Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Người Hèn

Nhân ngày 17/2 thấy bài thơ này từ e-mail của một người bạn khá "hợp cảnh hợp tình", lại của tác giả Phạm Chuyên, một tướng CA về hưu..., nên giá trị càng "quý hiếm"!. Xin mạn phép đăng lại trên blog Bách Việt để chia sẻ cùng bạn đọc. Đồng thời cũng xin đăng kèm  dưới đây bức ảnh đã được lưu truyền rộng rãi nhiều năm nay cho thấy cận cảnh một đài tưởng niệm quân TQ xâm lược tại Lạng Sơn bị những kẻ hèn đục bđể làm vật chứng.  

Thiết nghĩ trên đời có nhiều  loại  hèn, nhưng hèn trước quân ngoại xâm dù được biện hộ bằng chủ thuyết gì cũng đều là một loại hèn tồi tệ nhất phải bị lên án rộng rãi trong toàn dân trước khi quá muộn -Bách Việt.
 
.
 
 Đất nước ngàn năm
Hiếm kẻ bán nước
Có nhiều nhặn gì đâu,
Một Trần Ích Tắc
Một Lê Chiêu Thống
Một Hoàng Văn Hoan.
 
Đất nước ngàn năm
Quá lắm người hèn
Hèn vì quyền cao chức trọng
Hèn vì nhà cao cửa rộng
Hèn vì miếng cơm manh áo
Hèn vì vợ dại con thơ
Hèn vì danh hão danh hờ.

Hèn mà còn nhận ra
mình là thằng hèn
Là hèn tử tế.
Hèn ngậm miệng ăn tiền
hèn nhơ bẩn
Hèn ngậm miệng ăn tiền
hèn bất nhân
Hèn bán đất bán nước
Trời tru đất diệt
Hèn ơi! Đất nước ơi! 
 Tác giả: Phạm Chuyên 


Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Hạt Giống Sự Thật

Ngày đầu năm  Nhóm bạn già chuyền nhau mẩu chuyện ngụ ngôn thông thường nhưng rất ý nghĩa trước thực trạng đất nước ta bấy lâu nay. Liệu bao giờ nước mình sẽ xuất hiện một ông vua như thế?. Xin đăng lại đây để mọi người cùng suy ngẫm -Bách Việt


Chuyện kể rằng, một vị vua nọ giàu đức hạnh, nhưng không có hoàng tử nối ngôi. Vua nghĩ tới việc chiêu mộ những người trẻ tài đức để có thể kế vị sau khai ông qua đời.
Một ngày kia, vua cho mời tất cả các trẻ em từ 5 đến 12 tuổi vào hoàng cung. Vị vua giải thích cho các em ý định của ông là muốn tìm người tài đức để thay ông cai quản đất nước. Ông trao cho mỗi em một hạt giống và dặn các em rằng sau ba năm, các em hãy mang cái cây đã trồng đến trình diện tại cung điện. Sau khi nhận hạt giống, mỗi em đều nhiệt tình trồng và ngày đêm chăm sóc chúng, hy vọng cây của mình sẽ lớn nhanh và có thể sinh hoa kết quả. 

         http://www.khuyennongtphcm.com/upload/Nam%202011/Thang%201/bauholo.jpg              

Đúng ngày đã hẹn, cả nước đổ dồn vào cung điện để xem cây nào đẹp nhất, có nhiều quả nhất, và để xem ai sẽ là vị vua tương lai của đất nước. Quả đúng như dự tính, mỗi em đều mang đến cây mà mình đã trồng với nhiều màu hoa hương sắc. Người ta cũng thấy có những cây đã kết trái thật xum xuê. Nhà vua đi đến hỏi thăm các em, cách thức các em trồng cây. Sự hồi hộp và im lặng của đám đông càng tăng lên khi nhà vua tiến đến gần những cây tươi tốt.


Thế nhưng, nhà vua vẫn tiếp tục đi qua và bỗng dưng ông dừng lại trước một cậu bé. Trên tay cậu bé là một chậu đất không cây. Thấy nhà vua đứng lại, cậu biểu lộ sự thất bại bằng dòng nước mắt chảy dài trên má. Nhà vua hỏi: "Tại sao con khóc?" Cậu bé thưa: "Con đã gieo hạt giống vào chậu đất này, con đã bón phân cho nó, con đã tưới nước cho nó hằng ngày, con đã che nắng cho nó và con đã làm nhiều cách để chăm sóc hạt giống của con, nhưng cuối cùng không có cây nào mọc lên". Càng nói, cậu bé càng khóc.       







Nhà vua ôm cậu vào lòng và ra lệnh cho quân lính mời cậu lên chỗ cao danh dự rồi lên tiếng: "Hôm nay, bệ hạ đã tìm được người mà bệ hạ mong đợi từ lâu. Cậu bé đây đã chân thật khi thừa nhận thất bại. Và thực đúng là như vậy. Vì tất cả hạt giống ta trao cho các con cách đây ba năm, chúng đã bị luộc chín cả rồi".

        

 Nhà vua quay qua cậu bé và nói. "Con đã biết thành thực và trung tín trong việc nhỏ; con đã không bị ngai vàng và danh lợi mê hoặc; con đã cần mẫn chu toàn công việc với tất cả khả năng của mình. Đó là điều ta mong muốn". Nhà vua nói tiếp: "Trên tay con là chiếc chậu đất không cây, nhưng chính trong trái tim con, con đã gieo hạt giống sự thật vào lòng mọi người hôm nay."    

