Trong dân gian có những câu ngụ ngôn về sức mạnh như “Cá lớn nuốt cá bé”, “Chó cậy gần nhà, gà
cậy gần vườn”, v.v... rất đúng với thế giới động vật hoang dã, nhưng không hẳn lúc nào cũng
đúng trong thế giới loài người, nhất là loài người văn minh của thế giới hiện
đại . Đáng tiếc là, những thế lực “diều hâu” ở Trung Quốc hiện nay vẫn
tiếp tục nhầm lẫn về điều này. Họ không ngớt lời kêu gọi tăng cường sức manh
quân sự để thực hiện ý đồ độc chiếm biển Đông. Họ không hiểu rằng ngoài sức mạnh và khoảng
cách, còn một yếu tố quyết dinh hơn đó là đạo lý. Đó là
sai lầm của họ, nhưng để trả giá cho sai lầm đó của họ, chắc chắn không chỉ có
họ mà còn đối với hàng triệu người Trung Quốc và các dân tộc khác, nhất là khi
một cuộc chiến nổ ra tại đây.
Thoạt nhìn tưởng rằng sở dĩ nước Mỹ
kiếm soát được Thái bình dương (TBD) chỉ là nhờ sức mạnh. Từ cách tư duy
sai lầm đó, người Trung Quốc giờ đây cũng cho rằng khi đất nước họ đủ mạnh thì đương
nhiên cũng phải được quyền kiểm soát, chí ít là phần phía Tây của TBD (!?).
Cách tư duy này có lẽ không chỉ ám ảnh trong đầu óc giới diều hâu mà còn lan sang phần lớn người dân nước
này, nhất là khi nó được dung túng bởi giới lãnh đạo đất nước trong nhiều năm nay. Họ một mặc lên án sự thống trị của các thế lực thực dân nước ngoài khiến Trung Quốc bị suy yếu, thất thế và thua thiệt trong quá khứ, một mặt lại kích động tâm lý sức mạnh để thực hiện cái gọi là "đòi lại" những vùng lãnh thổ và biển đảo mà họ cho là "đã mất", trong đó có biển Đông. Về mặt nào đó thế
giới có thể cảm thông với cái quá khứ đáng đau buồn của nhân dân Trung Quốc. Nhưng
ý đồ độc chiếm biển Đông như một “lợi
ích cốt lõi” thì thật là một sự tính toán sai lầm đầy nguy hiểm.
Sự nhầm lẫn chủ yếu nằm ở chỗ họ không thấy
sự khác nhau giữa hai khái niệm CHIẾM GIỮ và KIỂM SOÁT. Cụ thể là, về
vị trí địa lý, trường hợp nước Mỹ hoàn toàn khác với trường hợp Trung Quốc : Mỹ
hầu như không bị quốc gia nào khác đứng ra tranh chấp chủ quyền tại bờ Đông của
TBD (tức là bờ Tây của nước Mỹ), trong khi Trung Quốc nằm ở bờ Tây TBD với hàng chục quốc gia ven
bờ và quốc gia quần đảo vây quanh - tất cả đều được hưởng quy chế quốc tế đầy đủ liên quan đến các quyền lợi về biển và đại dương . Nói cách khác, Trung Quốc chỉ là một trong số nhiều quốc gia
cùng chia sẻ lợi ích tại đây, trong đó có biển Đông vốn đã thuộc quyền kiểm soát của các quốc gia ĐNẤ khác nhau. Hai là, từ trước đến nay chưa có một quốc gia nào
kể cả Mỹ , Nhật Bản, đã thực sự chiếm giữ biển Đông; có chăng tùy thời kỳ họ chỉ thực thi sự kiểm soát trên thực tế đối với vùng biển này mà thôi. Nhật Bản đã chiếm đóng một số đảo nhỏ tại đây trong thời kỳ thế chiến II nhưng đều phải giao trả lại cho các bên trong vùng sau Hội nghị San Francisco năm 1945. Ngay cả Mỹ chỉ thực thi quyền kiểm soát đối với Thái bình dương, kể cả biển Đông chứ chưa bao giờ có quyền chiếm giữ tại đây. Và sự kiểm soát đó không chỉ nhờ sức
mạnh mà chủ yếu nhờ biết tranh thủ được sự đồng tình của các quốc gia trong khu
