Chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra cuộc thăm chính thức của Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam dự định vào ngày 20/12 này. Xét trên mọi phương diện, đây không phải là một chuyến thăm xã giao thông thường mà là một chuyến công cán đầy toan tính của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Về mặt nào đó chuyến thăm này còn quan trọng hơn chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nếu như chuyến thăm của ông Trọng là “việc không thể đừng” và nặng về xã giao của người mới nhậm chức, thì chuyến thăm của ông Tập có đặc điểm hoàn toàn khác. Phía Trung Quốc cần chuyến thăm này hơn là phía Việt Nam; nhưng nó có thể đặt ra cho Việt Nam những thách thức và cả cơ hội.
Cấp thấp tầm cao
Trong lịch sử quan hệ Trung- Việt, kể cả trong những thời kỳ quan hệ tốt đẹp trước đây, thường thấy lãnh đạo cấp cao VN sang TQ nhưng hiếm khi cấp cao TQ sang VN. Trong giai đoạn quan hệ không hoàn toàn bình thường hiện nay, việc một nhân vật như ông Tập Cận Bình đến VN là một việc không bình thường. Ông Tập thăm VN dưới danh nghĩa là phó Chủ tịch nước nhưng mang sứ mệnh của người đứng đầu đảng và nhà nước T Q. Với truyền thống tư duy nước lớn của họ thì đây là thời điểm thích hợp để không phải mang tiếng “phá thông lệ”, nhưng vẫn cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Bắc Kinh trước diễn biến tình hình quốc tế và khu vực gần đây buộc họ phải có những bước đi kịp thời tại một số địa bàn trọng điểm, trong đó Việt Nam là một mắc xích . Tóm lại, có thể hiểu việc ông Tập Cận Bình đến Việt Nam lần này chủ yếu là xuất phát từ nhu cầu của phía Trung Quốc.
Vì sao bây giờ, và con bài gì trong tay áo của ông Tập?
Nếu ta thử đẩy lùi thời gian về quảng nữa năm trước chắc sẽ khó mà có một chuyến thăm cấp cao như vậy trong khuôn khổ song phương Trung-Việt (ngoại trừ một số trường hợp lãnh đạo TQ sang VN để tham dự các hội nghị đa phương). Câu hỏi đặt ra là tại sao một nhân vật sắp sửa nắm vị trí đứng đầu đảng và nhà nước Trung Quốc lại "hạ cố" sang thăm Việt Nam vào lúc này?
Phải chăng giới lãnh đạo Trung Nam Hải sau một thời kỳ "tự tung tự tác" với ý đồ độc chiếm Biển Đông nhưng bất thành , nay bắt đầu nhận ra sai lầm, và sự sai lầm đó đã khiến Trung Quốc không những bị cô lập trên trường quốc tế mà còn tạo cớ cho Mỹ quay lại khu vực trong sự hoan nghênh tán đồng của hầu hết các bên liên quan hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây. Hậu quả nhãn tiền là việc quân đội Mỹ đang được triển khai tại phía bắc nước Úc đồng thời được tăng cường trên khắp tuyến phòng thủ truyền thống chạy từ Nhật Bản, Hàn Quốc xuống Philipine ,Singapore… và trong sự liên kết chặt chẽ hơn với Ấn Độ. Không nghi ngờ gì nữa, điều này đã và đang tác động bất lợi cho Trung Quốc khiến họ lo lắng và phải tính đến biện pháp đối phó. Để làm điều này, Trung Quốc một mặt phải căng ra đối phó trực tiếp với Mỹ và đồng minh, một mặt phải tìm cách giành giật lại vai trò ảnh hưởng đối với những địa bàn kế cận xung yếu, trong đó có Việt Nam và Myanma đang có nguy cơ tuột khỏi vòng tay ảnh hưởng của Bắc Kinh. Chia rẽ nội bộ ASEAN cũng là một thủ đoạn mà Trung Quốc đã và đang vận dụng khá thành công.
Đó chính là động cơ sâu xa của chuyến công du lần này của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam. Người ta đang chờ xem con bài cụ thể nào ông ta sẽ rút ra từ trong tay áo của mình trong chuyến thăm Hà Nội. Đó có thể là một lời đề nghị, cũng có thể chỉ là một "động tác giả" nhằm đánh lừa dư luận phục vụ âm mưu chia rẽ cộng đồng ASEAN...
Nguy cơ thách thức và cơ hội nào cho Việt Nam?
Có thể nói, một lần nữa thách thức và cơ hội đang mở ra đồng đều đối với Việt Nam. Thiết nghĩ, để ứng phó hửu hiệu với nước cờ mới của phía Trung Quốc, giới lãnh đạo Việt Nam trước hết cần đứng vững trên mục tiêu chiến lược của dân tộc mình, đó là kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn chủ quyền quốc gia đồng thời giữ vững hòa bình để xây dựng đất nước. Cần thấy rằng diễn biến tình hình Biển Đông nói riêng và Châu Á-TBD nói chung trong thời gian gần đây đang chuyển mạnh sang thế có lợi cho Việt Nam và các nước nhỏ vốn bị Trung Quốc chèn ép và xâm lấn. Những lời tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ của giới lãnh đạo cấp cao Việt Nam gần đây , đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc Hội, được dư luận nhân dân đồng tình, được quốc tế đánh giá cao như một hướng đi đúng đắn của Việt Nam.
Vẫn biết, căn cứ vào so sánh lực lượng cũng như từ bài học lịch sử , nhân dân Việt Nam không bao giờ chủ trương đối đầu với Trung Quốc. Tuy hiên, hơn lúc nào hết, giờ đây lợi ích sống còn của dân tộc đang một lần nữa bị nước láng giềng phương Bắc đe dọa và xâm phạm buộc người Việt Nam phải lựa chọn phương thức mới thích hợp để đấu tranh sinh tồn . Đại đa số nhân dân đã bày tỏ ý chí sẵn sàng dấn thân bằng cách phát huy thế mạnh nội lực kết hợp với sức mạnh tổng hợp của thời đại, kiên quyết đấu tranh vì mục tiêu tối thượng là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, cụ thể là chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa cùng với toàn bộ vùng biển thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo đúng luật pháp quốc tế. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch không thể nhân nhượng. Trên tinh thần đó nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình xung quanh chuyến thăm của ông Tập Cận Bình và hy vọng rằng giới lãnh đạo đất nước sẽ nhân dịp này nhắc lại một cách rõ ràng, dứt khoát quan điểm mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày trước Quốc hội mới đây. /.