được trung thực lắm; họ tuyên bố mình là cộng sản, nhưng thực ra thì họ theo Khổng giáo. Đặng có vẻ hơi sốc một chút, mất vài giây, nhưng sau đó thì ông ấy đáp lại bằng vỏn vẹn ba từ. Ba từ đó là: “Thì đã sao?” (Lý Quang Diệu cười.) Tôi công nhận Đặng là một người vĩ đại.
Lý Quang Diệu: Ông ấy có tinh thần cầu thị. Ông ấy đến thăm Singapore, thấy một hòn đảo nhỏ bé không có tài nguyên gì nhưng thịnh vượng, đầy của cải, mọi người đi mua sắm, trong túi rủng rỉnh tiền. Ông ấy quan sát, đặt những câu hỏi chính xác và đi đến kết luận rằng chính sách đầu tư cởi mở của chúng tôi đã đem lại công nghệ và những thị trường mới. Trở về Trung Quốc, ông ấy lập ra sáu đặc khu kinh tế theo mô hình Singapore. Ông ấy thành công và mở cửa Trung Quốc dần dần. Điều đó đã cứu Trung Quốc.
Helmut Schmidt: Thế kỉ 20 được gọi là thế kỉ Hoa Kì. Thế kỉ 21 liệu có là thế kỉ Trung Quốc không?
Lý Quang Diệu: Về tổng sản phẩm nội địa thì đúng. Đến năm 2035, GDP của Trung Quốc sẽ lớn hơn của Hoa Kì. Còn về Quyền lực Mềm (Soft Power), về sức hấp dẫn đối với kẻ khác thì tôi không chắc lắm, vì Hoa ngữ là một trở ngại cho bất kì ai muốn hội nhập với Trung Quốc.
Tuần báo Zeit: Người ta đang nói nhiều đến sự “dịch chuyển toàn cầu”, từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Có phải Đại Tây Dương đã thuộc về quá khứ và Thái Bình Dương là tương lai không?
Lý Quang Diệu: Không, theo tôi không nên đánh giá như vậy. Tôi tin rằng từ góc nhìn của đa số người Mỹ hiện nay, châu Âu là một đồng minh khá chắc chắn. Vấn đề của Mỹ sẽ là Trung Quốc. Vậy sự dịch chuyển đó có nghĩa gì? Có nghĩa là Mỹ phải tập trung đầu tư kinh tế và các hoạt động quân sự vào khu vực Thái Bình Dương. Nhưng không có nghĩa là dịch chuyển quyền lực trên thế giới. Mà có nghĩa là Mỹ hướng tiêu điểm vào một sự đe dọa mới cho vị trí bá quyền của mình.
Helmut Schmidt: Đúng, nhưng vị trí bá quyền của Mỹ sẽ không còn áp đảo như ở cuối thế kỉ 19 và trong suốt thế kỉ 20 nữa, nó sẽ dần dần yếu đi, Trung Quốc sẽ dần dần mạnh lên và Nga thì càng ngày càng không thay đổi. (Lý Quang Diệu cười.)
Lý Quang Diệu: Tôi đồng ý với điểm cuối. Đúng, Trung Quốc sẽ mạnh lên, nhưng sẽ không thể bá quyền tới mức kiểm soát được Thái Bình Dương.
Helmut Schmidt: Không, sẽ rất lâu. Phải mất hơn một thế kỉ.
Lý Quang Diệu: Điều đó không thể xảy ra.
Helmut Schmidt: Tôi không chắc là điều đó có thể xảy ra không, nhưng trong thế kỉ 21 này thì không thể.
Tuần báo Zeit: Một trong những thành công to lớn nhất của châu Âu là giờ đây nó đã trở thành một châu lục hòa bình. Có thể nói rằng châu Âu đã biết học từ lịch sử. Còn châu Á thì sao? Giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn còn nhiều căng thẳng. Rồi còn đủ thứ lò bạo loạn khác: Triều Tiên, Đài Loan, Kashmir.
Lý Quang Diệu: Ở châu Á có những quyền lợi quốc gia riêng biệt đang xung đột nhau. Có hai động lực chính thúc đẩy. Thứ nhất là nền kinh tế Trung Quốc có một quy mô nuốt chửng các nền kinh tế của Nhật, Hàn Quốc và những nước châu Á khác. Thứ hai là sự tự tin mỗi ngày một lớn của Trung Quốc. Càng giầu và mạnh lên thì người Trung Quốc càng tự tin. Vì thế các nước châu Á khác muốn Mỹ hiện diện ở đây để giữ thế thăng bằng.
Helmut Schmidt: Theo tôi biết thì vào khoảng năm 1500 nền văn minh Trung Quốc, gồm cả các ngành khoa học của nó, vượt xa nền kĩ thuật châu Âu ở thời điểm ấy. Sau đó châu Âu dần dần phát triển một thứ gọi là dân chủ, cái mà người Mỹ gọi là chủ nghĩa tư bản, cái mà người Mỹ ngày nay gọi là responbility to protect, “trách nhiệm bảo hộ”, mà theo họ là việc bảo hộ nhân quyền ở các quốc gia khác. Tôi có cảm giác châu Âu coi ba yếu tố đó là những thứ có thể áp dụng ở mọi nơi. Và tất nhiên là người Trung Quốc, người Singapore và một loạt các dân tộc khác, thí dụ ở thế giới Ả-rập, không tán thành như vậy. Công nghiệp hóa thì họ sẵn lòng tiếp nhận, nhưng dân chủ thì không, và họ không sẵn lòng tiếp nhận nhân quyền.
Lý Quang Diệu: Người Nhật, người Trung Quốc và cả người Hàn Quốc không cho rằng nhiệm vụ của họ là bảo người khác phải thay đổi điều gì để cai quản đất nước tốt hơn. Họ bảo, đó là chuyện của bạn. Tôi làm ăn với bạn trên nền tảng trung lập. Tôi không tìm cách thay đổi bạn. Phương Tây có khuynh hướng truyền đạo, các vị cho rằng hệ thống của các vị có giá trị toàn cầu: dân chủ và nhân quyền. Ở Ấn Độ, vì một lí do lạ lùng nào đó, dân chủ đã cắm rễ nhưng nhân quyền thì không, những vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất diễn ra ở Ấn Độ. Ở Trung Quốc, ý tưởng về nhân quyền vừa mới được nhen nhóm, trong khi ý tưởng về nhà nước đứng trên tất cả và bất khả xâm phạm thì vẫn còn rất mạnh.
Helmut Schmidt: Hệ thống Khổng giáo mà theo tôi vẫn còn tồn tại có một ưu thế lớn, vì nó hầu như không bao hàm những khía cạnh tôn giáo.
Lý Quang Diệu: Đúng thế. Cho nên ở Trung Quốc người ta cũng không đánh nhau vì những vấn đề tôn giáo.
Helmut Schmidt: Đó là một ưu thế lớn. Lòng hăng say truyền đạo của người Mỹ theo Thiên Chúa giáo – không biết cơ sở của nó là ở chỗ nào trong Kinh thánh, có lẽ cũng nên tìm hiểu. Thực ra nó không bám rễ sâu lắm trong đó.
Lý Quang Diệu: Nhưng đặc điểm văn hóa của dân Mỹ và các nhà lãnh đạo họ là muốn giáo dục chính phủ các nước khác. Theo tôi phương Tây có cái nhu cầu tự cho rằng mình đã giác ngộ và muốn người khác cũng giác ngộ như mình. Nhưng cũng có thể nhìn nhận động cơ đó theo hướng tích cực – rằng phương Tây muốn thay đổi thế giới, biến nó thành một thế giới tốt đẹp hơn.
Helmut Schmidt: Đúng.
