Hiển thị các bài đăng có nhãn ASEAN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ASEAN. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

Việt – Trung đàm phán hòa bình vấn đề Biển Đông (?)

Đó là tiêu đề bản tin nói là "theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ" đươc Vietnamnet đưa lên mạng hôm nay. (Dấu (?) là của Bách Việt) vì thấy nó thiếu độ chuẩn xác, và do đó phát ra một thông tin mơ hồ đối với người đọc . Chẳng hay đó là vì mục đích tuyên truyền hay vì trình độ chuyên môn, nếu không phải chủ đích "giật gân" của người đưa tin ? (xem tin dưới đây). Trước tin này, không biết nên mừng hay nên lo ? Khó mà tin dược về chuyện "đàm phán biển Đông" một cách nghiêm túc vào lúc này!  

Đọc nội dung thì đó là một tin tổng hợp về cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với  Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nam Ninh, Quảng Tây nhân dịp Hội chợ và Hội nghị cấp cao về thương mại giữa tổ chức ASEAN-TQ. Tại đó hai nhà lãnh đạo chỉ mới đưa ra những lời hứa suông mà thôi. Xin hãy đừng quên những kinh nghiệm của quá khứ. Người TQ là bậc thầy của chiêu bài "dương đông kích tây", nói một đường làm một nẻo; chủ thuyết "vừa đánh vừa đàm" cũng là của họ. Thử hỏi, từ sau thỏa thuận cấp cao hai nước tháng 1/2011 đến nay họ có chịu đàm phán hòa bình không hay chỉ toàn dùng sức mạnh lấn chiếm biển đảo của VN? Hãy đợi đấy! Đây chỉ là một đợt "giải lao" đối với bọn bành trướng bá quyền mà thôi! Dưới đây là bản tin của Vietnamnet

 Việt-Trung đám phán hòa bình vấn đề Biển Đông 
 


Chiều 20/9, tại Nam Ninh, Quảng Tây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp Phó Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.  Xem đầy đủ tin tại đây: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/89378/vie-t---trung-da-m-pha-n-ho-a-bi-nh-va-n-de--bie-n-dong.html



Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

Mong sao không lặp lại "giải pháp đỏ"


Cuộc tranh chấp chủ quyền tại biển Đông đến nay đã bước sang giai đoạn cao trào đòi hỏi phải có một giải pháp hòa bình nếu muốn ngăn chặn chiến tranh nóng .

Phía Trung Quốc, sau thời kỳ ráo riết lấn chiếm trên thực địa, đã hoàn thành thủ đoạn "biến không thành có" và lập được cái gọi là "Thành phố Tam Sa" với đầy đủ bộ máy hành chính và quân sự để kiểm soát toàn bộ khu vực rộng lớn án ngữ giữa Biển Đông bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN cùng đảo Hòang Nham và bãi cạn Scarborough của Philipine. Trên mặt trận ngoại giao, Bắc Kinh một mặt tự tiện tiến hành khai thác tài nguyên biển Đông, một mặt tung ra chiêu bài "gác tranh chấp cùng khai thác" nhằm đặt các bên liên quan vào thế khó xử; một mặt chủ trương đàm phán song phương, coi đây chỉ là vấn đề nội bộ khu vực mà Mỹ và bên ngoài không được can thiệp vào, một mặt ráo riết thực hiện các thủ đoạn chia để trị đối với nội bộ ASEAN. Riêng đối với Việt Nam, Bắc Kinh vẫn áp dụng thủ pháp hai mặt "vừa đấm vừa xoa" nhằm lừa gạt “người đồng chí anh em” một lần nữa.
 
Trước thái độ cố chấp của Bắc Kinh, dư luận quốc tế ngày càng nhận rõ hơn ý đồ độc chiếm biển Đông của TQ; Mỹ phải lên tiếng mạnh hơn đồng thời thúc dục ASEAN và TQ sớm đàm phán về COC. Biết không thể kéo dài tình trạng căng thẳng quá lâu mất uy tín quốc tế, Bắc Kinh cũng phải chuẩn bị cho một giải pháp đàm phán với thế mạnh của kẻ đang chiếm đóng trên thực địa tại biển Đông.

Diễn biến tình hình gần đây nhắc nhớ lại thời kỳ các bên tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Campuchia trong những năm 1980. Sẽ là khiếm khuyết khi bàn về giải pháp biển Đông mà không nhắc lại bài học liên quan đến giải pháp Cămpuchia cách nay hơn 20 năm . Điểm mấu chốt của bài học đó là sai lầm của Việt Nam khi chọn ”gải pháp đỏ" với phía Trung Quốc - một sai lầm vẫn còn tác động sâu sắc đến ngày nay.

Đáng lẽ Việt Nam đã có thể sử dụng việc kết thúc vấn đề Cămphuchia như một cơ hội để nâng cao uy tín quốc tế phục vụ công cuộc mở cửa và phát triển đất nước nếu biết lựa chọn giải pháp thông qua Hội đồng bảo an LHQ, kể cả Mỹ và ASEAN. Nhưng người Việt Nam đã chọn cách ”đi đêm” với kẻ thù truyền kiếp vì ảo tưởng rằng đồng chí với nhau tốt hơn là với phương Tây (!?). Điều đáng lưu ý là, sai lầm đó không phải do đường lối chính thống của VN thời bấy giờ mà là do người đứng đầu của Đảng mới nhậm chức gây ra. Để thực hiện sự sai lầm đó, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã bị đem ra "thí" như một điều kiện cho "giải pháp đỏ" mà suy cho cùng là một sản phẩm của sự đầu hàng vô nguyên tắc của Việt Nam và cũng trái với nguyện vọng của hai nước bạn "đặc biệt": Campuchia và Lào. Bằng thỏa thuận Thành Đô, Việt Nam đã tự xóa bỏ toàn bộ công lao, xương máu của mình để giúp nhân dân Cămpuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, kể cả trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Đó là chưa kể cái giá quá đắt do bị Mỹ và quốc tế cấm vận hơn 10 năm liền. Tính chính danh, chính nghĩa của hai cuộc cuộc chiến đó cũng đã bị lu mờ . Đó là hậu quả thảm bại của nếp tư duy mơ hồ về “ý thức hệ” mà đáng ra đã có thể rũ bỏ hoàn toàn sau sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc. Mọi sự hy sinh của quân và dân Việt Nam đã trở thành vô nghĩa vì không đạt kết quả cuối cùng, thậm chí có thể nói đã “mất trắng”do lựa chọn sai lầm trong giải pháp về vấn đề Cămpuchia. Sau nhiều năm vết thương vẫn chưa lành thì sự trở mặt của chính quyền Pnompênh câu kết với Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông mới đây đã khẳng định bài học nói trên. Nếu không có "giải pháp đỏ" chắc đã không có kết cục trớ trêu này. 


