Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Khi nào và Tại sao Trung Quốc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ

  

Tại sao và Khi nào Trung Quốc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ là cơ sở quan trọng giúp dự đoán hành vi của nước này. Bài nghiên cứu của GS. Fravel Taylor, Viện Công nghệ MIT chỉ ra rằng: khi ưu thế thương lượng suy giảm là lúc Trung Quốc thường sử dụng vũ lực nhất.

Khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc gia tăng thì các quan ngại về khả năng Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ của các nước khác cũng gia tăng theo. Những quan ngại này cho thấy sự bất ổn và lo ngại luôn song hành cùng với sự dịch chuyển sức mạnh. Trong lịch sử, phát triển nhanh chóng bên trong thường thúc đẩy các nước xác định lại và mở rộng lợi ích của mình ra bên ngoài.[1] Hơn nữa, phát triển kinh tế giúp các nước đầu tư tăng cường tiềm lực quân sự để theo đuổi lợi ích của mình, đặc biệt là các yêu sách về lãnh thổ dài hạn. Phản ánh những lo ngại này, Ủy ban Đánh giá Quan hệ Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung của Quốc hội Mỹ, kết luận rằng Trung Quốc có thể “lợi dụng sức mạnh quân sự tiên tiến hơn để đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc sử dụng vũ lực nhằm hỗ trợ các giải pháp giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo hướng có lợi cho mình”.[2]
Tuy nhiên, cách thức Trung Quốc sử dụng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ kể từ năm 1949 đến nay hết sức đa dạng. Trung Quốc có tổng cộng hai mươi ba tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia khác, nhưng cho đến nay họ mới chỉ sử dụng vũ lực trong sáu trường hợp.[3] Một số tranh chấp, đặt biệt là tranh chấp với Ấn Độ và Việt Nam, rất khốc liệt; những tranh chấp khác, như tranh chấp giữa Trung Quốc và Liên Xô, từng có nguy cơ chuyển thành chiến tranh hạt nhân. Mặc dù Trung Quốc luôn sẵn sàng sử dụng vũ lực trong một số xung đột, nhưng Trung Quốc chỉ chiếm thêm rất ít lãnh thổ mà Trung Quốc không kiểm soát trước khi xảy ra xung đột. Ngoài ra, Trung quốc thỏa hiệp nhiều hơn là sử dụng vũ lực, và đã nhượng bộ tới mười bảy trong số hai mươi ba tranh chấp lãnh thổ.[4]   
Nếu chiếu theo các lý thuyết chính về quan hệ quốc tế thì so với các quốc gia có đặc điểm tương tự, Trung Quốc là nước ít hiếu chiến hơn. Đối với các học giả theo thuyết chủ nghĩa hiện thực về gây chiến trước (offensive realism), Trung Quốc hiếm khi khai thác ưu thế quân sự của mình để mặc cả quyết liệt nhằm đòi các vùng lãnh thổ mà Trung Quốc có yêu sách hoặc dùng vũ lực chiếm các vùng lãnh thổ này. Mặc dù sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc đã mạnh hơn rất nhiều kể từ năm 1990, nhưng Trung Quốc cũng không tỏ ra hiếu chiến hơn khi xử lý các tranh chấp lãnh thổ. Đối với các học giả nghiên cứu các tác động của chủ nghĩa dân tộc, Trung Quốc sẵn sàng nhân nhượng về lãnh thổ. Điều này cho thấy không hẳn Trung Quốc lợi dụng quá khứ lịch sử là nạn nhân của nước ngoài và bị chia cắt lãnh thổ để có thái độ cứng rắn trong các tranh chấp về lãnh thổ. Các học giả chuyên nghiên cứu về vai trò của các thiết chế chính trị Trung Quốc cho biết Trung Quốc chỉ sử dụng vũ lực trong một số tranh chấp lãnh thổ, mặc dù hệ thống chính trị của Trung Quốc là độc tài, tập quyền và ít bị kiểm soát về sử dụng vũ lực.
Phân tích về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ trong quá khứ sẽ là cơ sở giúp chúng ta đoán biết khả năng xảy ra các xung đột bạo lực ở Đông Á. Trong hệ thống quốc tế bao gồm các quốc gia có chủ quyền, hành vi của một quốc gia trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ là một yếu tố quan trọng để xác định quốc gia đó muốn duy trì nguyên trạng hay tìm cách thay đổi đường biên giới quốc gia của mình. Trong lịch sử, lãnh thổ là vấn đề dễ đẩy các quốc gia đi đến chiến tranh nhất.[5] Hiện nay, các tranh chấp của Trung Quốc đối với Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) với Nhật đang làm tăng nguy cơ chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, vì Mỹ có quan hệ an ninh mật thiết với cả Đài Bắc và Tokyo. Mặc dù nhiều nghiên cứu chứng minh rằng Trung Quốc sử dụng vũ lực chủ yếu trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng chưa có một nghiên cứu mang tính hệ thống, phân tích kỹ lưỡng Trung Quốc thường sử dụng vũ lực trong những hoàn cảnh nào.[6]
Các nghiên cứu hiện tại mới chỉ xác định được những tranh chấp dễ có nguy cơ dẫn đến chiến tranh nhất. Các quốc gia theo chế độ dân chủ và đồng minh của họ ít có khả năng đánh nhau để tranh giành lãnh thổ hơn các quốc gia khác. Trái lại, các quốc gia có thiên hướng dùng sử dụng vũ lực để tranh giành lãnh thổ là các quốc gia được đánh giá cao về vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế và tính biểu tượng, hoặc mạnh hơn đối phương về mặt quân sự.[7] Nghiên cứu này đã giúp hiểu rõ hơn bản chất của tranh chấp lãnh thổ, nhưng lại không giải thích được về mặt lý thuyết quyết định sử dụng vũ lực của các quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu về lãnh thổ. Các nghiên cứu này chủ yếu làm sáng tỏ biến số có tính quyết định trong việc giải quyết tranh chấp, xác định các tranh chấp dễ có khả năng bùng nổ thành chiến tranh. Mặc dù các yếu tố như giá trị của từng vùng lãnh thổ đang tranh chấp có khác nhau, nhưng trong hầu hết các tranh chấp cụ thể thì đó lại là những nhân tố bất biến và do điều này khiến cho việc lý giải quyết định sử dụng vũ lực của các quốc gia khó khăn hơn.
Tranh chấp Đài Loan của Trung Quốc là ví dụ cụ thể về hạn chế của phương pháp tiếp cận này. Các nghiên cứu hiện tại đều dự đoán tranh chấp Đài Loan rất dễ xảy ra xung đột. Tranh chấp Đài Loan là tranh chấp lãnh thổ quan trọng nhất của Trung Quốc, vừa gắn với chủ nghĩa dân tộc hiện đại của Trung Quốc và tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vừa có tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế. Kể từ sau năm 1949, Trung Quốc đã đủ mạnh về mặt quân sự để tấn công các đảo hoặc vùng lãnh thổ mà Trung Quốc kiểm soát, và trong chế độ độc tài của Trung Quốc chỉ có một số ít thiết chế có nhiệm vụ kiểm soát và cân bằng quyền lực liên quan đến việc sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực trong tranh chấp Đài Loan của Trung Quốc đã thay đổi theo thời gian, bắt đầu bằng việc Trung Quốc gây ra các cuộc khủng hoảng lớn vào tháng 9 năm 1954, tháng 8 năm 1958, và tháng 7 năm 1995. Các nhân tố như tầm quan trọng của Đài Loan, các biện pháp gây sức ép, và thể chế chính trị của Trung Quốc chỉ giải thích một phần câu chuyện này, và các nhân tố này không thể lý giải được nguyên nhân tại sao Trung Quốc lại sử dụng vũ lực ở ba thời điểm nêu trên, chứ không phải là những thời điểm khác.
Để giải thích tại sao và khi nào các quốc gia sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ, tôi chuyển trọng tâm phân tích từ kết quả giải quyết tranh chấp sang quyết định của từng quốc gia. Kết hợp các hiểu biết từ lý thuyết chiến tranh phòng ngừa, tôi cho rằng sự suy giảm sức mạnh của quốc gia nêu yêu sách, tạm gọi là sự suy giảm ưu thế thương lượng của quốc gia đó trong cuộc tranh chấp, là nguyên nhân chính giải thích cho việc quốc gia đó sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ. Ưu thế thương lượng này bao gồm hai thành tố: phần lãnh thổ tranh chấp mà quốc gia đó chiếm hữu và khả năng sử dụng sức mạnh quân sự chống lại đối thủ trong khu vực tranh chấp. Khi nhận thấy đối phương đang tăng cường vị thế trong cuộc tranh chấp, thì nhiều khả năng quốc gia kia sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn hoặc đảo ngược sự suy giảm sức mạnh của mình, hoặc chiếm luôn lãnh thổ tranh chấp nếu họ thấy cần thiết.
Việc suy giảm ưu thế thương lượng lý giải chính xác nhất việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc đã từng sử dụng vũ lực để chống lại những địch thủ có đủ sức mạnh quân sự thách thức sự kiểm soát của Trung Quốc đối với lãnh thổ tranh chấp. Trung Quốc cũng từng sử dụng vũ lực trong các tranh chấp mà Trung Quốc chỉ chiếm rất ít hoặc không chiếm các vùng lãnh thổ mà họ có yêu sách. Khi Trung Quốc phải đương đầu với một đối thủ đang tìm cách mở rộng phần lãnh thổ tranh chấp mà nước đó chiếm giữ hoặc tìm cách thay đổi cán cân quân sự khu vực có lợi cho họ, thì Trung Quốc thường đáp trả bằng vũ lực để thể hiện quyết tâm duy trì các yêu sách của mình, hoặc cũng có lúc Trung Quốc chiếm luôn một phần lãnh thổ đó.
Các mô thức sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc có một số tác động đối với lý thuyết quan hệ quốc tế. Trước hết, việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc củng cố thêm lý thuyết chiến tranh phòng ngừa và chứng minh tính hữu dụng của lý thuyết này trong việc lý giải các xung đột lợi ích cụ thể, chẳng hạn như tranh chấp lãnh thổ. Thứ hai, hành vi của Trung Quốc thách thức các lý thuyết về dịch chuyển quyền lực trong thời kỳ quá độ, trong đó khẳng định rằng một quốc gia đang lên có nhiều khả năng sử dụng vũ lực hơn một quốc gia đang trên đà suy yếu.[8] Tuy nhiên, trong các tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc thường sử dụng vũ lực khi sức mạnh của mình yếu đi chứ không phải mạnh lên.
Bài viết này bắt đầu bằng lập luận cho rằng sự suy giảm ưu thế thương lượng khích lệ các quốc gia sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Sau đó bài viết phân tích các biến số về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực sáu, trong tổng số hai mươi ba tranh chấp lãnh thổ và nhận thấy các biến số này cho kết quả giống nhau, đó là Trung Quốc chỉ sử dụng sức mạnh quân sự trong tranh chấp lãnh thổ khi họ yếu đi. Ba phần tiếp theo của bài viết xem xét vai trò của sự suy giảm sức mạnh đối với quyết định sử dụng vũ lực trong tranh chấp Đài Loan, biên giới Trung - Ấn, và quần đảo Hoàng Sa khi Trung Quốc suy yếu đi. Bài viết kết thúc bằng cách xem xét các tác động từ những kết quả của nghiên cứu này đối với sự ổn định ở Đông Á sau khi nghiên cứu một số trường hợp Trung Quốc sử dụng vũ lực, cũng như các cách giải thích khác về hành vi của Trung Quốc.
Suy giảm quyền lực và Sử dụng Vũ lực Trong Các Tranh chấp Lãnh thổ
Các nghiên cứu về tranh chấp lãnh thổ thường coi sức mạnh quân sự là một biến số quan trọng khi giải thích sự leo thang xung đột lên cấp độ bạo lực cao nhất là chiến tranh. Ở mức độ nào đó, phát hiện này không có gì mới vì một trong những mục đích của quân sự là để chiếm và bảo vệ lãnh thổ trước lực lượng đối phương. Chỉ các quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh mới có thể sử dụng vũ lực để chiếm lãnh thổ tranh chấp. Đồng thời, phát hiện này vẫn còn nhiều khúc mắc chưa lý giải được về nguyên nhân sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ. Mặc dù các quốc gia mạnh hơn có thể dễ dàng sử dụng vũ lực để đạt được các mục tiêu về lãnh thổ, nhưng cũng chưa rõ tại sao và khi nào họ lại làm điều đó và liệu có phải lòng tham hay mối bất an thôi thúc họ làm điều đó không.
Áp dụng kiên thức có được từ lý thuyết chiến tranh phòng ngừa, tôi cho rằng sự suy giảm sức mạnh của quốc gia nêu yêu sách, tạm gọi là sự suy giảm ưu thế thương lượng của họ trong tranh chấp, là nguyên nhân chính dẫn đến việc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ. Chiến tranh phòng ngừa được định nghĩa là “cuộc chiến hiện tại nhằm tránh nguy cơ buộc phải tham chiến trong môi trường xấu hơn trong tương lai.”[9] Khi sức mạnh tổng thể của một quốc gia suy giảm, các nhà lãnh đạo quốc gia đó bắt đầu lo lắng về hậu quả lâu dài khi vị thế quốc gia họ bị suy yếu trong hệ thống quốc tế, ưu thế thương lượng trong tương lai suy giảm, và khả năng là họ buộc phải tham chiến trong những tình huống xấu hơn. Như Jack Levy đã chỉ rõ, những lo ngại này tạo ra “động lực phòng ngừa” bằng cách sử dụng vũ lực, tiến hành chiến tranh sớm còn hơn là muộn đã trở thành một giải pháp ngày càng hấp dẫn nhằm giảm bớt tác động của việc quốc gia đó yếu đi hoặc chỉ để duy trì ảnh hưởng của mình[10]. Quan trọng hơn, chiến tranh có thể xảy ra ngay cả khi không tồn tại bất cứ sự xung đột lợi ích cụ thể hoặc biến cố khai mào nào, mà có khi chỉ là sự bất an về tương lai. Trong nghiên cứu thực nghiệm, suy giảm sức mạnh khiến một bên dễ gây chiến trước thường được gọi là “lỗ hổng dễ tổn thương”.[11]
Để lý giải việc sử dụng vũ lực trong tranh chấp lãnh thổ, tôi chuyển trọng tâm từ sự mơ hồ chung chung về vị thế tương lai của một quốc gia trong hệ thống quốc tế sang mối quan tâm cụ thể về ưu thế thương lượng của một quốc gia khi xảy ra sự xung đột lợi ích. Ưu thế thương lượng này được cấu thành bởi hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là phần lãnh thổ tranh chấp mà một quốc gia chiếm hữu được. Phần lãnh thổ tranh chấp mà quốc gia đó chiếm được càng lớn thì quốc gia đó càng có vị thế mạnh hơn, nếu tính đến cái giá mà đối phương phải trả để thay đổi hiện trạng lãnh thổ bằng vũ lực. Yếu tố thứ hai là khả năng mở rộng sức mạnh quân sự để chống lại đối phương trong các khu vực tranh chấp, gồm cả những khu vực mà quốc gia đó có yêu sách nhưng không cai trị. Ngay cả khi quốc gia đó chỉ nắm giữ một phần nhỏ của vùng lãnh thổ tranh chấp, thì họ vẫn có thể mở rộng sức mạnh ra toàn bộ khu vực tranh chấp và cả ngoài khu vực đó. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng sức mạnh liên quan đến cân bằng quân sự khu vực, chứ không phải do vị thế tổng thể của quốc gia đó trong hệ thống quốc tế. Các quốc gia có rất nhiều mục tiêu an ninh khác nhau nên mỗi thành tố quân sự được gắn với một nhiệm vụ cụ thể, chẳng hạn như bảo vệ các yêu sách về lãnh thổ.
Đọc toàn bộ bản dịch tại đây


