Một đội trực thăng của PLA -Ảnh Xinhua |
Theo Báo Tuổi trẻ ngày 19/1/1013-Báo Bình Quả của Hong Kong ngày 17-1 ghi nhận tần suất
xuất hiện khác thường của từ “chiến tranh” kèm theo những lời kêu gọi,
khiến dư luận cảm thấy chiến tranh dường như đang đến rất gần!
Thật ra từ tháng 4-2012 đến nay, truyền thông Trung
Quốc nhiều lần đăng tải những lời kêu gọi chiến tranh của giới chức cấp
cao và những bài báo kêu gọi quân đội sẵn sàng cho chiến tranh như một
cách công khai quan điểm “cứng rắn” và hiếu chiến của Bắc Kinh, nhất là
từ khi tranh chấp trên biển Đông giữa Trung Quốc với Philippines và trên
biển Hoa Đông với Nhật Bản leo thang.
Truyền thông lớn vào cuộc
Nếu như trước đây Thời Báo Hoàn Cầu là tờ báo thường đề
cập hai từ “chiến tranh” khi tranh chấp với các nước trong khu vực ngày
càng leo thang thì hiện nay nhiều cơ quan truyền thông lớn của Trung
Quốc như Đài truyền hình CCTV, Tân Hoa xã và hàng loạt tờ báo lớn khác
cũng tham gia.
Đầu tiên là báo Giải Phóng Quân ngày 14-1 đăng tải trên
trang 1 “Chỉ thị huấn luyện 2013” yêu cầu toàn quân “tăng cường tư
tưởng chiến tranh, tăng cường ý thức tai họa, ý thức nguy cơ, ý thức sứ
mệnh, nâng cao năng lực chiến đấu và chuẩn bị các tình huống chiến
tranh...”. Trong bài viết không hơn 1.000 từ này, từ “chiến tranh” được
lặp lại hơn 10 lần.
Chỉ một ngày sau, Thời Báo Hoàn Cầu đăng xã luận “Sau
gần 30 năm hòa bình, chúng ta cần nhìn nhận chiến tranh như thế nào?”,
trong đó cho rằng dù chiến tranh đã lùi xa 30 năm, song cũng cần phải để
xã hội hiện nay suy nghĩ lại việc nên nhìn nhận như thế nào về chiến
tranh.
Sau đó ngày 18-1, Đài truyền hình trung ương CCTV đăng
tải thông tin chi tiết về quy mô và hoạt động của tất cả bảy quân khu
lớn thuộc quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), trong đó kèm bản đồ
chi tiết vị trí cũng như quân số của từng quân khu. Thông tin này xuất
hiện đúng vào thời điểm hàng loạt hoạt động quân sự khác đang diễn ra
khắp nước. Những tiết lộ này như Nhật Báo Quang Minh mô tả là để “dân
thấu hiểu, gần gũi và ủng hộ mạnh mẽ hơn các hoạt động quân sự của PLA”,
trong đó có cả việc sẵn sàng cho những cuộc chiến tranh.
Bình luận về xã luận của Thời Báo Hoàn Cầu, báo Bình
Quả nhận xét ngôn từ bài viết không mang câu từ “đằng đằng sát khí” và
không thể hiện thái độ mạnh mẽ hay “chói tai chướng mắt” so với bài viết
trên báo Quân Giải Phóng, nhưng không nên đánh giá thấp bài xã luận
không mang đậm mùi thuốc súng này. Bởi chủ đề bài xã luận đưa ra cho
người đọc suy nghĩ chính là vấn đề chiến tranh, thực chất là chuẩn bị dư
luận và tâm lý cho xã hội trước một cuộc chiến có thể xảy ra. Điều này
rõ ràng đi ngược với giai điệu chủ đạo trong đối ngoại của Trung Quốc kể
từ khi cải cách mở cửa đến nay là trỗi dậy hòa bình và Trung Quốc không
đe dọa bất cứ quốc gia nào. Điều này cũng hoàn toàn khác và xoay chuyển
180 độ so với chiến lược “giấu mình” của Đặng Tiểu Bình.
Những lời lẽ “đao to búa lớn”
Báo Bình Quả đặt câu hỏi: Liệu đây là phản ứng của
Trung Quốc khi đối mặt với thách thức bên ngoài hay những người lãnh đạo
đưa ra sách lược mới nhằm giải quyết khó khăn hiện thời? Nhưng việc
thông tin “chiến tranh” như vậy chắc chắn là một tín hiệu quan trọng,
một thông tin không tốt lành. Báo này kết luận: vấn đề là Trung Quốc hô
hào chiến tranh như vậy, nhưng liệu Trung Quốc có thật sự muốn chiến
tranh hay không?
Reuters dẫn lời ông Andrei Chang, tổng biên tập Kanwa
Defence Review, nhận định tuyên bố của PLA năm 2013 mạnh mẽ hơn trước
đây. Song một số chuyên gia cho rằng đây chỉ là những lời lẽ “đao to búa
lớn” của giới quân sự Trung Quốc nhằm mục đích tuyên truyền quan điểm
lãnh đạo mới của nước này.
Phó giáo sư James Holmes, thuộc Đại học Chiến tranh hải
quân Mỹ, nhận định Bắc Kinh sẽ chỉ dám duy trì những cuộc tấn công nhỏ
và thực hiện một cách mờ ám nhất có thể. Lực lượng quân sự hùng hổ mà
Trung Quốc phô trương hiện nay chỉ “nhát ma” đối thủ.
--------------