Hai Đoàn đàmphán VN và TQ chụp ảnh chung tại Thành Đô năm1990
Đó là một bài học cay đắng. Nhưng liệu nó sẽ được học đến nơi đến chốn hay lại học trước quên sau? Câu hỏi này không thừa nếu theo dõi những diễn biến tình hình quan hệ Việt-Trung trong bối cảnh vấn đề biển Đông hiện nay.

Có thể nói trước âm mưu độc chiếm biển Đông của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc, nội bộ Việt Nam luôn bị dằng xé bởi các luồng tư tưởng trái ngược nhau, không chỉ trong giới lãnh đạo đất nước mà ngày càng tăng lên giữa nhân dân và lãnh đạo. Điều này được thể hiện không chỉ trên nội dung các văn kiện chính trị mà còn thể hiện trong những hành động cụ thể. Đó là sự lúng túng và không minh bạch trong cách thể hiện quan điểm về bạn/thù, sự thiếu nhất quán trong các chủ trương chính sách đầu tư, xuất-nhập khẩu, an ninh-quốc phòng và văn hóa, truyền thông, v.v... Do ngày càng xa rời với phương châm đã đề ra từ Đại hội VI, nền kinh tế Việt Nam đang bị lệ thuộc vào Trung Quốc sau nhiều đợt sai lầm trong lựa chọn đối tác hoặc sự nhượng bộ vô nguyên tắc, thậm chí sự thông đồng mang tính chất phản quốc của các nhóm lới ích . Dự án khai thác bauxit trên vùng chiến lược Tây Nguyên và hàng loạt trường hợp "tô nhượng" đất đai, rừng, biển tại những địa bàn nhậy cảm về an ninh quốc phòng là những ví dụ. Nhiều sai lầm tương tự vẫn tiếp diễn ngay cả khi Trung Quốc ráo riết xâm lấn biển đảo đồng thời dùng nhiều thủ đoạn phá hoại an ninh kinh tế-xã hôi trên đất liền.

Do vị trí địa lý và tương quan lực lượng,Việt Nam, dù muốn hay không, vẫn giữ vai trò quyết định trong giải pháp cho vấn đề tranh chấp biển Đông hiện nay. Do đó, Việt Nam một lần nữa phải đối mặt với thách thức và cơ hội tương tự như trong trong vấn đề Campuchia trước đây. Việc lựa chọn giải pháp cho vấn đề biển Đông sẽ một lần nữa ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam, ASEAN và quốc tế. Diễn biến tình hình từ sau HN AMM 45 cho thấy một giai đoạn mới đã bắt đầu đối với giải pháp biển Đông . Những tín hiệu mới đang phát ra từ quá trình Hội nghị cấp cao APEC. Đó là thái độ cứng rắn và khẩn trương hơn của Mỹ trong việc hối thúc ASEAN cùng TQ sớm thông qua COC tại Hội nghị CC ASEAN tháng 11 tới . Mỹ cũng chính thức đề nghị Nga tham gia nhiều hơn vào vấn đề biển Đông. Thủ tướng Singapore trong chuyến thăm TQ mới đây cũng cho thấy muốn đóng một vai trò nào đó. Bắc Kinh một mặt tỏ ra rất bất bình trước thái độ "cứng lên" của phía Mỹ, nhưng có vẽ "lắng nghe" ý kiến của Singapore, Indonesia và Thái Lan (?) Nhật Bản, Nga ,Úc, Ấn Độ... cũng đều sẵn sàng đóng vai trò trong một giải pháp biển Đông.

Trong bối cảnh hiện nay , nôi dung cuộc gặp giữa hai Chủ tịch Trương Tấn Sang và Hồ Cẩm Đào bên lề Hội nghị APEC tại Vladivostok mới đây không khỏi khiến dư luận băn khoăn. Sự khác nhau trong cách đưa tin giữa VNTTX và THX về sự kiện này khiến dư luận nghi ngờ độ trung thực của hai bên. Trong khi THX nói chung chung, thì VNTTX nói đậm hơn, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương Việt-Trung bất chấp thực tế đang diễn ra. Báo Tuổi trẻ ngày 8/9 với tiêu đề "Không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung" đã đưa tin: "Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng trong tình hình hiện nay, việc không ngừng tăng cường sự tin cậy về chính trị , làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện ...có ý nghĩa hết sức quan trọng"; "về biển Đông, hai bên cần kiên trì...không để vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định quan hệ hai nước". Tờ China Daily đưa tin đậm về những lời chỉ huấn muôn thuở của lãnh đạo TQ rằng “Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói Trung Quốc và Việt Nam cần bình tĩnh và chứng tỏ kiềm chế về vấn đề Nam Hải" đồng thời "thúc giục hai nước trung thành với đàm phán song phương và giải pháp chính trị, và tiếp tục con đường cùng khai thác.”

Những câu chữ và ý tứ kiểu trên đây cho thấy hiện tượng không bình thường, nếu không nói là báo hiệu một sự chuyển dịch lập trường nào đó (?). Liệu cái đích của sự chuyển dịch này là gì? Nhân đây xin nhắc lại một chi tiết. Đó là sự tâm đắc của Tống Bí thư đảng ta sau chuyến thăm Trung Quốc cuối năm ngoái và đã được chính ông nhắc lại tại Hội nghị quán triệt nghị quyết Trung ương 4 hồi tháng 5/2012: “Ðảng Cộng sản Trung Quốc trong cải cách, mở cửa cũng luôn luôn khẳng định dứt khoát phải kiên trì vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, và trong những lần trao đổi với chúng ta, bạn thường nhấn mạnh không để bị “Tây hóa”. Liệu ý kiến chỉ đạo này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình tìm kiếm giải pháp biển Đông?

