Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Cu ba: Bước đầu tan rã của một nhà nước toàn trị (1)



Jossé Manuel Prieto
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết đặc sắc của nhà văn Cuba Jossé Manuel Prieto. Sau mười năm sống ở Mỹ, trở về thành phố quê hương La Habana, ông ngỡ ngàng nhận ra – qua những chi tiết của đời sống thường nhật – một nhà nước sau gần 70 năm toàn trị nay có vai trò ngày càng thu hẹp. Mô hình nào cho một  Cuba đang hấp hối, khi viện trợ Liên Xô từ lâu không còn, Venezuela nay cũng đang gặp khó khăn, còn Trung Quốc làm ngơ không muốn cứu giúp đảo quốc xa xôi này? Cuba đang ở chân tường – đổi mới hay là chết!
Bài viết đăng trên tờ Letras Libres (Mehico), được Le Courrier International dịch ra tiếng Pháp.
Thuỵ My

clip_image001
Một người đánh giày đang chờ khách trên vỉa hè,

Tại đại lý du lịch ở Queens, khi mua vé để đáp chuyến bay trực tiếp duy nhất nối liền New York – La Habana, tôi được trao bản danh sách các sản phẩm được phép mang đến Cuba: 10 ký lô dược phẩm và 20 ký thực phẩm miễn thuế hải quan. Cuba hiện vẫn đang bị Mỹ cấm vận thương mại, chính những người Cuba sống ở hải ngoại đảm trách việc duy trì cuộc sống bình thường cho đất nước.
Hôm khởi hành, tại sân bay tôi trông thấy các hành khách tay xách nách mang. Không chỉ những gói hành lý lớn – theo tôi hình dung thì bên trong là thuốc men và thực phẩm được phép – mà cả ti–vi màn hình phẳng còn trong bao bì, các dàn máy nghe nhạc hi–fi và dụng cụ điện gia dụng. Tờ La Jornada cho biết, năm 2009, trong số 324.000 khách du lịch đến bằng các chuyến bay trực tiếp từ Mỹ, có tới 95% là người gốc Cuba. Theo tính toán của nhiều nhà kinh tế khác nhau, kiều hối của người Cuba hải ngoại gởi về mỗi năm hơn một tỉ đô la, chiếm 35% ngoại tệ thu về của cả nước.
Món viện trợ này tuy vậy vẫn chưa thấm vào đâu. Tôi đã đến với một La Habana gần như chìm sâu hoàn toàn trong bóng tối. Ngã tư nổi tiếng giữa đường 23 và L, có thể được xem là một Times Square của Cuba, vắng như chùa bà Đanh vào lúc 22 giờ đêm. Điều này mang lại một ấn tượng buồn thảm, cứ như là đất nước vừa bị một thiên tai ụp xuống. Cảm giác bị bỏ rơi và khủng hoảng sâu sắc bao trùm. Cuba đang thoi thóp.
Vài ngày sau khi tôi đến nơi, ngày 18/04/2011, đương kim Chủ tịch Cuba là Raul Castro cũng gần như có cùng một chẩn đoán. Phát biểu trước Quốc hội, nêu lên thời điểm khó khăn mà đảo quốc đang phải trải qua, ông cảnh báo: “Hoặc là chúng ta sửa đổi, hoặc như thế là hết. Chúng ta không còn có thể đi men theo bờ vực thẳm, chúng ta sẽ chìm đắm, và cùng chìm theo ta là nỗ lực của bao nhiêu thế hệ”.
Chắc hẳn là những triệu chứng của cuộc khủng hoảng sâu sắc này đã hiện diện từ ít nhất hai chục năm qua. Nhưng những gì đập vào mắt hôm nay, là khủng hoảng không phải nhất thời mà chính từ cấu trúc. Không còn có thể tiếp tục đổ tội cho “blocus” (cấm vận) của Mỹ, và sự sụp đổ của Liên Xô, mà là do hệ thống tệ hại.
Tháng 8/2010 chính Fidel Castro đã nhìn nhận trong một cuộc đối thoại lạ lùng với Jeffrey Goldberg, phóng viên báo The Atlantic, và chuyên gia Mỹ Julia Sweig: mô hình này không ổn. Cụ thể hơn, ông nói: “Mô hình Cuba không còn tác dụng nữa, ngay cả với chúng tôi”. Cần nhấn mạnh ở đây là Fidel không còn tố cáo sự dối trá của đế quốc Mỹ, mà nêu ra một nguyên nhân nội tại. Bản thân điều này đã là một sự kiện, xứng đáng được phân tích sâu hơn. Fidel muốn nói về mô hình nào? Đó là mô hình xô–viết công hữu hóa bắt buộc.
Kể từ cách mạng Cuba 1959, Nhà nước đảm trách tất cả những gì mà các lãnh đạo trước đó làm không tốt. Liên Xô với những thành công vang dội (như việc phóng hỏa tiễn Spoutnik đầu tiên vào năm 1957) cho thấy chủ nghĩa xã hội là một con đường đầy hứa hẹn. Một con đường mang lại những lợi ích lớn lao khi hoạt động trên nguyên tắc chính phủ độc đảng, hoàn toàn không có đối lập, với một xã hội công dân chỉ là con số không.
Nay với chuyến trở về Cuba đầu tiên từ mười năm qua, tôi có thể nhận ra những dấu hiệu đầu tiên của một tiến trình ngược lại – những giai đoạn đầu của việc tháo dỡ cái nhà nước với những chiếc vòi bạch tuộc này. Tôi quan sát sự thu nhỏ lại của nó. Đó là một hiện tượng có thể nhìn thấy bằng mắt thường, một hiện tượng vật lý, như nước triều khi đột ngột rút đi đã để lại những tàn tích phía sau.
Đó là thảm họa của một nền kinh tế bị phá hủy, đất nước đắm chìm trong một cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc, trầm trọng thêm bởi hệ thống phân lập hai loại tiền tệ. Đồng peso chuyển đổi được (chavito) được xem là đồng tiền chính thức từ năm 2004, nhưng tiền lương được trả bằng đồng peso nội địa hoàn toàn không có giá trị nào đối với bên ngoài. Tất cả nằm trong bối cảnh dân chúng ngày càng bất mãn, và phái ly khai ngày càng mạnh hơn.
Thích ứng với thay đổi
Tôi mua tất cả các báo chí có trên quầy bán báo gần “casa particular” (nhà trọ tư nhân) nơi tôi ở nhất. Sự quan tâm bất thường của tôi dành cho các tờ báo và tạp chí mà hầu như không ai thèm đọc, đã tố cáo tôi ngay lập tức: tôi là kiều dân ở nước ngoài. Tôi hỏi mua tài liệu mới nhất “Đề án các đường hướng chủ đạo về chính sách kinh tế xã hội”, nhưng đã hết. Ông già bán báo nói với tôi: “Cả La Habana đang đọc cuốn đó!”. Cuối cùng tôi cũng có được nhờ một ông già khác nghe qua câu chuyện, đã nhượng lại cho tôi với giá gấp mười.
Tập brochure 29 trang nêu chi tiết 291 điểm sẽ được “cập nhật” trong mô hình kinh tế Cuba. Nhật báo chính thức Granma khẳng định, đây là kết quả của cuộc thăm dò dân ý do Raul Castro đưa ra ngày 26/07/2007, qua đó “trên 4 triệu người Cuba đã đưa ra trên 1 triệu đề xuất”. Về cơ bản, cụ thể là làm giảm béo cái nhà nước nặng nề này, giúp cho nó gọn gàng hơn, và giảm bớt chi phí hoạt động.
Cuối cùng tôi đã hiểu được đằng sau các ngôn từ văn vẻ của các Lineamientos – mà cả nước Cuba đều đọc và tranh luận như là một tác phẩm best–seller, cơ bản là xác định cho được vai trò mới của Nhà nước (được cho là sẽ giữ vai trọng tài thay vì cầu thủ ngôi sao) trong khi vẫn không để mất vị trí chi phối chính trị. Đảng hiện tại của chính phủ vẫn tiếp tục nắm quyền nhằm “bảo vệ thành quả cách mạng”.
Từ đó tôi kết luận rằng, thực ra các nhà lãnh đạo đang tìm cách thích ứng với một sự thay đổi đã được khởi đầu mà không có sự tham gia của chính phủ, nhưng là từ sáng kiến của nhân dân Cuba. Giống như là một dòng sông quay về với cội nguồn. Hoặc có thể nói, giống như trước cảnh tháo chạy tán loạn ở mặt trận tiền phương, bộ tham mưu đành tuyên bố “rút lui có tổ chức”. Các Lineamientos chỉ có nhiệm vụ duy nhất là cứu vãn thể diện, kiểm soát tiến trình.
Cuộc sống dưới chủ nghĩa xã hội là một trò mèo vờn chuột muôn thuở. Một bên là Nhà nước, bảo vệ một cách ích kỷ vai trò nhân tố độc tôn của mình. Bên kia là trận du kích chiến không mệt mỏi của các sáng kiến tư nhân và chợ đen – dòng sông mạnh mẽ này cuộn chảy dưới bề mặt có vẻ liền lạc của đất nước, và bảo đảm phần lớn cho sự bình ổn. Nhà nước bèn ấn định mục đích khoan các giếng phun để chạm được vào dòng chảy ngầm ấy, giúp nó phun trào ra ngoài ánh sáng, dưới một dạng thức ít nhiều được điều khiển.
Không phải xếp hàng
Tôi vô cùng kinh ngạc, chẳng hạn, trước số lượng thực phẩm được bán trên đường phố, so với nạn đói từng hoành hành trong thời kỳ được gọi là “giai đoạn đặc biệt” (sau khi Liên Xô tan rã, giai đoạn này đánh dấu các khó khăn kinh tế nghiêm trọng cho Cuba vì không còn viện trợ). Trên đường San Rafael ở ngay trung tâm thủ đô, tại khu phố cổ, tôi đếm được ít nhất mười điểm bán thức ăn, đa số nhận tiền peso Cuba. Và hầu như không có ai phải xếp hàng, có lẽ là do giá cả khá cao. Các quầy hàng được cung ứng dồi dào (ở Cuba thì mọi thứ đều phải hiểu theo nghĩa tương đối), và dù giá bán đắt đỏ so với đại đa số người dân, các món hàng vẫn có người mua.
Dù sao đi nữa nguồn hàng tư nhân bổ sung cho nguồn nhà nước đã giúp cho nhiệm vụ tìm kiếm cái ăn bớt khó khăn hơn. Cuba phải nhập khẩu đến 80% lượng thực phẩm tiêu thụ, tương đương khoảng 2 tỉ đô la mỗi năm. Việc phân bố đất canh tác (khoảng 3 triệu hecta, tức phân nửa diện tích đất trồng trọt) đã bắt đầu từ năm 2007. Trả lời phỏng vấn tạp chí Espacio Laical, nhà kinh tế trẻ tuổi Cuba, Pavel Vidal Alejandro nhấn mạnh, còn phải hoàn tất việc “tách rời độc quyền nhà nước và tập trung cho việc thương mại hóa nông sản”. Bởi vì chính tình trạng này chứ không phải chứng thiểu năng hay trận bão nào đó luôn kìm hãm nhà nông Cuba chất đầy vựa lúa.
Sự biến mất của các cuốn sổ mua hàng tem phiếu – giấc mơ vĩnh cửu của người dân Cuba – đã được loan báo. Ngày nay giấc mơ ấy đã ở trong tầm tay. Không phải nhờ đã đạt được sự thịnh vượng kinh tế của “chủ nghĩa xã hội phát triển” (như ở Liên Xô, theo như người ta nói là không cần đến tem phiếu nữa), nhưng chỉ đơn giản là Nhà nước chẳng còn gì để mà phân phối! Bodega (cửa hàng mậu dịch bán thực phẩm theo số mua hàng) mà mỗi sáng tôi đều đi qua – có cái điện thoại công cộng trong tình trạng hoạt động, nhờ tôi có thể gọi vài cuộc điện thoại – vẫn trống rỗng như hồi tôi còn bé. Hồi đó mẹ tôi phải chiến đấu cật lực mới mua được tiêu chuẩn bánh mì, mà chẳng bao giờ đủ để chia cả.
J. M. P.
Nguồn: Blog Thuỵ My RFI

