Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguồn lực. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguồn lực. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Hơn cả lời từ chối

Mấy ngày qua dư luận nóng lên xung quanh sự kiện nữ Đạo diễn kiêm Diễn viên điện ảnh Nguyễn Thị Kim Chi từ chối giải thưởng của Hội điện ảnh Việt Nam. Từ chối giải thưởng không phải là chuyện lạ, nhưng điều đáng nói ở đây là lý do từ chối vì "không muốn trong nhà có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân".... Nghe thật bi, hùng, hài đúng không, thưa quý vị? 

Số là nghệ sĩ nổi tiếng Nguyễn Thị Kim Chi mới đây đã được Hội Điện ảnh Việt Nam gợi ý làm hồ sơ để đề nghị Thủ tướng khen thưởng. Nhưng không ngờ, bà đã gửi ngay một bức thư tới Hội xin từ chối phần thưởng đó với lý do thật ngắn gọn và rõ ràng:
“Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm".
Trong bức thư, bà Kim Chi cũng có nói: 
“…Được các đồng nghiệp có tâm, có tài khen ngợi mới thật là điều vinh dự".

Phần còn lại của bức thư và qua nội dung trả lời phỏng vấn sau đó bà Kim Chi đã giải thích rất rõ ràng, minh bạch về quan điểm và lý tưởng sống, chiến đấu, học tập và công tác của mình. Qua đó có thể thấy không một chút vấn vương, ích kỷ, vụ lợi nào trong quyết định từ chối giải thưởng của người nữ nghệ sĩ tài sắc mà đầy dũng khí này. Động cơ duy nhất của bà có lẽ là nói lên điều tâm nguyện của bản thân và đồng đội.

Lời từ chối như vậy mạnh hơn cả một lời tuyên bố. Có người đã ví nó như một tiếng sấm làm chấn động dư luận trong và ngoài nước trong những ngày qua. Điều đáng nói là sự kiện này xảy ra một cách ngẫu nhiên giữa lúc Ban Tuyên huấn Trung ương vừa kết thúc Hội nghị đánh giá công tác tuyên huấn còn nhiều "yếu kém" đồng thời quyết định tăng cường với hàng loạt biện pháp, trong đó có việc thành lập đội "Cộng tác viên xã hội" gần 1000 thành viên tham gia phản bác "các thế lực phản động" trên mạng internet!

Nghệ sĩ Kim Chi (bên trái) vừa là chiến sĩ vừa là nghệ sĩ
Thật khó hiểu tại sao Cơ quan tuyên huấn của Đảng lại tỏ ra xơ cứng đến như vây? Sau nhiều phát ngôn nhịu ngộ, sai sự thật của một số cán bộ tuyên huấn và trước làn sóng phản ứng của công luận thì sự từ chối giải thưởng của nữ nghệ sĩ Kim Chi làmột lời cảnh báo về tình trạng yếu kém và sai lầm của quá trình công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh tình hình những năm gần đây. Lời cảnh báo đó phát ra bởi chính một trong những thành viên xuất sắc nhất của đội quân tuyên truyền của Đảng, chứ không phải kẻ địch hoặc ai xa lạ. Phải chăng đã đến lúc để các nhà lãnh đạo đất nước giật mình soi lại bản thân trong gương đồng thời rà soát lại toàn bộ khâu công tác tuyên huấn của Đảng? Lâu nay giới lãnh đạo và cán bộ tuyên huấn bao giờ cũng tự cho mình quyền phán xét đúng, sai và quyết đinh nhân dân cần nghe gì, nói gì. Lãnh đạo cũng ban phát những món quà tinh thần cho cấp dưới. Nhưng  giờ đây họ được nghe một lời nói thật từ cấp đưới. Và đó không phải một lời dẽ nghe như vẫn mong đợi. Đó là điểm mới của tình hình; nó cho thấy, đã đến lúc cần thay đổi một cách cơ bản về phương pháp công tác tuyên huấn, đó là phải lắng nghe quần chúng trước khi đưa ra lời huấn thị đối với họ. Người lãnh đạo cấp càng cao thì càng phải gương mẫu trong mọi hành động và lời nói. Một việc làm đúng đắn có giá trị gấp trăm lần những lời nói suông. Nói một đàng làm một nẻo sẽ làm mất lòng tin của dân chúng không bao giờ lấy lại được. Trong mấy năm gần đây công luận đã chứng kiến nhiều phát ngôn "bất hủ" của một số vị lãnh đạo và cán bộ tuyên giáo các cấp. Những tấm "bia miệng" vẫn còn trơ trơ đó cho thấy chất lượng công tác tuyên huấn bắt nguồn từ cấp cao và ở  đường lối chính sách. Một khi nôi dung đường lối chính sách chưa ổn thì càng tuyên truyền bao nhiêu sẽ càng bộc lộ yếu điểm và càng mất lòng tin từ phía người nghe bấy nhiêu. Hiện tượng nghệ sĩ Kim Chi từ chối phần thưởng là một giọt nước tràn ly của lòng kiên nhẫn mà nhân dân đang chịu đựng.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của công tác tuyên huấn. Song tuyên truyền gì thì cũng phải tôn trọng sự thật, và phải theo phương châm "do dân vì dân", chứ không thể vì những thế lực vô hình để chống lại nhân dân, đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Nhân đây xin nêu lên hiện tượng gần đây thấy xuất hiện khá nhiều nick mới trên Facebook và mạng internet nói chung với những hành tung và lời bình khiến ta nhớ lại thời "Hồng vệ binh" bên Trung Quốc. Phải chăng họ là những "Cộng tác viên xã hội" đang thực thi sứ mệnh đã được giao phó? Liệu họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ hay sẽ chỉ làm rối thêm tình hình và lại một lần nữa chuốc lấy hậu quả theo kiểu "lợi bất cập hại"?
     

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Sĩ và Sợ

Sĩ diện và sợ hãi là hai thuộc tính bản năng của con người. Ai sinh ra cũng đều biết sĩ diện và biết sợ hãi; khác nhau chăng chỉ là mức độ và khi con người ta càng lớn lên, chúng có thể diển biến  theo hai hướng trái ngược nhau và thường khi càng sĩ diện thì càng sợ hãi. Cả hai đều đóng vai trò điều tiết cách ứng xử của  con người tùy theo tình huống và trạng thái quan hệ xã hội của chủ nhân.

Ở Việt Nam hai thuộc tính sĩ và sợ có bề dầy lịch sử ngót 5.000 năm rồi đấy, chính xác là từ thời Kinh Dương Vương năm 2.879 trước CN. Nhưng không hiểu sao đã hơn nửa thế kỷ nay sách sử của ta có xu hướng giảm dần số niên đại xuống, gần đây chỉ còn "hơn 2.000 năm" thôi. Phải chăng đó cũng là một dấu hiệu của sự sợ hãi?

Lịch sử dân tộc Việt Nam có rất nhiều tấm gương phản ánh một cách sinh động về hai tính cách sĩ và sợ. Bên cạnh các anh hùng dân tộc từ huyền thoại như Thạch Sanh, Thánh Gióng đến các nhân vật có thật như Bà Triệu, Bà Trưng, Trần Quốc Tuấn, Tôn Thất Thiết, Lý Tự Trọng...bao giờ cũng có những kẻ như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống,....  Sĩ và sợ không chỉ thể hiện trong chuyện quốc gia đại sự mà trong đời thường. Đó là chuyện anh nông dân nghèo rớt mồng tơi quanh năm  phải ăn cháo, nhưng khi ra ngõ không quên ngậm que tăm như để nói với thiên hạ rằng ta đây ăm cơm thịt!  Lối ứng xử này hình như vẫn còn đến ngày nay khi nhiều người thích ngậm tăm hoặc búng tăm tanh tách khi bước ra cửa hàng ăn. Còn nhớ Hà Nội thời Pháp với những cô gái dù giàu, nghèo khi ra đường nhất định phải khoác bộ cánh áo dài, đầu đội nón lá. Con gái  thời nay ít ra cũng phải có chiếc xe tay ga! Trong giới quan trường đang rộ lên "mốt" chơi bằng cấp, chức danh không khác nào loài chim khoe lông vũ. Nói chung là, cái tính sĩ có sức lan tỏa ghê gớm lắm và trở thành sự hảo huyền, hư danh (hửu danh vô thực) với rất nhiều cung bậc trong mọi tầng lớp xã hội.

Tính sợ cũng không kém phần tinh vi, phức tạp. Con người ta ai cũng có lý do để lo sợ. Sợ vu vơ là sợ ma, sợ bóng tối; sợ cụ thể là sợ kẻ thù, người ngay sợ kẻ gian; kẻ yếu sợ kẻ mạnh, người có chức sợ mất chức; quan dưới sợ quan trên; v.v...Sợ thời đương chức đã dành ,về hưu rồi vẫn sợ. Thậm chí có tướng tá chưa về hưu đã sợ mất sổ hưu(!). Nghĩa là trăm nổi sợ. Và nỗi sợ lấn át cả tính sĩ diện. Trãi qua hàng ngàn năm Bắc thuộc rồi Tây thuộc,  tính sĩ và sợ của người Việt có những đặc thù riêng, thời nào cũng có những kẻ chọn cách sống dựa dẩm vào ngoại bang. Người dân bình thường sợ một kiểu; tầng lớp quan lại sợ một kiểu khác. Phàm kẻ nào có nhiều chức quyền và giàu có hơn thì càng lo sợ hơn.

