Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Vì sao Trung Quốc bị thế giới oán ghét?

Đây là một bài viết của một giao sư giáo sư Hoa kiều tại Anh quốc tên là  Diêu Thụ Khiết, hiện là Viện trưởng Viện Trung Quốc học đương đại, Đại học Nottingham (Anh quốc). Có lẽ yếu tố  "hải ngoại" của tác giả khiến nội dung bài viết trở nên khách quan  và "dễ lọt tai" đối với thế giới , nhất là đối với người Việt Nam (?). Nó có một giá trị đặc biệt đối với giới nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.    
Nguồn: báo Chiến lược Trung Quốc
Người dịch: Đinh Thị Thu và đăng tại http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-trung-quoc/2648-vi-sao-trung-quoc-bi-the-gioi-oan-ghet

 
Trung Quốc đã là nước lớn nhưng luôn trong tình trạng bị bao vây kìm kẹp, thậm chí bị người khác “oán hận”. Nguyên nhân chính: Chính sách ngoại giao thiếu mưu trí; Giới quan chức ngạo mạn, không biết cách học hỏi, luôn tự cho bản thân họ là đúng, khí phách thiên triều.

Trong nền kinh tế, Trung Quốc đã trở thành nước lớn, là cường quốc, không có gì phải thắc mắc. Trong lĩnh vực ngoại giao, Trung Quốc luôn tồn tại trong tình thái bị bao vây cùm kẹp, thậm chí bị người khác "hận". Lý do tại sao?
Trung Quốc rốt cuộc đã làm những gì, khiến cho nhân loại toàn thế giới ức hiếp, thậm chí thù hận như vậy?
Chính sách ngoại giao thiếu mưu trí
Hãy nhìn vào nước Mỹ kia, qua vài năm nữa, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ bị Trung Quốc vượt qua. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự cũng như sức mạnh ngoại giao của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục kiểm soát toàn bộ thế giới như tình hình hiện nay. Có những quốc gia cũng căm hận nước Mỹ, ví dụ như các quốc gia Hồi giáo tại khu vực Trung Đông, thế nhưng lại càng tồn tại nhiều hơn các quốc gia khác tin tưởng vào nước Mỹ, yêu thích nước Mỹ, đồng thời hy vọng nhận được sự bảo hộ che chở trong đó bao gồm toàn bộ tất cả các quốc gia láng giềng của Trung Quốc. Không thể nói người khác "ăn trong bám ngoài" (chi li pa wai), vì sao Mexico không chạy đến để mời Trung Quốc làm chiếc ô bảo hộ cho đất nước của họ, hòng đối kháng lại nước Mỹ?
Đến Đài Loan của Trung Quốc, vài thập kỷ vừa qua cũng đều dựa dẫm vào nước Mỹ.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines đều mong muốn nhận được sự bảo hộ từ Mỹ hòng đối kháng lại Trung Quốc. Thậm chí đến Việt Nam, đất nước đã từng bị Mỹ xâm lược và là nước láng giềng nhỏ bé của Trung Quốc, cũng đều tìm kiếm sự bảo hộ từ Mỹ.
Trong lĩnh vực kinh tế, nhân loại trên toàn thế giới đều tôn mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là G2. Trong nền chính trị và ngoại giao, đại đa số các quốc gia đều coi Trung Quốc là kẻ thù giả định (jia xiang di), nhận định Mỹ là chiếc ô bảo hộ để chống đối lại kẻ thù giả định này. Rốt cuộc là do Mỹ không đúng, hay do nền ngoại giao Trung Quốc thiếu mưu trí? Điều này không cần nói cũng đều hiểu được.
Sự khác biệt giữa hai nước Trung - Mỹ
Chúng ta ngày ngày đều tung hô bắt kịp được Mỹ, rốt cuộc đã bắt kịp được những gì, chỉ có riêng một nhân tố là tổng sản phẩm GDP. Còn bình quân GDP trên đầu người, mức thu nhập bình quân, bình quân chất lượng cuộc sống thực tế, năng lực sáng tạo của nhân dân, trong toàn bộ thế kỷ 21, Trung Quốc không thể nào vượt qua được Mỹ.
Về lĩnh vực quân sự và ngoại giao, Trung Quốc có lẽ sẽ vĩnh viễn không bao giờ sánh đạt được năng lực kiểm soát toàn cầu giống như Mỹ đã từng có.
Không cần nói đến vấn đề kiểm soát toàn cầu. Ngày mùng 8 tháng 05 năm 1999, đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư đã bị đánh bom, chúng ta chỉ có thể đứng tại Bắc Kinh mà mắng nhiếc, đến cả các phương pháp ngoại giao làm thế nào để phục hồi lại thể diện cũng không hề có. Là người Trung Quốc, thực tế mà nói, chỉ có duy nhất hai từ: Nuốt Giận.
Đối với nước Mỹ, chúng ta không có biện pháp nào. Đối với các quốc gia "Tiểu Biết Tam" (Xiao bie san: lưu manh, vô lại), chúng ta cũng bó tay không có sách lược. Vấn đề Đài Loan khu vực phía tây, sẽ trở thành mối vướng víu vĩnh viễn. Điều này không phải là vấn đề lớn, đồng bào của chúng ta, chỉ cần Đài Loan không tuyên bố độc lập, đại lục cũng sẽ luôn như vậy, phải cho qua thì cũng sẽ phải cho qua. Tuy nhiên, Mỹ lại luôn lấy vấn đề Đài Loan ra làm vật cản trở đại lục, khiến cho tình hình trở nên tương đối thụ động, thật là lực bất tòng tâm.
Trung Quốc thiếu bạn, chứ không hề thiếu kẻ thù.
Khu vực xung quanh Trung Quốc, chỉ thiếu bạn, không hề thiếu kẻ thù.
Vấn đề tồn tại hiện nay, người Ấn Độ đang gồng mình nỗ lực mở rộng các hoạt động quân sự chuẩn bị cho các cuộc chiến, rất đều đặn không hoang mang. Hàng không mẫu hạm, tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân. Những thứ Trung Quốc có, Ấn Độ về cơ bản đều có, những thứ Trung Quốc không có, người Ấn Độ cũng đều đã có.
Chúng ta luôn dừng lại trong niềm vui với "Lưỡng đạn nhất tinh" (hai pháo bom và một vệ tinh). Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ cũng đã sở hữu "Lưỡng đạn nhất tinh". Giải thích như thế nào? Sự thực chứng minh rằng, người Trung Quốc không phải là là những người thông minh nhất trên toàn thế giới, đến mức độ thông minh nhất khu vực Châu Á cũng chẳng thể đạt đến. Ngoài Trung Quốc thì còn có những người thông minh khác, thậm chí càng có những quốc gia với những dân tộc thông minh hơn hẳn. Chúng ta không nhìn nhận ra vấn đề này, luôn tự cho mình là đúng, mù quáng tôn vinh bản thân là lớn mạnh, luôn luôn chiêm ngưỡng một cách quá đáng chính bản thân, đây mới chính là căn nguyên tồn tại của các vấn đề.
Nền ngoại giao hiện nay mà Trung Quốc đang thực thi, ai nghe lời, ai nịnh bợ cần tiền thì Trung Quốc sẽ đối xử tốt với họ. Còn ai chỉ trích phê bình, ai chế giễu thì Trung Quốc sẽ căm hận chính họ. Cần biết rằng, những quốc gia không ngừng nịnh bợ cần tiền Trung Quốc đều là những quốc gia không có vị thế quốc tế. Chỉ có những quốc gia dám lên tiếng chỉ trích phê bình, thậm chí dám mắng nhiếc Trung Quốc, mới có năng lực ảnh hưởng đến toàn thế giới. Đối với những quốc gia này mà nói, không cần phải cúi đầu, không có gì là sai lầm. Tuy nhiên nếu không tìm hiểu lẫn nhau một cách nghiêm túc, đạt được sự đồng cảm và đồng thuận, biến "địch" thành bạn, như vậy sẽ là thất bại lớn nhất trong nền ngoại giao.