[1] Ví dụ, xem Robert Gilpin, War and Change in Politics (New York: Cambridge University Press, 1981); và AFK Organski, Worl Politics (New York: Alfred A. Knopf, 1958).
[2] 2006 Báo cáo Quốc hội của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung (USCC), số 109, mục 2d, tháng 11 năm 2006, tr.130, http://www.uscc.gov/annual_report/2006/annual_report_full_06.pdf.
[3] Tranh chấp lãnh thổ được định nghĩa là một tuyên bố đối lập bởi hai hoặc nhiều quốc gia về quyền sở hữu và kiểm soát lãnh thổ, bao gồm cả đảo nhưng không bao gồm các tranh chấp phân giới đối với vùng đặc quyền kinh tế. Xem Paul K. Huth và Todd L. Allee, The Democratic Peace and Territorial Conflict in the Twentieth Century (Cambridge: Cambridge University Press, 2002), tr. 298.
[4] M. Taylor Fravel, “Regime Insecurity and International Cooperation: Explaining China’s Compromises in Territorial Disputes, Tạp chí An ninh Quốc tế, Tập 30, số 2 (Mùa Thu 2005), tr. 46-83.
[5] Ví dụ, xem Kalevi J. Holsti, Peace and War: Armed Conficts  and International Order, 1648–1989 (Cambridge: Cambridge University Press, 1991); và John A. Vasquez, The War Puzzle (New York: Cambridge University Press, 1993).
[6] Về vai trò của các tranh chấp lãnh thổ trong hành vi của Trung Quốc, xem Alastair Iain  Johnston, “China’s Militarized Interstate Dispute Behaviour, 1949–1992: A First Cut at the Data,” China Quarterly,  Số 153  (Tháng 3  1998), tr. 1–30. Những nghiên cứu về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực bao gồm Thomas  J. Christensen,  “Windows and War: Trend Analysis and Beijing’s Use of Force,” Alastair Iain Johnston và Robert S. Ross biên tập, New Directions in the Study of China’s Foreign Policy (Stanford, Calif.: Stanford University Press, 2006), tr. 50–85; Melvin Gurtov và Byung-Moo Hwang, China under  Threat: The Politics of Strategy and Diplomacy (Baltimore, Md.: Johns  Hopkins University Press, 1980); Andrew Scobell, China’s Use of Military Force: Beyond the Great Wall and the Long March (New  York: Cambridge University Press, 2003); Gerald Segal, Defending China  (Oxford: Oxford University  Press, 1985); Allen S. Whiting, The Chinese Calculus of Deterrence:  India and Indochina (Ann Arbor: University of Michigan Press, 1975); và Allen S. Whiting, “China’s Use of Force, 1950–96, and Taiwan,” International Security, Tập 26, Số 2 (Mùa thu 2001), tr. 103–131.