Trần Kinh Nghị

Phụ lục: Trích đoạn Hồi ký Trần Quan Cơ

" Mặt khác, thái độ của Mỹ có đổi khác: ngày 18.7.90 ngoại trưởng James Baker tuyên bố Mỹ thôi không công nhận Campuchia Dân chủ (tức chính quyền 3 phái do Sihanouk đứng đầu), lên án Khmer Đỏ, nhận đối thoại với Việt Nam qua phái đoàn ở Nữu-ước. Ngày 6.8.90, ta với Mỹ tiếp xúc ở Nữu-ước, Mỹ chủ yếu thăm dò thái độ ta về văn kiện khung của LHQ về giải pháp Campuchia.Ngày 8.8.90 Bộ Ngoại Giao trình BCT đề án về vấn đề Campuchia theo hướng phân rõ mặt quốc tế và mặt nội bộ của giải pháp. Về mặt quốc tế, góp ý với bạn nên đồng ý phương án của P5, còn mặt nội bộ phải do bạn Campuchia quyết định, ta tôn trọng.Chiều 8.8.90, tôi đến gặp Cố vấn Phạm Văn Đồng xin ý kiến về đề án này. Anh nói: Tình hình hiện nay tạo cơ hội thuận lợi cho giải pháp Campuchia. Cần tận dụng cơ hội mới này trong khi ta còn sử dụng được. Phải dám chơi với LHQ, với Hội Đồng Bảo An, với Mỹ và phương Tây. Cần tranh thủ nhân tố Mỹ trong tình hình mới... Đề án về lý thuyết thì tốt nhưng làm sao thực hiện được... Không nên đặt yêu cầu quá cao “giữ vững thành quả cách mạng (Campuchia)”... Đi vào tổng tuyển cử bạn giành được 50% là lý tưởng...”Ngày 12.8.90, BCT họp về đề án Campuchia do Bộ Ngoại Giao thảo. Sau khi thảo luận, anh Linh kết luận: Với Mỹ, ta tiếp tục đối thoại như BCT đã cho ý kiến với Trung Quốc trong cuộc gặp 13/8 giữa tôi và Trương Đức Duy, ta nên nói là 2 nước XHCN Việt Nam và Trung Quốc nên hợp tác giải quyết vấn đề Campuchia để có một nước Campuchia hữu nghị với các nước láng giềng, trước hết là Việt Nam, Trung Quốc, Lào. Ta không nói Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN cần đoàn kết chống đế quốc chống đế quốc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội.Nhưng rồi cuộc gặp Thành Đô đã làm lãnh đạo Việt Nam xa rời quan điểm thực tế này mà ngã hẳn theo Trung Quốc, thậm chí còn định ép PhnomPenh chấp nhận đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh về vấn đề SNC Campuchia.42 bản 01 thêm: [Campuchia cũng như]43 bản 01 thêm: [lớn]

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Trung lập: lựa chọn của ASEAN?


Chuyến thăm kéo dài 6 ngày (từ 2-7/9/2012) của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến Trung Quốc, tuy không quá rầm rộ, cũng chẳng đến mức gây tranh cãi, nhưng là một sự kiện hàm chứa một số thông điệp mới và đáng được nghiên cứu trong bối cảnh tranh chấp biển Đông hiện nay.
Tuy là chuyến thăm của người đứng đầu một quốc gia thuộc loại nhỏ nhất thế giới tới một nước lớn nhất thế giới là Trung Quốc, nhưng ông Lý Hiễn Long đã không chỉ thể hiện quan điểm của Singapore  mà còn nói lên quan điểm của khối ASEAN với đối tác Trung Quốc. Điều thú vị là, trong quá trình gặp gỡ, tiếp xúc với phía  Trung Quốc, ông ta đã đưa ra những lời khuyên bảo hết sức thẳng thắn đối với chủ nhà; chưa rõ nước chủ nhà tiếp thu đến đâu,  nhưng cũng chưa thấy phản bác gì gay gắt như vẫn thấy đối với Mỹ hoặc các  trường hợp khác . Về mặt này, có lẽ ông Lý Hiễn Long đã làm tốt hơn cả bà Clinton hoặc nhiều đồng nghiệp khác trong ASEAN(?)
Ví dụ, ông Lý Hiển Long không chỉ công khai ca ngợi sức mạnh Mỹ là sáng tạo tuyệt vời, mà còn thay mặt Mỹ tuyên bố : “Mỹ có những lợi ích chính đáng ở châu Á và có một vai trò ở đây mà không nước nào có được”. Vai trò đó, theo ông, không chỉ nhờ sức mạnh quân sự và kinh tế, mà còn vì những lý do lịch sử. “Đó là lý do nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương hy vọng Mỹ tiếp tục đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực, và Singapore tin tưởng như vậy”, ông nói.
Đồng thời ông Lý Hiễn Long cũng chỉ ra rằng những hành động của Trung Quốc tại biển Đông sẽ được các nước lấy làm cơ sở đánh giá ý nghĩa thực chất của việc nước này đang mạnh lên. Vì vậy, ông kỳ vọng Bắc Kinh sẽ “kéo dài giai đoạn trổi dậy” bằng cách góp phần tạo dựng hòa bình và thịnh vượng cho chính mình, châu Á và cả thế giới, thay vì gây quan ngại như cách họ đang làm" Ông không ngần ngại nhắc nhỡ Bắc Kinh rằng "về lâu dài hình ảnh của Trung Quốc, không chỉ đối với ASEAN mà với thế giới, là cực kỳ quan trọng".