                   


Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Cảm xúc

Tết này ra đường lại gặp những khẩu hiệu "Mừng Đảng, mừng Xuân"... Chuyện tưởng nhỏ như con thỏ, nhất là khi lòng dân đã quá rõ... Nhưng ý Đảng sao còn quá xa vời? Trong lòng bất giác trào lên một cảm xúc khó tả: Chẳng lẽ sự bảo thủ và trì trệ đáng sợ đến vậy? Chỉ  mỗi chuyện mừng trước mừng sau mà không nhường nhau được, thế thì lấy đâu ra dũng khí, dũng cảm để tiếp tục chèo lái con thuyền ?

Nói thật nhé! Hàng  ngàn lời phê và tự phê trong hàng vạn lần cuộc kiểm điểm cũng không bằng một động tác đơn giản là trả lại đúng chỗ của từ "đảng". Chỉ cần làm được thế đất trời sẽ hài hòa,  lòng dân được giải tỏa.... Cớ sao không làm? Hay chung quy chỉ tại...?    
Hà Nội, 28 Tết Quý Tị

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Minh triết Việt trong sự tích Ông Táo

Tác giả: Nguyễn Vũ Tuấn Anh / TT Nghiên cứu Lý học Đông Phương

Rất nhiều người quan niệm rằng tục cúng ông Táo là của người Hán du nhập vào văn hóa Việt. Thậm chí nó được các học giả nói một cách rất nghiêm túc. Nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại! Chính nền văn hiến Việt trải gần 5000 huyền vĩ ở bờ Nam sông Dương Tử là nguồn gốc của phong tục cúng ông Công Ông Táo. Khi nền văn minh này sụp đổ ở Nam Dương Tử và bị Hán hóa trải hàng ngàn năm; khiến ngày nay người ta ngộ nhận tục cúng ông Công Ông Táo của người Hán. Bài viết này sẽ chứng minh với các bạn điều đó.
Ông Táo trong truyền thuyết và phong tục Việt.
Cứ mỗi khi năm hết Tết đến thì nhà nhà Việt Nam theo phong tục lại làm lễ cúng Ông Táo về trời. Đây là một phong tục thuần Việt có từ thời Hùng Vương dựng nước và còn giữ lại trong truyền thống văn hóa Việt đến ngày nay. Bẳng chứng gián tiếp cho điều này là từ thời Hùng vương thứ VI, vua Hùng đã chấm giải nhất cho hoảng tử Lang Liêu là người kế vị và bánh chưng bánh dày do hoàng tử Lang Liệu được đặc biệt dùng cúng tổ tiên trong ngày Tết.
Từ đó, chúng ta dễ dàng suy ra rằng: Lễ Tết nguyên đán có từ thế kỷ XV BC - tương đương thời vua Bàn Canh của Ân Thương. Từ đó chúng ta dễ dàng đặt vấn đề với lễ cúng Ông Táo về trời liên hệ đến ngày giáp Tết phải là phong tục của người Việt từ thời xa xưa. Bởi vì, khi nền văn minh Họa Hạ khi tiếp quản được nền văn minh ở Nam Dương Tử đã Hán hóa những giá trị văn hóa Việt trong hơn 1000 năm và tiếp tục duy trì đến bây giờ, ở vùng đất cũ của Văn Lang xưa, khiến không ít người ngộ nhận tục cúng ông Táo của người Hán. Nhưng chính vì nguồn gốc tục cúng Ông Táo trong văn hóa Hán chỉ là sao chép lại từ văn hiến Việt. Nên nó chỉ là một tín ngưỡng thuần túy và không mang tính minh triết liên hệ với nội dung của nó. Ngược lại, truyền thuyết của dân tộc Việt với hình ảnh Táo quân "Hai ông, một bà" và nội dung của nó lại trùng khớp hoàn toàn về nội dung với những giá trị minh triết Đông phương của chính cái mà người ta gọi là có nguồn gốc Hán.
Chúng ta hãy xem lại truyền thuyết có dấu ấn cổ xưa nhất về ông Táo còn lưu truyền trong văn hóa Việt, tóm lược như sau:
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ. Ngọc Hoàng cảm động trước mối chân tình của cả ba người, (2 ông, 1 bà), và cũng cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ, ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi bèn cho ba người hóa thành “ba đầu rau” hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa. Từ đó, ba người ấy được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình, đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người. Táo Quân, còn gọi là Táo Công, là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp.
Tranh dân gian Việt - bản khắc gỗ
Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.
Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể. Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời. Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.