Hợp tác quốc phòng Việt Nam-Philippines

VNTTX và các báo Việt Nam hôm nay đưa tin về chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Phó Đô đốc Alexander P Pama, Tư lệnh Hải quân Philippines bắt đầu từ ngày hôm qua (13/4/2012).

> Hợp tác biển là trụ cột quan hệ Việt Nam - Philippines
> Lập đường dây nóng cảnh sát biển VN - Philippines


Một tàu hảii quân của Philippines. Ảnh: AP
 Một tàu hải quân của Philippines. Ảnh: AP
Một tàu chiến của Hải quânViệt Nam
Chiều hôm qua tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp đón Phó Đô đốc Alexander P Pama, Tư lệnh Hải quân Philippines sang thăm, làm việc tại Việt Nam, theo TTXVN.

Đánh giá cao kết quả làm việc giữa Tư lệnh Hải quân Philippines và Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định chuyến thăm của ngài Phó Đô đốc Alexander P Pama không chỉ nhằm thực hiện Thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương; thực hiện Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết, tin cậy giữa hải quân hai nước mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ quốc phòng và quan hệ giữa hải quân hai nước ngày càng phát triển.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng trong thời gian tới hải quân hai nước cần tiếp tục hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo, chia sẻ thông tin, cứu hộ, cứu nạn, giao lưu trao đổi đoàn, tiến tới hợp tác tuần tra chung trên biển.
Phó Đô đốc Alexander P Pama cảm ơn đại diện nước chủ nhà đã đón tiếp ông nồng ấm và trọng thị.
Thời gian gần đây Philippines đang tiến hành hiện đại hóa hải quân với việc mua sắm thêm tàu chiến. Chiến hạm lớn nhất của Philippines hiện nay vốn là một tàu tuần duyên mới mua của Mỹ năm ngoái. Manila còn công bố ý định mua thêm một tàu lớn thứ hai của Mỹ.Philippines gồm nhiều đảo có mặt phía tây trông ra Biển Đông, nơi được đánh giá là tuyến giao thông hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, cũng như nguồn tài nguyên dồi dào. Cả Philippines và Việt Nam đều là thành viên ASEAN, là bên tham gia ký Tuyên bố chung về nguyên tắc ứng xử Biển Đông năm 2002. 
Nguồn tin: trực tiếp củaVN-Express và Dân trí online.

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Trung Quốc tăng cường tuần tra trên biển Đông

Theo Tuổi trẻ ngày hôm nay (12/3/2011), Chính quyền Trung Quốc mới đây tuyên bố sẽ đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát các vùng biển trong thời gian tới, bao gồm các vùng biển tranh chấp với Nhật, Hàn Quốc và Việt Nam.
       Tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc chạy thử trên biển Hoàng Hải - Ảnh: Reuters
Tân Hoa xã dẫn lời lãnh đạo Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc Lưu Tứ Quý cho biết Bắc Kinh đã xây dựng khung pháp lý về việc tuần tra trên biển để bảo vệ “lợi ích quốc gia”. Theo đó, Bắc Kinh sẽ triển khai các tàu ngư chính và máy bay tới vùng biển ngoài khơi tỉnh Okinawa phía nam Nhật Bản và quần đảo Trường Sa ở biển Đông.
Các vùng biển xung quanh đảo Ieodo, gần đảo Jeju của Hàn Quốc và quần đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku) mà Bắc Kinh đang tranh chấp với Tokyo, cũng nằm trong khu vực sẽ bị tàu và máy bay Trung Quốc tuần tra. Chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa tàu hải giám tải trọng 3.000 tấn vào hoạt động tuần tra.
Quân đội Trung Quốc tiết lộ có thể đưa tàu sân bay Thi Lang, cải tạo từ tàu Varyag của Liên Xô cũ, vào hoạt động tại các vùng biển tranh chấp trong năm nay sau khi hoàn tất các cuộc chạy thử. Nhiều khả năng chiếc tàu tải trọng 67.000 tấn sẽ chính thức ra mắt vào ngày 1-4, trong dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội Trung Quốc. Có thể tàu sẽ đóng tại căn cứ ở đảo Hải Nam.
Hãng Yonhap ngày 11-3 đưa tin Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định sẽ triệu đại sứ Trung Quốc ở Seoul để phản đối. Phóng viên: Ngô Hạnh thực hiện.




Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

5 tiên đoán của Alan Phan về kinh tế Việt Nam

Nếu sống thực trong một xã hội đụng chạm với thực tế hàng ngày, như các doanh nghiệp tư nhân nhỏ vừa hay các nhân viên sống nhờ đồng lương, họ sẽ nhận ra vài điều đáng buồn.
Như thông lệ mỗi đầu năm, chúng ta đã được đọc rất nhiều bài viết về những dự đoán cho nền kinh tế Việt Nam trong 2012. Từ các chuyên gia có giấy phép và ăn lương chính phủ (trực tiếp hay gián tiếp) đến những định chế tài chính nước ngoài có họat động tại Việt Nam, tất cả đều đưa ra những chỉ số hay bối cảnh tương đối giống nhau. Hai lý do chính: một là mọi người đều dựa vào các số liệu thống kê cung cấp bởi chính phủ và vì tương lai làm ăn của họ cũng tùy thuộc vào chính phủ.
Kết quả của các tiên đoán trong quá khứ
Hôm nọ, có chút thì giờ rảnh rỗi, tôi hỏi anh sinh viên trợ lý, lục soát lại các dự đoán kinh tế về Việt Nam trong 5 năm vừa qua, nhất là vào thời điểm Quý 1. Tôi nhờ anh chia ra 3 kết quả: các dự đoán đúng trên dưới 10%, trên dưới 50% và sai bét. Tỷ lệ cho thấy số sai bét chiếm 46% và số sai trên dưới 50% là 39%. Con số đúng chỉ được 15%. Tuy nhiên, thầy bói vẫn là một nghề đông khách dù có nói trúng hay trật. Và ít người biết được một xảo thuật kiếm tiền của nghề thầy bói là phải "coi mặt mà bắt hình dong". Tiên đoán một tương lai sáng ngời cho mọi ông bà chi tiền sộp là có kỹ năng tiếp thị cao.
Tôi thường không tham dự vào các cuộc tiên đoán hàng năm. Dựa trên thống kê (phải trừ bớt những thổi phồng) hay các trải nghiệm quá khứ (con người luôn luôn tái diễn lịch sử qua các hành động ngu xuẩn về lâu dài) và dựa trên trực giác (rất giống các bà có chồng ngoại tình), tôi hay đưa ra những khuynh hướng (trend) của nền kinh tế vĩ mô hơn là những dự đoán ngắn hạn và không ổn định. Tuy nhiên, hôm nay, nghe lời khích bác của vài anh bạn, tôi thử dùng 3 nguyên tắc nói trên coi các tiên đoán của mình có chính xác hơn không. Nó cũng sẽ định hướng tương lai nghề làm thầy bói của tôi.


Trong các dự đoán thịnh hành, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6% trong 2012, lạm phát xuống còn 9%, tỷ giá đứng yên, cán cân mậu dịch cải thiện 23%, dự trữ ngoại hối tăng 18% v.v... Tóm lại, một nền kinh tế vĩ mô khá ổn định và ấn tượng so với sự suy thoái chậm chạp của toàn cầu.
Những thực tế
Tuy nhiên, nếu các vị quan và các chuyên gia này sống thực trong một xã hội đụng chạm với thực tế hàng ngày, như các doanh nghiệp tư nhân nhỏ vừa hay các nhân viên sống nhờ đồng lương, họ sẽ nhận ra vài điều đáng buồn. Chẳng hạn, nhập siêu giảm mạnh không phải vì xuất khầu tăng vượt tốc, mà vì nhu cầu tiêu dùng cũng như các hoạt động sản xuất đã ngừng trệ. Đây cũng là lý do tỷ giá USD đã không tăng như dự đoán vì người dân đã hết tiền để trữ đô la hay xài hàng nhập khẩu. Khi nền kinh tế suy thoái trầm trọng, lượng cầu tiêu dùng giảm mạnh và lạm phát cũng như lãi suất sẽ giảm theo. Đây không phải là những dấu hiệu tích cực để lạc quan.


Từ góc nhìn này, tôi sẽ đánh liều và tiên đoán các sự kiện nổi bật sau đây của 2012 và vài năm tới:
1.        Nhà nước sẽ can thiệp mạnh hơn vào vận hành kinh tế:
Thay vì tiến về nền kinh tế thị trường và để mặc cho mọi thành phần tự điều chỉnh theo khả năng, chính phủ sẽ sử dụng mọi biện pháp hành chính để lèo lái con tàu kinh tế như việc ra quyết nghị cứu thị trường chứng khoán bằng "tái cấu trúc" toàn diện cơ chế. Việc đổ tiền để vực dậy giá trị bất động sản đang được nghiên cứu, cũng như phương thức thu góp hết vàng trong dân để chuyền thành ngoại hối hay tiền đồng.
Để tránh những bất ổn xã hội, khuynh hướng kiểm soát giá cả sẽ gia tăng và xăng dầu cũng như điện nước sẽ được tiếp tục hỗ trợ (subsidy).
Ngân sách nhà nước sẽ tăng thay vì giảm, nợ công tiếp tục tăng vì đầu tư công vào các dự án khủng hay cơ sở hạ tầng cần được duy trì để tạo bộ mặt bền vững.
Đây cũng là tin khá tốt cho nền kinh tế dựa vào chi tiêu công và quan hệ thân hữu. Doanh nghiệp nhà nước sẽ dồi dào nguồn vốn và tha hồ lợi dụng lợi thế của mình. Doanh nhiệp tư nhân làm ăn nhiều với chính phủ có thể hưởng tăng trưởng tốt trong những năm suy thoái tới.
2.        Vàng và dầu sẽ gây lao đao cho tỷ giá và lạm phát
Tuy nhiên, các động thái can thiệp nói trên sẽ không có ảnh hưởng lâu dài vì hai yếu tố toàn cầu: giá vàng và dầu hỏa. Việc in tiền của Ngân hàng Trung ương Âu châu (ECB) để cứu các ngân hàng lớn trong khối Euro và gói kích cầu số 3 (QE 3) của Cơ quan Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục đẩy giá vàng và dầu hỏa lên và giá trị các bản vị USD hay Euro sẽ từ từ hạ giá, dù suy thoái toàn cầu sẽ làm quá trình này chậm lại. Một biến cố lớn ở Trung Đông hay Trung Quốc sẽ thay đổi hoàn toàn mọi dự đoán.
Tương tự, nền kinh tế suy thoái của Việt Nam sẽ giúp lạm phát và tỷ giá không gia tăng nhiều. Tuy nhiên, khi dòng tiền nhàn rỗi chạy theo cơn sốt vàng và dầu hỏa, các biến động và ảnh hưởng trên mọi hoạt động kinh tế tài chính sẽ khó cân bằng. Những chính sách nghị quyết sẽ bay theo mộng tưởng. Tất cả mọi chỉ tiêu về vĩ mô cũng như cán cân thương mại và các gói kích cầu hỗ trợ ngân hàng, chứng khoán và bất động sản sẽ trở nên bất khả thi và tương lai tùy thuộc vào "may rủi" nhiều hơn là hoạch định.
3.        Các phi vụ M&A sẽ gia tăng mạnh
Một điều chắc chắn là trong tình trạng bất ổn, lĩnh vực thu tóm và sát nhập công ty sẽ tăng trưởng tốt. Thị trường tài chính thế giới luôn luôn có những dòng tiền mặt khá lớn để mua tài sản bán tháo. Phần lớn các nhà đầu tư nội địa, từng đổ tiền vào chứng khoán và bất động sản các năm trước, sẽ tham gia hăng hái vào cuộc săn đuổi này. Do đó mà tại sao tôi nói là trong 10 năm tới, rất nhiều tài sản sẽ đổi chủ và sẽ có những đại gia mới của Việt Nam lợi dụng cơ hội để kiếm tiền siêu tốc. Và ngược lại, nhiều siêu sao đang cháy sáng lúc này sẽ đi vào quên lãng.
Dù họ rất sẵn tiền, nhưng tôi nghĩ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham dự các phi vụ M&A một cách giới hạn. Các rào cản về thủ tục pháp lý, về lối thoát (exit), về quản trị địa phương và về bất ổn vĩ mô vẫn còn nhiều và sự thiếu minh bạch của các đối tác điều hành vẫn gây nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.
4.        Hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập gây khó khăn cho hàng nội địa
Trung Quốc hy vọng sẽ chỉ giảm tăng trưởng GDP xuống 7.5% so với 9.2% năm 2011. Sản xuất công nghiệp sẽ chịu nhiều tác động nhất vì sự đầu tư vào các nhà máy gần đây luôn vượt quá nhu cầu của thế giới, nhất là các hàng tiêu dùng và điện tử. Trong khi đó, với suy thoái tại Âu Châu và Nhật Bản và "dậm chân tại chỗ" của kinh tế Mỹ, những nơi còn lại để Trung Quốc bán tháo hàng rẻ tiền là các quốc gia mới nổi, nhất là các láng giềng.
Ba lợi thế cạnh tranh đáng kể của hàng Trung Quốc: (a) tỷ giá RMB dưới giá trị thực khoảng 26% (trong khi VND trên giá trị thực gần 14%) tạo một khác biệt chừng 40% trên giá thành; (b) hệ thống tiếp liệu các linh kiện và hiệu năng sản xuất cùng công nghệ hiện đại tạo một thành phẩm có giá trị cao; và (c) thị trường nội địa Tàu rộng lớn tạo lợi điểm chuyển giá theo nhu cầu và đặc điểm của thị trường xuất khẩu.
Mặc cho khẩu hiệu "người Việt dùng hàng Việt", khách hàng trong thời buổi kiệm ước sẽ lựa chọn túi tiền và các nhà sản xuất Việt có sản phẩm tương tự như Trung Quốc sẽ gặp khốn khó.
5.        Thị trường bất động sản có thể thoát hiểm với luật đất đai mới
Việc không áp đặt luật về hộ khẩu và những cải tổ sâu rộng về luật bất động sản bên Trung Quốc khiến nhiều đại gia Việt hưng phấn chờ đợi. Tôi nghĩ đây là một cú hích quan trọng có thể gây một cơn sốt mới cho giá trị bất động sản ở Việt Nam vì lý do đơn giản là người có tiền ở Việt Nam không có nhiều lựa chọn về đầu tư. Hai yếu tố quan trọng khác là sự thu hút đầu tư mới của Việt kiều và các quỹ nước ngoài.
Thêm vào đó, hiện các nhóm lợi ích trong ngân hàng, quỹ đầu tư, tập đoàn kinh tế, tổng công ty... đang nắm giữ một số lượng tài sản rất lớn liên quan đến địa ốc. Việc tăng giá trị bất động sản xuyên qua việc thay đổi luật nhà đất là một việc mọi người mọi nhóm đều nhất trí đoàn kết để đạt mục tiêu. Chuyện oái oăm là nếu không nhờ cái luật nhà đất bất công ngày xưa, các nhóm này đã không giàu và quyền lực như ngày nay. Dù sao, qua sông rồi thì phải đắm đò, Tôn Tử dạy thế.
Tuy nhiên theo nhận xét cá nhân về quy trình để thay đổi luật lệ tại Việt Nam, tôi thấy thủ tục cũng nhiêu khê và đòi hỏi rất nhiều quyết đoán từ các cấp lãnh đạo. Tôi không lạc quan như các đại gia bất động sản, nhưng dù là cơ hội thay đổi có ít hơn 50%, đây cũng có thể là một cú ngoặt đáng kể trong sự phát triển kinh tế.
Tóm lại, đó là 5 sự kiện tôi cho là sẽ đánh dấu ấn trên nền kinh tế tài chính của Việt nam trong 2012.
---
T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chính của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (Anh) và Southern Cross (Úc). Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Bức thư chưa được trả lời

