“Thời báo hoàn cầu” ngày 11/5 có bài tổng hợp ý
kiến đánh giá của các chuyên gia, cảnh báo về những sai lầm chiến lược mà Trung
Quốc trỗi dậy cần phải nghiêm ngặt phòng tránh và những việc cần làm, trong đó
có sai lầm tai hại là dựa vào vũ lực để giải quyết tranh chấp.
Khúc Tinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu vấn
đề quốc tế Trung Quốc: Một Trung Quốc phát triển nhanh cần phải kiên trì
phát triển hòa bình không thể sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề tranh chấp,
vì: thứ nhất sự tồn tại của nước Mỹ là một hiện thực mà Trung Quốc không thể né
tránh, sự chênh lệch về thực lực tổng hợp giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn rất lớn; thứ
hai, vũ lực không những không giải quyết được vấn đề, mà thậm chí còn gây ra hậu
quả nghiêm trọng hơn; thứ ba, nếu Trung Quốc giữ được nhịp độ phát triển nhanh
toàn diện thì rất nhiều vấn đề khác sẽ có thể dễ dàng được giải quyết; thứ tư,
nếu xảy ra chiến tranh sẽ đem lại nhiều tổn thương tai hại lơn cho kinh tế xã hội,
làm mất đi lợi thế phát triển nhanh. Tuy nhiên, không sử dụng vũ lực không có
nghĩa là để mặc cho người khác tha hồ xâu xé, cũng không có nghĩa là chúng ta hoàn
toàn không sử dụng nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề hiện thực. Nói tóm lại,
chúng ta mãi mãi phải giữ cho được mình là dân tộc lớn hòa bình nhưng trong những
sách lược cụ thể cần có những ứng xử linh hoạt.
Hoàng Nhân Vĩ, Phó viện trưởng Viện khoa học
xã hội Thượng Hải: Trong 10 đến 20 năm tới Trung Quốc có thể bước vào thời
kỳ nguy hiểm chiến lược, nhưng vẫn phải đặt cơ hội chiến lược lên hàng đầu,
nguy hiểm chiến lược ở hàng thứ yếu. Chỉ có như vậy mới có thể vượt qua thời kỳ
nguy hiểm chiến lược. Hòa bình không chỉ có nghĩa là giữa các nước lớn không xảy
ra đại chiến thế giới, mà còn đòi hỏi Trung Quốc không được đối đầu với cả thế
giới phương Tây, không đối đầu với phân lớn các quốc gia không thể là hình ảnh
của một quốc gia hiếu chiến trong dư luận quốc tế.
Cung Lực, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến
lược quốc tế, Trường Đảng Trung ương Trung Quốc: Đối với sự can thiệp và
thách thức từ bên ngoài, Trung Quốc càng phát triển thì biện pháp chống kiềm chế
càng nhiều, việc bảo vệ hòa bình cũng sẽ càng có lợi. vấn đề mấu chốt hiện nay
là phải kiên trì nhận định chiến lược “hòa bình và phát triển là chủ đề của thời
đại”. Trung Quốc gần 30 năm nay tuy phát triển nhanh nhưng trước mắt vẫn chưa
chuyển hóa được thực lực tổng hợp qua phát triển nhanh thành khả năng giải quyết
vấn đề, đặc biệt là khả năng giải quyết các vấn đề quốc tế.
Tôn Kiến Hàng, Phó chủ nhiệm Trung tâm
nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Trường
Đảng Trung ương: Địa vị của Châu Á-Thái Bình Dương trong bố cục chung của
thế giới, nhất là địa vị kinh tế đã có sức nặng hơn, trung tâm kinh tế đang dịch
chuyển về Châu Á. Chiến lược trở lại Châu Á của Mỹ vừa nhắm mục tiêu vào Trung
Quốc, cũng vừa nhằm hợp tác với Trung Quốc. Một mặt, Mỹ trở lại Châu Á đã làm dấy
lên một loạt vấn đề ở xung quanh Trung Quốc, đòi hỏi Trung Quốc phải kiên trì
con đường phát triển hòa bình, nhưng cũng phái căn cứ vào tình hình xung quanh,
đối phó linh hoạt, kiên quyết bảo vệ lợi ích cốt lõi, nếu không sẽ tạo ra ảnh
hưởng mặt trái đối với thời kỳ cơ hội chiến lược. Mặt khác, Mỹ hợp tác với
Trung Quốc cũng không hoàn toàn xuất phát từ tình ý giả tạo, vì thông qua hợp
tác với Trung Quốc, Mỹ có thể có được lợi ích. Vi thế, Trung Quốc phải học cách
lợi dụng nhu cầu này cua Mỹ, thay đổi phương thức tư duy, trong khi giữ vững ngọn
cờ hòa bình cũng đồng thời áp dụng nhiều biện pháp đi cùng với Mỹ để bảo vệ lợi
ích của mình tránh một mực khăng khăng né tránh bất đồng hoặc áp dụng khẩu hiệu
giáo điều.