Càng tiến dần vào trong Nam thì tục cúng ông Táo về trời có một chút thay đổi. Nhưng lễ cúng Táo Quân ở miền Bắc với một nghi lễ không thể thiếu là Cá Chép là mang tính nguyên thủy hơn cả. Qua truyền thuyết của dân tộc Việt truyền lại, chúng ta thấy rằng hình ảnh hai ông một bà - tức một Âm hai Dương hoàn toàn trùng khớp với quẻ Ly trong Kinh Dịch.
Quẻ Ly
Nội dung tương tự như vậy tôi đã viết từ lâu trên tuvilyso.com (Bây giờ là tuvilyso.net). Nhưng hồi đó, tôi cũng mới chỉ dừng lại đây. Nhưng trong bài viết này, tôi tiếp tục minh chứng thêm những tình tiết liên quan tính minh triết Đông phương với lễ Táo Quân trong truyền thống văn hóa Việt.
Vết lõm trên ông đầu rau trong bếp Việt xưa.
Ba vị Táo quân trong phong tục Việt cũng phù hợp với thực tế cái bếp xưa của Việt tộc cũng chỉ có ba miếng đất gọi là: Ông Đầu rau.
Một trong những nét độc đáo khi tạo ba ông đầu rau để nấu bếp là khi nặn bao giờ người thợ nặn cũng lấy ngón tay ấn nhẹ vào giữa một trong ba ông này, tạo thành một vết lõm tròn. Và ông đầu rau có vết lõm đó bao giờ cũng đặt vào giữa. Bây giờ, bếp ga, bếp dầu ầm ầm. Xưa nhất cũng là cái kiềng ba chân bằng sắt phổ biến ở thành thị. Ông Đầu rau bằng đất dù ở vùng sâu, vùng xa cũng chắc không còn nữa. Huống chi một vết nhấn tròn giữa một ông đầu rau, chắc chẳng ai còn nhớ. Cho nên, điều mà người viết nói ở đây, may ra chỉ còn trong ký ức của những người cao niên, ở một miền quê xa xôi nào đó.
Ý nghĩa của vết lõm này, chính là dấu hiệu của tính bao trùm mà tiếng cổ Việt ngày xưa gọi là "Cái'. Tức Táo bà. Quẻ Ly thuộc Dương, nhưng lại ở phía dưới Hà Đồ, nên tính Âm mới bao trùm lên tất cả. Bởi thế tính Âm mới làm cái trong ba ông Đầu rau. Chính vì vậy, Ly là Trung Nữ.
Trong bức tranh dân gian Việt mà các bạn thấy ở trên táo bà ngồi giữa hai ông thì trong quẻ Ly hào Âm cũng đứng giữa. Quẻ Ly thuộc Hỏa nên biểu tượng cho bếp cũng thuộc Hỏa. Biểu tượng trong truyện dân gian "cả ba người cùng chui trong đống lửa" đấy chính là hình tượng của ba ông đầu rau trong bếp mỗi nhà.
Lạc Thư Chu Dịch trong phong tục cúng Táo Quân của người Việt.
Một hình ảnh gắn liến với lễ Táo Quân chính là con cá chép. Tại sao về trời mà Táo quân lại cưỡi cá chép? Sao không phải là cưỡi chim? Ông cha ta có lầm lẫn gì không? Hoàn toàn không! Khi mà tổ tiên người Việt đã để lại cho hậu thế một nền văn hiến vĩ đại. Con cá chép thuộc hành thủy. Trong những di sản văn hóa phi vật thể là những bức tranh dân gian Việt chúng ta thấy trang đàn lợn với một lợn mẹ và năm lợn con. Đây chính là hình tượng của "Thiên Nhất sinh thủy - Địa lục thành chi". Chúng ta cũng thấy hình tượng này trong tranh cá chép làng Đông hồ: Một con cá mẹ với năm con cá con.
Tranh Đàn Cá - Tranh dân gian Đông Hồ.
Thiên nhất sinh thủy . Địa lục thành chi.
Cá thuộc hành Thủy, tượng của quẻ Khảm:
Và hình tượng Táo quân cưỡi cá chép, chính là biểu tượng của quẻ Hỏa Thủy Vị tế trong kinh Dịch. Đây là quẻ cuối cùng kết thúc một chu kỳ 64 tư quẻ Dịch. Biểu tượng cho chu kỳ tuần hoàn của tạo hoá trong một năm đã kết thúc và chuyển sang một chu kỳ mới và mọi việc vẫn còn tiếp tục để một năm mới tốt lành. Đó là tinh thần của quẻ Vị Tế.
Quẻ Hỏa Thủy Vị Tế.
Biểu tượng của Táo Quân (Hỏa) cưỡi trên lưng cá chép (Thủy).
Ngày 23 tháng Chạp. Ông Táo về trời.