Thư ngỏ gửi ông Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc  kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Kính thưa ông  Tổng Bí thư  kiêm Chủ tịch nước CHND Trung Hoa,
Dù biết ông rất bận với công việc lãnh đạo một đất nước đông dân nhất thế giới lại đang ở vào thời kỳ phát triển nhanh đến chóng mặt trong nhiều năm nay, tôi vẫn mong được ông tiếp nhận  bức thư mà tôi trân trọng chuyển đến ông đây. Xin cảm ơn ông trước nếu được ông hạ cố đọc thư hoặc  nghe thư ký của ông báo cáo lai.  Vì tôi biết ông sẽ hoàn toàn có quyền không làm điều đó với tôi - một người không phải là công dân của nước ông lại  đang nói ra những điều mà có thể ông không thích nghe.
Tuy nhiên tôi thấy mình có trách nhiệm phải nói,  vì nghĩ rằng, ngoài việc lãnh đạo đất nước Trung Hoa vĩ đại, ông còn đang muốn lãnh đạo cả thế giới này trong một ngày càng sớm càng tốt. Tôi cũng xin thưa với ông rằng bức thư này không phải của một em học sinh phổ thông vẫn thường viết để ca ngợi lãnh tụ của mình, mà là của một người cùng thế hệ với ông, tức là đã từng chứng kiến các thời kỳ quan hệ của hai nước Trung, Việt.
Để khỏi mất thời giờ, tôi xin phép ông được đi thẳng vào nội dung.
Có lẽ hiếm có trường hợp trên thế giới có trạng thái quan hệ láng giềng như giữa Việt Nam và Trung Quốc. Lịch sử cho thấy ngay từ thời kỳ đầu lập quốc người Hán đã có xu hướng tiến về phương nam. Tốt thôi, đó là quy luật của sự sống: đồng cỏ ở phía Nam bao giờ cũng xanh hơn ở phía Bắc. Hơn nữa, thời xa xưa đất rộng người thưa, dân Bách Việt còn thưa thớt đâu đã đủ sức mà khai thác cho xuể.  Cũng tốt thôi khi hai nền văn minh  Hán tộc và Việt tộc  có dịp hội nhập với nhau sớm như vây – điều mà cả thế giới ngày nay cũng đang cổ súy . Về mặt này có lẽ ông cũng nên cho khắc thêm một dấu ấn đáng tự hào rằng Trung Quốc đã thực hiện hội nhập từ thời thượng cổ!
Vì thế, tôi thấy không cần nói nhiều về quá khứ xa xăm làm gì,  mà chỉ muốn nhắc ông nhớ về quá khứ và hiểu về quá khứ đúng với sự thật lịch sử của nó thôi.  Bởi vì tôi được biết qua một cuộc khảo sát do một cơ quan học thuật Mỹ tiến hành gần đây tại 6 tình thành lớn nhất Trung Quốc cho thấy kết qủa hết sức ngạc nhiên rằng có đến   90% người  Trung Quốc tin rằng Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã và đang chiếm cứ đất đai và biển đảo của cha ông người Trung Quốc, và do đó, giờ đây họ có quyền đòi lại... (!?) Nếu ông không tin, xin  ông hãy gọi một vài chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc như Giáo sư Vương Hàn Lĩnh lên báo cáo với ông thì chắc rằng tình trạng hiểu biết sai lệch như vậy còn nghiêm trọng hơn nhiều. Tôi thấy trên mạng, nhất là trong giới "quân luận" của nước ông đâu đâu cũng sặc mùi hiếu chiến kêu gọi tiêu diệt "bọn giặc Việt Nam" về tội chiếm nhiều đất đai và biển đảo của Trung Quốc lại còn vong ơn bạc nghĩa nữa! Chẳng lẽ bọn họ không quán triệt lời chỉ huấn của ông với phương châm  "4 tốt" và "16 chữ vàng"?. Tôi trộm nghĩ,  là một người lãnh đạo hẳn ông biết rõ điều gì sẽ xảy ra nếu sự hiểu sai lệch như vậy cứ lan truyền trong dân chúng của một đất nước hơn  1,3 tỷ người, lại đang trên đà phát triển rất cần năng lượng và không gian sống? Đó là chưa kể hơn 60 triệu Hoa kiều  phiêu bạt khắp nơi trên thế giới, gần đây đã tràn sang chiếm lĩnh cả vùng đất thưa dân cư ở  Siberi và miền tây nam nước Nga khiến cho người Nga vô cùng lo lắng. Người Trung Quốc cũng đang di dân tự do sang tận Châu Phi xa xôi nữa. Ôi có lẽ tôi không nên tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu số đông này một ngày kia đều theo chủ nghĩa đại Hán. Điều tôi lo sợ nhất là họ vẫn tưởng mình là "con trời" sinh ra để thống trị thiên hạ, và do đó chả coi ai ra gì...   Nhân đây tôi xin trích đăng lại tấm bản đồ trên Wikipedia cho thấy cương vực Trung Quốc thời nhà Hạ chỉ bằng một giọt dầu so với toàn bộ diện tích nước Trung Quốc ngày nay để ông và đồng bào của ông khỏi phải xít xoa về sự ”thua thiệt” lãnh thổ của mình. Ông thấy đấy, người Việt rất biết những gì  thuộc lịch sử xa xưa thì hãy để yên nó với lịch sử, và do đó không đòi lại những gì đã mất thì thôi chứ không có lý gì để người Trung Quốc cứ khư khư đòi những gì vốn không thuộc của họ, lại còn đề cao chúng lên thành "lợi ích cốt lõi" nữa (!?)
Giờ xin phép ông cho tôi trở lại với quan hệ Viêt-Trung.  Và tôi sẽ không nói về quá khứ xa xôi, mà chỉ nói về quá khứ gần đây nhất. Đã có một thời hoàng kim trong quan hệ Việt-Trung mà trong đó nhân dân hai nước đều rất hân hoan với tình hữu nghị và giáo lý cách mạng  rằng sẽ  không bao giờ tái diễn tình trạng chiến tranh xâm lược giữa các quốc gia  cùng thể chế  xã hội chủ nghĩa . Thời đó tôi may mắn đã được sang học tập tại một tỉnh miền Nam của nước ông nên không thể nhầm lẫn về trạng thái tinh thần như nói trên.  Chúng tôi đã được các thầy cô giáo dạy hát  “Việt Nam, Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông …, chung một mối tình hữu nghị …” và nhiều ca từ thật hay ho khác nữa bằng cả hai thứ tiếng Viêt và Trung mà giờ đây tôi vẫn còn thuộc lòng. Thứ tình cảm hữu nghị đó nó mạnh lắm, sâu nặng lắm,  đến nỗi sau này khi  ông Đặng Tiểu Bình xua quân sang xâm lược  biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979 thì  không chỉ dân thường mà cả giới lãnh đạo Việt Nam đều bị bất ngờ!  Vẫn biết, trước đó các ông đã từng đánh chiếm  quần đảo Hoàng Sa, nhưng đó là cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc với Việt Nam Cộng hòa-một chính thể không phải là XHCN. Không biết đến giờ có còn ai  tơ tưởng vào  cái luận điểm cho rằng giữa các nước xã hôi chủ nghĩa thì không bao giờ có chiến tranh(!?).
