Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Hãy hỏi dân chài để biết chủ quyền còn hay mất

  

       Thuyền trưởng tàu Hoàng Sa kể chuyện bị tàu Trung Quốc đẩy, đuổi

TP - Dù kiên cường bám biển, liên tục ra khơi Hoàng Sa, nhưng ngư dân Miền Trung vẫn lép vế trước đội tàu hùng hậu và ngày càng tỏ ra thiếu thân thiện của phía Trung Quốc.
Thuyền trưởng Lê Văn Ninh bên con tàu đang được đóng mới. Ảnh: Nam Cường
Thuyền trưởng Lê Văn Ninh bên con tàu đang được đóng mới. Ảnh: Nam Cường.
Trở về từ Hoàng Sa, nơi quần đảo của Việt Nam đang nóng bỏng bởi hàng loạt vụ đẩy đuổi, đe dọa của Trung Quốc, thuyền trưởng tàu cá ĐNa 90072 Lê Văn Ninh thốt lên: “32 năm gắn bó với Hoàng Sa, chưa bao giờ thấy buồn như bây giờ”.

Lăn lộn với biển từ nhỏ, 25 tuổi trở thành thuyền trưởng con tàu 150 mã lực (sau này nâng cấp lên 550CV) tung hoành ở Hoàng Sa, nhưng sau những chuyến đi biển cuối năm 2012, anh Ninh mới thấm thía nỗi đau, sự mất mát.
Tháng 10, chạy vào đảo Trụ Cẩu để tránh bão, anh hoàn toàn bất ngờ khi thấy tàu cá Trung Quốc chắn ngang, xua đuổi. Vẫn cố cho tàu vào đảo thì bất ngờ 2 tàu cá bằng sắt của Trung Quốc áp sát, bên trên, ngư dân lăm lăm giáo mác. Dù không sợ, nhưng biết đằng sau họ là tàu chiến bảo vệ nên anh Ninh đành ngậm ngùi bẻ lái.
Theo anh Ninh, ngư dân hai nước xưa nay vẫn đánh bắt gần nhau một cách hòa bình ở việc giao lưu, trao đổi lương thực, xăng dầu, thậm chí ngồi nhậu cùng nhau trên tàu không phải chuyện hiếm.
“Nhớ có một lần, vào năm 2007, tàu tui bị hỏng bánh lái, liên lạc với mấy tàu bạn, nhưng tàu nào cũng bận theo luồng cá. Lúc đó trời xẩm tối, nếu không sửa kịp sẽ trôi vô định. Đành đánh liều thả thúng bơi sang một tàu ngư dân Trung Quốc gần đó. Họ đưa đồ nghề, phương tiện rồi sang tận nơi giúp mình, chẳng tính tiền công. Chỉ nói xin ít rượu về uống. Tui xách luôn cả 2 can loại 20 lít đưa sang, cùng uống giao lưu. Vui vẻ lắm. Những lần sau, mức độ thân thiết giữa ngư dân hai nước nhạt dần, nhưng hai bên vẫn cùng khai thác trong hòa bình. Câu chuyện của 6 tháng cuối năm nay lại khác. Họ đã trở mặt 180 độ”, anh nói.
Tự cứu mình
Thuyền trưởng Lê Văn Ninh nói: “Cần phải làm một cái gì đó, phải làm khẩn trương nếu không, tương lai gần, ngư dân Việt sẽ không còn ngư trường để đánh bắt. Bây giờ, phía Trung Quốc đã xua hàng ngàn tàu cá tràn ra biển Đông. Tàu chiến của họ cũng bắt đầu mở không gian kiểm soát. Theo ước tính của tôi, họ nới rộng tầm kiểm soát khoảng 60 hải lý về 3 hướng Tây, Nam và Đông. Đặc biệt là hướng Tây, tức về phía Việt Nam”.
Anh Ninh kể, trong năm 2012, tính riêng ngư dân Đà Nẵng, cứ mỗi đợt ra khơi Hoàng Sa, nhìn đi nhìn lại chỉ thấy đội tàu chừng 10 – 15 chiếc mạnh dạn bám biển.
Tính cả ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi thì con số lên hơn trăm chiếc, nhưng chừng đó là chưa ăn thua so với đội tàu hùng hậu của phía Trung Quốc.
“Người ta thường nói, làm ăn có bạn, cái này trên biển còn cần kíp hơn. Đi biển thời nay sướng gấp trăm lần thời tui mới làm thuyền trưởng. Bây giờ có tàu lớn, ICOM hiện đại, có máy dò ngang tìm luồng cá, tàu cũng nâng mã lực mạnh, thế mà ngư dân không máu vươn xa như thời trước. Kể cũng lạ”.
Hồ hởi với chương trình hỗ trợ đóng mới tàu đánh bắt xa bờ của UBND thành phố Đà Nẵng, anh Ninh lập tức đóng mới một tàu hơn 700 mã lực.
“Trước hết là tự cứu mình. Chỉ 2 tuần nữa thôi, con tàu này sẽ được hạ thủy. Tàu thuộc loại lớn, có thể đánh bắt khơi xa với thời gian trên 2 tháng. Tàu chạy khơi xa được 500 hải lý, mang theo 8.000 lít dầu dự trữ, 10.000 lít nước ngọt, 1.000 cây đá và có thể chứa hơn 40 ngàn tấn cá”.
Đóng mới con tàu, sắm ngư cụ tốn hơn 3 tỷ đồng mà cả nhà gom góp chỉ được 1,5 tỷ, anh Ninh đành lấy giấy tờ nhà, cầm cố thêm được 700 triệu. Con tàu đóng mới được hỗ trợ 600 triệu đồng thì 300 triệu được nhận lúc hạ thủy, 300 triệu được thông báo sẽ nhận sau.
Anh Ninh nói: “Còn cách nào khác hơn là ngư dân trên dưới đồng lòng. Chúng ta phải xuất hiện nhiều, thật nhiều tàu cỡ lớn trên biển Đông để làm đối trọng với ngư dân Trung Quốc, như thế thì họ mới bớt kiêu ngạo, khinh thường và đẩy đuổi. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát, biên phòng, hải quân của ta cũng nên xuất hiện thường xuyên để bảo vệ ngư dân”.
Nam Cường
Nguồn: Tuổi trẻ/tranhung09



Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Việt Nam trong cuộc chơi quyền lực Mỹ - Trung(*)