Tại sao Ông Táo lại về trời lại là ngày 23 tháng Chạp mà không phải là ngày 30? Ngày này là ngày mà lý học Đông phương cho là ngày Nguyệt Kỵ. Vậy Táo quân lại chọn đúng ngày này lên trời liệu có sái không? Sách cổ chữ Hán chỉ ghi nhận mùng 5, 14, 23 là ngày Nguyệt kỵ và không một lời giải thích. Trong truyền thuyết dân gian Việt thì cho rằng "Đó là những ngày vua đi, nên kiêng ra đường". Tôi đạ chứng minh trong một tiểu luận rằng: Đây chính là phép du niên phiên tinh ngày, tính theo tháng. Ngày của sao Ngũ Hoàng nhập trung theo chu kỳ cửu cung. "Vạn vật qui ư thổ" hay nói theo thuyết Âm Dương Ngũ hành thì đây chính là ngày kết thúc chu kỳ của Ngũ Hành vào tháng cuối cùng trong Năm. Kết thúc chu kỳ Ngũ hành vào ngày 23, đồng thời cũng là kết thúc chu kỳ của 64 quẻ Dịch. Hành thổ thuộc trung cung thuộc ngôi Hoàng cực chi phối Ngũ Hành - Theo Lý học Đông phương - thuộc về Hoàng tộc, nên là ngày của Vua Bếp - Táo Quân về trời.
Y phục của Táo Quân và vì sao Táo Quân không mặc quần?
Bức tranh dân gian Việt ở trên vẽ ba vị Táo Quân, đều mặc quần nghiêm chỉnh, với những hàng chữ Hán phía trên. Bức tranh này hẳn được sáng tác kể hàng ngàn năm sau khi nền văn minh Văn Lang sụp đổ ở miến Nam sông Dương Tử. Bởi vì, trong phong tục còn giữ lại được đến ngày nay trong dân gian Việt thì Táo Quân không mặc quần. Điều này cũng giống như hàng ngàn năm trôi qua, những con rối nước trong văn hóa dân gian Việt được vẽ cái vạt áo bên phải vậy. Hiếm lắm, trong kho tàng chất những con rối nước cổ bỏ đi, may ra còn những con rối xưa cài vạt áo bên trái. Vậy Táo Quân không mặc quần có ý nghĩa gì trong truyền thống Việt?
Lịch sử Trung Hoa ghi lại: Chính cái quần là của các dân tộc phía Bắc Trung Hoa và không thuộc về y phục Hán cổ. Vào cuối thời Xuân Thu, đầu thời Chiến Quốc, Triệu Vũ Vương mới đưa cái quần vào làm y phục chính thức của nước Triệu. Và y phục này thích hợp với các chiến binh trong các cuộc chiến liên miên giữa các quốc gia so với vải quây che phần thần dưới trước đó. Sau này chiếc quần mới phổ biến trong thất Quốc và do các chiến binh mặc và trở thánh y phục của Trung Hoa. Nhưng Người Việt, với tư cách là một nhà nước độc lập ở Nam Dương Tử, tất nhiên không thể tiếp thu một cách nhanh chóng y phục quần của các dân tộc phi Hán ở Phương Bắc Trung Quốc. Điều này cho thấy rằng: Phong Tục thờ Táo Quân phải có từ rất lâu, trước cả khi dân tộc Hán bị xâm nhập văn hóa mắc quần của các dân tộc phái Bắc này và còn giữ đến bây giờ. Và điều này như tôi đã phân tích ở trên: Nó phải có trước thời Vua Hùng Vương Thứ VI quyết định dùng bánh Chưng bánh dầy vào lễ Tết của dân tộc Việt. Còn nếu như thời Hùng Vương chỉ ra đời vào Thiên Niên kỷ thứ nhất trước CN và Tết Việt Nam là văn hóa Hán là chủ nhân đích thực của văn hóa Đông phương thì ông Táo Việt đã mặc quần như bức tranh dân gian sáng tác về sau này mà bạn đọc đã nhìn thấy ở trên.
Táo Quân Việt không mặc quần.
Qua sự minh chứng và phân tích ở trên, chúng ta cũng nhận thấy rằng: Đằng sau một phong tục cổ truyền của dân tộc Việt - tục cúng "Ông Táo về trời" là cả một sự minh triết liên quan chặt chẽ đến nền Lý học Đông phương - mà từ lâu tôi đã minh chứng - thuộc về nền văn hiến huyền vĩ Việt, một thời huy hoàng ở miến Nam sông Dương Tử. Có thể nói rằng: Không phải ngẫu nhiên mà có sự trùng khớp hợp lý gần như toàn bộ nhứng nét chính của phong tục cúng ông Công, ông Táo với những quan niệm có tính nguyên lý của Học thuật cổ Đông phương. Sở dĩ có sự trùng khớp hợp lý đến kỳ lạ này, chính vì nó là hệ quả của nền minh Đông Phương thuộc về nền văn hiến Việt được đưa vào cuộc sống văn hóa Việt qua phong tục cúng đưa "Ông Công, Ông Táo về trời".
Vấn đề cũng không chỉ dừng lại ở đây. Khí chính chiếc mũ Ông Công, Ông Táo được bán đầy ở khắp kẻ chợ , thôn quê ngày nay lại là một hình tượng được cách điệu bằng giấy của chiếc mũ các vua Hùng trên trống đồng Lạc Việt:
Mũ Ông Công Ông Táo trên khắp chợ cùng quê trong nền văn hiến Việt còn đến ngày nay.
Hình người trên trống Đồng Lạc Việt với mũ có hình đầu rồng (Bên phải) và hai dải mũ cao vút.
Kỳ diệu thay nền văn hiến Việt. Mong rằng các thế hệ sau đừng vội quên đi nguồn cội của thời Hùng Vương dựng nước mở đầu cho tập Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến.


Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Tư liệu:Cuốn "Những mẩu chuyện..." của Trần Dân Tiên làm thay đổi cuộc đời của ông Dương Trung Quốc

Dưới đây là nguyên văn bài viết mới  đăng ngày 4/2/2013 trên Tuổi trẻ và đăng lại trên Tin tức hàng ngày và nhiều báo mạng cho thấy bản thân nhà sử học hàng đầu đất nước-Dương Trung Quốc- không biết tác giả Trần Dân Tiên là ai(?) mặc dù sau rất nhiều tranh cãi trong và ngoài nước trong nhiều thập kỷ qua, kể cả một số nguồn tin chính thức của Đảng CS VN đã nói rằng Trần Dân Tiên là một trong những bút danh của  Hồ Chủ Tịch (Bách Việt )  

Cuốn "Những mẩu chuyện..." của Trần Dân Tiên làm thay đổi cuộc đời của ông Dương Trung Quốc

Ông Dương Trung Quốc
Tôi có một lý lịch nghề nghiệp rất đơn giản: sinh ra, lớn lên, đi học, thi học sinh giỏi môn sử phổ thông rồi tốt nghiệp khoa sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, về Viện Sử học công tác cho đến khi về hưu vẫn tiếp tục hoạt động trong một hội nghề nghiệp của giới sử học và làm một tờ báo của Hội Sử. Có hơn một thập kỷ làm đại biểu Quốc hội thì ngẫm kỹ điều mình thể hiện trên diễn trường ấy cũng luôn là những vấn đề có liên quan đến lịch sử, lấy chuyện xưa vận vào chuyện nay, tựa như người nhắc vở vậy.
Với người làm nghề sử thì việc đọc sách là chuyện đương nhiên, như nông dân cày cấy, thợ may cắt vải nên khó chọn được một cuốn sách nào lại đủ sức “làm thay đổi cuộc đời” của mình. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ có thể nhắc tới một cuốn sách dường như nó đã “bẻ ghi” khiến đời mình nghiêng về cái ngả đường mà đến thời điểm đã U-70 rồi thì có thể nói được rằng sẽ theo nghiệp nghề ấy đến lúc xuống... mồ.
Cú hích vào nghề
"Sau này, ngày càng có nhiều sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch vẫn được coi là cuốn sách sớm nhất, được tin cậy nhất và sách này luôn được tham khảo như một nguồn tư liệu gốc"
Tôi đến với nghề sử rất ngẫu nhiên, không hề có một hứng thú hay năng khiếu gì đặc biệt đối với cái môn dễ là khổ sai trí nhớ ấy. Đến lớp 10 niên khóa 1963-1964, Hà Nội tổ chức thi học sinh giỏi môn lịch sử. Chẳng biết vì sao cô giáo dạy sử lại chọn tôi với câu động viên: “Cô thấy em đi thi được đấy!”. Có lẽ vì nể trọng cô giáo mà tôi nhận lời. 

Chuẩn bị cho cuộc thi, cô giáo hướng dẫn: ngoài sách giáo khoa, nên tìm đến một người nào đó am hiểu lĩnh vực này để hỏi han thêm. Lớp tôi có một anh bạn có bố làm ở Viện Sử học. Tôi đến xin được ông chỉ giáo. Ông đưa cho tôi mấy số tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử bảo mang về nhà đọc thử một vài bài, rồi hẹn gặp lại để ông hướng dẫn. Trước lúc về tôi thấy trên bàn của ông có một cuốn sách không dày. Tôi vừa động tay vào thì nhà sử học đầu tiên mà tôi được gặp trong đời bảo: “Cuốn ấy không phải là sử đâu cháu ơi. À, nhưng đọc được lắm...”.
Đó là cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên. Về nhà, đọc các bài tạp chí thấy dài lằng nhằng càng đọc càng khó hiểu nên tôi chuyển sang cuốn sách và đọc một mạch từ trang đầu đến trang cuối. Hồi đó Bác Hồ còn sống, một đôi lần tôi được gặp, sách vở viết về Bác chưa nhiều như bây giờ nhưng hình tượng của con người còn sống ấy đã là thiêng liêng lắm. Cuốn sách ấy không thể nói là đã “làm thay đổi cuộc đời tôi”, song đã tạo một cái hích nhẹ và hướng tôi bước vào ngả đường nghề nghiệp mà vào thời điểm đó tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Cuốn sách “không phải là sử” ấy thật sự gây ấn tượng với tôi.
Cuốn Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch chắc nhiều người đã đọc vì từ khi được xuất bản lần đầu vào cuối thập kỷ 1940 đến nay đã qua gần bảy thập kỷ, đã được nhiều nhà xuất bản tái bản rất nhiều lần. Thông qua lời kể của một nhà báo có bút danh Trần Dân Tiên, người đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những ngày đầu nước nhà độc lập (1945), cuộc đời của nhà cách mạng và là người đứng đầu nhà nước Việt Nam độc lập được kể lại qua “những mẩu chuyện” như tên gọi của sách. Mục đích sách ra đời vào thời điểm đó dường như chỉ để trả lời câu hỏi “Hồ Chí Minh là ai?”, kể cả với những người nước ngoài.
Sau này, khi đã thâm niên trong nghề nghiệp, tôi có nhiều cơ hội đọc và gặp nhiều người nước ngoài, có người thuần túy là nhà nghiên cứu, có người là nhân chứng lịch sử, cũng có người là cả hai. Tôi đã nghe và đọc được rất nhiều cách tiếp cận, cách đánh giá khác nhau về cuốn sách này và nhân vật của sách...
Đam mê tìm kiếm sự thật
Hồi Liên Xô “mới đổ”, tôi là một trong những người Việt Nam sớm “mò đến” Lưu trữ cũ của Quốc tế Cộng sản ở thủ đô nước Nga để khai thác tài liệu về Hồ Chí Minh. Tôi được biết cách đó không lâu có một phụ nữ quốc tịch Mỹ cũng đã đến đây và cũng có mối quan tâm đến nhân vật lịch sử này. Rồi các đồng nghiệp Nga cho biết người phụ nữ ấy đã “lần mò” đến tận Leningrad để tìm kiếm những chi tiết liên quan đến cuộc đời của Hồ Chí Minh trong thời gian ở Liên Xô (cũ). Người phụ nữ ấy tên Sophie Quinn Judge.
Bẵng đi một thời gian tôi gặp bà ở Aix en Provence, nơi có một trung tâm lưu trữ quan trọng của Bộ Thuộc địa Pháp, ở đó có nhiều tư liệu liên quan đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Nhưng nếu người ta chỉ quan tâm đến học thuyết hay sự nghiệp chính trị của Hồ Chí Minh thì bà lại muốn tìm hiểu đời sống riêng tư, một phần không thể thiếu được nếu muốn tiếp cận một chính khách cũng như một nghệ sĩ. Theo bà, thật đáng tiếc chưa mấy ai quan tâm đến điều đó vì thế bà sẽ cố gắng lấp chỗ trống này.
Hồi đó bà mới chỉ đưa ra nhận xét bước đầu là càng nghiên cứu càng thấy nhân vật này có nhiều điều hấp dẫn. Vài năm sau Sophie Quinn Judge cho xuất bản ở Singapore một luận văn nghiên cứu về Hồ Chí Minh trong quãng thời gian ở châu Âu 1919-1940. Bà có gặp để trao đổi và gửi bản thảo cho tôi đọc trước. Cuốn sách của bà có thể có sự đánh giá khác nhau từ những người có quan niệm khác nhau, nhưng giữa những dòng chữ có thể thấy được thiện chí của một người muốn thỏa mãn đi tìm sự thật, công việc của một người làm sử.
Nhân dịp 110 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một nhóm làm phim đến phỏng vấn Sophie, bà vẫn nhắc lại cái điều bà từng nói với tôi khi mới bắt tay vào viết sách: “Lúc đầu tôi đã nghĩ rằng Hồ Chí Minh không tuyệt vời và thú vị như hình ảnh mọi người vẫn tuyên truyền, nhưng hóa ra ông ấy thật sự thú vị... Con người thật của Hồ Chí Minh rất thú vị”.
Cuốn sách nhỏ mà tôi nhắc đến trong bài viết này thật sự đã “dẫn tôi vào đời” nghề nghiệp để hướng tới cái khao khát muốn tìm ra những gương mặt thật đã tạo nên một lịch sử thật. Thỏa mãn cái khao khát ấy thật là khó, có khi cả đời nghề chưa làm được là bao nhưng lại vô cùng hấp dẫn. Nghiệm lại đời mình thấy cái làm được trong nghề không nhiều nhưng niềm say mê khiến mình đã theo nghiệp nghề này trọn đời lại làm mình thỏa mãn.
Xuân 2013
Dương Trung Quốc
(Tuổi trẻ)