Lý Quang Diệu: Mặt khác cũng có thể coi đó là thái độ ngạo mạn, các vị cho hệ thống của mình là ưu việt, và các vị muốn ép chúng tôi phải tiếp nhận.
Tuần báo Zeit: Những quyền con người nào thì có giá trị phổ cập và những quyền nào thì không?
Lý Quang Diệu: Quyền được sống theo ý mình của mỗi cá nhân; quyền an toàn cho chính mình và gia đình mình của mỗi cá nhân; quyền có việc làm, được đào tạo và chăm sóc y tế của mỗi cá nhân và con cái được học hành – tôi nghĩ rằng những quyền đó người Trung Quốc sẽ chấp nhận. Nhưng đòi được có một phiên tòa xét xử trước khi bị kết án hoặc tống giam, quyền đó không có trong hình dung của họ. Họ quyết định kẻ nào là mối nguy cho xã hội rồi tống vào tù.
Zeit: Còn các quyền tự do hội họp, tự do chính kiến và tự do tôn giáo?
Lý Quang Diệu: Trung Quốc rất hạn chế quyền tự do hội họp.
Tuần báo Zeit: Vậy phương Tây có nên bảo vệ quyền đó không?
Lý Quang Diệu: Phương Tây có thể can thiệp bằng cách nào nhỉ?!
Tuần báo Zeit: Chính dân Trung Quốc đã đòi những quyền này. Năm 1989, những người biểu tình đã dựng một bản sao bức tượng “Nữ hoàng Tự do” ở Quảng trường Thiên An Môn.
Lý Quang Diệu: Vâng, nhưng họ là những chàng trai trẻ rất lãng mạn, và cuối cùng thì họ bị cắt đầu hoặc bắn sang Mỹ. Và dân chúng chỉ coi đó là một sự kiện nhất thời.
Helmut Schmidt: Dù đã già, cá nhân tôi vẫn sẵn sàng tự tay chống lại những kẻ tước đoạt quyền của mỗi con người, không chỉ riêng quyền được sống mà tất cả các quyền. Nhưng tôi dứt khoát không can thiệp vào một quốc gia khác để bảo vệ quyền con người ở đó. Phải nói là tôi rất sợ cái khái niệm “trách nhiệm bảo hộ”.
Lý Quang Diệu: Như ở Lybia – ném bom diệt được một nhà độc tài thì cuối cùng lại sinh ra nhiều vị chỉ huy quân đội cỡ nhỏ mà mỗi vị đều sẽ thành một nhà độc tài.
Tuần báo Zeit: Không có trường hợp nào mà ông thấy “trách nhiệm bảo hộ” là phản ứng chính đáng hay sao? Như trường hợp Khmer Đỏ ở Campuchia, hay trường hợp diệt chủng ở Ruanda?
Lý Quang Diệu: Tôi tin rằng ngày nay trên bình diện quốc tế, diệt chủng là không thể chấp nhận. Nếu giết người vì lí do chủng tộc hoặc nếu một chủng tộc bị đem ra trừng phạt thì can thiệp là chính đáng. Đặc biệt trong trường hợp một nước lớn trừng phạt một nước nhỏ. Nếu không thì thế giới này sẽ thành vô luật pháp.
Helmut Schmidt: Nhưng cái “trách nhiệm bảo hộ” ấy có nguy cơ phình ra vô hạn. Có lẽ chúng ta có lí do chính đáng để bảo vệ người dân ở Ruanda. Nhưng điều đó quá phức tạp, nên chúng ta đã không làm. Có thể là chúng ta có bổn phận đạo đức phải hành động, cũng như đối với người dân ở Chechnya. Nhưng chúng ta đã không làm. Có thể trong trường hợp vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, chúng ta có bổn phận hành động. Nhưng chúng ta đã không làm. Chúng ta chỉ tuân theo cái bổn phận đó trong các trường hợp dễ thực hiện hoặc nếu được lợi thế tuyên truyền.
Lý Quang Diệu: Trong thực tế, phải khả thi thì mới hành động được. Không thể can thiệp vào vụ Thiên An Môn, vì như thế là gây hấn với một thế lực cực lớn. Còn Ruanda – tôi tin rằng Mỹ ân hận là đã không can thiệp.
Helmut Schmidt: Ông có ân hận là chúng ta đã không can thiệp không? (Im lặng khá lâu)
Lý Quang Diệu: Nếu ông muốn biết tôi có đồng ý gửi quân đi để ngăn hai phe xung đột không thì tôi xin nói là không. Còn nếu ông muốn biết rằng theo tôi, việc người Mỹ không can thiệp có sai không thì tôi xin trả lời rằng có, việc đó là sai.
Helmut Schmidt: Tôi tin rằng ông ý thức rõ tính đạo đức nước đôi trong câu trả lời vừa rồi.
Lý Quang Diệu: Vâng, tôi ý thức rõ.
Tuần báo Zeit: Phương Tây đã chế ngự thế giới suốt 500 năm. Giai đoạn lịch sử đó đang kết thúc. Thời đại nào sẽ bắt đầu? Thế kỉ Thái Bình Dương?
Lý Quang Diệu: Tôi không chia sẻ cách nhìn nhận thế kỉ này là Thế kỉ Thái Bình Dương. Tôi tin rằng đó sẽ là một thế kỉ mà Trung Quốc và Mỹ sẽ vượt qua Thái Bình Dương mà cạnh tranh. Nếu châu Âu đủ khả năng liên kết thì thế giới sẽ gồm ba cực. Và thêm Nga – nếu họ hồi phục – đó sẽ là một thế giới bốn cực. Trọng điểm của thế giới đã chuyển từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Đúng như vậy. Đừng nên quên rằng 300 năm trước, GDP của Trung Quốc đã chiếm gần 50 % của toàn thế giới và hiện nay đang dần dần tiến đến mức đó, chỉ trừ trường hợp nội bộ Trung Quốc có biến động gì đó.
Tuần báo Zeit: Có nghĩa là Trung Quốc không trỗi dậy, mà Trung Quốc hồi sinh?
Lý Quang Diệu: Gọi thế nào thì tùy, đó là một Trung Quốc mạnh hơn, với một tiếng nói vang to hơn trên nhiều diễn đàn quốc tế khác nhau và một sức mạnh quân sự to lớn hơn để không cho kẻ nào tiến gần đến biên giới quốc gia.
Helmut Schmidt: Tôi có cảm tưởng rằng cái khái niệm dịch chuyển trung tâm quyền lực từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương này có xuất xứ từ Mỹ, và hình như nó được dùng để biện minh cho sự dịch chuyển của những mũi tiến và cứ điểm của hải quân và không quân Hoa Kì. Hiện nay Mỹ có một cứ điểm không quân ở Úc, một hạm đội thường trực có thể kiểm soát từ Vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương, Biển Hoa Đông, Biển Đông đến các vùng duyên hải Canada. Theo tôi thì người Mỹ đang cường điệu. Còn châu Âu, nếu không có cuộc khủng hoảng tài chính khiếp đảm năm 2008 thì tôi vẫn đang lặp lại câu quảng cáo rằng chúng ta đang tiến tới một thế giới ba cực, gồm Trung Quốc, Hoa Kì và châu Âu.
Nguồn: Lược dịch từ nguyên bản tiếng Đức “Wie chinesisch wird die Welt?”, Matthias Nass thực hiện, Die Zeit số 57, ra ngày 06-9-2012
Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra
--------------
*****

