Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Khi công tác quản lý phố phường như quản lý làng xã

Suốt đêm qua và cả ngày hôm nay mất điện. Không nét, không TV, di động hết pin không sạc được, đọc xong mấy tờ báo giấy đành ra phố. Vừa bước ra cửa gặp ngay một công trường với hàng chục công nhân  đang tháo nắp cống, thiết bị dụng cụ để bừa bộn chắn hết một đoạn phố . Hình như họ đang lắp đặt đường giây cáp điện. Lại điện! Đúng là điên nặng điện ! Nhưng tội nghiệp cho họ, ban ngày phố quá đông không thi công được họ phải làm đêm. Nhiều đêm trước họ đã làm như vậy. Trong đêm thanh tịnh tiếng máy ầm ì nhức óc, chốc chốc lại ầm lên một tiếng như thời  bom B 52 oanh tạc thủ đô khiến nhiều người tỉnh giấc. Cũng tội nghiệp cho các cụ già khi đã tỉnh giấc thì khó mà ngủ lại được, đành mở mắt  chờ sáng .

Từ ngày có tuyến phố mới được đặt tên Tô Hiệu này, tuy chỉ gần mười năm nhưng đã mấy chục lần người dân chứng kiến cảnh đào bới, khi thì giữa lòng đường , khi thì bên lề đường, khi thì trên vỉ hè, hết bên trái sang bên phải ...Ừ thì phải có lý do gì đó người ta mới đào bới!. Nhưng thực sự không thể hiểu tại sao người ta đào lên lấp lại quá nhiều lần lãng phí công của như vậy ? Người bảo vì đó là lề lối làm việc không khoa học, kẻ bảo đơn giản là vì dốt, người khác quả quyết rằng đó là một trong những cách để rút "tiền chùa"! Có dự án là có tiền mà! 

Góc phố Tô Hiệu và Làng Quốc tế Thăng Long
Định  bụng thoát ra khỏi đoạn đường ồn ào bụi bậm để đến công viên Nghĩa Đô cho thoáng... Nhưng không phải dễ ! Hai  bên vỉa hè chặt cứng xe máy. Các hàng quán cố tình dùng xe máy và chậu kiểng để chắn người qua lại phần vĩa hè trước cửa hàng của họ. Phần đường tiếp giáp vỉa hè thì ô tô đỗ san sát. Vậy nên người đi bộ không có cách nào khác phải bước xuống lòng đường, đúng hơn là đi giữa đường, nhưng không được "thênh thang ta bước" như thời  Tố Hữu đâu nhé, trái lại, luôn  nơm nớp lo sợ bị xe tông vào người từ bốn phía . Phải mất quãng 45 phút để thoát khỏi đoạn đường không đầy 300 mét. Ra đến công viên giờ này cũng đông nghịt người. Không khí cũng rất nặng mùi nước hồ bị ô nhiễm quyện với mùi của mấy quán nhậu sát rào công viên tỏa ra . Thôi thì, dù sao cũng còn một nơi mà ở đó người ta có thể đi bộ không sợ bị xe cộ tông vào. đó chính là công viên !     

Không muốn nghĩ ngợi cho đỡ mệt óc. Nhưng rồi cũng phải nghĩ: Phải chăng khu phố mới hình thành này của Thủ đô Hà Nội mở rộng chính là một hình mẫu phát triển kiểu Việt Nam? Ai bảo kinh tế Việt Nam đang chết thì hãy đến phố Tô Hiệu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội sẽ thấy nó không bao giờ chết, thậm chí còn rất sinh động nữa kia!  Này nhé, phố phường rất đông đúc tấp nập, nhà dân hai bên phố và các ngõ, ngách đều biến thành cửa hàng; quán nhậu, cà fê đèn sáng, đèn mờ... Chúng mọc ra nhanh hơn cả nấm rừng sau cơn mưa. Dân lao động tứ xứ đổ về đây đông vô kể. Họ làm đủ thứ nghề,  từ nhân viên bán hàng, tiếp thị, hàng rong đến đánh giầy, thu mua đồng nát, v.v...Mọi góc phố, lề đường đến ngõ, ngách đều có thể biến thành nơi hành nghề gì đó, chợ cóc mọc lên tại bất cứ nơi nào có thể .... Tất nhiên cũng có những chú bảo vệ mặc đồng phục đứng ngồi la liệt trước các hàng quán dưới bóng đèn xanh đỏ nấp nháy đủ kiểu thật vui mắt. Đây đó thấp thoáng bóng các cô váy ngắn chân dài mắt xanh mỏ đỏ lượn phố trông như Hà Nôi thời Tây hay Sài Gòn thời Mĩ vậy!

4 căn biêt thự đang được xây chen lán vỉa hè tại rìa Làng Quốc tế Thăng Long
 Điều đáng nói là mật độ dân số tại khu vực này quá cao so với cơ sở hạ tầng, giao thông, dịch vụ và môi trường sống, đặc biệt thiếu trầm trọng các cơ sở công cộng như phòng họp, thư viện, nhà trẻ, sân chơi , v.v... Nhưng không hiểu vì lý do gì, chính quyền vẫn cho phép các dự án xây chen nhà ở tại một vài lô đất kẹt hiếm hoi còn sót lại trong khu vực? Trong số này có 4 căn biệt thự sắp hoàn thành bên mép Làng Quốc tế Thăng Long (ảnh trên) và đang định xây một dãy nhà 5 tầng liền kề chạy dài khoảng 400mét giữa Làng này và Phố Tô Hiệu. Nhân dân kháo nhau rằng dãy nhà này nếu được tiến hành sẽ như một bức tường "kỳ quan" của ngành xây dựng Hà Nội. Điều khó hiểu là, trong lúc thị trường bất động sản Hà Nội ế ẩm không có người mua, nhưng vẫn có một công ty tên là INDECO rất sốt sắng phối hợp cùng các cơ quan Phường, Quận trong một dự án nhà ở theo phương thức "xã hội hóa". Liệu nhà đó để bán cho ai và ai là người có lợi mà họ bất chấp lợi ich lâu dài của cộng đồng?. Qua các cuộc tiếp dân cho thấy kể cả một số vị quan chức cũng quan niệm rằng  hễ chỗ nào còn đất trống đều nên xây nhà ở hoặc giao cho các công ty kinh doanh để thu tiền phục vụ các công trình  "xã hội hóa" vốn là phương thức mơ hồ khó kiếm soát. Có vị còn viện dẫn tình trạng nhà cửa chen chúc tại các làng cũ trong Quận để nói rằng dân ở khu phố mới này còn sướng chán!. Thì ra họ vẫn mang quan niệm quản lý làng xã vào quản lý đô thị. Với đà này, e rằng chẳng mấy chốc khu phố mới xung quanh Phố Tô Hiệu và Làng Quốc tế Thăng Long  sẽ biến thành một ngôi làng thực thụ giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến./.    


Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Vì sao mãi day dứt?

Đó là câu hỏi có thể xuất hiện trong đầu mỗi người khi đọc bài viết mới đây của blogger Nguyễn Thông (nguyên văn dưới đây). Đúng như tác giả nhận xét "Chỉ có gỗ đá mới không biết trăn trở". Nhưng trớ trêu thay, ngày nay hầu hết người Việt Nam bằng da bằng thịt có ăn học và đang hoặc đã có chức quyền lại không hề  trăn trở hoặc cố tỏ ra không trăn trở theo kiểu "mũ nỉ che tai"... Đó là một nghịch lý thật to của đất nước này-(Bách Việt)

 

Sao không thể tái sinh Hội nghị Diên Hồng?

Người xưa nói "Tổ quốc hưng vong, thất phu hữu trách", vậy nên làm người lúc này chỉ có là gỗ đá mới không biết trăn trở, lo lắng. Với cương vị một công dân bình thường có nghĩa vụ đối với đất nước, tôi cũng muốn đem cái trí lực hèn mọn của mình góp vào việc chung.

Người xưa cũng nói "Ôn cố tri tân" nhắc cái cũ để biết cái mới, trước hết tôi xin nhắc lại một chuyện cũ:

Chuyện rằng, năm 1282 vua nhà Nguyên sai Sài Thung đưa Trần Di Ái (được phong làm An Nam quốc vương) về nước bị quân dân Đại Việt ta đánh cho tan tác, Sài Thung trúng tên mù mắt chạy về không còn mảnh giáp. Vua Nguyên giận lắm, năm 1284 cử Thoát Hoan đốc binh rầm rộ kéo sang, khí thế ngất trời, mạnh như chẻ tre. Nhiều đại thần xin hàng, chầu cống; riêng chỉ hai vị Trần Quốc Tuấn và Trần Khánh Dư quyết cầm quân chặn giặc. Nhưng giặc mạnh quá, vua Trần Nhân Tông lo quân ta không địch nổi, cứ phân vân. Tuy nhiên vốn là vị hoàng đế sáng suốt, ngài và Thượng hoàng Trần Thánh Tông quyết định triệu họp các phụ lão trong cả nước để trưng cầu dân ý, bàn việc nước, xin ý kiến về chủ trương hòa hay chiến, để dân quyết việc hệ trọng nước nhà. Hội nghị được tổ chức tại điện Diên Hồng nên sau này sử sách gọi là Hội nghị Diên Hồng, được đánh giá như là hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử nước ta, và cho đến nay chưa
có thêm sự kiện nào như vậy. Thời ấy các phụ lão có thể coi là những đại biểu của dân. Sau hội nghị, chính các phụ lão là những người truyền đạt lại chủ trương của chính quyền đến người dân. Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển 5) của nhà sử học Ngô Sĩ Liên chép "Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói "đánh", muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng". Ông cũng lý giải: "Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy".
Về chuyện này, nhà sử học Lệ thần Trần Trọng Kim cũng biên lại: "Nhân Tông thấy vậy lập tức cho triệu cả những bô lão trong dân gian, hội tại điện Diên Hồng để bàn xem nên hòa hay nên đánh. Các bô lão đều đồng thanh xin đánh. Vua thấy dân gian một lòng như vậy, cũng quyết ý kháng cự" (Việt Nam sử lược, quyển 1, phần nhà Trần).

Nhắc lại chuyện xưa tích cũ để cùng nhau tỏ rằng thời nào cũng cần có bậc minh quân. Làm người chèo chống quốc gia phải sáng suốt, bản lĩnh, tin dân, đừng nghe theo bọn gian thần, nịnh thần, hèn thần. Trong triều đình nhà Trần khi đó thiếu chi kẻ ngồi chót vót, quyền cao chức trọng, thân thích ruột thịt của vua, như thái úy Trần Nhật Hiệu, Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc, Trần Di Ái (chú ruột vua)... chỉ một mực đầu hàng, chấp nhận khom lưng uốn gối. Nhưng đức Thánh Tông, Nhân Tông đã lấy dân-nước làm trọng. Và điều hết sức đáng khâm phục là các vị ấy cực kỳ tin tưởng vào dân. Trí tuệ nhân dân lúc bấy giờ được thể hiện ở các bô lão. Đại thần xin hàng, nhà vua phân vân. Bô lão quyết đánh, nhà vua theo ngay. Rõ ràng không phải lúc nào quan chức cũng là người đại diện cho đất nước. Ấp a ấp úng trước dã tâm kẻ thù, làm sao những kẻ đó quyết chiến như dân được.

Ngày xưa là bô lão, còn nay là những bậc nhân sĩ, trí thức. Họ là hiền tài, "nguyên khí quốc gia". Họ đại diện cho nhân dân. Không coi trọng họ tức là xem nhẹ ý chí, tinh thần, sự sáng suốt của nhân dân. Giữ nước mà không cùng đi với dân thì có bao giờ thành đạt. Giờ đây giặc Tàu đang lăm le bờ cõi, giở mọi quỷ kế hòng cướp thêm biển đảo của ta, từ ông chủ tịch nước đến kẻ thứ dân đều biết rõ. Vậy mà chẳng hiểu sao giữa nhà cầm quyền với dân chưa đồng ý đồng lòng, chưa chung tiếng nói, chưa chung hành động. Tại sao không giải tỏa bất đồng, tổ chức một cuộc gặp giữa những người lãnh đạo cao nhất với những nhân sĩ trí thức đã cùng đi dân trong các cuộc biểu tình chống Trung cộng hoặc một số sự kiện nổi cộm vừa qua. Hãy phát huy tinh thần thân dân, trọng nhân sĩ trí thức của cụ Hồ, nhất là thời kỳ sau cách mạng tháng tám và kháng chiến chống Pháp. Hãy biết lắng nghe, trao đổi, tiếp thụ; hãy thực sự cầu thị, đừng vội vàng quy kết dân khi họ trái với mình.

