Đây là tên của một bài viết của tác giả Nguyễn Đại Việt đăng tại Nguyễn Thái Học Foundation http://www.nguyenthaihocfoundation.org/lichsuVN/viet-lai-ten-Bach-Viet.htm
Nhận thấy bài viết đề cập cùng chủ đề của blog Bách Việt và tập trung vào hai vấn đề lịch sử có nhiều khuất tất nhất và dường như đang bị "quên lãng" bởi chính người Việt Nam, đó là a) nguồn gốc và mối quan hệ giữa dân tộc Việt Nam và Bách Việt nói chung (?); b) người Việt có chữ viết riêng hay không và tiếng Việt vay mượn tiếng Hán hay ngược lại (?), chủ blog tôi xin giới thiệu để cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho bạn đọc. Hy vọng tài liệu này sẽ góp phần trả lời một số thắc mắc đồng thời thúc đẩy hơn nữa công tác nghiên cứu lịch sử dân tộc ta theo hướng khách quan và tôn trọng sự thật lịch sử dựa vào không chỉ sử sách cũ mà tất cả các nguồn dữ liệu mới trên cơ sở khoa học khảo cỗ và nhân chủng học hiện đại. Sự hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về cội nguồn dân tộc sẽ giúp người Việt Nam thật sự thoát khỏi nỗi mặc cảm truyền kiếp và lấy lại tâm thế đáng có của mình.
Viết lại tên Bách Việt
Tác giả: Nguyễn Đại Việt(*)
Sau khi hợp lực đánh
đổ nhà Tần năm 206 trước Công Nguyên (TCN), Lưu Bang bất thần xé
bỏ hòa ước Hồng Câu xua quân bao vây Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ và
diệt nước Sở năm 202 TCN. Cùng năm đó, ông lên ngôi hoàng đế sáng
lập ra nhà Hán còn gọi là nhà Tiền Hán hay nhà Tây Hán. Về chữ viết,
Hán triều tiếp tục chính sách của Tần Thủy Hoàng trong việc sửa
đổi và tiêu chuẩn hóa một loại cổ ngữ thành một hệ thống chữ viết
gọi là Hán ngữ.
Hình 1: Chữ "Việt"
(bên trái) viết theo lối chữ Triện thời Tây Hán. Chữ "tẩu"
(thứ hai từ trái sang phải) dùng để xác định ý nghĩa và chữ "người
cầm qua" (bên phải) dùng xác định cách phát âm. Chữ cuối phát
âm là "Việt" có hình tượng giống như một người cầm cái
qua (戈). Trong Hán ngữ chữ "qua" (戈) có nghĩa là "cái
mác" hoặc "chiến tranh".
Trong khoảng từ năm 109
đến năm 91 TCN, Tư Mã Thiên, một sử gia nổi tiếng đời Tây Hán, dùng
Hán ngữ biên soạn bộ Sử Ký dài 130 tập, theo chú thích trong Đại
Việt Sử Ký Toàn Thư, ông là người đầu tiên viết hai chữ Bách Việt
trong tập Ngô Khởi Truyện của bộ Sử Ký nổi tiếng đó. "Bách
Việt" được dịch sang Hán ngữ hiện đại là 百 越.
Một bộ sử khác do Ban
Bưu khởi xướng, bộ Hán Thư (漢書) gồm 100 tập, cũng được soạn thảo
vào thời Tây Hán chép rằng:
“Trong vòng bảy
hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Hội Kế (Cối Kê), ở đâu cũng có
Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình.”
Bách Việt mà hai bộ Sử
Ký và Hán Thư đề cập đến chính là chủ nhân của vùng đất rộng lớn,
bao trùm toàn cõi Hoa Nam và miền Bắc Việt Nam ngày nay; ngoại trừ
Lạc Việt (Việt Nam) các thị tộc Bách Việt khác đều bị Hán tộc tiêu
diệt, đồng hóa và chiếm đoạt hết lãnh thổ.
Theo Hán ngữ hiện đại,
tên các thị tộc của Bách Việt được viết là 於 越 (Ư Việt), 揚 越 (Dương
Việt), 閩 越 (Mân Việt), 南 越 (Nam Việt), 東 越 (Đông Việt), 山 越 (Sơn
Việt), 雒 越 (Lạc Việt), 甌 越 (Âu Việt), v.v…tất cả các tên đều gắn
liền với chữ 越, gọi là "chữ Việt bộ Tẩu". "Tẩu"
có nghĩa là "chạy" nhưng không hiểu vì sao sử gia Lê Văn
Hưu thời nhà Trần khi biên soạn quyển Đại Việt Sử Ký (大越史記) năm
1272 và sử gia Ngô Sĩ Liên, triều vua Lê Thánh Tông, khi viết quyển
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (大越史記全) năm 1479, vẫn sử dụng chữ "Việt
bộ Tẩu" của nhà Tiền Hán.
