Hiển thị các bài đăng có nhãn Quan hệ Việt-Mỹ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Quan hệ Việt-Mỹ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Giông tố đang kéo đến Biển Đông


Tất cả các nước Đông Á đang chờ đợi xem Mỹ đáp trả lại sự hiếu chiến của Trung Quốc như thế nào
Tác giả: James Webb/ Wall Street Journal, ngày 20/8/2012
Người dịch: Dương Lệ Chi

Từ sau chiến tranh thế giới thứ II, mặc dù chiến tranh bùng nổ ở Triều Tiên và Việt Nam gây tốn kém, nhưng Hoa Kỳ đã chứng minh là nước bảo đảm sự ổn định cần thiết trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngay cả khi  sức mạnh chuyển dịch từ Nhật Bản sang Liên Xô và gần đây nhất là sang Trung Quốc. Những lợi ích của việc tham gia của chúng ta là một trong những câu chuyện thành công lớn của lịch sử nước Mỹ và lịch sử châu Á, cung cấp cho các nước được gọi là ‘bậc hai’ trong khu vực có cơ hội phát triển về mặt kinh tế và trưởng thành về mặt chính trị.
Khi khu vực này phát triển thịnh vượng hơn, vấn đề [tranh chấp] chủ quyền đã trở nên dữ dội hơn. Trong hai năm qua, Nhật Bản và Trung Quốc đã đụng độ công khai ở quần đảo Senkaku, phía đông Đài Loan và phía tây Okinawa, mà sự quản lý [quần đảo này] được quốc tế công nhận là dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản. Nga và Nam Triều Tiên đã tái khẳng định tuyên bố chủ quyền chống lại Nhật Bản ở vùng biển phía Bắc. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia, tất cả các nước này đều tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, nơi tiếp diễn các cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines.
Các tranh chấp như thế không chỉ liên quan đến thể diện lịch sử mà còn là các vấn đề quan trọng như vận chuyển thương mại, quyền đánh bắt cá và các hợp đồng khai thác khoáng sản có khả năng sinh lợi ở các vùng biển bao quanh các quần đảo hàng ngàn dặm. Không nơi nào mà căng thẳng gia tăng rõ ràng hơn là các tranh chấp ngày càng trở nên thù địch ở Biển Đông.
Ngày 21 tháng 6, Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập một khu hành chính mới có tên là Tam Sa, với trụ sở chính đặt tại đảo Phú Lâm (Woody Island), thuộc quần đảo Hoàng Sa. Được Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng (Yongxing), đảo Phú Lâm không có dân bản địa và không có nguồn cung cấp nước tự nhiên, nhưng có một đường băng có khả năng quân sự, bưu điện, ngân hàng, cửa hàng tạp hóa và một bệnh viện.
Quần đảo Hoàng Sa cách Hải Nam hơn 200 dặm về phía đông nam, đảo Hải Nam là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc đại lục, và cách phía đông bờ biển miền trung của Việt Nam một khoảng cách như thế. Việt Nam kiên quyết đòi chủ quyền trên các nhóm đảo, nơi xảy ra một trận chiến hồi năm 1974, khi Trung Quốc tấn công quần đảo Hoàng Sa để xua đuổi những người lính thuộc chế độ cũ của miền Nam, Việt Nam (VNCH – ND).
Các xung đột tiềm tàng bắt nguồn từ việc Trung Quốc thành lập khu hành chính mới này, đã vượt quá xa khỏi quần đảo Hoàng Sa. Trong sáu tuần qua, Trung Quốc tuyên bố thêm rằng quyền tài phán của Tam Sa không chỉ gồm quần đảo Hoàng Sa, mà là hầu hết toàn bộ Biển Đông, kết nối một loạt các tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc bằng một quy định hành chính. Theo Tân Hoa Xã, hãng tin chính thức của Trung Quốc, cơ quan hành chính mới này “quản lý hơn 200 đảo nhỏ” và “2 triệu km vuông biển”. Để củng cố sự thôn tính này, 45 nhà lập pháp đã được bổ nhiệm để quản lý khoảng 1.000 người dân trên các hòn đảo này, cùng với 15 ủy viên Ban Thường vụ, cộng với một thị trưởng và một phó thị trưởng.