Tôi nghĩ, có thể lẩn thẩn chăng, sao các vị tứ trụ triều đình hiện nay, hoặc ông tổng bí thư, ông chủ tịch nước- những người nghe đồn được coi là gần dân, trong khi chưa thể tổ chức được cuộc hội nghị Diên Hồng quy mô thời hiện đại, tại sao không tạo nên một Diên Hồng nho nhỏ, mà bô lão chính là những nhân vật đang có nhiều ý kiến, quan điểm, thái độ, hành động gần gũi với dân, trái tim chung nhịp với đại đa số nhân dân. Họ là ai? Tôi cho rằng những con người mang cái tên sau đây rất đáng có mặt trong cái Diên Hồng mini mà tôi mong ước đó, rất nhiều người đã trải qua 2-3 mùa kháng chiến, vào sinh ra tử, từng giữ trọng trách trong bộ máy cầm quyền, từng là niềm tự hào của bao thế hệ, từng đóng góp nhiều sức lực, trí tuệ, tình cảm... vào công cuộc đấu tranh, lao động của dân tộc: Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Quốc Thước, Đồng Sỹ Nguyên, Trần Quốc Thuận, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Đình Đầu, Hạ Đình Nguyên, Cao Lập, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Lê Hiếu Đằng, Tương Lai, Lưu Trọng Văn, Nhật Tuấn, Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Phạm Xuân Nguyên, Huỳnh Ngọc Chênh, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Thế Thanh, Lê Phú Khải , Hồ Ngọc Nhuận, Nguyễn Huệ Chi, Dương Trung Quốc, Bùi Minh Quốc, Phạm Toàn, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Nhị, Tống Văn Công, Kha Lương Ngãi, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Quang Lập, Tô Văn Trường, Phạm Đình Trọng, Bùi Văn Bồng, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Trọng Huấn, Nguyễn Trung, Đào Tiến Thi, Trần Mạnh Hảo, Võ Thị Hảo, Thái Kế Toại, Nguyễn Duy, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Minh Hiền, Thùy Linh, Đỗ Minh Tuấn, Thanh Thảo, Cù Huy Hà Vũ, Lê Hiền Đức... Nhiều lắm, nhiều lắm.

Một cuộc gặp Diên Hồng như thế sẽ đi vào lịch sử. Giải tỏa những vướng mắc, cản trở. Không có lý gì mà ai cũng nói cũng tự nhận mình yêu nước yêu dân mà rốt cục lại trái nhau, đối lập nhau, thậm chí thù hằn bắt bớ triệt hạ nhau. "Nhiễu điều phủ lấy giá gương", "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Khi đã thống nhất được ý chí và hành động, cả nước một lòng, không kẻ thù nào có thể lấn át được chúng ta.

17.12.2012
Nguyễn Thông


Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Trung Quốc ẩn núp phía sau màu sơn trắng