vực. Một số căn cứ của Mỹ đã được thiết lập tại đây đều dựa trên cơ sở thỏa thuận với các chính quyền sở tại và đều có thời hạn nhất định. Nói cách khác, nếu không được sự ủng
hộ của các quốc gia Đông Á và ĐNA thì dù
mạnh bao nhiêu Mỹ cũng khó mà làm được điều đó. Cụ thể là, Mỹ đã lợi dụng
trạng thái đối đầu "hai phe" trong thời kỳ chiến tranh lạnh để tranh thủ quan hệ với
các quốc gia đồng minh tại khu vực nhằm thực thi quyền kiểm soát đối với toàn
bộ bờ Tây Thái bình dương. Trong quá trình đó Mỹ không có ý đồ chiếm giữ đối với biển Đông; và nếu có ý đồ đó, chắc chắn đã bị thất bại trước sự chống trả của chính bản
thân các quốc gia trong khu vực. Biểu hiện rõ nhất của điều này là sự lung lay
của vị thế kiểm soát của Mỹ tại Châu Á –TBD ngay sau chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975 và tiếp theo sự kết thúc của cuộc chiến tranh lạnh từ những năm 1990. Lúc đó Mỹ không còn có
cớ để ve vãn các nước trong khu vực, và ngược lại các quốc gia ĐNA, kể cả Hàn Quốc
và Nhật Bản, đều muốn nhân cơ hôi này để thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ. Người Mỹ đã bắt buộc phải ra đi trong bối cảnh đó.
Tuy nhiên về phần mình, người Trung
Quốc, có thể vì quá tham vọng và ngạo mạn hoặc vì một lý do nào đó, không nhận
thức được điều này nên đã phạm phải một sai lầm rất nghiêm trọng việc lựa chọn cách
sử dụng sức mạnh để chiếm giữa biển Đông. Sai lầm cơ bản này khiến họ đánh mất
cơ hội để tiến tới thay thế vai trò kiểm soát vùng biển phía Tây của TBD, trong đó có biển
Đông. Nói cách khác người Trung Quốc
không nhận thấy tính “bất khả thi” của ý đồ độc chiếm đối với biển Đông. Đây chính là nguyên nhân thất bại
của họ như ta có thể thấy cho đến nay. Còn nhớ cảnh tượng các quốc gia
Đông Nam Ấ, kể các các nước cựu thù trong thời kỳ Maoist, đã hân hoan chìa tay
kết thân với Trung Quốc đại lục như thế nào…để rồi phải thụt tay lại như
trường hợp Philippines, Indonesia, Malaysia, v.v...khi Trung Quốc thè cái “lưỡi bò” vào bên trong vùng biển
của họ. Kết cục là Mỹ đã lại được hoan nghênh để quay lại đóng vai trò kiếm soát
tại đây. Đó há chẳng quá đủ để người Trung Quốc tự rút ra một bài học rằng họ
dù là nước lớn nhất nhì thế giới cũng có thể sẽ không bao giờ có thể kiểm soát
được vùng biển xung quanh nếu vẫn tiếp tục với quan điểm chiếm giữ dù chỉ là một
cm2 biển đảo vốn không thuộc chủ quyền hợp pháp của họ tai đây. Lý do đơn giản là vì, bất cứ một ý đồ chiếm giữ nào như vậy đều sẽ không thể chấp nhận bởi các
quốc gia trong vùng. Và lợi ích đó của họ hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc
tế. Ngay cả trường hợp Trung Quốc một
ngày kia có trở nên mạnh bằng hoặc hơn Mỹ cũng không thể thực hiện được ý đồ
chiếm giữ như vậy. Nói cách khác, muốn tiến tới có một vai trò kiếm soát tại biển Đông, Trung Quốc không có cách nào khác
là phải học bài học của chính nước Mỹ, đó là chỉ có cách khôn khéo gây ảnh hưởng để
thực thi quyền kiểm soát và tuyệt đối từ bỏ ý đồ chiếm giữ đối với biển Đông. Bài học tưởng đơn giản nhưng có lẽ không dẽ học đối với một nước như Trung Quốc. /.