Những hành động chính trị này trùng hợp với sự mở rộng quân sự và kinh tế. Ngày 22 tháng 7, Quân uỷ Trung ương của Trung Quốc đã thông báo rằng, họ sẽ triển khai một đơn vị binh lính đồn trú để bảo vệ các hòn đảo trong khu vực. Ngày 31 tháng 7, họ đã công bố một chính sách mới về “tuần tra đều đặn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu” ở Biển Đông. Và Trung Quốc hiện đã bắt đầu cung cấp quyền khai thác dầu khí tại các địa điểm được cộng đồng quốc tế công nhận là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Vì tất cả các mục đích thực tế này, Trung Quốc đã đơn phương quyết định sáp nhập một khu vực mở rộng về phía đông từ các lục địa Đông Á xa tới tận Philippines, và về phía nam xa gần như tới eo biển Malacca. “Quận” mới của Trung Quốc lớn gần gấp đôi đất đai của tất cả các nước Việt Nam, Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Philippines cộng lại. “Các nhà lập pháp” của họ sẽ trực tiếp báo cáo với chính quyền trung ương.
Phản ứng của Mỹ là im lặng. Bộ Ngoại giao chờ tới ngày 3 tháng 8 trước khi bày tỏ mối quan ngại chính thức về việc “nâng cấp hành chính… và thành lập một đơn vị đồn trú quân sự mới” của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp. Tuyên bố trên được diễn đạt một cách cẩn thận trong bối cảnh các chính sách lâu dài là kêu gọi giải quyết các vấn đề chủ quyền theo quy định của luật pháp quốc tế và không có việc sử dụng sức mạnh quân sự.
Mặc dù chỉ nói như vậy, nhưng chính phủ Trung Quốc đã phản ứng một cách giận dữ, cảnh báo rằng các viên chức Bộ Ngoại giao đã “lầm lẫn giữa đúng và sai, và gửi một thông điệp sai lầm nghiêm trọng“. Nhân Dân Nhật Báo, trong một bài đăng tải gần như chính thức [quan điểm của chính phủ Trung Quốc], đã cáo buộc Mỹ “thổi bùng ngọn lửa và là bộ phận kích động, cố tình tạo ra sự đối kháng với Trung Quốc“. Phiên bản ở nước ngoài của báo này nói rằng, đã đến lúc Hoa Kỳ nên “câm miệng“.
Rõ ràng là sự do dự của Mỹ trong nhiều năm qua đã khuyến khích Trung Quốc. Chính sách của Hoa Kỳ đối với các vấn đề chủ quyền ở vùng biển châu Á – Thái Bình Dương là chúng ta không đứng về phía bên nào, các vấn đề đó phải được giải quyết một cách hòa bình giữa các bên liên quan. Các nước nhỏ hơn và yếu đuối hơn đã nhiều lần kêu gọi sự tham gia lớn hơn của quốc tế.
Trong khi đó, Trung Quốc đã khẳng định rằng tất cả các vấn đề như thế phải được giải quyết song phương, có nghĩa là hoặc sẽ không bao giờ được giải quyết, hoặc chỉ giải quyết theo các điều kiện của Trung Quốc. Do sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, do không thể hiện quan điểm, nên Washington đã mặc nhiên trở thành nước cho phép Trung Quốc thể hiện các hành động hiếu chiến hơn bao giờ hết.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và tất cả các nước Đông Á hiện đã đi đến thời khắc không thể né tránh sự thật. Tranh chấp chủ quyền mà các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình là một chuyện, các hành động hiếu chiến một cách trắng trợn hoàn toàn là một chuyện khác. Những thách thức này sẽ được giải quyết như thế nào để các tác động không chỉ cho Biển Đông, mà còn cho sự ổn định của khu vực Đông Á và tương lai của các mối quan hệ Mỹ – Trung.