Có lẽ chỉ những ai không có hai thứ đó mới có xu hướng đề cao tính sĩ diện. Và thuật ngữ "kẻ sĩ" ra đời từ đó. Tuy nhiên khái niệm kẻ sĩ vốn là một khái niệm  mơ hồ. Nó được sử dụng như một tiêu chí để phân loại về nhân cách và tính cách của con người Việt Nam trong bối cảnh một dân tộc bị ngoại bang đô hộ. Bằng khái niệm "kẻ sĩ" họ muốn tự vạch ra một ranh giới giữa cái thiện, sự liêm chính với cái ác độc và sự gian dối. Oái om thay, những kẻ sĩ thường là chẳng có chức tước, quyền hành gì; họ đơn giản chỉ là những người trí thức, đôi khi không xu dích túi. "Sĩ phu Bắc Hà" chính là một trong những loại kẻ sĩ như vậy. Trong bối cảnh xã hội phong kiến thuộcđịa, "kẻ sĩ" tồn tại như một khái niệm đạo đức lỏng lẻo không hề có tính ràng buộc nào. Nếu người Hán có khái niệm "Đại nhân", người Nhật có "Võ sĩ đạo", người Âu châu có "Hiệp sĩ" để chỉ tầng lớp quý tộc và quan lại thì ở Việt Nam không có một tiêu chí như vậy . Phải chăng đây chính là một nhược điểm trong phạm trù đạo lý của người Việt?. Và nó được cố ý duy trì bởi giới thống trị nhằm làm thuận tiện cho các tầng lớp quan lại và nhà giàu tránh trớ trách nhiệm trước bàn dân thiên hạ. Khi cần họ sẵn sàng làm những việc của kẻ hạ tiện mà không sợ bị chỉ trích hoặc cắn rứt lương tâm. Đây là lý do tại sao có rất ít trường hợp từ quan, từ chức trong xã hội Việt Nam xưa cũng như nay. Trong một xã hội mà quyền lực không chỉ là công cụ để "vinh thân phì gia" thì không ai lại chịu từ bỏ quyền lực. Xã hôi đó thật sự không có chỗ đứng cho những "kẻ sĩ" thực thụ, mà là mãnh đất dung dưỡng thói dối trá và đạo đức giả. Ở đó một ông quan có thể tha hồ thi thố mọi thủ đoạn đê tiện để làm giàu, nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả đối với xã hội và cũng không cảm thấy xấu hổ trước bàn dân thiên hạ.  
  
Lạm bàn qua đôi điều như trên chỉ để gợi mở một cách nhìn trước những diễn biến tình hình chính trị-xã hội  đất nước ngày nay. Hiện đang có nhiều ý kiến đổ tại trình độ dân trí còn thấp nên chưa thể có những cải cách lớn lao...Và theo họ, hãy chờ đợi, và trong khi chờ đợi hãy chấp nhận nổi sợ hãi mà quên đi sự sĩ diện cần thiết, bất chấp những ý kiến phản biện đầy tâm huyết của giới trí thức và học giả vốn là nguồn nguyên khí quý báu của quốc gia. Xem ra, dân trí là một chuyện; cách tư duy về đạo lý giữa sự sĩ diện và nổi sợ hãi của người Việt Nam ta như nói trên mới là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến trình cải cách kinh tế-chính trị-xã hội của đất nước./.


Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Tết cổ truyền nên tổ chức theo dương lịch(*)

(*) Đó là ý kiến của Ông Võ Tòng Xuân -Giáo sư – Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân -nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa. Ông sinh năm 1940 tại Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang, nguyên Hiệu trưởng ĐH An Giang. Nhân dịp năm mới Dương lịch vừa đi qua và Tết Âm lịch đang đến gần, Bách Việt muốn đăng lại bài viết của tác giả cách nay 7 năm để tham khảo. Vẫn biết để thay đổi một tập tục có bề dầy hàng ngàn năm hoàn toàn không đơn giản. Nhưng mọi sự thay đổi đều có giá trị của nó-Bách Việt.
 
Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân là nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa. Ông được tặng nhiều giải thưởng cao quý trên thế giới, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông có nhiều đóng góp cho trong việc nghiên cứu cây lúa ở ĐBSCLcũng như trong sự nghiệp giáo dục tại vùng này. Ông sinh năm 1940 tại Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang, nguyên Hiệu trưởng ĐH An Giang.
GS-TS Võ Tòng Xuân
“Trong khi ta vui Tết âm bên chén tạc chén thù thì những đối tác của ta lại làm việc bình thường, còn trong khi chúng ta vẫn làm việc bình thường ở Tết dương thì ở nước ngoài người ta nghỉ, thị trường chứng khoán đóng băng”.
GS-TS Võ Tòng Xuân chia sẻ quan điểm Tết cổ truyền Việt Nam nên tổ chức theo dương lịch cùng thế giới trong thời đại hội nhập hiện nay. Dưới đây là nguyên văn bài viết của ông.
Ngày 14/02/2005 mục “Chào buổi sáng” của báo chí có đăng bài viết của tôi nhan đề Tết “hội nhập,” tại sao không? Ngay sau đó một làn sóng tranh luận rất sôi nổi đã dấy lên trong mục “Ý kiến bạn đọc” của tờ báo.
Chỉ trong vòng vài ngày mà đã có hơn 200 độc giả góp ý, trong số đó nhóm không đồng tình chiếm hơn 50%. Sự tranh luận này tiếp tục kéo dài cho đến năm nay 2012, qua nhiều diễn đàn. Tôi tải về tổng cộng được 396 trang A4 với cỡ chữ 8,5.
Thật sự tôi rất cảm kích sự quan tâm của độc giả về vấn đề này, vì đó là thể hiện sự tiến bộ của dân tộc Việt Nam chúng ta trong thời đại mới.
Vì ý kiến quá nhiều, tôi không thể đọc hết các chi tiết lập luận, nhưng có thể thấy được số ý kiến ủng hộ ngày càng nhiều hơn trước, nhất là khi các ý kiến ấy mới được nêu vào năm nay 2012, bảy năm sau khi bài báo xuất hiện.
Tuy nhiên tôi cố gắng đọc kỹ những ý kiến không đồng tình để học hỏi thêm lập luận của các bậc tiền bối.
Một điều tôi khám phá rất quan trọng là những lập luận không đồng tình này đã chỉ căn cứ vào cái tít của những thành viên diễn đàn (hoặc của biên tập viên nhà báo) viết cho kêu như “Có nên bỏ ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam?”, “Tết Tây hay Tết ta?”, “Bỏ hay không bỏ ngày Tết cổ truyền Việt Nam?”, không đúng theo nội dung trình bày của tôi trong bài Chào Buổi Sáng 14/2/2005.
Vì không đọc kỹ lập luận của tôi mà chỉ căn cứ trên những cái tít giựt gân trên đây nên có một số vị độc giả đã viết những câu chê trách quá nặng lời. Sự hiểu lầm này nhằm vào 2 điểm chính:
1. Bỏ ngày Tết cổ truyền
Tôi không hề viết một ý kiến như vậy bất cứ ở đâu. Đọc lại bài trên mục Chào buổi sáng trên báo chí năm 2005, tôi viết rất rõ: “Đã đến lúc chúng ta định nghĩa lại “bản sắc dân tộc” của sự ăn Tết theo lịch Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập thế giới.
Dứt khoát chúng ta không nỡ hưởng thụ đến 3-4 tuần lễ Tết dương lịch và âm lịch gộp lại trong khi các nước đang dành thời giờ đua làm giàu.
Và dĩ nhiên chúng ta cũng không muốn để lỡ cơ hội đưa đất nước tiến nhanh đến phồn vinh. Nên thống nhất ăn Tết cùng lúc với các đối tác thương trường của chúng ta, chuyển các tập quán ăn Tết âm lịch sang các ngày dương lịch, và giảm dần ngày nghỉ Tết âm lịch quá lê thê”.
Như thế, thí dụ tục lệ lì xì thay vì xảy ra vào ngày mồng 1 âm lịch thì ta đổi lại là mồng 1 dương lịch, v.v… Có độc giả chuyên chơi hoa đã cho biết là có thể điều khiển cho hoa mai và hoa đào nở vào ngày mồng 1 dương lịch.
Những phong tục tốt đẹp ngày Tết cổ truyền, dù có dược đổi sang dương lịch, vẫn cần phải được gìn giữ và phát huy.

                                                     Những phong tục tốt đẹp ngày Tết cổ truyền, dù có được  đổi sang  dương lịch, vẫn cần phải được gìn giữ và phát huy.

