Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Bắc Kinh cam kết giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình

Tuổi trẻ 15/02/2014 08:03 (GMT + 7)- Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đến Trung Quốc trong một thời điểm nhạy cảm khi khu vực đang nóng bỏng với vấn đề CHDCND Triều Tiên và những đòi hỏi của Bắc Kinh về chủ quyền trên biển.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters


Theo Tân Hoa xã, ông Kerry đã hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thảo luận với Ngoại trưởng Vương Nghị. Vấn đề CHDCND Triều Tiên là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Kerry khi đến Bắc Kinh. Trong cuộc họp báo với ông Vương, ông Kerry cho biết ông và ông Tập đã có một cuộc trao đổi “tích cực, mang tính xây dựng” về những thách thức liên quan đến CHDCND Triều Tiên. Truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin ông Tập đã nói rõ quan điểm của Trung Quốc về CHDCND Triều Tiên.

Trước đó tại Hàn Quốc, ông Kerry nhấn mạnh Bình Nhưỡng phải thể hiện mong muốn đàm phán và đáp ứng các cam kết giải trừ hạt nhân. Ông cho rằng Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng. “Không quốc gia nào có ảnh hưởng lớn hơn đối với những hành động của CHDCND Triều Tiên như Trung Quốc” - ông Kerry đánh giá. Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Trung Quốc đã nỗ lực để đưa CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông cũng đã được hai lãnh đạo ngoại giao đề cập. Ông Kerry kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tránh đối đầu, không thực hiện các hành vi mang tính cưỡng bức hoặc đơn phương. Ông cho rằng đã đến lúc Trung Quốc phải ký Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với ASEAN để giảm căng thẳng trong các tranh chấp lãnh thổ. Ông Kerry cũng cảnh báo Trung Quốc không nên lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông bởi hành vi đó sẽ gây bất ổn trong khu vực.

Theo Tân Hoa xã, ông Vương đã nói với ông Kerry rằng Bắc Kinh cam kết giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và biển Hoa Đông. Tuy nhiên, ông Vương cũng hi vọng Mỹ tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc, “xử lý vấn đề khách quan và công bằng”, không đứng về bên nào.

Trên thực tế, ngay trước khi rời Seoul để đến Bắc Kinh, ông Kerry đã nhấn mạnh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo kiểm soát nằm trong phạm vi của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Do đó Washington sẽ bảo vệ Tokyo nếu quần đảo này bị một nước thứ ba tấn công. Đó là thông điệp không thể rõ ràng hơn đối với Bắc Kinh.

Theo Reuters, cũng vừa mới đây đô đốc hải quân Mỹ Jonahan Greenert khi đến thăm Philippines đã khẳng định Mỹ sẽ giúp đỡ Philippines trong trường hợp xung đột với Trung Quốc. Khi được hỏi Washington sẽ làm gì nếu Bắc Kinh gây hấn với Manila trên biển Đông, ông Greenert tuyên bố: “Tất nhiên là chúng tôi sẽ giúp các bạn. Chúng tôi có nghĩa vụ phải làm như thế bởi giữa chúng ta có hiệp ước phòng thủ chung”.

Phóng viên: Hiếu Trung

Truyền thông Trung Quốc chỉ trích lãnh đạo ngoại giao Mỹ
Trong bầu không khí không mấy thân thiện, giới truyền thông Trung Quốc đã đón chào ông Kerry đến Bắc Kinh bằng những bài viết mang tính chỉ trích. Tân Hoa xã cảnh báo Mỹ “nên hiểu rằng Trung Quốc sẽ không ngần ngại thực hiện các bước bảo vệ lợi ích quốc gia chủ chốt”. Hãng tin này cũng chỉ trích Washington đã ủng hộ Tokyo và phản ứng tiêu cực với vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Bắc Kinh. Thời Báo Hoàn Cầu cho rằng chiến lược “xoay trục châu Á” của Mỹ đã gây sức ép lên Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này