Nhà lãnh đạo của quốc gia nhỏ bé có biểu tượng con sư tử cũng đã tỏ ra rất khôn khéo gắn các vấn đề lợi ích của nước mình với lợi ich của khu vực khi nói rằng “Singapore có lập trường rõ ràng và nhất quán trong vấn đề biển Đông, và rằng "Chúng tôi không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền nên không đứng về bên nào. Nhưng chúng tôi có những lợi ích sống còn ở đó”. Đồng thời ông cho rằng “Tranh chấp chủ quyền và quyền khai thác các nguồn lợi tại biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình theo công pháp quốc tế, gồm Công ước LHQ về luật Biển”. Theo ông, Tuyên bố lập trường 6 điểm của ASEAN về biển Đông vào ngày 20.7 là một tiến bộ, và bày tỏ "hy vọng Trung Quốc sẽ cùng ASEAN sớm đối thoại về Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông”.
Điểm đáng lưu ý nhất của chuyến thăm có lẽ nằm ở bài phát biểu của ông Lý Hiễn Long tại trường Đảng trung ương Bắc Kinh do ông Tập Cận Bình làm Hiệu trưởng. Tại đó ông ta đã đề cập nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý nhất là ý tưởng về một ASEAN trung lập. Cụ thể ông nói: "ASEAN nên theo đuổi lập trường trung lập và nhìn về phía trước (neutral and forward-looking) đối với các tranh chấp biển Đông đồng thời cổ vũ các bên liên quan giải quyết vấn đề thông qua biện pháp hòa bình". Theo ông, đó là cách để tránh tình trạng các thành viên bị buộc phải chọn theo một thế lực nào đó; nếu không, “Đông Nam Á sẽ trở thành đấu trường mà chẳng ai chiến thắng cả”. Ông cũng cảnh báo. “Biển Đông là trái tim của ASEAN. Vì vậy, nếu ASEAN không giải quyết được vấn đề tranh chấp thì uy tín của khối sẽ bị hủy hoại”.

Thực ra ý tưởng về một khối ASEAN trung lập đã có từ thời chiến tranh lạnh, chính xác là những năm trước khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, với tên gọi là ZOPFAN ( Zone of Peace, Freedom and Neutrality). Tuy nhiên ý tưởng đó đã "chết yểu", nếu không nói là thất bại bởi vì bối cảnh tình hình lúc đó không thuận lợi do tình trạng đối đầu giữa  hai phe mà trong đó 3 quốc gia quan trong của khu vực  là VN, Lào và Cămpuchia  không nằm trong ZOPFAN. Trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc ông Lý Hiễn Long nêu lại khái niệm trung lập hóa ASEAN không phải là điều gì quá mới; chỉ có hoàn cảnh quốc tế và khu vực đã thay đổi hoàn toàn khi mà ASEAN đã bao gồm tất cả các nước khu vực Đông Nam Á vàlà khu vực đang phát triển rất năng động và được coi là một trong những "đầu tàu" của nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh tranh chấp biển Đông, một ASEAN trung lập xem ra là hợp lý và thiết thực để tự bảo vệ lợi ích của bản thân mình trước cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng của hai siêu cường.Với một ASEAN trung lập, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ được đặt vai vị trí và vai trò ngang bằng nhau tại khu vực. Quy chế hoặc chính sách trung lập có thể giúp ASEAN có thêm sức sống mới và cơ sở tinh thần mới để đi tới thống nhất trong các vấn đề nội khối cũng như trong đấu tranh và cạnh tranh với bên ngoài. Quy chế trung lập sẽ giúp ASEAN tránh bị guồng vào cuộc chạy đua vũ trang một cách lãng phí mà không bao giờ có thể mạnh bằng TQ hoặc Mỹ, để dành nguồn lực phát triển kinh tế. Nếu như trong quá khứ các quốc gia nhỏ yếu xung quanh biển Đông thường là nạn nhân của những cộc tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường thì đây là một cơ hội để họ thoát ra khỏi tình thế đó với tư cách là một tổ chức khu vực gắn bó với nhau. Do đó, trung lập hóa ASEAN có lẽ là một ý tưởng không tồi và đáng được xem xét nghiêm túc./.     

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Thấy gì qua Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN 45


ASEAN –ngôi nhà chung mỏng manh có nhiều cửa 
 
Xin khỏi nhắc lại quá trình hình thành ASEAN và nguyên tắc đồng thuận –concensus đã quá nỗi tiếng của nó. Cũng là một tập họp giống như nhiều tập họp khu vực khác trên thế giới  ra đời thời kỳ cuối thế kỷ 20. Nhưng ASEAN đã từng được dư luận quốc tế kỳ vọng sẽ là một EU của phương Đông!  Quả vậy, tuy không quá nhanh nhưng ASEAN đã làm được khá nhiều việc trong vòng chưa đầy  20 năm lại đây , trong đó có việc mở rộng thành viên đầy đủ 10 nước và góp phần đưa Myanma  từ một chế độ độc tài quân sự sang một chế độ dân chủ. 

Tuy nhiên, giờ đây ASEAN đang đứng trước nguy cơ chia rẽ do những khác biệt lợi ích quốc gia trong quan hệ với đại cường quốc láng giềng phương Bắc. Đây là một tình hình  ít ai đã có thể hình dung khi ASEAN mới mở rộng, thậm chí nhiều người  còn tin rằng ASEAN sẽ phát triển nhanh, mạnh hơn TQ(!)  Nhưng giờ đây cái bóng của người khổng lồ TQ đang phủ lên ASEAN - ngôi nhà của các chú lùn bé nhỏ vốn  không chỉ bị hạn chế bởi nguyên tắc đồng thuận , mà còn bởi những đặc điểm khác biệt về tôn giáo, chính trị, trình độ phát triển và lợi ích kinh tế... Với  bộ khung pháp lý lỏng léo- Đồng thuận- ASEAN một mặt có thể khá linh hoạt, nhưng mặt khác thiếu chất kết dính cần thiết trong ứng phó trước phong ba báo táp. Sự đa dạng về văn hóa-xã hội-chính trị, tôn giáo và lịch sử là những cánh cửa cho hợp tác phát triển, nhưng đồng thời cũng dễ bị những cơn gió lùa gây nên những chứng bệnh nhức đầu sỏ mũi kiểu "sáng nắng chiều mưa"...
 