2. Bỏ lỡ cơ hội kinh tế (làm giàu)
Tôi nêu mấy thí dụ cho thấy trong khi ta vui Tết lê thê thì thị trường chứng khoán ở Tokyo, New York, London đang hoạt động; các doanh nghiệp bạn hàng của ta ở ngoại quốc cũng đang hoạt động, chắc chắn ta sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt.
Tôi viết: “Ở An Giang, Công ty XNK thủy sản Afiex liên tục nhận fax của khách hàng nước ngoài đặt mua cá filê. Cũng trong mấy ngày Tết ta này tôi vẫn nhận đều đều 30 – 40 bức điện, thư mỗi ngày, trong đó có hai thư phải trả lời ngay để kịp thời hạn.
Một thư về dự án Asia Link (Kết nối Á châu) của Trường Đại học Corvenus ở Budapest, và thư kia của ông Hiệu trưởng Đại học Tufts của Mỹ yêu cầu cho biết ngay tôi có thể tham gia hội nghị quốc tế hiệu trưởng một số trường đại học thảo luận chuyên đề vai trò đại học trong phục vụ xã hội hay không.
Tôi chắc chắn hàng nghìn người chức trách điều hành các ban ngành trung ương và các doanh nghiệp công và tư cũng đã nhận được những điện thư khẩn của các đối tác từ nước ngoài gửi về cần được trả lời ngay trong lúc chúng ta đang “ăn Tết”.
Thực vậy, trong khi chúng ta vui Tết bên dưa hành và bánh chưng, bánh tét, bên chén tạc chén thù đến nhức cả đầu thì những đối tác của ta lại đang làm việc bình thường, và các dịp may trong thương trường quốc tế không thể chờ ta ăn Tết xong, mà chúng sẽ lọt vào tay những ai đáp ứng trước.
Nhớ lại khoảng thời gian từ 24/12 đến 3/1 dương lịch, trong khi chúng ta vẫn làm việc bình thường thì ở nước ngoài người ta nghỉ Tết Tây (kể cả Nhật Bản), thị trường chứng khoán Tokyo, New York, London… đóng băng.
Lúc ấy cho dù ta muốn giao thương với họ vẫn không ai làm việc hoặc gửi thông tin gì cho ta. Như vậy trong thời hội nhập kinh tế thế giới, nếu Việt Nam tiếp tục ăn Tết theo âm lịch thì đương nhiên chúng ta hưởng hai lần nghỉ Tết, tổng cộng ít nhất 3 tuần lễ nghỉ.
Chúng ta biết trên thương trường quốc tế, chỉ hơn thua nhau vài phút là có thể giật lấy hoặc bỏ rơi cơ hội mang về những lợi ích quan trọng. Nếu vì mải mê ăn Tết mà để lỡ cơ hội thì cơ quan sẽ bị thiệt thòi hoặc bỏ lỡ nhiều cơ hội làm giàu.”
Tôi nghĩ rằng nếu tất cả quí vị độc giả có thời gian đọc kỹ bài viết của tôi thì chắc sẽ đồng tình với những lập luận của tôi, như tôi đã cảm nhận khuynh hướng này trong số đông ý kiến mới nhất trong các diễn đàn.
Trong khi các nước đang thi nhau làm giàu, Việt Nam có tiềm năng bắt kịp họ hoặc hơn họ trong tương lai gần nếu bớt ăn nhậu, vui chơi kéo dài, dành thời gian làm việc vào những ngày thế giới làm, nghỉ theo những ngày thế giới nghỉ.
Dĩ nhiên các tập quán cổ truyền lành mạnh của ta chúng ta vẫn giữ và sẽ cử hành vào ngày dương lịch như thế giới đang làm. Chúng ta nên cương quyết đổi mới, không ăn tết 2-3 thậm chí 4 tuần theo âm lịch nữa mà chỉ nên ăn tết 4 ngày theo dương dương lịch là đủ.
Thay đổi tập quán rất khó, nhưng trong tập quán Tết Việt Nam chúng ta thay đổi không khó vì chúng ta vẫn cử hành các tập quán đó, nhưng trong ngày dương lịch. Có quyết tâm đổi mới “Ăn Tết Ta theo ngày dương lịch,” đất nước Việt Nam sẽ có những điều lợi sau đây:
1- Vừa giữ được các tập quán Tết cổ truyền, vừa ít bỏ lỡ cơ hội nắm bắt đối tác kinh doanh, giao thương với nước ngoài.
2- Ít mất thời giờ của nông dân (đại bộ phận người dân) dành chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm.
3- Học sinh và sinh viên có thời khóa biểu học tập và thi học kỳ một cách hợp lý, không gượng ép nghỉ theo âm lịch, do đó không phí thời gian học hành.
4- Giám tối thiểu tình trạng dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian học tập, tổn hại sức khỏe và tính mạng trong giao thông.
5- Chấm dứt lãng phí nhiều ngày làm việc mà mình nghỉ, trong khi quốc tế làm việc.
Theo VTC News

--------------

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Tình người trên đất miến (*)

(*) Đây là bài viết của tác gitên Dương Đình Giao và là nạn nhân "người thật việc thật" gửi đến Blog Bách Việt; sau khi kiểm chứng thông tin, xin đăng lên để bạn đọc tiện tham khảo. Với hai tiểu mục "Thoát nạn xứ người","Gặp hạn xứ mình" bài viết đã nói lên nghịch cảnh của bn thân tác giả và gia đình mình vừa thoát khỏi một tai nạn máy bay ngày 25-12-2012 tại Miến Điện. Câu chuyện càng chua chát khi so sánh cung cách làm việc của quan chức Việt Nam với nước bạn láng giềng Myanma mới đây còn bị thế giới coi là độc tài, lạc hậu. Hy vọng đây là một bài học sinh động về tình trạng quan liêu, tc tách của ngành hành chính công nói chung và của các Cơ quan đại diện ở nước ngoài nói riêng của Việt Nam. Xin cảm ơn  tác givà bạn đọc quan tâm (Bách Việt). 

Thoát nạn ở xứ người

Chiếc máy bay vẫn bốc cháy nhiều giờ liền sau vụ tai nạn.Thêm chú thích
Ngày thứ 2 của hành trình, hôm 25-12-2012, máy bay của hãng hàng không Air Bagan đưa chúng tôi từ Yangon đi Heho, nơi có hồ Inle nổi tiếng. Theo lịch trình, chuyến bay sẽ đến Heho lúc 9 giờ sau khi dừng lại ở sân bay Mandalay để đón và trả khách trong khoảng 30 phút.

Khi máy bay hạ độ cao chuẩn bị xuống sân bay Heho, tôi nhìn đồng hồ, lúc ấy là 8 giờ 55 phút. Một lát sau, tôi cảm thấy một cú tiếp đất mạnh hơn bình thường khi máy bay hạ cánh. Ngay sau đó là những rung lắc liên tục trong vòng khoảng 10 giây. Đang bất ngờ vì không hiểu chuyện gì đã xảy ra, tôi nghe một tiếng kêu ở phía sau. Biết là đã có chuyện, tôi nhắc mọi người bình tĩnh và đứng lên bật nắp khoang hành lý để lấy ba lô của mình. Nhưng nắp vừa bật, tôi bị đẩy ngã nhào về phía trước. Đứng lên, quay lại nhìn phía sau, tôi thấy các thành viên trong gia đình mình đã rời khỏi ghế và ra được lối đi. Bước lên mấy bước, tôi chợt ngửi thấy mùi khói. Một ý nghĩ thoáng qua: “Chỉ cần một tiếng nổ là tất cả sẽ chấm hết!”

Xuống khỏi thang máy bay, tôi mới thấy máy bay đã không hạ cánh trên đường băng bê tông mà đang nằm trên một cánh đồng, phía đuôi máy bay đang bốc cháy, khói nghi ngút. May mắn bất ngờ, tất cả chúng tôi (6 người trong gia đình và hai mẹ con bà thông gia người Úc) đều an toàn. Tôi vội giục mọi người nhanh chóng chạy ra xa.
Trên chuyến bay có 65 người, kể cả phi hành đoàn, trong đó ngoài 5 người Việt Nam trong gia đình tôi, còn lại đều là khách du lịch từ các nước Mỹ, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, …
Nơi máy bay hạ cánh khẩn cấp cách sân bay khoảng 3 km và cách đường ô tô khoảng 200 m. Khi ra tới nơi, mấy xe cứu hỏa đã có mặt đang tìm cách tiếp cận với đám cháy. Nhưng vì không có lối vào, phải nối dài vòi rồng nên việc cứu chữa không thật kết quả. Trên đường, chúng tôi đã thấy nhiều biển tên khách của các công ty du lịch, khách sạn mà khách du lịch trên chuyến bay đã đặt chỗ. Họ nhanh chóng tiếp cận với khách của mình. Sự có mặt của họ dù là những người chưa quen biết cũng khiến chúng tôi yên tâm hơn, vì đã có người sẵn sàng hỗ trợ khi khó khăn nơi đất khách quê người. Nhiều xe máy, ô tô đã dừng lại chứng kiến đám cháy trong đó có cả nhiều người dân Myanmar đang làm việc trên cánh đồng. Lúc này dù đã hơn 9 giờ, nhưng mặt trời chưa kịp xua tan sương mù. Trời khá lạnh. Thật cảm động, khi thấy những người nông dân lam lũ, cởi những chiếc khăn choàng khoác lên vai, trùm lên đầu những đứa trẻ, bỏ những đôi dép mình đang đi cho những phụ nữ phương Tây xa lạ đang chịu cảnh rét mướt.
Trên đường thoát hiểm, nhiều túi, xắc, mũ, ba lô,… bị rơi được mọi người tập hợp bên lề đường, để người thất lạc đến nhận. Rất nhiều người dân Myanmar có mặt, nhưng không hề thấy ai để ý đến.
Một lát sau, hai xe khách loại lớn đưa tất cả về sân bay Heho. Khi xe dừng lại bên ngôi chùa gần sân bay, tôi nghĩ người dân Myanmar sùng đạo Phật đã đưa chúng tôi đến đây để tạ ơn Trời Phật giúp thoát nạn. Nhưng không phải! Air Bagan đã nhanh chóng liên hệ với chính quyền sở tại mượn ngôi chùa làm nơi để chúng tôi tạm nghỉ, tránh cái lạnh giá ngoài trời.