Bài viết này gồm 2 phần.
Phần chính giới thiệu chữ "Việt" nguyên thủy của người
Việt cổ đồng thời chứng minh "chữ Việt bộ Tẩu" của nhà
Tây Hán là một bản dịch sai của chữ "Việt" đó. Phần còn
lại, phần phụ, trình bày một cái nhìn, một cảm nhận cá nhân về chữ
"Việt" của một vị vua sống trong thế kỷ thứ 5 TCN.
CHỮ "VIỆT"
CỦA BÁCH VIỆT
Tại sao chủng tộc Bách
Việt lại tự nhận diện qua một cái tên không phản ảnh một chút sắc
thái nào của mình? Nguyên do nào khiến tên của một chủng tộc từng
làm chủ một lãnh thổ rộng lớn lại mang ý nghĩa bi quan như thế?
Ngày nay, khi tìm hiểu
ý nghĩa chữ "Việt" giới nghiên cứu không tránh khỏi ngạc
nhiên và băn khoăn bởi những câu hỏi tương tự trên đây. Mặc dù có
những nổ lực bỏ ra nhằm khám phá những bí ẩn đàng sau chữ "Việt
bộ Tẩu", nhưng đến nay tuyệt nhiên vẫn chưa có một giải thích
thuyết phục nào được công nhận một cách rộng rãi. Sỡ dĩ có sự bế
tắc đó là vì họ đã nghiên cứu một cái tên sai. Quả vậy, chữ 越 hay
"Việt bộ tẩu" không phải là do người Việt cổ đặt ra, nó
chỉ là một phiên bản được các sử gia và học giả của triều đình Tây
Hán dùng Hán ngữ dịch từ chữ "Việt" nguyên thủy vốn đã
xuất hiện trước đó ít nhất là 300 năm.
Từ văn tự cổ đến trống
đồng và những cổ vật khai quật được đặc biệt là thanh gươm của vua
Câu Tiễn, chúng ta sẽ tìm câu trả lời chính xác cho câu hỏi Việt
là gì, nó sẽ giải tỏa nghi vấn kéo dài suốt hơn 2000 năm kể từ khi
Tư Mã Thiên dùng Hán ngữ đặt bút viết chữ " Việt bộ Tẩu"
(越) trong bộ Sử Ký của ông đến nay. Trong phần này các chữ "Việt"
thuộc thời đại đồ đồng sẽ được trình bày và phân tích. Kế đó, thành
phần cấu tạo của chúng sẽ được so sánh với thành phần cấu tạo của
chữ "Việt bộ Tẩu" và chữ "Việt bộ Kim".
1. Chữ "Việt" nguyên
thủy của người Việt cổ trong thời đại đồ đồng
Giáp Cốt văn là loại văn tự khắc chạm
trên mai rùa hay xương động vật. Chữ trên mai rùa gọi là Giáp văn
còn chữ trên xương những động vật khác gọi là Cốt văn. Chữ viết
khắc chạm trên đồng và kim loại gọi là văn tự thời đồ đồng. Cả hai
loại văn tự đều có từ đời nhà Thương và Giáp Cốt văn là loại văn
tự cổ xưa nhất. Triều đại nhà Thương xuất hiện trong khoảng từ năm
1600 đến 1046 TCN, kinh đô đóng tại đất Ân thuộc tỉnh Hà Nam, Trung
quốc ngày nay. Giặc Ân trong huyền sử Phù Đổng Thiên Vương của người
Việt chính là nhà Thương này. Hiện nay có hơn 4.000 chữ thuộc văn
tự thời đồ đồng được khai quật và trong đó một số chữ "Việt"
được ghi nhận. Xin lưu ý là các văn tự đồ đồng và Giáp Cốt văn dùng
trong tài liệu này đều được cung cấp từ chineseetomology.org, một
website về cổ ngữ rất phong phú và hữu ích của ông Richard Sears.
Sau đây là 5 chữ "Việt"
viết bằng loại "chữ chim", có nơi gọi là "chữ sâu
bọ và chim", một loại cổ ngữ rất phổ biến và thông dụng ở các
nước Sở, Việt, và Chu.
a) Chữ "Việt" mang
ký hiệu B01747
Hình 2: Một chữ "Việt"
trong thời đại đồ đồng
Nhận xét chữ mang ký hiệu B01747:
- Người đeo lông chim trên đầu và
thắt lưng. Từ đây về sau sẽ gọi là "Người Chim".
- Người Chim đứng với hai chân dang
rộng, tay cầm một cây gậy dựng đứng trên mặt
đất và trên thân gậy có 2 cái móc nhỏ.
- Chữ này chỉ có một thành phần là
chính nó.
