Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Vì sao tuyên bố chủ quyền của Thủ tướng nhanh chóng rơi vào im lặng?

                                                                                                                 
Nội dung trả chất vấn trước Quốc hội hôm 25/11/2011 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một ý nghĩa rất đặc biệt. Theo thông lệ quốc tế, đó không chỉ  đơn thuần  là một cuộc trả lời chất vấn trong nội bộ Quốc hội Việt Nam mà còn là môt tuyên bố chính thức về chủ quyền biển đảo của quốc gia Việt Nam có đầy đủ giá trị pháp lý quốc tế. Bằng những ngôn từ rõ ràng, không tránh né, Thủ tướng đã đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo của đất nước từ vịnh Bắc bộ đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đồng thời nêu rõ chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình của Việt Nam.

Nói về Hoàng Sa, Thủ tướng đã viện dẫn các mốc lịch sử cụ thể để khẳng định quyền chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế:  

 "Chúng ta làm chủ thực sự Hoàng Sa và Trường Sa, ít nhất từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình";

"Năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (lúc đó trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn). Chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc đó phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hợp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này";

"Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ và lịch sử pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, phù hợp với Công ước Luật biển";

Cũng tương tự khi nói về Trường Sa:

"Năm 1975 hải quân Việt Nam đã tiếp quản 5 đảo do quân đội của chính quyền Sài Gòn đang quản lý. Sau đó, với chủ quyền của Việt Nam, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân. Ngoài ra, Việt Nam còn xây dựng 15 nhà giàn để khẳng định chủ quyền của chúng ta ở vùng biển này - vùng biển trong phạm vi 200 hải lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta";

"Như vậy, trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất... Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo, trong đó có 6 khẩu đã sinh ra và lớn lên trên các đảo này";

Bạn có thể nghe nguyên văn toàn bộ nội dung tại đây:






Tuy hầu hết nội dung trên ít nhiều đã được đề cập trong sách báo, kể cả  “sách trắng”, và trong một số dịp đàm phán, nhưng chưa bao giờ được nói ra một cách chính thức,  đầy đủ, dứt khoát bởi người đứng đầu Chính phủ  như lần này. Khác với những phát biểu có thể nói là rời rạc, đầy ý tứ "tế nhị"...của các vị lãnh đạo trước đây, lần này Thủ tưởng đã không tránh né với những danh từ cụ thể, chứng cứ cụ thể và lập trường rõ ràng . Riêng với Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm chiếm năm 1974 nhưng khăng khăng không chấp nhận đàm phán, thì lời tuyên bố chính thức của Thủ tướng có một ý nghĩa đặc biệt hơn. Tóm lại, có thể nói Thủ tướng với tư cách một người đứng đầu quốc gia Việt Nam đã gửi ra thế giới  một thông điệp rõ ràng về lập trường của dân tộc Việt Nam liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo. Do đó nó rất cần được phổ biến rộng rãi cả trong nước và quốc tế.  

Với tất cả những đặc điểm nêu trên, tuyên bố của Thủ tướng ngay từ đầu đã được công luận  hoan nghênh với những  bình luận rất tích cực  cùng với một số “hiến kế”: làm thế nào để “đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình”. Điều này cho thấy, bất chấp  tâm trạng bất bình trước thực trạng kinh tế-xã hội không mấy khả quan gần đây, công luận vẫn hoan nghênh  Thủ tướng khi đưa ra tuyên bố về chủ quyền biển đảo một cách minh bạch rõ ràng trước Quốc hội. Và điều này đã kịp thời giúp làm yên lòng công chúng vốn đang "bức xúc" trước tình trạng thiếu vắng sự giải thích công khai, minh bạch từ phía Lãnh đạo đất nước liên quan đến những vấn đề mà họ rất quan tâm. 
     
Tuy nhiên, cũng đồng thời thấy xuất hiện những ý kiến “trái chiều” trong công luận. Có ý kiến cho đó là “lời nói không đi đôi với việc làm”; có ý kiến cho là Thủ tướng nói thế  nhưng “có ăn thua gì đâu!”…; cũng có ý kiến  nghi ngờ đó là cử chỉ đã được “thỏa thuận ngầm” với Bắc Kinh..., nên phía họ có cần phản ứng gì đâu!, và những nghi ngờ khác nữa…    

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến  tình trạng không đồng nhất trong cách hiểu vấn đề như nói trên. Nhưng nguyên nhân chính là do thiếu sự hưởng ứng kịp thời cần thiết  từ phía các cơ quan chức năng, thậm chí còn để diễn ra một vài động thái “khó hiểu” trong cách xử lý một số trường hợp người biểu tình “ủng hộ luật biểu tình” sau khi nghe Thủ tướng khẳng định “cần có luật biểu tình”; cấm chiếu phim về Hoàng Sa của tác giả Hồ Cương Quyết, v.v...  Phải chăng đây vẫn là do tình trạng “thiếu nhất quán giữa các ngành, các cấp” vốn dĩ là một căn bệnh trầm kha trong cách điều hành đất nước?. Hay đó là dụng ý từ một bộ phận của bộ máy chính quyền?

Cần có thêm thời gian để giải đáp đầy đủ hơn về những nguyên nhân. Tuy nhiên, dù sao điều đáng tiếc đã xảy ra. Đáng lẽ trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo, rất cần phát huy lời tuyên bố chủ quyền của Thủ tướng  để “lấy lại” tinh thần đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vốn đã bị “xói mòn” trong thời gian qua. Nhưng đã không có những hoạt động hưởng ứng (follow-up) thích hợp từ phía các cơ quan chức năng nhà nước. Nhân dân lại một lần nữa cảm thấy không được thông báo rõ ràng, minh bạch và  sinh ra hoài nghi là lẽ đương nhiên. Hậu quả là, một sự kiện quan trọng đầy ý nghĩa như vậy đã nhanh chóng rơi vào im lặng hoặc bị lãng quên, thậm chí có thể  diễn biến theo một hướng tiêu cực ./.   