(*)Đó là tiêu đề bài viết của một tác giar Mĩ đăng trên American Review Magazin. Nhận thấy bài viết đưa ra môt cách nhìn khách quan về một chủ đề đáng quan tâm hàng đầu của Việt Nam và khu vực hiện nay  Bách Việt xin giới thiệu lại để có thêm bạn đọc đồng thời để làm tư liệu tham khảo cho bản thân.   
Liệu Việt Nam có thể vun đắp mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ mà không giẫm lên chân Trung Quốc?
Đầu năm 1833, một phái đoàn Mỹ do Edmund Roberts dẫn đầu đã tới Việt Nam trên chiếc chiến hạm nhẹ USS Peacock neo đậu tại vịnh Vũng Lắm, ngoài khơi tỉnh Phú Yên ngày nay. Với tư cách là một "điệp viên bí mật đặc biệt" của Tổng thống Andrew Jackson, Roberts đã đề xuất ký kết một hiệp định thương mại với nhà Nguyễn nhưng sứ mệnh không hoàn thành do những hiểu lầm từ rào cản ngôn ngữ và chính sách bế quan tỏa cảng lúc bấy giờ của Việt Nam gây ra.
Hai nước đã phải mất 166 năm sau mới có thể đi đến một hiệp định thương mại song phương. Nhiệm vụ dang dở của Roberts là một trong nhiều cơ hội bị bỏ lỡ, mà ngay từ ngày đầu hai bên bắt đầu có những sự tiếp xúc, đã ngăn cản Việt Nam và Mỹ tạo dựng một mối quan hệ vững chắc hơn.
Thế kỷ 20, việc các tương tác kinh tế nghèo nàn cùng những điều kiện bất lợi trong thời kỳ Chiến tranh lạnh đã càng đẩy hai nước rời xa nhau. Việt Nam đã không may mắn khi ở giữa một cuộc đối đầu chiến lược cam go giữa hai khối Đông - Tây khi Chiến tranh lạnh diễn ra mạnh mẽ hơn vào những năm 1950. Khi các chiến sĩ Cộng sản Việt Nam đánh bại quân Pháp và tiến tới thống nhất cả nước vào năm 1954, họ đã vấp phải một chính sách kiềm chế chống cộng sản của phương Tây mà Mỹ là người đứng đầu. Trong khi đó, khối Cộng sản tiếp nhận Việt Nam như một "tiền đồn chống chủ nghĩa đế quốc" ở Đông Nam Á. Cuối cùng, Việt Nam và Mỹ đã rơi vào một cuộc chiến khốc liệt để lại những dấu ấn không thể xóa nhòa trong lịch sử hai nước.
Kết thúc chiến tranh, hai nước phải mất thêm hai thập niên nữa để hàn gắn và bình thường hóa quan hệ, điều mà chỉ đạt được vào năm 1995. Kể từ khi đó, mối quan hệ đã phát triển với tốc độ khiến nhiều nhà quan sát bất ngờ. Mỹ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất và nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 10 của Việt Nam. Quan hệ chính trị cũng vươn tới tầm cao mà cải hai bên đều mong muốn nâng lên tầm quan hệ đối tác chiến lược. Trong khi đó, quan hệ quân sự dù còn khiêm tốn nhưng cũng đang được thắt chặt. Chuyến thăm lịch sử của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tới vịnh Cam Ranh hôm 3/6/2012 chứng minh cho mối quan hệ đang ngày một nồng ấm giữa hai nước.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào bối cảnh lịch sử, với bất cứ ai quan tâm đến mối quan hệ Việt - Mỹ cũng nên xem xét hai câu hỏi quan trọng. Trước hết, do vịnh Cam Ranh cách không xa vịnh Vũng Lắm, chuyến thăm của Panetta gợi lại sứ mệnh của Roberts năm 1833. Liệu Việt Nam sẽ chớp lấy cơ  hội từ sự tái quan tâm của Mỹ đến mình để đảm bảo một mối quan hệ vững chắc hơn với siêu cường số một thế giới, hay sẽ lại để nó trôi qua, như những gì triều đình Huế đã làm vào năm 1833?
Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, một mối quan hệ Việt-Mỹ mạnh mẽ hơn sẽ khó tránh khỏi gây tổn hại đến quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc. Vậy Việt Nam sẽ rơi vào cuộc Chiến tranh lạnh 2.0 và lại trở thành nạn nhân của một cuộc chơi quyền lực mới?
Không giống như thời nhà Nguyễn, Việt Nam ngày nay đã là một quốc gia mở cửa hơn nhiều. Cải cách kinh tế từ những năm 1980 đưa đất nước hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Về mặt này, Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu. Đầu tư từ các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ như Intel đã mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn giúp Việt Nam vươn lên tầm cao mới trong chuỗi giá trị và tạo dựng một nền kinh tế sáng tạo, hiệu quả. Do vậy, Việt Nam muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế với Mỹ. Quyết định tham gia đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là một minh chứng cho điều đó.
Tuy nhiên, việc Việt Nam tích cực cải thiện quan hệ với Mỹ là một chuyện, nhưng mối quan hệ đó sẽ tiến triển bao xa vẫn là điều chưa ai rõ. Trước hết, những khác biệt trong hệ thống chính trị giữa hai nước luôn khiến Việt Nam phải thận trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vẫn coi chiến lược "diễn biến hòa bình" là mối đe dọa lớn đối với sự an nguy của chế độ. Một bộ phận trong giới lãnh đạo ĐCSVN tin rằng chiến lược đó đang được các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sử dụng để từng bước cản trở và làm thay đổi Đảng. Những lo ngại đó càng sâu sắc hơn bởi những chỉ trích thường xuyên của họ về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Nhiều chính trị gia Mỹ thậm chí còn nêu cải thiện tình hình nhân quyền là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy xa hơn mối quan hệ song phương.
Trong khi đó, Việt Nam cũng thận trọng để không để những diễn triển trong quan hệ Việt - Mỹ ảnh hưởng đến sự gắn kết với Trung Quốc. Chênh lệch sức mạnh, vị trí địa lý gần gũi, và sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau ngày càng tăng giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như sự tương đồng ý thức hệ giữa hai Đảng Cộng sản đều có xu hướng khiến cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi có bất kỳ động thái nào có thể gây khó khăn cho mối quan hệ của Việt Nam với người láng giềng phương bắc.
Ngoài ra, một mối quan hệ xấu đi với Trung Quốc cũng không tránh khỏi gây bất ổn cho môi trường bên ngoài và phát triển kinh tế trong nước của Việt Nam. Do tăng trưởng kinh tế trở thành nguồn lực quan trọng nhất đảm bảo ổn định đất nước, Việt Nam không muốn đi ngược lại con đường đã đi. Điều này chỉ ra một điểm: mặc dù muốn thúc đẩy trao đổi kinh tế với Mỹ, nhưng Việt Nam vẫn do dự tăng cường quan hệ chính trị và quân sự với đất nước từng là kẻ thù này.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế trong mối quan hệ song phương trong vài năm qua cho thấy một hướng đi trái ngược; mối quan tâm củng cố quan hệ chính trị và quân sự với Mỹ của Việt Nam dường như càng sâu sắc hơn ngay cả khi những nỗ lực như vậy có thể khiến Trung Quốc không hài lòng và gây mất tự tin cho một bộ phận lãnh đạo Đảng.
Mặc dù các nhà ngoại giao Việt Nam nói mối quan hệ Việt - Mỹ tốt đẹp hơn được đặt trong khuôn khổ chính sách đối ngoại chung của Việt Nam là đa dạng hóa và đa phương hóa, hầu hết các nhà quan sát bên ngoài đều cho rằng động cơ chính đằng sau quyết định nuôi dưỡng mối quan hệ thân thiết hơn đó chủ yếu liên quan đến những căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông, nơi Trung Quốc trở nên ngày càng ngông cuồng trong cách thực thi các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ vô căn cứ của mình.
Với những tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các ranh giới biển, Việt Nam và Trung Quốc là hai bên đối lập chính trong tranh chấp Biển Đông. Việt Nam nhìn chung coi cuộc xâm lược chiếm quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc năm 1974, cuộc đụng độ hải quân với Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa năm 1988, và tuyên bố chủ quyền biển dựa trên đường 9 đoạn là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc, thứ mà trong quá khứ Việt Nam đã từng là nạn nhân.
Việc Trung Quốc ngày càng hung hăng trong thời gian gần đây - như thể hiện trong vụ việc của tàu Bình Minh 2 hồi tháng 5/2011 (khi tàu Trung Quốc tấn công tàu khảo sát địa chất của Việt Nam), và việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa vừa qua (một thành phố cấp tỉnh trực thuộc tỉnh Hải Nam để quản lý các đảo và bãi đá trên Biển Đông), và việc Trung Quốc mời thầu các nhà thầu quốc tế 9 lô thăm dò dầu khí ngay trong vùng đặc quyền của Việt Nam hồi tháng 6 - càng báo động Việt Nam về ý đồ của Trung Quốc ở Biển Đông.
.... Trước sự hiện đại hóa quân sự nhanh chóng ở quy mô lớn hơn nhiều của Trung Quốc, khoảng cách quân sự giữa hai nước vẫn tiếp tục nới rộng. Vì thế, ngay cả khi Việt Nam không ngừng nhấn mạnh chính sách quốc phòng tự lực, Việt Nam cũng vẫn cần làm sâu sắc mối quan hệ chiến lược với các cường quốc để bổ trợ cho những sự yếu thế đáng kể trong quan hệ với Trung Quốc.
