Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Hịch tiến sỹ

Lời giới thiệu: Ngày nay trong dân gian Việt Nam xuất hiện rất nhiều những bài hịch... , lời lẽ thường tếu táo nhưng nội dung nghiêm chỉnh phản ánh những hiện thực trong  xã hội đương thời . Họ coi đó là một hình thức thể hiện ý kiến phản biện của mình trước những hiện tượng sai trái . Dưới đây là một trong những bài hịch như thế đang được lưu truyền trên mạng internet có tên đề dưới bài là ChauNêZin . Xin mạn phép tác giả (thực sự là ai chưa rõ lắm) đưa lại bài hịch này lên blog cá nhân để chia sẻ thêm cùng bạn đọc.  

      
Ta cùng các ngươi
Sinh ra phải thời bao cấp
Lớn lên gặp buổi thị trường
 Trông thấy:
Mỹ phóng Con thoi lên vũ trụ chín tầng
Nga lặn tàu ngầm xuống đại dương nghìn thước
Nhật đưa rô-bốt na-nô vào thám hiểm lòng người
Pháp Anh công nghệ gien chế ra cừu nhân tạo
Thật khác nào:
Đem cổ tích biến thành hiện thực
Dùng đầu óc con người mà thay đổi thiên nhiên!
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa
Chỉ giận chưa thể đuổi kịp nước Nga, vượt qua nước Mỹ, mà vẫn chỉ hơn Lào, hao hao Băng-la-đét
Dẫu cho trăm thân này phơi trên sao Hỏa, nghìn xác này bọc trong tàu ngầm nguyên tử, ta cũng cam lòng.
Các ngươi ở cùng ta,
 Học vị đã cao, học hàm không thấp
Ăn thì chọn cá nước, chim trời
Mặc thì lựa May Mười, Việt Tiến
Chức nhỏ thì ta… quy hoạch
Lương ít thì có lộc nhiều.
Đi bộ “Ma-tít, Cam-ry”
Hàng không “E-lai, Xi-fic” (Pacific).
Vào hội thảo thì cùng nhau tranh luận
Lúc tiệc tùng thì cùng nhau “dzô dzô”
Lại còn đãi sỹ chiêu hiền
Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân, ai cũng có phần, không nhiều thì ít
Lại còn chính sách khuyến khoa
Doanh nghiệp, giáo viên, trí thức, nông dân nhận cúp, nhận bằng còn thêm tiền thưởng
Thật là so với:
Thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị đãi Khổng Minh,
Buổi hiện đại bên Nga, Pu-tin dùng Mét-vê-đép,
Ta nào có kém gì?
 Thế mà, nay các ngươi:
Nhìn khoa học chậm tiến mà không biết lo
Thấy công nghệ thụt lùi mà không biết thẹn
Giáo sư ư? Biết “Thần Đèn” chuyển nhà mà chẳng chạnh lòng
Tiến sỹ a? Nghe “Hai Lúa” chế tạo máy bay sao không tự ái?
Có người lấy nhậu nhẹt làm vui
Có kẻ lấy bạc cờ làm thích
Ham mát-xa giống nghiện “u ét đê” (USD)
Ghét ngoại ngữ như chán phòng thí nghiệm
Chỉ lo kiếm dự án để mánh mánh mung mung
Không thích chọn đề tài mà nghiên nghiên cứu cứu
Ra nước ngoài toàn muốn đi chơi
Vào hội thảo chỉ lo ngủ gật
Bệnh háo danh lây tựa vi-rút com-pu-tơ
Dịch thành tích nhiễm như cúm gà H5N1
Mua bằng giả để tiến sỹ, tiến sy
Đạo văn người mà giáo sư, giáo sãi
Thử hỏi học hành như rứa, bằng cấp như rứa, thì mần răng hiểu được chuyện na-niếc-na nô?
Lại còn nhân cách đến vậy, đạo đức đến vậy, thì có ham gì nghiên nghiên bút bút
 Cho nên
“Tạp chí hay” mà bán chẳng ai mua
“Công nghệ tốt” mà không người áp dụng
Đề tài đóng gáy cứng, chữ vàng, mọt kêu trong tủ sắt
Mô hình xây tường gạch, biển xanh, bỏ vắng giữa đồng hoang
Hội nhập chi, mà ngoại ngữ khi điếc, khi câm?
Toàn cầu chi, mà kiến thức khi mờ, khi tỏ?
Nay nước ta:
Đổi mới đã lâu, hội nhập đã sâu
Nội lực cũng nhiều, đầu tư cũng mạnh
Khu vực có hòa bình, nước ta càng ổn định
Nhân tâm giàu nhiệt huyết, pháp luật rộng hành lang
Thách thức không ít, nhưng cơ hội là vàng!
 Chỉ e:
Bệnh háo danh không mua nổi trí khôn
Dịch thành tích chẳng làm nên thương hiệu
Giỏi mánh mung không lừa nổi đối tác nước ngoài
Tài cờ bạc không địch nổi hắc-cơ quốc tế
Cặp chân dài mà nghiêng ngả giáo sư
Phong bì mỏng cũng đảo điên tiến sỹ
 Hỡi ôi,
Biển bạc rừng vàng, mà nghìn năm vẫn mang ách đói nghèo
Tài giỏi thông minh, mà vạn kiếp chưa thoát vòng lạc hậu
Nay ta bảo thật các ngươi:
Nên lấy việc đặt mồi lửa dưới ngòi pháo làm nguy
Nên lấy điều để nghìn cân treo sợi tóc làm sợ
Phải xem đói nghèo là nỗi nhục quốc gia
Phải lấy lạc hậu là nỗi đau thời đại
Mà lo học tập chuyên môn
Mà lo luyện rèn nhân cách
Xê-mi-na khách đến như mưa
Vào thư viện người đông như hội
Già mẫu mực phanh thây Gan ruột, Tôn Thất Tùng chẳng phải là to
Trẻ xông pha mổ thịt Bổ đề, Ngô Bảo Châu chỉ là chuyện nhỏ
 Được thế thì:
Kiếm giải thưởng “Phiu” cũng chẳng khó gì
Đoạt Nô-ben không là chuyện lạ
Không chỉ các ngươi mở mặt mở mày, lên “Lếch-xớt, xuống Rôn-roi”
Mà dân ta cũng hưng sản, hưng tâm, vào “Vi-la, ra Rì-sọt”
Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu
Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng
Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí
Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm
Chẳng những tên tuổi ta không hề mai một
Mà thương hiệu các ngươi cũng sử sách lưu truyền
Trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng
Đất nước Việt Nam hóa hổ, hóa rồng
Lúc bấy giờ các ngươi không muốn nhận huân chương, phỏng có được không?
Nay ta chọn lọc tinh hoa bốn biển năm châu hợp thành một tuyển, gọi là Chiến lược
Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này theo lời ta dạy bảo thì suốt đời là nhà khoa học chính danh
Nhược bằng không tu thân tích trí, trái lời ta khuyên răn thì muôn kiếp là phường phàm phu tục tử
 Vì:
Lạc hậu, đói nghèo với ta là kẻ thù không đội trời chung
Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn trừ hung, không lo rửa nhục
Chẳng khác nào quay mũi giáo mà đầu hàng, giơ tay không mà thua giặc.
Nếu vậy rồi đây khi nước Việt hóa hổ, hóa rồng, ta cùng các ngươi há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất này nữa?
Cho nên mới thảo Hịch này
Xa gần nghiên cứu
Trên dưới đều theo!
 
