Thanh Niên ngày 20/05/2012- Phóng viên:Ngô Minh Trí
Bắc Kinh đang điều động một lực lượng hùng hậu gồm nhiều loại tàu cùng những thiết bị hạng nặng để tận lực khai thác biển Đông.
Gần đây, Học viện Nghiên cứu quốc phòng quốc gia Nhật Bản (NIDS) vừa
đưa ra báo cáo mang tên China Security Report 2011 đánh giá tiềm lực an
ninh của Trung Quốc. Trong đó, báo cáo cung cấp những thông tin chi tiết
về sự phát triển của lực lượng ngư chính, hải giám và cảnh sát biển mà
Bắc Kinh đang triển khai.
Tàu Hải Nam Bảo Sa 001 có 500 tàu cá kèm theo - Ảnh: Xinjunshi |
Lực lượng hùng hậu
Theo NIDS, Trung Quốc đang đẩy nhanh kế hoạch tăng cường số tàu tuần
tra và khu vực biển Đông trở thành trọng tâm mà nước này hướng đến.
Tháng 10.1998, Cơ quan giám sát hàng hải (CMS) Trung Quốc chính thức
được thành lập, chịu trách nhiệm kiểm soát nguồn lợi ở các vùng đặc
quyền kinh tế (EEZ) và khu vực biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Khi
đó, CMS đã được biên chế một số tàu hải giám cùng trực thăng tuần tra.
Thời gian đầu, hầu hết các tàu hải giám đều là loại nhỏ có độ choán
nước dưới 1.000 tấn. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, khi Trung Quốc triển khai
Kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (2001 - 2005) thì nước này lập tức bổ sung
các tàu lớn hơn như Hải giám 27 (1.200 tấn), Hải giám 46 (1.101 tấn),
Hải giám 51 (1.690 tấn), Hải giám 83 (3.420 tấn). Kèm theo đó, CMS còn
được trang bị thêm máy bay tầm xa. Sau đó, khi Trung Quốc triển khai Kế
hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006 - 2010), CMS lại được bổ sung thêm hàng
chục tàu hải giám và máy bay các loại.
Gần đây nhất, để tiến hành Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011 - 2015),
Bắc Kinh tuyên bố bổ sung 36 tàu hải giám gồm 7 chiếc trên 1.500 tấn, 15
chiếc trên 1.000 tấn và 14 chiếc trên 600 tấn. Ngoài ra, Trung Quốc hồi
năm ngoái đã chính thức triển khai tàu Hải giám 50 (3.980 tấn), chở
được máy bay trực thăng Z-9A có khả năng tuần tra đêm.
Tính đến năm 2011, CMS có khoảng 280 tàu hải giám gồm 27 tàu trên
1.000 tấn. Theo tiết lộ của Tân Hoa xã, CMS được biên chế hơn 8.000 nhân
sự và sẽ sớm được bổ sung để tăng lên trên 10.000 người.
Không chỉ CMS, Cục Ngư chính Trung Quốc cũng là một lực lượng nòng
cốt trong việc kiểm soát nguồn lợi trên các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên
bố chủ quyền. Tuy nhiên, cơ quan này chuyên trách những hoạt động đánh
bắt. Tính đến nay, Cục Ngư chính triển khai hơn 140 tàu với gần 10 chiếc
trên 1.000 tấn. Trong đó, một số tàu được trang bị vũ khí. Điển hình
như tàu Ngư chính 310 (2.580 tấn) được gắn súng máy và có thể mang theo 2
trực thăng Z-9A.
Tương tự, tàu Ngư chính 311 được trang bị “tận răng” và có độ choán
nước lên đến 4.450 tấn, lớn hơn cả các tàu hộ tống. Từ năm 2009, Bắc
Kinh đặc phái chiếc tàu này, với sự hỗ trợ của tàu Ngư chính 45001, đến
hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngoài
ra, tàu Ngư chính 310 hiện tại cũng đang tuần tra trên biển Đông.
Bên cạnh lực lượng tàu ngư chính và hải giám, Bắc Kinh còn có 250 tàu
cảnh sát biển cùng 800 tàu giám sát an toàn hàng hải. Như vậy, Trung
Quốc hiện có tổng cộng gần 1.500 tàu tuần tra và hàng chục máy bay, tạo
nên mạng lưới giám sát dày đặc trên các vùng biển, đặc biệt là khu vực
biển Đông.