Trong kịch bản đó, Mỹ trở thành đối tác được ưu tiên hơn của Việt Nam. Trước hết, Mỹ là cường quốc duy nhất có khả năng thách thức và kiềm chế hiệu quả tham vọng quân sự của Trung Quốc. Thứ hai, trong khi mối đe dọa "diễn biến hòa bình" được cho là âm mưu của các nước phương Tây, chưa mang đến những nguy cơ thực sự đối với sự cầm quyền của Đảng, mối đe dọa mang tên Trung Quốc đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đang hiện hữu hơn nhiều. Và thứ ba, trong khi thực tế mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ có thể khiến Trung Quốc khó chịu và mang lại những hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế Việt Nam, cơ sở chính cho sự cầm quyền của Đảng - chủ nghĩa dân tộc và tinh thần chống ngoại xâm - cũng có nghĩa là nếu nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc và để cho sự toàn vẹn lãnh thổ gặp nguy thì nó sẽ thậm chí còn gây thiệt hại hơn nhiều cho uy tín và tính chính danh của Đảng.
Quyết định chuyển hướng trọng tâm chiến lược về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ vừa qua... cũng sẽ làm diễn biến cuộc tranh chấp thay đổi theo hướng có lợi cho Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn.
Xét về chiến lược, tranh chấp Biển Đông đang được cấu thành bởi ba lớp mâu thuẫn gắn bó chặt chẽ với nhau. Lớp trong nhất là cuộc đối đầu giữa Trung Quốc với từng bên tuyên bố chủ quyền Biển Đông trong ASEAN, bao gồm Việt Nam. Lớp ở giữa là cuộc cạnh tranh giữa ASEAN với Trung Quốc. Lớp ngoài cùng là cuộc cạnh tranh chiến lược mới nổi lên rõ rệt trong thời gian gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ, trong đó Biển Đông là một trong những sân khấu diễn ra. Mặc dù Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp, nhưng tham vọng khó chấp nhận và sự gia tăng quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông tạo cho Mỹ cái cớ để can dự vào. Điều mà Mỹ muốn đảm bảo thông qua tham gia vào cuộc tranh chấp không phải chỉ là hòa bình hay tự do hàng hải trên Biển Đông, mà có vẻ như tranh chấp còn đang được siêu cường này sử dụng như một công cụ tiện lợi để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc ở tầm khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Động thái của Mỹ rõ ràng phù hợp với lợi ích của Việt Nam, tức là đưa tranh chấp với Trung Quốc ra lớp ngoài cùng để hóa giải sức mạnh vượt trội hơn của Trung Quốc. Sự tham gia của Mỹ dù là gián tiếp cũng có thể buộc Trung Quốc phải hành động thận trọng hơn và ít sẵn sàng sử dụng vũ lực hơn. Ngoài ra, toan tính chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc cũng sẽ làm giảm áp lực trong vấn đề nhân quyền đối với Việt Nam và tạo cơ hội thúc đẩy quan hệ song phương bước lên tầm cao mới.
Việt Nam và Mỹ vừa có những bước đi thúc đẩy xa hơn mối quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị và quân sự. Hai nước từng là kẻ thù đang tổ chức các cuộc đối thoại an ninh, quốc phòng và nhân quyền hằng năm. Trong chuyến thăm lịch sử tới vịnh Cam Ranh, Bộ trưởng Benetta được cho là đã bày tỏ rằng Mỹ sẵn sàng giúp nâng cấp cảng và kêu gọi Việt Nam cho phép tàu hải quân Mỹ, bao gồm cả tàu chiến, có quyền tiếp cận lớn hơn tới cơ sở này. Và nếu xu hướng hợp tác đó còn tiếp tục, Mỹ có thể sẽ xem xét việc dỡ bỏ lệnh cấm vận mua bán vũ khí cho Việt Nam trong tương lai gần. Bên cạnh đó, hai nước cũng có nhiều động thái xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau hơn nữa. Đơn cử, từ tháng 8/2012, một dự án do Mỹ tài trợ đã bắt đầu được triển khai để thanh trừ các chất hóa học độc hại còn sót lại từ chất độc màu da cam do Mỹ dải thảm tại một địa điểm gần sân bay Đà Nẵng. Dự án được đại sứ Mỹ David Shear miêu tả là động thái cụ thể của hai nước nhằm chôn lấp di sản của quá khứ.
Tuy nhiên, mặc dù mang lại những lợi ích chiến lược quan trọng, việc nối lại tình hữu nghị Việt-Mỹ trong bối cảnh cuộc đối đầu địa chính trị ngày càng sâu sắc giữa Mỹ với Trung Quốc cũng mang đến cho Việt Nam những rủi ro, mà nghiêm trọng nhất là có thể kéo Việt Nam vào một cuộc chơi quyền lực mới. Khi Trung Quốc đang từng bước hướng đến trở thành một siêu cường, một cuộc chiến tranh lạnh 2.0 có thể sẽ xuất hiện trong tương lai không xa. Lý thuyết thông thường, đặc biệt từ quan điểm chủ nghĩa hiện thực, sẽ dự đoán rằng nếu sự trỗi dậy của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích toàn cầu của Mỹ, Mỹ sẽ phản ứng lại bằng cách kiềm chế Trung Quốc. Thực tế, sự chuyển hướng trọng tâm quân sự từ châu Âu về châu Á, theo như tuyên bố của Panetta tại Singapore hồi tháng 6 năm nay, có thể được coi là dấu hiệu ban đầu của chính sách kiềm chế. Tương tự, ở cấp độ khu vực, sự can dự nhiều hơn của Mỹ vào tranh chấp Biển Đông từ năm 2010 cho thấy Mỹ đang tìm cách ngăn cản Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng biển của mình. Tóm lại, Mỹ đang sử dụng "mối đe dọa Trung Quốc" ở Biển Đông để tập hợp lực lượng và sự ủng hộ nhằm đối phó với Trung Quốc. Việc Mỹ nối lại quan tâm đối với Việt Nam, một quốc gia có vị trí địa lý quan trọng và là kẻ thù của Trung Quốc trong lịch sử, do đó được định hình trong bối cảnh này.
Nếu cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ tiếp tục diễn triển quyết liệt hơn, Việt Nam, với tư cách là một nước láng giềng của Trung Quốc và một bên trong tranh chấp Biển Đông, sẽ ở vào thế rất khó trong việc duy trì cân bằng giữa hai cường quốc và tránh những điều không mong muốn. Khi Mỹ tái cân bằng lực lượng về phía châu Á - Thái Bình Dương và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước trong khu vực, Trung Quốc sẽ không thể đứng yên. Theo đó, Trung Quốc sẽ cố gắng gây áp lực lên Việt Nam, nhắc nhở Việt Nam về tâm quan trọng của mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Đơn cử, trong mấy tháng trở lại đây, đã có những báo cáo về việc Trung Quốc ngừng hoặc trì hoãn nhập khẩu một số hàng hóa của Việt Nam vì những nguyên do còn chưa xác định rõ. Như đã nói ở trên, Trung Quốc vừa thành lập một đơn vị quân sự đồn trú tại cái gọi là thành phố Tam Sa mới thành lập để phụ trách theo dõi khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Động thái này rõ ràng nhằm vào Việt Nam và Philippine. Chưa hết, Trung Quốc cũng ngấm ngầm thực hiện chiến dịch ngoại giao gây ảnh hưởng lên Campuchia, láng giềng hữu nghị từ nhiều năm của Việt Nam. Việc Campuchia, được cho là dưới áp lực của Bắc Kinh, phản đối đưa vấn đề Biển Đông vào thông cáo chung kết thúc Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tại Phnom Penh năm nay có thể được coi là động thái của Trung Quốc nhằm chia rẽ Việt Nam và Campuchia. Một mối quan hệ tốt với Campuchia cũng có ý nghĩa thiết yếu đối với an ninh của Việt Nam, nên dường như Trung Quốc đã biết phải làm đau Việt Nam như thế nào nếu không dành cho Bắc Kinh sự quan tâm thích đáng.
Tuy nhiên, khả năng Việt Nam bị lôi kéo vào một cuộc chơi quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc không nên bị phóng đại. Khả năng ấy vẫn phụ thuộc một số diễn biến khác. Quan trọng nhất là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở nên khốc liệt đến mức nào. Không giống như thời kỳ Chiến tranh lạnh, sự phụ thuộc lẫn nhau mạnh mẽ và phức tạp về kinh tế đang có xu hướng hạn chế các cường quốc theo đuổi kiểu đối đầu thời Chiến tranh lạnh. Diễn biến tương lại trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Trung Quốc, và Việt Nam cũng có vai trò nhất định. Đơn cử, nếu có được sự nhượng bộ từ Trung Quốc, và bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông được thông qua, Việt Nam sẽ thấy ít sẵn sàng làm sâu sắc quan hệ với Mỹ hơn nếu nó đồng nghĩa với việc gây tổn hại cho quan hệ với Trung Quốc.
Việt Nam ngày nay không giống như đất nước của Triều đại nhà Nguyễn gần hai thế kỷ trước, không muốn bỏ qua cơ hội củng cố quan hệ với Washington. Tuy nhiên, khi mà cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ tăng nhiệt, nhân tố Trung Quốc cũng nổi lên là vấn đề thách thức nhất đối với các nhà chiến lược và hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam bị giằng xé giữa hai lựa chọn: duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc và thúc đẩy quan hệ vững chắc hơn với Mỹ. Là một nước nhỏ và láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam không muốn phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Hậu quả của mỗi lựa chọn như thế ai cũng rõ, nên hiển nhiên, nếu phải quyết định thì đó sẽ là một lựa chọn đầy khó khăn cho Việt Nam.
Nguồn: Trâm Anh dịch từ American review magazine/ đăng bởi Lê Hồng Hiệp tại Tuânviệtnam ngày 31/12/2012
--------------