Giới quan chức thiếu kiến thức phổ quát về lĩnh vực ngoại giao, tự tin và ngạo mạn quá mức.
Giới quan chức Trung Quốc luôn luôn tự cho bản thân họ là đúng, không lắng nghe nổi những quan điểm ngược chiều tiêu cực hay những lời chỉ trích. Kỳ thực, bất kỳ một quốc gia nào cũng đều ích kỷ, đều tồn tại những khiếm khuyết, giống như nước Mỹ và nước Anh, Trung Quốc cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Trung Quốc không cần thiết phải luôn luôn tỏ ra bộ dạng tự cho bản thân là đúng, biết tiếp nhận phê bình thì Trung Quốc mới có thể tiến bộ được.
Trong lĩnh vực ngoại giao, báo chí và ngôn luận Trung Quốc luôn phản đối kịch liệt những lời phê bình của người khác đối với bản thân, không ngừng lặp lại rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là sự trỗi dậy hòa bình. Có quỷ mới tin được, bất kỳ một nước lớn nào cũng đều không thể tự hài lòng với việc chỉ bảo hộ cho chính đất nước họ, luôn luôn tồn tại mong muốn có năng lực và ham muốn đi công kích các nước khác. Vấn đề cốt lõi chính là, liệu có phải là những cuộc công kích các nước khác phi mục đích hay không có đạo lý hay không.
Mỹ chính là một điển hình. Mỹ không ngừng tiến hành các cuộc công kích các nước khác, điều này là không tốt, thế nhưng cũng có vô số các nước khác ủng hộ cho hành xử như vậy của Mỹ. Trung Quốc chẳng phải cũng đã từng đem quân đi đánh Việt Nam đó sao? Tổ tiên của chúng ta Thành Cát Tư Hãn chẳng phải cũng đã cưỡi ngựa chiến giẫm đạp lên Moscow và St Petersburg hay sao? Thời điểm hiện nay, nếu Philippines không tử tế thì đánh nước này một trận có gì là không thể?
Có những lúc có năng lực đánh, hơn nữa lại đánh một cách chuẩn xác, đúng vị, thì không chỉ không mầm mống nên những kẻ địch, mà còn có thể giành được càng nhiều bạn bè hơn. Nước Mỹ chính là như vậy, tạo nên những kẻ địch rất nhiều nhưng bạn bè lại càng nhiều hơn. Vấn đề cốt lõi nằm tại chỗ, nước Mỹ có thể làm được đến việc ngoài trường hợp Osama bin Laden bí mật hành xử Mỹ thì không có bất cứ một quốc gia nào dám đối chọi lại với Mỹ, Trung Quốc liệu có thể được chăng?
Trung Quốc đương nhiên không cần học hỏi Mỹ, cũng không thể học nổi Mỹ. Tuy nhiên có hơi hướng của sự bá quyền Mỹ thì tại sao lại không thể? Sự thật là bản thân yếu kém bất năng lực, chứ không phải là sự nhân từ.
Giới quan chức không biết cách học hỏi nền ngoại giao của các nước khác như thế nào.
Thời gian gần đây, một vị hiệu trưởng trong nước đã nghỉ hưu, nhận được sự điều phái của một cơ quan quyền lực mềm quốc gia nào đó, chuẩn bị đến ba trường đại học hàng đầu của vương quốc Anh để tiến hành chiêu sinh các nghiên cứu sinh tiến sỹ đến Trung Quốc học tập. Đầu tiên, có ai bằng lòng đến Trung Quốc học tiến sỹ hay không thì vẫn chưa biết được, giới quan chức của chúng ta thì đã giả tưởng rằng đến để bố thí cho các trường đại học ở vương quốc Anh này.
Vì thế, vị hiệu trưởng đã nghỉ hưu - khi người còn chưa đến nơi - đã ép buộc yêu cầu ba vị hiệu trưởng đương vị của ba trường đại học tại vương quốc Anh tiến hành cuộc gặp gỡ với họ vào thời gian cuối tuần. Thật không dễ dàng gì, có một vị hiệu trưởng và phó hiệu trưởng của một trường đại học đã nhận lời đáp ứng cuộc gặp gỡ này, hơn nữa còn chuẩn bị bữa tiệc thiết đãi thịnh soạn. Đây chính là phép tắc lịch sự của vị hiệu trưởng của vương quốc Anh. Khi thời gian vừa mới được sắp xếp ổn thỏa, một cú điện thoại đột nhiên được gọi đến, nói rằng liệu có thể thay đổi sang thời gian một ngày khác được hay không.
Tâm lý người phụ trách liên lạc phía Anh đã bắt đầu rụt rè, nhưng để giữ lịch sự vẫn còn yêu cầu vị hiệu trưởng của trường đại học đó thay đổi lại thời gian, việc đó là do người phụ trách liên lạc và vị lãnh đạo này bình thường luôn duy trì mối quan hệ rất tốt đẹp. Người lãnh đạo mặc dù cũng đã đồng ý tiến hành thay đổi lại thời gian. Nhưng không ngờ được rằng, khi đưa tin tức tốt lành này nói cho bên phụ trách liên lạc của phía Trung Quốc, thì ông ta lại trả lời rằng, "thế thì mời ông mau chóng gửi bản sơ yếu lý lịch của vị hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường đại học phía Anh của các ông cho tôi".
Người phụ trách liên lạc phía Anh kỳ thực không thể kìm nén được nữa. Tuy nhiên vẫn lịch sự mà gửi sang một bức thư rằng, "mời ông gửi trước bản sơ yếu lí lịch của vị hiệu trưởng đã nghỉ hưu của phía Trung Quốc chuẩn bị đến thăm đó được không? Các ông là những người khách đến thăm không gửi bản sơ yếu lí lịch sang, lại yêu cầu bản sơ yếu lí lịch của chính nhà lãnh đạo cao nhất của bên tiếp đãi, e rằng không được thỏa đáng"?
Đối phương đã gửi lại thư hồi âm, "vị hiệu trưởng của phía Trung Quốc chúng tôi hiện tại không có sẵn bản sơ yếu lí lịch, nếu ông cần, xem trên Google liệu có thể tìm thấy được hay không"?
Người phụ trách liên lạc của phía Anh nói rằng: "các sơ yếu lí lịch của tất cả các vị lãnh đạo cũng như các giảng viên trong trường đại học của chúng tôi đều công khai hiện trên các trang web trong trường đại học, ông hãy tự tìm đi".
Trung Quốc vẫn chưa phải là quốc gia lớn nhất, mạnh nhất thế giới, giới quan chức phổ thông đã tồn tại thói quen coi những người nước ngoài như là nô tài của bản thân, hơn nữa lại chính là những người nước Anh, thật sự là có khí phách của thiên triều. Giới quan chức phổ thông đã như vậy, giới quan chức cấp cao thì lại càng quá đáng hơn. Trong mỗi một cuộc họp mang tính chất quốc tế, không quan tâm người khác có nguyện vọng lắng nghe hay không, có ủng hộ hay không, nhất cử nhất động luôn đặt ra không ít những kiến nghị, những nguyên tắc yêu cầu áp đặt lên các tầng lớp lãnh đạo nước ngoài tương đương chức hàm. Xin hỏi rằng, người nước ngoài đặc biệt là những quốc gia nhỏ yếu liệu có thật sự trở thành bạn bè của Trung Quốc được không, có thể không sợ sệt, không "hận" Trung Quốc được chăng?



Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Viết lại tên Bách Việt


Đây là tên của một bài viết của tác giả  Nguyễn Đại Việt đăng tại Nguyễn Thái Học Foundation   http://www.nguyenthaihocfoundation.org/lichsuVN/viet-lai-ten-Bach-Viet.htm 
Nhận thấy bài viết đề cập cùng chủ đề của blog Bách Việt và tập trung vào hai vấn đề lịch sử có nhiều khuất tất nhất và  dường như đang bị "quên lãng" bởi chính người Việt Nam, đó là a) nguồn gốc và mối quan hệ giữa dân tộc Việt Nam và Bách Việt nói chung (?); b) người Việt có chữ viết riêng hay không và tiếng Việt vay mượn tiếng Hán hay ngược lại (?), chủ blog tôi xin giới thiệu để cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho bạn đọc. Hy vọng tài liệu này  sẽ góp phần trả lời một số thắc mắc đồng thời  thúc đẩy hơn nữa công tác nghiên cứu lịch sử dân tộc ta theo hướng khách quan và tôn trọng  sự thật lịch sử dựa vào không chỉ sử sách cũ mà tất cả các nguồn dữ liệu mới trên cơ sở khoa học khảo cỗ và nhân chủng học hiện đại. Sự hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về cội nguồn dân tộc sẽ giúp người Việt Nam thật sự thoát khỏi nỗi mặc cảm truyền kiếp và lấy lại tâm thế đáng có của mình.      
   
Viết lại tên Bách Việt
                                                                                   Tác giả: Nguyễn Đại Việt(*)
                                                              
Sau khi hợp lực đánh đổ nhà Tần năm 206 trước Công Nguyên (TCN), Lưu Bang bất thần xé bỏ hòa ước Hồng Câu xua quân bao vây Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ và diệt nước Sở năm 202 TCN. Cùng năm đó, ông lên ngôi hoàng đế sáng lập ra nhà Hán còn gọi là nhà Tiền Hán hay nhà Tây Hán. Về chữ viết, Hán triều tiếp tục chính sách của Tần Thủy Hoàng trong việc sửa đổi và tiêu chuẩn hóa một loại cổ ngữ thành một hệ thống chữ viết gọi là Hán ngữ.
Hình 1: Chữ "Việt" (bên trái) viết theo lối chữ Triện thời Tây Hán. Chữ "tẩu" (thứ hai từ trái sang phải) dùng để xác định ý nghĩa và chữ "người cầm qua" (bên phải) dùng xác định cách phát âm. Chữ cuối phát âm là "Việt" có hình tượng giống như một người cầm cái qua (戈). Trong Hán ngữ chữ "qua" (戈) có nghĩa là "cái mác" hoặc "chiến tranh".
Trong khoảng từ năm 109 đến năm 91 TCN, Tư Mã Thiên, một sử gia nổi tiếng đời Tây Hán, dùng Hán ngữ biên soạn bộ Sử Ký dài 130 tập, theo chú thích trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, ông là người đầu tiên viết hai chữ Bách Việt trong tập Ngô Khởi Truyện của bộ Sử Ký nổi tiếng đó. "Bách Việt" được dịch sang Hán ngữ hiện đại là 百 越.

Một bộ sử khác do Ban Bưu khởi xướng, bộ Hán Thư (漢書) gồm 100 tập, cũng được soạn thảo vào thời Tây Hán chép rằng:
“Trong vòng bảy hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Hội Kế (Cối Kê), ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình.”

Bách Việt mà hai bộ Sử Ký và Hán Thư đề cập đến chính là chủ nhân của vùng đất rộng lớn, bao trùm toàn cõi Hoa Nam và miền Bắc Việt Nam ngày nay; ngoại trừ Lạc Việt (Việt Nam) các thị tộc Bách Việt khác đều bị Hán tộc tiêu diệt, đồng hóa và chiếm đoạt hết lãnh thổ.

Theo Hán ngữ hiện đại, tên các thị tộc của Bách Việt được viết là 於 越 (Ư Việt), 揚 越 (Dương Việt), 閩 越 (Mân Việt), 南 越 (Nam Việt), 東 越 (Đông Việt), 山 越 (Sơn Việt), 雒 越 (Lạc Việt), 甌 越 (Âu Việt), v.v…tất cả các tên đều gắn liền với chữ 越, gọi là "chữ Việt bộ Tẩu". "Tẩu" có nghĩa là "chạy" nhưng không hiểu vì sao sử gia Lê Văn Hưu thời nhà Trần khi biên soạn quyển Đại Việt Sử Ký (大越史記) năm 1272 và sử gia Ngô Sĩ Liên, triều vua Lê Thánh Tông, khi viết quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (大越史記全) năm 1479, vẫn sử dụng chữ "Việt bộ Tẩu" của nhà Tiền Hán.

Bài viết này gồm 2 phần. Phần chính giới thiệu chữ "Việt" nguyên thủy của người Việt cổ đồng thời chứng minh "chữ Việt bộ Tẩu" của nhà Tây Hán là một bản dịch sai của chữ "Việt" đó. Phần còn lại, phần phụ, trình bày một cái nhìn, một cảm nhận cá nhân về chữ "Việt" của một vị vua sống trong thế kỷ thứ 5 TCN.

CHỮ "VIỆT" CỦA BÁCH VIỆT

Tại sao chủng tộc Bách Việt lại tự nhận diện qua một cái tên không phản ảnh một chút sắc thái nào của mình? Nguyên do nào khiến tên của một chủng tộc từng làm chủ một lãnh thổ rộng lớn lại mang ý nghĩa bi quan như thế?

Ngày nay, khi tìm hiểu ý nghĩa chữ "Việt" giới nghiên cứu không tránh khỏi ngạc nhiên và băn khoăn bởi những câu hỏi tương tự trên đây. Mặc dù có những nổ lực bỏ ra nhằm khám phá những bí ẩn đàng sau chữ "Việt bộ Tẩu", nhưng đến nay tuyệt nhiên vẫn chưa có một giải thích thuyết phục nào được công nhận một cách rộng rãi. Sỡ dĩ có sự bế tắc đó là vì họ đã nghiên cứu một cái tên sai. Quả vậy, chữ 越 hay "Việt bộ tẩu" không phải là do người Việt cổ đặt ra, nó chỉ là một phiên bản được các sử gia và học giả của triều đình Tây Hán dùng Hán ngữ dịch từ chữ "Việt" nguyên thủy vốn đã xuất hiện trước đó ít nhất là 300 năm.

Từ văn tự cổ đến trống đồng và những cổ vật khai quật được đặc biệt là thanh gươm của vua Câu Tiễn, chúng ta sẽ tìm câu trả lời chính xác cho câu hỏi Việt là gì, nó sẽ giải tỏa nghi vấn kéo dài suốt hơn 2000 năm kể từ khi Tư Mã Thiên dùng Hán ngữ đặt bút viết chữ " Việt bộ Tẩu" (越) trong bộ Sử Ký của ông đến nay. Trong phần này các chữ "Việt" thuộc thời đại đồ đồng sẽ được trình bày và phân tích. Kế đó, thành phần cấu tạo của chúng sẽ được so sánh với thành phần cấu tạo của chữ "Việt bộ Tẩu" và chữ "Việt bộ Kim".