[7] Ví dụ, xem Giacomo Chiozza and Ajin Choi, “Guess Who Did What: Political Leaders and the Management of Territorial Disputes,  1950–1990,” Journal of Conflict  Resolution, tập 47, Số  3 (Tháng 6 2003), tr. 251–278; Gary Goertz and Paul F. Diehl, Territorial Changes and International Conflict (New York: Routledge, 1992); Paul R. Hensel, “Contentious Issues and World Politics: The Management of Territorial Claims in the Americas,  1816–1992,” International Studies Quarterly, tập  45, Số 1 (Tháng 3 2001), tr. 81–109; Paul R. Hensel và Sara McLaughlin Mitchell, “Issue Indi- visibility and Territorial Claims,” GeoJournal, Tập. 64, Số 6 (Tháng 12 2005), tr. 275–285; Paul K. Huth, Standing Your Ground: Territorial Disputes and International Conflict (Ann Arbor: University of Michigan Press, 1996); và Huth and Allee, The Democratic Peace and Territorial Conflict in the Twen- tieth Century.
[8] Ví dụ, xem Organski, World Politics.
[9]Jack S. Levy, “Declining Power and the Preventive Motivation for War,” World Politics, Tập 40, Số 1 (Tháng 10 1987), tr. 82 (nhấn mạnh trong bản gốc). Xem thêm Dale C. Copeland, Origins of Major War (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 2000); và Stephen Van Evera, Causes of War: Power and the Roots of Conflict (Ithaca, N.Y.: Cornell University Press, 1999), tr. 73–104.
[10] Levy, “Declining Power and the Preventive Movation for War.”
[11] Van Evera, Causes of War, tr. 74. Đối với các ứng dụng, xem Copeland, Origins of Major War, tr. 56–117; và Stephen Van Evera, “The Cult of the Offensive and the Origins of the First World War,”
International Security, tập. 9, số 1 (Mùa hè 1984), tr. 58–107. Xem thêm Victor D. Cha, “Hawk En-
gagement and Preventive Defense on the Korean Peninsula,” International Security, Tập. 27, Số 1 (Mùa hè 2002), tr. 40–78; và Jack S. Levy and Joseph R. Gochal, “Democracy and Preventive War: Israel and the 1956 Sinai Campaign,” Security Studies, Tập 11, số 2 (Mùa đông 2001/02),  tr. 1–49. Về Trung Quốc, xem Christensen, "Windows and War", tr. 50-85. Bài viết của Christensen đã tác động đến suy nghĩ của tôi về hành vi của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ, mặc dù các nguyên nhân của tư duy phòng ngừa  mà tôi mô tả như leo thang trong tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc tập trung vào khả năng thương lượng trong xung đột, chứ không phải vào vị trí tổng thể của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế.


--------------
*****

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Việt Nam: ngoại giao và nội trị


Cập nhật: 11:03 GMT - thứ năm, 5 tháng 7, 2012

Việt Nam lại đang có một tuần dồn dập các sự kiện ngoại giao, đánh dấu những bước chuyển hướng phù hợp trong quan hệ quốc tế nhưng cũng làm nổi bật lên các vấn đề nội trị gay cấn.
Hai ngoại trưởng Phạm Bình Minh và Hillary Clinton tại New York tháng 9/2011
Bà Hillary Clinton sẽ lại đến thăm Việt Nam trong tháng 7 này
Có vẻ như ngoại giao Việt Nam càng khởi sắc thì các vấn đề quản trị kinh tế bên trong và điều hành xã hội lại càng lộ rõ sự yếu kém.
Tìm câu giải thích cho nghịch lý này là cách lý giải sức mạnh tiềm tàng của đất nước và những cản trở nghiêm trọng cho quá trình cải cách chính trị bên trong mà thảo luận về Hiến pháp đang mở ra ít nhiều cơ hội.
Đối ngoại khởi sắc
Việt Nam nay không chỉ là điểm đến của các ‘bạn cũ’ như Bắc Hàn, Cuba sang học hỏi kinh nghiệm cải tổ mà còn là nơi các lãnh đạo Anh Mỹ đến để bàn thảo các chủ đề an ninh vùng và đối tác chiều sâu.
Một phần, sự thành công này là nhờ yếu tố ‘thiên thời’: Việt Nam những năm qua đã kiên trì và nhất quán tận dụng tối đa vị thế địa chính trị chiến lược ở Đông Nam Á giữa lúc Phương Tây ngờ vực đà vươn lên của Trung Quốc.
Nhưng ngành ngoại giao Việt Nam cũng đã và đang tích hợp được yếu tố con người: một thế hệ các nhà ngoại giao trẻ hơn, được đào tạo bài bản hơn đang có mặt ở các nước Phương Tây và Đông Nam Á để triển khai chính sách liên kết, hội nhập.
Trong số các bộ trưởng đương nhiệm, người nắm ngành ngoại giao, ông Phạm Bình Minh nổi bật lên nhờ tài ngoại ngữ và phong thái đĩnh đạc, chuyên nghiệp mà kín đáo, không ồn ào như một số vị khác.
Quân đội Việt Nam cũng tham gia vào ngoại giao quốc phòng với các tuyên bố và hành độ cụ thể, rõ ràng, khiến dư luận quốc tế an tâm, nể trọng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu nhiều nhưng không nhờ thế mà giao thông tốt hơn
Hơn nữa, chính nhờ yếu tố môi trường khó khăn, có cạnh tranh mãnh liệt mà các nhà hoạt động ngoại giao Việt Nam, dù trong lĩnh vực dân sự hay quân sự, phải bật lên được để vượt qua thách thức.
Chưa kể ở bên ngoài, các tiêu chuẩn từ ngôn ngữ, giao tiếp truyền thông đến quy định luật pháp quốc tế khiến họ phải học hỏi và nhanh chóng thích ứng.
Lấy ví dụ trong chủ đề Biển Đông, họ luôn phải theo dõi sát sao dư luận và phản ứng của chính giới từ Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Hoa Kỳ, Úc tới Malaysia, Indonesia và cả Campuchia.
Khi phát biểu, họ cũng phải nỗ lực về trí tuệ và ngôn từ để xứng với tầm vóc của câu chuyện.
Nhưng bên cạnh đó, những người làm ngoại giao Việt Nam cũng có Công ước Luật biển Quốc tế làm chuẩn, và được hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp từ ý kiến tham vấn của nhiều giới trí thức quốc tế, gồm cả các nhân sĩ Việt Kiều.
Đầy chuyện ‘rùng mình’
Trái lại, bức tranh xã hội Việt Nam như trình bày trên chính truyền thông nước này liên tục khiến người xem người đọc ‘giật mình’, "rùng mình’, ‘ngạc nhiên’, ‘sửng sốt’, ‘hốt hoảng’, ‘sốc’ hay ‘điếng người’, như một bình luận của trang Bấm Viet-Studies gần đây.
Truyền thông và báo chí ngập những chuyện dâm tục, thiếu chuyện nghiêm túc.
Giao thông chật cứng các vấn đề và ồn ào phát ngôn nhưng kẹt về giải pháp.
"Không, chúng ta không thể có những hội để bảo vệ [người bán dâm] được bởi chính họ đã đưa mình vào vòng tội lỗi"
Đại biểu QH Đỗ Văn Đương
Giáo dục và y tế đều chứa chất các bệnh kinh niên không lối ra.
Bấm Đại biểu Quốc hội lo bàn chuyện xử lý mua bán dâm thay vì chất vấn các tập đoàn lỗ hàng tỷ USD và chính sách sai khiến doanh nghiệp phá sản hàng loạt.
So sánh với đối ngoại thì có thể thấy các vấn đề nghiêm trọng trong điều hành kinh tế, trong an ninh xã hội nội bộ của Việt Nam đến từ chỗ giới quan chức từ cấp bộ xuống địa phương hoạt động thiếu các quy tắc và chuẩn mực rõ rệt.
Có chức có quyền rồi thì gần như làm gì cũng được, nói gì cũng được và lâu không ai dám cãi lại nên phản ứng xấu hổ cũng mất đi.
Môi trường quan chức thiếu cạnh tranh và thiếu cơ chế giám sát làm xuống cấp cả trình độ và ứng xử của một loạt nhân vật ‘kỹ trị’, có học hành ở Phương Tây về vốn từng gợi ra hy vọng (nay đã tan) về một phong cách lãnh đạo khác.
Ổn định ở Việt Nam nhiều khi được định nghĩa theo nhãn quan của lực lượng an ninh
Quán tính dùng vũ lực và bạo lực nhà nước để quy kết dân quyền và dân sinh vào chuyện hình sự đang khiến Việt Nam có nguy cơ dịch xa các tiêu chuẩn quốc tế.
Ổn định xã hội tại Việt Nam nhiều khi được định nghĩa theo nhãn quan của công an, chứ chưa được xây dựng trên nền tảng nhà nước pháp quyền với tư pháp tách biệt ra khỏi hành pháp và lập pháp.
Trong tình hình này, một trong những hướng đi cho Việt Nam là đem các tiêu chuẩn quốc tế về thiết chế xã hội vào định lượng các vấn đề nội bộ.
Một Việt Nam ngày càng hội nhập chắc chắn không nên tiếp tục đề cao cách diễn giải ‘đặc thù’ cho những vấn đề nhiều nước khác đã trải qua mà cần rút tỉa bài học từ những giai đoạn phát triển tương tự của họ.
Nhìn ra bên ngoài, Việt Nam đúng là 'ước gì được nấy' với lộ trình từ bình thường hóa quan hệ với Phương Tây, vào Asean, gia nhập WTO, tới chỗ xây dựng quan hệ sâu rộng với Hoa Kỳ, Anh Quốc.
Thế giới dành thời gian cho Việt Nam hơn 20 năm qua là để quốc gia này hồi sức sau thời chiến tranh và tự cải tổ nhằm hội nhập và tiến bộ hơn nữ̉a.
Nếu coi thời gian quý báu này là dịp kiếm chác, hoặc câu giờ, né tránh cải cách quyết liệt thì các chính khách Việt Nam sẽ không chỉ tiếp tục bị các vấn đề nội bộ thách thức mà sẽ còn làm thất vọng bạn bè, đồng minh quốc tế.
Lúc đó, cơ hội nhiều năm mới có một lần để được Việt Nam vươn lên văn minh, hiện đạ̣i và trở thành một cường quốc khu vực sẽ bị tuột đi.