Tận lực khai thác
Dàn khoan 981 đã tiến đến biển Đông - Ảnh: Gmw.cn |
Nhờ vào số tàu “bảo kê” hùng hậu, ngành đánh bắt hải sản Trung Quốc
nhanh chóng ra sức tận thu nguồn lợi. Hồi đầu tháng 5, tỉnh Hải Nam
(Trung Quốc) chính thức triển khai một hải đội đánh bắt hùng hậu đến
biển Đông, gồm tàu công xưởng Hải Nam Bảo Sa 001 (32.000 tấn), 1 tàu chở
dầu (20.000 tấn), 2 tàu vận chuyển (10.000 tấn), 3 tàu hỗ trợ (3.000 -
5.000 tấn). Trong đó, tàu Hải Nam Bảo Sa 001 là công xưởng chế biến đích
thực với hơn 600 công nhân, 14 dây chuyền sản phẩm.
Theo Hãng tin CAN, chiếc tàu này có công suất chế biến lên đến trên
2.100 tấn hải sản mỗi ngày. Chịu trách nhiệm cung cấp đầu vào cho nhà
máy Hải Nam Bảo Sa 001 là khoảng 500 tàu cá lớn nhỏ, tạo nên một hạm đội
đánh bắt khổng lồ trên biển Đông. Hạm đội này đóng vai trò nòng cốt
trong chương trình khai thác hải sản của tỉnh Hải Nam với nguồn thu dự
định đạt 8 tỉ USD vào năm 2015. Theo NIDS, nền kinh tế biển hiện chiếm
khoảng 10% thu nhập quốc gia của Trung Quốc và tạo ra gần 40 triệu công
ăn việc làm cho nước này. Vì thế, bên cạnh đánh bắt hải sản, Bắc Kinh
cũng không ngừng tăng cường khai thác dầu khí, đặc biệt trên biển Đông.
Ngày 16.5, tờ China Daily đưa tin tàu Hải Dương 201 (trọng
tải 59.100 tấn), trị giá gần nửa tỉ USD, vừa bắt đầu đặt ống dẫn ở độ
sâu 1.500 m tại giếng dầu Lệ Loan 3-1, phía bắc biển Đông. Thuộc Tập
đoàn dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc, đây là tàu thăm dò dầu khí nước
sâu đầu tiên của nước này. Nó có thể đặt 5 km ống dẫn mỗi ngày ở độ sâu
tối đa lên đến 3.000 m và bốc dỡ các thiết bị nặng 4.000 tấn.
Trước đó, hồi cuối tháng 4, Trung Quốc cũng đưa giàn khoan khổng lồ
Hải Dương 981 đến biển Đông. Trị giá gần 1 tỉ USD, Hải Dương 981 trở
thành giàn khoan lớn nhất của nước này, nặng 31.000 tấn và có khả năng
hoạt động ở độ sâu 3.000m. Theo Nhân Dân nhật báo, giàn khoan
này được thiết kế để chống chọi trước những trận siêu bão cấp 17, thường
phải 200 năm mới xảy ra một lần. Ngoài ra, nó còn có 8 máy phát điện
công suất 44.000 kW, đủ sức cung cấp năng lượng cho một thành phố cỡ
vừa. Hiện tại, Hải Dương 981 đang hoạt động tại phía bắc biển Đông và có
thể sớm di chuyển về hướng nam.
Rõ ràng, việc Trung Quốc liên tục điều động các phương tiện khủng đến
biển Đông là những dấu hiệu cho thấy nước này có thể đang đẩy nhanh kế
hoạch khai thác nguồn lợi tại đây. Diễn biến này tạo ra không ít quan
ngại khi biển Đông đang là khu vực tranh chấp giữa nhiều bên.
Ước tính số tàu tuần tra biển của Trung Quốc (năm 2011)
(Theo NIDS)
|
Tàu TQ tràn ngập biển Đông,
Trả lờiXóaNhưng quan ngườ Việt vẫn không thấy gì!?