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Luật Biển Việt Nam có hiệu lực bắt đầu từ hôm nay 1/1/2013

Bất chấp mọi diễn biến tình hình, có hai động thái quan trọng khẳng định lập trường kiên định trước sau như một của Việt Nam liên quan đến chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, đó là tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc Hội tháng 11/2011 và việc Quốc Hội  thông qua Luật Biển tháng 6/2012, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.
    
Nội dung cơ bản của Luật Biển Việt Nam
Luật Biển Việt Nam được Quốc hội của Việt Nam thông qua vào ngày 21/6/2012. Luật này gồm 7 chương, 55 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013

Chương 1: gồm các quy định chung về phạm vi điều chỉnh, định nghĩa.

Chương 2: quy định về vùng biển Việt Nam với các quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải.

Chương 3: quy định về hoạt động trong vùng biển Việt Nam, trong đó có các quy định: đi qua không gây hại trong lãnh hải, tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải.

Chương 4: dành cho phát triển kinh tế biển, với các điều khoản về nguyên tắc phát triển kinh tế biển.

Chương 5: quy định về tuần tra, kiểm soát trên biển với các điều khoản về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển.

Chương 6: Quy định về xử lý vi phạm và biện pháp ngăn chặn.
Toàn văn  Luật Biển Việt Nam

Một số bình luận quốc tế

​​Biển Đông sẽ tiếp tục dậy sóng trong năm 2013, dựa trên những tin tức trong ngày cuối năm liên quan tới cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo và tài nguyên ở Biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, và một số nước khác trong khu vực.

Chương trình Talk Vietnam khi loan tin này hôm nay nói rằng đây là lần đầu tiên có luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam.

Talk Vietnam nói rằng Luật Biển Việt Nam quy định về lãnh hải, nội thủy, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Luật biển Việt Nam khẳng định đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Luật này quy định các hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, cũng như vấn đề phát triển kinh tế, quản lý và bảo vệ biển đảo.

Theo quy định của Luật Biển, các cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam đều có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo và quần đảo, tài nguyên và môi trường biển.

Một số luật khác cũng trở nên hiệu lực từ đầu năm dương lịch cùng với Luật Biển Việt Nam, gồm có  Luật Giáo dục đại học, Luật Công đoàn, Luật về Giá cả, Luật Giám định Tư pháp, Luật Tài nguyên nước, và Luật phòng, chống rửa tiền.

Trong khi đó, Hãng tin Reuters tường trình rằng Trung Quốc hôm nay đã có động thái nhằm giảm thiểu mức độ căng thẳng trong cuộc tranh chấp Biển Đông, nói rằng các quy định cho phép cảnh sát biển Trung Quốc kiểm soát tàu bè qua lại trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền chỉ có hiệu lực ngoài khơi vùng duyên hải gần kề đảo Hải Nam mà thôi.

Các quy định này cũng sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới đã gây ra quan ngại sâu xa trên khắp khu vực Đông Nam Á , vì các nước lo sợ rằng Trung Quốc sẽ có thái độ cứng rắn hơn trong cuộc tranh chấp Biển Đông.

Quan ngại càng lên cao vì trên nguyên tắc, Hải Nam có quyền quản lý và tài phán đối với vùng biển và các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền, làm dấy lên lo ngại là cảnh sát biển Trung Quốc có thể lùng soát bất cứ tàu bè nào qua lại trong vùng này.

Nhưng lên tiếng trong một cuộc Hiến Pháp báo thường lệ hôm nay, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Doanh, khẳng định rằng quy mô của các quy định do truyền thông nhà nước loan báo hồi tháng 11, không đề ra thay đổi nào so với các luật lệ đã được thông qua hồi năm 1999, hạn chế việc thi hành luật lệ trong vòng 12 dặm từ bờ biển đảo Hải Nam.

Đây là lần đầu tiên nhà nước Trung Quốc giải thích chi tiết về địa bàn thi hành các quy định mới.

Các nhà ngoại giao hàng đầu ở Đông Nam Á đã khuyến cáo rằng luật này có thể khơi ra những trận đụng độ giữa các lực lượng hải quân, tác động tới nền kinh tế khu vực, trong khi chính phủ Hoa Kỳ cho hay sẽ yêu cầu Trung Quốc xác minh luật này.
Nguồn: Reuters, Tuoi Tre,VOA tiếng Việt

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Cựu hoàng Bảo Đại và người vợ cuối cùng

Câu chuyện dưới đây nhận được qua e-mail của bạn bè, chủ blog Bách Việt mạn phép đăng lại coi đây như một nguồn tham khảo không chính thức với chút ít thông tin về vị Hoàng cuối cùng của nước Việt Nam thời thuộc địa. (Bách Việt)
  