Bắc Kinh đã và đang ráo riết lợi dụng  những yếu điểm trên đây của ASEAN để kìm chế và tiến tới thống trị khu vực Đông Nam Á như vốn đã nằm trong tầm ngắm chiến lược của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán. Nếu nhìn lại từ thời kỳ chiến tranh Việt Nam ta sẽ càng thấy rõ hơn mưu đồ này của TQ. Đó là những hoạt động ngầm của “đội quân thứ năm”(the fifth column) tại khắp vùng Đông Nam Á, đó là chiến thuật chia cắt Việt Nam để chống Mỹ bằng xương máu của người Việt, đó là âm mưu gầy dựng chế độ Pol Pot đồng thời ngấm ngầm lấn chiếm biển đảo tại Biển Đông khi Mỹ bị buộc phải rút khỏi khu vực, v.v… Tất cả cho thấy, cái gọi là chiến lược tiến ra biển lớn của TQ không chỉ dừng lại ở Biển Đông mà sẽ là  toàn bộ vùng Nam TBD và Ấn Độ Dương. Trên con đường đó, chính ASEAN sẽ là nạn nhân đầu tiên của chủ nghĩa bành trướng bá quyền  Đại Hán, chứ không chỉ Việt Nam và Philipine cùng một vài nước ven Biển Đông như một số người nhầm tưởng. 
  
Hãy cảnh giác với những con “ngựa thành Troia”
  
Liên kết quốc phòng Trung - Cam.
Cái gì đến đã đến, trong một sự kiện không mấy bất ngờ ngày 13/7/2012 vừa qua thế giới đã chứng kiến Hội nghị Ngoại trưởng  ASEAN lần thứ 45 tại thủ đô Pnompenh đã kết thúc mà không đạt  được đồng thuận về COC sau 10 năm bàn thảo. Và do đó cũng là lần đầu tiên tổ chức này không thể thông qua được một tuyên bố chung. Nguyên nhân đơn giản là do sức ép từ Bắc Kinh.  Người trực tiếp thực hiện sức ép đó chính là vị Ngoại trưởng đáng kính của nước chủ nhà Cămpuchia dân chủ . Đây là một sự thật đầy cay đắng và trớ trêu nếu ta nhớ lại Bắc Kinh đã từng ra sức gầy dựng chế độ Pol Pot như thế nào trong những năm 1970 và 1980 nhưng cuối cùng đã thất bại với sự ra đời của chính phủ Campuchia dân chủ hiện nay. Và giờ đây Bắc Kinh đã thực hiện được âm ưu  thâm độc của họ dù không còn chế độ Pol Pot! 
  
Để đạt được điều này, có thể nói Bắc Kinh đã dầy công trong việc biến Campuchi thành một loại “ngựa thành Tơ-roa” trong ASEAN. Chiêu bài  của Bắc Kinh thực ra không có gì mới, vẫn chỉ là “cây gậy và củ cà rốt” của người Mỹ mà bản thân Bắc Kinh lúc nào cũng lên án.  Âm mưu này đã có từ nhiều năm trước với việc cam kết viện trợ hàng tỷ đôla cho Camphucia. Số viện trợ đó cho một nước nhỏ chỉ có 13 triệu người là rất lớn. Ngay trước Hội nghị Bắc Kinh đã “cho không” nước chủ nhà một “Hội trường Hòa Bình” trị giá 20 triệu đô la mà dư luận đã từng dấy lên mối hoài nghị về những thiết bị điện tử của nó được nối mạng với Bắc Kinh.  Mới đây nhà chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á, giáo  sư Carl Thayer đã tỏ ý nghi ngờ về việc Camphuchia  tiết lộ các bí mật của ASEAN cho Bắc Kinh. 

Sau 10 năm làm việc với rất nhiều nhân nhượng nhằm đi tới sự đồng thuận quan điểm dù chỉ là rất khiêm tốn trong nội bộ ASEAN về COC với hy vọng không qua chậm trễ  trong đàm phán với phía TQ về tranh chấp Biển Đông , hành động của nước chủ nhà Campuchia không khác nào một sự phản bội. Có nhà ngoại giao ASEAN đề nghị không nêu tên cho là “TQ đã mua Campuchia” cũng là một nhận xét hoàn toàn xác đáng. Bất chấp những lời động viên lẫn nhau của ông Tổng Thư ký Surin Pitsuwwan ví von đó chỉ là một “cú nấc không nhất thiết tạo ra thất bại…”, không khí bao trùm là sự thất vọng và thất bại. Ý nghiã thất bại không chỉ ở chỗ không thống nhất quan điểm về COC mà còn làm gián đoạn  hàng loạt các nôi dung hợp tác đang hồi chín mùi của ASEAN khiến ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình nhất thể hóa của tổ chức này.  Tuy nhiên, riêng Ngọai trưởng Mỹ  Hillary Clinton đã có cách nhìn khá “biện chứng” và thú vị rằng : “Đó là dấu hiệu trưởng thành của ASEAN khi họ tranh luận một số vấn đề rất hóc búa. Họ không tránh né”. Bà Clinton nói đúng, vì trong suốt thời gian qua, không chỉ Bắc Kinh mà hầu như các nước thành viên ASEAN cũng chưa nói rõ một cách công khai minh bạch về  lập trường liên quan đến vấn đề Biển Đông.  Đã đến lúc mỗi nước ASEAN cần nêu rõ và công khai lập trường của bản thân, qua đó buộc TQ phải nêu rõ và công khai lập trường của họ. Bắc Kinh không thể tiếp tục chơi trò hèn hạ trùm chăn lên các nạn nhân để tha hồ đấm đá lên người họ mà không bị thế giới lên án đích đáng.
 