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Người Việt:Toát mồ hôi khi đàn bà miền Tây nhậu

Chiếc ly “xây chừng” được chuyền tay nhau, chị Ba giữ phần cầm cái, rót rượu. Chị và các nữ “chiến hữu” uống sòng phẳng với đàn ông chúng tôi, không bỏ sót vòng nào.


Cuộc nhậu nhớ đời ở Cà Mau


Nghe đồn phụ nữ Cà Mau nhậu có tiếng, nên trong một chuyến công tác về đó, khi mấy đồng nghiệp rủ đi “so ly” với mấy chị em phụ nữ, tôi hào hứng nhận lời ngay. Chừng 11 giờ trưa, chúng tôi đã có mặt ở nhà anh Ba, một cán bộ huyện C.

Cảnh nhậu của phụ nữ miền Tây.

Vừa thấy khách, anh Ba đã cười khà: “Nghe tụi bây xuống chơi, tao kêu chị Ba mày làm mồi bén đãi khách”. Không phải đợi lâu, chị Ba dọn lên đĩa vịt xiêm luộc chấm nước mắm gừng và thau tôm nướng đỏ au. Chị Ba xách ra can rượu đế 10 lít, tuyên bố: “Đây là tăng 1, tăng 2 tới bia”. Tôi nhẩm tính: Chỉ có 4 người chúng tôi, cộng với vợ chồng anh chị là 6, làm sao “cõng” nổi 10 lít rượu. Vừa dứt đã thấy chị Ba móc điện thoại alô, chưa đầy 5 phút sau 4 chị “chiến hữu” của chị Ba có mặt, ngồi vào bàn tiệc.

Chiếc ly “xây chừng” chạy quanh bàn nhậu, chị Ba làm “chủ xị”... Đến khi can rượu vơi hết phân nửa, chị Ba tuyên bố: “Bây giờ tăng tốc, chị uống sao mấy em uống vậy”. Nói xong, chị Ba rót liền 3 ly rượu, lần lượt uống hết từng ly, rồi rót rượu cho từng người. Vòng 3 ly đầu, tôi gắng gượng cầm cự, nhưng đến vòng thứ hai, vừa nốc xong, tôi vội vàng chạy ra hè “cho chó ăn chè”, trong khi chị Ba và các “chiến hữu” ngồi cười ha hả. Anh Ba chủ nhà cũng chỉ khá hơn tôi một chút, chứ không cầm cự nổi với vợ và bạn vợ.

Khi đã ngà say, anh Ba ôm tôi tâm sự: “Mỗi tháng không dưới 20 ngày bà con, lối xóm mời đám giỗ, đám cưới, thôi nôi, đầy tháng, ăn mừng... Anh đi không xuể, chị Ba mấy em phải đi thế, bả nhậu riết rồi lên đô”. Chiều hôm đó, tôi “quắc cần câu” nằm trên võng, còn nghe chị Ba và các “chiến hữu” vừa thu dọn “chiến trường” vừa rủ nhau đi uống bia, hát karaoke...

Hôm sau trên đường về TP.Cà Mau, anh bạn tôi điện thoại cho ai đó rồi cười nói: “Ghé xã Lương Thế Trân nhậu tiếp, có một nhóm nữ trẻ hơn đang sẵn sàng tiếp tụi mình”. Nhớ tới trận nhậu kinh hoàng hôm qua, tôi nổi da gà, nhưng vì tò mò, tôi gắng gượng đồng ý.