1. Chữ "Việt" nguyên thủy của người Việt cổ trong thời đại đồ đồng

Giáp Cốt văn là loại văn tự khắc chạm trên mai rùa hay xương động vật. Chữ trên mai rùa gọi là Giáp văn còn chữ trên xương những động vật khác gọi là Cốt văn. Chữ viết khắc chạm trên đồng và kim loại gọi là văn tự thời đồ đồng. Cả hai loại văn tự đều có từ đời nhà Thương và Giáp Cốt văn là loại văn tự cổ xưa nhất. Triều đại nhà Thương xuất hiện trong khoảng từ năm 1600 đến 1046 TCN, kinh đô đóng tại đất Ân thuộc tỉnh Hà Nam, Trung quốc ngày nay. Giặc Ân trong huyền sử Phù Đổng Thiên Vương của người Việt chính là nhà Thương này. Hiện nay có hơn 4.000 chữ thuộc văn tự thời đồ đồng được khai quật và trong đó một số chữ "Việt" được ghi nhận. Xin lưu ý là các văn tự đồ đồng và Giáp Cốt văn dùng trong tài liệu này đều được cung cấp từ chineseetomology.org, một website về cổ ngữ rất phong phú và hữu ích của ông Richard Sears.

Sau đây là 5 chữ "Việt" viết bằng loại "chữ chim", có nơi gọi là "chữ sâu bọ và chim", một loại cổ ngữ rất phổ biến và thông dụng ở các nước Sở, Việt, và Chu.

a) Chữ "Việt" mang ký hiệu B01747


Hình 2: Một chữ "Việt" trong thời đại đồ đồng

Nhận xét chữ mang ký hiệu B01747:

- Người đeo lông chim trên đầu và thắt lưng. Từ đây về sau sẽ gọi là "Người Chim".

- Người Chim đứng với hai chân dang rộng, tay cầm một cây gậy dựng đứng trên mặt đất và trên thân gậy có 2 cái móc nhỏ.

- Chữ này chỉ có một thành phần là chính nó.

- Niên đại: không rõ.

b) Chữ "Việt" mang ký hiệu B01748


Hình 3: Một chữ "Việt" trong thời đại đồ đồng

Nhận xét chữ mang ký hiệu B01748:

- Thành phần bên phải là Người Chim.

- Tay Người Chim cầm một vật giống như cái qua (mác).

- Người Chim trong tư thế của một vũ điệu.

- Thành phần bên trái là ký tự gồm một hình tròn nằm trên chữ mang hình tượng có đầu tròn to với một cái đuôi.

- Niên đại: không rõ.

c) Chữ "Việt" mang ký hiệu B01750


Hình 4: Một chữ "Việt" trong thời đại đồ đồng

Nhận xét chữ mang ký hiệu B01750:

- Thành phần bên phải là Người Chim.

- Thành phần bên trái gồm một hình tròn nằm trên ký tự có hình tượng giống thân rắn với 2 sừng.

- Niên đại: không rõ.

d) Chữ "Việt" mang ký hiệu B01751


Hình 5: Một chữ "Việt" trong thời đại đồ đồng

Nhận xét chữ mang ký hiệu B01751:

- Thành phần bên phải là Người Chim trong tư thế nhảy múa.

- Người Chim không cầm qua hoặc binh khí.

- Thành phần bên trái là một hình tròn nằm trên một cái đầu có đuôi cong.

- Niên đại: không rõ.

e) Chữ "Việt" mang ký hiệu B01749


Hình 6: Một chữ "Việt" trong thời đại đồ đồng

Nhận xét chữ mang ký hiệu B01749:

- Thành phần bên phải là Người Chim.

- Tay phải của của Người Chim cầm một vật có hình dạng của một cái qua.

- Thành phần bên trái gồm một hình tròn có chấm bên trong và nằm ngay trên ký tự có hình tượng uốn lượn như thân rắn với một cái đầu to, miệng (hoặc 2 sừng) và mắt.

- Niên đại: 496 - 465 TCN. Đây là chữ "Việt" được khắc trên thanh gươm của vua Câu Tiễn nước Việt (khác với Việt Nam).

Kết luận: Khảo sát các chữ "Việt" trên đây chúng ta rút ra được 2 điểm quan trọng,

- Thứ nhất, chữ "Việt" nguyên thủy của người Việt cổ có niên đại trong khoảng từ 496 đến 465 TCN, nghĩa là chúng xuất hiện trước chữ "Việt bộ Tẩu" của nhà Tiền Hán ít nhất 3 thế kỷ.

- Thứ hai, yếu tố chủ đạo của các chữ "Việt" là "Người Chim". "Qua" hay binh khí là yếu tố phụ.

2. Chữ "Nước" (Quốc gia) trong thời đại đồ đồng

Theo định nghĩa của chữ 邑 (ấp), một trong các ý nghĩa của nó là "nước" hay "quốc gia". Ví dụ như "nước Chu" (邾: Chu quốc) hay "nước Hàn" (邗: Hàn quốc) thời Xuân Thu và Chiến Quốc.




Hình 7: Chữ "ấp" trong thời đại đồ đồng. Chữ này có nghĩa là "nước", "quốc gia", "kinh đô, "thành thị" hoặc là vùng đất được vua ban cho.




Hình 8: "Chu quốc" nghĩa là "nước Chu" theo cách viết trong thời đại đồ đồng (trái) và thời chữ Triện (phải).


Trong chữ "Chu quốc" nghĩa là "nước Chu" (hình 8), chữ "nước" được đặt sau chữ "Chu", khác với cách viết của người Việt là chữ "nước" được đặt trước như trong các chữ "Việt" của thời kỳ đồ đồng và cách viết hiện nay của người Việt Nam. Tương tự, chữ "nước" được dùng trong chữ "Hàn quốc" (nước Hàn) trong hình 9.


Hình 9: "Hàn quốc" nghĩa là "nước Hàn" theo cách viết trong thời đại đồ đồng (trái) và theo lối chữ Triện (phải).


Hiện nay có tất cả 31 chữ "邑" (ấp) thuộc thời kỳ đồ đồng (hình 7) được ghi nhận.

3. Chữ "Tẩu" trong thời đại đồ đồng

Chữ 走 (Tẩu) là thành phần bên trái của chữ 越, chữ "Việt bộ Tẩu", viết theo Hán ngữ hiện đại.



Hình 10: Chữ "Tẩu" (Hán ngữ hiện đại: 走) trong thời kỳ đồ đồng.

So sánh chữ "nước" (hình 7) với chữ "tẩu" của thời kỳ đồ đồng (hình 10) thì hai chữ này hoàn toàn khác nhau từ hình thức đến nội dung. Hơn nữa "nước" là một danh từ còn "tẩu" là một động từ. Hiện có 17 chữ "Tẩu" thuộc thời đại đồ đồng được ghi nhận (hình 10).

4. Chữ "Kim" thời đại đồ đồng

Trong hình 11 và phía trên là một số cách viết chữ "Kim" trong thời đại đồ đồng. Ở dưới và bên phải là chữ "Gươm", chữ cuối trong 8 chữ được khắc trên thanh gươm của vua Câu Tiễn. Thành phần bên trái của chữ "Gươm" chính là chữ "Kim".




Hình 11: Các cách viết chữ "Kim" trong thời đại đồ đồng (trên). Chữ "Kim" là phần trái của chữ "Gươm" (hình dưới, bên phải) và chữ "Nước" là phần trái của chữ "Việt" (hình dưới, bên trái) trên thanh gươm của vua Câu Tiễn.