Lịch sử dạy chúng ta rằng khi các hành vi đơn phương xâm lược mà không có sự đáp trả, thì những tin tức xấu chẳng bao giờ tốt hơn theo thời gian. Không nơi nào trong cái quy trình này lại rõ ràng hơn là sự chuyển đổi sức mạnh sang Đông Á. Như sử gia Barbara Tuchman ghi nhận trong cuốn tiểu sử của Tướng Joseph Stillwell thuộc Quân đội Hoa Kỳ, đó là lời cầu khẩn của Trung Quốc để được Hoa Kỳ và Liên đoàn các Quốc gia hỗ trợ đã không có ai trả lời sau sự xâm lăng Mãn Châu của Nhật Bản hồi năm 1931, sự thờ ơ đó đã “ấp ủ sự nhân nhượng vô nguyên tắc… đã mở ra thập niên về căn nguyên chiến tranh” ở châu Á và hơn thế nữa.
Trong khi sự tập trung của Mỹ bị phân tâm do chiến dịch tranh cử tổng thống, tất cả các nước Đông Á đang theo dõi Hoa Kỳ sẽ làm gì đối với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ biết một phép thử khi họ nhìn thấy một hành động. Họ đang chờ đợi để xem liệu Mỹ sẽ chịu được sự khó chịu đó nhưng vẫn giữ vai trò cần thiết như là nước thực sự bảo đảm sự ổn định ở khu vực Đông Á, hay là khu vực này một lần nữa sẽ bị thống trị bởi sự hiếu chiến và đe dọa.
Trung Quốc hiểu mối đe dọa này hồi năm 1931 và đã chịu hậu quả về sự thất bại của cộng đồng quốc tế [giúp Trung Quốc] giải quyết. Câu hỏi được đặt ra là, liệu Trung Quốc năm 2012 có thực sự mong muốn giải quyết các vấn đề thông qua các tiêu chuẩn đã được quốc tế công nhận, và liệu nước Mỹ năm 2012 có đủ ý chí và khả năng để khẳng định rằng phương pháp này là con đường duy nhất đối với sự ổn định hay không.
———

- Mời xem lại: 1164. Thượng nghị sĩ Jim Webb: Trung Quốc có thể “vi phạm luật pháp quốc tế” (Jim Webb/ Ba Sàm).
Ông Jim Webb là Thượng Nghị sĩ Mỹ, thuộc Đảng Dân chủ, bang Virginia. Cha ông là một sĩ quan Không quân Hoa Kỳ, đã tham gia trong Đệ Nhị Thế chiến. Jim Webb tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ, là một trong ba học viện danh giá nhất nước Mỹ. Ông là sĩ quan Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, đã từng tham chiến ở chiến trường Triều Tiên và Việt Nam, sau đó trở thành Bộ trưởng Hải quân dưới tổng thống Ronald Reagan.
Về đời tư, người vợ hiện tại của ông (và là cuộc hôn nhân lần thứ ba của ông) là cô Hồng Lê, một luật sư Mỹ gốc Việt. Cô Hồng Lê nhỏ hơn ông 22 tuổi, sinh ở Vũng Tàu, cô đã cùng gia đình rời khỏi Việt Nam sau sự kiện 30-04-1975. Hai người có chung một đứa con là Georgia LeAnh, sinh năm 2006. Ngoài ra, Jim Webb còn là cha nuôi của cô con gái Emily, là con riêng của cô Hồng Lê từ cuộc hôn nhân trước. Jim Webb nói thông thạo tiếng Việt.
Nguồn: Wall Street Journal
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
--------------
*****

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Ông Vũ Khoan nói về hai "cặp quan hệ": Việt-Trung, Việt-Mỹ

Vẫn biết tài liệu này đã được nhiều blog đăng tải, nhưng chủ blog tôi vẫn đăng lại vì nhận thấy giá trị nghiên cứu đặc biệt từ ý kiến của ông Vũ Khoan, nhất là vào dịp này. Do bài viết dài và dưới 2 tiêu đề khác nhau chủ blog xin đặt cả hai trong một tiêu đề chung để tiện tham chiếu.Quan hệ Việt - Trung 2011 qua góc nhìn ông Vũ Khoan
Có người không hiểu cho cái đó (giữ cầu đối thoại), có người trái tim nóng nhưng đầu không lạnh, thậm chí một số ít người lợi dụng để kích động, vì những tính toán riêng..., còn công tác tuyên truyền lại không kịp thời. Nên nhìn sự việc một cách thấu đáo, toàn diện chứ cứ trách cứ nhau. Điều đó chỉ có lợi cho những người muốn "tọa sơn quan hổ đấu", đứng xem chúng ta tranh luận, oán trách nhau. - nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
LTS: Nhân kết thúc một năm với những sự kiện đối ngoại đáng chú ý, mục Gặp gỡ & Đối thoại tuần này xin được giới thiệu cuộc trao đổi của phóng viên Tuần Việt Nam với Cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan xung quanh Năm Đối ngoại 2011.