 ChauNêZin

--------------

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Đảng CSTQ sẽ từ bỏ cả CN Mác lẫn tư tưởng Mao?

Nguồn trực tiếp: Bản tiếng Việt © Ba Sàm ngày 5/11/2012
THÔNG CÁO PHIÊN HỌP TOÀN THỂ ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC KHÔNG NHẮC ĐẾN CHỦ NGHĨA MAC-LÊNIN VÀ TƯ TƯỞNG MAO TRẠCH ĐÔNG LÀ CÓ Ý BỎ MAO?
4.11.2012
Tác giả:  Diệp Binh
Người dịch:  XYZ
Washington  –  Chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc trong bản Thông cáo chính thức phiên họp toàn thể lần thứ 7 khóa 17 của Đảng lần này đã bỏ đi những câu chữ giáo điều “chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông” vẫn luôn được bảo lưu từ mấy chục năm qua. Việc “bỏ Mao” trong văn bản này đã làm dấy lên mối quan tâm cao độ của những người quan sát. Có nhà phân tích cho rằng, điều này có nghĩa là Đảng cộng sản Trung Quốc có sự thay đổi quan trọng trong lĩnh vực hình thái ý thức, nhằm giải quyết những mâu thuẫn đang gây trở ngại và trói buộc lý luận tư tưởng đã quá lỗi thời đối với hiện thực phát triển xã hội.  

Thông báo chính thức không thấy có Marx-Le-Mao
Bản Thông cáo phiên họp toàn thể lần thứ 7khóa 17 vừa kết thúc của Đảng cộng sản Trung Quốc nói, “Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, quán triệt toàn diện tinh thần của Đại hội lần thứ 17 và các phiên họp toàn thể lần thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6 của Đảng, lấy lý luận và tư tưởng quan trọng “ba đại diện” của Đặng Tiểu Bình làm chỉ đạo, đi sâu quán triệt thực hiện quan điểm phát triển khoa học, đoàn kết dẫn dắt toàn đảng toàn quân và nhân dân các dân tộc trong cả nước kiên trì lấy phát triển khoa học làm chủ đề, lấy đẩy nhanh chuyển biến phương thức phát triển kinh tế làm chủ đạo…, tạo điều kiện tốt cho việc triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 18 của Đảng”.    
Bản thông báo này cũng giống như tin đưa từ mấy tờ báo chính thống mới đây, đã một lần nữa không nhắc đến chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông vốn để trước lý luận Đặng Tiểu Bình theo như thông lệ trong các văn kiện tương tự, nhưng vẫn bảo lưu và làm nổi bật địa vị lý luận tư tưởng đề cao cải cách của Đặng Tiểu Bình cùng các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc sau này. Cách nhập đề chưa từng thấy trong văn kiện chính thức này của Đảng cộng sản Trung Quốc dường như muốn làm rõ hơn rằng, Đảng cộng sản Trung Quốc có ý quẳng bài vị tổ tông được cho là không còn hợp thời luôn được cung phụng suốt bấy lâu nay.

Bước ngoặt chuyển đổi hình thái ý thức?
 Vị sĩ quan nghỉ hưu Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Học viện quân sự Tân Tử Lăng nói với VOA, chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông không xuất hiện trong bản Thông cáo phiên họp toàn thể lần thứ 7 là một sự biến đổi quan trọng.  
Ông nói:  Bởi Trung Quốc chỉ thay đổi kinh tế, không thay đổi kiến trúc thượng tầng, hình thái ý thức này không được cải cách, cứ đi tới đi lui cải cách kinh tế mãi mà đi không nổi. Đây là một bước ngoặt muốn cải cách hình thái ý thức”. 
 Tân Tử Lăng là người theo dõi nghiên cứu lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc suốt một thời gian dài nói, từ rất lâu trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc đã từng bắt đầu nung nấu việc bỏ Marx-Le và Mao trong cải cách hình thái ý thức, bởi phát hiện thấy hình thái ý thức đã gây trở ngại nặng đến sự thúc đẩy và phát triển các chính sách kinh tế.
 Ông nói:  “Cải cách mở cửa của Trung Quốc, nói trắng ra, chính là sự phát triển sản xuất, kinh doanh sản xuất và làm kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, dựa theo phương thức kinh doanh của chủ nghĩa tư bản. Nhưng điều này lại không ăn nhập với Marx-Le và Mao. Cho nên, cần gọi chính sách vừa qua là “bật đèn trái rẽ sang phải”.  
 Tân Tử Lăng nêu rõ, ở thập kỷ 50, Mao Trạch Đông đã lãnh đạo Trung Quốc tiêu diệt chủ nghĩa tư bản, nhưng cuộc cải cách mở cửa bắt đầu từ hơn 30 năm trước lại thực hành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, rất nhiều chính sách đã không còn ăn nhập với tư tưởng Mao Trạch Đông nữa, khiến cho sự phát triển của Trung Quốc với cái gọi là chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc (thực ra là chủ nghĩa tư bản) bị rơi vào tình cảnh vô cùng mắc mớ. Ông cho rằng, phải bỏ đi những thứ giáo điều chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông này, nếu như không cải cách hình thái ý thức, thì không chỉ cải cách kinh tế làm không nổi, mà cả cải cách chính trị cũng lại càng không có cách gì làm nên.   
 Tân Tử Lăng nói, cả Bạc Hy Lai làm “xướng hồng đả hắc” ở Trùng Khánh lẫn những nhân vật phản đối cải cách mở cửa đều giương cao ngọn cờ Mao Trạch Đông để ám chỉ công kích chủ nghĩa xét lại trong ban lãnh đạo Trung ương đương nhiệm. Ông còn nói, Trung Quốc muốn cải cách tiến tới thì phải triệt để thoát khỏi cái bóng của Mao Trạch Đông, thoát khỏi sự ngộ nhận về chủ nghĩa cộng sản.  
Nhà sử học xuất thân từ quân nhân này cho rằng, Đảng cộng sản Trung Quốc phải cân nhắc thời thế để thoát khỏi sự trói buộc của của nghĩa giáo điều vẫn được tôn thờ trước đây, để thuận ứng được với trào lưu của lịch sử, từng bước thực hiện nền chính trị lập hiến dân chủ, nếu không thì sẽ bị người dân phỉ nhổ, sẽ bị lịch sử đào thải.  
Bào Đồng:   Thoát khỏi sự trói buộc tư tưởng không nên chỉ thay đổi câu chữ
Nguyên Ủy viên trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc Bào Đồng từng là thư ký chính trị của Triệu Tử Dương, nhà lãnh đạo được cho là nghiêm túc đã quá cố. Ông nói với VOA, nếu như Đảng cộng sản Trung Quốc bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông hoặc bất cứ một thứ nào trong các tư tưởng chỉ đạo như lý luận, 3 đại diện và quan điểm phát triển khoa học của Đặng Tiểu Bình trong Điều lệ Đảng của mình, thì đều có thể được coi là bước tiến bộ thoát khỏi sự trói buộc của những tư tưởng cứng nhắc trước đây.
Ông nói:  “Từ có đến không có, từ vốn là một, hai, ba, bốn, năm, nói cả 5, đến bây giờ một không nói nữa, hai cũng không nói nữa, chỉ còn nói có ba, bốn, năm, đó đương nhiên là một sự thay đổi. Thay đổi có nghĩa là gì, tôi thấy còn phải theo dõi xem. Chắc hẳn sẽ  không chỉ vẻn vẹn là một sự thay đổi về câu chữ. Ý nghĩa của nó không chỉ vẻn vẹn nằm trên câu chữ, mà theo tôi, nó hẳn phải có ý nghĩa về thực chất ở một chừng mực nào đó”.   
Bào Đồng nói một cách dè dặt, trong lý luận Đặng Tiểu Bình cũng bao hàm cả nội dung giương cao ngọn cờ vĩ đại của Mao Trạch Đông, vì thế, thế hệ lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc tiếp theo do Tập Cận Bình đứng đầu liệu có thực sự bắt đầu bỏ Mao trong quá trình cầm quyền của mình hay không, điều này vẫn còn khó đoán định nếu chỉ dựa đơn thuần vào câu chữ của văn kiện chính thức, cần phải xem xem ảnh Mao Trạch Đông trên Thiên An Môn và Kỉ niệm đường Mao Trạch Đông trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh liệu có thay đổi gì không thì mới có thể xác định được.  
 Sau khi các sự kiện Vương Lập Quân và Bạc Hy Lai lần lượt nổ ra vào tháng 2, tháng 3 năm nay, chính quyền Trung Quốc bắt đầu phong tỏa hoặc đóng các trang diễn đàn rất có ảnh hưởng đến những người ủng hộ phái bảo thủ trong Đảng cộng sản Trung Quốc như Ô hữu chi hương, Ngọn cờ Mao Trạch Đông…   
Theo chương trình nghị sự đã được công bố chính thức, Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc được bắt đầu vào tuần tới sẽ sửa đổi Điều lệ Đảng hiện hành. Nhìn chung người ta cho rằng, việc Điều lệ mới của Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ xử lý những lý luận tư tưởng quyền uy luôn được hưởng địa vị chí tôn trong Đảng là chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông này ra sao sẽ là một trọng điểm để theo dõi.  
(*) Tiêu đề của Bách Việt


Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Công viên Nghĩa Đô đang biến dạng

Công viên Nghĩa Đô được xây dựng từ 10 năm trước theo định hướng "công viên cây xanh". Hàng ngày có hàng trăm người đến đây từ các khu dân cư lân cận, thậm chí xa vài ba cây số, để đi bộ, tập dưỡng sinh hoặc đơn giản là nghĩ ngơi, đọc sách… Sáng chiều là những giờ cao điểm thường chứng kiến cảnh "quá tải" không chỉ trên các lối đi bộ mà cả các bãi cỏ và sân tập...  Vị trí giữa khu dân cư đông đúc, bốn bề tiếp giáp các  tuyến đường có hồ nước, quanh hồ có đường đi bộ, cây cối rợp bóng mát, chính là thế mạnh của công viên này. Nếu được sự quan tâm đúng hướng của các cơ quan chức năng Công viên Nghĩa Đô hoàn toàn có thể trở thành  một công viên cây xanh kiểu mẫu của Thủ đô tránh được tình trạng bị “địch vụ hóa” như  đang thấy tại hầu hết các công viên mới và cũ của Hà Nội .

Dự án khu vui chơi trẻ em xây chồng lên vườn hoa cây cảnh
Tuy nhiên, đáng tiếc là, thời gian gần đây,  không hiểu vì lý do gì, Quận Cầu Giấy đang cho phép thi công một số công trình bên trong hoặc sát hàng rào  của Công viên dẫn đến tình trạng ô nhiễm và nguy cơ thay đổi toàn bộ diện mạo và công năng của Công viên này.

Mới đây Quận đã cho xe ủi san bằng khu vườn hoa cây cảnh đang tươi tốt rộng gần 5.000 m2 tại vị trí đẹp nhất bên trái cổng chính của Công viên để thay vào bằng một khu vui chơi giành cho trẻ em. Đồng thời một khu nhỏ hơn giành cho người lớn cũng được xây lên bên cổng phụ . Khi dư luân xôn xao, thì thấy trương  lên sơ đồ "Dự án khai thác quỷ đất" theo phương thức xã hội hóa. tổng kinh phí dự toán là 5 tỷ đồng. Công trình này đã hoàn thành khá chóng vánh chỉ sau 2 tháng đưa vào sử dụng với những phản ứng lẫn lộn từ công chúng. Người thì hoan nghênh khi nhìn thấy sự mới mẽ, người thì phê phán cách làm dự án thiếu minh bạch với lối quan niệm sai lệch, lẫn lộn giữa  công viên  cây xanh và  khu vui chơi giải trí, nên đã  phá vỡ cấu trúc ban đầu của một công viên cây xanh - nơi cần  không gian yên tĩnh, mát mẽ với không khí trong lành, để biến thành nơi ồn ào, náo nhiệt; thoạt nhìn tưởng là thuận tiện, nhưng thực chất sự xô bồ, chơi không ra chơi, nghĩ ngơi không ra nghĩ ngơi; mới đưa vào sử dụng đã cho thấy một số hạng mục kém chất lượng và sự bất cập trong quản lý. Mấy ki-ốt mới mọc lên bên cạnh gây cảm giác chật chội và lộn xộn mất mĩ quan. Nhiều ý kiến cho rằng số tiền đó đáng ra nên dùng để sửa chữa nhiều hạn mục đã bị xuống cấp của Công viên; các khu vui chơi nên xây tại các khu đất còn trống, không nên thay vào vị trí trung tâm Công viên đã ổn định.
Nhiều ki-ốt mọc lên 

Có một hiện tượng đáng nói là, ngay sau khi hoàn thành hai khu vui chơi nói trên, người ta thấy có ít nhất là hai “dự án” khác đang diễn ra trên đất Công viên hoặc giáp sát hàng rào Công viên.  Cụ thể, đó là lô đất rộng khoảng hơn 3.000 m2 thuộc góc trái của Công viên giáp đường Nguyễn Văn Huyên  vừa  được quây tường bao, để làm gì chưa thấy công báo (Xem ảnh dưới)

Quay tường chiếm đất (bên góc trái Công viên)
Cổng vào lỡ lói lâu ngày  không tu sửa