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Bạn cũ chuyện mới

Mới đây tôi tình cờ gặp lại một ông bạn thời công tác nay cũng mới nghĩ hưu đang dạo bộ ngoài công viên. Cả hai đều rỗi rãi chúng tôi ngồi lại bên hồ  nói chuyện xưa, nay... Khi câu chuyện chuyển sang lĩnh vực chính trị-xã hôi, ông bạn tôi đưa ra nhận xét rằng “Mấy ông lãnh đạo như ông A. ông B., v.v..   về hưu rồi mới lên tiếng phản bác đường lối này nọ là "cực kỳ ngớ ngẫn!";  Sao lúc đang chức không dám nói, giờ lại nói, có ích gì?...”.
Tôi không thấy khó tán đồng,  nhất là khi  ông bạn chê trách thậm tệ đối với nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cùng đám cán bộ, trí thức đã về hưu còn muốn "làm chính trị"...  Vẫn biết có nhiều người như ông bạn đây , nhưng tôi hơi ngạc nhiên vì ông ấy nguyên là một giảng viên môn chính trị-kinh tế học của một trường đại học danh tiếng. Được biết hồi còn đang công tác, ông ta  thuộc diện hay “tranh đấu” nhưng giờ lại chê trách  những người  đấu tranh vì những vấn đề của đất nước. Phải chăng trước đây ông bạn  đấu tranh chỉ vì kèn cựa lợi ích cá nhân nào đó; nay về hưu không còn  gì để tranh giành nữa ? Dù sao đó cũng là điều có thể hiểu được. Nhưng việc ông ta bài bác  người khác như thế có khác nào cũng là "làm chính trị"nhưng là thứ chính trị bảo thủ!.
Tôi làm bộ hỏi: "Sao ông phê phán  ông An quá mức vây? Ông không nghĩ rằng  ông ấy  nói một số vấn đề rất chí lý, và đó là nhờ kinh nghiệm của thời công tác? Giờ về hưu không không bị ràng buộc lợi ích cá nhân người ta có thể hiểu vấn đề một cách khách quan và nêu lên với ý thức xây dựng thì có gì là sai,  là muộn ?". Nói xong tôi định cáo lui ra về để kịp giờ ăn cơm tối.
Không ngờ câu hỏi của tôi  khiến ông bạn càng hăng lên. Ông ấy kéo tay tôi cùng đi thêm một đoạn đường, vừa đi vừa nói:  “...Mấy thằng tự cho mình là trí thức đứng ra kêu gọi biểu tình này nọ đúng là “hâm”, là tiếp tay cho địch…, công an gô cổ cho đáng đời!". Ý này của ông ta quá đáng, nên tôi phản công lại không nể nang. Lời qua tiếng lại, ông ta bèn đem ra so sánh rằng tôi chỉ giỏi tiếng Anh  nhưng không thông hiểu chính trị - kinh tế (như ông ta -người đã được đào tạo chính quy ở Liên Xô cũ), ngụ  ý rằng tôi không đủ kiến thức để đánh giá vấn đề!.
Cảm thấy thất vọng về một ông bạn đồng nghiệp cũ, tôi bảo: “ Ông không nghỉ rằng bằng cấp và kiến thức học ở trường chỉ bằng một cái đinh (*) để “đóng” mỗi người vào một vị trí trong guồng máy chính trị-xã hội. Nếu  không trau dồi học hỏi cái mới thì mãi mãi không ra khỏi cái lỗ đinh đó?  Có nhiều loại: đinh nhỏ- đinh to, đinh đóng guốc- đinh đóng thuyền, đinh mới-đinh rĩ…và cả “đinh tặc” rãi trên đường gây tai nạn giao thông…  Ông nghĩ ông là cái đinh nào vậy?. Tôi thấy ông cần học thêm nhiều thứ, chỉ tiếc là ông không biết tiếng Anh để đọc những thông tin mà có lẽ ông chưa bao giờ có!  Rồi tôi giật tay khỏi  ông ta bỏ đi, trong khi ông ta lẩm bẩn dọa  tôi coi chừng, kẻo cũng sẽ bị công an "sờ"... Thật buồn cười quá!
Hiện tượng khác biệt giữa tôi và ông bạn cũ vừa kể trên đây chỉ là một trường hợp trong hàng triệu trường hợp đang diễn ra trên đất nước ta ngày nay. Có nhiều người thay đổi  trong khi nhiều người không hề thay đổi; thế hệ 9X trở đi có lẽ cảm thấy "không liên quan" gì với quá khứ của ông cha. Và do đó đã và đang xuất hiện một tình trạng khác biệt tư duy rất rõ rệt giữa người dân với nhau và giữa người dân với giới Lãnh đạo . Còn nhớ cách đây vài chục năm, lãnh đạo bảo gì cấp dưới và nhân dân chỉ có việc “quán triệt” để chấp hành. Không chỉ đảng viên, đoàn viên, cán bộ công chức mà cả người dân bình thường đều đã quá quen với cách tư duy như vậy và trở nên hoàn toàn thụ động, chẳng cần lo nghĩ gì, vì mọi việc đã có đảng và chính phủ lo! Đó chính là nguyên nhân  của tình trạng trì trệ, chậm phát triển kéo dài của đất nước.  May thay,  những năm gần đây tình hình đã hoàn toàn khác. Nhờ có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin đa dạng đa chiều, người dân nhận ra nhiều điều mới lạ. Từ đó sinh ra nhiều ý kiến và chính kiến, đôi khi khắc hẳn với những quan niệm truyền thống. Đó là lẽ đương nhiên, không có gì phải lo sợ. Vấn đề là người dân và chính quyền cần học cách biết chấp nhận sự khác biệt, đó là cách tốt nhất để đoàn kết nội bộ,  bảo vệ và xây dựng  đất nước Việt Nam giàu mạnh. Tôi nghĩ thế chẳng hay có bị coi là "bất đồng chính kiến" hay không, thưa quý vị?./.
(*)Ngôn ngữ dân gian dùng từ "cái đinh"= quá nhỏ bé, không đáng  kể.