Chúng tôi ghé vào một căn nhà lá nằm giữa các ao nuôi tôm. Trên bộ ván, 4 phụ nữ tuổi khoảng 30 - 40 đang ngồi “lai rai” chờ khách, trước mặt là mâm bánh xèo nhân tôm và một can rượu đế 10 lít đã vơi một phần ba. “Vào cửa bửa 1 ly”, “ngồi xuống uống 1 ly”, “cầm đũa dủa 1 ly”, tôi tá hỏa với 3 ly rượu “chào sân” theo đúng quy định của chủ nhà.

Chiếc ly không xoay vòng như trận nhậu hôm qua, ở đây mấy chị nhậu theo kiểu chia phe: 4 phụ nữ ngồi đối diện với 4 đàn ông chúng tôi, ly rượu chuyền qua lại liên tục giữa hai phe. Đến khi chị Năm chủ nhà quyết định tăng tốc lên 2 ly một lượt, tôi muốn hoa mắt, nhìn thấy phe bên kia có đến... 8 người. Chỉ thêm 1 vòng nữa, tôi giơ tay đầu hàng, xin ra võng nằm, sau lưng là tiếng “trăm phần trăm” của mấy chị.

Mua chuột về làm mồi nhậu - chuyện không phải hiếm của phụ nữ miền Tây.

Làm cán bộ phải biết nhậu!


“Không phân biệt nam nữ, làm cán bộ ở miền Tây mà không biết nhậu thì không phải là... cán bộ” - cô bạn tôi hiện đang làm Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh X nói xanh rờn. Bạn và tôi thân nhau từ hồi học trung học, sau này mỗi người một nơi, nhưng hình ảnh người con gái dịu dàng, có phần nhút nhát ngày nào vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.

Cho tới một ngày, tình cờ cùng có mặt trong tiệc nhậu, tôi không tin vào mắt mình khi thấy bạn liên tục nốc cạn những ly rượu đầy mà mặt không hề biến sắc. “Không uống không được bạn à” - cô ấy giải thích - “Ban đầu mình “né” dữ lắm, nhưng cuối cùng cũng phải nhậu”.


Rồi bạn kể cho tôi nghe có những cuộc làm việc cả ngày, nhưng cuối cùng chỉ được “gút lại” ở bàn nhậu. “Tửu lượng mình không cao như bạn thấy đâu. Phụ nữ tụi này khi nhậu phải biết “ăn gian” mới cầm cự nổi” - bạn tâm sự. Rồi bạn kể những màn “ăn gian” trong tiệc nhậu mà cánh cán bộ nữ dày công “nghiên cứu”, truyền tai nhau áp dụng: Trà trộn nước lã vào ly rượu trắng; cho nước trà vào ly rượu Tây; nhả rượu vào ly trà đá hoặc ra khăn tay; đổ rượu xuống gầm bàn...

“Khi bị “đối phương” để ý, không “ăn gian” được, buộc phải uống, thì phương cách cuối cùng là vào nhà vệ sinh móc cổ ói cho rượu bia ra hết, rồi nhậu tiếp. Ban đầu rất khó chịu, nhưng dần cũng quen” - bạn thú nhận.

Sau lần nghe cô bạn cũ tâm sự về chuyện nhậu, mỗi lần dự tiệc nhậu có phụ nữ tôi đều kín đáo quan sát, đúng như bạn tôi nói, các chị em đều khéo léo “ăn gian”. Họ đi nhậu phần nhiều vì “lễ nghĩa”, muốn cho công chuyện được thuận lợi, cho vừa lòng mọi người, chứ thực ra ít có người thấy “đã”. Tôi chợt thấy “thương” họ, họ trở thành nạn nhân của một thói quen hình thành đã lâu, ai cũng thấy không nên, nhưng không ai muốn sửa và dám sửa!

Tối trước, tôi đến rủ người bạn vốn sành sỏi trong chuyện ăn nhậu đi uống vài chai. Cửa vừa mở đã thấy bạn cười méo xệch miệng: “Tao phải giữ con cho đứa em gái, bữa nay nó đi nhậu tới tối”. Em gái của bạn là cán bộ cấp sở ở tỉnh Tiền Giang, hôm nay đi tiếp khách, nhờ anh trai rước và giữ đứa con học lớp 1, vì chồng cô công tác vắng nhà. Anh bạn cho biết, mấy cô bây giờ đi nhậu cũng “tăng 2, tăng 3”, sau rượu rồi tới bia, kết thúc bằng chầu karaoke, có bữa 9 giờ tối cô em mới ghé nhà anh rước con.

“Phải thông cảm cho nó thôi, đi nhậu cũng là “công tác”, giữ con cho nó cũng như giúp nó công tác tốt”.

Những hệ lụy của đàn bà nhậu


“Một người chồng hư, chỉ hư người chồng. Một người vợ hư, hư cả gia đình”. Điều đó cũng đúng trong chuyện nhậu, khi người phụ nữ vốn là linh hồn của gia đình sa đà vào chuyện nhậu, hậu quả sẽ nặng hơn người chồng “nát rượu”.

Tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), người ta vẫn còn nhắc chuyện một phụ nữ đã đánh mất tất cả vào những trận nhậu nổ trời. Người phụ nữ này cũng thuộc loại sắc nước hương trời, có mái ấm gia đình, trước đây chẳng hề biết đến rượu bia. Nhưng về sau do quan hệ làm ăn, chị trở thành “cao thủ” nhậu lúc nào không hay, một mình có thể “cõng” cả chai Chivas loại 70cl, còn bia thì phải hơn nửa thùng.

Từ khi biết mùi bia rượu, ngày nào chị cũng có “độ”, nhiều khi một ngày “đánh” 2 - 3 trận. Người chồng không thể nào chấp nhận một người vợ hết say rồi xỉn, nên lẳng lặng chia tay, đứa con gái cũng đi theo cha vì không chịu nổi người mẹ lúc nào cũng nồng nặc mùi bia rượu, về tới nhà là lăn ra ngủ như chết. Chồng con bỏ rơi, chị càng nhậu bạo hơn và cặp bồ với một bạn nhậu. Nhưng sau một thời gian, anh chồng hờ cũng lẳng lặng chia tay với nữ đệ tử lưu linh thứ thiệt.