--------------
*****

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Trung Quốc đang diễn trò đánh lạc hướng dư luận

Trong nỗ lực “giải độc dư luận” thế giới, nữ Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phúc Oánh bay sang Thái Lan mượn báo The Nation phân bua: “Thách đố đối với Trung Quốc là trong khi chúng tôi cố tự kiềm chế, một số nước khác lại không có ý định tạm gác tranh cãi, ngược lại muốn tự tay giải quyết và ép buộc Trung Quốc cùng cộng đồng quốc tế một giải pháp đơn phương. Trung Quốc không có chọn lựa nào khác hơn là phản ứng”.

TT ngày 9/7/2012 - Chưa bao giờ một hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN (AMM) lại diễn ra trong bối cảnh an ninh ASEAN căng thẳng như hiện nay.
Hội nghị AMM lần thứ 45 khai mạc hôm nay 9-7 tại Phnom Penh (Campuchia), diễn ra khi tờ Thời Báo Hoàn Cầu lớn tiếng đe đọa động binh với lời lẽ hiếu chiến như “Philippines và Việt Nam đáng bị trừng trị”.
Trước đó là thông báo của thượng tá Cảnh Nhạn Sinh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc: “Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu những chuyến tuần tiễu thường kỳ, sẵn sàng chiến đấu trong vùng biển thuộc thẩm quyền Trung Quốc”, tức là trong “đường lưỡi bò” bao phủ vùng đặc quyền kinh tế các nước láng giềng...
Những tiếng trống trận đó phụ họa cho cáo thị đấu thầu công khai chín lô dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN do Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa ra. Bên cạnh đó là việc hạm đội tàu hải giám và tàu đánh cá đang nằm lì ở bãi cạn Scarborough, chờ đợi một cuộc xung đột vũ trang... nếu như các bên không kiềm chế. Công luận quốc tế như thế nào thì chỉ cần vào “Google” sẽ có ngay câu trả lời.
Bản thân chính quyền Trung Quốc cũng nhận ra rằng Bắc Kinh đang tự rơi vào một cuộc khủng hoảng dư luận làm cho hình ảnh nước này xấu xí đi rất nhiều.
Vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, có vẻ như Trung Quốc đang muốn giở lại trò đánh lạc hướng dư luận cũ rích. Về mặt tuyên truyền, Trung Quốc đang thay đổi khẩu hiệu, bỏ đi cách nói “trỗi dậy trong hòa bình” nghe có vẻ “đe dọa” hơn cách nói êm ả “Trung Quốc phát triển hòa bình”.
Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng cách nói sau trong tuyên bố khai mạc Diễn đàn hòa bình thế giới 2012 hôm 7-7: “Trung Quốc sẽ gắn chặt với con đường phát triển hòa bình mà không tìm kiếm bành trướng, ngay cả khi Trung Quốc phát triển hơn nữa trong tương lai” .
Cũng trong nỗ lực “giải độc dư luận” thế giới, nữ Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phúc Oánh bay sang Thái Lan mượn báo The Nation phân bua: “Thách đố đối với Trung Quốc là trong khi chúng tôi cố tự kiềm chế, một số nước khác lại không có ý định tạm gác tranh cãi, ngược lại muốn tự tay giải quyết và ép buộc Trung Quốc cùng cộng đồng quốc tế một giải pháp đơn phương. Trung Quốc không có chọn lựa nào khác hơn là phản ứng”.
Nghe qua phát biểu của bà Phúc Oánh, có cảm tưởng như Trung Quốc hùng mạnh đang bị các nước bé hơn ngang ngược ức hiếp, từ Nhật Bản ở phía bắc đến Philippines và VN ở phía nam. Và bà Phúc Oánh kêu gọi các nước ASEAN độc lập “đừng trở thành công cụ của các đại cường”.
Tương tự, ở vị trí dân sự, học giả Tô Hạo cũng lên tiếng trách móc điều gọi là “những hô hào về mối đe dọa Trung Quốc nhằm hạn chế sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - ASEAN”. Ông Tô Hạo còn đổ lỗi: “Một vài nước ASEAN do thiếu hiểu biết đúng đắn về những ý định và sách lược của Trung Quốc, có thể cảm thấy không thoải mái trước sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc”.
Hai năm trước, trong một lần nói chuyện riêng với học giả Tô Hạo, tôi có nhắc rằng không nơi nào trên thế giới này lại chiếu nhiều phim Trung Quốc như ở VN cho dù tờ Thời Báo Hoàn Cầu ra rả đòi xóa sổ VN.
Hai năm sau, phim Trung Quốc vẫn được chiếu nhưng không chỉ Thời Báo Hoàn Cầu mà cả tờ Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc cũng đòi trừng trị VN. Lý do chỉ vì VN phản đối những chuyện vô lý như Trung Quốc cấm ngư dân VN đánh bắt cá trên vùng biển của mình hay việc CNOOC mở thầu trong lãnh thổ VN, chỉ cách đảo Phú Quý vỏn vẹn 30 hải lý.
Hơn ai hết, ASEAN chỉ muốn được yên ổn và độc lập.
DANH ĐỨC

--------------

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Thế trận Biển Đông sau thời kỳ "ném đá dò sông" của Bắc Kinh

 

Vì sao TQ không có bạn gần?


Lịch sử hình thành nước Trung Quốc là lịch sử của nhiều đợt lấn chiếm các nước lân bang để mở mang bờ cõi. Với truyền thống xã hội khép kín (từ Trường Thành, Tử Cấm Thành đến nhà dân đều có tường bao), TQ chỉ mạnh trên bộ, nên các triều đại trước đây hầu như chưa bao giờ mang quân đi xâm lược các lãnh thổ và biển đảo xa. Khác với các đế quốc Anh, Pháp, Mỹ...., phương thức xâm lược của Đại Hán là lấn chiếm và đánh nống ra các vùng lân cận đồng thời sử dụng các thủ đoạn đồng hóa để thôn tính vĩnh viễn . Đó là phương thức mà họ đã dùng để thôn tính hàng chục vương quốc Bách Việt trong thời tiền sử và đang làm như vậy với Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông.... Họ cũng âm mưu làm như vậy với Ấn Độ,  Xiberi và Trung Á, Việt Nam và Triều Tiên.  Giờ đây họ bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của biển, tuy đã muôn, nhưng vẫn "cố đấm ăn xôi".Với cung cách xâm lấn láng giềng như thế khiến Trung Quốc hầu như không có bạn láng giềng mà chỉ có kẻ thù truyền kiếp. Đó là một sự thật lịch sử.

Lãnh thổ TQ thời tiền sử và hiện nay
Giờ đây bằng việc ráo riết xâm lấn Biển Đông TQ đang gây thêm những hận thù mới. Đương nhiên Việt Nam lại là nạn nhân, vì Biển Đông là cửa ngõ, là mặt tiền, là nguồn sống của gần trăm triệu con người Việt Nam. Về pháp lý, Việt Nam là bên duy nhất có đầy đủ chứng cứ lịch sử và luật pháp quốc tế để tuyên bố chủ quyền ít nhất đối với phần phía tây của Biển Đông bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa .Tuy nhiên Trung Quốc đã dùng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hòang Sa từ tay chính phủ VNCH từ năm 1974 và sau đó (năm 1988) lại lén đánh chiếm một số bãi đá để có chỗ đứng chân tại quần đảo Trường Sa lúc đó thuộc nước Việt Nam thống nhất. Biết mình không có cơ sở pháp lý, TQ luôn rêu rao cái gọi là "chứng cứ lịch sử" với đường 9 đoạn đứt khúc tự vẽ ra không căn cứ vào bất cứ tiêu chí nào. Để tránh búa rìu dư luận quốc tế, TQ chủ trương chỉ "đàm phán song phương" và kiên quyết chối từ đàm phán đa phương nhằm lợi dụng thế mạnh  áp đảo đối với các nước yếu . Đó là thái độ ngang ngược có tính truyền thống của TQ.
 