- Niên đại: không rõ.
b) Chữ "Việt" mang
ký hiệu B01748
Hình 3: Một chữ "Việt"
trong thời đại đồ đồng
Nhận xét chữ mang ký hiệu B01748:
- Thành phần bên phải là Người Chim.
- Tay Người Chim cầm một vật giống
như cái qua (mác).
- Người Chim trong tư thế của một
vũ điệu.
- Thành phần bên trái là ký tự gồm
một hình tròn nằm trên chữ mang hình tượng có đầu tròn to với một
cái đuôi.
- Niên đại: không rõ.
c) Chữ "Việt" mang
ký hiệu B01750
Hình 4: Một chữ "Việt"
trong thời đại đồ đồng
Nhận xét chữ mang ký hiệu B01750:
- Thành phần bên phải là Người Chim.
- Thành phần bên trái gồm một hình
tròn nằm trên ký tự có hình tượng giống thân rắn với 2 sừng.
- Niên đại: không rõ.
d) Chữ "Việt" mang
ký hiệu B01751
Hình 5: Một chữ "Việt"
trong thời đại đồ đồng
Nhận xét chữ mang ký hiệu B01751:
- Thành phần bên phải là Người Chim
trong tư thế nhảy múa.
- Người Chim không cầm qua hoặc binh
khí.
- Thành phần bên trái là một hình
tròn nằm trên một cái đầu có đuôi cong.
- Niên đại: không rõ.
e) Chữ "Việt" mang
ký hiệu B01749
Hình 6: Một chữ "Việt"
trong thời đại đồ đồng
Nhận xét chữ mang ký hiệu B01749:
- Thành phần bên phải là Người Chim.
- Tay phải của của Người Chim cầm
một vật có hình dạng của một cái qua.
- Thành phần bên trái gồm một hình
tròn có chấm bên trong và nằm ngay trên ký tự có hình tượng uốn
lượn như thân rắn với một cái đầu to, miệng (hoặc 2 sừng) và mắt.
- Niên đại: 496 - 465 TCN. Đây là
chữ "Việt" được khắc trên thanh gươm của vua Câu Tiễn
nước Việt (khác với Việt Nam).
Kết luận:
Khảo sát các chữ "Việt" trên đây chúng ta rút ra được
2 điểm quan trọng,
- Thứ nhất, chữ "Việt" nguyên
thủy của người Việt cổ có niên đại trong khoảng từ 496 đến 465 TCN,
nghĩa là chúng xuất hiện trước chữ "Việt bộ Tẩu" của nhà
Tiền Hán ít nhất 3 thế kỷ.
- Thứ hai, yếu tố chủ đạo
của các chữ "Việt" là "Người Chim". "Qua"
hay binh khí là yếu tố phụ.
2. Chữ "Nước" (Quốc
gia) trong thời đại đồ đồng
Theo định nghĩa của chữ 邑 (ấp), một
trong các ý nghĩa của nó là "nước" hay "quốc gia".
Ví dụ như "nước Chu" (邾: Chu quốc) hay "nước Hàn"
(邗: Hàn quốc) thời Xuân Thu và Chiến Quốc.
Hình 7: Chữ "ấp" trong
thời đại đồ đồng. Chữ này có nghĩa là "nước", "quốc
gia", "kinh đô, "thành thị" hoặc là vùng đất
được vua ban cho.
Hình 8: "Chu quốc" nghĩa
là "nước Chu" theo cách viết trong thời đại đồ đồng (trái)
và thời chữ Triện (phải).
Trong chữ "Chu quốc" nghĩa
là "nước Chu" (hình 8), chữ "nước" được đặt
sau chữ "Chu", khác với cách viết của người Việt là chữ
"nước" được đặt trước như trong các chữ "Việt"
của thời kỳ đồ đồng và cách viết hiện nay của người Việt Nam. Tương
tự, chữ "nước" được dùng trong chữ "Hàn quốc"
(nước Hàn) trong hình 9.
Hình 9: "Hàn quốc" nghĩa
là "nước Hàn" theo cách viết trong thời đại đồ đồng (trái)
và theo lối chữ Triện (phải).
Hiện nay có tất cả 31 chữ "邑" (ấp) thuộc
thời kỳ đồ đồng (hình 7) được ghi nhận.
3. Chữ "Tẩu" trong
thời đại đồ đồng
Chữ 走 (Tẩu) là thành phần bên trái
của chữ 越, chữ "Việt bộ Tẩu", viết theo Hán ngữ hiện đại.
Hình 10: Chữ "Tẩu" (Hán
ngữ hiện đại: 走) trong thời kỳ đồ đồng.
So sánh chữ "nước" (hình
7) với chữ "tẩu" của thời kỳ đồ đồng (hình 10) thì hai
chữ này hoàn toàn khác nhau từ hình thức đến nội dung. Hơn nữa "nước"
là một danh từ còn "tẩu" là một động từ. Hiện có 17 chữ
"Tẩu" thuộc thời đại đồ đồng được ghi nhận (hình 10).