Một điểm nhậu nữa đang "mọc ra" trên đất cây xanh gipá  Công viên


Đồng thời một dự án khác đang diễn ra tại lô đất hình tam giác bên phải Nhà Văn Hóa Phường Dịch Vọng giáp đường Chùa Hà  cũng khá rộng vốn là "đất kẹt" đang trồng cây xanh. Mấy tháng trước có người vào trong chặt cây, san nền nhà và mở cổng giống như để xây một khu “ăn nhậu” thì phải(?). Vì lý do nào đó công việc  đã tạm ngừng một thời gian, nay lại tiếp tục với nhịp độ nhanh hơn. Họ xây  cả tường che chắn áp sát hàng rào sắt  của Công viên trông rất chướng mắt. Như vậy, cùng với khoảnh "đất kẹt" đắc địa bên trái Nhà Văn hóa Dịch Vọng lâu nay đã được "khai thác” làm quán bia gây ô nhiễm nguồn nước hồ, làm chết cá và ô nhiễm không khí, nếu khu ăn nhậu mới này hoàn thành thì gần như toàn bộ Công viên phía đường Chùa Hà sẽ bị vây hãm bởi hai “tổ hợp ăn nhậu”; nguyên nhân ô nhiễm chắc chắn sẽ tăng hơn nhiều cả đối với không khí, nguồn nước và cả văn hóa nữa!  
Động nhậu thải nước bẩn xuống hồ làm chết cá, gây ô nhiễm  
 
Thiết nghĩ những việc làm  khuất tất trên đây nếu không có sự “bật đèn xanh” từ một cơ quan công quyền thì không ai dám làm.  Dư luận nhân dân bất bình, khó hiểu trước cách thức quản lý đất công mà chính quyền địa phương đang áp dụng tại khu vực Công viên Nghĩa Đô. Thiết nghĩ Chính quyền Quận Cầu Giấy hoàn toàn có đủ thẩm quyền để thu hồi những phần “đất kẹt” hai bên Nhà Văn hóa Phường Dịch Vọng và sáp nhập vào Công viên Nghĩa Đô thành một công viên hoàn chĩnh, nhưng lại không làm như vậy. Những lô đất đắc địa đó đang trôi nỗi vào tay ai? Đó là dấu hỏi mà nhân dân muốn chính quyền làm rõ. Chậm còn hơn không, nhân dân khẩn thiết đề nghị các cơ quan hửu trách  hãy vào cuộc nhằm ngăn chặn những hoạt động xây dựng sai trái để bảo vệ Công viên Nghĩa Đô cho hôm nay và mai sau./.
  


Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Một cách nhìn về Cựu hoàng Nordom Sihanouk

Nhân dịp Quốc vương Sihanouk qua đời có rất nhiều bài viết về thân thế sự nghiệp của con người nỗi tiếng về tính cách hay thay đổi này. Trong số đó, cómột  bài viết khá công phu  của một nữ tác giả tên là Nguyễn Thu Trâm với cách  nhìn nhận và đánh giá khách quan với những chứng cứ lịch sử khác nhau mà chủ blog tôi chưa kiểm được nhưng muốn đăng lại như một tài liệu tham khảo, không nhất thiết phản ánh quan điểm của bản thân (Bách Việt).