--------------

Cam Bốt : Tiền đồn của Trung Quốc tại Đông Nam Á

Đó là tiêu đề của bài báo dưới đây của người Pháp viết về quan hệ TQ-Campuchia. Nhưng đó cũng là một sự đúc kết súc tích về kết quả mà Bắc Kinh đạt được cho đến nay  trong chiến lược "chia để chiếm" đối với Biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Có thể nói Bắc Kinh mặc dù đã thất bại trong rất nhiều âm mưu khuynh đảo Maoist tại  Indonesia, Malaysia và nhiều nước trong khu vực, nhưng giờ đây đã rất thành công trong trường hợp Cămpuchia dù đã từng được Việt Nam hết lòng cưu mang giúp đỡ và tranh thủ. Âu đây cũng là một bài học cho chính Việt Nam(?) -Bách Việt.   


Lãnh đạo Tập Cận Bình chia buồn với hoàng hậu Monineath, vợ của quốc vương Norodom Sihanouk (REUTERS)
Tập Cận Bình chia buồn Hoàng hậu Monineath,  (Ảnh REUTERS)
Nhân tang lễ của cố quốc vương Sihanouk, hai tờ La Croix và Le Figaro quan tâm đến tình hình Cam Bốt. Đáng chú ý nhất là nhận định của Le Figaro về sự kiện : "Cam Bốt, đầu cầu của Trung Quốc tại châu Á », tựa bài báo của đặc phái viên Arnaud de la Grange tại Phnom Penh.