Sau ngày 23-10-1955, thông tin kết quả cuộc “trưng cầu dân ý” truất phế Bảo Đại và suy tôn Ngô Đình Diệm lên làm quốc trưởng đến tai cựu hoàng đang ở tại nhà riêng trên đường Maurice Barrès (Neuilly, Paris).
 Bảo Đại bàng hoàng. Ông vẫn còn nhớ như in, chỉ cách đó không đầy một năm, trong lá thư đề ngày 10-11-1954, Ngô Đình Diệm đã hứa sau khi được giao quyền nếu “Ngô Đình Diệm có làm điều gì trái ý, quốc trưởng có thể cách chức ngay”. Không ngờ... Bên cạnh kết quả trưng cầu dân ý với 5.721.735 phiếu truất phế Bảo Đại và 63.017 phiếu không chịu truất phế, báo chí lại còn đăng tấm ảnh chân dung “Quốc trưởng Bảo Đại” đã bị người của Diệm chà đạp lăng nhục trên đường phố Sài Gòn. Kể từ ngày đó cựu hoàng rơi vào tình trạng mất ngủ triền miên và bắt đầu sống trong nỗi trầm uất.
Cựu hoàng được chữa trị đủ loại thuốc mà vẫn không ngủ được. Cuối cùng người ta đưa cựu hoàng sang Thụy Sĩ chạy điện và uống một loại thuốc đặc biệt. Trước khi chữa trị cho cựu hoàng, người ta bảo: “Chạy điện và uống thuốc của Thụy Sĩ, chữa bệnh mất ngủ xong, tính tình của cựu hoàng sẽ thay đổi”. Gia đình cựu hoàng hết sức lo lắng nhưng không thể làm gì khác hơn.
Cựu Hoàng Bảo Đại và người vợ cuối cùng Monique Baudot
Sau thời gian chữa bệnh, cựu hoàng sống với gia đình như một người khách không mời. Vợ con đều muốn xa lánh ông. Cuối cùng để cho ông được “tự do” - một đồ đệ của cựu hoàng từ thời lưu lạc bên Hồng Kông (1947-1948) là Bùi Tường Minh đi thuê cho ông một căn hộ trong cao ốc 29 Fresnel, quận 16 - Paris. Căn hộ chỉ có một phòng ngủ, một phòng khách nhỏ, một bếp và một phòng tắm chật hẹp. Cũng may, tuy nhỏ nhưng căn hộ ở trên một đường phố yên tĩnh, sang trọng, ngay sau lưng Tòa đại sứ Iran rất thuận tiện. Cựu hoàng “ra ở riêng”, lúc đầu còn tiền bạc nên kẻ lui người tới thăm viếng, sau hết tiền, bệnh nằm một mình không một người mua giúp bánh mì ăn sáng.
Mối tình Bảo Đại - Monique
Giữa lúc khó khăn ấy, cô Monique Baudot (sinh năm 1946) xuất hiện. Về tiểu sử của Monique có nhiều nguồn. Báo chí Pháp viết cô từng làm tuỳ viên báo chí trong một tòa đại sứ. Các chính khách từng làm việc với cựu hoàng và sau năm 1975 có nhiều dịp gặp ông (như tướng Sài Gòn Trần Văn Đôn) thì bảo Monique chỉ là một cô bồi phòng. Chính nhờ làm bồi phòng ở cao ốc 29 Fresnel nên cô mới biết được có một ''ông vua lưu vong'' bệnh hoạn không người chăm sóc, cô đến giúp đỡ và trở thành người thân cận nhất của cựu hoàng suốt mấy thập niên cuối đời.
Từ khi hai người ăn ở với nhau (bắt đầu từ những năm 1970) cuộc sống vật chất của cựu hoàng và Monique rất khó khăn. Monique chạy xin cho cựu hoàng được một trợ cấp cho người già, mỗi tháng lãnh khoảng trên dưới 7.000 frs. Sau này ông J. Chirac lên làm thị trưởng Paris, tăng phụ cấp cho cựu hoàng lên 12.000frs nhưng vẫn không giải quyết hết khó khăn. Sống trong hoàn cảnh vật chất thiếu thốn cựu hoàng không hề than vãn. Hằng ngày bà Monique ôm quần áo bẩn đi giặt ở các máy giặt công cộng. Buổi sáng cựu hoàng ăn pain sec (bánh mì không) đích thân hỏi cựu hoàng có cảm tưởng như thế nào về cuộc sống khó khăn của mình, ông bảo: “Tôi đã thoái vị từ lâu, về làm dân Việt Nam. Trong khi đa số dân Việt Nam còn thiếu thốn, thì công dân Vĩnh Thụy làm sao có cuộc sống khá hơn!''.
Cựu hoàng không quan tâm đến đời sống kinh tế nhưng bà Monique Baudot thì nghĩ khác. Bà tìm mọi cách để có thu nhập thêm. Bà đòi tiền những người muốn đến gặp và Phỏng vấn cựu hoàng. Bà mời tướng Fond viết giúp hồi ký Con rồng An Nam cho cựu hoàng và bán cho Nhà xuất bản Plon. Để có đủ tư cách pháp lý “chiếm độc quyền” Bảo Đại, nhiều lần Monique yêu cầu cựu hoàng làm giấy kết hôn với bà. Nhưng chuyện ấy không thực hiện được ngay vì bà Từ Cung - thân mẫu của Bảo Đại -đang còn sống ở Huế không đồng ý.
Từ sau ngày thống nhất đất nước (1975), người Việt Nam sống lưu vong ở Âu Mỹ khá đông. Người ta đã nghĩ đến chuyện mời cựu hoàng Bảo Đại làm lãnh tụ của họ, nhưng ông từ chối mọi hoạt động chính trị, muốn sống yên thân cho đến khi nhắm mắt. Tuy vậy, những người này vẫn không bỏ cuộc. Đầu năm 1982, người ta bày ra chuyện mừng sinh nhật cựu hoàng bằng cách mời ông sang thăm nước Mỹ. Mục đích của chuyến đi được nêu lên rõ ràng: “1. Để cho người Việt Nam ở Mỹ biết Việt Nam còn có một vị cựu hoàng khỏe mạnh; 2. Nhân dịp sang Mỹ, với tư cách ông vua cuối cùng của triều Nguyễn, cựu hoàng cảm ơn chính quyền và nhân dân Mỹ đã giúp đỡ đồng bào Việt Nam trong việc định cư". Thấy hai mục đích ấy không liên quan gì đến chính trị, cựu hoàng đồng ý. Bà Monique nghe vậy liền bắt chẹt: Nếu Bảo Đại không làm giấy kết hôn với bà và không cho bà đi Mỹ thì bà sẽ không cho Bảo Đại ra khỏi nhà. Lúc này bà Từ Cung đã qua đời, không còn trở ngại nào nữa, Bảo Đại đem Monique Baudot ra Tòa Đốc lý quận 16, Paris đăng ký kết hôn. Hai ông bà được cấp giấy kết hôn với nội dung: “Hôm nay là ngày 19-1-1982 đã diễn ra việc thành hôn của hoàng thân Vĩnh Thụy cũng gọi là Hoàng thân Bảo Đại, sinh ở Huế (Việt Nam) vào ngày 23-10-1913, con trai của Khải Định và Từ Cung (đều đã mất) và cô Monique Marie Eugène Baudot, sinh tại Saint Amand Montrond vào ngày 30-4-1946, con gái của ông Lucien Henri Baudot và Hélène Marie Madeleine Legeai. Giấy đăng ký kết hôn gởi từ ngày 14-1-1982”.
Monique đã trở thành vợ chính thức của cựu hoàng Bảo Đại. Hoàng hậu Nam Phương được triều đình nhà Nguyễn đứng ra cưới cho Bảo Đại (1934) nhưng không làm giấy kết hôn. Các bà “thứ phi” có con với cựu hoàng nhưng không ai có giấy kết hôn cả. Theo luật pháp nước Pháp, chỉ những người có giấy kết hôn mới được công nhận là vợ chính thức. Do đó, người Pháp chỉ công nhận Monique Baudot là vợ của Hoàng thân Vĩnh Thụy mà thôi.
Những chuyện nhập nhằng trong chuyến đi Mỹ
Vừa nhận được giấy kết hôn, hai ông bà Bảo Đại - Monique Baudot đáp tàu bay qua Los Angeles (Mỹ) ngay, được vài trăm bà con Nguyễn Phước tộc và đồng bào Việt Nam tại Mỹ đón tiếp thân mật. Sáng hôm sau, có người gợi ý Bảo Đại lên tiếng ủng hộ lực lượng chống chính quyền Việt Nam ở quốc nội, Bảo Đại từ chối và nhắc lại rằng:
- Tôi qua Mỹ thăm đồng bào, thăm nước Mỹ, chỉ có vậy!
Hôm sau, trong một cuộc tiếp tân, bà thị trưởng thành phố Westminster trao tặng chiếc chìa khóa của thành phố cho Bảo Đại. Ông cảm ơn bằng tiếng Việt: “Đây là lần thăm viếng nước Mỹ đầu tiên của tôi. Tôi qua thăm đồng bào tôi. Tôi thay mặt người Việt Nam cám ơn chính quyền và dân chúng Mỹ đã dành cho dân Việt Nam lưu vong sự giúp đỡ nồng hậu để họ tạo lại đời sống mới tại nước này”.
Từ lâu người ta nói “Bảo Đại đã quên hết tiếng Việt, ông chỉ biết ăn chơi”. Không ngờ hôm ấy người ta nghe ông nói tiếng Việt bằng giọng Huế rất rành rẽ, tình cảm. Những lời ông nói ngắn gọn, có tính cách ngoại giao nhưng đầy đủ ý nghĩa, làm cho những người Mỹ có mặt trong buổi tiếp tân hài lòng.
Sáng hôm 23-1-1982, cựu hoàng Bảo Đại được mời đến dự lễ khai mạc hội chợ tại Westminster, được bà thị trưởng mặc áo dài Việt Nam đón tiếp hết sức thân mật. Đến lúc đó Monique Baudot cho Bảo Đại biết bà đã gặp một cựu nhân viên OSS (tiền thân của CIA) về hưu tại Minaco. Ông này tiết lộ có một số dân biểu Mỹ ủng hộ Bảo Đại, nhân dịp qua Mỹ, Bảo Đại nên đến Hạ viện Mỹ điều trần đòi Chính phủ Mỹ bồi thường 5 triệu Mỹ kim tài sản của Bảo Đại bị mất, vì Mỹ ủng hộ Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại hồi năm 1955. Người bày cho Monique là ông Hilaire du Berrier. Vốn bản tính nhu nhược, cho nên khi nghe bà Monique nói vậy Bảo Đại cũng hứa sẽ làm. Nhưng không ngờ... có một vài chuyện trục trặc diễn ra.
Một hôm, cựu hoàng vào thăm cửa hàng Thanh Lan của người Việt Nam. Vợ chồng chủ cửa hàng xuất thân trong một gia đình lớn ở Huế có cảm tình với cựu hoàng, rất hân hạnh được đón cựu hoàng đến thăm. Cửa hàng tặng cho cựu hoàng một món quà sáng giá và không để ý gì đến Monique Baudot theo sau Bảo Đại. Vừa ra khỏi cửa hàng, người ta nghe Monique Baudot nói với Bảo Đại: “Dân Việt của ông không ra gì''. Những người trong ban tổ chức đón tiếp cựu hoàng nghe thế không ai hiểu vì sao lại có sự thể như thế. Tiếp đến cựu hoàng dự một buổi tiệc do ông bà Robert Kane khoản đãi tại nhà riêng Tiburon vùng San Francisco. Trong số thực khách có cả ông bà Brochand, Tổng Lãnh sự Pháp, và một số người Mỹ biết nói tiếng Pháp. Bà Kane chủ tọa một bàn tiếp Bảo Đại và một số thực khách, bàn thứ hai do ông Kane chủ tọa tiếp Monique và một số thực khách khác. Không ngờ, khi mới ngồi vào bàn Monique tỏ ra bực bội, vặn vẹo hỏi mọi người tại sao không sắp xếp cho bà ngồi gần Bảo Đại. ''Dù sao tôi cũng là vợ của ông Bảo Đại kia mà!''. Một người có trách nhiệm đưa cựu hoàng đi thăm viếng các nơi trả lời: ''Đây là cái phòng tiệc chứ không phải phòng ngủ. Chủ nhà người ta sắp xếp như vậy là phải”.
Monique tức giận, bất ngờ nắm cái chéo khăn trải bàn ăn kéo một cái xoạt, thức ăn dọn trên bàn ngả nghiêng, đổ tung tóe ra bàn. Cả phòng tiệc vô cùng ngạc nhiên. Riêng cựu hoàng thì ngồi thản nhiên xem như không có chuyện gì xảy ra. May mắn ông Kane kịp thời hiểu được vấn đề. Ông xin lỗi mọi người và nhận lỗi vô ý đã trải cái khăn bàn không đúng cách nên mới có chuyện không hay này. Buổi tiệc mất vui nhưng cuối cùng cũng diễn ra đúng bài bản cho đến lúc kết thúc.
Hôm sau, ban tổ chức đón tiếp chất vấn Bảo Đại:
- Hôm qua bà Monique nói bà ấy là vợ của Ngài. Vậy có đúng không?
Cựu hoàng thản nhiên đáp:
- Đúng. Trước khi qua Mỹ một ngày, bà ấy và tôi đã có giấy kết hôn!
- Vậy, tại sao Ngài không nói cho chúng tôi biết trước để chúng tôi sắp đặt nghi lễ, nếu bà ấy là vợ Ngài thì chúng tôi đã sắp đặt đúng phép sẽ không xảy ra những chuyện vừa qua.
Cựu hoàng Bảo Đại trả lời tỉnh bơ:
- Phần nghi lễ, tùy theo trường hợp, lúc là thơ ký, lúc là vợ.
Đến lúc đó người ta mới hiểu đối với cựu hoàng Bảo Đại, lúc ở nhà Monique Baudot là vợ, khi đi ra ngoài, trong các cuộc tiếp tân, bà ấy chỉ là một cô thư ký. Đó là cách đối xử tồn tại hàng chục năm qua của Bảo Đại dành cho Monique Baudot. Nhưng từ sau khi bà ấy nắm được cái giấy kết hôn trong tay rồi thì bà không cho phép Bảo Đại đối xử với bà như thế nữa. Chính vì thái độ ỡm ờ, không dứt khoát của Bảo Đại về chuyện bà vợ mà chuyến sang Mỹ của Bảo Đại đã phải chấm dứt sớm. Chương trình đi Florida và Washington D.C. bị hủy bỏ. Do đó, chuyện Bảo Đại đến Hạ viện Hoa Kỳ xin bồi thường 5 triệu Mỹ kim cũng không diễn ra.
Nguồn: Lieucorp <lieucorp@peoplepc.com> Cựu hoàng Bảo Đại và người vợ cuối cùng