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Chủ quyền biển đảo: Khi người đứng đầu lên tiếng

Trong sự mong đợi của công luận, hôm nay (25/11/2011) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa kết thúc buổi đăng đàn Quốc hội của mình vào lúc 11h20. Điều quan trọng không phải là việc đăng đàn mà là nội dung của nó, và Thủ tướng đã làm tốt điều này. Chỉ vài giờ sau đã thấy nhiều báo chí "lề phải" và "lề trái" đều đồng loạt phát đi nội dung phát biểu. Tờ Tin nhanh Vn-Expess online chạy dòng tít ấn tượng "Việt Nam đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng hòa bình" nhưng kèm theo câu mở đề không úp mở: "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việt Nam phải giải quyết và khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm năm 1974". Các báo và website  cùng nhiều trang mạng tư nhân đều đưa nội dung phát biểu của Thủ tướng với những lời bình tích cực.

Theo Chủ blog tôi được biết, đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam tuyên bố chính thức và đầy đủ nhất về lập trường của đất nước liên quan đến chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Khách quan mà nói đó là một cuộc trả lời chất vấn hoàn hảo, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều những "phát ngôn lạ" từ một số cán bộ tuyên huấn và "ông nghị" khiến công luận rất bất bình. Khác hẳn với họ, ông Thủ tướng đã đưa ra những lập luận ngắn gọn, nhưng rõ ràng , khá đầy đủ và chặt chẽ với những chứng cứ lịch sử cần thiết, thái độ thẳng thắn, không úp mở.  Có thể nói đây là một "động thái" đầy ý nghĩa giúp làm yên lòng công chúng Việt Nam vốn đang ngày một "bức xúc" trước tình trạng thiếu vắng sự giải thích công khai, minh bạch từ phía giới lãnh đạo đất nước về các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ,  biển đảo cũng như số phận của hàng triệu ngư dân trước âm mưu và hành động xâm phạm ngang ngược của phía Trung Quốc. Điều đáng chú ý là, khác với những phát biểu có thể nói là rời rạc, đôi khi "giữ kẻ" và"tế nhị"... của bất cứ vị lãnh đạo nào trước đây, lần này Thủ tưởng đã không tránh né với những danh từ cụ thể, sự kiện cụ thể và lập trường cụ thể. Tóm lại, có thể nói Thủ tướng với tư cách một người đứng đầu đất nước đã gửi ra thế giới  một thông điệp rõ ràng về lập trường của dân tộc Việt Nam liên quan vấn đề chủ quyền biển đảo, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Động thái này đang được toàn thể nhân dân Việt Nam và bạn bè  quốc tế hoan nghênh.     

Bạn đọc có thể xem nghe nội dung đầy đủ phát biểu của Thủ tướng tại đây:
* Clip: Thủ tướng trả lời chất vấn về biển Đông

 Dưới đây xin trích một số nội dung chính yếu để tiện theo dõi.

1) Đối với vùng chồng lấn ở Vịnh Bắc bộ,
"Trong Vịnh Bắc bộ, sau nhiều năm đàm phán ta vả  Trung Quốc đã đạt được phân định ranh giới vào năm 2000. Còn vùng biển ngoài cửa vịnh Bức bộ,theo công ước luật biển, thềm lục địa của nước ta có chồng lấn với đảo Hải Nam của Trung Quốc.  Từ 2006 hai bên đã tiến hành đàm phán, đến năm 2009 hai bên quyết định tạm dừng vì lập trường còn khác xa nhau"...;
"Trong khi chưa phân định, hai bên đã tự hình thành vùng quản lý của mình trên cơ sở đường trung tuyến"...;

2) Đối với quần đảo Hoàng Sa,
"Chúng ta làm chủ thực sự Hoàng Sa, ít nhất từ thế kỷ 17 khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục hòa bình";

"Năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (lúc đó trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn). Chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc đó phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hợp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này";

"Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ và lịch sử pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, phù hợp với Công ước Luật biển";

3)Đối với quần đảo Trường Sa,
"Năm 1975 hải quân Việt Nam đã tiếp quản 5 đảo do quân đội của chính quyền Sài Gòn đang quản lý. Sau đó, với chủ quyền của Việt Nam, chúng ta tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân. Ngoài ra, Việt Nam còn xây dựng 15 nhà giàn để khẳng định chủ quyền của chúng ta ở vùng biển này - vùng biển trong phạm vi 200 hải lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta";

"Như vậy, trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất... Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo, trong đó có 6 khẩu đã sinh ra và lớn lên trên các đảo này";

4) về chủ trương giải quyết tranh chấp,
"Việt Nam chủ trương nghiêm túc thực hiện công ước Luật biển, công ước ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC) và các nguyên tắc thỏa thuận mới đây đã ký với Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu các bên giữ nguyên trạng, không làm phức tạp thêm để gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực này". Việt Nam cũng tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế xã hội và cơ sở vật chất kĩ thuật ở những nơi đang đóng giữ, để cải thiện đời sống và tăng cường khả năng tự vệ đối của quân dân trên đảo Trường Sa";

"Đối với hàng hải ở biển Đông, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện theo đúng Công ước Luật biển năm 1982 và tuyên bố DOC là phải bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, tự do hàng hải ở biển Đông. Lập trường này của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ủng hộ, gần đây nhất là tại hội nghị cấp cao ASEAN và cấp cao ASEAN với các đối tác;


5)Vê luật biểu tình,
"Điều 69 Hiến pháp quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật nhưng chúng ta chưa có Luật biểu tình. Hiện nay, có nhiều cuộc tụ tập đông người, biểu tình để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng kiến nghị với chính quyền nhưng chúng ta chưa có luật để điều chỉnh vấn đề này. Do đó khó cho người dân khi thực hiện quyền được Hiến pháp quy định và cũng khó cho quản lý của chính quyền. Từ đó, xuất hiện những biểu hiện mất an ninh trật tự, xuất hiện những việc lợi dụng để kích động, xuyên tạc gây phương hại cho xã hội.
Trước thực trạng như vậy, Chính phủ đã báo cáo kiến nghị với Quốc hội khóa 12, và Quốc hội đã có công văn yêu cầu Chính phủ ban hành nghị định để quản lý, điều chỉnh biểu hiện này. Tuy nhiên, nghị định của Chính phủ hiệu lực pháp luật thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, tầm mức như Hiến pháp quy định và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế cuộc sống đang đặt ra";