NORODOM SIHANOUK qua đời: HỔ TỬ LƯU BÌ, NHÂN TỬ LƯU DANH 

 Người ta còn nói :”Hổ tử lưu bì, nhân tử lưu danh” : cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Có người để lại danh thơm tiếng tốt để lưu danh muôn thưở. Có người để lại tiếng xấu để cho muôn người nguyền rủa.  Vì thế, bất cứ ai cũng phải sống “xứng phận” để lưu lại tiếng tốt cho các thế hệ mai sau..ImageThủ Đô Phnom Penh trong ngày tang lễ Norodom Sihanouk Hôm nay, ngày 15 tháng 10 năm 2012, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin Norodom Sihanouk cựu hoàng Campuchia sống lưu vong tại Bắc Kinh, Trung Quốc vừa qua đời ở tuổi 90 sau nhiều năm chống chọi với nhiều tật bệnh. Hơn 700 tờ báo lề đảng của cộng sản Việt Nam cũng cùng đưa tin, với nhiều lời tán dương “công đức” của vị cựu hoàng này, mặc dù đối với chính thần dân Campuchia, thì Sihanouk chỉ là một “hoàng đế của các hoàng đế ăn chơi trác táng” và là “một ông vua thích được nô lệ cộng sản”, cho nên việc các báo chí lề đảng ca ngợi Sihanouk cũng là một topos lẽ thường. Norodom Sihanouk sinh ngày 31 tháng 10, 1922 là cựu quốc vương, và hiện nay là Thái thượng hoàng của Vương quốc Campuchia.Image Ông từng là vua của Campuchia trong nhiều giai đoạn cho đến ngày thoái vị để nhường ngôi cho con trai của ông là quốc vương Norodom Sihamoni vào ngày 7 tháng 10 năm 2004. Sihanouk là con trai của cựu quốc vương Norodom Suramarit và hoàng hậu Sisowath Kossamak. Ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau kể từ 1941, nhiều vị trí đến nỗi Sách kỷ lục Guiness đã đưa ông vào danh sách các chính khách giữ nhiều chức vụ nhất: Bao gồm 2 lần làm vua, 2 lần thái tử, 1 lần chủ tịch nước, 2 lần thủ tướng và một lần quốc trưởng Campuchia và nhiều chức vụ khác nữa của chính phủ lưu vong. Phần lớn là chức vụ bù nhìn, kể cả lần cuối làm vua - trị vì nhưng không cai trị. Thời gian trị vì thực sự của ông hoàng này là từ 9 tháng 11 năm 1953 đến khi bị Lon Nol phế truất ngôi vào 18 tháng 3 năm 1970, khi ông đang ở Moscow trong chuyến công du Liên Bang Sô Viết.ImagePhạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đón Sihanouk tại Hà Nội năm 1970 Thời niên thiếu, Sihanouk học tiểu học tại Phnom Penh, trường Pháp École François Baudoin, rồi sau khi học xong tiểu học, Sihanouk sang học trung học tại tại trường Lycée Chasseloup Laubat tại Sài gòn cho đến khi lên ngôi, sau đó học tại trường binh bị Saumur, Pháp. Khi ông ngoại của Sihanouk là vua Sisowath Monivong băng hà vào ngày 23 tháng 4 năm 1941, Hội đồng Tôn vương đưa Sihanouk lên ngôi vua. Ông đăng quang tháng 11 năm 1941.Image Sau 1945 đến cuối thập kỷ 1950, vua Sihanouk có xu hướng dân tộc chủ nghĩa và bắt đầu yêu cầu Pháp trao trả chủ quyền và về nước. Tháng 5 năm 1953, ông sang tị nạn tại Thái Lan và từ chối hồi hương cho đến khi có độc lập. Ông về nước ngày 9 tháng 11 năm 1953. Ngày 2 tháng 3 năm 1955, ông thoái vị nhường ngôi cho cha mình, và giữ chức thủ tướng vài tháng. Sau khi vua cha mất năm 1960, ông lại được bầu làm chủ tịch nhà nước nhưng với danh vị hoàng thân. Khi Chiến tranh Việt Nam xảy ra ác liệt, Sihanouk chủ trương Campuchia trung lập, đứng ngoài cuộc chiến, cùng đồng thời đứng về phía Trung Quốc và Hoa Kỳ và tán thành chính sách Bên thứ 3. Vào mùa xuân 1965, ông đã thỏa thuận với Trung Quốc và Bắc Việt Nam cho phép sự hiện diện của các căn cứ của cộng sản Bắc Việt ở phía Đông của Campuchia và cho phép Trung Quốc được viện trợ lương thực, thuốc men và vũ khí đạn dược cho Cộng Sản Bắc Việt Nam thông qua các cảng Campuchia, bù lại bằng cách Trung Quốc sẽ mua gạo của Campuchia với giá cao. ImageSihanouk và vợ trên đường Trường Sơn, trở về vùng "giải phóng" Góp phần tuyên truyền cho cộng sản, Norodom Sihanouk cũng nhiều lần lên tiếng rằng phe cộng sản ở Đông Nam Á sẽ chiến thắng trong cuộc chiến ý thức hệ Quốc Gia và Cộng Sản là không thể tránh khỏi và chính Sihanouk cũng cho rằng chủ nghĩa Mao đáng để mọi người tôn vinh và thực hành. Trong giai đoạn 1966-1967, Sihanouk đã ra sức đàn áp chính trị loại bỏ nhiều phe phái chính trị chính ở Campuchia. Tuy vậy, chính sách hữu hảo với Trung Quốc của ông và ý đồ muốn biến Campuchia thành một nước theo chế độ cộng sản của ông đã bị phá sản do thái độ cực đoan của Trung Quốc vào thời kỳ cao trào của Đại Cách mạng văn hóa. Dù vậy, với sự yểm trợ của chính quyền Bắc Kinh, ông đã loại bỏ được các phe phái cánh tả. Sau khi bị Lon Nol lật đổ vào ngày 18 tháng 3, 1970, Hoàng thân Sihanouk đến Bắc Kinh và bắt đầu chính thức ủng hộ Khmer Đỏ và thành lập chính phủ Khmer kháng chiến, chống chính phủ cộng hòa Khmer của Lon Nol ở Phnom Penh. Vào lúc nước Cộng hòa Khmer rơi vào tay Khmer Đỏ vào năm 1975, Hoàng thân Sihanouk trở thành nguyên thủ quốc gia bù nhìn của chính phủ mới khi Pol Pot còn nắm quyền lực. Ngày 4 tháng 4 năm 1976, Sihanouk đã phải từ chức vì thấy được sự tàn bạo của Khmer đỏ trong chính sách diệt chủng của Pol Pot và Iêng Sary. Từ đó Sihanouk sang tị nạn tại Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Không có tiền chuyển lậu ra ngoại quốc, không giống như những nhà cai trị bị lật đổ khác, Sihanouk không có cách nào khác là đành phải nhờ vào sự giúp đỡ của hai nước Trung Hoa và Bắc Triều Tiên bạn hữu. Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai nói với ông rằng ông muốn ở lại Bắc Kinh bao lâu cũng được. Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành ra lệnh xây một lâu đài vĩ đại nhìn xuống hồ Chhang Sou On ở Bình Nhưỡng cho ông cư ngụ.ImageTôn Đức Thắng đón Sihanouk tại Hà Nội Tháng 9 năm 1975, Sihanouk đang ở Bình Nhưỡng thì phó Thủ tướng chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia Kampuchia, là chính phủ lưu vong do Sihanouk thành lập có sự hợp tác của Khmer Đỏ, viết tắt theo thiếng Pháp là GRUNK -Royal Government National Union of Kampuchia - Khiêu Samphan và bộ trưởng thông tin Ieng Thirith -vợ của Ieng Sary- đến mời. Sihanouk nhớ lại Khiêu Samphan nói với ông: “Nay chúng tôi hết sức sẵn sàng đón chào Ngài. Bây giờ chúng tôi tạo đủ điều kiện trăm phần trăm Cộng Sản. Chúng tôi đã vượt qua Trung Hoa anh em. Với một bước nhảy vọt vĩ đại, chúng tôi có thể đạt tới mục đích của chủ nghĩa Cộng Sản mà không cần kinh qua giai đoạn xã hội chủ nghĩa”. Điều ấy làm ông hết sức bối rối nhưng ông vẫn hồi hộp về việc trở về nước. Họ cùng về Bắc Kinh bằng tàu lửa. Ở đây, một chiếc Boeing 707 của Trung Hoa đưa họ về Phnom Pênh. Trước khi rời Bắc Kinh, Sihanouk và Monique có Khiêu Samphan đi kèm, đến cáo biệt chủ tịch Mao và thủ tướng Chu. Run rẩy vì bịnh Parkinson, Mao, 82 tuổi, không nói được nhiều. Tuy nhiên, một trong những lời chỉ dẫn của ông sau đây là rõ ràng. Ông ta nói với Khiêu Samphan và Ieng Thirith “Xin vui lòng đừng đưa thái tử Sihanouk và vợ ông vào hợp tác xã.” Với Sihanouk, lời nói nầy chính là lời cứu mạng. Bị bịnh ung thư tới thời kỳ cuối, Chu Ân Lai chỉ còn là cái bóng của mình. Với giọng nói yếu ớt chỉ đủ nghe, ông năn nỉ Khiêu Samphan “Vui lòng tiến lên Cộng Sản chủ nghĩa chầm chậm, từng bước một. Bạn không thể tiến ngay lên Cộng Sản Chủ Nghĩa, phải từng bước một. Xin vui lòng đi từng bước nhỏ, chậm và chắc.” Xúc động hơn là lời khuyến cáo tiên liệu của ông: “Đừng đi theo con đường “Bước Nhảy Vọt vĩ đại” đã thất bại của chúng tôi.” Ông ta nhắc lại những chiến dịch ảo tưởng của Trung Hoa nhằm khẩn trương xây dựng Cộng Sản chủ nghĩa hồi cuối thập niên 1950 đã để lại một nền kinh tế như trong lò sát sinh. Samphan và Thirith cười một cách thông cảm. Nghe nhiều khoa trương việc đang xây dựng một chế độ Cộng Sản thuần túy cho Kampuchia, Sihanouk hiểu ngay những nụ cười ấy nói lên được gì.ImageSihanouk và Mao Trạch Đông tại Bắc King 1970 Ngày 9 tháng Chín lại một lần lễ lớn: Thiên An Môn được trang hoàng cờ, đèn, hoa, chúc mừng Sihanouk, điều mà Đặng Tiểu Bình nói về Sihanouk trước kia “Trở về trong vinh quang.” Khi chiếc máy bay Boeing của Trung Hoa nhắm hướng hạ cánh xuống phi trường Pochentong của Phnom Pênh, Sihanouk nhìn xuống những mái ngói đỏ và cột tháp vàng của thành phố nằm dài bên đưới. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng giêng 1970 ông lại đưa mắt nhìn xuống thủ đô đã quay lưng lại với ông. Phnom Pênh trông lạ hẵn và không có sự sống dưới hơi nóng mặt trời giữa buổi sáng mai. So với mười ngàn người đứng chật đường phố Bắc Kinh để chào từ biệt ông hoàng, ở đây chỉ có một đám đông hỗn tạp ở phi đạo Pochentong. Một nhúm các ông sãi áo vàng nghệ cũng đứng trong đám đông cầu nguyện cho ông trước khi ông lên xe đi vào thành phố vắng tanh. Đó là sự nhượng bộ cuối cùng mà ông đã chứng kiến dưới chế độ Khmer Đỏ ở Kampuchia.Image Sihanouk muốn khóc khi nhìn thành phố ma quái mà một thời được coi là thành phố đẹp nhất của Đông Dương thuộc Pháp. Những đại lộ với hai hàng cây xanh, công quán, những biệt thự theo kiểu nhiệt đới Nam Mỹ, tháp vàng, lâu đài hoàng gia và chùa chiền vẫn còn đây, trong màu tang tóc. Khmer Đỏ giải thích với ông hoàng việc xua dân ra khỏi thành phố là cần thiết vì không có đủ lương thực nuôi dân và cũng vì vấn đề an ninh. Họ không nói với ông hoàng đó là bước đại nhảy vọt tiến lên Cộng Sản chủ nghĩa. Trong việc xua đuổi hàng loạt dân chúng hồi tháng Tư, có ông chú già của Sihanouk, ông hoàng Monireth và một trong những bà cô của ông cũng bị đuổi về vùng quê. Lời yêu cầu của ông được đi thăm những người ấy bị từ khước. Họ trả lời với ông “Họ được chăm sóc cẩn thận. Ngài sẽ được thăm họ khi Ngài từ Nữu Ước trở lại.” Tuy nhiên, không bao giờ ông gặp lại họ. Kế hoạch của Khmer Đỏ trong chuyến đi ba tuần lễ ở Phnom Pênh là tạo niềm tin đối với sự lãnh đạo của ông trước khi họ gởi ông đi Nữu Ước để đòi chiếc ghế cho Kampuchia tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc. Sihanouk và tùy tùng được đưa đi thuyền trên sông Mékông, tiệc tùng sang trọng, các buổi hội tối có tính cách mạng nhưng không bao giờ ông gặp những người dân đã biến mất khỏi Phnom Pênh.Image Sihanouk và vợ tại một trạm dừng chân trên đường Trường Sơn Chẳng bao lâu Sihanouk biết những gì Khmer đỏ nghĩ về những lời khuyến cáo của Chu Ân Lai là từng bước chầm chậm tiến lên Xã Hội chủ nghĩa. Son Sen, tư lệnh Quân đội, và Khiêu Samphan nói với ông Kampuchia sẽ chứng tỏ cho thế giới biết rằng chỉ trong một nhát chổi lớn, họ đã tiến lên Cọng Sản chủ nghĩa hoàn toàn. “Vì vậy tên tuổi đất nước chúng ta sẽ được viết bằng chữ vàng trong lịch sử thế giới như là một quốc gia đầu tiên thành công trong việc cộng sản hóa mà không có bước chân nào là vô ích.” Sau khi trở về Bắc Kinh hồi đầu tháng Mười, ông ta để cho những người trong gia đình và những người theo ông tùy ý lựa chọn. Ông ta, vì là người yêu nước và người đứng đầu quốc gia, sẽ về lại Kampuchia sau khi đại diện cho nước ông ở Liên Hợp Quốc, còn họ muốn ở đâu thì tùy. Một số phụ tá của ông vì xúc động trước cảnh Phnom Pênh nên không dám trở về. Họ đi Pháp.ImagePhạm Văn Đồng và Tôn Đức Thắng tiếp đón Sihanouk tại Hà Nội Trên đường đi, Sihanouk ghé qua Pháp. Một số đông người Kampuchia đến chào mừng ông tại phi trường Charles De Gaulle. Sau đó, một số trong bọn họ tới tư dinh của đại sứ Kampuchia ở Paris để nghe ông hoàng lần đầu tiên nói chuyện về sự sinh sống của người dân dưới chế độ Khmer Đỏ. Họ ngạc nhiên vì ông hoàng vốn thường sôi nổi thì bây giờ lại thận trọng. Một người hỏi ông về những binh lính của Lon Nol bây giờ ra sao! Ông ta trả lời là Angkar – tức tổ chức Cộng Sản đầy quyền lực - cho mỗi người một chiếc chiếu, một cái mùng và đưa họ đi trồng lúa. Ông ta nói thêm họ có được những gì họ cần. Ngồi sát cạnh ông, Ieng Sary chỉ cười và những lãnh tụ Khmer Đỏ khác gật đầu tán thưởng. Không có một người bạn cũ nào của Sihanouk có thể vượt qua được mạng lưới an ninh để gặp riêng ông. Sihanouk có thể thấy trước điều gì đang đến. Nhưng vì lòng tự cao, những tình cảm bắt buộc, có thể kêu gọi ông bỏ đi rất nhiều. Tháng 12 năm 1975, ông cùng vợ, bà Monique, mẹ vợ, 22 đứa con và cháu, lên đường trở về Kampuchia. Năm 1991, các đảng phái ở Campuchia đã đàm phán các bên ký thỏa thuận hòa giải toàn diện ở Paris. Ngày 14 tháng 11 năm 1991, Hoàng thân Norodom Sihanouk trở về Campuchia sau 13 năm lưu vong. Năm 1993, Sihanouk lại trở thành quốc vương Campuchia và con trai ông, thái tử Norodom Ranariddh làm thủ tướng. Theo Hiến pháp của Campuchia, quốc vương chỉ "trị vì nhưng không cai trị". Do bệnh tật, ông phải đi lại thường xuyên đến Bắc Kinh để chữa trị và an dưỡng. ImageXe Tăng T54 của Nga Sô được nhập qua cảng Pampongthom cho VC Cũng như Hồ Chí Minh là người du nhập chủ nghĩa cộng sản về để mang thương đau cho cả dân tộc Việt Nam qua cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn trong suốt 20 năm, Norodom Sihanouk, mặc dù là Quốc Vương của một nước Quân chủ những ông lại có tư tưởng sùng bái cộng sản, ông ta rất cuồng tín chủ nghĩa Mao, đó là lý do mà ông ta đã hết lòng ủng hộ Khmer đỏ trong công cuộc “giải phóng dân tộc Campuchia”. Vì vậy, sự kiện chế độ Khmer đỏ đã thực hiện chính sách diệt chủng, tàn sát hơn 3 triệu Người dân Campuchia bao gồm tất cả nhân sỹ trí thức và các nhà tư bản, “để vượt qua Trung Hoa anh em. Với một bước nhảy vọt vĩ đại, có thể đạt tới mục đích của chủ nghĩa Cộng Sản mà không cần kinh qua giai đoạn xã hội chủ nghĩa” chắc chắn là có trách nhiệm của Norodom Sihanouk, một ông hoàng từng được người Khmer bản xứ gọi là Samdec, nghĩa là “cha già dân tộc” lại có góp phần một cách gián tiếp trong vụ diệt chủng hơn 3 triệu người dân! Sao mà giống “Cha già dân tộc” của cộng sản Việt Nam vậy?ImageSihanouk và vợ tại một vùng "giải phóng" Chắc chắn là ít người Việt Nam Quốc Gia hiểu được rằng ngay cả việc cộng sản Bắc Việt đã cưỡng chiếm thành công miền Nam Việt Nam vào năm 1975 và bức tử nền Cộng Hòa Đệ Nhị của miền Nam cũng bởi có sự góp phần không nhỏ của ông hoàng Sihanouk. Chính Sihanouk và những người theo Sihanouk thấy trước rằng “cuối cùng Hà Nội sẽ thắng và sẽ là một quốc gia hùng mạnh ở Đông Dương”, ông đổi hướng trung lập, dành cho Hà Nội một vùng đất thánh dọc theo biên giới Việt-Miên, và cho phép Trung cộng viện trợ vũ khí cho cộng sản bắc Việt thông qua những hải cảng ở Kampuchia đó là lý do mà cộng sản Bắc Việt đã xây dựng thành công một đường ống dẫn xăng dầu từ miền Bắc vào tận chiến khu D, đưa cả đại pháo, xe tăng của Nga sô Trung cộng vào tận chiến trường nam với hàng trăm ngàn tấn vũ khí, đạn dược để đánh chiếm Bình Long, An Lộc, làm bàn đạp đánh chiếm cả thủ đô Sài gòn, xóa bỏ tên của một chính thể, một quốc gia trên bản đồ thế giới. Dẫu mới thân cộng chứ chưa chính thức trở thành người cộng sản, nhưng Norodom Sihanouk không những đã mang đau thương tang tóc đến cho dân tộc của ông mà còn cho cả dân tộc Việt nam nữa. Dẫu là ông hoàng, bà chúa hay chủ tịch …. vĩ đại hay bất cứ ai cũng không thoát khỏi quy luật “sinh hữu hạn, tử vô kỳ” Ngày hôm nay 15 tháng 10 năm 2012, ông Hoàng Sihanouk cũng đã qua đời. Thân xác ông vốn từ bụi đất, sẽ trở về với đất, nhưng những gì ông đã làm, những đau thương tang tóc ông đã tạo ra đã mang đến cho dân tộc ông, bởi sự lầm lạc của ông khi sùng bái cộng sản, sẽ là một vết nhơ tồn tại ngàn đời trong bia miệng của thế gian. 
Nguyễn Thu Trâm, Ngày 15 tháng 10 năm 2012