Cao Tổ Quý, Giáo sư Viện nghiên cứu chiến lược
quốc tế, Trường Đảng Trung ương: Có 5 cặp quan hệ tam giác chồng lấn và đan
xen lẫn nhau ảnh hưởng đến xu hướng chiến lược ở khu vực Châu Á-Thái Bình
Dương, đó là các cặp tam giác Trung – Mỹ – Châu Âu, Trung – Mỹ – Nga, Trung – Mỹ
– Ấn, Trung – Mỹ – Nhật, Trung – Mỹ – ASEAN. Trong 5 cặp tam giác nói trên, có
hai mạch chủ chốt, đó là mạch quan hệ Trung – Mỹ và sự điều chỉnh chiến lược giữa
Nhật Bản, Ấn Độ và ASEAN. Về quan hệ Trung-Mỹ, trong tương lai xu hướng quan hệ
chiến lược của hai nước Mỹ-Trung ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ quyết định
trực tiếp đến xu hướng quan hệ của cả 5 cặp tam giác nói trên. Về việc điều chỉnh
chiến lược giữa Nhật Bản, Ấn Độ và ASEAN thì sự phân hóa và tổ hợp của các nước
này và cả nhóm của các nước đó sẽ khiến cho cục diện cũ trở nên phức tạp khác
thường. Đứng trước những thay đổi như vậy, Trung Quốc cần phát huy ảnh hưởng
kinh tế của mình ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, gắn kết giữa năng lực địa
kinh tế với khuôn khổ địa chính trị, đối phó với việc Mỹ thành lập mạng lưới đồng
minh và đối tác rộng khắp ở Châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài nước Mỹ, phải đồng thời
phát triển quan hệ với nhiều nước lớn như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, điều chỉnh lại
sách lược xử lý quan hệ nước lớn trước đây.
Thiệu Phong, Chủ nhiệm Phòng Chiến lược, Ban
Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới-Viện Khoa học xã hội Trung Quốc:
Trình độ phát triển tổng thể của quốc gia mới thể hiện sức mạnh mềm của quốc
gia đó. Công tác nghiên cứu chiến lược quốc tế của Trung Quốc hiện nay rất cần
giải quyết 4 vấn đề sau: Một là vấn đề về thời cơ chiến lược, Trung Quốc cần nắm
vững thời cơ chiến lược như thế nào và giải quyết vấn đề lịch sử để lại ra sao;
hai là Trung Quốc có rất ít bạn trên thế giới, nên cần phải thông qua thiết lập
quan điểm giá trị chung và lợi ích chung, tranh thủ nhiều bạn hơn trong cộng đồng
quốc tế; ba là nâng cao hình ảnh quốc tế của Trung Quốc; bốn là tăng cường xây
dựng kinh tế, xã hội của quốc gia.
Vương Hồng Tục, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu
ngoại giao Trung Quốc, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế thuộc Trường Đảng
Trung ương: Trong khi hoạch định chiến lược quốc tế, môi trường trong nước
và môi trường quốc tế đều quan trọng như nhau. Tình hình phát triển của Trung
Quốc hiện đang mất cân bằng, sức mạnh mềm về văn hóa lạc hậu nhiều so với phát
triển kinh tế, địa vị Trung Quốc ở vào thể yếu về quyền phát ngôn và dư luận quốc
tế. Trong tình hình nói trên, chiến lược cơ bản của Trung Quốc được hoạch định
trong những năm 80 của thể kỷ trước vẫn cần phải tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên
cần phải căn cứ theo tình hình mới và đặc điểm mới đế điều chỉnh thích hợp. Hiện
nay Trung Quốc vẫn chưa có chiến lược văn hóa quốc tế một cách có hệ thống.
Trương yến Sinh, Tổng thư ký Hội đồng học
thuật – Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia: Trong vài năm tới, với tốc độ
phát triển như hiện nay thì kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Trong tiến trình đó,
giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ xuất hiện tình trạng cạnh tranh, Mỹ sẽ bằng mọi cách cản
trở Trung Quốc, vì thế đối với Trung Quốc, đây là thời kỳ then chốt trong quá
trình phát triển của một nước. Nếu Trung Quốc muốn đối phó được với triển vọng
bất lợi như hiện nay thì phải thay đổi phương thức phát triển của 30 năm trước
để xây dựng mô hình phát triển trên cơ sở các quy tắc và pháp chế, chuyển đổi
phương thức phát triển kinh tế theo mô hình hướng ngoại sang mô hình quốc tế
hóa với các yếu tố về nhân tài, thị trường, tư bản, ngành nghề, tiếp cận với
các quy chế quốc tế về các phương diện thể chế, chiến lược và kết cấu, trong đó
trung tâm là thay đổi thể chế.
Vương Phàm, Trợ lý Viện trưởng Học viện Ngoại
giao Trung Quốc: Xét từ hiện trạng quyền lực và chính trị ở khu vực Châu Á
thì tư duy chiến tranh lạnh không thể loại bỏ được, Trung Quốc cần phải giảm bớt
ảnh hưởng tiêu cực của tư duy chiến tranh lạnh, dự báo đề phòng và kiểm soát khủng
hoảng, đi đến nhận thức chung với Mỹ trong bối cảnh duy trì hiện trạng ở Châu
Á. Một mặt tăng cường hợp tác an ninh đa phương, mặt khác tăng cường hợp tác an
ninh phi truyền thống, tận dụng triệt để hiện tượng cộng sinh ở Đông Á, giải
quyết tốt vấn đề phát triển cân bằng ở Đông Á./.
Lê Sơn (gt)