Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Cơ hội để HLV nội lên ngôi?


Sự ra đi đột ngột của Huấn luyện viên (HLV) ngoại Calisto dù muốn hay không đã đặt Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nói riêng và nền bóng đá nước nhà nói chung vào thế khó. Khó vì nhiều lẽ , nhưng có hai lý do chính: đó là thời gian còn quá ít từ nay cho đến khi Tuyển Quốc gia phải ra quân ( trước tiên là trận vòng loại cup châu Á vào tháng 5); và vì tâm lý “sính ngoại” không chỉ trong dân chúng, đặc biệt người  hâm mộ, mà còn cả trong làng bóng đá nước nhà.

Một lần nữa VFF lại đứng trước thế tiến thoái lương nan giữa hai lựa chọn: HLV nội hay ngoại?  HLV ngoại thì đã có nhiều tiền lệ rồi, nội thì hầu như chưa có kể từ thời “mở cửa”. Đối với Tuyển quốc gia, lâu nay HLV nội toàn làm “chân phụ” là chính ! Khó có thể nói dứt khoát vì lý do gì, nhưng có một sự thật  là, người ngoài bảo thì nghe nhưng người đồng chủng, đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí bảo thì không “tâm phục khẩu phục”. Có lẽ vì thế mà dù muốn hay không, bàn đi tính lại, rốt cuộc đành phải chọn “của ngoại” cho được việc cái đã. Nhiều lúc đắt giá lắm mà cũng phải bấm bụng mở hầu bao (như trường hợp thuê  ông Lalisto gần đây nhất chẳng hạn- cò kè mãi cũng không dưới 24.000 đô/tháng!). Nhưng khốn nỗi,  đổi lại, rõ ràng ông ta đã đưa lại một kết quả đúng với cái giá của nó: tấm huân chương vàng Suzuki Cup 2008. Và cũng chính cái kết quả này đang “làm khó” thêm cho các nhà lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam trước tâm lý  “sính ngoại” đã được cũng cố hơn trong dân chúng.

Trên đây là một cách nhìn khách quan. Tuy nhiên người viết bài này lại muốn đưa ra một cách tiếp cận khác nhằm đi tới kiến nghị rằng Việt Nam vào lúc này tốt hơn hết là hãy chọn một HLV nội.  Xin được nêu lý do như sau:

Một là, thời gian đã quá gấp để một HLV ngoại (dù năng lực tốt bao nhiêu) có thể làm quen và nắm vững về mọi điều cần thiết nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ (ngay cả nếu bản thân người được chọn cam kết có thể làm được việc này). Ngược lại, với một HLV nội, việc này không khó khăn gì.  

Hai là, hãy coi đây là một dịp tốt để thử thách năng lực thực sự cũng như các tố chất khác giữa HLV ngoại và HLV nội. Riêng đối với HLV nội đây là một cơ hội để được thể hiện mình, nhất là khi nước ta đang có một thế hệ HLV còn trẻ tuổi nhưng “lớn lên” từ thưc tiễn với những thành tích cao trong quá trình thi đấu khu vực và quốc tế như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn… 

Ba là, dù thành bại, đây là một cơ hội để trãi nghiệm về tâm lý: nên tự cường hay tự ti mà lâu nay người Việt Nam từng vấp phải trong lĩnh vực bóng đá nói riêng cũng như trong các môn thể thao khác và cả  trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, v.v…. Nói cách khác, mọi việc đều cần được liên tục thử nghiệm và kiểm nghiệm lại, chứ đừng mãi sống bằng kinh nghiệm của qúa khứ.

Bốn là, (có thể có người không tán thành) nhưng tôi nghĩ nên hy vọng  đây là một cơ hội để đáp lại lối “làm cao” của một số HLV ngoại mỗi khi họ muốn tìm việc làm với bóng đá Việt Nam. Trong chuyện này cá nhân tôi dù rất hâm mộ ông Calisto nhưng cũng không hài lòng với cái cách mà ông đã chọn thời điểm vừa rồi để “ra đi”.

Thiết nghĩ Việt Nam với gần 80 triệu dân hoàn toàn không phải là một nước nhỏ, lại có một truyền thống yêu bóng đá đầy nhiệt huyết và bản sắc riêng; về trí tuệ cũng đã được minh chứng bằng năng lực học tập và tiếp thu kiến thức thuộc loại cao nhất của thế giới. Thể lực và tầm vóc có thể ảnh hưởng ít nhiều đến thành tích thi đấu nhưng chắc chắn không ảnh hưởng đến nghề làm HLV.  Do đó  không có lý do gì để không sản sinh ra những HLV tầm cở quốc tế. Thậm chí về lâu dài ta hoàn toàn có thể “xuất khẩu “ HLV bóng đá ra thế giới./.
                                                  

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ: Trách nhiệm thuộc về ai?