Hiền Trang chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Theo Strategy Page
Ngày 11 tháng 12, 2012
Gần đây nhiều nước đã cực lực phản đối thông báo của Trung Quốc về các quy định mới, sẽ bắt đầu từ ngày 01 tháng Một tới đây, bao gồm việc hải quân Trung Quốc sẽ tuần tra và hộ tống hoặc trục xuất tàu nước ngoài trong vùng Biển Đông. Nhưng Trung Quốc đã rất thông minh về cách ứng xử của họ đối với việc này. Trung Quốc không có kế hoạch phủ lớp sơn màu xám lên các tàu hải quân để ngăn chặn và quấy rối các tàu nước ngoài, ngược lại, họ đã sử dụng lớp sơn trắng của các tàu tuần duyên. Màu sơn trắng và các sọc đỏ dọc trên thân tàu được quốc tế công nhận là màu sơn của tàu tuần duyên. Điều này ít nhất là không mang lại nhiều đe dọa so với các tàu chiến. Trung Quốc cũng kêu gọi các tàu dân sự (trong đó chủ sở hữu của các tàu này hiểu rằng từ chối giúp đỡ không phải là cách mà họ có thể lựa chọn) nhập cuộc ngăn chắn các tàu nước ngoài. Vì vậy, nếu các tàu chiến nước ngoài nổ súng để đe dọa và xua đuổi các tàu quấy rối này thì ngay lập tức họ trở thành những kẻ xấu.
Trung Quốc có khoảng ba tàu tuần duyên hạng nặng 1.500 tấn (được biết đến với tên gọi “máy cắt” theo cách nói của người Mỹ) đang được xây dựng, một phần trong số 36 chiếc trong đơn đặt hàng. Tất cả các tàu này thuộc Cơ quan Giám sát Biển Trung Quốc (China Marine Surveillance – CMS). Bảy trong số các tàu mới này có kích thước của tàu hộ tống (1.500 tấn), trong khi phần còn lại là các số nhỏ hơn (15 chiếc có trọng lượng 1.000 tấn và 14 chiếc có trọng lượng 600 tấn). Trong một thời gian dài, việc tuần tra ven biển được thực hiện bởi lược lượng hải quân. Tuy nhiên, trong một thập kỷ qua, lực lượng tuần duyên đã có được nhiều tàu mới hơn. Kế hoạch giao 36 chiếc tàu cho CMS sẽ được hoàn thành trong vòng hai năm tới. Trong khi đó, Trung Quốc đang chuyển giao lại các loại tàu chiến nhỏ hơn (tàu hộ tống loại nhỏ) cho các cơ quan thực thi pháp luật khác nhau chịu trách nhiệm về an ninh biển. Ngày 1 tháng Một tới đây Trung Quốc sẽ chính thức ra lệnh kiểm soát các bờ biển tại các đảo không có người ở, cũng như các bãi đá ngầm và rạn san hô ở khu vực Biển Đông. Điều này sẽ làm cho rất nhiều các khu vực được xem là thuộc vùng biển quốc tế, được Trung Quốc đưa vào chủ quyền của nước này. Và hiện Trung Quốc đang cần thêm tàu để có thể thực hiện những hoạt động này.
CMS là một trong năm cơ quan chịu trách nhiệm thực thi pháp luật dọc theo bờ biển của Trung Quốc. Các cơ quan khác bao gồm Cảnh sát biển, một lực lượng quân sự có các tàu mang lớp sơn trắng liên tục tuần tra các bờ biển. Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải chuyên phụ trách tìm kiếm và cứu hộ dọc theo bờ biển. Cơ quan Thực thi Chính sách Thuỷ sản phụ trách việc đánh bắt cá trái phép. Và Cơ quan Hải quan chuyên chống buôn lậu. Trung Quốc có nhiều cơ quan tuần tra duyên hải bởi vì nước này theo chế độ độc tài cộng sản, việc có nhiều cơ quan an ninh làm các nhiệm vụ tương tự nhau để họ có thể kiểm soát lẫn nhau.
CMS là cơ quan mới nhất được thành lập vào năm 1998. Cơ quan này thực sự là lực lượng cảnh sát Quản lý đại dương của Trung Quốc, có trách nhiệm khảo sát các vùng biển mà Trung Quốc có đặc quyền kinh tế (vùng đặc quyền kinh tế hoặc – exclusive economic zone) và thực thi các pháp luật về môi trường ở các vùng này. Chương trình xây dựng tàu mới này sẽ mở rộng sức mạnh của CMS từ 9.000 đến 10.000 nhân viên. CMS hiện đã có 300 tàu thuyền và 10 máy bay.
Ngoài ra, CMS thu thập và phối hợp các dữ liệu hoạt động giám sát biển tại mười thành phố lớn và 170 quận ven biển. Khi có các cuộc đối đầu vũ trang tại các đảo tranh chấp ở Biển Đông, CMS là các tàu tuần tra thường xuyên được mô tả là “tàu chiến của Trung Quốc”. CMS và bốn “cơ quan bảo vệ bờ biển” khác của Trung Quốc có hàng trăm tàu cỡ lớn (hơn 1.000 tấn, trong đó có một số có trọng lượng hơn 3.000 tấn) và hàng ngàn tàu tuần tra nhỏ hơn. Trung Quốc hiện đang xây dựng cơ sở hạ tầng ở các đảo có tranh chấp để có thể phục vụ cho các tàu tuần tra nhỏ loại này. Cần lưu ý rằng nhiều trong số các tàu tuần tra này được trang bị các vũ khí hạng nặng (như tên lửa, ngư lôi) nêu có chiến tranh xảy ra.
Vì vậy, Trung Quốc thường xuyên tuần tra và tích cực hơn tại các vùng biển mà họ có đặc quyền kinh tế. Luật pháp quốc tế (Hiệp ước Biển năm 1994) công nhận vùng biển cách đất liền 22 kilomet và cho phép nước nào có chủ quyền được kiểm soát khu vực này. Điều đó có nghĩa rằng các tàu [nước ngoài] không được phép đi vào “vùng lãnh hải” nếu như không phép của nước có chủ quyền. Tuy nhiên, các vùng biển cách đất liền 360 kilomet được xem là khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ). Các nước có chủ quyền ở vùng đặc quyền kinh tế này có thể kiểm soát các tàu đánh cá và những chất được chiết xuất từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên (chủ yếu là dầu khí) từ đáy biển. Tuy nhiên, chủ sở hữu vùng này không thể ngăn cấm quyền tự do qua lại đối với các tàu nước ngoài hoặc lắp đặt các đường ống và cáp thông tin. Trong khi đó thì phía Trung Quốc đã lên tiếng tuyên bố rằng các tàu nước ngoài đã tiến hành các hoạt động gián điệp bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Tuy nhiên, Hiệp ước năm 1994 đặc biệt không nói gì về những vấn đề như vậy. Trung Quốc chỉ đơn giản thực hiện những gì họ đã làm trong nhiều thế kỷ qua, cố gắng áp đặt ý chí của họ lên các nước láng giềng hay bất cứ nước nào mạo hiểm đi vào những gì mà Trung Quốc xem là khu vực thuộc quyền kiểm soát của họ.
Trong hai thế kỷ vừa qua Trung Quốc đã bị ngăn cản thực hiện các “quyền truyền thống” trong vùng biển gần đó vì sức mạnh vượt trội của các lực lượng hải quân nước ngoài (đầu tiên là súng pháo cannon của châu Âu, sau đó vào thế kỷ 19 là tàu chiến thép mới từ Nhật Bản). Tuy nhiên, kể từ khi những người cộng sản lên chiếm quyền 60 năm trước đây, Trung Quốc đã sử dụng bạo lực để tái khẳng định lại quyền kiểm soát của họ trong khu vực (trong nhiều thế kỷ) mà họ xem là một phần của “Vương quốc Trung Tâm – Middle Kingdom” (hoặc Trung Quốc, như là trung tâm “của thế giới”).
Hiện nay Trung Quốc đặc biệt quan tâm quần đảo Trường Sa ở gần đó, một nhóm đảo gồm khoảng 100 đảo nhỏ, rạn san hô, và các bãi đá ngầm có tổng cộng khoảng 5 cây số vuông đất, nhưng bao gồm 410.000 cây số vuông diện tích biển ở Biển Đông. Ngoài có tiếng là một ngư trường lớn nhất thế giới, các đảo này còn được cho là có nguồn dầu mỏ và khí đốt rất lớn bên dưới đáy biển. Một số quốc gia khác cũng đã lên tiếng tuyên bố chủ quyền. Hiện có khoảng 45 trong số các hòn đảo tại đây được các nhóm quân sự chiếm đóng. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các hòn đảo tại đây nhưng họ chỉ chiếm đóng được 8 đảo, Việt Nam đã chiếm hoặc đánh dấu 25 đảo, Philippines chiếm 8 đảo, Malaysia có 6 đảo, và Đài Loan chiếm duy nhất 01 đảo.
Trung Quốc muốn sử dụng các tàu phi quân sự hoặc bán quân sự (giống như tàu của CMS) để quấy rối các tàu nước ngoài nhằm đuổi họ ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế hay các khu vực có tranh chấp. Cách tiếp cận này ít có khả năng châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang và dễ dàng hơn cho phía Trung Quốc tuyên bố họ là nạn nhân. Việc này diễn ra như một vỡ kịch đối với các nước láng giềng khi Trung Quốc tuyên bố họ là nạn nhân. Đó là bởi vì các quy định mới dưới luật pháp quốc tế tại các khu vực ngoài khơi bở biển của Philippines, Malaysia, Đài Loan, Brunei và Việt Nam không công nhận thuộc chủ quyền của Trung Quốc như cách mà Trung Quốc đang làm. Ấn Độ và Hoa Kỳ đã công bố rằng họ sẽ không tuân thủ các quy định trên [của Trung Quốc] và mong rằng các tàu chiến của Ấn Độ và Hoa Kỳ không bị trở ngại khi di chuyển qua khu vực Biển Đông vào năm 2013 tới đây.
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012


Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Khi học giả Trung Quốc nói thật(*)

(*) Mình có một blog từ thời sơ khai nhưng số phận hẩm hiu đã phải mấy lần "chuyển nhà" từ YahooPlus rồi Yahoo Vietnam... Giờ  YahooVietnam sắp sập, đành chọn lọc một số bài vỡ đưa về lưu trong Bách Việt. Riêng bài viết này xuất bản cuối năm 2010 nhưng vẫn còn nguyên giá trị thời sự đến ngày hôm nay khi âm mưu  độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh đang trong giai đoạn nước rút, xin mạn phép đăng lại để bạn đọc tham khảo. (Bách Việt)

Bản đồ minh họa các "chư hầu" thời  Vương Tiều 
Trước tình hình tranh chấp Biển Đông ngày càng căng thẳng, tiếp theo cuộc Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ nhất (năm 2009), cuộc Hội thảo lần thứ hai có tên “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển Khu vực” do Học viện Ngoại Giao và Hội luật gia Viêt Nam đứng ra tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 10 đến 12/11/2010. Hội thảo lần này được dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm không phải  vì nó diễn ra ngay sau Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 mà vì tình hình Biển Đông đang nóng lên trước hành đồng xâm lấn biển đảo trắng trợn của phía Trung Quốc. 

Bài viết ngắn này không nhằm trình bày về cuộc hội thảo mà chỉ nêu lên một hiện tượng cho thấy người Trung Quốc đang đi theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan rất nguy hiểm. Không ai khác mà chính bộ máy cầm quyền nước này đã và đang cố tình "hâm nóng" tinh thần dân tộc cực đoan Đại Hán đã có từ thời các Hán đế, trong đó Hán tộc được coi là "con trời" trong khi tất cả các dân tộc khác chỉ là man di mọi rợ, các nước láng giềng chỉ là "phiên thuộc" của Vương Triều . Cách tư duy này thực sự  nguy hiểm  không kém gì tư tưởng "đại Đức" của phát xít Hit-le thời kỳ trước Thế chiến II , và nếu không bị ngăn chặn rất có thể sẽ đưa thế giới vào một cuộc chiến tranh mới.  
 
Ngay trong ngày đầu của Hội thảo, dư luận đã ngỡ ngàng trước những cách lập luận thiên lệch không giống ai của các đại biểu Trung Quốc. Một vị tiến sĩ tên là Vương Hàn Lĩnh (của Viên Luật pháp Quốc tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) đã trâng tráo tuyên bố : “Nên nhớ rằng cho đến năm 1885, Việt Nam vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc”. Cũng chính là  vị tiến sĩ này trước đó đã giảng giải một cách đầy tự tin rằng  “Anh có thể tự lựa chọn cách giải quyết tranh chấp mà anh cho là tốt nhất, có thể phân định được lãnh hải bằng cách này hay cách khác, nhưng chắc chắn là anh không thể tự lựa chọn được hàng xóm. Hai nước Trung Quốc và Việt Nam mãi mãi là hàng xóm, qua biết bao thế hệ và còn tiếp tục với rất nhiều thế hệ nữa”....và không quên đe dọa : “Nếu không chọn cách giải quyết như tôi vừa nêu, các anh sẽ phải hứng chịu các xung đột bằng vũ lực, hoặc thậm chí chiến tranh. Điều này không hề tốt cho tương lai”. (xem thêm tại www.tuanvietnamnet ngày 11/11/2010).
           
Thì ra, lâu nay thế giới dường như đã quên cơn ác mộng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan Đại Hán. Nhân dân Việt Nam cũng đã phần nào bỏ qua nỗi uất hận trong quá khứ , kể cả cuộc chiến tranh biên giới 1979 với tâm trạng bán tín bán nghi về sự "cải tà quy chính" của ông bạn láng giềng đang chuyển hóa từ chế độ phong kiến lạc hậu sang thế giới đại đồng (!) trong khi cả thế giới quen nghĩ về Trung Quốc như một nước đông dân kém phát triển như con "hổ giấy" vậy!. Ít ai tin rằng cái quốc gia đông dân và nghèo đói này không lúc nào quên ấp ủ giấc mộng bá chủ đã có từ hàng ngàn năm trước. Giấc mộng đó mạnh đến nỗi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trước khi chết đã phải căn dặn con cháu phải biết "ẩn minh chờ thời", tức là  đừng quá nóng vội mà bộc lộ dã tâm quá sớm sẽ làm hỏng mưu đồ bá vương!  

Tò mò trước những lập luận  cuồng tín của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, tôi  thử tìm trên mạng thì thấy  tin nói về kết quả của một cuộc khảo sát  vừa mới được hãng thông tấn  Mỹ- Global Times thực hiện, trong đó lấy ý kiến của hơn 1.300 người dân tại 6 tỉnh thành lớn của Trung Quốc là Bắc Kinh, Quảng Châu, Thành Đô, Trường Sa, Tây An và Thẩm Dương về giải pháp cho vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Kết quả khảo sát cho thấy, trong hơn 90% người tham gia trả lời, trong đó 39,8% cho rằng phải chiến đấu để khẳng định chủ quyền; 35,3% cho rằng nên đặt vấn đề tranh chấp chủ quyền qua một bên và cùng nhau phát triển trong khi vẫn tiếp tục lên tiếng khẳng định chủ quyền; chỉ có 18,3% đồng ý xác định lại biên giới lãnh hải cùng với các quốc gia hữu quan. Cuộc thăm dò cũng cho thấy đa số người dân Trung Quốc xếp Việt Nam là nước kẻ thù số 3 cần đề phòng sau Mỹ và Nhật Bản!

Khi được hỏi lý do tại sao, một số người  cho rằng có thể việc giáo dục lịch sử cũng như tình trạng kiểm soát thông tin tại Trung Quốc đã dẫn đến nhận xét trên…Vì theo họ, không ít người dân Trung Quốc khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họ đã được giáo dục rằng chủ quyền của hai quần đảo Nam Sa và Tây Sa (Trường Sa và Hoàng Sa) là thuộc về Trung Quốc, nhưng bị Việt Nam và các nước khác chiếm đoạt (!?).