Nhận xét đầu tiên của Le Figaro là Cam Bốt ngày nay, cũng như cố quốc vương Sihanouk của đất nước này, đã trở nên người bạn tốt nhất của Trung Quốc ở vùng Đông Nam Á. Việc xích lại gần nhau này đã thúc đẩy kinh tế Cam Bốt, nhưng không mấy được các nước láng giềng ưa thích.
Tác giả bài viết trở lại thời điểm lúc tin quốc vương Sihanouk qua đời vào tháng 10 năm ngoái. Khi ấy, Bắc Kinh đã treo cờ rũ ở quãng trường Thiên An Môn, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã thay đổi chương trình, phát trực tiếp cảnh đoàn xe tang đi qua các đuờng phố với ghi nhận : « Một người bạn lớn » của Trung Quốc đã ra đi.
Ông Đới Bỉnh Quốc, người thiết kế chủ chốt chính sách ngoại giao của Bắc Kinh đã tiễn đưa thi hài vị "vua cha" đến tận Phnom Penh. Sau đó không lâu, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thông báo tặng 500.000 đô la cho việc tổ chức tang lễ.
Theo Le Figaro, Bắc Kinh muốn cho thấy rằng Cam Bốt và Trung Quốc là hai người bạn chí cốt, vương quốc bé nhỏ này là người bạn thân thiết nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á, một khu vực nơi mà Bắc Kinh không còn bao nhiêu bạn bè.
Về phiá Cam Bốt, tình bạn này được thấy rõ từ thành thị cho đến nông thôn, tại những xưởng vải sợi với hàng ngàn công nhân ở ngoại ô Phnom Penh, với các hàng chữ tiếng Hoa đập mắt trên các tấm vách bằng tôn, hay là qua những con đường tráng nhựa mà Trung Quốc xây dựng, đi vào tận các vùng xa xôi, hẻo lánh.
Bài báo nhắc lại khối lượng đầu tư to lớn chưa từng thấy mà cường quốc phương Bắc đổ vào Cam Bốt - 11 tỷ đô la - để xây dựng một tuyến đường sắt, một bến cảng và một nhà máy luyện thép. Theo giới chuyên gia, Trung Quốc có một chiến lược rất rõ ràng.
Cam Bốt : « Sân sau » của Trung Quốc
Theo ông Chheang Vannarith, giám đốc viện Cam Bốt vì Hợp tác và Hoà bình (Cambodian Institute for Cooperation and Peace), đây là một quan hệ song phương độc nhất vô nhị, nhắm vào một đất nước được Trung Quốc xem là sân sau của họ : « Ảnh hưởng Trung Quốc tại đây lớn lên một cách đáng kể, đối với Trung Quốc đây là vấn đề chiến lược, vì ở đằng sau là các vấn đề Biển Đông và cả Ấn Độ Dương.
Le Figaro ghi nhận : Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Cam Bốt không chỉ được thấy trên mặt kinh tế, mà cả trên mặt văn hóa. Tiếng Hoa hiện là ngoại ngữ chiếm vị trí thứ hai ở Cam Bốt sau tiếng Anh, còn các chương trình truyền hình, trên 70 kênh mà người Cam Bốt có thể xem, có đến 50 kênh nói tiếng Hoa.
Theo bài báo, tại Cam Bốt Trung Quốc có lợi thế là cộng đồng người Hoa rất quan trọng - khoảng 700.000 người Cam Bốt gốc Hoa, tức là khoảng 5% dân số - và họ nắm giữ 80% hoạt động kinh tế xứ chùa Tháp.
Tác giả bài báo nhìn thấy là Bắc Kinh – dựa vào Cam Bốt - đã giành được những thắng lợi ngoại giao rất quan trọng mà người ta không ngờ nếu chỉ căn cứ vào trọng lượng của Cam Bốt. Đó là đã phá vỡ được sự đồng thuận của ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Đây là một thắng lợi lớn của Trung Quốc vốn có lôgíc có thể gọi là « chia để chiếm ». Nhiều nhà quan sát, theo bài báo, đã lo ngại là sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN tác hại đến an ninh khu vực.
Nhưng không phải chỉ mới bây giờ, Le Figaro nhắc lại quan hệ Cam Bốt -Trung Quốc thiết lập vào năm 1958. Ngay từ lúc ấy, Bắc Kinh đã luôn luôn bảo vệ được ảnh hưởng của mình tại Cam Bốt bằng cách ủng hộ các tác nhân trên chính trường Cam Bốt : ông Sihanouk vào thập niên 1960, Khờ Me Đỏ trong thập niên 1970, rồi đến Hun Sen sau đó, nhất là vào năm 1997, khi tình bạn Bắc Kinh -Hun Sen chuyển qua một khúc quanh mới.
Vào năm đó, theo bài báo, Bắc Kinh không một chút do dự, đã ủng hộ Hun Sen lên nắm toàn quyền tại Cam Bốt sau một cuộc ‘đảo chính’ nhỏ.
Các năm tháng trăng mật giữa Bắc Kinh và Phnom Penh sẽ còn tiếp diễn. Le Figaro ghi nhận : Để đánh dấu 55 năm bang giao, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã quyết định chọn năm 2013 này là năm hữu nghị Cam Bốt-Trung Quốc.
Ngoài Le Figaro, tình hình Cam Bốt cũng được nhật báo Công giáo La Croix chú ý với bài phân tích về thể chế chính trị mà theo tờ báo, chỉ là một chế độ « quân chủ bề ngoài », tựa bài báo trang quốc tế. La Croix giải thích : Quốc vương Cam Bốt hoàn toàn không có bất kỳ quyền hạn gì.

Phóng viên Mai Vân
Theo RFI ngày 4/2/2013/ Anh Basamngày 5/2/2013

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Ban Nội chính TƯ chính thức ra mắt

 

Toàn cảnh nhân sự Ban Nội chính Trung ương
Dự kiến ngày 4-2, Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chính thức ra mắt. Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương gồm 1 trưởng ban và 3 phó ban.
Ngày 28-12-2012, Bộ Chính trị đã ban hành các quyết định về việc thành lập Ban Nội chính Trung ương. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng ban hành Quyết định 655 phân công ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng giữ chức Trưởng ban Nội chính T.Ư.

Trưởng Ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh
Ông Nguyễn Bá Thanh (sinh năm 1953) là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Việt Nam.
Ông Nguyễn Bá Thanh quê ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Học vị: Tiến sĩ. Chức vụ hiện tại: Trưởng ban Nội chính Trung ương, trước đó là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ông tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 13 tháng 2 năm 1980.
Ông từng là Chủ nhiệm HTX Hòa Nhơn, Phó Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, Giám đốc Nông trường Chè Quyết Thắng, sau đó là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1996 ông được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đầu tiên sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 2003, sau khi ông Nguyễn Đức Hạt được điều động làm Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Nguyễn Bá Thanh thay ông Nguyễn Đức hạt giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Bá Thanh là đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá IX, XI và XII.
Phó Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc
Ông Phan Đình Trạc – Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An vừa được Bộ Chính trị điều động về làm Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Phó Ban nội chính T.Ư Phan Đình Trạc
Phó Ban nội chính T.Ư Phan Đình Trạc.
Ông Phan Đình Trạc sinh ngày 25-8-1958, quê xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu; chuyên môn nghiệp vụ: Đại học An ninh Nhân dân (ngành điều tra tội phạm); Lý luận chính trị: Cử nhân.
Ông Phan Đình Trạc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An khoá XVII vào tháng 10-2010, sẽ tiếp nhận trọng trách mới tại Ban Nội chính trung ương.
Chia sẻ về việc được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương sau khi Ban này chính thức đi vào hoạt động được một ngày, ông Phan Đình Trạc cười nói: “Không, tôi không bất ngờ về quyết định này của Bộ Chính trị. Là người của Đảng thì luôn sẵn sàng, bảo đi là đi, bảo ở là ở thôi”.
Phó Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Ban Nội chính Trung ương. Ông Tuấn là tiến sĩ luật.