Còn nhớ, các ông đã không thể đợi quá lâu sau cuộc chiến tranh biên giới ác liệt đó, lại đã bắt đầu dùng vũ lực để tìm chỗ đứng chân tại quần đảo Trường Sa cách đất liền Trung Quốc hàng ngàn dặm lúc đó đang  nằm dưới quyền kiểm soát của  nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Giờ xem lại những hình ảnh video  do chính  lính Trung Quốc quay  lại cảnh  họ  xả đạn bắn giết không thương tiếc vào đám công binh Việt nam trên tay không vũ khí,  ai cũng thấy đó là hành động dã man chỉ có ở đội quân của một quốc gia không bình thường. Đó là sự tái hiện của lòng tham vô đáy của chủ nghĩa bành trướng đại Hán đã có từ ngàn xưa. (Xem clip : http://www.youtube.com/watch?v=VQjOlnDjI6w )
Gần đây các ông còn tỏ ra vội vã hơn thế qua việc cậy thế đông  áp dụng chiến thuật "biển người" để xâm chiếm Biển Đông. Cả ngày lẫn đêm lính thủy giả dân sự của các ông  săn lùng bắt bớ,  phạt vạ và, bắn giết  những ngư dân Việt Nam vô tội  ngay tại chính các ngư trường truyền thống của họ khiến họ không biết làm gì để kiếm sống. Cái vô lý là ở chỗ, bổng dưng một ngày, có kẻ lạ xông vào nhà cướp tất cả và buộc chủ nhà phải ra đi. Nếu là ông, ông sẽ làm gì, thưa ông ? Những người mang sắc phục nhà nước Trung Hoa đó  hành xử không khác nào bọn hải tặc Somali. Nói cách khác họ là bọn cướp biển được nhà nước tổ chức, hay ngắn gọn là  “cướp biển nhà nước” -  tiếng Anh là “state pirates”. Phải chăng vì các lực lượng  hải quân của các ông  đang quá sung sức lại nóng lòng muốn “thử nghiệm”  nên đã quá đà hung hãn như vậy (?)  Cũng có thể ông chưa được cấp dưới báo cáo đầy đủ về tình trạng “lạm dụng” này.  Nhưng tôi  nghĩ,  nếu không có chỉ thị của ông thì cấp dưới của một đội quân khét tiếng “kỹ luật sắt” không bao giờ dám làm như  vây, nhất là mới đây họ còn cho 3 tàu chiến trá hình ngang nhiên tiến sâu  vào bên trong lãnh hải của Việt Nam để phá phách một cách rất ngang ngược. Chẳng lẽ họ không ý thức rằng hành động như thế rất dễ châm ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh? Họ quả đang chơi trò chơi với lửa, hay họ thưc sự muốn chiến tranh? Chỉ có các ông mới biết được. Xin mời ông xem một đoạn video do chính người của ông quay dưới đây để xem lính của ông ngang ngược như thế nào. http://www.youtube.com/watch?v=Kk9Mz4j9Jqg&NR=1 
Dù sao tôi cũng thấy nên khuyên ông,  với tư cách người đứng đầu của một quốc gia đông dân như Trung Quốc, ông nên sớm kiểm soát tình hình kẻo  những hành động thái quá kia sẽ không chỉ  phá hoại hình ảnh khả kính của ông mà thậm chí có thể làm đảo lộn cả sự yên bình của chính đất nước ông. Tôi  tưởng nước ông  chủ trương "trỗi dậy hòa bình" mà sao giờ lại hung hãn như vậy? Nhưng các ông ước gì thì được nấy thôi. Theo tôi được biết, với những sự kiện mới rồi, sự phẩn nộ  đã lên đến cao độ trong lòng người dân Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ hành động như thế nào tôi chưa được rõ, nhưng về phía người dân có lẽ đã hình thành một trào lưu căm phẫn chưa từng thấy trong lịch sử quan hệ Việt-Trung. Thậm chí tôi nghĩ mối căm thù này còn hơn cả với người Mỹ trước đây.  Dư luận thế giới cũng đang chuyển theo hướng rất bất lợi cho các ông rồi đấy.   Đó là một  chuyển biến mới mà ông cũng nên biết.
Thưa ông, từ góc độ của những người có hiểu biết và có lương tri, tôi tha thiết đề nghị ông vì  số phận của hàng triệu gia đình ngư dân nước Việt mà ra lệnh cho thủ hạ của ông sớm chấm dứt lối hành xử kẻ cướp như nói trên. Ông cũng thừa biết sức chịu đựng của con người có hạn. Các ông đã quá quen với lối hành xử của  “con trời” như vẫn tự cho phép mình, nhưng người Việt dù chỉ là “con đất”, “con nước” (sơn tinh, thủy tinh)  thì cũng phải có quyền được sinh sống ngay trong  lãnh thổ và lãnh hải cổ truyền và đã được luật pháp quốc tế công nhận. Những vùng nào  còn tranh chấp là một chuyện hoàn toàn khác. Nếu các ông động chạm đến phần lãnh thổ thiêng liêng của “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” thì chính là các ông đang “kích hoạt” tinh thần quật cường của người Việt.  Ông biết đấy, người Việt Nam bản tính nhẫn nhục, nhẫn nhục đến nỗi bị các ông khinh miệt thì phải (?). Nhưng chắc ông cũng biết, hễ khi đã phải đánh thì đánh đến cùng, đánh đến thắng lợi thì mới thôi. Điều này ông có thể đọc thấy trong lịch sử Trung Quốc và cũng thấy từ kinh nghiệm của quân  Nguyên-Mông và của các thực dân Pháp, Mỹ. Và chắc ông cũng thừa biết biết khi mục đích của các ông không đạt được thì những hậu quả còn khủng khiếp hơn nhiều, nhất là khi bản thân nước Trung Quốc của ông cũng đang còn rất nhiều vấn đề ngỗn ngang bên trong nó.  
Tôi nói đến đây chắc ông lại nghĩ, Việt Nam thắng đươc Pháp, Mỹ là nhờ ơn Trung Quốc, và rồi ông lại tuôn ra hàng tràng những lời trách móc thậm tệ và không quên đi tới kết luận: “Phải dạy cho Việt nam” những bài học (!?) Nếu vậy thì tôi cũng xin thưa, có thể nói rằng không ai được lợi nhiều bằng Trung Quốc từ  cuộc chiến đấu của người Việt Nam chống lại các thế lực đế quốc. Chính một số người lãnh đạo Trung Quốc mà tiêu biểu là ông Đặng Tiểu Bình cùng với các cuộc chiến tranh xâm lược mà họ vừa gây ra đối với Việt Nam đã giúp người Việt Nam tỉnh ngộ. Tôi tin rằng với đà này, và chỉ có sự thật này, người Việt Nam sẽ dứt khoát đoạn tuyệt với mối quan hệ bất bình đẳng với người Trung Quốc. Nhân dân Việt Nam dù coi trọng những giá trị tự nhiên  của mối quan hệ truyền thống (cả tốt lẫn xấu) với nhân dân Trung Quốc, nhưng có lẽ giờ đây đã quá đủ  để nói lời chia tay với mối quan hệ bất bình đẳng truyền kiếp của quá khứ.  Liên quan đến hệ quả này, xin ông hãy để vài phút nhìn ngó xung quanh để thấy có bao nhiêu nước láng giềng của Trung Quốc còn thực sự là bạn của Trung quốc?  Tục ngữ Hán-Việt đều có câu: “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Vậy mà tiếc thay các ông đang hành xử  hoàn toàn ngược lại.
Cảm ơn ông và xin gửi ông lời chào trân trọng.  
Thay mặt dân chài Quảng Ngãi, Việt Nam
T.K.N.






Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Tản mạn về "Tây hóa"

Tác giả: Phạm Gia Minh; nguồn: Boxitvn; hình minh họa của chủ blog
Nghe râm ran đâu đây câu chuyện thời sự về những người “bạn quốc tế hảo tâm vốn sẵn tình cảm chân thành “ với Việt Nam đã khuyên chúng ta phải tránh 3 xu hướng nguy hiểm, đó là “Tây hóa”, “ tha hóa” và thoái hóa”. Tha hóa và thoái hóa thì rõ ràng chẳng ai muốn và nhất thiết phải chống quyết liệt, thế nhưng “Tây hóa” là thế nào đây khiến không ít người hoài nghi, thắc mắc.
Nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm lại thấy khó – chống thế nào đây khi Việt Nam đã giã từ chữ tượng hình Hán Nôm với bao bất cập, rối rắm và nhược điểm để phổ cập chữ quốc ngữ gốc Latinh- một hệ thống ký tự của văn hóa Phương Tây đích thực, giúp quảng đại quần chúng dễ dàng tiếp cận kiến thức và xây dựng phong cách tư duy khoa học, mạch lạc. Ngôn ngữ và chữ viết chính là con thuyền chở tư tưởng đi xa và người Việt Nam cần phải cám ơn lịch sử đã cho chúng ta một cơ hội để trang bị cho bản thân một công cụ tiện lợi và sắc bén, đó là chữ quốc ngữ ngày nay. Trong số rất nhiều các nước Á Châu, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia đã thành công trong việc dám từ bỏ những bất cập trong hành trang văn hóa truyền thống để tiếp thu văn minh Phương Tây năng động, khoa học.

Ảnh tư liệu: Hà Nội thời Pháp thuộc
Chẳng phải Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng đã trích dẫn các lý tưởng về Tự do - Bác ái - Bình đẳng - Nhân quyền của các cuộc cách mạng xã hội ở Phương Tây như những hình mẫu mà nhân dân chúng ta hằng mơ ước đó sao?
Nhìn lại lịch sử, Phương Đông tuy có bề dày lịch sử hàng ngàn năm nhưng lại là một đêm dài của xã hội toàn trị nơi quyền lực chi phối hết thảy, còn mạng sống của các “thần dân bé nhỏ, bất lực và thụ động” có khác gì con ong, cái kiến. Đó là mô thức phát triển ngưng đọng, trì trệ, ngột ngạt kéo dài triền miên mà không có thay đổi về cấu trúc và tiến bộ xã hội. Trái lại, tuy còn có những hạn chế và bất cập nhưng Phương Tây đã xây dựng nên những khái niệm và hình mẫu về Dân chủ - Nhân quyền - Bình đẳng - Bác ái và tiến bộ xã hội. Trên cơ sở đó mà hình thành nên mô hình nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự được đa số các quốc gia thịnh vượng ngày nay áp dụng. Có thể nói Phương Tây đã đóng góp phần lớn các giá trị và chuẩn mực văn minh mang tính phổ quát toàn cầu, làm nền tảng cho các sinh hoạt cộng đồng quốc tế hiện nay.
Phương Tây với lối tư duy hệ thống, năng động, phóng khoáng và mạch lạc đã xây dựng nên nhiều ngành khoa học mang giá trị thực chứng và các ngành sản xuất năng suất cao mang lại hạnh phúc cho nhân loại, trong khi đó Phương Đông mặc dù có những nền văn minh lâu đời nhưng không thể vượt ra khỏi những giáo điều cứng nhắc và không thể hệ thống hóa lại những kiến thức mang nặng tính chiêm nghiệm để nâng lên tầm khoa học.
Trung Quốc trong hơn 30 năm trở lại đây đã tiến hành “4 hiện đại hóa” trên cơ sở học tập khá kỹ và toàn diện những kiến thức kinh doanh và quản trị xã hội của Phương Tây. Hàng trăm ngàn sinh viên đã được gửi sang các nước Phương Tây học tập và ngày nay không hiếm những lãnh đạo trẻ Trung Quốc đã từng được tu luyện về quản trị cao cấp ở các trường như MIT, Harvard, Cornell, v.v. Gần đây Trung Quốc còn mạnh dạn thuê các CEO từ các nước Phương Tây phát triển và áp dụng nhiều chuẩn mực quốc tế để quản trị các tập đoàn kinh tế nhà nước và xu hướng này cũng đang được nhiều doanh nghiệp tư nhân noi theo. Mua lại, sáp nhập các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ và Châu Âu với giá hời nhân cơ hội khủng hoảng kinh tế, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tình báo công nghiệp tại các trung tâm kỹ nghệ quan trọng của Phương Tây nhằm lấy cắp bí mật đang là một chính sách dài hơi của Bắc Kinh.
Nếu như chúng ta đã tiến hành “cải tạo tư sản” sau tháng 4/1975 bằng cách quốc hữu hóa nhiều nhà máy, xí nghiệp và cơ sở kinh doanh khiến sản xuất đình trệ, nhân lực có tay nghề cao ly tán thì Trung Quốc đã khôn ngoan sử dụng sự trở về với đại lục của Hồng Kông năm 1997 như một cơ hội ngàn vàng để học cách kinh doanh hiện đại của Phương Tây một cách rất triệt để, góp phần nâng cao năng lực hội nhập toàn cầu của các doanh nghiệp nội địa. Chính sách thu hút vốn và nhân tài Hoa kiều ở các quốc gia Phương Tây của Trung Quốc có nhiều điểm khiến chúng ta phải học hỏi.
Giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế của Trung Quốc đã vững mạnh thì việc các nhà quản trị và học giả của họ quảng bá những luận thuyết phát triển riêng mang màu sắc Trung Hoa và đầy tinh thần dân tộc cũng là lẽ thường tình. Tuy vậy Trung Quốc vẫn chưa đạt được bình đẳng xã hội khi hệ số Gini có xu hướng tăng liên tục và đạt mức khá cao trong những năm gần đây (khoảng 0.47 – theo Wikipedia) khiến hàng năm có tới hơn 100.000 cuộc biểu tình, bãi công. [Chỉ số Gini bằng 0 có nghĩa là mọi người đều có thu nhập như nhau; bằng 1 nghĩa là một người có tất cả thu nhập, còn những người khác không có chút thu nhập nào – BVN]; tham nhũng đã trở thành con bệnh trầm kha và bức tranh an sinh - xã hội mang nhiều gam màu u tối nếu so sánh với nhiều quốc gia Phương Tây khác, đặc biệt là những nước Bắc Âu theo mô hình xã hội - dân chủ.
Tham gia vào các tổ chức toàn cầu như WTO, IMF, World Bank, v.v. vận hành chủ yếu theo các chuẩn mực Phương Tây bắt buộc những quốc gia thành viên phải thực hiện hợp chuẩn mọi hoạt động kinh tế - xã hội trong nước. Khó có thể tưởng tượng liệu chúng ta lại một mình chơi theo một kiểu riêng biệt khi mà ngay cả Trung Quốc cũng đang tích cực chơi theo luật quốc tế để hướng tới một vai trò lãnh đạo trong các tổ chức đó, xứng với tầm cỡ của họ hiện nay.
Nhớ lại lịch sử dân tộc đầy những biến cố đau thương, ngay cả khi Việt Nam hoàn toàn nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa và mô thức phát triển Phương Đông kiểu Trung Hoa thì nhà Minh vẫn cho hủy hoại, cướp đi mọi giá trị văn hóa mang dấu ấn và hồn Việt của chúng ta. Đối với các dân tộc lân bang, từ ngàn xưa các vua chúa Trung Hoa vẫn có chính sách kìm hãm phát triển để dễ bề thôn tính. Ngay cả đối với môn phong thủy, các vua chúa Trung Hoa đã chủ ý phát tán những sách vở được gọi là “ngụy thư” nhằm đưa các quốc gia nằm trong vòng ảnh hưởng của họ mãi mãi rơi vào cái tâm thế “mê lú, luẩn quẩn” nên không thể tự lực, tự chủ vươn lên thoát ra khỏi vòng cương tỏa về tư tưởng của họ được, còn các “chính thư” thì được họ giữ kín để dùng riêng. Điều này chỉ được tiết lộ cho thế giới bên ngoài cung đình Trung Hoa biết khi Anh quốc xâm chiếm Trung Hoa (1).
Dân tộc Nhật Bản rất đáng được chúng ta khâm phục và ngưỡng mộ khi cách đây hơn 100 năm họ đã có những đại diện cho giới trí thức tinh hoa như Fukuzawa Yukichi dám dũng cảm đương đầu với những thế lực phong kiến hủ lậu khi ông cho công bố văn kiện có ý nghĩa canh tân toàn diện đất nước “Thoát Á luận”.
Ngày nay không ai có thể nói nước Nhật không còn giữ được những nét văn hóa và giá trị tinh thần truyền thống của mình, quả thực người Nhật đã “Tây hóa” để trở thành một quốc gia thịnh vượng, văn minh mà vẫn không bị “hóa Tây”. Chúng ta hẳn còn nhớ những hình ảnh sống động về con người và tính cách Nhật Bản khi cách đây đúng một năm, thảm họa sóng thần khủng khiếp ập đến, dân tộc Nhật đã bình tĩnh và can đảm như thế nào đương đầu với khó khăn để rồi lại tiến lên không ngừng. Xa hơn, cách đây hơn một thế kỷ, trước làn sóng thôn tính thị trường thế giới của Phương Tây mạnh mẽ và kéo dài hơn mọi con sóng thần, người Nhật đã rất thông minh áp dụng chiến lược “học Phương Tây để thắng Phương Tây”.
Hãy tiếp thu những bài học “Tây hóa” từ lịch sử các quốc gia Châu Á thành công. Viết tới đây, tôi bỗng nhớ tới những lời rất tâm huyết của một nhà văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX: “Lịch sử không chỉ có tác dụng giáo dục; nó còn khích lệ. Nó làm nguôi ngoai, đem lại sự bình tâm; nó xoa dịu những nôn nóng cũng như những lo âu và cung cấp chỗ dựa cho niềm tin và hy vọng….” và “khi ta có được cái may mắn thuộc về một dân tộc có sau lưng mình hai mươi lăm thế kỷ lịch sử, thì trong những lúc thất vọng hay hoài nghi, sẽ là một khích lệ tuyệt diệu nếu biết nhớ lại thiên sử thi anh hùng dài lâu của tổ tiên và rút lấy từ trong các bài học của quá khứ những sức mạnh cần thiết để đối mặt với hiện tại và chuẩn bị cho tương lai”.(2).
Chỉ bằng cách đó mới không bị rơi vào cái thế hoang mang như kẻ “đẽo cày giữa đường” và có khi còn bị kẻ xấu “xui trẻ con ăn cứt gà sáp” như dân gian vẫn thường nhắc nhở.
Thăng Long - Hà Nội 6/3/2012
P. G. M.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
(1). Raymond Lo 2008. Phong thủy và số mệnh đối với các nhà quản lý (bản dịch của Phạm Gia Minh). Hà Nội: NXB Tri thức.
(2).Phạm Quỳnh 2007. Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932. Hà Nội: NXB Tri thức.
----------------

