Chủ blog Bách Việt nhận được bài viết này qua họp thư bạn đọc với tiêu đề " Quân đội DCSVN là một thứ kiêu binh". Sau khi tìm hiểu và đối chiếu thấy nội dung cơ bản trùng khớp với những thông tin công khai trên truyền thông VN do đó xin mạn phép đưa lại với tiêu đề khác để làm tư liệu tham khảo và không nhất thiết phản ánh quan điểm của chủ blog.
Quân đội DCSVN là một thứ kiêu binh
SÀI GÒN (NV) - Ðó là nhận định của nhà báo Mike Ives, hãng AP, qua sự kiện Bộ Quốc Phòng CSVN khăng khăng giữ 157 hecta đất vốn thuộc phi trường Tân Sơn Nhất để cho thuê làm sân golf.
Cũng vì Bộ Quốc Phòng CSVN không chịu giao lại 157 hecta đất này, Tổng Công Ty Cảng Hàng Không Việt Nam (ACV) đã đề nghị chính quyền Việt Nam vay 15.8 tỉ Mỹ kim để thực hiện dự án xây dựng phi trường Long Thành do “phi trường Tân Sơn Nhất sẽ quá tải vào năm 2020.”
Ngoài việc tạo ra khoản nợ lên tới 15.8 tỉ Mỹ kim, một báo cáo của chính quyền tỉnh Ðồng Nai cho biết, nếu thu hồi 5,000 hecta đất để thực hiện dự án phi trường Long Thành, chính quyền sẽ phải thu hồi đất của 5,400 gia đình, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sinh kế của 17,000 người
Dự án phi trường Long Thành đã bị nhiều người, nhiều giới phản đối kịch liệt. Những phân tích về sự nguy hại của dự án đối với kinh tế, tài chính quốc gia đã khiến Quốc Hội Việt Nam chùn tay, chưa phê duyệt dự án. Nay, chế độ Hà Nội đang vận động Bộ Chính Trị của đảng CSVN để tác động đến Quốc Hội.
Nhà báo Mike Ives cho rằng, 157 hecta đất của phi trường Tân Sơn Nhất mà Bộ Quốc Phòng Việt Nam đem cho thuê làm sân golf chứ không giao lại để mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất là “biểu tượng của mâu thuẫn lợi ích giữa quân đội Việt Nam và dân chúng Việt Nam.”
Mike Ives nhắc lại tình trạng quân đội Việt Nam - lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ quốc gia đang làm chủ hai tập đoàn lớn tại Việt Nam là Ngân Hàng Quân Ðội và Viettel, đồng thời còn nắm trong tay hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực (xây dựng, đóng tàu, may mặc,...). Chế độ Hà Nội từng công bố một thống kê, theo đó, năm ngoái, các doanh nghiệp của quân đội Việt Nam đạt lợi nhuận trước thuế là 2.1 tỉ Mỹ kim.
Bên cạnh đó, trước nay, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, các doanh nghiệp của quân đội hoạt động ngoài tầm kiểm soát và nhiều hoạt động của hệ thống này thiếu minh bạch.
Ðó cũng là lý do mà nhà cầm quyền CSVN từng vài lần yêu cầu quân đội sắp xếp lại hoạt động của các doanh nghiệp quân đội. Tuy nhiên nhiều người tin rằng, rất khó đẩy quân đội Việt Nam ra khỏi các hoạt động thương mại để chỉ thực hiện vai trò quốc phòng như quân đội nhiều quốc gia khác.
Có một sự kiện mà nhà báo Mike Ives không đề cập trong bài viết vừa được AP công bố. Ðó là hồi trung tuần tháng trước, ông Phan Anh Minh, thiếu tướng, phó giám đốc công an Sài Gòn, từng tiết lộ, các doanh trại quân đội ở Sài Gòn là những “tổng kho” chứa hàng buôn lậu. Tuy nhiên viên thiếu tướng, phó giám đốc công an Sài Gòn, không cho biết chi tiết về vấn đề vốn rất đáng chú ý này.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động trấn áp tội phạm trong ba tháng đầu năm nay của công an các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Ðông Nam Bộ (Sài Gòn, Ðồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh), ông Minh loan báo, vừa qua, công an Sài Gòn đã phối hợp với nhiều ngành khác như Quản Lý Thị Trường, Kiểm Lâm, Thanh Tra Y Tế, thực hiện các cuộc kiểm tra khu vực vành đai của các căn cứ quân sự quanh phi trường Tân Sơn Nhất và phát giác 132 kho chứa hàng buôn lậu.
Ông Minh nhận định, đây là kết quả đáng chú ý sau một thời gian dài bỏ ngỏ một khu vực vốn là nơi qui tụ nhiều hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật.
Trước đó, vào tháng 2, ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Việt Nam từng loan báo, họ nghi ngờ và đang yêu cầu nhiều ngành, nhiều cấp phối hợp với nhau để kiểm tra những kho chứa hàng nằm trong các doanh trại ở Sài Gòn vì tin rằng chuỗi kho ở những khu vực đó chứa nhiều loại hàng lậu với số lượng lớn.
Vào thời điểm vừa kể, Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đang đảm nhiệm vai trò trưởng ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Việt Nam, bảo rằng, có thể các gian thương đã lạm dụng hệ thống kho của quân đội để chứa hàng, chứ chưa thể khẳng định các đơn vị quân đội có liên quan hay không.
Ông Phúc nói thêm là ông ta đã yêu cầu Bộ Quốc Phòng cử thanh tra tham gia, xử lý vấn đề này và sau khi hoàn tất sẽ công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng song đến nay, chỉ mới có phó giám đốc công an Sài Gòn, xác nhận “nghi vấn” mà ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Việt Nam từng nêu là có thật.
|
Kiểm tra một kho chứa hàng lậu và hàng giả. (Hình: Thanh Niên) |
Tại Việt Nam, mỗi năm, thiệt hại do buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gây ra lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng. Ðó là chưa kể buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả khiến các doanh nghiệp Việt Nam điêu đứng, thậm chí phá sản.
Cũng hồi tháng trước, ông Nguyễn Văn Cẩn, chánh văn phòng ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Việt Nam, cho biết, dẫu năm ngoái, Việt Nam đã phát giác 23,000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, quý một năm nay, phát giác thêm 4,000 vụ nữa nhưng “kết quả vẫn chưa như mong muốn vì một số lực lượng, kể cả chính quyền một số địa phương chưa tích cực.”
Với những thông tin mà phó thủ tướng Việt Nam rồi phó giám đốc công an Sài Gòn nói thoáng qua, có thể thêm vào yếu tố khiến việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Việt Nam “chưa như mong muốn” vì gian thương đã mướn được các doanh trại làm hậu cứ. (G.Ð)