Hãy cảnh giác với Chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán  

Từ sự thật lịch sử trên đây cho thấy mục đích xâm chiếm Biển Đông của TQ trước hết là để bành trướng lãnh thổ; mục tiêu  tìm kiếm nguồn năng lương cũng cần thiết, nhưng chỉ là thứ yếu. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh coi Biển Đông là lợi ích "cốt lõi"; nếu chỉ vì lợi ích dầu khí và tài nguyên thiên nhiên thì họ không cố chấp như vậy!. Điều này cũng cho thấy  một khi đã độc chiếm Biển Đông, TQ sẽ coi đó là vùng nội thủy. Đó là một vấn nạn tiềm ẩn đối với cả thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam và Philipine, vì Biển Đông  nằm án ngữ trên tuyến đường hàng hải nối liền Đông-Tây và Nam-Bắc bán cầu.
Tham vọng "lưỡi bò"
Tuy nhiên, đáng tiếc là đến nay thế giới vẫn mơ hồ về chủ nghĩa bành trướng Đại Hán và dường như không mấy quan tâm không tích cực ngăn chặn ý đồ độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Nếu có ai quan tâm thì lại trông chờ vai trò sen đầm của Mỹ như vẫn làm trong quá khứ, mặc dù thế và lực của nước Mỹ đang suy yếu trước một TQ đang trỗi dậy với đầy tham vọng.  Đây là một nghịch lý mang tính thời đại.  Có nhiều nguyên nhân,  nhưng có những nguyên nhân bắt nguồn từ cách hiểu sai lệch, không đầy đủ về bản chất của chủ nghĩa bành trướng bá quyền TQ.  Các nước Âu-Mỹ thường  biết về TQ như một xã hội phong kiến lâu đời, tò mò trước những bí ẩn chưa được khám phá tại đây. Họ luôn dành cho dân tộc này sự cảm thông và bao dung hơn là sự đề phòng cần thiết. Ngay cả nhiều nước Á, Phi và Mĩ la tinh, do không có biên giới chung với TQ cũng chưa nhận thấy hết thủ đoạn bành trướng bá quyền Đại Hán. Giờ đây là lúc để thế giới cần nghiêm túc suy ngẫm về mối nguy cơ của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán tương tự như chủ nghĩa phát xít Đức vậy! Tình thế của Việt Nam hiện nay gần giống với tình thế của nước Áo (Phổ) hoặc nước Ba Lan thời kỳ trước khi nổ ra chiến tranh thế giới II. Nhưng Việt Nam chỉ có thể  lựa chọn khả năng giống Ba Lan, chứ không thể là nước Phổ; Philipine và các nước ĐNÁ sẽ giống như Hung ,Tiệp, Nam Tư, v.v..... Có thể Mỹ, Nhật,Úc, Ấn Độ ... sẽ đóng vai trò như Liên Xô và Đồng minh (?) Nhưng lúc đó cũng sẽ đã muộn!

Đừng quá kỳ vọng vào Mỹ

Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi  mới đây TQ công khai lấn chiếm bãi đá Scarborough của Philipine, rồi "gọi thầu" đối với 9 lô dầu khí của Việt Nam đồng thời tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam- những trọng điểm tạo nên cái lưỡi bò. Đó là một bước đi có tính toán nhằm hiện thực hóa  ranh giới đường lưỡi bò mà Bắc Kinh ấp ủ lâu nay. Nó cho thấy thái độ liều lĩnh hơn của Bắc Kinh trong âm mưu độc chiếm Biển Đông sau thời kỳ thăm dò dư luận được gọi là "ném đá dò sông". Có thể tình trạng hiểu biết không đồng nhất về bản chất của  chủ nghĩa bá quyền Đại Hán trên thế giớ đang ít nhiều dung túng sự ngạo mạn của người TQ. Và tình trạng khủng hoản kinh tế kéo dài đang làm suy yếu  nước Mỹ và châu Âu cũng tạo ra một cơ hội tốt cho mưu đồ bá quyền của Bắc Kinh.
Để làm cơ sở đánh giá tình hình,  xin thử điểm danh một số thế lực liên quan đến thế trận Biển Đông ta sẽ thấy một thực tế không mấy lạc quan cho lắm.

Mỹ: Sau một thời gian được thế giới  kỳ vọng với vai trò đối trọng có thể ngăn chặn hoặc ít nhất răn đe không để TQ lấn lướt bắt nạt các nước yếu hơn xung quanh Biển Đông, đến nay Mỹ đã lộ rõ ý định không can dự vào các cuộc chiến giữa Bắc kinh với một nước tranh chấp, kể cả trường hợp với đồng minh Philipin. Sự trở lại Châu Á- TBD của lực lượng Mỹ thực sự chỉ là để bảo vệ lợi ích của Mỹ từ xa , chứ không phải để bảo vệ lợi ích của các nước nhỏ trong khu vực (Theo kết quả chuyến thăm Mỹ của TT Philipin  và các phát biểu gần đây nhất của TT Obama và Bộ trưởng Ngoại giao Clinton).
Nga: Đã từng là "anh cả" và đồng minh của Việt Nam thời chiến tranh lạnh, giờ đây Nga đã sa sút từ vai trò của một cường quốc hạng nhất nhì xuống hạng 4-5. Dù biết mình là một trong những đối tượng bành trướng của Trung Quốc (đặc biệt lo ngại tại vùng Xi bê ri và Trung Á) nhưng Nga không có lựa chọn  nào khác  là  "chơi " với TQ để đối phó với mối đe dọa từ Mỹ và NATO. Do đó Nga cũng chọn cách làm ngơ trong vấn đề tranh chấp Biển Đông một cách có lợi choTQ. Tuy nhiên Nga vẫn sẽ bán vũ khí choViệt Nam vì lý do kinh tế và chiến lược lâu dài.
Nhật Bản: Là nước lớn duy nhất sẵn sàng đứng cùng chiến tuyến với Việt Nam và các nước ven Biển Đông trong khi bản thân cũng đang phải căng sức ra để đối phó với âm mưu bành trướng của TQ tại vùng biển phía  Nam, trong đó có đảo Senkaku (TQ gọi là Điếu Ngư), đồng thời đối phó với Nga ở vùng biển phía Bắc, trong đó có quần đảo Curil. Biển Đông là cửa ngõ giao thương của Nhật Bản với thế giới . Do tương đồng lợi ích , Nhật Bản là đồng minh tự nhiên của Việt Nam và Philipin trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Ấn Độ: Là cường quốc hạng lớn tại Châu Á.  Mặc dù hoàn toàn đồng cảm với VN, Philipin và ASEAN và có lợi ích thiết thân về giao thường hàng hải, song Ấn Độ cũng đang là một đối tượng bành trướng của TQ. Không có nhiều khả năng để Ấn Độ can dự trực tiếp nếu TQ chủ động gây hấn với  một trong các bên tranh chấp tại Biển Đông.
Úc: Chỉ đóng vai trò vòng ngoài trong chuổi phòng vệ cùng với Mỹ nhằm bảo vệ lợi ich của bản thân và đồng minh; rất ít khả năng can dự vào cuộc chiến tại Biển Đông.
Tập thể ASEAN: Ngoài Philipin, Việt Nam và một vài nước bị đe dọa tực tiếp, hầu hết các nước ASEAN còn lại đều giữa thái độ nước đôi, thậm chí có nước chọn sách lược thân TQ để cầu lợi. Nguyên tắc nhất trí (concensus) của tổ chức này khiến nó khó đạt "tiếng nói chung" và hạn chế trong đấu tranh với TQ.
Dư luận quốc tế nói chung bị hạn chế bởi cách hiểu phiến diện, mơ hồ về bản chất bành trướng bá quyền của TQ nên có thể còn tiếp tục mất cảnh giác trong một thời gian nữa. Trạng thái này chỉ có thể thay đổi khi  nào nỗ ra  chiến tranh thực sự tại Biển Đông. Chỉ tiếc rằng nếu đợi chiến tranh nỗ ra thì sẽ đã quá muộn, nhất là  khi TQ sử dụng chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng hoặc chiến tranh trong màu áo ngư phủ trá hình.

Đến nay có thể nói, Bắc Kinh đã biết Mỹ sẽ không dại gì mà đánh nhau trực diện với TQ vì lợi ích lãnh hải hoặc vài ba hòn đảo của  một nước thứ ba tại Biển Đông, kể cả đó là đồng minh Philipin. Thậm chí cũng không loại trừ khả năng sẽ diễn ra sự thỏa hiệp và phân chia lợi ich giữa hai siêu cường Mỹ-Trung, trong đó có Biển Đông. Tóm lại, tình thế đang có vẽ thuận lợi hơn cho chủ nghĩa bành trướng bá quyền TQ tại Biển Đông.

Đối sách nào của Việt Nam? 

TIN NÓNG: Mấy phút trước khi  đăng bài viết này, có tin cho hay 4 tầu hải giám to đùng của TQ  vừa rượt đuổi 1 tàu tuần tra bé nhỏ của VN tại Trường Sa. Đây là một chứng cứ bổ sung thêm cho luận điểm của bài viết vậy!
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=151474zoneid=1

Nếu chỉnhìn vào quân số và sức mạnh vật chất, Việt Nam qúa nhỏ bé so với TQ. Tuy nhiên  nếu nhìn lại quá khứ chống ngoại xâm phương Bắc, đây không phải là thời kỳ xấu nhất đối với Việt Nam,  và ta hoàn toàn có thể đánh bại âm mưu xâm lược của kẻ thù như đã từng nhiều lần làm được trong quá khứ. Tuy nhiên, để làm được sứ mệnh thiêng liêng này, yếu tố tiên quyết là sự đồng lòng nhất trí giữa giới lãnh đạo tối cao và nhân dân. Hiện đang có một sự thật đầy nghịch lý, đó là dân không tin vì không hiểu chủ trương thực sự của Lãnh đạo là gì. Sự cách biệt về nhận thức ai là bạn, ai là thù và thế nào là khôn khéo, thế nào là nhu nhược, yếu hèn... tạo nên những mối băn khoăn, nghi ngờ không cần thiết. Kẻ thù thì vẫn xảo quyệt với chiến thuật "vừa đấm vừa xoa", có lúc đấm trước xoa sau, có lúcc xoa xong đánh liền, khiến đối phương rất khó đỡ. Vẫn biết sách lược mềm mỏng và khôn khéo là cần thiết nhưng, chẳng lẽ hình thức biểu dương lực lương quần chúng không phải là biện pháp khôn khéo sao? Khi nhân dân cần thấy ở người lãnh đạo như một biểu tượng đại diện cho khí phách của cả dân tộc, thì  lãnh đạo không xuất hiện, không tuyên bố...Vẫn biết mục tiêu hòa bình để xây dựng đất nước là cần thiết, nhưng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc còn quan trọng hơn nhiều. Vẫn biết giữ gìn sự tồn vong của chế độ là cần thiết, nhưng giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ còn thiêng liêng và cấp bách hơn nhiều.
Hình mô phỏng một trận địa tên lửa bờ biển của VN
               