Xuống xe, chúng tôi lại thấy những người dân bình thường đang mang đệm, chăn của gia đình mình trải trên nền chùa bằng gạch men. Khi mọi người đã vào hết trong chùa, các nhân viên y tế đã có mặt. Họ thăm khám, đo huyết áp, băng bó cho những người bị thương nhẹ. (những người bị thương nặng đã ngay lập tức được đưa về Yangoon, có hai khách người Mỹ bị bỏng nặng đã được đưa sang Bangkok bằng trực thăng). Nước uống, bánh trái đã được mang đến.
Lúc 10 giờ, tức là sau khi sự cố xảy ra 1 giờ, ông chủ tịch huyện sở tại cũng đã đến thăm hỏi những người gặp nạn. Lúc này cảnh kẻ nằm người ngồi trong chùa vô cùng lộn xộn. Việc kiểm đếm những hành khách có mặt thật khó khăn. Những người có trách nhiệm có lẽ vì tôn trọng đã không yêu cầu chúng tôi ngồi cho ngay hàng thẳng lối. Họ cứ đếm đi đếm lại, người đếm bằng tiếng Myanmar, người đếm bằng tiếng Anh. Có lúc thấy ba bốn người cùng đếm. Sau tôi mới hiểu, họ cần nhanh chóng xác định số người có mặt ở đây để có thể phát hiện số người mất tích nếu có.
Phải đến khi có danh sách hành khách từ sân bay Yangoon và Mandalay gửi tới, việc kiểm đếm mới chấm dứt. Lúc này công việc đơn giản hơn. Những người có mặt được đánh dấu vào danh sách. Nhưng việc này cũng được thực hiện tới ba bốn lần bởi những người khác nhau, chứng tỏ họ rất thận trọng.
Đến 11 giờ, chúng tôi được đưa tới phòng khách của sân bay. Ở đây có bia, nước ngọt và những thức ăn nhẹ. Họ thông báo cho chúng tôi biết, ai muốn trở về Yangoon sẽ được bố trí một chuyến bay riêng, còn những ai muốn ở lại sẽ được đưa tới một resort bên hồ Inle chờ đợi giải quyết hậu quả. Gia đình chúng tôi quyết định ở lại và được đưa tới resort bằng hai xe con. Ở đây, chúng tôi đã được đón tiếp chu đáo, hai hoặc ba người được bố trí ở trong một biệt thự.


Xe cứu hỏa đến rất nhanh
Sau khi tạm nghỉ ngơi, đến 3 giờ, chúng tôi được báo đi ăn cơm. Ai cũng nghĩ chắc sẽ được một bát mì hoặc cái gì đại loại như thế, nhưng thật bất ngờ, tất cả được mời một bữa tiệc buýp-phê thịnh soạn, trên bàn ăn còn có cả hoa và thắp nến. Người quản lý giải thích “vì hôm nay là Noel!” Sau khi ăn xong, mỗi người chúng tôi được phát quần áo và một số tiền (tiền Myanmar và đôla) đủ để mua sắm lại những hành lý đã mất và tiếp tục hành trình nếu muốn. Ai cũng bất ngờ trước sự khẩn trương của Air Bagan.
Bảy giờ tối, mọi người lại được mời ăn cơm. Lại tiệc buýp-phê, hoa và nến, có thêm rượu champagne, rượu vang. Ông chủ tịch Tập đoàn HTOO (mà Air Bagan là một trong nhiều công ty con) đã từ Yangoon vượt gần một nghìn cây số tới thăm hỏi những người gặp nạn. Sáng hôm sau, chúng tôi lại được nhận thêm một số quần áo và tiền (chắc do lệnh của ông Chủ tịch tập đoàn).
Air Bagan đã vô cùng chu đáo và có trách nhiệm giải quyết hậu quả của vụ tai nạn. Trong suốt thời gian ở lại (5 ngày), ở Heho hay khi đã trở về Yangoon, tất cả hành khách trên chuyến bay đều được ăn ở tại những nơi tương đương khách sạn 5 sao, được hưởng các dịch vụ như giặt là, điện thoại quốc tế, … hoàn toàn miễn phí. Tôi vốn mơ ước một cuộc sống bình dị, rất sợ tất cả những gì là hào nhoáng, bóng bảy, nay trong hoàn cảnh không một xu dính túi, trên người chỉ độc một bộ quần áo (hành lý và xách tay đều đã cháy cùng máy bay, ngay cái máy ảnh đeo trên cổ cũng chỉ còn sợi dây đeo, kính cận thị cũng rơi mất), lại được ăn ở như thế này thật cũng là một bất ngờ thú vị. Chúng tôi không phải bước chân ra khỏi khách sạn, mọi công việc cần thiết đều do nhân viên của họ giải quyết. Ngay việc làm giấy thông hành để sử dụng khi còn trên đất Myanmar cũng được thực hiện ngay tại nơi ở. Theo họ, chỉ hai việc chúng tôi phải có mặt: đi kiểm tra sức khỏe và làm lại hộ chiếu. Nhưng với hai việc này, họ đều cho xe đưa đón và cử nhân viên đi theo hỗ trợ khi cần thiết. Họ đã hợp đồng với bệnh viện tốt nhất Yangoon để Giám đốc bệnh viện có mặt bất cứ lúc nào chỉ đạo việc thăm khám và chữa trị khi có khách do họ đưa đến.
Những nhân viên đi theo cũng ngồi đó chờ đợi và đưa khách về tận nơi ở sau khi việc thăm khám kết thúc. Vợ tôi và bà thông gia người Úc sau khi gặp chấn động mạnh bị đau lưng. Hai bà đã được thăm khám suốt hơn 3 giờ, mỗi người được làm đủ các loại xét nghiệm, chụp 4 tấm phim cỡ 50 x 50. Khi thấy không có vấn đề gì trầm trọng, họ đã cho mỗi người một cái đai bó lưng và thuốc giảm đau các loại. Bà xã nhà tôi đã nhận xét: Cả đời gần 70 tuổi, chưa bao giờ được thăm khám kỹ càng như thế!
Sau khi về Yangoon, Air Bagan đã tập hợp mọi người để thông báo về việc giải quyết bảo hiểm cho hành khách đi trên chuyến bay. Cuộc họp này cũng được thông báo cho các sứ quán có công dân trên chiếc máy bay gặp nạn. Sứ quán các nước đều có mặt đầy đủ để sẵn sàng can thiệp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân nước mình, trừ sứ quán Úc (vì đang đóng cửa nghỉ Noel và Tết dương lịch) và sứ quán Việt Nam (không rõ lý do). Nhưng sứ quán các nước cũng không có nhiều việc phải làm, vì Air Bagan đã giải quyết vụ việc với đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Địa chỉ và số tài khoản của hành khách được ghi lại để nhận kết quả sau khi một công ty bảo hiểm của Anh tiến hành bồi thường.
Không chỉ những người có trách nhiệm, suốt 5 ngày, dù ở đâu, chúng tôi cũng đón nhận được sự ân cần chu đáo của mọi nhân viên Air Bagan và nhân viên tại các khách sạn, resort dù tuổi đời còn rất trẻ. Họ dìu những người bị đau khi lên xuống các bậc thềm, đưa chúng tôi đến tận nơi, mở cửa, bật đèn rồi giơ tay mời vào khi hỏi đến nơi nào đó. Thấy trên tay ai có mấy túi nilon, vỏ hoa quả, họ đều nhanh chóng giơ tay đón lấy mặc dù thùng rác ở ngay trước mặt. Những cử chỉ ấy tôi hiểu không chỉ vì phương châm coi “khách hàng là Thượng đế”. Qua ánh mắt, nụ cười của họ, chúng tôi cảm nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của những con người giàu lòng trắc ẩn.
Khi vào một làng dệt lụa thủ công trên hồ Inle, khi được biết chúng tôi là những người vừa gặp nạn, chủ cửa hàng lập tức hạ giá 30% cho toàn bộ sản phẩm mà chúng tôi mua. Số tiền thực ra không nhiều nhưng cử chỉ ấy của họ cũng khiến chúng tôi phải xúc động.
Sau 5 ngày, mọi thủ tục đã xong. Air Bagan lại cho xe đưa gia đình tôi ra sân bay. Ở đây, nhân viên của họ làm tất cả mọi thủ tục cho chuyến bay và chỉ ra về sau khi chúng tôi tạm biệt để vào phòng cách ly.
Từ Myanmar trở về, tôi cứ bâng khuâng và ân hận, vì sao một đất nước chẳng cách xa chúng ta là mấy, một xứ sở có những người dân giàu lòng nhân hậu, vị tha như thế mà tôi chưa hiểu biết được bao nhiêu?
Trong cuộc đời chưa bao giờ gặp một tai họa lớn và lại thoát hiểm “ngoạn mục” như vậy, chúng tôi biết ơn Ông Bà, Cha Mẹ đã ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức dù trong biết bao vất vả thiếu thốn để con cháu bây giờ được hưởng phúc. Tôi xin cám ơn những người dân Myanmar đã giang vòng tay che chở khi gia đình tôi gặp nạn. Tôi cám ơn Air Bagan, đã cư xử đàng hoàng, đầy trách nhiệm trước sự cố chắc chắn họ không hề mong muốn. Và tôi thầm nghĩ, chuyến đi hôm nay của chúng tôi dang dở, nhưng nhất định sẽ có chuyến đi khác. Một đất nước với những con người như thế xứng đáng để chúng ta khám phá.