4. Chữ "Kim" thời
đại đồ đồng
Trong hình 11 và phía trên là một
số cách viết chữ "Kim" trong thời đại đồ đồng. Ở dưới
và bên phải là chữ "Gươm", chữ cuối trong 8 chữ được khắc
trên thanh gươm của vua Câu Tiễn. Thành phần bên trái của chữ "Gươm"
chính là chữ "Kim".
Hình 11: Các cách viết chữ "Kim"
trong thời đại đồ đồng (trên). Chữ "Kim" là phần trái
của chữ "Gươm" (hình dưới, bên phải) và chữ "Nước"
là phần trái của chữ "Việt" (hình dưới, bên trái) trên
thanh gươm của vua Câu Tiễn.
Cũng trong hình 11, ở dưới và bên
trái, chữ "Việt" là chữ đầu tiên trong 8 chữ cổ trên thanh
gươm của vua Câu Tiễn. Phần bên trái của chữ "Việt" không
thể là chữ "Kim" vì không bao giờ có 2 chữ "Kim"
khác nhau được khắc trên cùng một thanh gươm, nhất là thanh gươm
của một ông vua. Hơn nữa về hình thức thì 2 chữ 邑 (Ấp, hinh 7) và
金 (Kim, hình 11) hoàn toàn khác nhau. Hiện nay có tất cả 82 chữ
"Kim" thuộc thời đại đồ đồng được ghi nhận.
Kết luận: Thành
phần bên trái của chữ "Việt" nguyên thủy chính là chữ
"邑" (ấp) và được viết bằng "văn tự chim", một
loại chữ cổ có trước Hán ngữ và rất thông dụng ở các nước Sở, Việt,
và Chu.
5. Chữ "Người Chim"
trong chữ "Việt" nguyên thủy và chữ "người cầm qua"
(戉) trong "chữ Việt bộ Tẩu" của nhà Tây Hán
Chữ "Việt bộ Tẩu" của triều
đình nhà Tây Hán viết theo Hán ngữ hiện đại gồm 2 thành phần. Phần
bên trái là chữ "Tẩu" dùng để xác định ý nghĩa của toàn
chữ và phần bên phải là chữ "Việt" dùng để phát âm (hinh
12).
Hình 12: "Việt bộ tẩu"
viết theo Hán ngữ hiện đại.
Chữ bên phải của chữ "Việt bộ
Tẩu" mang hình tượng một người cầm qua, chữ này có gốc từ chữ
戈 của Hán ngữ và có nghĩa là "Qua", 'Mác" hay "Chiến
tranh". Chữ 戉 (người cầm qua) trong chữ "Việt bộ Tẩu"
không phải là thành phần cấu tạo của chữ "Việt" nguyên
thủy.
Hình 13: Một cách dịch chữ "Người
Chim" của người Việt cổ sang Hán ngữ hiện đại. Lưu ý là Hán
ngữ không có chữ này.
Thật vậy, từ chữ "Việt"
trong thời kỳ đồ đồng đến hàng trăm trống đồng được khai quật ở
Việt Nam và vùng Hoa Nam, tất cả đều thể hiện một quan niệm đồng
nhất của người Việt cổ khi dùng các yếu tố chủ đạo để tự nhận diện
và yếu tố đó chính là "Người Chim" tay cầm qua hay binh
khí (hình 13).
Hình 14: "Người Chim" trên trống đồng
Ngọc Lũ. Nguồn: Wikipedia.
Cho đến nay số lượng chữ "Việt"
thuộc thời đại đồ đồng khai quật được tuy không nhiều nhưng quan
trọng là tất cả đều thể hiện tính nhất quán cả về nội dung lẫn hinh
thức. Vì vậy, có thể tiên đoán rằng đối với bất kỳ chữ "Việt"
nào có trước thời Tiền Hán và được viết theo "văn tự chim"
thì xác xuất để nó mang cùng nội dung và hình thức với 5 chữ "Việt"
trình bày trên đây rất cao.
Hình 15: Một ví dụ
của chữ "Việt" được dịch sang Hán ngữ hiện đại từ chữ
"Việt" nguyên thủy. Bên trái là chữ ấp (邑: nước), bên
phải là chữ "Người Chim" tay cầm qua và phát âm là "Việt".
Toàn chữ viết và đọc là "nước Việt". Trong Hán tự không
có chữ này. Hán ngữ hiện đại dùng chữ 國 (quốc, nước, quốc gia) thay
thế cho chữ 邑 (ấp, nước, quốc gia).