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Nghe người Tàu nói về Mỹ để nghĩ về Việt Nam

Chủ blog tôi thấy trên mạng có bài này ngắn gọn mà khá thú vị...xin phép cóp về làm tư liệu (đúng như ý định của cái tiêu đề đặt lại trên đây). Mọi thứ khác vẫn giữ nguyên bản. Mới bạn đọc tham khảo và thảo luận càng tốt.   

Sự đáng sợ của nước Mỹ?
Tác giả: Lưu Ấ Châu hiện  là Chủ nhiệm chính trị bộ đội Không quân, Quân khu Bắc Kinh.
Bài đã được lưu truyền trên mạng internet từ nguồn:Bất Khuất.net

 
Trong quá khứ, vì để giúp Trung Quốc thoát khỏi ách thống trị thực dân mà Mỹ đánh bại Nhật, họ có cống hiến lớn đối với tiến bộ văn minh của xã hội Trung Quốc.
Hai nước Trung Quốc- Mỹ không có xung đột lợi ích căn bản. Ngày nay, do lợi ích của Mỹ rải khắp toàn cầu nên 2 nước có xung đột. Nhưng chúng ta vẫn phải dùng tấm lòng đạo đức để bình xét sự vật chứ không thể kích động. Tôi từng nói rằng đối với Nhật, một nước từng tàn sát mấy chục triệu đồng bào ta, mà chúng ta thường xuyên nói 2 nước “phải đời đời kiếp kiếp hữu hảo với nhau”. Thế thì chúng ta có lý do nào để căm ghét nhân dân Mỹ từng giúp ta đánh bại Nhật?
Đâu là chỗ thực sự đáng sợ của nước Mỹ?
Tuy rằng Mỹ có quân đội mạnh nhất thế giới, khoa học kỹ thuật tiến bộ nhất thế giới, nhưng tôi cho rằng những cái đó không đáng sợ. Nghe nói máy bay tàng hình của Mỹ thường xuyên ra vào bầu trời Trung Quốc rất thoải mái, nhưng điều ấy chẳng có gì đáng sợ cả. Cái đáng sợ của họ không phải là những thứ ấy.
Năm 1972, tôi học ở Đại học Vũ Hán, lên lớp giờ chính trị. Một thầy giáo khoa chính trị nói: “Nước Mỹ là đại diện của các nước tư bản mục nát, suy tàn, đã sắp xuống mồ, hết hơi rồi.” Tôi, một sinh viên công nông binh mặc bộ quân phục, đứng ngay lên phản bác: “Thưa thày, em cảm thấy thầy nói không đúng ạ. Tuy rằng nước Mỹ không giống Trung Quốc là mặt trời nhô lên lúc 8- 9 giờ sáng, nhưng Mỹ cũng chẳng phải là mặt trời đang lặn gì gì đó, mà là mặt trời lúc giữa trưa ạ.”
Thầy giáo bực mình, tái mét mặt ấp úng nói: “Cái cậu học sinh này, sao dám nói thế hả!” Ông ấy không hỏi tôi tại sao lại nói thế, mà dùng một chữ “dám”. Lúc đó tôi thấy hết tâm trạng của ông.
Chính là cái nước tư bản mục ruỗng suy tàn ấy vào thập niên 90 thế kỷ trước đã lãnh đạo cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới nhất trên thế giới. Tôi tốt nghiệp đại học đúng vào lúc bắt đầu cải cách mở cửa. Tôi lại có một quan điểm: Nước Mỹ là quốc gia do hàng chục triệu con người không yêu tổ quốc mình hợp thành, nhưng họ đều rất yêu nước Mỹ. Hồi ấy rất nhiều người lãnh đạo vừa chửi Mỹ vừa gửi con cái mình sang Mỹ. Một sự tương phản lớn!
Vậy thì cái đáng sợ của Mỹ là ở đâu? Tôi cảm thấy có ba điểm.
Điểm thứ nhất, không thể coi thường cơ chế tinh anh của Mỹ. Chế độ cán bộ, chế độ tranh cử của Mỹ có thể bảo đảm những người quyết sách đều là tinh anh. Bi kịch của Trung Quốc chúng ta, lớn đến nhà nước, nhỏ tới từng đơn vị, phần lớn tình hình là người có tư tưởng thì không quyết sách, người quyết sách thì không có tư tưởng. Có đầu óc thì không có chức vụ, có chức vụ thì không có đầu óc.
Nước Mỹ ngược hẳn lại, cơ chế hình tháp của họ đưa được những người tinh anh lên. Nhờ thế, 1 là họ không mắc sai lầm; 2 là họ ít mắc sai lầm; 3 là mắc sai lầm thì có thể nhanh chóng sửa sai. Chúng ta thì mắc sai lầm, thường xuyên mắc sai lầm, mắc sai lầm rồi thì rất khó sửa sai.
Mỹ dùng một hòn đảo Đài Loan nhỏ xíu để kiềm chế Trung Quốc chẵn nửa thế kỷ. Nước cờ này họ đi thật linh hoạt, thật thần kỳ. Một Đài Loan làm thay đổi hẳn sinh thái chính trị quốc tế. Điều tôi lo ngại nhất là bộ khung chiến lược phát triển Trung Quốc trong thế kỷ mới sẽ vì vấn đề Đài Loan mà biến dạng. Ngày nay, đối với các dân tộc có thế mạnh thì tính quan trọng của lãnh thổ đã giảm nhiều, đã chuyển từ tìm kiếm lãnh thổ sang tìm kiếm thế mạnh của quốc gia.
Người Mỹ không có yêu cầu lãnh thổ đối với bất cứ quốc gia nào. Nước Mỹ không quan tâm lãnh thổ, toàn bộ những gì họ làm trong thế kỷ XX đều là để tạo thế. Tạo thế là gì? Ngoài sự lớn mạnh về kinh tế thì là lòng dân chứ còn gì nữa! Có lòng dân thì quốc gia có lực ngưng tụ, lãnh thổ mất rồi sẽ có thể lấy lại. Không có lòng dân thì khẳng định đất đai sở hữu sẽ bị mất. Có nhà lãnh đạo quốc gia chỉ nhìn một bước. Nước Mỹ hành sự thường nhìn 10 bước. Vì thế cho nên mỗi sự kiện lớn toàn cầu xảy ra sau ngày Thế chiến II chấm dứt đều góp phần làm tăng cường địa vị nước Mỹ. Nếu chúng ta bị họ dắt mũi thì có thể sẽ mất hết mọi con bài chiến lược.
Tôi nhiều lần nói là trung tâm chiến lược của Mỹ sẽ không chuyển sang châu Á đâu, song điều đó không có nghĩa là Mỹ không bao vây Trung Quốc. Rất nhiều bạn chỉ thấy Mỹ bao vây Trung Quốc về quân sự, cũng như rất nhiều người chỉ thấy khoảng cách chênh lệch về KHKT và trang bị vũ khí giữa 2 nước mà chưa nhìn thấy sự mất cân đối nghiêm trọng hơn sự lạc hậu về trang bị trên mặt chiến lược lớn, nhất là trên tầng nấc ngoại giao.