Bình luận về kết quả khảo sát nói trên, Tiến sĩ  June Teufel Dreyer, Giảng viên Khoa học Chính Trị của trường đại học Miami  cho rằng "Sách của Trung Quốc đã phá hỏng lịch sử một cách nặng nề bởi vì Việt Nam đang nắm giữ Hoàng Sa vào thời điểm mà Trung Quốc dùng bạo lực để chiếm lấy nó vào khoảng những năm 1974 – 1975. Vì vậy, tôi không hiểu vì sao mà người ta có thể nói rằng các quần đảo trên là của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người đã đọc sách giáo khoa của Trung Quốc thì nói rằng có nhiều điều không hẳn là đúng sự thật".      


Tiến sĩ Dreyer cũng nhận xét: “Mặc dù mọi cuộc khảo sát đều mang tính tương đối, nhưng trước con số khá cao mang tính thể hiện sự đồng lòng của người dân Trung Quốc đối với các quyết định của chính quyền khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi về sự thành công của chính sách giáo dục và sự kiểm soát thông tin hữu hiệu của Bắc Kinh trong mục tiêu phục vụ cho chính trị. Vấn đề ở chỗ, hy sinh dân trí để đạt được mục tiêu chính trị lại không phải là lựa chọn của một xã hội dân chủ và văn minh”.
          
Thì ra Tiến sĩ Vương Hàn Lĩnh và các học giả Trung Quốc đã nói rất thật về tình trạng chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong xã hội Trung Quốc đương đại. May thay sự nói thật của họ dù sao cũng giúp cảnh báo thế giới về nguy cơ của  chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán đang đến gần. 
 

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Viện Toán học (VN) có Viện phó mới là giáo sư trẻ nhất năm 2012

Theo tin V-Express 11/12/2012,  

 Được các viện nghiên cứu lớn ở Italia, Đức, Mỹ... mời làm việc với chế độ đãi ngộ và lương bổng cao nhưng TSKH Phùng Hồ Hải vẫn về nước làm việc và được bổ nhiệm làm Viện phó Viện Toán học.

TSKH Phùng Hồ Hải.
TSKH Phùng Hồ Hải. Ảnh: Viện Toán.
Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước vừa tổ chức kỳ họp thứ 10 xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư 2012. Sau khi thẩm định, bỏ phiếu kín, có 41 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, một ứng viên được đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư đặc cách; 426 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, một ứng viên được đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư đặc cách.
Hai nhà khoa học được xét đặc cách là ông Phùng Hồ Hải, Viện phó Viện Toán học (sinh năm 1970, xét đặc cách chức danh giáo sư) và Phạm Hữu Anh Ngọc, giảng viên ĐH Quốc tế, ĐHQG TP HCM (xét đặc cách chức danh phó giáo sư).
Trao đổi với VnExpress, giáo sư Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho biết, Hội đồng vừa làm tờ trình gửi Thủ tướng về việc đề nghị cho phép công nhận đặc cách đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư.
Theo GS Nhung, PGS Phùng Hồ Hải là nhà toán học trẻ, có nhiều công trình được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế danh tiếng trên thế giới, có thành tích khoa học xuất sắc. Ông được mời làm việc tại các Viện Nghiên cứu Toán - Lý lớn như: Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế ở Trieste (Italia), Viện Max Planck về toán ở Bonn (Đức), Viện Nghiên cứu các khoa học về toán tại Berkeley (Mỹ).
Ông Hải từng được nhận giải thưởng Baedeker dành cho luận án tiến sĩ khoa học xuất sắc nhất của Đức năm 2005, Giải thưởng Von Kaven của Quỹ DFG (Đức) năm 2006, Học bổng Heisenberg các năm 2005-2010, được Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba (TWAS) bầu làm Viện sĩ trẻ, đại diện cho khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2009-2013.
PGS Hải từng giảng dạy một số năm tại ĐH Essen (Đức), nhưng chủ yếu dành thời gian giảng dạy tại Viện Toán học và nhiều trường đại học khác tại Việt Nam. Ông là Phó Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam, Phó tổng biên tập tạp chí Acta Math Vietnamica, Phó viện trưởng Viện Toán học (từ tháng 7/2012).
"Tuy có thể làm việc và sống ở nước ngoài với chế độ đãi ngộ, lương bổng cao, nhưng PGS Phùng Hồ Hải vẫn quyết tâm làm việc và sống tại Việt Nam. Vì vậy, dù chưa đủ một số tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư nhưng hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, các nhà khoa học vẫn đánh giá rất cao", GS Nhung cho hay.
Còn tiến sĩ Phạm Hữu Anh Ngọc có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc, đã công bố 45 bài báo khoa học, trong đó 30 bài đăng ở tạp chí SCI và SCI-E (hàng đầu thế giới), có tổng số điểm công trình gấp 6 lần điểm quy định. Ông đã được nhận học bổng Humboldt của CHLB Đức - một học bổng danh giá dành cho các nhà khoa học trẻ (không quá 40 tuổi) có triển vọng.
Khi được Thủ tướng phê duyệt, ông Hải sẽ là giáo sư trẻ nhất năm 2012, còn phó giáo sư trẻ nhất là Nguyễn Khánh Diệu Hồng, công tác ở Viện Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa (sinh năm 1981). 
Phóngviện: Hoàng Thùy



Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Vài suy nghĩ sau tuyên bố của Đô đôc Samuel Locklear


Đài VOA ngày 7/12/2012 dẫn nguồn tin của Bộ Quốc Phòng Mĩ  (US Department of Defense PR/ Freebeacon.com) đưa tin về tuyên bố báo chí của Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mĩ ngày 6/12 với tiêu đ "Mỹ từ chối hỗ trợ đồng minh Châu Á trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc".Tiếp ngay bên dưới là lời dẫn đề nêu rõ:      
Đô đốc Samuel Locklear 
"Hoa Kỳ không hỗ trợ các đồng minh và nước bạn quan trọng trong khu vực Châu Á có dính líu tới các tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc giữa bối cảnh các hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông đang leo thang" .
(Xem tin đầy đủ tại đây http://www.voatiengviet.com/content/my-tu-cho-ho-tro-dong-minh-chau-a-trong-tranh-chap-bien-dong-voi-trung-quoc/1560465.html