--------------

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Đôi điều sau chuyến du lịch Cămpuchia(*)


Tang lẽ Cựu Hòang Sihanouk tại Phnom Penh
Do điều kiện nghề nghiệp khi còn công tác tôi đã may mắn được đến khá nhiều nước khác nhau trên thế giới, nhưng chưa bao giờ được đến Cămpuchia ngay bên cạnh Việt Nam. Đó là điều thôi thúc tôi giờ đây dù đã nghĩ hưu vẫn muốn đi một chuyến đến nước láng giềng "gần nhà xa ngõ" này xem sao. Và tôi đã làm được điều đó bằng đường bộ cuối tháng 10 này, chỉ hơi tiếc một chút là vào dịp quốc tang Cựu Hoàng Norodom Sihanouk nên không được xem Hoàng cung và hoạt động tại các sòng bạc bên kia biên giới. Nhưng dù sao chuyến đi cũng giúp tôi kiểm chứng lại một số nhận thức về đất nước và con người vốn là chủ nhân của những bức tượng Bayon có tới 4 mặt nhìn về mọi hướng.  Dưới đây là một vài  cảm nhận như vậy.

Một là, có thể khẳng định giá trị tuyệt vời của nền văn minh Angkor huy hoàng và sự phì nhiêu của miền đất nằm ở ví trí thuận lợi  nhất  giòng sông Mekông. Nhưng với một đất nước trù phú, đất rộng người thưa (chỉ có 13 triệu dân) như vậy ta lại càng  ngạc nhiên trước cảnh nghèo nàn và sự cách biệt giàu/ngèo quá rõ rệt của nó. Có thể dẽ dàng nhận biết sự cách biệt qua nhà ở và phương tiện đi lại của người dân. Người  giàu (hầu hết là quan chức nhà nước) thường ngồi bên trong các xe ô tô loại sang nhất thế giới và ở trong các biệt thự sang trong có vườn rộng "kín cổng cao tường" trong khi người nghèo đều ở trong các ngôi nhà sàn truyền thống nhỏ bé, đơn sơ và đi lại chen chúc nhau trên các phương tiện công cộng quá tải. Suốt chuyến thăm tôi chưa thấy một người giàu nào đi bộ trên đường, nhưng đâu đâu cũng thấy trẻ nhỏ và phụ nữ kiếm tiền bằng cách bán các thứ hàng lặt vặt hoặc ăn xin tại bất cứ nơi nào có khách du lịch nước ngoài.
 
Kiếm sống bằng hàng rong và ăn xin
Hai là, tính cách trầm tĩnh và khả năng chịu đựng của dân tộc Khmer thật là phi thường. Có lẽ đây là một trong tố chất để hiểu tại sao nhân dân Cămpuchia đã phục tùng chế độ Pol Pot và nếu không có sự can thiệp của Việt Nam thì chưa chắc họ đã tự đúng lên lật đổ Pol Pot (?) Tố chất này mãi vẫn còn đó. Trong dịp quốc tang Cựu hoàng Norodom Sihanouk, nhìn bề ngoài thấy người dân Cămpuchia ai ai cũng vô cùng tôn kính và yêu quý Quốc vương của họ. Nhưng trong câu chuyện riêng tư với họ ta sẽ nhận ra rằng đó là cách để người dân bày tỏ sự không tôn trọng đối với chính quyền hiện tại và bản thân ông Hunsen!   Đối với họ, chính quyền và chính sách của Hunsen không khác gì của Việt Nam. Nếu có gì khác thì (theo họ) ở Việt Nam người giàu không quá cách biệt với người nghèo so với tình trạng cách biệt giàu/nghèo quá rõ ràng, lộ liễu tại Căpmuchia!. Họ có thể đúng với nhận xét này khi họ không nằm trong cái chăn Việt Nam nên không biết trong chăn đó cũng có rận, và cả "sâu" nữa!