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Biển Đông 2013: Ba kịch bản, một giải pháp

Kịch bản là bộ khung để phân tích tình huống. Giải pháp các bên chấp nhận mới là đích tìm kiếm của cả "ba tay chơi": Trung Quốc, Mỹ và ASEAN trong cuộc cờ hiện nay. Nếu không đi đến một kết cục có hậu thì một cuộc chiến tranh lạnh và ngăn chận mới có thể diễn ra trong tương lai.

Ngày 25/12, hãng tin Bloomberg trích nguồn tin từ tờ 21st Century Business Herald cho biết, Trung Quốc vừa chính thức phê duyệt dự án đầu tư 1,6 tỷ USD để xây dựng các công trình trái phép trên các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ USD để xây dựng sân bay, bến cảng và nhiều công trình cơ sở hạ tầng khác trên một số hòn đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Theo tuyên bố của chủ tịch tỉnh Hải Nam Jiang Dingzhi, kế hoạch của Trung Quốc là đầu tư tới 10 tỷ NDT (1,6 tỷ USD) để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng cho thành phố. Tam Sa là đơn vị hành chính vừa được chính quyền Hải Nam thành lập trái phép hồi tháng 6/2012 (Bộ Ngoại giao nước ta đã lên tiếng phản đối!), trong đó cố tình bao gồm cả những hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng thuộc ASEAN đã liên tục tăng cao trong những tháng gần đây bởi thái độ ngày càng hung hăng và ngang ngược của Trung Quốc trong việc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông giàu tài nguyên thiên nhiên này. Sự căng thẳng về tranh chấp chủ quyền đã làm gián đoạn và suy yếu các mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN. Tình hình này cũng đặt bộ máy hoạch định chính sách an ninh và ngoại giao ở Washington (đang trong thời kỳ thành lập) vào tình thế lưỡng nan về chiến lược.
Ba kịch bản khác nhau
Trên Global Asia số cuối năm (tháng 12/2012), GS Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason/Mỹ, vừa đưa ra khung phân tích tình hình và dự báo tương lai đối với các tranh chấp hiện nay giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam trên Biển Đông. Có thể tóm tắt khung phân tích này trong ba kịch bản sau đây:
Kịch bản thứ nhất là Trung Quốc tiến tới một giải pháp ôn hòa với các nước láng giềng. Quan ngại căng thẳng kéo dài trên Biển Đông sẽ đẩy phần lớn các nước trong khu vực vào "vòng tay" Mỹ, Trung Quốc sẽ bị cô lập, mất hết đồng minh nên Trung Quốc có thể có những nhân nhượng nhất định. Hiện nay, TQ đang muốn VN thỏa hiệp trong phân chia Vịnh Bắc Bộ. Thêm vào đó, một số quan chức Trung Quốc vẫn không thừa nhận là Trung Quốc đã từng tuyên bố "Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ". Việc từ chối này có thể là cách dành "đất lùi" cho thỏa hiệp tương lai? Một vài cố vấn cấp cao trong chính phủ Bắc Kinh buộc phải thừa nhận "tính chất khó giải quyết trong chính sách biển Đông của TQ", nhất là "quy chế của đường chín khúc". Giới think tank này quan ngại tình hình tranh chấp có thể làm Trung Quốc ngày càng bị cô lập và ảnh hưởng xấu đến "sự nghiệp cải cách của TQ".
Kịch bản thứ hai là giải pháp đối đầu như cách TQ đang làm với Philipinnes tại Scarboough hiện nay. TQ sẽ tiếp tục lấn tới nhằm kiểm soát toàn bộ vùng lưỡi bò bằng các hành động đơn phương, chính sách bên miệng hố chiến tranh, sách lược "tầm ăn dâu" và chia để trị đối với ASEAN. Hành động lật lọng của TQ ở  Scarborough: sau khi Phi rút tàu ra khỏi khu vực bãi cạn, TQ lập tức quay lại và thiết lập sự kiểm soát trên thực tế, cho thấy TQ coi thường luật pháp quốc tế, chủ trương "gây sức ép cường độ thấp", gây "mỏi mệt về chiến lược" và sau đó là cưỡng chiếm. Với trò "mèo vờn chuột" này, lại chiếm ưu thế về lực lượng hải quân so với láng giềng, TQ sẽ nhân rộng mô hình Scarboough, tạo ra một loạt tình huống sự đã rồi (faits accomplis) để độc chiếm BĐ.
Kịch bản thứ ba là giải pháp Mỹ-Trung bắt tay nhau. Kịch bản này là hệ quả của quá trình chuyển giao quyền lực êm thấm trong khu vực từ Mỹ, cường quốc thoái lui sang Trung Quốc, cường quốc trỗi dậy, và không chỉ trên Biển Đông, bởi vì, từ bản chất bành trướng, TQ sẽ không bao giờ chỉ dừng lại ở BĐ mà sẽ tiến ra giành giật quyền lãnh đạo khu vực Thái Bình Dương từ tay Mỹ. Nếu điều này xẩy ra, đây thật sự sẽ là một đảo lộn lớn lớn nhất của thế kỷ 21, đối với cả tiểu quốc lẫn cường quốc. Một khi "cựu" siêu cường Mỹ buộc phải "thần phục" TQ và trao cái gậy chỉ huy cho thiên triều thì các quốc gia còn lại sẽ lần lượt phải "xếp hàng" theo sự chỉ dẫn của một sen đầm mới Bắc Kinh. Hẳn nhiên, hệ lụy của kịch bản này cực kỳ nguy hiểm đối với cả khu vực lẫn toàn cầu.
Ảnh: Lê Anh Dũng
Tránh kỷ nguyên"chiến tranh lạnh"
Ba kịch bản nói trên xuất phát từ ba cách tiếp cận khác nhau đối với các tranh chấp biển đảo giữa TQ với các nước láng giềng ĐNÁ. Thứ nhất, nếu coi đây đơn thuần chỉ là sự va chạm về lợi ích kinh tế giữa các nước duyên hải và chỉ tập trung vào các tranh chấp xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì có thể "mơ" về kịch bản thứ nhất, kịch bản của hòa bình. Nhưng đáng tiếc, bản chất xung đột trên Biển Đông từ mấy năm trở lại đây là một cuộc xung đột quốc tế. Những thành tố tạo nên cách tiếp cận thứ hai như yêu sách "đường lưỡi bò" của TQ, phản ứng công khai của Mỹ và quan ngại của tất cả các nước trong khu vực, từ lớn đến bé. Tuy nhiên, đối với lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia, thật ra không thể đo bằng quy mô lớn hay bé. Trung Quốc nên hiểu rằng, có thể ở chính thể này, chế độ kia, Trung Quốc có thể cưỡng chiếm tạm thời một phần chủ quyền và thu tóm một phần lợi ích quốc gia của một số nước, nhưng lịch sử là công bằng, cái gì của Cesar rồi sẽ phải trả về cho Cesar!
Cách tiếp cận thứ ba phải chăng là một định mệnh trong quan hệ quốc tế, đó là sự chuyển dịch quyền lực trên cấp độ đại-hệ thống. Trong cuộc Đối thoại chiến lựơc và kinh tế giữa TQ và Mỹ tháng 5 năm 2010, đại diện TQ tuyên bố rằng chủ quyền của TQ ở Biển Đông là "quyền lợi cốt lõi" của họ. Chỉ hai tháng sau, tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phản ứng lại bằng cách xác định  Mỹ có "quyền lợi quốc gia" trong việc bảo vệ tự do hàng hải, tự do khai thác tài nguyên chung trong vùng biển Á châu, và việc tôn trọng luật quốc tế ở biển Đông. Đây là những tuyên bố rất đáng quan tâm vì nếu để mẫu thuẫn quyền lợi quốc gia giữa các cường quốc trở nên đối kháng thì dễ dẫn đến tình trạng đối đầu trong một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới (khác với cuộc chiến tranh lạnh trong thế kỷ 20).
Tranh chấp trên Biển Đông từ nay dường như đã trở thành cuộc đối đầu/cạnh tranh quyền lực trên cấp độ toàn cầu giữa Mỹ, siêu cường được coi là đang trượt dốc với Trung Quốc, đại cường đang nổi lên, lăm le "tung hê" cái trật tự tồn tại hơn nửa thế kỷ nay để cài đặt vào đấy một trật tự mới mà giới quốc tế học đã đặt tên, cho dù nó chưa ra đời, đó là trật tự Trung Hoa (Pax Sinica/Hòa bình kiểu Tàu). Nhìn vấn đề từ góc độ này có thể hiểu ý đồ đằng sau đề nghị của TQ cách đây mấy năm đưa ra với Mỹ là hai bên có thể chia đôi biển Thái Bình Dương, mỗi bên hùng cứ một phương để Trung Quốc dễ bề "múa gậy vườn hoang" ở Đông-Thái Bình Dương mà không động chạm đến lợi ích của Mỹ.
"Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi"
Các tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước châu Á trên Biển Đông và Hoa Đông hiện nay đang gây khó cho Mỹ và có khả năng buộc Mỹ phải tiến hành chính sách "ngăn chặn kiểu mới"? Chủ trương của Mỹ giữ nguyên trạng trên Biển Đông đang làm cho các nước bị bắt nạt tự tin hơn trong đấu tranh chống lại các hành động xâm lấn của TQ. Tuy nhiên, các xung đột ở cường độ thấp sẽ đặt ra một nan đề là khi nào thì Mỹ cần bày tỏ cam kết để kềm giữ TQ, còn khi nào thì Mỹ phải làm thinh để các nước láng giềng của TQ đừng đi quá xa. Đối với Mỹ, lý do địa dư và tâm lý dân chúng hiện nay càng đẩy nan đề này thành vấn đề lớn. Đối với một số nước châu Á, lý lẽ duy trì căng thẳng với TQ là cách để "giữ chân" Mỹ phải ủng hộ họ vẫn là một vũ khí của kẻ yếm thế.
Để có một giải pháp hòa bình và công lý cho tranh chấp trên Biển Đông không thể trông đợi nhiều từ các kịch bản nói trên, đó chỉ là cái khung minh triết phân tích các tình huống chồng lấn phức tạp. Vì lợi ích của chính TQ, một quốc gia có bề  dày về văn minh và tư tưởng, nhất là tư tưởng của các chiến lược gia được xếp vào loại hàng đầu của túi khôn nhân loại, TQ nên tự kềm chế bớt lòng tham. Thế giới sẽ tôn vinh TQ như là "một cổ đông có trách nhiệm" trong làng toàn cầu đang oằn lưng chống "các loại bão", từ kinh tế đến môi trường, từ giá trị đến văn hóa, tất cả cùng chia sẻ một vận mệnh chung, một cơ may chung để tồn tại và phát triển. Ăn thua nhau trên biển để rồi chôn vùi các nền văn minh xuống đáy đại dương thì há chăng đó là sự lựa chọn thông minh. Bài học của tiền nhân "tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi" (biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy hiểm) hóa ra bị lãng quên mãi mãi?
Hải Đăng -Tuần VietnamNet ngày 30/12/2012



Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Tin mới (không bình loạn)


Ảnh: Tổng BT Tập Cận Bình thăm các đảng phái dân chủ TQ  
Theo Xinhua/Basam ngày 26/12/ 2012 dưới tiêu đề "Tổng Bí thư Tập Cận Bình: Cần phải kiên định bất di bất dịch kiên trì và hoàn thiện chế độ hợp tác đa đảng và chính trị hiệp thương dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc"cho hay:






Cả ngày 24 và sáng 25/12, Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Du Chính Thanh đã lần lượt đến thăm Uỷ ban Cách mạng Quốc dân đảng Trung Quốc, Đồng minh Dân chủ Trung Quốc, Hội Kiến quốc Dân chủ Trung Quốc, Hội Xúc tiến dân chủ Trung Quốc, Đảng Dân chủ Nông công Trung Quốc, Đảng Chí công Trung Quốc, Cửu tam Học xã, Trung ương Đồng minh Tự trị dân chủ Đài Loan và Hội Liên hiệp Công thương toàn quốc Trung Hoa.
Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, cần phải kiên định bất di bất dịch kiên trì và hoàn thiện chế độ hợp tác đa đảng và chính trị hiệp thương dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ủng hộ các đảng phái dân chủ thực hiện tốt hơn chức năng đảng tham chính, phát huy đầy đủ ưu thế của mình, huy động tối đa mọi nhân tố tích cực và gắn kết mọi lực lượng tích cực, phấn đấu nhằm thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ công tác Đại hội Đảng lần thứ 18 đã xác định.

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Lẫn lộn bạn/thù, tù mù chiến lược


Như thường lệ trong những ngày tháng 12 này cả nước lại tái hiện không khí thời chiến tranh chống Mĩ. Âu đó cũng là lẽ bình thường, quên sao được tội ác giặc ngoại xâm! Nhưng điều không bình thường là có một cuộc xâm lược khác không được nhắc đến, đó là những cuộc chiến lớn nhỏ do Trung Quốc gây ra từ biên giới Tây Nam lên biên giới phía Bắc và ngoài Biển Đông kể từ sau khi "Mĩ cút, ngụy nhào" đến nay vẫn chưa dứt. Người Việt Nam bình thường ai cũng nhận thấy điều vô lý này. Song điều không bình thường là ai cũng im lặng hoặc nếu có ai thắc mắc, sẽ được trả lời rằng đó là sách lược mềm dẻo, khôn khéo của ta! 
 
Dòng chữ trên một bia tưởng niệm chiến tranh biên giới bị đục bỏ
Vậy ra, đối với người Việt Nam, có hai loại chiến tranh xâm lược(?). Chiến tranh do Pháp, Mĩ gây ra thì phải ghi xương khắc cốt và tuyên truyền lên án công khai. Nhưng chiến tranh do người Trung Quốc gây ra thì phải cố mà quên đi, thậm chí  mấy cái  bia tưởng niệm trót dựng lên  ở Lạng Sơn cũng phải đục bỏ phi tang (ảnh bên); nếu thấy tàu Trung Quốc xâm lấn biển đảo, ức hiếp dân chài ta thì gọi là "tàu lạ", nó càng ức hiếp, ta càng bày tỏ lòng biết ơn "bạn" ở cấp cao hơn... Chỉ khổ thân những người lính đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh chống quân bành trướng chưa được chính thức vinh danh như các đồng đội chống Pháp chống Mĩ của họ. 
 