Gặp “hạn” với xứ mình

Tôi có một người bạn, do có hoàn cảnh nhiều thuận lợi (chú bác cô dì, anh em con cháu ở nhiều nước trên thế giới) nên anh đã đi khắp nơi trên cả các châu lục Âu, Á, Mỹ, Phi, Úc (chỉ còn thiếu châu Nam Cực). Một hôm, ngồi uống bia, anh dứ dứ ngón tay, bảo tôi: “Ông mà đi ra nước ngoài thì liệu mà giữ lấy cái hộ chiếu. Ông nên nhớ rằng, ông mất tiền bạc, người ta có thể cho ông, nhờ các tổ chức nhân đạo giúp ông. Nhưng nếu mất hộ chiếu thì, … thì,… chỉ có mà bỏ mẹ!”
Tôi nghe “lời răn dạy” mà thoáng có chút ngờ vực.
Vì thế, trong vụ tai nạn máy bay ở Myanmar, khi phát hiện bị mất hộ chiếu (mà lại tận 3 quyển của ba người), tôi thật sự lo lắng.
Tòa Sứ quán VN tại Myanma
Biết chúng tôi là người Việt Nam, ông quản lý khách sạn nơi tôi đang ở cho tôi số điện thoại của một người mà theo ông là nhân viên sứ quán Việt Nam ở Yangoon. Nhưng chủ nhân của số điện thoại này nói đúng là mình làm việc ở sứ quán nhưng không làm công việc về lãnh sự. Ông đã cho chúng tôi số điện thoại của ông Trần Văn Hoằng, Bí thư thứ nhất, phụ trách công việc này. Liên hệ với ông Hoằng, chúng tôi được ông trả lời, khi nào về Yangoon thì đến sứ quán và “không có gì khó khăn cả, giấy tờ sẽ được cấp ngay thôi”. Nghe lời ông Hoằng mà chúng tôi nhẹ cả người. Anh bạn tôi đã quá bi quan khi nói đến chuyện mất hộ chiếu.
Buổi trưa về tới Yangoon, chúng tôi đã điện thoại cho ông Hoằng và được ông hẹn đến vào buổi chiều.
Chiều hôm đó, tất cả những người cần cấp lại hộ chiếu trong gia đình tôi đã có mặt tại sứ quán Việt Nam ở Myanmar. Cùng đi có một nhân viên của Air Bagan. Vừa bước vào cổng, chúng tôi đã thấy một tấm baner kín bức tường lớn: Nhiệt liệt chào mừng quý khách tới thăm sứ quán Việt Nam ở Myanmar. Thật là thân thiện và mến khách! Nhưng chúng tôi đã lầm, vì chúng tôi không phải đến thăm mà đến xin sự giúp đỡ.
Sứ quán Việt Nam thật khéo chọn người! Bà lễ tân người Myanmar thấy năm sáu người bước vào phòng khách nhưng vẫn mải mê với chiếc điện thoại. Nghe cách nói cười bả lả, chắc đây không phải là chuyện công vụ. Sau khoảng 10 phút, bà mới đặt điện thoại và đến lúc này, nhân viên của Air Bagan mới có thể nói mục đích chuyến viếng thăm của chúng tôi. Bà gọi điện thoại đi đâu đó, rồi bảo chúng tôi ngồi chờ. Chờ tới 30 phút, không thấy ai ra tiếp, chúng tôi lại điện thoại báo để ông Hoằng biết chúng tôi đã ngồi chờ ngoài văn phòng của sứ quán. Ông Hoằng lại bảo chờ. Lại 30 phút nữa, mới thấy ông Hoằng xuất hiện. Chắc để tiết kiệm thời gian vì “công việc bề bộn” của sứ quán, nhà ngoại giao bỏ qua việc thăm hỏi, an ủi, động viên những đồng bào của mình vừa thoát chết, đưa cho chúng tôi mỗi người 3 mẫu in sẵn tờ giấy khổ A4, yêu cầu chúng tôi khai báo, đồng thời đòi nộp 3 tấm ảnh. Việc này khiến chúng tôi bất ngờ, vì nhà chức trách Myanmar chỉ chuẩn bị cho chúng tôi mỗi người một tấm ảnh để làm việc này. Nhưng ông Hoằng không giải thích gì thêm và quay vào trong với những “công việc bận rộn” của mình.
Rất may, anh nhân viên của Air Bagan đi theo bảo chúng tôi cứ khai giấy tờ, còn anh ta cùng lái xe đi làm thêm ảnh giúp chúng tôi. Đến khi có thêm mỗi người hai tấm ảnh, vẫn chẳng thấy ai có mặt. Mặc dù chưa hết giờ làm việc nhưng nhân viên lễ tân người Myanmar cũng chẳng thấy đâu. Gần 5 giờ, ông Hoằng mới xuất hiện và hẹn chúng tôi 3 giờ chiều hôm sau gọi điện đến để biết kết quả. Khi chúng tôi thắc mắc sao không được kết quả ngay, ông Hoằng giải thích, còn phải chờ thẩm tra ở trong nước (chắc vì sợ “thế lực thù địch” luồn về trong nước để phá hoại công cuộc xây dựng CNXH?). Nếu xong thì mai có giấy, còn nếu không xong thì phải chờ đến tuần sau (vì ngày mai đã là thứ 6, thứ 7 và chủ nhật sứ quán không làm việc). Chúng tôi trở vể với bao thất vọng.
Đêm ấy, tôi không ngủ được. Sao có thể yên tâm chờ đợi đến tuần sau trong khi người thì chấn thương, người thì có bệnh mãn tính mà các loại biệt dược mang theo đã mất hết. Tôi buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của ông Nguyễn Vũ Tú, Đại sứ Việt Nam tại Philippin. Có lẽ do sự tác động này, đến 3giờ chiều, điện thoại đến sứ quán, chúng tôi được ông Hoằng trả lời: đã có giấy tờ và hẹn 4 giờ rưỡi đến lấy. Chúng tôi lại thở phào nhẹ nhõm.
Đúng hẹn, 4 giờ rưỡi, chúng tôi có mặt ở sứ quán. Lại được bảo ngồi đợi. Thời gian cứ trôi, nhưng không thấy ai ra tiếp. Đến 5 giờ kém 10 phút, một kết quả không mấy tốt đẹp đã hiện ra trước mắt: 5 giờ, ông Hoằng sẽ xuất hiện mang theo 3 giấy thông hành, nhưng chúng tôi không thể nhận vì nhân viên thu tiền lệ phí đã ra về vì hết giờ làm việc. Sự cố gắng giúp đỡ của ông Nguyễn Vũ Tú có thể không có tác dụng. Lúc này, tôi lại nhớ tới lời “đe dọa” của anh bạn và cảm thấy anh ấy chưa nói hết sự nguy hiểm khi mất hộ chiếu. Tôi cảm thấy việc mất hộ chiếu còn đẩy tôi vào tình cảnh “trên cả bỏ mẹ”.
5 giờ kém 5, tôi quyết định phải hành động gấp nếu không muốn nằm chờ thêm mấy ngày nữa. Tôi kín đáo lên tầng 2 của văn phòng sứ quán tìm đến phòng làm việc của đại sứ Chu Công Phùng cầu cứu. Rất may, cửa phòng làm việc mở, ông Phùng đang ngồi viết, tôi “liều mạng” bước vào tự giới thiệu. Ông Phùng vồn vã đứng dậy bắt tay và mời tôi ngồi. Tôi vội cám ơn hết lòng vì sự giúp đỡ của ông Phùng. Sau khi biết tôi đang ở khách sạn do sự sắp xếp của Air Bagan, ông Phùng bảo tôi:“Chúc mừng bác và gia đình đã may mắn thoát khỏi hiểm nghèo. Thế bác đã nhận được đầy đủ giấy tờ rồi chứ?” Ông Phùng vô cùng ngạc nhiên khi tôi nói cho đến nay tôi chưa nhìn thấy những giấy tờ này như thế nào. Ông Phùng vội đưa tôi sang phòng làm việc bên cạnh của ông Trần Văn Hoằng – Bí thư thứ nhất phụ trách công tác lãnh sự.
Cửa mở, tôi thấy ông Hoằng tay đang di chuột máy vi tính, trên mặt bàn có mấy tấm phôi giấy thông hành. Sau khi nghe ông Phùng hỏi: “Giấy tờ của bác Giao đã làm xong rồi chứ?” Ông Hoằng vội rời máy vi tính và trả lời: “Xong bây giờ đây”! Lúc này là đúng 5 giờ. Lúc đó ông Hoằng mới viết tên, dán ảnh vào những tờ giấy thông hành chuẩn bị cấp cho chúng tôi. Ông Phùng vội xin lỗi vì đang dở việc gấp và nói tôi ngồi chờ. Khoảng 15 phút sau ông Phùng quay lại, gọi người pha nước và hỏi thăm về hoàn cảnh xảy ra tai nạn, về việc được bảo hiểm đền bù. Tôi cám ơn và trả lời ông Phùng: “Hôm qua, khi họp bàn về vấn đề bảo hiểm, Air Bagan đã mời sứ quán các nước có công dân trên máy bay gặp nạn đến dự. Các sứ quán đều đã cử người đến để sẵn sàng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân nước họ nhưng sứ quán Việt Nam không có mặt.” Tôi cũng không quên nói để ông Phùng yên tâm, mặc dù thế chúng tôi đã được “ăn theo” công dân của các nước “Tư bản giãy chết” nên vấn đề bảo hiểm không có gì khó khăn.
Khi ông Hoằng viết xong mấy giấy thông hành liền bảo tôi sang nộp lệ phí. Ông Phùng chính là người đã dẫn tôi đến nơi làm việc của bộ phận hành chính (có lẽ ông Phùng đã yêu cầu họ ở lại dù thời gian làm việc đã hết từ lâu). Nhân đây, một lần nữa, gia đình chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến ông Chu Công Phùng – Đại sứ Việt Nam ở Myanmar. Tôi nộp lệ phí và nhận giấy thông hành. Nhân viên của Air Bagan vẫn chờ tôi ở tầng dưới. Lúc ấy đã là 6 giờ 30 phút.
Nhờ ba giấy thông hành này chúng tôi mới có thể trở về nước vào ngày Chủ nhật 30/12/2012.
Để các bạn hiểu thêm niềm sung sướng của một người dân trong một đất nước có độc lập tự do mà chúng ta vẫn đang tự hào, tôi xin kể hai câu chuyện xảy ra trong chuyến đi này:
- Câu chuyện thứ nhất: Bà thông gia người Úc của tôi cùng với cô con gái cũng bị mất hộ chiếu. Bà không may mắn như tôi vì sứ quán Úc đang đóng cửa nghỉ lễ. Nhưng chỉ một cuộc điện thoại vào đường dây nóng của Bộ Ngoại giao Úc, bà đã kéo được người phụ trách lãnh sự trở về nhiệm sở và nhận được hộ chiếu sau 2 giờ đồng hồ (Hộ chiếu chứ không phải giấy thông hành).
- Câu chuyện thứ hai: Từ khi đi cùng chúng tôi tới sứ quán Việt Nam để nhận giấy thông hành, nhân viên của Air Bagan đã qua điện thoại giữ liên lạc với cơ quan xuất nhập cảnh của Myanmar và yêu cầu họ ở lại sau giờ làm việc chờ giấy thông hành của chúng tôi đóng dấu xác nhận đã nhập cảnh (có như vậy khi ra sân bay chúng tôi mới có thể làm thủ tục xuất cảnh). Sau khi nhận được giấy thông hành lúc 6 giờ 30 phút nhân viên của Air Bagan đã đến cơ quan XNC làm thủ tục (chúng tôi ngồi chờ trên ô tô, không cần có mặt). Nhưng rất tiếc người nhân viên này quên không mang theo ảnh của chúng tôi. Anh ta trở về báo với chúng tôi 9 giờ sáng hôm sau cần có mặt tại khách sạn để cơ quan XNC Myanmar cho người đến chụp ảnh và họ sẽ trả lại giấy tờ sau khi hoàn tất.
Vì sao ông Hoằng đã hành xử như vậy với chúng tôi – những người đồng bào của ông đang gặp hoạn nạn ở nơi đất khách quê người? Điều ấy chỉ có Trời biết, Đất biết và ông Hoằng biết.
Dương Đình Giao
1200 đường Láng, Hà Nội.
ĐT 0983 240446.


Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Viện Toán học (VN) có Viện phó mới là giáo sư trẻ nhất năm 2012

Theo tin V-Express 11/12/2012,  

 Được các viện nghiên cứu lớn ở Italia, Đức, Mỹ... mời làm việc với chế độ đãi ngộ và lương bổng cao nhưng TSKH Phùng Hồ Hải vẫn về nước làm việc và được bổ nhiệm làm Viện phó Viện Toán học.

TSKH Phùng Hồ Hải.
TSKH Phùng Hồ Hải. Ảnh: Viện Toán.
Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước vừa tổ chức kỳ họp thứ 10 xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư 2012. Sau khi thẩm định, bỏ phiếu kín, có 41 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, một ứng viên được đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư đặc cách; 426 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, một ứng viên được đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư đặc cách.
Hai nhà khoa học được xét đặc cách là ông Phùng Hồ Hải, Viện phó Viện Toán học (sinh năm 1970, xét đặc cách chức danh giáo sư) và Phạm Hữu Anh Ngọc, giảng viên ĐH Quốc tế, ĐHQG TP HCM (xét đặc cách chức danh phó giáo sư).
Trao đổi với VnExpress, giáo sư Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho biết, Hội đồng vừa làm tờ trình gửi Thủ tướng về việc đề nghị cho phép công nhận đặc cách đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư.
Theo GS Nhung, PGS Phùng Hồ Hải là nhà toán học trẻ, có nhiều công trình được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế danh tiếng trên thế giới, có thành tích khoa học xuất sắc. Ông được mời làm việc tại các Viện Nghiên cứu Toán - Lý lớn như: Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế ở Trieste (Italia), Viện Max Planck về toán ở Bonn (Đức), Viện Nghiên cứu các khoa học về toán tại Berkeley (Mỹ).
Ông Hải từng được nhận giải thưởng Baedeker dành cho luận án tiến sĩ khoa học xuất sắc nhất của Đức năm 2005, Giải thưởng Von Kaven của Quỹ DFG (Đức) năm 2006, Học bổng Heisenberg các năm 2005-2010, được Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba (TWAS) bầu làm Viện sĩ trẻ, đại diện cho khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2009-2013.
PGS Hải từng giảng dạy một số năm tại ĐH Essen (Đức), nhưng chủ yếu dành thời gian giảng dạy tại Viện Toán học và nhiều trường đại học khác tại Việt Nam. Ông là Phó Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam, Phó tổng biên tập tạp chí Acta Math Vietnamica, Phó viện trưởng Viện Toán học (từ tháng 7/2012).
"Tuy có thể làm việc và sống ở nước ngoài với chế độ đãi ngộ, lương bổng cao, nhưng PGS Phùng Hồ Hải vẫn quyết tâm làm việc và sống tại Việt Nam. Vì vậy, dù chưa đủ một số tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư nhưng hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, các nhà khoa học vẫn đánh giá rất cao", GS Nhung cho hay.
Còn tiến sĩ Phạm Hữu Anh Ngọc có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, đã công bố 45 bài báo khoa học, trong đó 30 bài đăng ở tạp chí SCI và SCI-E (hàng đầu thế giới), có tổng số điểm công trình gấp 6 lần điểm quy định. Ông đã được nhận học bổng Humboldt của CHLB Đức - một học bổng danh giá dành cho các nhà khoa học trẻ (không quá 40 tuổi) có triển vọng.
Khi được Thủ tướng phê duyệt, ông Hải sẽ là giáo sư trẻ nhất năm 2012, còn phó giáo sư trẻ nhất là Nguyễn Khánh Diệu Hồng, công tác ở Viện Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa (sinh năm 1981). 
Phóngviện: Hoàng Thùy



Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Khi lòng yêu tiền thế chỗ lòng yêu nước

Nhìn hàng hóa, máy móc thiết bị, đồ chơi, văn hóa phẩm của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam, trong đó đa số là hàng nhập lậu hoặc có độc tố nguy hiểm, những người Việt Nam ít nhiều có hiểu biết về thời kỳ kháng chiến chống Pháp chắc không khỏi phân vân: Lòng yêu nước và ý chí tự cường của người Việt Nam đi đâu mất rồi?
 
Còn nhớ, suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, VÙNG TỰ DO  (tức là  lãnh thổ của nhà nước kháng chiến VNDCCH) đã rất thành công với chủ trương "tẩy chay hàng ngoai hóa" (tức là hàng hóa từ vùng tạm chiếm của quân Pháp). Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ thời bấy giờ, nhân dân đã kiên quyết không tiêu thụ hàng hóa của địch. Tuy thiếu thốn, quân dân vùng tự do vẫn tự giác thiêu hủy tất cả các loại hàng hóa bắt được của bọn buôn lậu hoặc hàng "tâm lý chiến" do máy bay địch thả dù xuống. Đồng thời chính phủ thúc đẩy phát triển một nền kinh tế tự cung tự cấp khá hoàn chỉnh tồn tại độc lập với nền kinh tế vùng tạm chiếm của quân Pháp. Có được kết qủa đó là do chủ trương đúng đắn kịp thời của Hồ Chủ tịch và được quân dân đồng lòng hưởng ứng. 
Giờ đây hơn nữa thế kỷ đã trôi qua, tình hình tuy khác nhau, nhưng bản chất của vấn đề hàng ngoại vẫn như nhau. Sự khác nhau trong cách ứng xử của chính phủ và người dân mới là điều đáng nói. Nó  cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong quan niệm sống và lòng yêu nước của người Việt Nam giữa hai thời kỳ. Điều gì khiến mọi người trở nên vô cảm và bất lực trước sự tràn ngập hàng hóa các loại từ phương Bắc mà trong thâm tâm ai cũng biết là kẻ thù mới của dân tộc? Chẳng lẽ người Việt chỉ yêu nước khi nước mất nhà tan; và không cần yêu nước nữa khi đã là chủ nhân của đất nước ? 