Kết luận: Chữ
"Việt" nguyên thủy của người Việt cổ có niên đại từ 496
- 465 TCN, viết bằng "văn tự chim", xuất hiện trước chữ
"Việt bộ Tẩu" bằng Hán ngữ của nhà Tây Hán ít nhất 300
năm. Chữ "Việt" của Bách Việt được cấu tạo bởi hai thành
phần duy nhất là chữ "Nước" (邑: ấp, quốc gia) ở bên trái
và chữ "Người Chim" tay cầm qua ở bên phải. "Người
Chim" là yếu tố chủ đạo, phát âm là "Việt", "qua"
hay binh khí là yếu tố phụ (hình 15).
oOo
Từ các chứng cớ lịch sử vững chắc
đã được công bố bao gồm văn tự của thời đại đồ đồng, hoa văn trên
trống đồng, và cổ ngữ trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, những phân
tích trên đây chứng minh rằng dù được viết bằng Hán ngữ thời Tây
Hán hoặc hiện đại thì nội dung và hinh thức của chữ 越, chữ Việt
bộ tẩu và 2 thành phần của nó 走 và 戉, hoàn toàn không phải là chữ
"Việt" của Bách Việt, nó chỉ là một phiên bản được dịch
từ chữ "Việt" nguyên thủy vốn đã có trước khi nhà Tây
Hán thành lập 3 thế kỷ. Hán sử không trung thực khi ghi chép về
Việt tộc, đó là sự thật, và điều đáng tiếc là Tư Mã Thiên, dù với
bất kỳ lý do nào, đã xem nhẹ kiến thức và uy tín của tác giả bộ
Sử Ký nổi tiếng khi dịch sai tên một chủng tộc. Ông đã bị chính
trị ảnh hưởng, hay nói một cách chính xác hơn, đó là một nhầm lẫn
được suy tính chu đáo của triều đình nhà Tây Hán trong chính sách
tiêu diệt và đồng hóa các thị tộc Bách Việt.
PHỤ LỤC: MỘT CÁCH DỊCH CHỮ
"VIỆT" SANG HÁN NGỮ
Chúng ta bắt đầu phần này bằng một
câu chuyện về nước Oa (Wa), một quốc gia nằm trong vùng biển phía
đông của Hoa lục. " Oa" viết theo Hán ngữ là 倭, là tên
do người Hán đặt cho dân tộc này và được họ dùng trong nhiều thế
kỷ để tự nhận diện và khi giao tiếp với các triều đình Trung Hoa.
Mãi đến thế kỷ thứ 8, sau khi khám
phá ra thâm ý phía sau tên Oa, học giả và trí thức người Oa lập
tức dùng một tên khác để thay thế. Chữ Oa (倭) mang ý nghĩa châm
biếm và xúc phạm như "phục tùng" hay "thằng lùn",
còn tên mới 和 có nghĩa là "hài hòa, hòa bình, và quân bình.
"Đại Hòa" (大 和) từng là tên của nước Oa sau thế kỷ thứ
8. Ngày nay người Oa dùng một tên khác mà người Việt thường ưu ái
gọi họ là "con cháu Thái Dương Thần Nữ". Đó là đất nước
và dân tộc Nhật Bản (日本).
Trong phần chính chữ "Việt"
được phân tích theo phương pháp khoa học và căn cứ trên những chứng
cớ cụ thể đã được công nhận. Trong phần này ý nghĩa của chữ "Việt"
trên thanh gươm của vua Câu Tiễn được suy diễn đơn thuần dựa theo
phong tục tập quán của người Việt và vì vậy cách dịch chữ "Việt"
ở đây có thể không hoàn toàn khách quan.
1. Chính sử: Thanh gươm của
vua Câu Tiễn
Câu Tiễn là một người Việt cổ, làm
vua nước Việt từ năm 496 đến 465 TCN. Vương quốc của ông lúc bấy
giờ bao gồm Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô ngày nay và kinh
đô đặt tại Hội Kế (Cối Kê) trong tỉnh Chiết Giang. Tỉnh Chiết Giang
là nơi có con sông Tiền Đường, giòng sông nơi Thúy Kiều gieo mình
tự vẫn nhưng được sư Giác Duyên cứu sống trong tác phẩm Kim Vân
Kiều của Nguyễn Du.
Hình 16: Thanh gươm của vua Câu
Tiễn được khai quật năm 1965 hiện được trưng bày tại viện bảo tàng
Hồ Bắc, Trung quốc. Nguồn: uncleicko.
Khoảng năm 333 TCN, dưới thời của
vua Vô Cương là cháu đời thứ 6 của vua Câu Tiễn, nước Việt bị nước
Sở thôn tính và thị tộc U Việt mất nước từ đây.
Tuy vậy, câu chuyện của vị vua người
Việt cổ chưa chấm dứt ở đó. Vào năm 1965 người ta khai quật được
thanh gươm của ông ở tỉnh Hồ Bắc, Trung quốc và hiện được trưng
bày tại viện bảo tàng của tỉnh này (hình 16).