Cũng trong hình 11, ở dưới và bên trái, chữ "Việt" là chữ đầu tiên trong 8 chữ cổ trên thanh gươm của vua Câu Tiễn. Phần bên trái của chữ "Việt" không thể là chữ "Kim" vì không bao giờ có 2 chữ "Kim" khác nhau được khắc trên cùng một thanh gươm, nhất là thanh gươm của một ông vua. Hơn nữa về hình thức thì 2 chữ 邑 (Ấp, hinh 7) và 金 (Kim, hình 11) hoàn toàn khác nhau. Hiện nay có tất cả 82 chữ "Kim" thuộc thời đại đồ đồng được ghi nhận.

Kết luận: Thành phần bên trái của chữ "Việt" nguyên thủy chính là chữ "邑" (ấp) và được viết bằng "văn tự chim", một loại chữ cổ có trước Hán ngữ và rất thông dụng ở các nước Sở, Việt, và Chu.

5. Chữ "Người Chim" trong chữ "Việt" nguyên thủy và chữ "người cầm qua" (戉) trong "chữ Việt bộ Tẩu" của nhà Tây Hán

Chữ "Việt bộ Tẩu" của triều đình nhà Tây Hán viết theo Hán ngữ hiện đại gồm 2 thành phần. Phần bên trái là chữ "Tẩu" dùng để xác định ý nghĩa của toàn chữ và phần bên phải là chữ "Việt" dùng để phát âm (hinh 12).



Hình 12: "Việt bộ tẩu" viết theo Hán ngữ hiện đại.

Chữ bên phải của chữ "Việt bộ Tẩu" mang hình tượng một người cầm qua, chữ này có gốc từ chữ 戈 của Hán ngữ và có nghĩa là "Qua", 'Mác" hay "Chiến tranh". Chữ 戉 (người cầm qua) trong chữ "Việt bộ Tẩu" không phải là thành phần cấu tạo của chữ "Việt" nguyên thủy.


Hình 13: Một cách dịch chữ "Người Chim" của người Việt cổ sang Hán ngữ hiện đại. Lưu ý là Hán ngữ không có chữ này.


Thật vậy, từ chữ "Việt" trong thời kỳ đồ đồng đến hàng trăm trống đồng được khai quật ở Việt Nam và vùng Hoa Nam, tất cả đều thể hiện một quan niệm đồng nhất của người Việt cổ khi dùng các yếu tố chủ đạo để tự nhận diện và yếu tố đó chính là "Người Chim" tay cầm qua hay binh khí (hình 13).



Hình 14: "Người Chim" trên trống đồng Ngọc Lũ. Nguồn: Wikipedia.


Cho đến nay số lượng chữ "Việt" thuộc thời đại đồ đồng khai quật được tuy không nhiều nhưng quan trọng là tất cả đều thể hiện tính nhất quán cả về nội dung lẫn hinh thức. Vì vậy, có thể tiên đoán rằng đối với bất kỳ chữ "Việt" nào có trước thời Tiền Hán và được viết theo "văn tự chim" thì xác xuất để nó mang cùng nội dung và hình thức với 5 chữ "Việt" trình bày trên đây rất cao.



Hình 15: Một ví dụ của chữ "Việt" được dịch sang Hán ngữ hiện đại từ chữ "Việt" nguyên thủy. Bên trái là chữ ấp (邑: nước), bên phải là chữ "Người Chim" tay cầm qua và phát âm là "Việt". Toàn chữ viết và đọc là "nước Việt". Trong Hán tự không có chữ này. Hán ngữ hiện đại dùng chữ 國 (quốc, nước, quốc gia) thay thế cho chữ 邑 (ấp, nước, quốc gia).


Kết luận: Chữ "Việt" nguyên thủy của người Việt cổ có niên đại từ 496 - 465 TCN, viết bằng "văn tự chim", xuất hiện trước chữ "Việt bộ Tẩu" bằng Hán ngữ của nhà Tây Hán ít nhất 300 năm. Chữ "Việt" của Bách Việt được cấu tạo bởi hai thành phần duy nhất là chữ "Nước" (邑: ấp, quốc gia) ở bên trái và chữ "Người Chim" tay cầm qua ở bên phải. "Người Chim" là yếu tố chủ đạo, phát âm là "Việt", "qua" hay binh khí là yếu tố phụ (hình 15).


oOo


Từ các chứng cớ lịch sử vững chắc đã được công bố bao gồm văn tự của thời đại đồ đồng, hoa văn trên trống đồng, và cổ ngữ trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, những phân tích trên đây chứng minh rằng dù được viết bằng Hán ngữ thời Tây Hán hoặc hiện đại thì nội dung và hinh thức của chữ 越, chữ Việt bộ tẩu và 2 thành phần của nó 走 và 戉, hoàn toàn không phải là chữ "Việt" của Bách Việt, nó chỉ là một phiên bản được dịch từ chữ "Việt" nguyên thủy vốn đã có trước khi nhà Tây Hán thành lập 3 thế kỷ. Hán sử không trung thực khi ghi chép về Việt tộc, đó là sự thật, và điều đáng tiếc là Tư Mã Thiên, dù với bất kỳ lý do nào, đã xem nhẹ kiến thức và uy tín của tác giả bộ Sử Ký nổi tiếng khi dịch sai tên một chủng tộc. Ông đã bị chính trị ảnh hưởng, hay nói một cách chính xác hơn, đó là một nhầm lẫn được suy tính chu đáo của triều đình nhà Tây Hán trong chính sách tiêu diệt và đồng hóa các thị tộc Bách Việt.

PHỤ LỤC: MỘT CÁCH DỊCH CHỮ "VIỆT" SANG HÁN NGỮ

Chúng ta bắt đầu phần này bằng một câu chuyện về nước Oa (Wa), một quốc gia nằm trong vùng biển phía đông của Hoa lục. " Oa" viết theo Hán ngữ là 倭, là tên do người Hán đặt cho dân tộc này và được họ dùng trong nhiều thế kỷ để tự nhận diện và khi giao tiếp với các triều đình Trung Hoa.

Mãi đến thế kỷ thứ 8, sau khi khám phá ra thâm ý phía sau tên Oa, học giả và trí thức người Oa lập tức dùng một tên khác để thay thế. Chữ Oa (倭) mang ý nghĩa châm biếm và xúc phạm như "phục tùng" hay "thằng lùn", còn tên mới 和 có nghĩa là "hài hòa, hòa bình, và quân bình. "Đại Hòa" (大 和) từng là tên của nước Oa sau thế kỷ thứ 8. Ngày nay người Oa dùng một tên khác mà người Việt thường ưu ái gọi họ là "con cháu Thái Dương Thần Nữ". Đó là đất nước và dân tộc Nhật Bản (日本).

Trong phần chính chữ "Việt" được phân tích theo phương pháp khoa học và căn cứ trên những chứng cớ cụ thể đã được công nhận. Trong phần này ý nghĩa của chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn được suy diễn đơn thuần dựa theo phong tục tập quán của người Việt và vì vậy cách dịch chữ "Việt" ở đây có thể không hoàn toàn khách quan.

1. Chính sử: Thanh gươm của vua Câu Tiễn

Câu Tiễn là một người Việt cổ, làm vua nước Việt từ năm 496 đến 465 TCN. Vương quốc của ông lúc bấy giờ bao gồm Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô ngày nay và kinh đô đặt tại Hội Kế (Cối Kê) trong tỉnh Chiết Giang. Tỉnh Chiết Giang là nơi có con sông Tiền Đường, giòng sông nơi Thúy Kiều gieo mình tự vẫn nhưng được sư Giác Duyên cứu sống trong tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn Du.