"Chính phủ thấy rằng nên kiến nghị với Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật để chúng ta có Luật biểu tình. Luật đó phù hợp với Hiến pháp, đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam, thông lệ quốc tế và cũng để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân. Đồng thời luật đó cũng có yêu cầu là ngăn chặn những việc làm, những hành vi gây xâm hại đến an ninh trật tự, đến lợi ích của xã hội và nhân dân";
"Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là luôn luôn trân trọng, biểu dương những việc làm thật sự vì mục tiêu yêu nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhưng đồng thời cũng không hoan nghênh, buộc xử lý nghiêm những hoạt động, hành vi với động cơ lợi dụng danh nghĩa lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền để thực hiện mục tiêu, mục đích gây phương hại cho đất nước, cho xã hội".

Ghi chú: Xin trân trọng thông báo để bạn đọc thông cảm: Bài viết đã được chủ blog chỉnh sửa ít giờ sau khi post lên nhưng không thay đổi gì về nội dung.  

Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 24/11/2011 tuyên bố việc Trung Quốc cho phép khai thác du lịch ở quần đảo Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi có tin ngày 22/11, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đã cấp phép cho một công ty du lịch đưa khách đi tham qua từ đảo Hải Nam tới quần đảo Hoàng Sa. Người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định việc làm trên của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
"Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", ông Lương Thanh Nghị nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay.
"Mọi hoạt động của nước ngoài tại khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và trái với tinh thần DOC", ông Nghị đề cập Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử trên Biển Đông mà Trung Quốc ký với ASEAN.
Người phát ngôn ngoại giao Việt Nam cũng nhắc lại rằng hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung trong khu vực và tất cả các nước trên thế giới.
"Các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)", ông Nghị nói. "Việt Nam hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc nhất trí thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, và hướng tới xây dựng một bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC)".
Cũng trong buổi họp báo hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Mỹ triển khai quân đội ở Australia. "Chúng tôi mong rằng việc hợp tác giữa các quốc gia sẽ có đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới", ông Nghị cho hay.
Trong chuyến công du châu Á vừa rồi, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ triển khai tổng cộng 2.500 thủy quân lục chiến tới miền bắc Australia. (Phóngviên: Phan Lê)
Nguồn: Vn-Expess  

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Thật hư "chiêu lừa" New 7 Wonders?

Chủ blog Nguyễn Quang Vinh vừa up lên một entry với nhiều thông tin rất đáng đọc. Bằng lối viết trào phúng pha chút "tếu táo" tác giả có lẽ đã làm thỏa mãn những người lâu nay không đồng tình hoặc hoài nghi về "chiêu lừa" New 7 Wonder . Chủ blog tôi trộm nghĩ vậy nên cũng  xin đưa lại bài viết  để phổ biến cùng  bạn đọc, đồng thời  đề nghị Ban tổ chức bình chọn New7 Wonder của Việt Nam vốn  đã vất vã làm việc trong thời gian qua hãy bình tâm suy ngẫm về những gì sẽ làm tiếp theo trong thời gian tới. 

Gay rồi các bác ơi, tổ chức New7Wonders: ĐƯỢC VOI ĐÒI…HAI BÀ TRƯNG

Tác giả: Nguyễn Quang Vinh 

image Dạo này thấy tuổi đã cao sức lại khỏe nhưng đầu lú, nghĩ mãi không ra đầu bài cho Entry thì vớ phải tập “ SÁT THỦ ĐẦU MƯNG MỦ”, cướp luôn câu ĐƯỢC VOI ĐÒI HAI BÀ TRƯNG về, áp với nội dung chuẩn bị viết, không sai chút nào.
Vào nội dung luôn cho nó máu.
24 triệu tin nhắn của quân ta bầu chọn cho Vịnh Hạ Long ta và đã mang tới một kết quả rất chi là tự hào: Vịnh Hạ Long ta đã được quân ta bầu chọn để lọt vào 7 kỳ quan mới của Thế giới.