Mới đây, gặp lại đồng nghiệp ở Cà Mau, tôi hỏi thăm vợ chồng anh Ba và các chị ở huyện C ngày trước, anh bạn cho biết chị Ba bị bệnh xơ gan rất nặng, nhóm nhậu của chị cũng tan rã. Tôi thầm nghĩ, nhậu như các chị mà không bệnh mới là lạ. Cô bạn phó giám đốc sở của tôi chưa thấy bệnh gì, nhưng những tiệc nhậu triền miên đã làm cho vóc dáng “tơ liễu” ngày nào giờ trở nên quá khổ.

Cô em gái của bạn tôi cũng vậy, trong nhà có đủ các loại máy chạy bộ, máy đánh tan mỡ bụng, nhưng mỡ cứ tích tụ quanh người theo năm tháng. Hay chuyện bà Thúy Liễu đốt chết chồng là nhà báo mới đây vẫn còn gây đau xót nhiều người. Bà Liễu cũng từng là tay nhậu có hạng trong giới nữ ở TP.Tân An. Bà có một nhóm bạn nữ khoảng 4 – 5 người, thỉnh thoảng tổ chức “chén thù chén tạc”. Từ nhậu nhẹt, tới cờ bạc, rồi thảm họa, chỉ là những bước ngắn!

Nhưng nhậu đến mức để lại hậu quả như 2 cặp vợ chồng ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang thì đúng là “độc nhất vô nhị”. Chuyện của họ luôn là đề tài đàm tiếu ở các tiệc nhậu vùng rừng U Minh heo hút này. Họ là hàng xóm của nhau, thường xuyên ăn nhậu “đồng vợ đồng chồng”. Một tối, 2 cặp vợ chồng cùng ngồi nhậu hết 5 lít rượu. Rượu vào lời ra, một người chồng đề nghị “đổi vợ”. Anh chồng kia đồng ý. Hai cô vợ ban đầu phản đối, nhưng đến lúc say mèm thì “chơi luôn”.

Đến sáng tỉnh rượu, mọi chuyện đã rồi! Một trong 2 người lẳng lặng dắt cô vợ mới (đổi) ra đi sau khi để lại 1 cây vàng và mấy dòng cho người hàng xóm: “Cây vàng này tui bù lỗ cho chú vì vợ chú trẻ hơn vợ tui”.
Kỳ Quan - Anh Hùng
Nguồn: Tranhung09/Báo Lao động

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Mong sao không lặp lại "giải pháp đỏ"


Cuộc tranh chấp chủ quyền tại biển Đông đến nay đã bước sang giai đoạn cao trào đòi hỏi phải có một giải pháp hòa bình nếu muốn ngăn chặn chiến tranh nóng .

Phía Trung Quốc, sau thời kỳ ráo riết lấn chiếm trên thực địa, đã hoàn thành thủ đoạn "biến không thành có" và lập được cái gọi là "Thành phố Tam Sa" với đầy đủ bộ máy hành chính và quân sự để kiểm soát toàn bộ khu vực rộng lớn án ngữ giữa Biển Đông bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN cùng đảo Hòang Nham và bãi cạn Scarborough của Philipine. Trên mặt trận ngoại giao, Bắc Kinh một mặt tự tiện tiến hành khai thác tài nguyên biển Đông, một mặt tung ra chiêu bài "gác tranh chấp cùng khai thác" nhằm đặt các bên liên quan vào thế khó xử; một mặt chủ trương đàm phán song phương, coi đây chỉ là vấn đề nội bộ khu vực mà Mỹ và bên ngoài không được can thiệp vào, một mặt ráo riết thực hiện các thủ đoạn chia để trị đối với nội bộ ASEAN. Riêng đối với Việt Nam, Bắc Kinh vẫn áp dụng thủ pháp hai mặt "vừa đấm vừa xoa" nhằm lừa gạt “người đồng chí anh em” một lần nữa.
 
Trước thái độ cố chấp của Bắc Kinh, dư luận quốc tế ngày càng nhận rõ hơn ý đồ độc chiếm biển Đông của TQ; Mỹ phải lên tiếng mạnh hơn đồng thời thúc dục ASEAN và TQ sớm đàm phán về COC. Biết không thể kéo dài tình trạng căng thẳng quá lâu mất uy tín quốc tế, Bắc Kinh cũng phải chuẩn bị cho một giải pháp đàm phán với thế mạnh của kẻ đang chiếm đóng trên thực địa tại biển Đông.

Diễn biến tình hình gần đây nhắc nhớ lại thời kỳ các bên tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Campuchia trong những năm 1980. Sẽ là khiếm khuyết khi bàn về giải pháp biển Đông mà không nhắc lại bài học liên quan đến giải pháp Cămpuchia cách nay hơn 20 năm . Điểm mấu chốt của bài học đó là sai lầm của Việt Nam khi chọn ”gải pháp đỏ" với phía Trung Quốc - một sai lầm vẫn còn tác động sâu sắc đến ngày nay.

Đáng lẽ Việt Nam đã có thể sử dụng việc kết thúc vấn đề Cămphuchia như một cơ hội để nâng cao uy tín quốc tế phục vụ công cuộc mở cửa và phát triển đất nước nếu biết lựa chọn giải pháp thông qua Hội đồng bảo an LHQ, kể cả Mỹ và ASEAN. Nhưng người Việt Nam đã chọn cách ”đi đêm” với kẻ thù truyền kiếp vì ảo tưởng rằng đồng chí với nhau tốt hơn là với phương Tây (!?). Điều đáng lưu ý là, sai lầm đó không phải do đường lối chính thống của VN thời bấy giờ mà là do người đứng đầu của Đảng mới nhậm chức gây ra. Để thực hiện sự sai lầm đó, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã bị đem ra "thí" như một điều kiện cho "giải pháp đỏ" mà suy cho cùng là một sản phẩm của sự đầu hàng vô nguyên tắc của Việt Nam và cũng trái với nguyện vọng của hai nước bạn "đặc biệt": Campuchia và Lào. Bằng thỏa thuận Thành Đô, Việt Nam đã tự xóa bỏ toàn bộ công lao, xương máu của mình để giúp nhân dân Cămpuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, kể cả trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Đó là chưa kể cái giá quá đắt do bị Mỹ và quốc tế cấm vận hơn 10 năm liền. Tính chính danh, chính nghĩa của hai cuộc cuộc chiến đó cũng đã bị lu mờ . Đó là hậu quả thảm bại của nếp tư duy mơ hồ về “ý thức hệ” mà đáng ra đã có thể rũ bỏ hoàn toàn sau sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc. Mọi sự hy sinh của quân và dân Việt Nam đã trở thành vô nghĩa vì không đạt kết quả cuối cùng, thậm chí có thể nói đã “mất trắng”do lựa chọn sai lầm trong giải pháp về vấn đề Cămpuchia. Sau nhiều năm vết thương vẫn chưa lành thì sự trở mặt của chính quyền Pnompênh câu kết với Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông mới đây đã khẳng định bài học nói trên. Nếu không có "giải pháp đỏ" chắc đã không có kết cục trớ trêu này. 