2. Chữ "Việt" trên
thanh gươm của vua Câu Tiễn: một cái nhìn khác
Cảm nhận đầu tiên là sự khác thường
của chữ "nước" ( 邑) trong chữ Việt trên thanh gươm so
với chữ "nước" ( 邑) của các chữ "Việt" khác
trong thời đại đồ đồng. Chính sự khác thường đó là nguồn cảm hứng
cho phần này, ngoài "Người Chim", trong chữ "Việt"
còn có thêm 2 yếu tố khác.
Hình 17: Tám chữ cổ khắc trên
thanh gươm của vua Câu Tiễn. Tám chữ này được viết theo lối điểu
ngữ (còn gọi là trùng ngữ). Theo thứ tự chúng được dịch là "Việt
Vương Câu Tiễn Tự Tác Dụng Gươm" có nghĩa là "Thanh gươm
của Vua Câu Tiễn nước Việt tự làm để dùng". Hán tự không có
chữ "Gươm". Nhà nghiên cứu Đỗ Thành có phân tích về chữ
"Gươm" và "Kiếm" trong bài "Chữ Kiếm trong
thanh Gươm của Việt Vương Câu Tiễn". Nguồn: Wikipedia.
Trong hình 18, theo nhận xét thiên
về mặt phong tục tập quán và huyền sử hơn là phương diện khoa học
và ngữ văn thì chữ "Việt" trên thanh gươm gồm 3 thành
phần thay vì 2 như đã trình bày. Ba thành phần đó là các chữ "Mặt
Trời", "Rồng", và "Người Chim".
Hình 18: Chữ "Việt"
(bên trái) trên thanh gươm của vua Câu Tiễn và 3 thành phần cấu
tạo của nó.
Trong các phần kế tiếp, các chữ "Mặt
Trời" và "Rồng" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn
sẽ được so sánh với cách viết các chữ "Mặt Trời" và "Rồng"
trong thời kỳ Giáp Cốt Văn và thời đại đồ đồng. Kế tiếp, hoa văn
khắc trên trống đồng sẽ được dùng để thiết lập mối tương quan với
các chữ "Mặt Trời", "Rồng", và "Nguời Chim"
trong chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn. Cuối
cùng, huyền sử "Rồng Tiên" phát xuất từ đời sống thực
tế hằng ngày của người Việt cổ được dùng để góp phần nêu lên sắc
thái chung mà người Việt cổ dùng để tự nhận diện và phân biệt họ
với các chủng tộc khác.
3. Chữ "Mặt Trời"
trong Giáp Cốt Văn và trong chữ"Việt" trên thanh gươm
của vua Câu Tiễn
Theo Giáp Cốt Văn (hình 19) và cổ
ngữ trong thời đại đồ đồng (hình 20), chữ "Mặt Trời" được
viết như là một hình tròn hoặc là một hình có 4 cạnh với một cái
chấm hay một gạch ngang nằm bên trong. Hình thức hay cách viết của
chữ "Mặt Trời" trong các thời kỳ đó thì duy nhất, nghĩa
là:
a. Không có bất kỳ chữ nào mang ý
nghĩa khác được viết với hình thức đó.
b. Bất kỳ chữ nào được viết với hình
thức như vậy đều có nghĩa là "Mặt Trời".
Vì vậy, một thành
phần của chữ "Việt", chữ thứ hai tính từ trái sang phải
trong hình 18, được xem là chữ "Mặt Trời".
Hình 19: Chữ "Mặt Trời"
trong thời đại Giáp Cốt Văn.
Hình 20: Chữ "Mặt Trời"
trong thời đại đồ đồng.
4. Chữ "Rồng" trong
Giáp Cốt Văn và trong chừ "Việt" trên thanh gươm của vua
Câu Tiễn
Trong Giáp Cốt Văn (hình 21), chữ
"Rồng" là một hình thù cong như thân rắn với một cái đầu
to có 2 sừng và đôi khi trên đầu đội vương miện.
Hình 21: Bên phải là một số cách
viết chữ "Rồng" trong thời kỳ Giáp Cốt văn. Bên trái là
một thành phần cấu tạo nên chữ "Việt" trên thanh gươm
của vua Câu Tiễn, nó giống chữ "Rồng" của Giáp Cốt văn,
có thân uốn lượn như mình rắn với một cái đầu to có mắt và 2 sừng.
5. Chữ "Rồng" trong
thời đại đồ đồng và trong chữ "Việt" trên thanh gươm của
vua Câu Tiễn
Hình 22 trình bày là các chữ "Rồng"
trong thời kỳ đồ đồng. Trong giai đoạn này chữ "rồng"
được viết sắc sảo hơn với đầu to, miệng và răng, có hai sừng và
đội vương miện.
