Hòn đảo này được Trung Quốc đổ thêm bê tông để biến thành đảo nhân tạo có diện tích bằng 17 sân bóng đá (khoảng 1.700m). Những bức ảnh được Hoàn Cầu thời báo Trung Quốc đăng tải cho thấy công việc xây dựng đang gấp rút diễn ra.
Trung Quốc đang gấp rút xây dựng công trình trên đảo Gạc Ma
‘Xe cơ giới chạy rầm rập, đất đá chất cao như núi, việc bê tông hóa hòn đảo đang diễn ra khẩn trương’, tờ Kanwa của Canada cho biết.
Toàn bộ hòn đảo có chiều dài 5.000m, rộng 400m, giới phân tích cho rằng Trung Quốc toan tính biến Gạc Ma thành cơ sở không quân.
Theo tính toán của Hoàn Cầu thời báo, đảo Gạc Ma cách TP.HCM 830km; cách Manila 890km; cách eo biển Malacca, cửa ngõ Biển Đông khoảng 1.500km. Nếu Trung Quốc cho xây đường băng dài 2.000m trên đảo Gạc Ma, các chiến đấu cơ Su-30; J-10; J-11 sẽ có khả năng tác chiến vươn tới tận Malacca.
Theo Hoàn Cầu thời báo, Trung Quốc đang tập trung xây dựng nhiều công trình ở phía Tây đảo Gạc Ma, có chiều dài lên đến 4.04km.
Mô hình xây dựng đảo Hoàng Sa trong tương lai (Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974 đến nay)
Trong khi đó, phía Đông Bắc sẽ được xây thành cảng, cung cấp khả năng ra vào cho tàu khu trục hạm cỡ lớn.
Đài Loan cũng sẽ chịu uy hiếp nhất định từ phía đảo Gạc Ma, bởi nơi này cách đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng trái phép của Việt Nam khoảng 72km.
Tờ Kanwa nhận định với năng lực tác chiến hiện nay, Trung Quốc có thể ‘dễ dàng chiếm đảo Ba Bình’, bắt giữ toàn bộ quân nhân Đài Loan trên đảo để ra điều kiện đàm phán với Đài Bắc.
Trung Quốc cũng đang xây dựng, kiên cố hóa đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này xâm chiếm trái phép năm 1974.
Theo tờ Want China Times của Đài Loan, khi hai hòn đảo này được xây dựng xong, Trung Quốc hoàn toàn có thể lắp đặt radar tầm xa, sóng vô tuyến và các thiết bị giám sát trên không, trên biển.
Toàn bộ các quốc gia Đông Nam Á, cho đến tận Singapore đều nằm trong tầm kiểm soát của radar Trung Quốc.
Trong khi Mỹ tuyên bố ‘xoay trục sang châu Á’, động thái mới này của Trung Quốc được cho là sẽ tạo áp lực đáng kể lên hạm đội Thái Bình Dương nổi tiếng của Mỹ.
Tờ Want China Times nhận xét, việc xây các căn cứ quân sự ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) và đảo Gạc Ma (Trường Sa) sẽ giúp quân đội Trung Quốc tiến thêm 850km trên Biển Đông.
Tờ báo này cho rằng ngay khi hải quân Mỹ qua eo biển Malacca vào Biển Đông, mọi động tĩnh sẽ khó lọt qua hệ thống radar Trung Quốc bố trí ở hai đảo nêu trên.
Tờ Want China Times dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã cài đặt nhiều thiết bị dò sóng âm tàu ngầm, do thám tín hiệu tàu chiến ở nhiều điểm đảo trên Biển Đông.
Trung Quốc cũng xây nhiều trạm radar có khả năng phát hiện tàu chiến và các hoạt động chuyển quân của Mỹ, Việt Nam và Malaysia.
Tờ báo của Đài Loan nói Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch xây đảo nhân tạo trên nền một số đảo san hô mà nước này chiếm đóng trái phép, nhưng số lượng đảo là bao nhiêu thì không được Want China Times tiết lộ.
Theo trang tin quân sự Trung Quốc Chinamil, Bắc Kinh cũng đang xúc tiến xây dựng các công trình trên đảo đá Chữ Thập ở Trường Sa (Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Thử).
Hiện tại, Trung Quốc đã cho xây dựng đảo nhân tạo rộng 90m2 ở đảo đá Chữ Thập, có sân bay trực thăng, radar, thiết bị giám sát vô tuyến, cung cấp chỗ neo đậu cho tàu khu trục hạm cỡ nhỏ.
Phóng viên: Phương Mai