Gặp Dương Khiết Trì Hunsen cười tít cả mắt
Song le, câu chuyện thất bại của HN Ngoại trưởng ASEAN 45 là một hồi chuông báo động trước hai vấn đề nhược điểm của ASEAN: Một là, thiếu tính minh bạch, rõ ràng, công khai về quan điểm của mọi nước thành viên. Có một ý kiến rất hay trong giớibình luận rằng thà không có tuyên bố chung còn hơn có mà không  nêu được đích danh các vấn đề tranh chấp! Hai là, tầm quan trọng sống còn của khối đoàn kết nội bộ ASEAN. Ngoài trường hợp "trỡ giáo" của Campuchia, cũng nên đề phòng những kẻ "đục nước béo cò" nào đó. Việc Thái Lan gần đây đề nghị được đóng vai trò “trung gian” để giải quyết vấn đề Biển Đông giữa ASEAN và TQ xem ra có cái gì đó khác thường: Tại sao một nước thành viên lại đóng vai “trung gian” giữa tổ chức của mình với bên đối tác? Thiết nghĩ, trong thời đại công nghệ điện tử và toàn câu hóa, những con “ngựa thành Troia” nên được hiểu theo một nghĩa khác với thời La mã.
 
Của ai người ấy giữ  
 
Vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biển đảo của các quốc gia  tại Biển Đông đúng ra là một phạm trù quốc tế, chứ không riêng gì của Việt Nam và Philipine. Do đó cuộc đấu tranh này là cuộc đấu tranh chung của tất cả các nước và vùng lãnh thổ có cùng lợi ích sử dụng tại Biển Đông, kể cả giao thương hàng hải , hàng không, nghiên cứu khoa học và khai thác nguồn lợi đại dương trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.  Chỉ những kẻ thiển cận mới không thừa nhận số phận của họ cũng sẽ bị đe dọa như thế nào nếu Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông. Đó sẽ là một tai họa đối với cả thế giới.
Tuy nhiên, trong quá trình chưa thể đi tới thống nhất về COC và càng xa vời trong việc đưa các thế lực bành trướng bá quyền ra ánh sáng của luật pháp quốc tế, không ai khác mà chính mỗi quốc gia có lợi ích trực tiếp hay gián tiếp tại Biển Đông  phải tự bảo vệ bản thân.  Gánh nặng đang đè lên vai những nước ven biển Đông, trong đó Việt Nam và Philipine đã và đang là hai nạn nhân trước tiên của âm mưu bành trướng bá quyền  của TQ.  
Tàu TQ dàn hàng tiến sâu vào ngư trường của VNthời gian gần đây
Sở dĩ Bắc Kinh âm mưu chủ trương kéo dài tình trạng mập mờ không minh bạch về tuyên bố chủ quyền của bản thân và của các bên liên quan tại Biển Đông để dể bề dùng sức mạnh vượt trội của mình và lấn chiếm trên thực địa. Đã từ lâu giới hiếu chiến TQ tin rằng khi nào có hàng khâu mẫu hạm TQ sẽ thực hiện âm mưu  độc chiểm biển Đông. Trong lúc chưa có hàng không mẫu hạm thật sự (Thilang chỉ là đồ chơi dỡm!) họ phải ra sức xâm chiếm những đảo, đá dù ngập dưới thủy triều, đồng thời giành giật các ngư trường và những vùng biển nằm trong giới hạn của cái gọi là “đường lưỡi bò” phi pháp do họ tự vẽ ra. 
  
Tuy nhiên, thế giới đều biết cho đến nay TQ chưa bao giờ có chủ quyền thực sự tại bất cứ hòn đảo hay bãi đá nào trên Biển Đông; và biên giới cực nam của nước này chỉ là đảo Hải Nam.  Bởi vì theo quy định của luật pháp quốc tế, mọi sự chiếm giữ lãnh thổ chỉ được coi là hợp lệ nếu nó diễn ra liên tục và hòa bình (tức là không bị ai tranh chấp). Chiếu theo quy định này, TQ chưa hề bao giờ có quyền chiếm hữu hợp pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc dân chài Việt Nam liên tục hành nghề đánh bắt hải sản tại Hoàng Sa và Trường Sa đã minh chứng cho điều đó.  Phía TQ càng cậy sức mạnh bắt cướp tàu thuyền, đàn áp ngư dân Việt Nam bao nhiêu càng chứng tỏ sự thật rằng đây là một vùng đang tranh chấp cần phải đưa ra luật pháp quốc tế giải quyết.
 
Trong bối cảnh ASEAN chưa thể thống nhất về COC và bị Bắc Kinh khước từ đàm phán, các nước khác, kể cả Mỹ, Nhật, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Anh, Pháp, Đức, Panama, Ai Cập, v.v… là những nước thường xuyên có tàu bè qua lại Biển Đông càng có lý do để cùng nhau đấu tranh gìn giữ những lợi ích của họ. Đó là cách tốt nhất để ứng đáp trước thái độ ngang ngược và bất hợp tác của TQ. Trước mắt Việt Nam và Philipin  phải kiên quyết và khôn khéo đánh bại âm mưu lấn chiếm biển đảo bằng số đông tàu thuyền các loại của TQ. Trong việc này sự hỗ trợ của các nước ASEAN và của các nước ngoài khu vực đóng vai trò rất quan trọng. Thiết nghĩ không ai nên lo sợ trước Trung Quốc, vì tuy họ có đông người và tàu thuyền cùng phương tiện áp đảo nhưng những việc làm của họ đều sai trái và phi pháp./.    


Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Trung Quốc đang diễn trò đánh lạc hướng dư luận

Trong nỗ lực “giải độc dư luận” thế giới, nữ Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phúc Oánh bay sang Thái Lan mượn báo The Nation phân bua: “Thách đố đối với Trung Quốc là trong khi chúng tôi cố tự kiềm chế, một số nước khác lại không có ý định tạm gác tranh cãi, ngược lại muốn tự tay giải quyết và ép buộc Trung Quốc cùng cộng đồng quốc tế một giải pháp đơn phương. Trung Quốc không có chọn lựa nào khác hơn là phản ứng”.