Trong suốt cuộc hành trình, anh bạn tourguide  nguời Khmer chính hiệu nhưng nói rất sõi tiếng Việt, không biết vô tình hay cố ý, hay kể những câu chuyện huyền thoại hàm ý rằng người Cămphuchia rất thật thà, chất phát, hiền lành (như con giun, con dế), nhưng không bao giờ chịu khuất phục...  Họ cũng hay có những so sánh khá tinh tế giữa đất nước mình với Việt Nam, ví dụ lưu truyền câu chuyện tiếu lâm nói rằng nếu người Việt ra đường sợ Công An bao nhiêu thì người Cămpuchia ra đường sợ Con Bò bấy nhiêu, vì chúng đều có quyền chặn người tham gia giao thông bất cứ lúc nào! Do đó, Công An Việt Nam = Con Bò Cămpuchia !!! Phải chăng đó là cách "phê bình nhẹ nhàng" đối với người  Việt Nam? . Dù sao nó cũng nói lên sự khác biệt giữa tính cách người Khmer và người Việt . Quan sát dọc đường thấy những  cảnh sát giao thông Cămpuchia cũng nhận tiền hối lộ của lái xe, nhưng có vẽ lịch sự và "hiệu quả" hơn nhiều so với cảnh sát Việt Nam. Mỗi khi thấy lái xe vi phạm, họ giơ tay cảnh báo, và  lái xe  vẫn ngồi yên trong xe dúi tiền vào tay viên cảnh sát, hai bên cười vui vẽ không cần đếm số tiền thường  là tiền lẽ có giá trị bằng bát phở hay tách cà fê mà thôi. Do đó, dòng xe cộ vẫn tiếp tục di chuyển không ảnh hường gì đến giao thông chung. Nhưng ở Việt Nam cảnh sát bao giờ cũng chặn xe lại , rồi hai bên giằng co, cải vã ,van xin rất lâu , có khi đánh nhau ...khiến giao thông bị ách tắc, quan hệ hai bên càng căng, và cảnh sát mất hết uy tín.

Phương tiện di chuyển của người nghèo  ở C
Trong lĩnh vực đối ngoại cũng vậy. Có một sự nhất quán trong quan niệm bạn/thù của người Campuchia, đó là cả 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Lào đều chiếm đất đai của họ; và do đó họ không ngần ngại treo bản đồ thời Đế chế Angkor ở các nơi công cộng. Nhưng  khi có mặt người Việt Nam, người Cămpuchia rất biết cách kiềm nén không nói xấu Việt Nam, mà chỉ nói xấu Thái Lan hoặc Lào...để người Việt Nam tự hiểu về bản thân mình! Rất có thể họ cũng làm như vậy khi đi với người Thái, người Lào hoặc người Trung Quốc, người Mỹ....  Có thể gọi đó là môt  thủ pháp truyền thống của người Cămpuchia thì phải, vì cả thế giới đều biết tật  "nói trước quên sau" hoặc tính cách "sáng nắng chiều mưa"  của người Cămpuchia mà một trong những bậc thầy của họ chính là Vua Norodom Sihanouk.Những diễn biến trong chính trường ASEAN gần đây chứng minh điều đó.  

Ba là, về quan hệ Việt Nam-Cămpuchia, có thể nói, do vị thế địa chính trị và quan hệ lịch sử hai nước Việt Nam và Cămpuchia luôn cần duy trì mối quan hệ hòa bình hữu nghị (không nên gọi là "đặc biệt" để tránh gây hiểu nhầm không cần thiết). Cămpuchia có hận thù lịch sử với Việt Nam nhưng cũng cần có vai trò của Việt Nam để đối trọng với một kẻ thù lịch sử khác là Thái Lan. Trên thực tế người Cămpuchia ngày nay lo ngại Thái Lan hơn là Việt Nam. Về lâu dài thì chưa chắc, nhưng trong giai đoạn hiện nay khi vẫn còn chính quyền Hunsen, có lẽ người Cămphuchia vẫn coi trọng quan hệ với Việt Nam vì cả hai lý do an ninh và kinh tế. Họ biết rõ chính người Việt đem lại sức sống cho nền kinh tế Cămpuchia, chứ không phải người Thái, thậm chí ngay cả khi ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng tại đây. Hàng ngày hàng trăm ngàn người Việt Nam qua Cămpuchia làm ăn, buôn bán;  khách du lịch Việt Nam thường chiếm khoảng 1/2 tổng số khách du lịch vào Cămpuchia, trong khi du khách từ Thái Lan và Lào không đáng kể. Riêng việc người Việt Nam tham gia đánh bạc tại khu vực biên giới cũng đóng góp phần lớn vào nguồn thu của Cămpuchia. Có thể nói Cămpuchia cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần Cămpuchia. Điều  Việt Nam cần là quan hệ hòa bình hữu nghị và an ninh để xây dựng đất nước.

Trong điều kiện thế và lực giữa Việt Nam và Cămpuchia và trong khuôn khổ ASEAN, quan hệ hai nước có thể đảm bảo bền vững. Việc Cămpuchia tìm kiếm quan hệ với các nước lớn ngoài khu vực, kể cả Trung Quốc nên được hiểu là bình thường và lẽ đương nhiện. Ngay cả hành động câu kết giữa Cămpuchia và Trung Quốc tại Hội nghị AMM 45 vừa qua dẫn đến thất bại không đưa ra được tuyên bố chung về COC cũng có thể "hiểu được".  Tuy nhiên, xét trên tổng thể toàn bộ diễn biến tình hình gần đây, có thể nói,  với nhân tố thứ ba là Trung Quốc đang ra sức tăng cường ảnh hưởng bằng mọi giá tại Cămpuchia trong chiến lược chia rẽ nội bộ ASEAN nhằm ý đồ bành trướng xuống phía Nam của  họ mới là nhân tố đáng lo ngại. Với những bài học của quá khứ, không ai có thể đoan chắc rằng Cămpuchia với truyền thống "hay thay đổi" mà biểu trưng là những bức tượng Bayon 4 mặt (chứ không phải chỉ có hai mặt) sẽ không một lần nữa  thay đổi trong quan hệ với Việt Nam, nếu được sự hỗ trợ của một thế lực nước lớn. Đó là điều mà không chỉ Việt Nam mà cả Lào và Thái Lan cũng phải dè chừng.

Cuối cùng là, cũng từ kinh nghiệm mà hiểu ra, Việt Nam không nên đề ra yêu cầu  quá cao trong quan hệ với Cămpuchia, kể cả khái niệm quan hệ "đặc biêt" cũng không nên có. Việt Nam đã hy sinh quán hiều vì người anh em Cămpuchia trong hơn 10 năm chống Pol Pot. Tuy nhiên đổi lại, Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh "trắng tay". Đó là sự thật dù có phủ phàng bao nhiêu. Do đó nên chăng trong tương lai, trong  bất cứ tình huống nào, Việt Nam cần kiên quyết tránh bị lôi kéo vào công việc nội bộ của  Cămpuchia, để tập trung  nguồn lực đảm bảo an ninh biên giới mà thôi. Đây không phải là điều dẽ, nhưng là một phương châm hành động ./.        
(*) Ghi chú: Bài viết đã có những chỉnh sửa bổ sung nhằm làm rõ thêm ý chủ đạo của nó. Xin thông báo và mong sự cảm thông của những ai  sử dụng nội dung bài viết.  Xin cảm ơn.
 

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này