Hình 16: Thanh gươm của vua Câu Tiễn được khai quật năm 1965 hiện được trưng bày tại viện bảo tàng Hồ Bắc, Trung quốc. Nguồn: uncleicko.

Khoảng năm 333 TCN, dưới thời của vua Vô Cương là cháu đời thứ 6 của vua Câu Tiễn, nước Việt bị nước Sở thôn tính và thị tộc U Việt mất nước từ đây.

Tuy vậy, câu chuyện của vị vua người Việt cổ chưa chấm dứt ở đó. Vào năm 1965 người ta khai quật được thanh gươm của ông ở tỉnh Hồ Bắc, Trung quốc và hiện được trưng bày tại viện bảo tàng của tỉnh này (hình 16).

2. Chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn: một cái nhìn khác

Cảm nhận đầu tiên là sự khác thường của chữ "nước" ( 邑) trong chữ Việt trên thanh gươm so với chữ "nước" ( 邑) của các chữ "Việt" khác trong thời đại đồ đồng. Chính sự khác thường đó là nguồn cảm hứng cho phần này, ngoài "Người Chim", trong chữ "Việt" còn có thêm 2 yếu tố khác.

Hình 17: Tám chữ cổ khắc trên thanh gươm của vua Câu Tiễn. Tám chữ này được viết theo lối điểu ngữ (còn gọi là trùng ngữ). Theo thứ tự chúng được dịch là "Việt Vương Câu Tiễn Tự Tác Dụng Gươm" có nghĩa là "Thanh gươm của Vua Câu Tiễn nước Việt tự làm để dùng". Hán tự không có chữ "Gươm". Nhà nghiên cứu Đỗ Thành có phân tích về chữ "Gươm" và "Kiếm" trong bài "Chữ Kiếm trong thanh Gươm của Việt Vương Câu Tiễn". Nguồn: Wikipedia.

Trong hình 18, theo nhận xét thiên về mặt phong tục tập quán và huyền sử hơn là phương diện khoa học và ngữ văn thì chữ "Việt" trên thanh gươm gồm 3 thành phần thay vì 2 như đã trình bày. Ba thành phần đó là các chữ "Mặt Trời", "Rồng", và "Người Chim".

Hình 18: Chữ "Việt" (bên trái) trên thanh gươm của vua Câu Tiễn và 3 thành phần cấu tạo của nó.

Trong các phần kế tiếp, các chữ "Mặt Trời" và "Rồng" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn sẽ được so sánh với cách viết các chữ "Mặt Trời" và "Rồng" trong thời kỳ Giáp Cốt Văn và thời đại đồ đồng. Kế tiếp, hoa văn khắc trên trống đồng sẽ được dùng để thiết lập mối tương quan với các chữ "Mặt Trời", "Rồng", và "Nguời Chim" trong chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn. Cuối cùng, huyền sử "Rồng Tiên" phát xuất từ đời sống thực tế hằng ngày của người Việt cổ được dùng để góp phần nêu lên sắc thái chung mà người Việt cổ dùng để tự nhận diện và phân biệt họ với các chủng tộc khác.

3. Chữ "Mặt Trời" trong Giáp Cốt Văn và trong chữ"Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn

Theo Giáp Cốt Văn (hình 19) và cổ ngữ trong thời đại đồ đồng (hình 20), chữ "Mặt Trời" được viết như là một hình tròn hoặc là một hình có 4 cạnh với một cái chấm hay một gạch ngang nằm bên trong. Hình thức hay cách viết của chữ "Mặt Trời" trong các thời kỳ đó thì duy nhất, nghĩa là:

a. Không có bất kỳ chữ nào mang ý nghĩa khác được viết với hình thức đó.

b. Bất kỳ chữ nào được viết với hình thức như vậy đều có nghĩa là "Mặt Trời".

Vì vậy, một thành phần của chữ "Việt", chữ thứ hai tính từ trái sang phải trong hình 18, được xem là chữ "Mặt Trời".



Hình 19: Chữ "Mặt Trời" trong thời đại Giáp Cốt Văn.




Hình 20: Chữ "Mặt Trời" trong thời đại đồ đồng.


4. Chữ "Rồng" trong Giáp Cốt Văn và trong chừ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn

Trong Giáp Cốt Văn (hình 21), chữ "Rồng" là một hình thù cong như thân rắn với một cái đầu to có 2 sừng và đôi khi trên đầu đội vương miện.

     

Hình 21: Bên phải là một số cách viết chữ "Rồng" trong thời kỳ Giáp Cốt văn. Bên trái là một thành phần cấu tạo nên chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, nó giống chữ "Rồng" của Giáp Cốt văn, có thân uốn lượn như mình rắn với một cái đầu to có mắt và 2 sừng.


5. Chữ "Rồng" trong thời đại đồ đồng và trong chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn

Hình 22 trình bày là các chữ "Rồng" trong thời kỳ đồ đồng. Trong giai đoạn này chữ "rồng" được viết sắc sảo hơn với đầu to, miệng và răng, có hai sừng và đội vương miện.


       
Hình 22: Bên phải là các cách viết chữ "Rồng" trong thời đại đồ đồng. Bên trái là một thành phần cấu tạo nên chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, nó giống chữ "Rồng" của thời đại đồ đồng, có thân uốn lượn như mình rắn với một cái đầu to có mắt và 2 sừng.

So với chữ "Rồng" của các thời kỳ Giáp Cốt văn và đồ đồng thì một trong các thành phần cấu tạo nên chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, chữ thứ 3 tính từ trái sang phải trong hình 18 được cho là chữ "Rồng".

6. Trống đồng: Chính sử của Bách Việt

Khi toàn bộ Bách Việt ở vùng Hoa Nam bị tiêu diệt và đồng hóa, sử sách của họ cũng cùng chung số phận. Tuy Lạc Việt (Việt Nam) tránh được nạn diệt vong và mất nước nhưng sử sách cũng bị Hán tộc thiêu hủy. Quyển quốc sử cổ xưa nhất của Lạc Việt còn lưu lại là quyển Đại Việt Sử Ký (大越史記) của sử gia Lê Văn Hưu thời nhà Trần, quyển này cũng chỉ mới được biên soạn vào năm1272.

May thay, để bổ sung phần nào vào thiếu sót đó là hàng trăm trống đồng cùng những di tích và cổ vật của người Việt cổ được khai quật ở Việt Nam và vùng Hoa Nam trong các thế kỷ qua. Sau đây là sự thật đã được xác lập:

- Hán tộc không có trống đồng.

- Trống đồng do chính người Việt cổ thiết kế và chế tạo.

- Minh văn trên trống đồng phản ảnh sắc thái chủ đạo trong đời sống thực tế của người Việt cổ.

Vì vậy trống đồng là một quyển chính sử của chủng tộc Bách Việt.

7. "Mặt Trời" trong chính sử trống đồng

Về yếu tố "Mặt Trời" thì hiển nhiên không cần lời giải thích dài dòng vì tất cả những trống đồng khai quật được đều có chạm trổ mặt trời ở chính giữa tang trống. Do đó "Mặt Trời" đương nhiên là một yếu tố chủ đạo trong đời sống của người Việt cổ.



Hình 23: Một ví dụ của chữ "Việt" nguyên thủy được dịch ra Hán ngữ hiện đại. Nó gồm chữ "Nhật" (Hán ngữ: 日 nghĩa là mặt trời - phần bên trái và nằm ở trên), chữ "Long" (Hán ngữ: 龍 nghĩa là "rồng" - phần bên trái, ở dưới), và bên phải là chữ "người đeo lông chim trên đầu và thắt lưng, tay cầm cái qua" , lưu ý là Hán ngữ không có chữ này.