Còn nhớ một bài học cay đắng của cả hai cuộc chiến tranh biên giới 1979 và  Trường Sa năm 1988 là sự bất ngờ của những người lính và nhân dân nơi chiến trường. Liệu điều này sẽ lặp lại? Mấy hôm rồi gặp nhiều người từ quan chức đến quân nhân và dân thường thấy họ tỏ ra ngạc nhiên: " Sao họ (TQ) lại mời thầu trong  biển của ta?...". Nghĩa là không chỉ dân thường mà ngay cả quan chức và quân nhân cũng không được thông tin đầy đủ về kẻ thù. Điều đó thật là nguy hiểm! Đó cũng là nguyên nhân của sự bất ngờ. Vẫn biết không phải bí mật nào cũng nói ra, nhưng dứt khoát không thể vì thế mà bưng bít thông tin và tự lừa dối mình, lừa dối cả quân, dân thì  vô cùng tại hại. Suy cho cùng đó là một tội lỗi. Chẳng hay trong tình hình mới gần đây giới lãnh đạo đất nước đã có biện pháp gì mới(?) Người bảo có, kẻ  bảo không. Nhưng xem ra khó mà có thể khá hơn nếu không thay đổi cách tư duy căn bản về bạn/thù. Trộm nghĩ, chẳng lẽ lại mất nốt mấy hòn đảo mà quân dân ta đã tốn bao công sức và tiền của để  tôn tạo trong nhiều năm qua tại Trường Sa?

Căn cứ vào diễn biến tình hình gần đây, không loại trừ khả năng Bắc Kinh lại bật đèn xanh cho các thế lực hiếu chiến tiến hành các thủ đoạn nhằm lấn chiếm các vị trí biển, đảo tại Trường Sa. Đánh lớn thì họ chưa muốn đâu, nhưng đánh nhỏ , đánh nhanh thắng nhanh hoặc đánh chiếm bằng "biển người" là hoàn toàn có thể xảy ra. Thiết nghĩ, đã đến lúc để các nhà lãnh đạo chính trị và chiến thuật Việt Nam nên suy nghĩ nghiêm túc và tìm ra  những biện pháp cụ thể, thiết thực, đặc biệt tránh lặp lại thế bị động bất ngờ như đã xảy ra. Bài học cho thấy một khi một vùng biển hoặc một đảo đã thất thủ vào tay quân bành trướng thì sẽ khó mà có cơ hội lấy lại. Để tránh lặp lại điều này, không có cách nào khác là phải chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án tự vệ, kiên quyết và chủ động giáng trả kẻ thù, kể cả bằng việc tấn công chiếm lại những vùng biển đảo đã bị đối chúng chiếm đóng phi pháp, kể cả Hoàng Sa, và sẵn sàng chấp nhận một cuộc trường kỳ kháng chiến vốn là bảo bối của sức mạnh Việt Nam. TQ hiếu chiến và tham vọng bành trướng, nhưng nhược điểm sẽ bộc lộ nếu chiến tranh lan rộng và kéo dài. /.
               

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Người TQ viết về "đường lưỡi bò" (*)

(*)Bài viết dưới đây mới được đăng trên Anh Basam sáng nay. Đọc thấy khá hấp dẫn, có lẽ  phần vì lối hành văn giản dị , phần vì  nội dung nói về sự ra đời của "đường lưỡi bò" và tác giả là  người Trung Quốc nhiều khả năng là cựu quan chức (qua thông tin và khẩu khí...).  Xin phép lôi nguyên bản về nhà làm tư liệu đồng thời "bình loạn" đôi điều: 
Đây là một trong số ý kiến trái chiều trong số 1,3 tỷ  dân vốn khét tiếng về lối hành xử theo đa số mù quáng. Ở đó khi nhà cầm quyền đã ra quyết sách "cốt lõi" rồi thì rất khó mà thay đổi; đợi đến khi thay đổi thì có thể hàng triệu sinh linh bị chết oan như đã thấy trong nhiều thời kỳ lịch sử, gần đây nhất là cuộc CM văn hóa. Chỉ khi nào thất bại rành rành họ mới chịu thay đổi.  

VỀ NAM HẢI, NĂM ẤY ĐÃ VẼ ĐƯỜNG CHÍN ĐOẠN ĐẾN TẬN CỬA NHÀ NGƯỜI TA NHƯ THẾ NÀO?

Tác giả:  Thiên nam địa bắc song phi yến
Người dịch: Băng Tâm
17-04-2012
Cái gọi là vấn đề Nam Hải1, bao gồm cả vấn đề Tây Sa2 và Nam Sa3, chủ yếu chỉ vấn đề Nam Sa, rốt cuộc đã xuất hiện ra sao? Ai là người đầu tiên tuyên bố Nam Hải là lãnh thổ của Trung Quốc? Và rồi căn cứ vào cái gì? 
Nghe nói năm 1946, Lâm Tuân dẫn đầu hạm đội đi thu phục nhiều đảo, gọi là thu phục, chứ tôi thấy còn có cả việc tiếp nhận phần tài sản của người thua cuộc, có những hòn đảo thực ra không biết là của ai, người Nhật chiếm, rồi lại thua chúng ta, thế là tự nhiên chúng ta liền vui vẻ đi theo hạm đội ra biển, có một vị quan chức cấp giám đốc ở Bộ địa chất-khoáng sản (?) phóng bút vẽ một cái, dùng 9 đường chấm chấm vẽ thành một cái túi lớn, cái túi này lớn đến nhường nào? Trên bản đồ của chúng ta đành mở ra một cửa sổ mới tinh, chuyên để hiển thị nó. Khi quay trở về đưa in lên bản đồ của chính phủ Dân quốc, công bố với thiên hạ, và đường biên giới đã được tháo cũi sổ lồng như vậy đấy.      
Vốn cái bản đồ mà chúng ta vẽ cứ nói sân nhà mình đến đâu, đến đâu, hàng xóm thấy gì thì nói đi, không nói, nghĩa là các anh chẳng có ý kiến gì, nhưng mấy cha hàng xóm gần như im hơi lặng tiếng suốt hàng chục năm trời, rồi từ giữa thập kỉ 50 đến thập kỉ 70 mới thi nhau nhảy ra đòi chủ quyền, chúng ta tự nhiên đã phải lý sự cùn:  “Các ông có ý kiến gì thì sao không nói từ sớm đi? Bây giờ chúng tôi quản những ngần ấy năm rồi còn gì, hừm hừm”.    
Hội mấy cha hàng xóm ấy cũng đã rất oan ức. Thì ra năm 1946, Philippines vẫn còn chưa độc lập, Mỹ vẫn phải bảo vệ họ, cần để Mỹ thay mặt họ đứng ra. Mỹ bị dân bản địa chửi cho mất mặt, đang chuẩn bị quẳng gánh giữa đường để họ được độc lập, thì đâu còn có tâm trạng nào mà quản mấy cái chuyện đảo, cho nên đã không tỏ thái độ. Tình hình ở Malaysia và Indonesia cũng tương tự, Đảng ** vừa chui ở rừng ra, hoặc cũng có thể còn chưa chui ra khỏi được, còn chưa hiểu mô tê gì, vậy thì ai đã nhìn thấy được tấm bản đồ Trung Quốc in ra? Rồi thì đã có ai biết được sự phản đối này? Việt Nam khi ấy còn đang đánh nhau hừng hực khí thế, vua Bảo Đại mải lo giữ thân, chạy tới nước Pháp cầu cứu khắp nơi, cũng đâu có quan tâm được đến việc quản hồ sơ này.  
Nói gì thì nói, cái trò chơi chủ quyền này nhiều khi cũng giống như chuyện kết hôn kiểu Phương Tây, phải thông báo cho một thằng cha. Vị mục sư trịnh trọng tuyên bố:  “Có ý kiến gì thì đưa ra luôn bây giờ, còn không thì không bao giờ được nói nữa”. “Sao? Không ai có ý kiến gì thì cứ định như thế! Xin chúc phúc các con, amen”.   
Nhưng cái đường 9 đoạn này thực ra đã vẽ hơi quá đáng, về cơ bản đều là vẽ men theo đường bờ biển của người ta, cuộc nội chiến trong nhà người ta kết thúc, đương nhiên là cần phải đứng ra tranh luận thôi, tranh chấp Nam Sa, thế là trở nên ngày càng gay gắt.   
  