Sau vụ 11/9, Mỹ nhanh chóng chiếm Afghanistan trong vòng 2 tháng, từ phía Tây bao vây Trung Quốc. Sức ép quân sự của Nhật, Đài Loan, Ấn Độ cũng chẳng bớt đi. Xem ra chúng ta giành được từ vụ 11/9 một số lợi ích trước mắt, song các lợi ích đó không quá 1- 2 năm có thể biến mất. Tôi cho rằng bao vây chiến lược đối với Trung Quốc là một kiểu khác, không phải là quân sự mà là siêu việt quân sự.
Bạn xem đấy, mấy năm gần đây các nước xung quanh Trung Quốc tới tấp thay đổi chế độ xã hội, biến thành cái gọi là quốc gia “dân chủ”. Nga, Mông Cổ thay đổi rồi, Kazakhstan thay đổi rồi. Cộng thêm các nước trước đây như Hàn Quốc, Phillippines, Indonesia, lại cộng thêm vùng Đài Loan. Đối với Trung Quốc, sự đe doạ này còn ghê gớm hơn đe doạ quân sự. Đe doạ quân sự có thể là hiệu ứng ngắn hạn, còn việc bị cái gọi là các quốc gia “dân chủ” bao vây là hiệu ứng dài hạn.
Điểm thứ hai, sự độ lượng và khoan dung của nước Mỹ. Bạn nên sang châu Âu, sau đó sang Mỹ, bạn sẽ thấy một sự khác biệt lớn:
Sáng sớm, các đường phố lớn ở châu Âu chẳng có người nào cả, còn tại Mỹ sáng sớm các phố lớn ngõ nhỏ đều có rất nhiều người tập thể dục, thậm chí cả ngày như thế. Tôi có một câu nói: Tập thể dục là một phẩm chất, tập thể dục đại diện cho một kiểu văn hoá khí thế hừng hực đi lên.Một quốc gia có sức sống hay không, chỉ cần xem có bao nhiêu người tập thể dục là biết.
Người Mỹ có thể lấy quốc kỳ làm quần lót để mặc. Hồi ở Mỹ tôi có mua một chiếc quần cộc cờ sao vạch. Tôi thường xuyên mặc chiếc quần ấy. Tôi mặc nó là để khinh miệt nó, là để trút giận, là một dạng trút sự bực bội và thoả mãn về tâm lý. Người Mỹ mặc nó là sự trêu chọc bỡn cợt, bản chất khác. Người Mỹ có thể đốt quốc kỳ nước mình ngoài phố. Đới Húc [7] nói: Nếu một quốc gia có thể đốt cả quốc kỳ của mình thì anh còn có lý do nào đi đốt quốc gia ấy nữa?
Điểm thứ ba, sức mạnh vĩ đại về tinh thần và đạo đức. Đây là điều đáng sợ nhất. Vụ 11/9 là một tai nạn. Khi tai hoạ ập đến, thể xác ngã xuống trước tiên, nhưng linh hồn vẫn đứng. Có dân tộc khi gặp tai nạn thể xác chưa ngã mà linh hồn đã đầu hàng. Trong vụ 11/9 có xảy ra 3 sự việc đều có thể để chúng ta qua đó nhìn thấy sức mạnh của người Mỹ. Việc thứ nhất, sau khi phần trên toà nhà Thương mại thế giới bị máy bay đâm vào, lửa cháy đùng đùng, tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Khi mọi người ở tầng trên qua cửa thoát hiểm chạy xuống phía dưới, tình hình không rối loạn lắm.
Người ta đi xuống, lính cứu hoả xông lên trên. Họ nhường lối đi cho nhau mà không đâm vào nhau. Khi thấy có đàn bà, trẻ con hoặc người mù tới, mọi người tự động nhường lối đi để họ đi trước. Thậm chí còn nhường đường cho cả một chú chó cảnh. Một dân tộc tinh thần không cứng cáp tới mức nhất định thì dứt khoát không thể có hành vi như vậy. Đứng trước cái chết vẫn bình tĩnh như không, e rằng không phải là thánh nhân thì cũng gần với thánh nhân.
Việc thứ hai, hôm sau ngày 11/9, cả thế giới biết vụ này do bọn khủng bố người A Rập gây ra. Rất nhiều cửa hàng, tiệm ăn của người A Rập bị những người Mỹ tức giận đập phá. Một số thương nhân người A Rập cũng bị tấn công. Vào lúc đó có khá nhiều người Mỹ tự phát tổ chức đến đứng gác trước các cửa hiệu, tiệm ăn của người A Rập hoặc đến các khu người A Rập ở để tuần tra nhằm ngăn chặn xảy ra bi kịch tiếp theo.
Đó là một tinh thần thế nào nhỉ. Chúng ta thì từ xưa đã có truyền thống trả thù. Thành Đô nơi tôi ở, ngày xưa Đặng Ngải [8] sau khi chiếm được Thành Đô, con trai của Bàng Đức [9] giết sạch giá trẻ gái trai gia đình Quan Vũ. Trả thù đẫm máu, lịch sử loang lổ vết máu không bao giờ hết.
Việc thứ ba, chiếc máy bay Boeing 767 bị rơi ở Pennsylvania vốn dĩ bị không tặc dùng để đâm vào Nhà Trắng. Sau đấy hành khách trên máy bay vật lộn với bọn khủng bố nên mới làm máy bay rơi. Vì lúc ấy họ đã biết tin toà nhà Thương mại thế giới và Lầu Năm Góc bị máy bay đâm vào nên họ quyết định không thể không hành động, phải đấu tranh sống chết với bọn khủng bố.
Cho dù trong tình hình ấy họ còn làm một chuyện thế này: Quyết định biểu quyết thông qua có nên chiến đấu với bọn khủng bố hay không. Trong giờ phút quan hệ tới sự sống chết ấy, họ cũng không cưỡng chế ý chí của mình lên người khác. Sau khi toàn thể mọi người đồng ý, họ mới đánh bọn không tặc. Dân chủ là gì; đây tức là dân chủ. Ý tưởng dân chủ đã thấm vào sinh mạng của họ, vào trong máu, trong xương cốt. Một dân tộc như thế mà không hưng thịnh thì ai hưng thịnh. Một dân tộc như thế không thống trị thế giới thì ai có thể thống trị thế giới.



Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này