Hai Đoàn đàmphán VN và TQ chụp ảnh chung tại Thành Đô năm1990
Đó là một bài học cay đắng. Nhưng liệu nó sẽ được học đến nơi đến chốn hay lại học trước quên sau? Câu hỏi này không thừa nếu theo dõi những diễn biến tình hình quan hệ Việt-Trung trong bối cảnh vấn đề biển Đông hiện nay.

Có thể nói trước âm mưu độc chiếm biển Đông của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc, nội bộ Việt Nam luôn bị dằng xé bởi các luồng tư tưởng trái ngược nhau, không chỉ trong giới lãnh đạo đất nước mà ngày càng tăng lên giữa nhân dân và lãnh đạo. Điều này được thể hiện không chỉ trên nội dung các văn kiện chính trị mà còn thể hiện trong những hành động cụ thể. Đó là sự lúng túng và không minh bạch trong cách thể hiện quan điểm về bạn/thù, sự thiếu nhất quán trong các chủ trương chính sách đầu tư, xuất-nhập khẩu, an ninh-quốc phòng và văn hóa, truyền thông, v.v... Do ngày càng xa rời với phương châm đã đề ra từ Đại hội VI, nền kinh tế Việt Nam đang bị lệ thuộc vào Trung Quốc sau nhiều đợt sai lầm trong lựa chọn đối tác hoặc sự nhượng bộ vô nguyên tắc, thậm chí sự thông đồng mang tính chất phản quốc của các nhóm lới ích . Dự án khai thác bauxit trên vùng chiến lược Tây Nguyên và hàng loạt trường hợp "tô nhượng" đất đai, rừng, biển tại những địa bàn nhậy cảm về an ninh quốc phòng là những ví dụ. Nhiều sai lầm tương tự vẫn tiếp diễn ngay cả khi Trung Quốc ráo riết xâm lấn biển đảo đồng thời dùng nhiều thủ đoạn phá hoại an ninh kinh tế-xã hôi trên đất liền.

Do vị trí địa lý và tương quan lực lượng,Việt Nam, dù muốn hay không, vẫn giữ vai trò quyết định trong giải pháp cho vấn đề tranh chấp biển Đông hiện nay. Do đó, Việt Nam một lần nữa phải đối mặt với thách thức và cơ hội tương tự như trong trong vấn đề Campuchia trước đây. Việc lựa chọn giải pháp cho vấn đề biển Đông sẽ một lần nữa ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam, ASEAN và quốc tế. Diễn biến tình hình từ sau HN AMM 45 cho thấy một giai đoạn mới đã bắt đầu đối với giải pháp biển Đông . Những tín hiệu mới đang phát ra từ quá trình Hội nghị cấp cao APEC. Đó là thái độ cứng rắn và khẩn trương hơn của Mỹ trong việc hối thúc ASEAN cùng TQ sớm thông qua COC tại Hội nghị CC ASEAN tháng 11 tới . Mỹ cũng chính thức đề nghị Nga tham gia nhiều hơn vào vấn đề biển Đông. Thủ tướng Singapore trong chuyến thăm TQ mới đây cũng cho thấy muốn đóng một vai trò nào đó. Bắc Kinh một mặt tỏ ra rất bất bình trước thái độ "cứng lên" của phía Mỹ, nhưng có vẽ "lắng nghe" ý kiến của Singapore, Indonesia và Thái Lan (?) Nhật Bản, Nga ,Úc, Ấn Độ... cũng đều sẵn sàng đóng vai trò trong một giải pháp biển Đông.

Trong bối cảnh hiện nay , nôi dung cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Trương Tấn Sang và Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị APEC tại Vladivostok mới đây không khỏi khiến dư luận băn khoăn. Sự khác nhau trong cách đưa tin giữa VNTTX và THX về sự kiện này khiến dư luận nghi ngờ độ trung thực của hai bên. Trong khi THX nói chung chung, thì VNTTX nói đậm hơn, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương Việt-Trung bất chấp thực tế đang diễn ra. Báo Tuổi trẻ ngày 8/9 với tiêu đề "Không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung" đã đưa tin: "Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng trong tình hình hiện nay, việc không ngừng tăng cường sự tin cậy về chính trị , làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện ...có ý nghĩa hết sức quan trọng"; "về biển Đông, hai bên cần kiên trì...không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định quan hệ hai nước". Tờ China Daily đưa tin đậm về những lời chỉ huấn muôn thuở của lãnh đạo TQ rằng “Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói Trung Quốc và Việt Nam cần bình tĩnh và chứng tỏ kiềm chế về vấn đề Nam Hải" đồng thời "thúc giục hai nước trung thành với đàm phán song phương và giải pháp chính trị, và tiếp tục con đường cùng khai thác.”

Những câu chữ và ý tứ kiểu trên đây cho thấy hiện tượng không bình thường, nếu không nói là báo hiệu một sự chuyển dịch lập trường nào đó (?). Liệu cái đích của sự chuyển dịch này là gì? Nhân đây xin nhắc lại một chi tiết. Đó là sự tâm đắc của Tống Bí thư đảng ta sau chuyến thăm Trung Quốc cuối năm ngoái và đã được chính ông nhắc lại tại Hội nghị quán triệt nghị quyết Trung ương 4 hồi tháng 5/2012: “Ðảng Cộng sản Trung Quốc trong cải cách, mở cửa cũng luôn luôn khẳng định dứt khoát phải kiên trì vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, và trong những lần trao đổi với chúng ta, bạn thường nhấn mạnh không để bị “Tây hóa”. Liệu ý kiến chỉ đạo này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tìm kiếm giải pháp biển Đông?