Cái đường 9 đoạn này rốt cuộc là gì? Nó không phải là đường cơ sở lãnh hải, mà cũng chẳng phải là đường lãnh hải, ý nghĩa pháp lý của nó rốt cuộc là gì? Chính trong nhà chúng ta cũng cảm thấy hết sức chột dạ, cho nên khi công bố đường cơ sở lãnh hải vào năm 1995, ta đã không hề nhắc nhỏm gì đến nội bộ giới luật học về biển, mà gọi luôn đó là 9 đường đứt đoạn, trong số các chư vị đồng bào yêu nước có ai đó đã thử đi đếm xem từ ven biển Việt Nam đến vịnh Subic, xung quanh cái túi lớn này rốt cuộc là dùng tới mấy đường?  
Về hành động cụ thể, người ta nhìn thấy các chiến sĩ đóng quân trên đảo san hô, ngư dân giả dạng đánh bắt cá, phần lớn những người trên các tàu ngư chính và tàu quân sự đi hộ tống không biết được rằng 10 năm trước, Bộ địa chất-khoáng sản, Cục biển quốc gia và Tổng công ty dầu khí hải dương đã hợp tác làm một cuộc điều tra thăm dò địa-vật lý ở vùng biển Nam Sa. Bộ ngoại giao bận bở hơi tai, cho nên phương án thực thi cuối cùng đã không dựa theo phương pháp thăm dò địa-vật lý là bắt đầu khai thác thăm dò từ một phía, mà lại làm ở chính giữa trước, rồi bay đi về một vòng ở khu vực được khẳng định là không có tranh chấp, thử xem có ai phản đối không, rồi lại lấn sang phải, sang trái một chút, lại lấn thêm một chút nữa, kết quả là sau khi khảo sát một lượt chẳng thấy hàng xóm đánh tiếng gì, thế là đắc thắng trở về. Thực sự thì sao? Xung quanh đó toàn những nước láng giềng nghèo, rất có thể là không có lực lượng giám sát không trung, nên không biết anh đang làm gì. Nếu là ở Đông Hải4 ư, vậy thì sớm soạn thảo thư trả lời hết các công hàm phản đối của hàng xóm đã rồi hãy ra biển nhé, họ đâu có phải là không nhìn thấy.   
Chín đường đứt đoạn bao quanh Nam Hải này là hạn mức tối đa mà chúng ta đã nói thách thấu trời khi giành lại quyền lợi biển ở Nam Sa, vượt quá phạm vi này, chắc chắn chúng ta sẽ không còn nêu yêu cầu gì thêm nữa, bên trong đường này thực ra là có thể thương lượng. Vấn đề nằm ở chỗ là đã không thông báo rõ với người dân.  
Đường 9 đoạn này, ý nghĩa luật pháp của nó rốt cuộc là gì? Là lãnh hải? Vùng biển quần đảo? Vùng biển mang tính lịch sử? Chẳng ai biết.
Trước hết, có phải là lãnh hải không? Không phải. Như trên đã nói, quyền lực về biển của nhà nước là dựa vào đất liền, cũng có nghĩa là dựa vào quyền lực đất liền. Muốn xác định lãnh hải, đầu tiên phải thiết lập được đường cơ sở lãnh hải, muốn vạch được đường cơ sở lãnh hải, đầu tiên phải xác định được các điểm cơ sở lãnh hải. Điểm cơ sở lãnh hải phải là các đảo hoặc đất liền không có tranh chấp chủ quyền; khoảng cách trực tuyến giữa các điểm cơ sở không được vượt quá 24 hải lý, cũng có nghĩa là lãnh hải cộng thêm khoảng cách các vùng tiếp giáp; các rạn đá san hô và bãi cạn lúc ẩn lúc hiện, chỉ nổi lên khi thủy triều rút không được tính vào đó; nói một cách chặt chẽ hơn, tốt nhất là trên đảo phải có đủ điều kiện cho con người cư trú.
Nam Sa phù hợp về điểm nào? Ngoài một phần đã bị Quốc Dân đảng chiếm giữ hồi đó ra, hầu như đều không phù hợp cho lắm. Trong sách giáo khoa của chúng ta khi nói về quần đảo Nam Sa đều chỉ nói một câu “phía nam đến bãi ngầm Tăng Mẫu5”. Bãi ngầm Nam Sa là rạn san hô ngầm không nổi lên, rạn san hô ngầm đến ngay cả đất cũng không có, nói gì đến quyền lợi biển. Cho nên câu này không thể đứng vững về mặt luật pháp. Thế nhưng từ ngày bổn triều lập quốc đến nay, chúng ta lại cứ giáo dục cho người dân như vậy, hôm nay đột nhiên lại nói câu này không đứng vững được về mặt luật pháp, người dân sẽ không chấp nhận nổi, đành phải dùng chiêu xập xí, xập ngầu, chúng ta không nêu ra liệu có được không?                                    
Bao quanh đường 9 đoạn này chắc chắn không phải là lãnh hải, vậy phải tìm lý do khác, vậy thì nhiều đảo đá ngầm có thể nói được thành là vùng biển quần đảo không? Indonesia thì được, chúng ta cũng có thể đến được đất nước nghìn đảo này mà!  
Vùng biển quần đảo là vùng biển chủ quyền được “Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển” thừa nhận. Theo “Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển”, sự cấu thành vùng biển quần đảo đòi hỏi phải có mấy điều kiện sau đây:
1.  Tỉ lệ giữa diện tích nước và diện tích đất liền (kể cả đảo san hô) phải nằm trong khoảng từ 1:1 đến 9:1.      
2.  Chiều dài đường cơ sở không được vượt quá 100 hải lý, cho phép vượt chuẩn 30%, phần vượt chuẩn cũng không được quá 125 hải lý.
Ở Nam Sa đảo đá ngầm lại ít, khoảng cách giữa các đảo lại xa, nên không đạt 2 tiêu chuẩn trên.
Nói một cách nhún nhường, cứ coi là chúng ta miễn cưỡng tuyên bố đường cơ sở, các nước láng giềng cũng không có ý kiến gì, thì phiền phức lại sẽ tới. Sau khi xác định được đường cơ sở, thì vùng biển bao quanh đường cơ sở sẽ trở thành nội thủy, bên trên nội thủy là không phận. Sự quản lý của nhà nước đối với nội thủy không phải chỉ chặt chẽ một cách thông thường, mà hoàn toàn phải dựa vào luật trong nước, chứ không phải là luật quốc tế. Về nguyên tắc, tàu thuyền nước ngoài, kể cả tàu quân sự, không được tự do đi qua, nếu muốn đi qua, phải thông báo và xin phép trước, phải nổi trên mặt nước, treo cờ, chạy nhanh, không được dừng lại, không được neo lại, nếu làm không tốt, sẽ yêu cầu anh phải giải giáp vũ trang. Muốn không bị phiền phức như vậy, thì phải mở đường thủy và đường hàng không ở quần đảo cho tàu thuyền và máy bay nước ngoài đi qua.  
Đường này có đôi chút khiên cưỡng, song cứ thử tranh luận xem sao. Lý do của luật sư mà! Dưới chân mà không có đất chắc, thì chỉ cần một mảnh gỗ cũng tốt rồi. Nhưng điều đó là chưa đủ, còn phải tìm thêm những lý do khác nữa.
Chúng ta có thể tuyên bố Nam Sa là “vùng biển mang tính lịch sử” của chúng ta! Nơi này là nơi chúng ta từng kinh doanh trong lịch sử, ngư dân dựa vào đó mà mưu sinh, buôn bán làm ăn dựa vào đường này, không thể rời bỏ. Lý do này xem ra cũng không tồi. Người khác cũng có kiểu vùng biển như thế, như vịnh Hudson của Canada, mọi người thử nhìn vào bản đồ Bắc Mỹ mà xem, cái túi ấy thực ra rất lớn, nếu chiếu theo chế độ lãnh hải 12 hải lý, thì ở giữa đều là vùng biển quốc tế, thế nhưng Canada lại tuyên bố đây là vùng biển mang tính lịch sử, rạch chiếc túi một cái là bên trong đều là những thứ của nước mình.  
Chủ trương này của chúng ta vừa mới thử, chưa thấy nhiều nước xung quanh có phản ứng, thì mấy nước vận chuyển hàng hải và hàng không lớn, bao gồm cả Mỹ, Nhật đều tới hỏi: “Nghe nói các anh muốn tuyên bố đây là vùng biển mang tính lịch sử? Vậy thì chẳng lẽ sau này chúng tôi có đi qua lại phải thỉnh thị, báo trước hay sao?” Thì ra đây là con đường trọng yếu của vận chuyển hàng hải quốc tế, hàng ngày tàu thuyền qua lại tấp nập.
Một khi đã tuyên bố là vùng biển mang tính lịch sử, thì sự quản lý của nhà nước đối với nó cũng gần như sự quản lý đối với nội thủy, không chỉ quản lý vùng biển, mà còn phải quản lý cả vùng trời, rồi lại còn phải quản lý theo luật pháp quốc tế. Nếu như vậy là được, thì chẳng lẽ mọi quyền sinh, quyền sát đều nằm ở ta? Muốn bắt thì bắt, muốn xét thì xét, chưa nói đến tàu quân sự đi qua, cả thương gia đi qua cũng sẽ không để yên sao? Cách làm như vậy thực chẳng khác gì tuyên bố đường cao tốc đi qua cửa nhà chúng tôi là phần đất lưu không của nhà chúng tôi, tôi muốn ngồi hóng mát thì hóng, muốn làm sân phơi thì phơi, người nào đi qua là dứt khoát sẽ có ý kiến đấy. Nếu cứ liều mạng tuyên bố, thì phần nhiều sẽ trở thành kẻ thù chung của thế giới.         
Chính vì thế mà ở phần trước đã nói, chúng ta phê chuẩn “Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển” là sẽ chịu thiệt, ít ra là vấn đề Nam Hải cũng sẽ chẳng có cách gì để giữ vững được lập trường vốn có, mà chỉ có thể thương lượng được với láng giềng. Nhưng trước khi thương lượng, vẫn phải cố tìm cho được một chỗ đứng, phải mặc cả nhiều hơn một chút, lý do mà, kệ họ!
Hoạt động cưỡng chiếm của các nước xung quanh Nam Hải thực ra cũng giống như việc tháo dỡ những tòa nhà bất hợp pháp trước đây ở trong nước chúng ta. Tất nhiên là phi pháp rồi, nhà nước cũng không thừa nhận, nhưng đến khi bồi thường, thì lại vẫn được xem xét. Không chỉ hàng xóm tranh địa bàn như thế, mà tranh chỗ ngồi trên xe buýt lại càng như vậy, ném trước lên một cái bao, người khác muốn ngồi, liền kêu lên: “Có người rồi!” Câu này có căn cứ pháp luật gì? Không có, kỳ quặc là ở chỗ mọi người nhìn thấy cái bao ấy, nghe thấy câu ấy, mà phần đông đều ngoan ngoãn tránh ra, tìm một chỗ khác. Mọi người thừa nhận là được rồi, đây gọi là sức mạnh của lệ.
——-
Ghi chú:
1   Tức Biển Đông.
2   Tức Hoàng Sa.
3   Tức Trường Sa.
4  Tức Biển Hoa Đông. BTV: Không rõ ý tác giả ở đây, đang nói “Nam Hải” lại chuyển qua “Đông Hải”.
5   Tiếng Anh:  James Shoal ; tiếng Việt: Bãi ngầm James.
Nguồn: Baidu
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Băng Tâm
--------------
*****