8. "Rồng" từ đời sống thực tế đến huyền sử

Huyền sử “Con rồng cháu tiên” là câu chuyện thần thoại không có thật nhưng nó phát xuất từ sự việc có thật trong đời sống hằng ngày của người Việt cổ. Chính sử Việt và Trung Hoa ghi nhận rằng dân Bách Việt có tục xâm mình, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép như sau:

Vua nói: "Người man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa.

Từ nhận định trên người Việt cổ đã nghĩ ra phương pháp xâm mình để tự bảo vệ khi di chuyển và mưu sinh trên sông hồ. Xâm mình là để thuồng luồng hay giao long "tưởng" họ cùng đồng loại nên sẽ không bị chúng gia hại.

Thoạt tiên mục đích xâm mình đơn thuần chỉ là một biện pháp tự vệ đơn giản, nhưng dần dà, khái niệm tự nhận mình cùng đồng loại hay cho mình là con cháu của rồng được hình thành một cách tự nhiên trong tâm thức của những thế hệ sau. Đồng loại với rồng không phải là câu chuyện thần thoại dựa trên một việc hoang đường, trái lại nó bắt nguồn từ ngay trong đời sống thực tế hằng ngày của người Việt cổ, nên "Rồng" được xem là một yếu tố chủ đạo trong đời sống của dân Bách Việt.

9. "Người Chim" trong chính sử trống đồng

Tùy theo niên đại và thị tộc khác nhau, các trống đồng được khai quật có kích thước, phẩm chất và những minh văn khác nhau, nhưng đặc biệt hầu hết các trống đồng đều có chạm trổ những Người Chim, tay cầm qua hay binh khí và ở trong tư thế nhảy múa. Tương tự như sự hình thành khái niệm “con Rồng”, khái niệm “cháu Tiên” được bắt nguồn từ phong tục hóa trang thành Người Chim, một trong những tập quán nổi bật nhất của của người Việt cổ.

oOo

Tóm lại nếu có ai hỏi Việt là gì thì câu trả lời nên là: Việt là "Mặt Trời", là "Rồng", là "Người Chim" (Tiên). Đó là 3 yếu tố chủ đạo để nhận diện chủng tộc Bách Việt. Khái niệm Rồng của Bách Việt phát xuất từ đời sống thực tế qua phong tục xâm mình, còn khái niệm Rồng của Hán tộc thì bắt nguồn từ đâu? Thắc mắc này được dùng để kết thúc phần phụ lục.

KẾT LUẬN

Tại sao nhà Tiền Hán không sửa đổi tên các nước Chu, Tề, Hàn, Triệu, v.v... mà họ lại đặc biệt làm điều này đối với Bách Việt? Chắc chắn sẽ có nhiều câu trả lời và chúng có thể không giống nhau. "Việt" là tên gọi chung của các chủ nhân vùng đất phía nam Trường Giang, dùng "Việt" thì có khã năng hiệu triệu và thống nhất toàn thể Việt tộc, tạo nên một sức mạnh có khã năng đối đầu và thách thức quyền lực của Hán triều trên toàn vùng Lĩnh Nam và Giao Chỉ. Chẳng hạn như sự trỗi dậy và hùng cường của các vương quốc Việt tộc như Sở, Ngô, và Việt thời Xuân Thu Chiến Quốc, hoặc chính nhờ sự hậu thuẫn của Bách Việt nên Triệu Đà mới dám xưng Nam Việt Vũ Đế tạo được thanh thế ngang ngửa với nhà Tây Hán, hay sự đồng loạt hưởng ứng của các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đối với cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40, v.v... Nói chung nếu không tiêu diệt và đồng hóa được Bách Việt thì Hán tộc sẽ không bao giờ chiếm và bình định được vùng đất phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh. Bắt đầu chính sách ấy với việc cấm dùng chữ "Việt" nguyên thủy và thay bằng một tên khác, chữ "Việt bộ Tẩu", người Hán đã thành công lấy được toàn cõi Hoa Nam; nhưng chưa dừng lại ở đó, họ vẫn đang tiếp tục tràn xuống và mục tiêu lần này là Biển Đông Nam Á và căn cứ cuối cùng của Việt tộc.

Lịch sử Bách Việt chứng tỏ không kém phần phong phú khi được hé lộ qua kỹ thuật đúc gươm, trống đồng, cùng những di tích và cổ vật khác được khai quật trong vài thế kỷ qua, đáng tiếc là nền văn minh và văn hóa ấy đã liên tục bị tiêu diệt trong suốt hơn 1000 năm, lãnh thổ thì mất cả chỉ còn lại một dãi nhỏ hẹp. Bị gián đoạn hơn 10 thế kỷ khiến sử Việt thiếu hẳn phần đầu, có chăng thì cũng mù mờ, đầy bí ẩn; phần sau của lịch sử cũng chỉ mới bắt đầu khi người anh hùng xứ Đường Lâm, Tiền Ngô Vương Ngô Quyền, thành công bảo vệ thành trì cuối cùng của Bách Việt bằng một trận đánh đẫm máu trên sông Bạch Đằng năm 938.

Từ kỷ nguyên Internet đọc lại chính sử trên văn tự cổ, trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, trên trống đồng, và đời sống thực tế của người Việt cổ, hậu duệ của họ không những có trách nhiệm viết đúng lại tên Bách Việt để phản ảnh sự nhất quán của cổ nhân về tên chủng tộc, mà còn có bổn phận đào xới và minh bạch hóa lịch sử của chủng tộc vốn là chủ nhân của một lãnh thổ rộng lớn và trù phú. Vì vậy, viết lại tên Bách Việt là khởi đầu cho công cuộc làm sáng tỏ giai đoạn lịch sử bị gián đoạn, đồng thời cũng là lời mở đầu cho một quyển sử mới với hy vọng trong đó có chép cuộc hành trình về lại vùng Lĩnh Nam của hậu duệ người Việt cổ.

Thung lũng Hoa vàng
Mồng Một Tết Nhâm Thìn tức ngày 23 tháng 1 năm 2012

(*)Tác giả Nguyễn Đại Việt là tiến sĩ trong ngành điện toán, chuyên nghiên cứu và phát triển Integrated Circuits và Microprocessor cho kỹ nghệ Semiconductor. Ông là thành viên trong Ban nghiên cứu Á Châu của Nguyễn Thái Học Foundation.




Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Ai muốn cười để sống lâu vào đây...

Trích đoạn một số bài tập làm văn của học trò Việt Nam thời nay  (TL sưu tầm trên mạng) 

Thưa cô, em xin ý kiến
Hãy cho biết cảm nhận của bạn về nhà thơ Tú Xương qua bài "Thương vợ"
Tú Xương là một nhà thơ thương vợ nên có nhiều con. Đồng thời ông cũng là một người thông minh, khôn khéo biết nhường cho vợ những việc nặng nhọc mặc dù ông thi hoài mà không đậu.

Tả cảnh trường em trước giờ học.
Đầu giờ học, khi tiếng trống trường báo hiệu vào mười lăm phút đầu giờ, sân trường em thật hỗn loạn. Các bạn chen lấn xô đẩy nhau. Các bạn còn đè lên nhau, dẫm đạp nhau để kịp vào lớp đúng giờ. Trước cổng trường, một vài cô giáo đi muộn hối hả chạy vào lớp vì bận cho con bú.