Nhưng chỉ là kết quả tạm thời.
Vì trong thư gửi nước ta, lão trưởng ban tổ chức New7Wonders cài một câu hơi bị lưu văn manh: đây chỉ là kết quả bầu chọn tạm thời, danh sách chính thức sẽ công bố sau 3 tháng và chúng tôi sẽ rất lấy làm tiếc và không mong muốn nếu Vịnh Hạ Long không lọt vào 7… cái ấy. Đại khái thế.
Thôi, chuyện đó không sao. Được hay không thì cũng lỡ dại có bầu… Bộ dại thì bà con… mang (là nói theo câu: Con dại cái mang). Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, đừng càu nhàu, cằn nhằn, hằm hằm, lằng nhằng chuyện bầu bán vớ vẩn này nữa. Thôi. Cho qua. Tương lai mới quan trọng.
Ô hô.
Nhưng mà tương lai ? Tương lai thuộc về 3 tháng nữa để công bố chính thức kết quả 7 cái ấy (tức 7 kỳ quan mới của thế giới).
Trong quá trình bình chọn, tổ chức New 7 này chia chác bộn tiền, với Việt Nam thì cũng kiếm được trên 14 tỷ rồi còn gì.
Mà bao nhiêu nước ta? 220 quốc gia nha, mỗi quốc gia muốn được đăng ký bầu chọn phải nộp ngay 199 USD nha. Rồi doanh thu từ tin nhắn, từ Email… lại được New 7 thò tay chia tiếp nha (chỉ như ở Việt Nam là trên 14 tỷ), thế là ôm cả con voi rồi còn gì nữa. Một cuộc thi mà Tổ chức UNESCO loại ra khỏi sự công nhận, chỉ là chơi cho vui trên mạng mà ôm được cả con voi tiền thì đã quá ha.
Nhưng không.
Bây giờ là giai đoạn hai, sặc mùi tiền.
Dù đã tạm lọt vào 7 cái ấy nhưng để được công nhận chính thức, nghĩa là các kỳ quan giờ thì không lọt, sau này có thể lọt, là vì còn lệ thuộc vào việc phờ i phi là phi sắc phí các bác ạ.
Quá trình tổ chức, chúng nó không nói có phí, giờ xong rồi, tòi tiếp.
“Chúng nó” – Ban tổ chức New 7 ấy – ra bố cáo bá cáo với các nước rằng phải nộp phí quảng bá kỳ quan. Bé nhỏ như đất nước Maldives mà cũng yêu cầu nộp cho New7 các khoản: 350.000 USD phí đăng ký tài trợ Bạch kim (xin tài trợ áp đặt luôn từng quốc gia, Việt Nam ta không biết bị áp đặt Bạch gì); phí chi phí đi lại cho các phái đoàn thăm cái nước được lọt, 500.000 USD là khoản nộp cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tham gia chiến dịch bình chọn (ta nộp hơn 14 tỷ), phí nộp cho một Hãng hàng không gắn logo là 1 triệu đô… đại loại nhiều thứ.
Việt Nam ta chưa công khai cho dân ta biết các khoản phí này nha, hàng triệu đô la nha, giấu không được đâu nha.
Nhưng nếu không nộp? Thì đây. Tổ chức New 7 dọa Indonesia: Công viên quốc gia Komodo có thể bị bỏ khỏi danh sách cuối cùng sau khi “chính phủ từ chối trả một khoản phí đăng ký 10 triệu USD và phí công bố giải thưởng 35 triệu USD để tổ chức lễ công bố những kỳ quan giành chiến thắng”.
Lừa rồi.
Buôn rồi.
Và vì lừa được rồi nên mới được voi đòi Hai Bà Trưng rồi.
Hỡi các bác ở Bộ Văn Du Thao - Hãy cảnh giác.
Các bác ở Bộ Văn Du Thao mà cứ cố đấm ăn xôi, tốn tiền thuế của dân là nhà em nỏ chơi đâu nha.

--------------

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Lạm bàn bóng đá Việt

Trước tiên phải khẳng định, chủ blog tôi không phải người hâm mộ bóng đá, mà chỉ  theo dõi bóng đá VN như một kẻ "dân tộc hẹp hòi”. Biết đó là tật xấu nhưng không thay đổi được và trận nào có VN đều dán mắt vào màng hình...  Có lẽ vì thế mà cũng có chút hiểu biết kha khá về bóng đá Việt.
Nếu không có câu chuyện nghi ngờ cá độ hiện nay, chắc tôi sẽ không  nói năng gì cả, dù rất thất vọng về cuộc trình diễn của U23 vừa qua. Thôi thì đành phải "buộc mồn" đôi lời ngắn gọn trong 2 điểm dưới  đây:  
Một là, Có thể nói người VN là một trong số những người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt nhất thế giới, nhưng họ thường  mù quáng với một tinh thần dân tộc cực đoạn nên lúc nào cũng đánh giá quá cao năng lực thực có của đội nhà; thắng thì kiêu, bại thì nản...; nếu thua đậm thì sinh ra chán chường, trách móc, thậm chí chán ghét hoặc nghi kị cầu thủ, chê bai HLV.... Cá độ là điều mà cả kẻ đá lẫn người xem đều ưa thích, khiến cho tình hình thêm phức tạp.  
Theo tôi , đội U23 VN  lần này yếu kém hẳn so với các đội U23 trước đây, nhất là so với thời Lê Huỳnh Đức và Hồng Sơn;  yếu toàn diện về kĩ thuật cá nhân, về chiến thuật,  yếu cả tinh thần thi đấu; thể hình thể lực cũng không bằng. Được mỗi Thành Lương có kĩ thuật tốt thì người quá nhỏ con nên rất khó phát huy, có thủ môn Bửu Ngọc to cao, dũng mãnh, nhưng  dễ chấn thương mỗi khi lao lên bắt bóng hay rơi đầu xuống trước…,rất lạ!)  Ngoài ra  hầu như không có khuôn mặt nào  sáng giá, phong độ chập chờn, thiếu tự tin…, thậm chí trông quê quê mỗi khi ống kính zum gần!  Đáng trách nhất là hàng công đã để nhỡ rất nhiều cơ hội ghi bàn. Vi sao vậy, nếu không phải là thiếu kĩ năng ?
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở trận tranh huy chương đồng với Myanma, mà đã lộ rõ trong những trận trước đó khi  đấu với các đối thủ “dưới cơ” như Đông Timo, Philippine , Lào... Trận nào U23 VN luôn khiến người xem thấp thỏm . Nếu tỉnh táo mà đánh giá, một đội bóng như thế làm sao có thể vô địch, thậm chí huy chương đồng cũng  là qúa khó! Nếu nhận ra điều đó và biết tự hài lòng thì cả Ban lãnh đạo và người hâm mộ đã không có gì phải hối tiếc và thất vọng, và tránh được sự nghi kỵ không đáng có đối với cầu thủ. 
Hai là,  Đây là thời cơ tốt để nhận ra đâu là nguyên nhân sâu xa của tình trạng xuống dốc của các đội tuyển quốc gia nói chung và U23 nói riêng…để từ đó có giải pháp đúng. Và thật vô bổ nếu cứ tiếp tục nghị kị và đổ lỗi cho cầu thủ hoặc HLV . 

Có nhiều nguyên nhân, nhưng cần thấy đâu là nguyên nhân trực tiếp trước mắt? Người ta có thể "đổ tại" nhiều  thứ, nhưng không nên quên thực tế bóng đá Việt Nam khi còn chia cắt 2 miền Bắc - Nam đã ít nhất có vài lần vô địch ĐNÁ và chỉ riêng miền Bắc đã từng đá "ngang ngửa" với các đội Bắc Triều Tiên và TQ. Gần đây  thôi,bóng đá Việt cũng đã "có cơ" vươn lên (như thời Lê Huỳnh Đức, Hồng Sơn và thời HLV Calisto); chỉ có U23 năm nay là đi xuống thảm bại.  Vì sao vậy?