Phó Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn
Phó Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn.
Ông Tuấn nguyên là trưởng Ban Xây dựng pháp luật Văn phòng Chính phủ. Tháng 12-2008, ông Tuấn sang làm phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Ban Nội chính Trung ương có 108 cán bộ

Khi ra Trung ương nhận nhiệm vụ, ông Thanh điều động theo 5 cán bộ ở Đà Nẵng, gồm ông Phan Văn Tâm, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu; ông Lê Hồng Minh, Chánh văn phòng HĐND TP Đà Nẵng; 2 trợ lý và một lái xe.
Theo Người Lao Động
Theo Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Ban Nội chính Trung ương, ngày mai (4-2) là ngày chính thức ra mắt Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và cũng là ngày ra mắt cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là Ban Nội chính Trung ương. Trong phiên họp đầu tiên, Ban chỉ đạo Trung ương sẽ phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xác định những định hướng công tác năm 2013.
Ngày 31-1, đã chuyển 86 cán bộ, nhân viên của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sang Ban Nội chính Trung ương.
Chiều ngày 1-2, đã chuyển giao 22 cán bộ, công chức của Vụ Nội chính và Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Trung ương Đảng về Ban. Về mặt cơ học, Ban Nội chính Trung ương có 108 cán bộ, công chức không tính lãnh đạo Ban.

Nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương gồm 6 nhóm:
Thứ nhất là nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật (trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính và PCTN); một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia và PCTN; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (được xác định gồm VKS, tòa án, tư pháp và các cơ quan có chức năng tư pháp trong công an, quân đội) và Hội Luật gia VN, Liên đoàn Luật sư VN. Đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo TƯ về PCTN cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án.
Thứ hai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng trong lĩnh vực nội chính; phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động ở các cơ quan nội chính và hai tổ chức xã hội nghề nghiệp đã đề cập. Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo TƯ ương về PCTN giao.
Thứ ba, thẩm định các đề án về lĩnh vực nội chính và PCTN trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thứ tư, tham gia ý kiến trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong các cơ quan nội chính theo phân công, phân cấp.
Thứ năm, thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo TƯ về PCTN.
Thứ sáu, thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
Nguồn: TiềnPhong

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong tuyên b sáng ngày 4/2:

 'Ban chỉ đạo chống tham nhũng không ngại lực cản nào....Thành viên Ban chỉ đạo phải là tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào"

> 'Cả dân tộc chống tham nhũng thì không sợ trù dập'/ 'Tham nhũng nghiêm trọng, gây bất bình trong xã hội'

Sáng 4/2, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã ra mắt. Ban chỉ đạo do Bộ Chính trị thành lập, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.
Ông Nguyễn Bá Thanh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã trình bày dự kiến phân công nhiệm vụ các thành viên của Ban; dự kiến chương trình công tác năm 2013 và một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp cần quan tâm chỉ đạo, đốc đốc giải quyết. Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban và các thành viên; dự kiến phân công nhiệm vụ các thành viên; chương trình công tác.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phòng, chống tham nhũng là công việc vô cùng hệ trọng, liên quan đến sự bền vững của chế độ, nhưng cực kỳ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan đến chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, động chạm đến những người có chức, có quyền. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước đã làm nhiều lần, làm quyết liệt nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và phải làm lâu dài, làm quyết liệt hơn nữa, kiên trì, bền bỉ, không thể nóng vội. Việc thành lập Ban chỉ đạo lần này với mong muốn đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, vừa kế thừa những cái đã có trước, vừa có những điểm mới bổ sung, phát triển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN.
Tổng bí thư đã phân tích những điều kiện thuận lợi như: toàn Đảng, toàn dân quyết tâm rất cao; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, có nghĩa là Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực, các cấp, các ngành, trong cả hệ thống chính trị. Thành phần Ban Chỉ đạo lần này gồm đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong số này nhiều người đã tham gia Ban Chỉ đạo trước đây, có kinh nghiệm công tác. Cơ quan Thường trực là Ban Nội chính Trung ương, do Bộ Chính trị thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, có vị thế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rất quan trọng, không chỉ có chống mà cả phòng. Tuy nhiên, hoạt động của Ban cũng đứng trước khó khăn, sức ép rất lớn, phải tạo chuyển biến rõ nét, phải làm tốt hơn trước đây, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
* 9 nhiệm vụ của Ban chỉ đạo trung ương phòng, chống tham nhũng

Tổng bí thư lưu ý, Ban chỉ đạo cần tổ chức công việc chặt chẽ, làm việc trách nhiệm, không thể tùy tiện. Mỗi thành viên, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực này và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch mới chống được tham nhũng.
"Tất cả 16 đồng chí thành viên Ban chỉ đạo phải là 16 tấm gương về giữ gìn đạo đức lối sống, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào, không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào. Chúng ta phải cam kết với nhau, mỗi thành viên Ban chỉ đạo phải là một tấm gương về liêm sáng, trung thực, công tâm, khách quan, nếu không dân không tin", Tổng bí thư nhấn mạnh.

Tổng bí thư yêu cầu Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần gương mẫu, đi đầu, sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ theo hướng chất lượng, hiệu quả; xây dựng nội quy, quy chế làm việc rõ ràng. Đối với những vụ án lớn, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng không sa vào xử lý từng vụ án cụ thể, không làm thay chức năng của cơ quan nhà nước; chỉ giám sát việc xử lý các vụ việc; phối hợp với các ngành, các cấp, đôn đốc làm đúng chức năng nhiệm vụ, theo quy định của pháp luật; cho định hướng chỉ đạo đối với một số vụ trọng điểm, phức tạp, để kéo dài, hoặc có ý kiến khác nhau.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng gồm 16 thành viên. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. 5 Phó ban gồm các ông Lê Hồng Anh, Thường trực Ban bí thư; Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Các ủy viên gồm các các ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trương Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao; Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSND tối cao; Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ; Đinh Tiến Dũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Theo TTXVN

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này