Hình 22: Bên
phải là các cách viết chữ "Rồng" trong thời đại đồ đồng.
Bên trái là một thành phần cấu tạo nên chữ "Việt" trên
thanh gươm của vua Câu Tiễn, nó giống chữ "Rồng" của thời
đại đồ đồng, có thân uốn lượn như mình rắn với một cái đầu to có
mắt và 2 sừng.
So với chữ "Rồng" của các
thời kỳ Giáp Cốt văn và đồ đồng thì một trong các thành phần cấu
tạo nên chữ "Việt" trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, chữ
thứ 3 tính từ trái sang phải trong hình 18 được cho là chữ "Rồng".
6. Trống đồng: Chính sử của
Bách Việt
Khi toàn bộ Bách Việt ở vùng Hoa Nam
bị tiêu diệt và đồng hóa, sử sách của họ cũng cùng chung số phận.
Tuy Lạc Việt (Việt Nam) tránh được nạn diệt vong và mất nước nhưng
sử sách cũng bị Hán tộc thiêu hủy. Quyển quốc sử cổ xưa nhất của
Lạc Việt còn lưu lại là quyển Đại Việt Sử Ký (大越史記) của sử gia Lê
Văn Hưu thời nhà Trần, quyển này cũng chỉ mới được biên soạn vào
năm1272.
May thay, để bổ sung phần nào vào
thiếu sót đó là hàng trăm trống đồng cùng những di tích và cổ vật
của người Việt cổ được khai quật ở Việt Nam và vùng Hoa Nam trong
các thế kỷ qua. Sau đây là sự thật đã được xác lập:
- Hán tộc không có trống đồng.
- Trống đồng do chính người Việt cổ thiết kế và chế tạo.
- Minh văn trên trống đồng phản ảnh sắc thái chủ đạo trong đời sống thực tế của người Việt cổ.
Vì vậy trống đồng là một quyển chính
sử của chủng tộc Bách Việt.
7. "Mặt Trời" trong
chính sử trống đồng
Về yếu tố "Mặt
Trời" thì hiển nhiên không cần lời giải thích dài dòng vì tất
cả những trống đồng khai quật được đều có chạm trổ mặt trời ở chính
giữa tang trống. Do đó "Mặt Trời" đương nhiên là một yếu
tố chủ đạo trong đời sống của người Việt cổ.
Hình 23: Một
ví dụ của chữ "Việt" nguyên thủy được dịch ra Hán ngữ
hiện đại. Nó gồm chữ "Nhật" (Hán ngữ: 日 nghĩa là mặt trời
- phần bên trái và nằm ở trên), chữ "Long" (Hán ngữ: 龍
nghĩa là "rồng" - phần bên trái, ở dưới), và bên phải
là chữ "người đeo lông chim trên đầu và thắt lưng, tay cầm
cái qua" , lưu ý là Hán ngữ không có chữ này.
8. "Rồng" từ đời
sống thực tế đến huyền sử
Huyền sử “Con rồng cháu tiên” là câu
chuyện thần thoại không có thật nhưng nó phát xuất từ sự việc có
thật trong đời sống hằng ngày của người Việt cổ. Chính sử Việt và
Trung Hoa ghi nhận rằng dân Bách Việt có tục xâm mình, Đại Việt
Sử Ký Toàn Thư chép như sau:
Vua nói: "Người man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa.
Từ nhận định trên người Việt cổ đã nghĩ ra phương pháp xâm mình để tự bảo vệ khi di chuyển và mưu sinh trên sông hồ. Xâm mình là để thuồng luồng hay giao long "tưởng" họ cùng đồng loại nên sẽ không bị chúng gia hại.
Thoạt tiên mục đích xâm mình đơn thuần
chỉ là một biện pháp tự vệ đơn giản, nhưng dần dà, khái niệm tự
nhận mình cùng đồng loại hay cho mình là con cháu của rồng được
hình thành một cách tự nhiên trong tâm thức của những thế hệ sau.
Đồng loại với rồng không phải là câu chuyện thần thoại dựa trên
một việc hoang đường, trái lại nó bắt nguồn từ ngay trong đời sống
thực tế hằng ngày của người Việt cổ, nên "Rồng" được xem
là một yếu tố chủ đạo trong đời sống của dân Bách Việt.