Giải thích câu thành ngữ " Anh em như thể tay chân "
Anh em như thể tay chân nghĩa là khi "chân" đau thì "tay" băng bó cho "chân", còn nếu "tay" đau, thì "chân " đưa "tay"đi bệnh viện.

Tả về bà ngoại em.
Nhà em có nuôi một bà ngoại, mỗi sáng thức dậy bà thường lên phòng bố mẹ và em hỏi to: “Vợ chồng, con cái chúng mày ăn gì để tao còn mua?

Em hãy điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống: “… đi đôi với hành”.
Thịt đi đôi với hành.

Em hãy thay lời Âu Cơ kể lại câu chuyện.
Lạc Long Quân hiện lên và nói với tôi rằng: “Ta và nàng đến đây hết tình, ta đưa 50 con xuống biển, nàng đưa 50 con lên bờ”. Nói xong rồi Lạc Long Quân nhảy tùm xuống biển.

Tả một chiếc xe môtô.
Gần nhà em có một chú tên Khánh nhà chú có một chiếc xe môtô. Hằng ngày chú thường xách xe ra đi chợ. Mỗi lần bước lên xe chú hụ ga thật lớn. Bởi thế mỗi lần chú hụ ga là mẹ em bảo: “Thằng trời đánh”.

Tả cảnh đêm đông của gia đình em.
Đêm đông, gia đình em quây quần ấm cúng bên bếp lửa hồng. Bố em ngồi đọc báo, mẹ em ngồi đan len, chúng em thì ngồi học bài, còn ông nội bà nội em thì ngồi nói chuyện ở bàn ăn mà ngọn đèn dầu chiếu hình lên trên tường trông giống như hai con khỉ vậy.

Em hãy đặt câu với từ ”thông thái”.
Bạn Thông thái rau giúp mẹ.

Đặt câu có cụm từ nối tiếp “Vả lại”.
Tối hôm qua em và chị gái em cãi nhau. Chị vả em một cái, em vả lại chị một cái.

Tả về lớp học của em.
Trường em thật là đẹp, các phòng học thật là xinh. Cô giáo giảng bài thật nhiệt tình và say sưa, miệng cô cứ líu lo như chú chim suốt cả ngày. Trong cái nắng oi ả của mùa hè tiếng ve kêu của những chú ve sầu và tiếng cô giáo quát bạn Nam làm cho em bị thức giấc và cảm thấy khó chịu.

Tả buổi tối ở gia đình em.
Buổi tối, gia đình em sau khi ăn cơm xong thường quây quần bên nhau. Bố em ngồi xem thời sự, mẹ em ngồi khâu quần áo. Em ngồi học bài. Bỗng nhiên mẹ em giật mình và hỏi bố em: “Anh ơi tháng này lĩnh lương chưa?”

Tả công viên.
Gần nhà em có một cái công viên. Buổi sáng hay có các cụ già đi bộ tập thể dục. Buổi trưa hay có các bác xe ôm đỗ xe ngủ. Buổi tối hay có các cô chú ngồi ôm nhau.

Tả con đường tới trường.
Con đường đến trường thân yêu của em, em đi mỗi ngày. Đường rất xa khi em đi bộ nhưng lại rất gần khi mẹ chở em bằng xe Honda.

Tả chú thương binh.
Gần nhà em có một chú thương binh, chú đã bị thương 2 lần. Một lần ở Buôn Mê Thuột và một lần ở đùi.

Đặt câu với vần "iêu"
Mẹ em thích tiêu tiền.

Đặt câu có từ “tập thể”.
Sáng nào em cũng tập thể dục.

Tả về cơn mưa rào.
Chiều qua, trời đang nắng chang chang bỗng nhiên sân nhà em đổ cơn mưa rào. Tiếng mưa rơi bập bùng phập phồng nên bố em hát:
“Trời mưa bong bóng phập phồng.
Em đi lấy chồng để khổ cho anh”.

Hãy đặt câu có từ “đỡ đần”.
Vì em chăm học nên em đỡ đần.

Hãy tả về một người bạn thân của em.
Em có cô bạn tên là Hương. Bạn có mái tóc đen nhánh. Đôi mắt to, cái bụng của bạn trắng hếu.

Em hãy tả về bà của mình.
Nhà em có nuôi một bà nội suốt ngày ngồi phẩy quạt nhưng ruồi không bay khỏi miệng, mồm luôn dạy cháu phải sạch nhưng bà lại lấy khăn lau bàn để lau ly uống nước.

Tả con trâu.
Quê em nhà nhà làm nông nghiệp nên gia đình ai cũng có một con trâu. Chú trâu nhà em rất khỏe mạnh và chăm chỉ. Ngày ngày chú theo bố em ra đồng để cày ruộng. Thân hình chú vạm vỡ, 2 chiếc ngà dương lên oai hùng. Chân chú rất to và đen hơn chân bố em.

Tả buổi đi chơi mà em tham gia.
Chủ nhật vừa qua cả nhà em được tổ chức đi Vũng Tàu. Mọi người dậy từ rất sớm để tập hợp lên xe.
Đi được một quãng đường mọi người trên xe đều ngủ chỉ trừ bác tài là còn thức vì bác đã uống thuốc chống ngủ.

Tả bác công nhân.
Tay bác toàn dầu mỡ, trán thì lấm tấm mồ hôi, tai bác như hai cái mộc nhĩ. Thỉnh thoảng bác hay ra bờ rào vườn rau nhà em đi vệ sinh.

Tả em bé.
Gần nhà em có một em bé rất dễ thương, vì hay bị té nên đầu em bị móp.

Đặt câu hỏi với vần: ôm, ốp.
Mẹ em tát em đôm đốp.

Tả cái cặp đi học.
Bố em mua cho em cái cặp rất to và đẹp, hàng ngày em đeo nó đến trường, cái cặp đựng được nhiều sách vở, nó to như cái bình thuốc sâu của mẹ vậy!

Tả ông nội.
Nhà em có nuôi một ông nội, ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn ông ló đầu ra hỏi: Cơm chín chưa bây?


Ngoan cố
Cô giáo ra đề bài tập làm văn: Hãy tả con vật mà em yêu thích. Một học sinh viết:
- Con vật mà em yêu thích nhất là con rận...
Và học sinh này bắt đầu tả con rận, chi tiết đến từng cọng lông. Nhưng cô giáo không hài lòng vì con vật này không được đẹp, nên yêu cầu cậu học sinh tả con chó.
Hôm sau cậu bé nộp bài:
- Con chó nhà em có rất nhiều lông, vì thế nó rất lắm rận. Sau đây em xin tả con rận...
Hơi bực mình, cô giáo bèn cẩn thận chọn một con vật không có rận, là con cá, và bảo cậu tả lại.
Cậu bé viết:
- Con cá sống ở dưới nước nên nó không có lông, nhưng nó có rất nhiều vảy. Nếu nó sống trên cạn thì chắc hẳn nó phải có nhiều lông. Mà nhiều lông thì sẽ có rận. Sau đây em xin tả con rận...
Hoàn toàn không hài lòng, cô giáo đưa ra yêu cầu chót: Hãy tả bạn gái ngồi cạnh em. Cô chắc mẩm cậu bé
không thể nào gán cho cô bạn xinh xắn kia là có rận cho được.
Cuối cùng cô nhận được bài làm:
- Bạn gái ngồi cạnh em rất xinh xắn và sạch sẽ, bạn có mái tóc bóng mượt, cho nên bạn không có con rận nào.
Tuy nhiên, em vẫn xin tả con rận...






--------------

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này