Bản tin thật ngắn gọn, nhưng có lẽ đã cho ta một lời kết về câu chuyện rất dài mà cả thế giới đã chăm chú theo dõi bấy lâu nay -.đó là chờ xem Mĩ sẽ hành động như thế nào trước âm mưu và hành động xâm lược  trắng trợn của nước Trung Quốc "đang trỗi dậy" đối với các quốc gia láng giềng nhỏ yếu hơn xung quanh. Trước mối hiểm họa của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán, các quốc gia khu vực dù không muốn vẫn phải chấp nhận sự trở lại của Mĩ và mong đợi cường quốc số I này  đóng vai trò như một hiệp sĩ đứng ra bảo vệ cho họ. Về phần mình nước Mĩ đường như chợt nhận ra một cơ hôi để kèm chế đối thủ, nhưng đồng thời cũng nhận ra những hạn chế của bản thân, nhất là trước bối cảnh khủng hoảng kinh tế-tài chính kéo dài và những cam kết phiền toái khác trên toàn cầu. Cũng như xu hướng chung của khu vực, người Việt Nam trong và ngoài nước, dân thường và chính khách, ít nhiều đã  tin rằng Mĩ sẽ không khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Thậm chí không ít  người tin rằng Mĩ sẽ nhân cơ hội này giáng cho Bắc Kinh một đòn chí tử(!?) Tuy nhiên diễn biến tình hình ngày càng cho thấy không như vậy. Trước việc Mĩ đã không can thiệp gì trong vụ đụng độ Scarbourough giữa  Philipin-Trung Quốc, rồi vụ Senkaku giữa Nhật-Trung, dư luận đã bắt đầu nghi ngờ về vai trò hiệp sĩ của nước Mĩ. Mới đây giới quan sát đã bàn tán về hiện tượng "trầm lặng" của Tổng thống Obama tại Hội nghị cấp Cao Đông Á (EAS) tại Pnom Pênh tháng 11  trong khi phía Trung Quốc vẫn tiếp tục ngang ngược lấn lướt tại Biển Đông. Và bây giờ là lời tuyên bố của vị Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương.

Phải chăng cái gì đến đã đến. Lời tuyên bố mới này có thể được hiểu như một tuyên bố chính thức về lập trường của nước Mĩ, đó là  đứng ngoài cuộc tranh chấp chấp chủ quyền biển đảo giữa các quốc gia nhỏ yếu hơn với cường quốc Trung Quốc. Nói cách khác, Mĩ sẽ khoanh tay đứng nhìn các thế lực bành trướng Trung Quốc tác oai tác quái tại Biển Đông . Có lẽ chỉ còn một điều chưa hoàn toàn rõ ràng là Mĩ sẽ làm gì nếu một ngày kia tàu bè của bản thân nước Mĩ sẽ không được tự do qua lại vùng Biển Đông như họ đã từng được làm như vậy suốt thế kỷ qua. Rất có thể câu chuyện riêng tư này cũng sẽ được Bắc Kinh yêu cầu "thỏa thuận song phương Trung -Mĩ !"

Những ai có chút am hiểu về nước Mĩ, đặc biệt qua những chặng đường biến thiên trong lịch sử quan Mĩ-Trung, nhất là thời kỳ sắp kết thúc chiến tranh Việt Nam, sẽ không mấy ngạc nhiên trước kết cục nói trên.  Còn nhớ người Mĩ đã từng bỏ rơi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và để mất quần đảo Hoàng Sa như thế nào trong thời gian trước biến cố tháng 4/1975. Thực ra sự câu kết Mĩ -Trung đã bắt đầu từ cuộc gặp bí mật Thượng Hải 1972, chứ không phải đợi đến sau khi kết thức chiến tranh lạnh.  Nếu hiểu được sự thật này sẽ thấy rằng lời tuyên bố của Tư lệnh Thái Bình Dương mới đây chỉ là một sự tiếp nối có lo-gíc mà thôi. Đó là một vấn đề có tính chiến lược của nước Mĩ trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh mà trong đó nước Mĩ không sớm thì muộn buộc phải chia sẻ quyền lực với Trung Quốc.
                  
Là người Việt Nam, chúng ta không có gì để ngạc nhiên trước kết cục nói trên. Các cường quốc dù là Mĩ hay Trung Quốc chưa bao giờ thực sự là đồng minh lâu dài của các quốc gia độc lập dân tộc, nếu có chăng chỉ là tạm thời và có điều kiện. Sự nghiệp bảo vệ độc lập và  toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nội lực của mỗi nước. Lịch sử thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chứng minh điều đó. Dĩ nhiên Việt Nam cũng không thể trông chờ hoặc phụ thuộc mãi mãi vào một cường quốc. Vẫn biết vai trò Mĩ rất quan trọng, nhưng bạn bè thiết thực của Việt Nam là những nước có cùng cảnh ngộ trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Philipine, Hàn Quốc, ASEAN, Úc, Nga...  Nhớ lại thời đại phong kiến ít khả năng liên kết với quốc tế, người Việt Nam đã từng chiến thắng xâm lược Phương Bắc, huống chi trong thời đại toàn cầu hóa bạn bè có ở khắp nơi . Đối với Việt Nam , bí quyết thành công của mọi cuộc kháng chiến chống ngoại xâm chính là lòng tự tôn, tự cường dân tộc; sức mạnh để chiến thắng kẻ thù chính là khối đoàn kết toàn dân. Nếu không ghi nhớ bài học đơn giản này, sẽ không thể tin vào thắng lợi tất yếu của dân tộc. Người lãnh đạo nào không thấm nhuần bài học này thì nên từ bỏ vai trò lãnh đạo nếu không muốn bị nhân dân đào thải.