 Không còn nghi ngờ gì, vấn đề chính nằm ở khâu chính sách, cụ thể ở đây là chính sách nhập tịch và những hệ quả của nó.  Sở dĩ  tôi nói vậy là vì ai cũng biết các đội tuyển quốc gia nào cũng đều tuyển người từ các câu lạc bộ (CLB). Nói cách khác các CLB là nguồn nhân lực cho các đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên từ ngày có chủ trương nhập tịch cầu thủ ngoại, lẽ đương nhiên họ chiếm lĩnh đều để cầu thủ ngoại chơi các vị trí  chủ chốt như  tiền đạo, tiền vệ, thậm chí thủ môn...của hầu hết các đội CLB ; các cầu thủ nội chỉ đóng “vai phụ” trong đội hình. Đây là nguyên nhân chính  làm suy yếu năng lực của cầu thủ nội khi đá trong đội tuyển quốc gia không có ngoại binh, đơn giản vì họ đã "quên" hoặc  "không  biết đá"  ở những vị trí chủ chốt! Đó là nguyên nhân tại sao suốt nửa năm chuẩn bị ông Goetz không  thể nào tìm được những cầu thủ chủ công lý tưởng cho U23 , và  quả bóng thường chỉ loanh quanh đến vùng cấm địa mà không thể tìm đường vào khung thành của đối phương ! Một đội bóng " khuyết tật"như vậy sao có thể hoàn thành tốt sứ mệnh "mang chuông đi đánh nước người"? (Xem thêm về "cầu thủ nhập tịch" tại đây: http://www.bongda.com.vn/Trao-doi-Phong-van/69050__Tram_su_la_tai_VFF_.aspx
Tóm lại,  muốn cải tổ nền bóng đá nước nhà, trước mắt phải cải tổ cái gọi là "chủ trương nhập tịch" và việc sử dụng ngoại binh  sao cho không làm thui chột nội binh./.   

 Trần Kinh Nghị

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

Trí thức TQ: Có thể chúng ta đã ngộ nhận trong vấn đề Nam Hải


Lời giới thiệu của chủ blog: Đó là tiêu đề của một entry  mới được đưa lên blog cá nhân của một kỹ sư vật liệu xây dựng người TQ tên là Lý Thần Huy, được dịch giả Quốc Trung chuyển sang tiếng Việt và được đăng tải trên một số blog như Basam, tranhung...

Nhận thấy sự khách quan trong cách trình bày vấn đề và động cơ tốt của tác giả, và cho rằng đây là một hiện tượng mới xuất hiện có thể do kết quả của quá trình diễn biến tình hình "đủ độ chín" để dư luận TQ thoát dần khỏi tâm lý cố hửu do bị ảnh hưởng  nặng nề của công tác tuyên truyền của chính họ, nên tôi đưa lại bài này lên blog của mình để có thêm bạn đọc. 

Hy vọng đây là sự bắt đầu của cách nhận thức cần có từ phía nhân dân và chính phủ TQ để vấn đề tranh chấp Biển Đông được giải quyết một cách hòa bình và công bằng.  Đây cũng là một tài liệu đáng tham khảo đối với người dân và chính phủ Việt Nam (không phải vì nội dung khách quan của nó mà còn cho thấy vài sự "giống nhau" khá lý thú giữa hai nước).    
 

 