Dưới đây là trích đoạn chuyện kể lại của một cựu chiến sĩ hải quân đã từng trực tiếp đối mặt với “giặc biển Trung Quốc” trong chiến dịch lẫn chiếm Trường Sa cách nay đúng 23 năm chẵn (đăng trên tuần vietnamanet nhân kỷ niệm lần thứ 23 ngày quân Trung Quốc lấn chiếm Trường Sa)
Trích dẫn:
Buổi sáng sớm ngày 14/3/1988, HQ 505 và HQ 604 đang neo giữ đảo Gạc Ma thì tàu Trung Quốc kéo đến. Anh Dương kể lại một cách lõm bõm: “Họ gọi loa bằng tiếng Việt: “K2 (mật danh của tàu HQ 604) rời đảo ngay. Đây là lãnh thổ của CHND Trung Hoa”. Tôi mới ngủ dậy, mặc độc cái quần đùi. Lúc đầu tôi còn trêu chọc họ cơ. Mình cầm bánh lương khô dứ dứ, họ cũng dứ lại, lương khô của họ còn to hơn! Thế rồi tàu Trung Quốc lùi lại cách đảo chừng hơn 1 hải lý (khoảng 1,8 km) rồi dùng tất cả hỏa lực bắn xối xả vào cả tàu và đảo. Anh Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng của HQ 505, bèn lệnh cho tàu lao vào Cô Lin. Đối phương bắn như vãi đạn, đúng khi tàu ta đang đổ bộ…”. Cùng lúc đó ở hướng đảo Len Đao, hải quân Trung Quốc bắn rát vào chiếc tàu thứ ba, HQ 605.
HQ 505 cháy một mảng lớn. HQ 604 chìm dần. (Còn HQ 605 chìm vào ngày hôm sau, 15/3). Anh Dương cùng đồng đội nhảy xuống biển, bơi về phía đảo Gạc Ma. 9 người bị phía Trung Quốc dùng câu liêm kéo lên, bắt được. Riêng anh bị trúng một nhát câu liêm vào đầu, máu chảy loang đỏ nước, choáng tới mức chìm xuống rất sâu nhưng rồi bị sặc, lại cố ngoi lên, bơi vào bờ. Tới nơi thì do kiệt sức, mất máu, anh ngất đi, được đồng đội sơ cứu rồi dùng xuồng nhôm rút khỏi đảo.
Nguyễn Duy Dương may mắn chỉ bị thương nhẹ. Khi tỉnh dậy, anh mới biết không còn đồng đội nào trên tàu HQ 604 ở bên mình nữa. Người tử thương vì đạn, người chìm theo tàu, người bị bắt.
…….
Nghĩ lại về ngày 14/3 cách đây 23 năm, anh Dương trầm ngâm: “Nói rằng chúng tôi hồi đó hơi chủ quan thì không biết có đúng không, nhưng chẳng ai nghĩ là bên kia sẽ nổ súng, nã pháo, tấn công trên biển cả, cứ tưởng chỉ gây hấn thế thôi. Mỗi người được trang bị một khẩu AK nhưng lúc đó không ai mang súng theo người, để hết ở khoang hàng. Cuối cùng khi chiến sự xảy ra, bên tàu mình tay không, không một tấc sắt. Mà kể cả có vũ khí thì nói chung cũng không tốt, sự phòng bị về căn bản không đáng kể. Trang thiết bị của ta lúc đó đã quá cũ rồi. Tàu ta là tàu 400 tấn, nhập của Trung Quốc từ thời chiến tranh. Tàu đối phương khi ấy lớn gấp cả chục lần ta”.
Anh Dương thổ lộ: “Anh em chúng tôi mong bằng cách nào đó, Việt Nam phát triển tiềm lực quân sự, hải quân, chứ chiều dài đất nước hơn 3.200 km bờ biển mà lực lượng mỏng, trang thiết bị cũ kỹ thì nếu chẳng may có sự cố gì, sẽ ứng phó rất chậm”.
Hết trích dẫn
Trên đây chỉ là môt trong hàng trăn nhân chứng sống nói về các trận chiến không cân sức  giữa ta và địch Trung Quốc, không chỉ trên biển mà cả trên bộ, kể từ  sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975. Qua đó toát lên một “thông điệp” chung nhất là sự yếu thế về quân số và hỏa lực là một chuyện, nhưng yếu do bị đánh bất ngờ mới là điều nguy hại hơn nhiều.
Hoàn toàn không thể trách cứ những người lính mà phải trách những người mang sứ mệnh chèo lái con thuyền đất nước. Không còn nghi ngờ gì nữa, bằng thực tiễn mấy chục năm nay đã cho thấy có sai lầm về đường lối trong cách ứng phó với chủ nghĩa bành trướng Phương Bắc, kẻ ngoài miệng luôn nói lời vàng, viết chữ son": đồng chí tốt, láng giềng tốt ... , nhưng trong lòng  lúc nào cũng coi ta là vật cản trên con đường bành trướng của họ. Họ sử dụng ta để đánh kẻ thù ...rồi lại bán đứng ta, chiếm đất và biển đảo của ta lúc nào họ muốn. Chỉ tiếc sao  ta quá chậm nhận ra điều này? Hay nhận ra rồi mà vẫn ảo tưởng vào lòng “từ bi” của họ? Hay nhận ra tất cả rồi nhưng chỉ vì  lơị ích cá nhân thiển cận nên đành chủ trương “dĩ hòa vi quý” một cách ươn hèn bất chấp lợi ích lâu dài của dân tộc? Vì ươn hèn mà nghĩ ra đủ cách để tránh né đối đầu với địch, thậm chí còn "dạy khôn" nhân dân rằng “phải mềm mỏng, khôn khéo với... kẻ thù! ”. Rõ là khôn quá hóa dại! Một khi đường lối không rõ, thái độ không dứt khoát  thì làm sao chỉ đạo cấp dưới sẵn sàng và kiên quyết chiến đấu (?). Còn nhớ bao lần bị quân Trung Quốc đánh, quân ta đều trong trạng thái bất ngờ. Ngay trước cuộc chiến tranh biên giới đầu năm 1979 Đặng Tiểu Bình đi Mỹ đã cố ý công khai ý đồ "đánh Việt Nam..." để thăm dò dư luận. vậy mà ta chẳng tin (?) Đến khi quân địch tràn qua biên giới,  quân ta vẫn trong tư thế như ngày thường, dân không kịp sơ tán… Mấy lần địch tấn công lấn chiếm Trường Sa cũng vậy. Câu chuyện của người Lính trên đây cho thấy rõ điều đó: Đi làm nhiệm vụ mà không mang theo vũ khí;  địch sắp bắn vào ta mà lính ta vẫn đùa với chúng…  Thật đau đớn!!!
Liệu quân dân ta còn bị bất ngờ đến bao giờ? 
                                                                                                         Hà Nội, ngày 14/3/2011