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Họ là ai?

Một đất nước đã làm nên những bài ca trữ tình và hùng tráng mà sao hôm nay làm gì cũng  èo uột, dở dang?
Một dân tộc đầy tự tin và kiêu hãnh ngày hôm qua sao hôm nay lại trở nên tự ti và khiếp nhược?
Họ là ai, sao hôm qua nhân dân kính  yêu họ mà hôm nay không muốn nhìn mặt  trên TV và không muốn nghe nói ? Họ đã làm gì để đánh mất lòng tin của nhân dân? ...
Có rất nhiều câu hỏi như thế ở mỗi người VN hôm nay, những câu hỏi tưởng chừng không bao giờ phải hỏi.  


Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Mời thầu kiểu ăn cướp!

Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của CNOOC

Dư luận Việt Nam mấy ngày qua nóng lên trước những bước đi mới trắng trợn và ngạo mạn của phía TQ trong âm mưu xâm lấn biển đảo của Việt Nam. Sau việc nhà cầm quyền TQ tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa với Hoàng Sa làm trung tâm bao gồm toàn bộ quần đảo Trường Sa của VN, ngày 23-6 lại để cho Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố cái gọi là "mời thầu quốc tế" đối với 9 lô dầu khí nằm sâu trong thềm lục địa của VN, điểm gần nhất chỉ cách đảo Phú Quý 55km. Đó là hành động kẻ cướp  xông vào nhà hàng xóm  đòi bán đất bán vườn....thật là lố bịch hết chỗ nói!

Ngày 26/6 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp. Ông Nghị yêu cầu phía Trung Quốc nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC). Ngày 27-6 Bộ Ngoại giaoVN đã triệu đại diện Đại sứ TQ tại Hà Nội  để trao công hàm phản đối về vcụ việc này.
 
Chiều 27-6, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN) cũng đã họp báo làm rõ về toàn bộ hành động sai trái của phía TQ. Đại diện PVN- ông Đỗ Văn  Hậu cho biết, qua kiểm tra tọa độ, PVN nhận thấy chín lô mà phía Trung Quốc mời thầu quốc tế, tổng diện tích lên đến 160.129km2, nằm sâu vào thềm lục địa của VN, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà PVN đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí cùng đối tác của mình. Cụ thể, giới hạn phía tây của các lô mà Trung Quốc mời thầu cách khu vực bờ biển Quảng Ngãi chỉ 76 hải lý (hơn 140km), cách bờ biển phía bắc Nha Trang 60 hải lý (110km), điểm gần nhất cách Nha Trang và Phan Thiết có 57 hải lý (105km) và điểm gần nhất cách đảo Phú Quý hơn 30 hải lý (55km). “Các vùng này đã được PVN và các đối tác tiến hành hoạt động dầu khí từ lâu” - ông Hậu nói.
“PVN khẳng định CNOOC đã thông báo chào thầu quốc tế tại chín lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của VN và đây không phải là vùng có tranh chấp. Đây là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật biển và đặc biệt không phù hợp với thông lệ quốc tế về hoạt động dầu khí. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia của VN, làm phức tạp thêm và gây căng thẳng tình hình trên biển Đông” - ông Hậu khẳng định quan điểm chính thức của PVN, đồng thời cho biết PVN yêu cầu CNOOC hủy bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái nói trên, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Luật biển 1982 và tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên về biển Đông (DOC).
Ông Hậu cho biết thực tế PVN và CNOOC đã ký và triển khai một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, trong đó hai bên đang thực hiện công tác thăm dò chung tại khu vực vùng cấu tạo bắc ngang vùng vịnh Bắc bộ, và PVN đã ký thỏa thuận hợp tác hai bên trong các hoạt động dầu khí giữa CNOOC và PVN. “PVN hoan nghênh CNOOC và các công ty dầu khí Trung Quốc tham gia hợp tác cùng PVN, đầu tư vào các hoạt động dầu khí trên thềm lục địa của VN như các công ty dầu khí khác, đương nhiên trên cơ sở tôn trọng luật pháp, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN” - ông Hậu nói. Ông cho biết PVN sẽ có thư chính thức gửi CNOOC để phản đối và yêu cầu hủy kế hoạch mời thầu này.
PVN tiếp tục triển khai các hoạt động dầu khí
Tại buổi họp báo, ông Đỗ Văn Hậu đã trả lời câu hỏi của nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài nước.
* Việc CNOOC thông báo chào thầu quốc tế chín lô này có ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của PVN với các đối tác?
- Chín lô này nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, vì vậy PVN cùng các đối tác của mình sẽ không bị ảnh hưởng mà tiếp tục triển khai các hoạt động dầu khí phù hợp với các hợp đồng đã ký và luật pháp của VN. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động dầu khí tại đây.
* PVN có những hợp đồng hợp tác với các đối tác nào trong khu vực mà CNOOC đang mời thầu?
- Có bốn hợp đồng dầu khí đang được triển khai giữa PVN và các đối tác. Thứ nhất là hợp đồng với Gazprom từ lô 129 đến 132, thứ hai là hợp đồng tại lô 128 với Công ty Dầu khí quốc gia của Ấn Độ, thứ ba là hợp đồng tại các lô 156-159 (mà phần phía bắc dính vào chín lô Trung Quốc đang mời thầu) với Exxon Mobil của Mỹ. Cuối cùng là lô 148-149 mà PVN đã ký hợp đồng với Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí của VN. Hoạt động dầu khí tại các khu vực này đã được tiến hành từ nhiều năm nay và vẫn đang được tiếp tục.
* Các công ty nước ngoài hợp tác với PVN cần tuân thủ những điều kiện gì?
- Hiện có trên 60 tổ hợp các công ty quốc tế và quốc gia đã ký hợp đồng và hợp tác chặt chẽ với PVN. Để các công ty dầu khí nước ngoài hợp tác với PVN, ngoài kinh nghiệm và nguồn lực, điều kiện tiên quyết là tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN trên biển, phù hợp với luật pháp VN, luật pháp quốc tế và thông lệ dầu khí quốc tế.
* Trong những lô dầu khí VN hiện nay mà PVN đang hợp tác với công ty nước ngoài, mức độ triển khai dự án như thế nào? PVN có kế hoạch thực hiện biện pháp gì để làm yên lòng các nhà đầu tư này?
- Các hoạt động dầu khí tại khu vực này với bốn hợp đồng đã nói ở trên thì chúng tôi đã và đang triển khai nhiều hoạt động dầu khí bình thường, nhiều hoạt động từ khoan đến khảo sát địa chấn hai chiều, ba chiều... Một số lần, các công ty dầu khí nước ngoài nhận được một vài ý kiến từ phía Trung Quốc, ví dụ như Công ty Dầu khí quốc gia của Ấn Độ tại lô 128, nhưng tôi khẳng định rằng các nhà thầu dầu khí khi đã ký hợp đồng với PVN đều khẳng định rằng chúng ta hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế nên các hoạt động sẽ tiến hành bình thường. Chúng tôi đã làm việc với các nhà thầu dầu khí để thống nhất chương trình công tác từ nay đến một vài năm tới.
* PVN dự kiến tổ chức hội thảo vào tháng 7 để mời nhà thầu Nhật Bản. Liệu PVN còn giữ kế hoạch đó?
- Không có kế hoạch nào trong các hoạt động của PVN bị ảnh hưởng bởi cái gọi là mời thầu này của Trung Quốc. Vì vậy mọi hội thảo, hội nghị... với các đối tác Nhật Bản và các đối tác khác vẫn diễn ra bình thường.
(Theo nguồn tin  TTXVN và báo Tuổi trẻ)

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này