Hôm nay đọc được một bài viết có tên là “Âm thanh về dụng binh ở Nam Hải (tức Biển Đông – ND) đang được khuếch đại trong dân chúng Trung Quốc”, nói dân chúng Trung Quốc bao gồm cả một số vị được gọi là chuyên gia (không hiểu do vô tình hay cố ý, ở đây tác giả đã dùng từ 砖家- “chuyên gia về gạch ngói” thay cho từ 专家- “chuyên gia” vì cùng đồng âm trong tiếng Hán – ND) học giả, đang đua nhau chủ trương dụng binh ở Nam Hải. Nguyên nhân dẫn đến chủ trương dụng binh ở Nam Hải là do trong dân chúng phổ biến quan niệm cho rằng, về vấn đề Nam Hải, chúng ta đã bị xúc phạm tàn tệ (về rất nhiều vấn đề, dân chúng đều cho là chúng ta đang bị xúc phạm). Họ cho rằng, Nam Hải là thiên kinh địa nghĩa của chúng ta, lý lẽ này không chỉ được kiên trì nắm giữ vì người Trung Quốc, mà còn được sự công nhận rộng rãi cả ở trong cộng đồng quốc tế. Thậm chí, ngay cả Việt Nam, Philippines và những nước đang có sự tranh giành, cướp giật Nam Hải với chúng ta cũng đều có chung nhận thức. Vậy thì vì sao hôm nay những quốc gia ấy lại tranh giành Nam Hải với chúng ta?
Thứ nhất là vì nơi này đã xuất hiện dầu mỏ, vì đã có tài nguyên, vì đây là một mảnh đất màu mỡ, tất cả bọn họ đều có mưu đồ lợi ích, cho nên mới chạy lại tranh giành với chúng ta. Thứ hai là họ cho rằng chính phủ Trung Quốc ươn hèn, nên mới dám liều lĩnh tranh giành địa bàn, tranh giành tài nguyên với chúng ta. Thứ ba, có thể là do cả hai nguyên nhân trên mà họ cảm thấy nếu giải thích thì trái ngược với lẽ thường, nên để tự bao biện cho mình, họ đã ngụy tạo, phỏng đoán ra nguyên nhân thứ ba, đó là Việt Nam và Philippines ngang nhiên tranh giành địa bàn với chúng ta là bởi có sự ủng hộ, thậm chí xúi giục của các cường quốc phương Tây như Mỹ… để làm rối loạn Trung Quốc, luôn cố ý tạo ra kẻ địch ở bên cạnh chúng ta. Kiểu nhận thức này hiện đang rất phổ biến ở Trung Quốc, còn chính phủ ta, không hiểu vì lẽ gì mà về phương diện này lại thường thể hiện bộ dạng rất nhẫn nhịn, không làm rõ nhận thức sai lầm, để mặc bạn muốn nói gì thì nói, để mặc cho sự phẫn nộ lan tràn khắp nơi thành tai họa.
Thực tế, nếu để mặc cho thứ tình cảm này lan tràn mà không chịu làm rõ và giải thích là điều hết sức nguy hại. Thứ nhất, rất có thể nó sẽ giúp cho sự nảy nở tinh thần dân tộc sai lầm, khiến cho dân tộc chúng ta trở thành một dân tộc chỉ luôn kêu gào sự chém giết trên thế giới. Điều này ngày càng khác hẳn hình ảnh sứ giả hòa bình mà chúng ta bao giờ cũng thích thú và cố sức đóng vai. Thứ hai, nếu để mặc cho nhận thức sai lầm, tình cảm sai lầm này lan tràn, sẽ khiến cho dân tộc ta chuyển sự phẫn nộ tới chính phủ Trung Quốc, họ đã sai lầm khi cho rằng chính phủ Trung Quốc để mặc cho người nước ngoài bắt nạt, như vậy là ươn hèn. Họ thậm chí còn phát huy thêm trí tưởng tượng của mình mà cho rằng chính phủ Trung Quốc, vốn có sức mạnh quân sự rất hùng mạnh, nhưng lại tỏ ra vô dụng như vậy là do chính phủ Trung Quốc vì sợ bị sụp đổ, hoặc chỉ vì muốn nắm chắc quyền lực trong tay, nên đã không đoái hoài gì đến lợi ích của dân tộc Trung Hoa, thậm chí là bán đi cả lợi ích của dân tộc Trung Hoa, vân vân, từ đó đi đến hình dung hoặc giải thích chính phủ hiện thời của Trung Quốc là một chính phủ bán nước, bất tài, thậm chí còn kém cỏi hơn cả thời Lý Hồng Chương, vân vân. Thứ ba, bởi cho rằng Việt Nam và Philippines tranh giành Nam Hải với chúng ta là hoàn toàn theo sự khiêu khích và xúi giục của các nước phương Tây như Mỹ…, thế nên lại không thể tránh khỏi chuyển sự giận dữ lên nước Mỹ, lại không thể tránh khỏi căm hận dân Mỹ. Do vậy, nên không thể tránh khỏi số người, số quốc gia thù hận chúng ta trên thế giới này ngày càng đông hơn. Điều này càng gây bất lợi cho hình ảnh của chúng ta trên trường quốc tế của. Vì thế tôi cho rằng, chúng ta dứt khoát phải làm rõ một vài nhận thức về vấn đề Nam Hải. Chính phủ đã không làm việc này, thì hôm nay tôi sẽ làm, đương nhiên trong dân chúng mỗi người một ý, phần nhiều đây chỉ là một vài phân tích và suy đoán, chưa chắc đã là chuẩn.
Tôi cho rằng, Việt Nam và Philippines tranh giành Nam Hải với chúng ta về căn bản không phải là vì chịu sự xúi giục và được sự ủng hộ của các cường quốc phương Tây như Mỹ…, mà tôi cho rằng điều này không hề liên quan gì đến Mỹ. Cũng giống như một chú cừu, do sự kích động của một vài con vật nào đó, hoặc cho là có được sự trợ giúp của một vài con vật nào đó ở sau mình, nên đã cả gan giành giật miếng mồi trong miệng con hổ, ngang nhiên làm giặc cướp, nếu thế thì coi chú cừu là kẻ ngu ngốc mất rồi.
Thực ra, bất cứ một quốc gia nào cũng đều được hợp thành từ đông đảo dân chúng, trong số đó dứt khoát có nhiều người đầy trí tuệ. Dĩ nhiên là không tính đến những nhà nước quá độc tài, tuyệt đối chỉ do một vài người nói là xong. Sự ra đời của các chính sách ở phần lớn các nước thường đều phải trải qua bao lần suy đi tính lại rất kỹ lưỡng.  Vì thế, nếu cho rằng Việt Nam và Philippines chỉ vì chịu sự kích động của một vài nước mà đã hoàn toàn đặt sinh mệnh vào việc đùa giỡn với các nguyên tắc đạo lý quốc tế và với Trung Quốc bất chấp hòa bình, thì cách nghĩ này là quá ngây thơ, thậm chí bản thân những người giữ cách nghĩ này còn quá ngớ ngẩn. Bất cứ một quốc gia nào, nếu như ký thác sự an toàn của mình vào người dân nước khác, thì thật là hết sức nông nổi. Huống hồ là Mỹ với Việt Nam còn từng là kẻ thù không đội trời chung, cho đến giờ vẫn chưa có được mối quan hệ lợi ích nào không thể chia cắt!