Trần Kinh Nghị

Phụ lục: Trích đoạn Hồi ký Trần Quan Cơ

" Mặt khác, thái độ của Mỹ có đổi khác: ngày 18.7.90 ngoại trưởng James Baker tuyên bố Mỹ thôi không công nhận Campuchia Dân chủ (tức chính quyền 3 phái do Sihanouk đứng đầu), lên án Khmer Đỏ, nhận đối thoại với Việt Nam qua phái đoàn ở Nữu-ước. Ngày 6.8.90, ta với Mỹ tiếp xúc ở Nữu-ước, Mỹ chủ yếu thăm dò thái độ ta về văn kiện khung của LHQ về giải pháp Campuchia.Ngày 8.8.90 Bộ Ngoại Giao trình BCT đề án về vấn đề Campuchia theo hướng phân rõ mặt quốc tế và mặt nội bộ của giải pháp. Về mặt quốc tế, góp ý với bạn nên đồng ý phương án của P5, còn mặt nội bộ phải do bạn Campuchia quyết định, ta tôn trọng.Chiều 8.8.90, tôi đến gặp Cố vấn Phạm Văn Đồng xin ý kiến về đề án này. Anh nói: Tình hình hiện nay tạo cơ hội thuận lợi cho giải pháp Campuchia. Cần tận dụng cơ hội mới này trong khi ta còn sử dụng được. Phải dám chơi với LHQ, với Hội Đồng Bảo An, với Mỹ và phương Tây. Cần tranh thủ nhân tố Mỹ trong tình hình mới... Đề án về lý thuyết thì tốt nhưng làm sao thực hiện được... Không nên đặt yêu cầu quá cao “giữ vững thành quả cách mạng (Campuchia)”... Đi vào tổng tuyển cử bạn giành được 50% là lý tưởng...”Ngày 12.8.90, BCT họp về đề án Campuchia do Bộ Ngoại Giao thảo. Sau khi thảo luận, anh Linh kết luận: Với Mỹ, ta tiếp tục đối thoại như BCT đã cho ý kiến với Trung Quốc trong cuộc gặp 13/8 giữa tôi và Trương Đức Duy, ta nên nói là 2 nước XHCN Việt Nam và Trung Quốc nên hợp tác giải quyết vấn đề Campuchia để có một nước Campuchia hữu nghị với các nước láng giềng, trước hết là Việt Nam, Trung Quốc, Lào. Ta không nói Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN cần đoàn kết chống đế quốc chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội.Nhưng rồi cuộc gặp Thành Đô đã làm lãnh đạo Việt Nam xa rời quan điểm thực tế này mà ngã hẳn theo Trung Quốc, thậm chí còn định ép PhnomPenh chấp nhận đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh về vấn đề SNC Campuchia.42 bản 01 thêm: [Campuchia cũng như]43 bản 01 thêm: [lớn]

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Trung lập: lựa chọn của ASEAN?


Chuyến thăm kéo dài 6 ngày (từ 2-7/9/2012) của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến Trung Quốc, tuy không quá rầm rộ, cũng chẳng đến mức gây tranh cãi, nhưng là một sự kiện hàm chứa một số thông điệp mới và đáng được nghiên cứu trong bối cảnh tranh chấp biển Đông hiện nay.
Tuy là chuyến thăm của người đứng đầu một quốc gia thuộc loại nhỏ nhất thế giới tới một nước lớn nhất thế giới là Trung Quốc, nhưng ông Lý Hiễn Long đã không chỉ thể hiện quan điểm của Singapore  mà còn nói lên quan điểm của khối ASEAN với đối tác Trung Quốc. Điều thú vị là, trong quá trình gặp gỡ, tiếp xúc với phía  Trung Quốc, ông ta đã đưa ra những lời khuyên bảo hết sức thẳng thắn đối với chủ nhà; chưa rõ nước chủ nhà tiếp thu đến đâu,  nhưng cũng chưa thấy phản bác gì gay gắt như vẫn thấy đối với Mỹ hoặc các  trường hợp khác . Về mặt này, có lẽ ông Lý Hiễn Long đã làm tốt hơn cả bà Clinton hoặc nhiều đồng nghiệp khác trong ASEAN(?)
Ví dụ, ông Lý Hiển Long không chỉ công khai ca ngợi sức mạnh Mỹ là sáng tạo tuyệt vời, mà còn thay mặt Mỹ tuyên bố : “Mỹ có những lợi ích chính đáng ở châu Á và có một vai trò ở đây mà không nước nào có được”. Vai trò đó, theo ông, không chỉ nhờ sức mạnh quân sự và kinh tế, mà còn vì những lý do lịch sử. “Đó là lý do nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương hy vọng Mỹ tiếp tục đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực, và Singapore tin tưởng như vậy”, ông nói.
Đồng thời ông Lý Hiễn Long cũng chỉ ra rằng những hành động của Trung Quốc tại biển Đông sẽ được các nước lấy làm cơ sở đánh giá ý nghĩa thực chất của việc nước này đang mạnh lên. Vì vậy, ông kỳ vọng Bắc Kinh sẽ “kéo dài giai đoạn trổi dậy” bằng cách góp phần tạo dựng hòa bình và thịnh vượng cho chính mình, châu Á và cả thế giới, thay vì gây quan ngại như cách họ đang làm" Ông không ngần ngại nhắc nhỡ Bắc Kinh rằng "về lâu dài hình ảnh của Trung Quốc, không chỉ đối với ASEAN mà với thế giới, là cực kỳ quan trọng".