Để có thêm cơ sở bàn luận về điều này, ta hãy điểm lại những khái niệm cơ bản về lòng yêu nước. Trong từ điển tiếng Anh có một định nghĩa ngắn gọn: "Patriotism is love for or devotion to one's country" (tạm dịch: Yêu nước là tình yêu hoặc sự phụng sự cho đất nước của một người). Nhưng văn hào Nga Êrenbua nói về lòng yêu nước một cách cụ thể như sau: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất , yêu cái cây trồng ở trước nhà , yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông , yêu vị thơm chua chát của trái lê mùa thu , hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh…" Người Việt Nam thì có cách ví von sinh động:  "Quê hương là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày; ...là đường đi học...; là con diều biếc v.v...và kết luận: "Nếu ai không nhớ sẽ không lớn nỗi thành người!". 

Quả vậy, với người Việt, quê hương thiêng liêng biết nhường nào, vì đó là "nơi chôn rau cắt rốn" của mỗi người. Chính tình yêu nước cụ thể, thiết thân, gần gụi như thế là động lực để người Việt chiến đấu chống bất cứ kẻ thù nào âm mưu chiếm đoạt quê hương của họ, từ quy mô làng xã đến quốc gia. Quê hương là nền tảng của lòng yêu nước mà mỗi khi được kích hoạt bởi các thủ lĩnh chân chính nó sẽ nhân lên thành sức mạnh tổng hợp và vô địch.
  
Phải chăng sự khác biệt bắt nguồn từ đặc điểm của hai thời kỳ với những người thủ lĩnh của nhân dân- đó là thời kỳ Hồ Chí Minh và thời kỳ hiện nay? Trong thời kỳ Hồ chí Minh với sự nghiệp chính  là đấu tranh giành độc lập dân tộc, lòng yêu nước thật rõ ràng và dứt khoát. Đó là việc lựa chọn đứng về phía đại đa số nhân dân, không làm tay sai cho đế quốc-thực dân nước ngoài; mỗi người với hoàn cảnh và điều kiện của mình có thể trực tiếp tham gia hoặc hoặc gián tiếp ủng hộ cách mạng . Ở thời kỳ đó, cái chết kiêu hãnh không khuất phục kẻ thù được coi là biểu hiện cao cả nhất của lòng yêu nước. Đối lập với nó là sự đầu hàng, cầu vinh  được gọi là "phản quốc". Yêu nước và phản quốc là hai thái cực của thước đo nhân cách. Thời kỳ đó, cái chết được coi là chỉ dấu cao thượng nhất của lòng yêu nước, và không có chỗ cho sự đầu hàng hoặc thậm chí khi nó chỉ là một ý định hay một mánh lới nhằm thoát khỏi cái chết. Lại càng không có chỗ cho sự cầu vinh.


Tuy nhiên, sau khi hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng đất nước khỏi ách thực dân nước ngoài, cụ thể là sau 1975, biểu tượng của lòng yêu nước đã dần thay đổi khi chính những người giải phóng trở thành chủ nhân của đất nước. Họ dần quên đi nỗi sợ hãi sống chết và trở nên ham sống sợ chết, ham muốn  vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhiều người muốn vươn tới  giàu sang phú quý càng nhanh càng tốt. Trong thời kỳ này sự sống và khả năng sống tốt hơn là thước đo của lòng yêu nước. Sự phức tạp và dễ nhầm lẫn về lòng yêu nước cũng bắt đầu từ đó. Người ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì có lợi cho mình , thậm chí để hưởng lợi từ sự hy sinh của các thế hệ đi trước, có thể đơn giản bằng cách khai man lý lịch để truy công, truy thưởng hoặc bằng cách núp bóng tiền nhân nhằm kéo dài quyền lực của bản thân, gia tộc và của "nhóm lợi ích". Những hành vi này không chỉ bởi từng cá nhân mà đôi khi cả một tập thể; không chỉ tự phát mà còn  được thể chế hóa. Ấy là lúc mà "một bộ phận không nhỏ" những kẻ có quyền lực tự tách mình ra khỏi đông đảo quần chúng nhân dân. Ranh giới khác biệt về khái niệm lòng yêu nước cũng bắt đầu từ đó. Đó là lúc lòng yêu tiền và quyền lực len lõi vào đời sống xã hội, thậm chí chế ngự lòng yêu nước. Khái niệm yêu nước tưởng chừng đơn giản trước đây, giờ trở nên mơ hồ khó hiểu, khó phân biệt. Thật không đơn giản để mọi người cùng nhìn về một hướng trong khi lợi ích đã an bài ở nhiều hướng và các tầng nấc xã hội khác nhau, được phân chia và kiểm soát bởi các nhóm lợi ích khác nhau. Đó là cái khó của người thủ lĩnh khi phải xác định đứng  ở vị trí nào trước sức cám dỗ của quyền lực và tiền tài dưới sức ép của các nhóm lợi ích. Mặc khác tình hình mới cũng thuận tiện hơn để họ biện luận cho sự phản bội đối với lợi ích của quốc gia dân tộc bằng những lập luận mơ hồ, thậm chí được sự hậu thuẫn của các thế lực nước ngoài. Họ có thể lập luận rằng chỉ có những kẻ dại khờ mới chối từ quan hệ với những đối tác nước ngoài chào thầu với giá rẽ,  và rằng tẩy chay hàng hóa từ một nước bạn láng giềng là không phù hợp với thời đại toàn cầu hóa! Vân vân và vân vân... Họ có quá đủ những lập luận kiểu này để bảo vệ những lợi ích đã được thiết lập của họ. 

Tóm lại, ngày nay giới lãnh đạo đất nước (cũng là thủ lĩnh của dân tộc) khác với thời kỳ Hồ Chí Minh ở chỗ họ đều có  lợi ích riêng tư và bị ràng buộc bởi những mối quan hệ lợi ích của giai tầng thống trị. Nói cách khác họ là đại diện của hệ thống lợi ích đã được thiết lập, và lợi ích  tối cao của họ là phải bảo vệ hệ thống lợi ích đó bằng bất cứ giá nào. Từ quan điểm này họ đưa ra những quyết sách chính trị, quốc phòng và dân sinh. Mọi chủ trương đối phó với Trung Quốc cũng phụ thuộc vào sự tính toán như vậy. Có điều là, khi chưa có chủ trương từ cấp trên thì các doanh nghiệp vẫn đua nhau tranh thủ kiếm lời bằng những thủ đoạn buôn gian bán lận, thậm chí tiếp tay cho âm mưu phá hoại của kẻ thù, trong người dân không thể "cầm đèn chạy trước ô tô" và bản chất dân chúng không bao giờ đồng nhất nếu không có vài trò dẫn dắt của thủ lĩnh. Đó là lý do tại sao cứ kéo dài tình trạng người và hàng Trung Quốc ngày càng tràn ngập lãnh thổ Việt Nam như ta thấy gần đây.

Có lẽ chưa bao giờ người yêu nước trở nên lạc lỏng như bây giờ. Nếu ai đó lên tiếng kêu gọi lòng yêu nước thì có thể bị dư luận cho là "vô công rồi nghề", thậm chí bị soi mói bởi nhà chức trách . Có một nhóm người khác cũng hay nói đến lòng yêu nước, đó là những người đang sống ở nước ngoài; họ yêu nước theo theo đúng nghĩa yêu quê hương. Thỉnh thoảng ta có thấy lòng yêu nước "tái hiện" bởi một số người giàu có qua những hoạt động từ thiện hay hoạt động tuyên truyền vận động chính trị. Ai cũng biết, trong bối cảnh Việt Nam, hầu hết những người này đã giàu lên bằng cách vi phạm các hành vi  tham nhũng hay câu kết và phản bội. Đối với họ, mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền, nên họ cho rằng có thể mua lại lòng yêu nước sau khi đã có rất nhiều tiền. Nhiều kẻ khác cũng đang định làm thế. Nhưng trong khi chưa có nhiều tiền, họ tự cho phép mình quên đi lòng yêu nước, đó là điều dẽ hiểu. Đó cũng là lý do của tình trạng khá phổ biến hiện nay khi một số kẻ thường giả ngô giả ngọng khi nói về lòng yêu nước hoặc thậm chí không phân biệt được những người yêu nước thật với các "thế lực thù địch". Đó là một trong những sự thật đầy tính bi hài của đất nước ta ngày nay./.   


Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Tham nhũng đã trở thành "giặc nội xâm"






Tại cuộc hội thảo có tên “Vai trò của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ QH tổ chức mới đây tại Quảnh Ninh , Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá: "Việt Nam thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng Đánh giá cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam thường được 2,6 - 2,7 điểm trong thang điểm 10 về chỉ số cảm nhận tham nhũng, mà theo đó mức dưới 3 điểm được coi là tham nhũng nghiêm trọng.

Kết quả đánh gía quốc tế này đã được Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng Lê Văn Lân và các đại biểu tham dự phía VN hoàn toàn tán thành. Các đại biểu cũng vạch rõ trước đây, tham nhũng chủ yếu chỉ xảy ra trong lĩnh vực kinh tế, nhưng nay đã lan sang các lĩnh vực vốn được coi trọng về đạo lý, như giáo dục, y tế, thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo, từ thiện, phòng chống dịch bệnh... Thiết nghĩ, sự đánh giá như vậy là sự khẳng định tình trạng tham nhũng ngày cangt tồi tệ, nhưng có lẽ chưa hoàn toàn đầy đủ nếu xét thêm đặc thù "tham nhũng tập thể" tồn tại lâu ngày như "chấy rận" có lẽ chỉ cở ở VN nhưng thường không được phản ảnh trong các báo cáo và điều tra quốc tế. 