TT ngày 9/7/2012 - Chưa bao giờ một hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN (AMM) lại diễn ra trong bối cảnh an ninh ASEAN căng thẳng như hiện nay.
Hội nghị AMM lần thứ 45 khai mạc hôm nay 9-7 tại Phnom Penh (Campuchia), diễn ra khi tờ Thời Báo Hoàn Cầu lớn tiếng đe đọa động binh với lời lẽ hiếu chiến như “Philippines và Việt Nam đáng bị trừng trị”.
Trước đó là thông báo của thượng tá Cảnh Nhạn Sinh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc: “Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu những chuyến tuần tiễu thường kỳ, sẵn sàng chiến đấu trong vùng biển thuộc thẩm quyền Trung Quốc”, tức là trong “đường lưỡi bò” bao phủ vùng đặc quyền kinh tế các nước láng giềng...
Những tiếng trống trận đó phụ họa cho cáo thị đấu thầu công khai chín lô dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN do Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đưa ra. Bên cạnh đó là việc hạm đội tàu hải giám và tàu đánh cá đang nằm lì ở bãi cạn Scarborough, chờ đợi một cuộc xung đột vũ trang... nếu như các bên không kiềm chế. Công luận quốc tế như thế nào thì chỉ cần vào “Google” sẽ có ngay câu trả lời.
Bản thân chính quyền Trung Quốc cũng nhận ra rằng Bắc Kinh đang tự rơi vào một cuộc khủng hoảng dư luận làm cho hình ảnh nước này xấu xí đi rất nhiều.
Vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, có vẻ như Trung Quốc đang muốn giở lại trò đánh lạc hướng dư luận cũ rích. Về mặt tuyên truyền, Trung Quốc đang thay đổi khẩu hiệu, bỏ đi cách nói “trỗi dậy trong hòa bình” nghe có vẻ “đe dọa” hơn cách nói êm ả “Trung Quốc phát triển hòa bình”.
Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng cách nói sau trong tuyên bố khai mạc Diễn đàn hòa bình thế giới 2012 hôm 7-7: “Trung Quốc sẽ gắn chặt với con đường phát triển hòa bình mà không tìm kiếm bành trướng, ngay cả khi Trung Quốc phát triển hơn nữa trong tương lai” .
Cũng trong nỗ lực “giải độc dư luận” thế giới, nữ Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phúc Oánh bay sang Thái Lan mượn báo The Nation phân bua: “Thách đố đối với Trung Quốc là trong khi chúng tôi cố tự kiềm chế, một số nước khác lại không có ý định tạm gác tranh cãi, ngược lại muốn tự tay giải quyết và ép buộc Trung Quốc cùng cộng đồng quốc tế một giải pháp đơn phương. Trung Quốc không có chọn lựa nào khác hơn là phản ứng”.
Nghe qua phát biểu của bà Phúc Oánh, có cảm tưởng như Trung Quốc hùng mạnh đang bị các nước bé hơn ngang ngược ức hiếp, từ Nhật Bản ở phía bắc đến Philippines và VN ở phía nam. Và bà Phúc Oánh kêu gọi các nước ASEAN độc lập “đừng trở thành công cụ của các đại cường”.
Tương tự, ở vị trí dân sự, học giả Tô Hạo cũng lên tiếng trách móc điều gọi là “những hô hào về mối đe dọa Trung Quốc nhằm hạn chế sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - ASEAN”. Ông Tô Hạo còn đổ lỗi: “Một vài nước ASEAN do thiếu hiểu biết đúng đắn về những ý định và sách lược của Trung Quốc, có thể cảm thấy không thoải mái trước sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc”.
Hai năm trước, trong một lần nói chuyện riêng với học giả Tô Hạo, tôi có nhắc rằng không nơi nào trên thế giới này lại chiếu nhiều phim Trung Quốc như ở VN cho dù tờ Thời Báo Hoàn Cầu ra rả đòi xóa sổ VN.
Hai năm sau, phim Trung Quốc vẫn được chiếu nhưng không chỉ Thời Báo Hoàn Cầu mà cả tờ Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc cũng đòi trừng trị VN. Lý do chỉ vì VN phản đối những chuyện vô lý như Trung Quốc cấm ngư dân VN đánh bắt cá trên vùng biển của mình hay việc CNOOC mở thầu trong lãnh thổ VN, chỉ cách đảo Phú Quý vỏn vẹn 30 hải lý.
Hơn ai hết, ASEAN chỉ muốn được yên ổn và độc lập.
DANH ĐỨC

--------------

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Biển Đông: Trung Quốc nên học bài của người Mỹ