Cứ cho là Philippines có được sự ủng hộ vững chắc hơn từ người Mỹ đi nữa (hình như là đồng minh quân sự), song một đất nước nhỏ bé như vậy, lại ở gần Trung Quốc như vậy (và ở xa nước Mỹ như vậy), thì quả đã chọc tức người Trung Quốc, làm sao mà xơi nổi vài cú ném bom giận dữ của người Trung Quốc. Vì thế, tôi không cho rằng, Philippines chỉ vì bị xúi giục mà đã dám cả gan tranh giành nguồn tài nguyên mà đến ngay cả họ cũng cho rằng vốn nên thuộc về Trung Quốc. Vậy thì, rốt cuộc là xuất phát từ động cơ gì đã khiến cho Việt Nam, Philippines và cả một số nước ở Nam Hải khác nữa, tới để tranh giành đất đai tài nguyên với chúng ta, liệu có phải ngay cả họ cũng cho những đất đai ấy vốn là của Trung Quốc, nhưng chỉ vì ở đây có báu vật nên họ đã tới tranh giành hay không?
Tôi cho rằng, thực sự không hoàn toàn như vậy. Sự thực là, chúng ta cứ luôn cho rằng đất đai ấy là của mình, mà họ cũng cho rằng đất đai ấy là của họ. Chúng ta có thể tìm ra rất nhiều tư liệu, chứng cứ để chứng minh đất đai ấy ngay từ xưa đã là lãnh thổ của Trung Quốc, họ cũng có thể tìm ra được tư liệu để chứng minh đất đai ấy từ xưa đã là của họ. Chúng ta cho rằng lý lẽ của mình là hết sức đầy đủ, chính nghĩa trong tay, họ cũng cho rằng lý lẽ của họ hết sức đầy đủ, chính nghĩa trong tay. Chúng ta giận dữ cho rằng họ đang tranh giành đất đai của chúng ta, nhất là khi chúng ta tự cho mình là một nước lớn, lại còn có không ít chút hợm mình một cách có ý thức hoặc vô ý thức, trong bối cảnh này, nhìn cảnh người ta tranh giành, tự nhiên lại càng thấy cái này đã dung thứ được thì cả những cái khác cũng dung thứ được à. Vấn đề là ở chỗ, người ta cũng cho rằng, chúng ta cho mình là một nước lớn, rồi nhìn thấy trên đất đai ấy có tài nguyên nên đến chiếm, vì thế mà người ta cho rằng không phải họ đang bắt nạt chúng ta, mà chúng ta đang bắt nạt họ. Trước tình huống ấy, ngay cả khi không có được sự ủng hộ của nước Mỹ, ngay cả khi đất nước họ có nhỏ mấy đi nữa, thì họ cũng sẽ không thu quân về một cách dễ dàng. Nhất là trong thế giới hiện tại, giữa nước lớn với nước nhỏ, nắm đấm có cứng hay không cứng cũng chẳng hề là một nhân tố duy nhất quyết định sự thắng thua.
Khi chúng ta đã rõ được tâm thế như vậy rồi, hoặc nói cách khác, khi chúng ta đã lý giải được sự tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines với chúng ta như vậy rồi, thì chúng ta sẽ không dễ bề để tái diễn lại cái tâm thế bị bắt nạt ấy nữa, và cũng sẽ không tái xuất hiện cảm giác bị làm nhục nữa. Chúng ta cần nhận rõ rằng, sự tranh chấp này chẳng qua chỉ là tâm lý, một thái độ tự nhiên nảy sinh của các nước, nước nào giữ lấy lập trường của nước ấy, mà thôi. Chúng ta cảm thấy người ta đang bắt nạt mình, thực ra người ta cũng cảm thấy chúng ta đang bắt nạt người ta. Cho nên, về vấn đề này, chính phủ ta nên bình tĩnh một chút, chứ đừng có động một tí là đòi khai chiến, đó không phải vì chính phủ ta ươn hèn cam tâm chịu đựng sự bắt nạt, mà là bên trong nó thực sự có quá nhiều điều không thể nói rõ ra một lúc được. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Tất nhiên, sự thật vẫn là sự thật, chẳng hạn người ta bảo đất đai này là của người ta, chúng ta bảo đất đai này là của chúng ta, thế rút cuộc là của ai đây? Tôi nghĩ, không biết nên dựa vào sự thuyết minh của từng bên hay là không giải quyết nổi vấn đề đây, bởi vì sẽ chẳng có ai bảo rằng đất đai ấy là của đối phương. Dựa vào lời nói không được, liệu dựa vào hành động có được không? Tôi thấy lại càng không được, nhã nhặn không được thì dùng vũ lực sao? Cộng đồng quốc tế hiện giờ, rút dây thì sẽ động rừng, không bao giờ còn là cái thời nói đánh một cái là đánh được nữa đâu. Vậy thì, rốt cuộc nên  giải quyết thế nào đây?
Tôi thấy tốt nhất vẫn là thông qua trọng tài cộng đồng quốc tế. Chúng ta là một trong 5 nước thường trực của Liên Hiệp quốc, hơn nữa lại là nước lớn đứng hàng nhất nhì thế giới, đừng nói gì đến uy quyền, ít ra, về vị trí trên trường quốc tế không biết so với Việt Nam và Philippines là cao hơn được bao nhiêu. Trước tình hình như vậy, nếu thông qua cộng đồng quốc tế để làm trọng tài và giải quyết một vài tranh chấp giữa chúng ta với các nước khác, thì có không chịu được sự phiền hà đến mấy, ít ra chúng ta cũng sẽ không bị thiệt (về lý thuyết). Cũng giống như kiểu giữa hai người nào đó nảy sinh tranh chấp trong cuộc sống thường ngày, chẳng ai chịu ai, làm thế nào đây? Biện pháp tốt nhất là tìm đến quan tòa.
Tất nhiên là chúng ta nói những lời gan ruột trong nhà, nếu như chúng ta cho rằng chuyện đất đai này rốt cuộc là của ai, hoặc trước cộng đồng quốc tế cũng chưa chắc đã nói ra được cho rành mạch, hoặc chúng ta ngầm cho rằng lý do của người ta cũng chưa chắc không đầy đủ, hoặc chúng ta có ra tòa án cũng chưa chắc đã thuận lợi được bao nhiêu, vậy thì để khỏi đánh mất mất quyền lợi của mình, đương nhiên có thể khỏi phải cần đến tòa án. Nhưng dân chúng của chúng ta nhất định muốn được rõ, về vấn đề này, chính phủ chúng ta thực sự không phải là ươn hèn. Rất nhiều khi, cũng có thể lại còn có chút ý nghĩa ngược lại!
Về tác giả: Theo李晨辉, Lý Thần Huy là Phó Giáo sư ngành Khoa học vật liệu và Công nghệ, Trường Đại học Khoa học kỹ thuật Hoa Trung, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đây là bài viết trên blog cá nhân của tác giả, có thể coi là đại diện cho tiếng nói của một trí thức Trung Quốc, “trái chiều”với tiếng nói của giới quân sự Bắc Kinh về vấn đề Nam Hải.
Nguồn: Blog Li Chen Hui


--------------

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này