Dù sao đánh giá về tình trạng tham nhũng của Việt Nam của Tổ chức Minh bạch Quốc tế là một tiếng chuông báo động tuy chậm nhưng trước khi quá muộn đối với VN. Chậm là vì nó VN đã đánh mất cơ hội phát triển, nhưng sẽ là quá muộn nếu nó khiến VN lại rơi vào tình trạng mất độc lập tự chủ một lần nữa. Người VN hẳn còn nhớ, sau đai thắng tháng 4/1975 kết thúc 30 năm chiến tranh và hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, một nước Việt Nam thống nhất với hình chữ S đầy đủ trên bản đồ thế giới . Lúc đó không chỉ người VN mà thế giới đều tin đất nước và dân tộc anh hùng này sẽ làm nên một kỳ tích kinh tế giống như Nhật Bản đã làm được sau thế chiến II. Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng sự tàn phá của chiến tranh là điều kiện thuận tiện để VN tiến thẳng lên công nghiệp hóa và hiện đại hóa.  Nhưng niềm hy vọng đó đã dần lùi xa và và xa mãi. Không biết đến nay sau 42 năm có còn ai hy vọng? Có một điều đáng tiếc rằng cho đến gần đây, mỗi khi nói về nguyên nhân, không chỉ giới lãnh đạo mà người dân VN có xu hướng cho là "do hậu quả chiến tranh" hoặc "các thế lực thù địch", về phần mình nếu có chỉ là "sự yếu kém" chung chung của "cơ chế" và do kinh nghiệm..., trong khi coi nhẹ nguyên nhân tham nhũng, thậm chí có người còn coi là "chất bôi trơn cần thiết" (!?) 

Tuy nhiên, cùng với thời gian, tham nhũng đã cho thấy sức tàn phá ghê gớm của nó. Nó không chỉ ngăn cản sự phát triển kinh tế mà còn làm mất lòng tin của nhân dân vào uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng và nhà nước. Văn kiện Đại Hội Đảng XI xác định tham nhũng đang "đe dọa sự tồn vong của chế độ". Hàng loạt các vụ tham nhũng quy mô lớn có sự câu kết xuyên quốc gia, thậm chí được chỉ đạo từ cấp cao nhất trong hệ thống công quyền, cho thấy tham nhũng giờ đây đã trở thành là "giặc nội xâm". Tình trạng này trùng hợp với nguy cơ "giặc ngoại xâm" đang đang lăm le với những thủ đoạn vô cùng trắng trợn và xảo quyệt. Hai kẻ thù này đang cùng lúc uy hiếp nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước./. 

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

“Khi Việt Nam vững vàng, Trung Quốc không thể lấn tới” (*)

(*) Đó là tên bài viết về cuộc trả lời phỏng vấn của báo Người Lao động mới đây với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an. Qua nội dung trả lời tuy ngắn gọn nhưng khá đầy đủ ý, có khí phách và sức thuyết phục khiến chủ bog tôi lại một lần nữa thấy rằng nhiều người vẫn có thể phát huy năng lực, thậm chí còn tốt hơn, khi đã về hưu . Với bề dầy kinh nghiệm và vốn kiến thức được tích lũy giờ đây có thêm thế mạnh là không bị ràng buộc bởi lợi "chiếc ghế", họ như con tằm lâu nay nằm trong kén giờ mới được nhã tơ vậy! Mong rằng sẽ có nhiều vị tướng lĩnh như ông Cương.  Dưới đây xin phép đăng lại bài phỏng vấn để mọi người cùng tham khảo.


Thiếu tướng Lê Văn Cương
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Xin ông bình luận về động thái trước việc ngày 2/8, Trung Quốc đã xua 23.000 tàu cá ra đánh bắt cá ở biển Đông?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây chưa phải là con số cuối cùng về tàu cá Trung Quốc mà chỉ là những con số mở đầu. Những chiếc tàu cá với tải trọng lên đến 3.000 tấn của Trung Quốc sẽ tràn ngập trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để chứng tỏ sự hiện diện thường xuyên, đông đảo của Trung Quốc ở biển Đông, mặc nhiên biến vùng biển Việt Nam thành vùng tranh chấp để từ đó biến thành vùng biển của mình. Trung Quốc đang dần hiện thực hóa quyền chủ quyền, quyền tài phán phi lý của họ ở “đường lưỡi bò” mà họ tự nghĩ ra với ý đồ rõ ràng. Trung Quốc biết lực lượng của ta còn mỏng, phản ứng còn chưa đủ mức độ cần thiết vì thế họ càng lấn tới. Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “TP Tam Sa” trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thể hiện rõ mưu đồ này?
Đây phải được coi là cuộc xâm lược về mặt pháp lý thứ hai của Trung Quốc vào nước ta. Lần đầu là tháng 1/1979. Cuộc xâm lược trắng trợn này đã chà đạp lên Hiến chương của Liên Hiệp Quốc, đi ngược nguyên tắc chung sống hòa bình giữa hai nước, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Ta phải có tiếng nói mạnh mẽ để Trung Quốc không thể lấn tới, giống như kẻ cướp đến nhà ta rồi trùm chăn đánh thì ta cũng phải hô to để hàng xóm biết mà đến cứu. Trong nhiều bài viết đã công bố, tôi đã nhấn mạnh: “Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”.
Tàu dịch vụ nghề cá
của Việt Nam
trên đảo Đá Tây - Trường Sa. Ảnh: Huỳnh Nga
Tàu dịch vụ nghề cá của Việt Nam trên đảo Đá Tây - Trường Sa. Ảnh: Huỳnh Nga
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/8 tuyên bố việc Trung Quốc thành lập “TP Tam Sa”, bao gồm cả việc đồn trú quân sự là “đi ngược lại các nỗ lực ngoại giao chung để giải quyết khác biệt và có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”. Ông nghĩ sao về động thái chỉ trích này của Mỹ?
Mỹ đã thể hiện sự lo ngại và quan tâm về tình hình căng thẳng ở biển Đông có thể khiến xung đột gia tăng. Hành động hung hăng, hiếu chiến của phía Trung Quốc trong những năm gần đây, mở đầu bằng vụ cắt cáp quang ngày 9/6/2011 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã cho cả thế giới thấy rõ bản chất của Trung Quốc. Tôi cho rằng phản ứng của Mỹ là tích cực vì khiến Trung Quốc không thể phớt lờ tiếng nói của cộng đồng quốc tế.
Thiếu tướng Lê Văn Cương: “Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm, giữa ta và Trung Quốc luôn tồn tại thực tế: Khi Việt Nam lùi thì Trung Quốc tiến, còn khi Việt Nam vững vàng thì Trung Quốc không thể lấn tới được”.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là dựa vào thực lực quốc gia, không nên để Trung Quốc lấn tới, muốn làm gì thì làm. Dân tộc Việt Nam mạnh mẽ với gần 100 triệu dân yêu nước; đó cũng chính là thực lực, là sức mạnh toàn dân.
Để làm được việc này, tức là để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ, chúng ta phải tăng cường hơn nữa sức mạnh quân sự?
Dù Trung Quốc không bày tỏ dã tâm bành trướng như vậy thì Việt Nam vẫn cứ phải mua sắm thêm trang thiết bị, vũ khí tối tân để bảo vệ chủ quyền của mình. Nhưng không nên xem đây là một giải pháp chủ yếu và duy nhất. Điều quan trọng không kém là phải đẩy mạnh truyền thông, theo dõi sát sao các hoạt động xâm lấn của Trung Quốc hằng ngày để nói rõ cho người dân biết, thế giới biết. Người dân có quyền được biết thông tin và ta phải làm việc rõ ràng, kiên quyết và nghiêm túc. Sức mạnh lan tỏa của truyền thông còn mạnh hơn tàu ngầm, tên lửa.
Theo ông, trong trường hợp ASEAN và Trung Quốc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) thì có giải quyết các tranh chấp tại biển Đông?
Trước hết, COC vẫn tốt hơn DOC (Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông) vì đây là cơ sở để thế giới lên án và cộng đồng quốc tế chia sẻ tiếng nói chung. Nhưng không nên quá tin vào COC vì ngay cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 còn không được Trung Quốc tôn trọng. Cần phải có thêm các điều khoản ràng buộc để tạo thêm sức mạnh về lẽ phải và về số đông những nước có thiện chí trong khu vực.
Xác lập địa giới hành chính Việt Nam trên biển
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động tại buổi họp báo thường kỳ chiều 6/8 về ý nghĩa của những tấm bản đồ cổ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đối với việc hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo Quyết định 513/QĐ-TTg ngày 2/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dự án “Hoàn thiện hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết đây thực sự là những cứ liệu rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, thực hiện Quyết định 513, Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường đang tiến hành những khảo sát, đánh giá bước đầu. Về việc này, Vụ Chính quyền địa phương - Bộ Nội vụ cho biết bước đầu tiên của đề án sẽ đánh giá lại địa giới hành chính trên biển Đông và xác định lại tranh chấp địa giới hành chính để có cái nhìn tổng quan nhất. Trên cơ sở cứ liệu thu thập được sẽ tiến hành chỉnh lý lại hồ sơ, bản đồ địa giới trước đây. Sau khi được phê duyệt, các bộ - ngành sẽ cùng nhau phổ biến hồ sơ địa giới hành chính đã được hiện đại hóa này bằng nhiều cách thức khác nhau để người dân trong và ngoài nước hiểu hơn về địa giới hành chính của Việt Nam.
T.Kha
Theo Bích Diệp
Người lao động

--------------

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này