Nếu nói rằng đó là sách lược mềm mỏng, khôn khéo thì thật trớ trêu!  Vẫn biết, vì nhiều lý do, Việt Nam không nên chủ trương đối đầu với Trung Quốc, và sách lược mền dẻo, khôn khéo là rất cần thiết. Vẫn biết phải ưu tiên duy trì hòa bình, nhất là với một đất nước đã mất quá nhiều thời gian cho chiến tranh như Việt Nam. Nhưng độc lập và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia phải là mục tiêu cao nhất và không thể nhân nhượng. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả của quá trình vận dụng sách lược trong quan hệ Việt-Trung đến nay thấy trái ngược với mong đợi. Đó là lãnh thổ bị gậm nhấm, chủ quyền biển đảo bị xâm chiếm gần hết trong khi quan hệ hai nước vẫn luôn trong trạng thái căng thẳng, nguy cơ chiến tranh nóng có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Vì sao vậy?

Để trả lời câu hỏi trên, trước hết hãy suy ngẫm về điều này: Tại sao Việt Nam phải đánh nhau liên tục với các "đế quốc to", hết họa đế quốc lại rước họa láng giềng bành trướng ? Có một cách giải thích đã trở thành cửa miệng của người Việt Nam: Vì nước ta giàu đẹp, và vì nước ta nằm ở vị trí địa chính trị quan trong..., nên thường xuyên bị các cường quốc tranh giành hoặc lợi dụng!. Cách giải thích này không sai, nhưng chỉ đúng một phần. Về lý do giàu đẹp, đến nay chính người Việt Nam khi có dịp tiếp xúc với thế giới và biết người biết ta hơn đã  không còn tin như vây. Về lý do bị tranh giành, lợi dụng, thì trước hết hãy xem lại sách lược bạn/thù của ta có gì chưa ổn (?) Phải chăng lý do chính là ở chỗ, người Việt Nam  tự vận vào mình một vai trò đáng ra không nên có, đó là đứng trên tuyến đầu chống chủ nghĩa đế quốc, đồng thời quá trung thành với ông bạn láng giềng cùng ý thức hệ cộng sản?  Hãy xem người Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia,  Mã Lai và nhiều dân tộc khác có cùng cảnh ngộ trong khu vực đã không làm như vậy, và họ đã sớm có hòa bình để phát triển vượt xa Việt Nam vốn từ một mặt bằng như nhau sau Thế chiến thứ Hai.  Phải chăng nếu Việt Nam cũng có cách tiếp cận thực tế như các nước láng giềng thì chắn chắn đã có thể phát huy vị thế địa chiến lược một cách có lợi hơn cho mình?. Có thể có ý kiến rằng Việt Nam có đặc thù khác với các nước khu vực, đó là quá khứ Bắc thuộc. Nhưng trong cái rủi đã có cái may, đó là 100 năm Pháp thuộc ít nhiều đã có tác dụng đưa Việt Nam ra khỏi địa vị phiên thuộc của Vương Triều. Nền độc lập giành được sau Cách mạng tháng 8 năm1945 là một cơ hội lớn để vĩnh viễn thoát khỏi vị thế phiên thuộc đó. Nhưng cơ hội đó đã không được tận dụng, và Việt Nam một lần nữa lại rơi vào quỹ đạo Bắc thuộc dưới những chiêu bài mới . 

Đây là một câu chuyện dài mà chỉ lịch sử mới có quyền phán xét. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là, không phải giới lãnh đạo Việt Nam không nhận ra điều này, có lẽ rõ nhất là thời kỳ sau giải phóng miền Nam và đã được đúc kết bằng phương châm " Việt Nam sẵn sàng  làm bạn với tất cả" từ Đại hội Đảng lần thứ VI. Song, đáng tiếc là phương châm đó đã không được thực hiện đầy đủ trong suốt quá trình về sau, thậm chí có những thời kỳ đi "chệch hướng". Nguyên nhân chính là do ý thức hệ "vừa là đồng chí vừa là anh em" đã khiến một bộ phận giới lãnh đạo thiếu kiên định với phương châm và mục tiêu đã đề ra. Sự kiện sai lầm mang tính quyết định là thỏa hiệp Thành Đô năm 1990. Từ đó đến nay Việt Nam chưa bao giờ lấy lại được thế cân bằng cần thiết, miệng nói "sẵn sàng làm bạn với tất cả", nhưng thực tế lại nghiêng về phía ông bạn láng giềng. Mặc dù nhiều phen bị ông bạn xâm hại vẫn cam chịu. Quan hệ với Mĩ và ASEAN không được thực sự coi trọng đúng mức. Chơi với họ nhưng luôn dè dặt, nghi ng. Điều này được thể hiện khá rõ trong những phát ngôn của nhiều nhân vật lãnh đạo chính trị, quân sự và  học thuật trong thời gian gần đây. Mới đây có một vị Đại tá, Phó Giáo sư tên là Trần Đăng Thanh khi lên lớp trước hàng trăm cán bộ lãnh đạo các trường đại học tại Hà Nội đã đưa ra cách nhận định, đánh giá về bạn/thù thật rối rắm như sau:
“… Các đồng chí nhớ người Mĩ ... nếu có tốt chỗ này, có ca ngợi chúng ta chỗ kia, có ủng hộ chúng ta về Biển Đông chẳng qua vì lợi ích của họ. Họ đang thực hiện “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Họ chưa bao giờ tốt thật sự với chúng ta, tội ác của họ trời không dung, đất không tha.” 
“...Đối với Trung Quốc hai điều không được quên”:“ họ đã từng xâm lược chúng ta nhưng ta cũng không được quên họ đã từng nhường cơm xẻ áo cho chúng ta. Ta không thể là người vong ơn bội nghĩa” .
Suốt mấy ngày qua dân mạng phê phán, thậm chí chửi bới ông này dữ quá. Nhưng suy cho cùng ông ta đã thể hiện đúng thực trạng tình hình nhận thức của giới Lãnh đạo và lý luận đất nước trong thời kỳ "hậu đổi mới". Đó là tình trạng lúng túng về đường lối chủ trương chính sách, nhầm lẫn trong việc lựa chọn bạn/thù trước bối cảnh tình hình biến động mau chóng tại khu vực và thế giới. Còn nhớ khi tiếp xúc cử tri Quận Ba Đình ngày 1/10/2011, người đứng đầu của Đảng đã từng đưa ra cách đánh giá về vấn đề tranh chấp Biển Đông như sau:
Nói Biển Đông không phải chỉ là Biển Đông. Nói Biển Đông không phải quan hệ ta với Trung Quốc. Nói Biển Đông không phải toàn bộ vấn đề Biển đông. Nó chỉ có một cái chỗ đảo Hoàng Sa với lại… quần đảo Hoàng Sa với lại chỗ quần đảo Trường Sa ấy … và cái ranh giới thềm lục địa theo công ước luật biển quốc tế...”.   

Nói vậy có nghĩa Biển Đông nào có quan trọng gì và nó là vấn đề của người khác chứ không phải của Việt Nam. Vậy chẳng trách  đối với những trường hợp phát ngôn nhu ngộ khác được ghi nhận từ các cấp trong mấy năm gần đây. Ví dmột ông Viện trưởng Mác-Lê lập luận rằng trong quá khứ ông cha ta mỗi lần đánh thắng xâm lược Phương Bắc đều trở lại triều cống ...cớ sao bây giờ lại đòi chống Trung Quốc(?) và một ông Phó ban Biên giới đánh giá hành động tàu Trung Quốc cắt cáp tàu dầu khí Bình Minh II của Việt Nam hồi năm ngoái là "thương cho roi cho vọt..." (!) Vân vân và vân vân.... Tất cả cho thấy điều gì nếu không phải là tình trạng thiếu nhất quán trong việc nhận định đánh giá tình hình, là sự lẫn lộn bạn/thù, tù mù chiến lược? Không phải họ "không thuộc bài"  mà vì bài bản nó như vậy!

Phải chăng đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những việc làm khó hiểu gây bức xúc trong dư luận cả nước gần đây? Đó là việc mất cảnh giác khi cho "bạn" thuê đất rừng đu nguồn và đất canh tác  dọc đường biên, đưa hàng nghìn công nhân vào khai thác bo-xit trên Tây Nguyên, du nhập, lưu hành tràn lan văn hóa phẩm cũng như hàng hóa các loại từ Trung Quốc bất chấp nguyên tắc có đi có lại, v.v...Chủ trương đàn áp không phân biệt các cuộc biểu tình phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông cũng là một biểu hiện. Những việc làm đó, dù cố tình hay vô ý thức, đã và đang gây bức xúc và đánh mất nốt chút lòng tin còn sót lại của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Chỉ kẻ thù được lợi và đắc chí, nhưng chúng không vì thế mà dừng lại./.
 

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này