Nhà lãnh đạo của quốc gia nhỏ bé có biểu tượng con sư tử cũng đã tỏ ra rất khôn khéo gắn các vấn đề lợi ích của nước mình với lợi ich của khu vực khi nói rằng “Singapore có lập trường rõ ràng và nhất quán trong vấn đề biển Đông, và rằng "Chúng tôi không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền nên không đứng về bên nào. Nhưng chúng tôi có những lợi ích sống còn ở đó”. Đồng thời ông cho rằng “Tranh chấp chủ quyền và quyền khai thác các nguồn lợi tại biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình theo công pháp quốc tế, gồm Công ước LHQ về luật Biển”. Theo ông, Tuyên bố lập trường 6 điểm của ASEAN về biển Đông vào ngày 20.7 là một tiến bộ, và bày tỏ "hy vọng Trung Quốc sẽ cùng ASEAN sớm đối thoại về Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông”.
Điểm đáng lưu ý nhất của chuyến thăm có lẽ nằm ở bài phát biểu của ông Lý Hiễn Long tại trường Đảng trung ương Bắc Kinh do ông Tập Cận Bình làm Hiệu trưởng. Tại đó ông ta đã đề cập nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý nhất là ý tưởng về một ASEAN trung lập. Cụ thể ông nói: "ASEAN nên theo đuổi lập trường trung lập và nhìn về phía trước (neutral and forward-looking) đối với các tranh chấp biển Đông đồng thời cổ vũ các bên liên quan giải quyết vấn đề thông qua biện pháp hòa bình". Theo ông, đó là cách để tránh tình trạng các thành viên bị buộc phải chọn theo một thế lực nào đó; nếu không, “Đông Nam Á sẽ trở thành đấu trường mà chẳng ai chiến thắng cả”. Ông cũng cảnh báo. “Biển Đông là trái tim của ASEAN. Vì vậy, nếu ASEAN không giải quyết được vấn đề tranh chấp thì uy tín của khối sẽ bị hủy hoại”.

Thực ra ý tưởng về một khối ASEAN trung lập đã có từ thời chiến tranh lạnh, chính xác là những năm trước khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, với tên gọi là ZOPFAN ( Zone of Peace, Freedom and Neutrality). Tuy nhiên ý tưởng đó đã "chết yểu", nếu không nói là thất bại bởi vì bối cảnh tình hình lúc đó không thuận lợi do tình trạng đối đầu giữa  hai phe mà trong đó 3 quốc gia quan trong của khu vực  là VN, Lào và Cămpuchia  không nằm trong ZOPFAN. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc ông Lý Hiễn Long nêu lại khái niệm trung lập hóa ASEAN không phải là điều gì quá mới; chỉ có hoàn cảnh quốc tế và khu vực đã thay đổi hoàn toàn khi mà ASEAN đã bao gồm tất cả các nước khu vực Đông Nam Á vàlà khu vực đang phát triển rất năng động và được coi là một trong những "đầu tàu" của nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh tranh chấp biển Đông, một ASEAN trung lập xem ra là hợp lý và thiết thực để tự bảo vệ lợi ích của bản thân mình trước cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng của hai siêu cường.Với một ASEAN trung lập, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ được đặt vai vị trí và vai trò ngang bằng nhau tại khu vực. Quy chế hoặc chính sách trung lập có thể giúp ASEAN có thêm sức sống mới và cơ sở tinh thần mới để đi tới thống nhất trong các vấn đề nội khối cũng như trong đấu tranh và cạnh tranh với bên ngoài. Quy chế trung lập sẽ giúp ASEAN tránh bị guồng vào cuộc chạy đua vũ trang một cách lãng phí mà không bao giờ có thể mạnh bằng TQ hoặc Mỹ, để dành nguồn lực phát triển kinh tế. Nếu như trong quá khứ các quốc gia nhỏ yếu xung quanh biển Đông thường là nạn nhân của những cộc tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường thì đây là một cơ hội để họ thoát ra khỏi tình thế đó với tư cách là một tổ chức khu vực gắn bó với nhau. Do đó, trung lập hóa ASEAN có lẽ là một ý tưởng không tồi và đáng được xem xét nghiêm túc./.     

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Hậu xử vụ PV Hoàng Khương: Mất mát và Đổ vỡ(*)

(*)Đó là tiêu đề của bài viết  ngắn gọn nhưng  khá đầy đủ ý nghĩa của blogger NguyenThanh Hải lại được kết hợp với tài sưu tầm tư liệu của bogger Tranhung09. Bách Việt xin được đăng lại để phục vụ bà con dân mạng. 
 

Sự đổ vỡ của những thứ to lớn - thành trì, hầu hết đều bắt nguồn từ những sự việc - hình ảnh nhỏ nhoi, giản đơn như thế này. Khái niệm "niềm tin và hy vọng", từ những năm chiến tranh, mà mình dễ gặp lại nhất khi xem lại những hình ảnh tư liệu trong video clip bài hát "Hà Nội - Niềm tin và hy vọng", vốn đã đổ vỡ, chỉ còn chút móng lung lay, hôm nay cũng sụp xuống, cùng sự thất vọng chảy tràn trên gò má nhăn nheo của người Cha đã sinh ra đồng nghiệp. "Ác độc và không có tính người!" - Ai đó nó vậy hơi quá, nhưng quả thật dửng dưng dìm con người ta vào con số 4, mặc cho người mẹ đang hấp hối trong Bệnh viện, Cha già yếu và vợ con bệnh tật - nhỏ nhoi... thì chỉ ngày hôm nay, người ta mới gặp được, trên đất nước này. Bảo vệ và xây dựng chính thể - chế độ không chỉ đơn thuần là việc xếp gạch xây nhà, trộn xi măng trát vữa, mà quan trọng hơn cả là niềm tin - sự đồng thuận, góp sức từ trong tinh thần, tâm tưởng cho sự tồn tại, đứng vững của mọi quyết sách - cách hành xử. Nếu niềm tin mất mát và sự hy vọng đổ vỡ, từ những người dân bình thường nhất, những người cầm bút hay được gán là "chiến sĩ bảo vệ mặt trận văn hóa - tư tưởng" nhất, thì việc đổ vỡ của những điều lớn lao là hiển nhiên, không thể chối cãi... Giữ gìn chế độ - chính thể, không thể bằng những cách phi lý và độc ác, như thế này!. (Maithanhhai)

___________


Xem loạt bài liên quan nhà báo Hoàng Khương:

_________________
Đăng bỡi: Tranhung09

--------------
*****

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này