9. "Người Chim"
trong chính sử trống đồng
Tùy theo niên đại và thị tộc khác
nhau, các trống đồng được khai quật có kích thước, phẩm chất và
những minh văn khác nhau, nhưng đặc biệt hầu hết các trống đồng
đều có chạm trổ những Người Chim, tay cầm qua hay binh khí và ở
trong tư thế nhảy múa. Tương tự như sự hình thành khái niệm “con
Rồng”, khái niệm “cháu Tiên” được bắt nguồn từ phong tục hóa trang
thành Người Chim, một trong những tập quán nổi bật nhất của của
người Việt cổ.
oOo
Tóm lại nếu có ai hỏi Việt là gì
thì câu trả lời nên là: Việt là "Mặt Trời", là "Rồng",
là "Người Chim" (Tiên). Đó là 3 yếu tố chủ đạo để nhận
diện chủng tộc Bách Việt. Khái niệm Rồng của Bách Việt phát xuất
từ đời sống thực tế qua phong tục xâm mình, còn khái niệm Rồng của
Hán tộc thì bắt nguồn từ đâu? Thắc mắc này được dùng để kết thúc
phần phụ lục.
KẾT LUẬN
Tại sao nhà Tiền Hán không sửa đổi
tên các nước Chu, Tề, Hàn, Triệu, v.v... mà họ lại đặc biệt làm
điều này đối với Bách Việt? Chắc chắn sẽ có nhiều câu trả lời và
chúng có thể không giống nhau. "Việt" là tên gọi chung
của các chủ nhân vùng đất phía nam Trường Giang, dùng "Việt"
thì có khã năng hiệu triệu và thống nhất toàn thể Việt tộc, tạo
nên một sức mạnh có khã năng đối đầu và thách thức quyền lực của
Hán triều trên toàn vùng Lĩnh Nam và Giao Chỉ. Chẳng hạn như sự
trỗi dậy và hùng cường của các vương quốc Việt tộc như Sở, Ngô,
và Việt thời Xuân Thu Chiến Quốc, hoặc chính nhờ sự hậu thuẫn của
Bách Việt nên Triệu Đà mới dám xưng Nam Việt Vũ Đế tạo được thanh
thế ngang ngửa với nhà Tây Hán, hay sự đồng loạt hưởng ứng của các
quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đối với cuộc khởi nghĩa
của Hai Bà Trưng năm 40, v.v... Nói chung nếu không tiêu diệt và
đồng hóa được Bách Việt thì Hán tộc sẽ không bao giờ chiếm và bình
định được vùng đất phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh. Bắt đầu chính sách
ấy với việc cấm dùng chữ "Việt" nguyên thủy và thay bằng
một tên khác, chữ "Việt bộ Tẩu", người Hán đã thành công
lấy được toàn cõi Hoa Nam; nhưng chưa dừng lại ở đó, họ vẫn đang
tiếp tục tràn xuống và mục tiêu lần này là Biển Đông Nam Á và căn
cứ cuối cùng của Việt tộc.
Lịch sử Bách Việt chứng tỏ không
kém phần phong phú khi được hé lộ qua kỹ thuật đúc gươm, trống đồng,
cùng những di tích và cổ vật khác được khai quật trong vài thế kỷ
qua, đáng tiếc là nền văn minh và văn hóa ấy đã liên tục bị tiêu
diệt trong suốt hơn 1000 năm, lãnh thổ thì mất cả chỉ còn lại một
dãi nhỏ hẹp. Bị gián đoạn hơn 10 thế kỷ khiến sử Việt thiếu hẳn
phần đầu, có chăng thì cũng mù mờ, đầy bí ẩn; phần sau của lịch
sử cũng chỉ mới bắt đầu khi người anh hùng xứ Đường Lâm, Tiền Ngô
Vương Ngô Quyền, thành công bảo vệ thành trì cuối cùng của Bách
Việt bằng một trận đánh đẫm máu trên sông Bạch Đằng năm 938.
Từ kỷ nguyên Internet đọc lại chính
sử trên văn tự cổ, trên thanh gươm của vua Câu Tiễn, trên trống
đồng, và đời sống thực tế của người Việt cổ, hậu duệ của họ không
những có trách nhiệm viết đúng lại tên Bách Việt để phản ảnh sự
nhất quán của cổ nhân về tên chủng tộc, mà còn có bổn phận đào xới
và minh bạch hóa lịch sử của chủng tộc vốn là chủ nhân của một lãnh
thổ rộng lớn và trù phú. Vì vậy, viết lại tên Bách Việt là khởi
đầu cho công cuộc làm sáng tỏ giai đoạn lịch sử bị gián đoạn, đồng
thời cũng là lời mở đầu cho một quyển sử mới với hy vọng trong đó
có chép cuộc hành trình về lại vùng Lĩnh Nam của hậu duệ người Việt
cổ.
Thung lũng Hoa vàng
Mồng Một Tết Nhâm Thìn tức ngày 23
tháng 1 năm 2012
(*)Tác giả Nguyễn Đại Việt là tiến
sĩ trong ngành điện toán, chuyên nghiên cứu và phát triển Integrated
Circuits và Microprocessor cho kỹ nghệ Semiconductor. Ông là thành
viên trong Ban nghiên cứu Á Châu của Nguyễn Thái Học Foundation.