Trong việc chọn bạn/thù, Việt Nam nên học hỏi thêm bài học kinh nghiệm của Nhật bản, Hàn Quốc, chừng mực nào đó của Đài Loan và Hồng Kông. Bí quyết thành công của các nước và vùng lãnh thổ nói trên là phải giữ khoảng cách trong quan hệ với Đại lục. Bài học này cũng giải thích tại sao cùng một dân tộc, nhưng Bắc Triều Tiên mãi lạc hậu trong khi Nam Triều Tiên thì phát triển như vậy . Từ bài học này cho thấy, Việt Nam tuy không bao giờ nên chủ trương đối đầu, nhưng nhất quyết phải tách khỏi ảnh hưởng về "ý thức hệ" với  Trung Quốc. Chỉ khi nào thoát khỏi thế kèm cặp của Trung Quốc, Việt Nam mới có thể tận hưởng nguồn tri thức và khoa học-kỹ thuật tiên tiến của nhân loại để phát triển lên một tầm cao mới . Và phát triển là điều kiện để đảm bảo độc lập dân tộc. Nói cách khác, giữ khoảng cách thích hợp với Trung Quốc là thượng sách đối với Việt Nam. Thực tế cũng đã cho thấy trong thời kỳ 100 năm thuộc Pháp dù sao lãnh thổ và biển đảo của Việt Nam đã không mất vào tay Trung Quốc. Từ sau tháng Tám 1945, quan hệ Việt-Trung càng gần gũi bao nhiêu nguy cơ mất lãnh thổ càng lớn bấy nhiêu. Hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc đã nổ ra trong sự bất ngờ của Việt Nam và thế giới, qua đó biên giới phía Bắc đã bị gặm nhấm, mất quần đảo Hoàng Sa  và một phần quần đảo Trường Sa, hiện  đang có nguy cơ mất cả vùng đặc quyền kinh tế. Thực tế cũng cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã từng có cơ hội  phát triển theo hướng hiện đại hóa ngay trong thời kỳ từ 1980- đầu những năm 2000 khi quan hệ Việt -Trung căng thẳng và lạnh nhạt. Nhưng từ khi bình thường hóa quan hệ,  máy móc cũ lỗi thời cùng hàng hóa, thiết bị kém chất lượng của Trung Quốc tràn vào bóp chết các cơ sở sản xuất hiện đại mới manh nha của Việt Nam. Đó là chưa kể những âm mưu phá hoại ngầm của ông bạn "4 tốt" từ việc chào thầu thấp để tranh giành các dự án khai thác boxit Tây Nguyên, các nhà máy nhiệt điện, chiếm dụng các vùng đất, rừng, mặt biển trọng yếu v.v...gây nhiều hậu quả và khó khăn cho phía Việt Nam.

Tóm lại, dù  trong bất cứ tình huống nào, có hay không sự can thiệp của Mĩ trong cuộc tranh chấp Biển Đông, thì Việt Nam vẫn kiên quyết đấu tranh bảo về chủ quyền biển đảo của mình vì đó không chỉ là nguồn sống mà là cửa ngõ, là tương lai sinh tồn của dân tộc. Tuyên bố mới đây của Mĩ  "không hỗ trợ đồng minh và nước bạn..." chắc chắn sẽ khuyến khích các hành động lấn chiếm ngang ngược hơn của tàu thuyền Trung Quốc trên khắp vùng Biển Đông khiến Việt Nam, Phlipin thêm điêu đứng . Nhưng tình hình mới sẽ thúc dục Việt Nam và các bên bị tác động xích lại gần nhau hơn để đối phó với Trung Quốc. Việt Nam không có cách nào khác là phải kiên định hơn nữa trong quan hệ với Trung Quốc. Đó là một thời kỳ mới với cả thách thức và cơ hội đòi hỏi Việt Nam, trước hết là giới lãnh đạo, phải thích ứng để tồn tại và phát triển. Đây là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh lại quan hệ đồng minh, bạn/thù phù hợp với tình hình mới, đối xử ngang nhau với hai cường quốc Mĩ, Trung. Đây là thời điểm thuận tiện để Việt Nam chuyển sang một chính sách ngoại giao cởi mở, minh bạch, trong đó mọi ân, oán với các cựu thù, kể cả Mĩ và Trung Quốc, cần được giải bày nhằm đi tới cơ sở đồng thuận mới công bằng hợp lý hơn.       
       .

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Đất nước tôi (*)

 (*) Đây là tên bài "thơ tức cảnh"trên blog Trương Duy Nhat. Đọc thấy hay hay, cay cay... cóp lại xem chơi ... Không quên nhắc lại  "không nhất thiết phản ánh quan điểm của chủ blog Bách Việt !"
Không hiểu sao nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện nhóm lò, lại hứng chí mần... thơ!


 
 
Đất nước tôi
Hà Tĩnh, Cần Thơ, Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản...
Người nổ súng, kẻ uống thuốc sâu, nơi biểu tình
Phụ nữ khỏa thân, cả làng để tang đòi đất
***
Đất nước tôi chưa bao giờ đau đến thế
Trấn áp nhân dân, quị lụy kẻ thù
Đảng ung thư(1)
Dân tình mất đất
***
Đất nước tôi
Như một con tàu lao dốc tuột phanh(2)
Hết Vinashin, Vinalines đến Vina đồng chí X
Hàng trăm nghìn tỷ vẫn không sai, chỉ một lời xin lỗi
***
Đất nước tôi
Đi đâu cũng nghe Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Bình, đồng chí X
Đâu cũng dựng tượng Bác Hồ
Đâu cũng muôn năm nhiệt liệt
Đảng cao cả, đảng là đạo đức văn minh
***
Đất nước tôi
Phó Thủ tướng cũng nên thầy ưu tú
Thống đốc tồi cũng thành chiến sĩ thi đua
Và một đứa ca sĩ chân dài cũng được tôn vinh là nhân vật tiên phong
***
Đất nước tôi
Cái mảnh đất mang hình dấu hỏi(3)
Từ Đinh Lý Trần Lê, Bà Triệu, Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung...
Đến đồng chí X
Có bao giờ như thể hôm nay
Cả đất nước như như một chiếu hề
Đến Thủ tướng cũng bị gọi là “đồng chí X”
Chủ tịch nước mở miệng là “một bầy sâu”
Tổng Bí thư tự biến mình thành ông già nhóm bếp
Và đảng viên là một bầy sâu
***
Đất nước tôi
Bốn nghìn năm đến nay còn nhóm lửa
Nhân văn trên sự bất lực đê hèn
Đất nước tôi ơi, Việt Nam đâu phải thế
Nhưng vì sao, ơi hỡi vì sao?
_______________
- (1): ý của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
- (2): ý của Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc
- (3): ý của nhà báo Bùi Thanh (chẳng lẽ đất nước mang hình dấu hỏi/ để chúng mình cứ phải hỏi tại sao?)


*****

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này