*****

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Sự khiếp nhược được che đậy bằng cái gọi là khôn khéo(*)

(*) Thấy bài này trên mạng hay... lôi về, nhưng xin lỗi tác giả
Nguyễn Quang Lập
được đề lại cái tiêu đề bằng câu kết (vì thấy nó đúng sự thật hơn chằng?)




Ai đục bỏ lòng yêu nước?



clip_image001
Hôm qua, báo Thanh Niên cho đăng bài “Lạng Sơn, những ngày tháng hai”, một ghi chép (không phải phóng sự) rất hay. “Đây là lần đầu tiên lễ kỷ niệm được tổ chức tại chính Lạng Sơn, mảnh đất tiền tiêu mà 32 năm trước đã diễn ra những trận đánh ác liệt nhất của quân và dân ta để giữ vững từng tấc đất biên cương Tổ quốc… Với nhiều đồng đội cũ, đây là cuộc gặp gỡ sau hàng chục năm xa cách. Người đã chuyển ngành, người vẫn phục vụ trong quân đội nhưng dường như mọi ký ức, tình cảm của những người lính Quân đoàn 14 vẫn còn vẹn nguyên như ngày nào”. Từng là người lính nhập ngũ trong thời kì “Chống Trung Quốc xâm lược”, tui rất cảm động. Nhiều đoạn rưng rưng nước mắt.
Đến khi nhìn thấy bức ảnh:”Tấm bia kỷ niệm chiến thắng tại đầu cầu Khánh Khê” thì sững sờ, rực lên một nỗi đắng cay.
Tấm bia kỉ niệm chiến thắng mà tan nát thế này a? Bốn chữ “Trung Quốc xâm lược” đã bị đục bỏ trắng trợn. Đỗ Hùng (báo Thanh Niên) đã viết trong blog của anh: “Từ “Trung Quốc” đã bị xóa gần như hoàn toàn, từ “xâm lược” cũng thế. Tấm bia ghi chiến tích đánh Trung Quốc của quân đội Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 đã bị đục nát như là bằng chứng cho sự khiếp nhược đã tới mức không thể diễn tả bằng lời“. (Ở TP.HCM, tôi thấy những tấm bia ghi chiến tích đánh Mỹ đặt trước Lãnh sự quán Mỹ, khách sạn Park Hyatt vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt).”
Ai đục bỏ mấy chữ kia? Đỗ Hùng không nói, báo Thanh Niên cũng không nói, chỉ than thở nhẹ nhàng: “Những dấu tích của thời gian và con người đã xóa mờ một vài chỗ trên tấm bia”. Cái “con người” mà báo Thanh Niên nói,  đó là ai? Tại sao lại phải đục bỏ mấy chữ kia? Bởi vì một khi chủ trương đục bỏ bốn chữ  “Trung Quốc xâm lược”  trên tấm bia kỉ niệm chiến thắng tức là tự mình đục bỏ lòng yêu nước. Đỗ Hùng gọi đấy là sự khiếp nhược, quá đúng, sự khiếp nhược được che đậy bằng cái gọi là khôn khéo. Thảm hại thay!
N. Q. L.


08-03-2011

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này