Trong dân gian có những câu ngụ ngôn về sức mạnh  như “Cá lớn nuốt cá bé”, “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần vườn”, v.v... rất đúng với thế giới động vật hoang dã, nhưng không hẳn lúc nào cũng đúng trong thế giới loài người, nhất là loài người văn minh của thế giới hiện đại . Đáng tiếc là, những thế lực “diều hâu” ở Trung Quốc hiện nay vẫn tiếp tục nhầm lẫn về điều này. Họ không ngớt lời kêu gọi tăng cường sức manh quân sự để thực hiện ý đồ độc chiếm biển Đông. Họ không hiểu rằng ngoài sức mạnh và khoảng cách, còn  một  yếu tố quyết dinh hơn đó là đạo lý. Đó là sai lầm của họ, nhưng để trả giá cho sai lầm đó của họ, chắc chắn không chỉ có họ mà còn đối với hàng triệu người Trung Quốc và các dân tộc khác, nhất là khi một cuộc chiến nổ ra tại đây.  
Thoạt nhìn tưởng rằng sở dĩ nước Mỹ kiếm soát được Thái bình dương (TBD) chỉ là nhờ sức mạnh. Từ cách tư duy sai lầm đó, người Trung Quốc giờ đây cũng cho rằng khi đất nước họ đủ mạnh thì đương nhiên cũng phải được quyền kiểm soát, chí ít là phần phía Tây của TBD (!?). Cách tư duy này có lẽ không chỉ ám ảnh trong đầu óc giới diều hâu  mà còn lan sang phần lớn người dân nước này, nhất là khi nó được dung túng bởi giới lãnh đạo đất nước trong nhiều năm nay. Họ một mặc lên án sự thống trị của các thế lực thực dân nước ngoài khiến Trung Quốc bị suy yếu, thất thế và thua thiệt trong quá khứ, một mặt lại kích động tâm lý sức mạnh để thực hiện cái gọi là "đòi lại" những vùng lãnh thổ và biển đảo mà họ cho là "đã mất", trong đó có biển Đông. Về mặt nào đó thế giới có thể cảm thông với cái quá khứ đáng đau buồn của nhân dân Trung Quốc. Nhưng ý đồ độc chiếm biển Đông như một “lợi ích cốt lõi” thì thật là một sự tính toán sai lầm đầy nguy hiểm.
Sự nhầm lẫn chủ yếu nằm ở chỗ họ không thấy sự khác nhau giữa hai khái niệm CHIẾM GIỮ và KIỂM SOÁT. Cụ thể là, về vị trí địa lý, trường hợp nước Mỹ hoàn toàn khác với trường hợp Trung Quốc : Mỹ hầu như không bị quốc gia nào khác đứng ra tranh chấp chủ quyền tại bờ Đông của TBD (tức là bờ Tây của nước Mỹ), trong khi Trung Quốc nằm ở bờ Tây TBD với hàng chục quốc gia ven bờ và quốc gia quần đảo vây quanh - tất cả đều được hưởng quy chế quốc tế đầy đủ liên quan đến các quyền lợi về biển và đại dương . Nói cách khác, Trung Quốc chỉ là một trong số nhiều quốc gia cùng chia sẻ lợi ích tại đây, trong đó có biển Đông vốn đã thuộc quyền kiểm soát của các quốc gia ĐNẤ khác nhau. Hai là, từ trước đến nay chưa có một quốc gia nào kể cả Mỹ , Nhật Bản, đã thực sự chiếm giữ biển Đông; có chăng tùy thời kỳ họ chỉ thực thi sự kiểm soát trên thực tế đối với vùng biển này mà thôi. Nhật Bản đã chiếm đóng một số đảo nhỏ tại đây trong thời kỳ thế chiến II nhưng đều phải giao trả lại cho các bên trong vùng sau Hội nghị San Francisco năm 1945. Ngay cả Mỹ chỉ thực thi quyền kiểm soát đối với Thái bình dương, kể cả biển Đông chứ chưa bao giờ có quyền chiếm giữ tại đây.  Và sự kiểm soát đó không chỉ  nhờ sức mạnh mà chủ yếu nhờ biết tranh thủ được sự đồng tình của các quốc gia trong khu vực. Một số căn cứ của Mỹ đã được thiết lập tại đây đều dựa trên cơ sở thỏa thuận với các chính quyền sở tại và đều có thời hạn nhất định. Nói cách khác, nếu  không được sự ủng hộ của các quốc gia  Đông Á và ĐNA thì dù mạnh bao nhiêu Mỹ cũng khó mà làm được điều đó. Cụ thể là, Mỹ đã lợi dụng trạng thái đối đầu "hai phe" trong thời kỳ chiến tranh lạnh để tranh thủ quan hệ với các quốc gia đồng minh tại khu vực nhằm thực thi quyền kiểm soát đối với toàn bộ bờ Tây Thái bình dương. Trong quá trình đó Mỹ không có ý đồ chiếm giữ đối với biển Đông; và nếu có ý đồ đó, chắc chắn đã bị thất bại trước sự chống trả của chính bản thân các quốc gia trong khu vực. Biểu hiện rõ nhất của điều này là sự lung lay của vị thế kiểm soát của Mỹ tại Châu Á –TBD ngay sau chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975 và tiếp theo sự kết thúc của cuộc chiến tranh lạnh từ những năm 1990. Lúc đó Mỹ không còn có cớ để ve vãn các nước trong khu vực, và ngược lại các quốc gia ĐNA, kể cả Hàn Quốc và Nhật Bản, đều muốn nhân cơ hôi này để thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ. Người Mỹ đã bắt buộc phải ra đi trong bối cảnh đó.
Tuy nhiên về phần mình, người Trung Quốc, có thể vì quá tham vọng và ngạo mạn hoặc vì một lý do nào đó, không nhận thức được điều này nên đã phạm phải một sai lầm rất nghiêm trọng việc lựa chọn cách sử dụng sức mạnh để chiếm giữa biển Đông. Sai lầm cơ bản này khiến họ đánh mất cơ hội để tiến tới thay thế vai trò kiểm soát vùng biển phía Tây của TBD, trong đó có biển Đông. Nói cách khác người  Trung Quốc không nhận thấy tính “bất khả thi” của ý đồ độc chiếm đối với  biển Đông. Đây chính là nguyên nhân thất bại của họ như ta có thể thấy cho đến nay. Còn nhớ cảnh tượng các quốc gia Đông Nam Ấ, kể các các nước cựu thù trong thời kỳ Maoist, đã hân hoan chìa tay kết thân với Trung Quốc đại lục như thế nào…để rồi phải thụt tay lại như trường hợp Philippines, Indonesia, Malaysia, v.v...khi Trung Quốc thè cái “lưỡi bò” vào bên trong vùng biển của họ. Kết cục là Mỹ đã lại được hoan nghênh để quay lại đóng vai trò kiếm soát tại đây. Đó há chẳng quá đủ để người Trung Quốc tự rút ra một bài học rằng họ dù là nước lớn nhất nhì thế giới cũng có thể sẽ không bao giờ có thể kiểm soát được vùng biển xung quanh nếu vẫn tiếp tục với quan điểm chiếm giữ dù chỉ là một cm2 biển đảo vốn không thuộc chủ quyền hợp pháp của họ tai đây. Lý do đơn giản là vì, bất cứ một ý đồ chiếm giữ  nào như vậy đều sẽ không thể chấp nhận bởi các quốc gia trong vùng. Và lợi ích đó của họ hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.  Ngay cả trường hợp Trung Quốc một ngày kia có trở nên mạnh bằng hoặc hơn Mỹ cũng không thể thực hiện được ý đồ chiếm giữ như vậy. Nói cách khác, muốn tiến tới có một vai trò kiếm soát  tại biển Đông, Trung Quốc không có cách nào khác là phải học bài học của chính nước Mỹ, đó là chỉ có cách khôn khéo gây ảnh hưởng để thực thi quyền kiểm soát và tuyệt đối từ bỏ ý đồ chiếm giữ đối với biển Đông. Bài học tưởng đơn giản nhưng có lẽ không dẽ học đối với một nước như Trung Quốc. /.


Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này