Ông Vũ Khoan là nhà ngoại giao hiếm hoi tham gia quá trình bình thường hoá và phát triển quan hệ của Việt Nam với cả Trung Quốc, Mỹ và ASEAN - ba nội dung chính của cuộc trao đổi này.
Quan trọng hơn, ông là một trong số không nhiều những vị lãnh đạo đã nghỉ hưu mà vẫn dõi theo những tiến triển của thời cuộc, và đưa ra cho những người kế nhiệm, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại, những gợi mở quan trọng cho công tác hoạch định chính sách. Hay như nhận xét của một quan chức ngoại giao đã tham dự Hội nghị Ngoại giao vừa rồi tại Hà Nội, ông là một "forward thinker".
Cam kết bằng giấy trắng mực đen
Theo đánh giá của ông, sự kiện đối ngoại nào của Việt Nam được coi là quan trọng?
Năm vừa rồi, mặc dầu ta tổ chức Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội song hoạt động đối ngoại vẫn rất sôi động. Xét về trao đổi cấp cao thì nhiều đoàn đã đến thăm nước ta và cũng không ít đoàn cấp cao của nước ta đi thăm nước ngoài. Mỗi đoàn đều có ý nghĩa riêng.
Song, theo tôi, sự kiện đáng chú ý nhất trong năm là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc.
Tại sao, thưa ông?
Kết quả mấu chốt của chuyến thăm là hai bên đã thỏa thuận và ký bản Thoả thuận 6 điểm về những nguyên tắc chỉ đạo cuộc đàm phán về những vấn đề trên biển.
Nếu ta nhớ lại năm 2010, tình hình trên Biển Đông khá căng thẳng. Với cái thoả thuận này, dù sao đi nữa cuộc tranh chấp cũng đã được đưa vào kênh đàm phán. Mà đàm phán bao giờ cũng tốt hơn là xung đột, nó có lợi cho Việt Nam, có lợi cho Trung Quốc, có lợi cho khu vực.
Trong thời đại ngày nay, bất cứ vấn đề gì cũng nên tìm mọi cách giải quyết thông qua thương lượng.
Một vấn đề phức tạp như tranh chấp trên Biển Đông đã được đưa vào kênh thương lượng là điều đáng ghi nhận.
Tại sao ngay sau khi hai bên thoả thuận, lại đã gây ra một số hiểu lầm trong khu vực. Chẳng hạn, Philippines lên tiếng đòi giải thích. Liệu có phải do cách diễn giải có chủ ý của truyền thông Trung Quốc, chẳng hạn như CCTV4, nói rằng Trung Quốc và Việt Nam thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương?
Đây là sự xuyên tạc thôi. Trong thoả thuận 6 điểm đã nói rõ cái gì liên quan đến song phương thì giải quyết song phương, còn cái gì liên quan tới nhiều bên thì giải quyết với các bên liên quan.
Đó là vấn đề nguyên tắc và chúng ta luôn kiên trì ngay từ đầu, và cuối cùng đã được đưa vào văn bản, được cam kết bằng giấy trắng mực đen đàng hoàng, chứ không phải nói miệng, và được ký trước sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước.
Theo tôi được biết, sau chuyến thăm ta đã thông báo rõ ràng cho các nước hữu quan. Là một nước đã từng bị thiên hạ dàn xếp sau lưng những vấn đề của mình không phải một lần, chúng ta không bao giờ chấp nhận việc bàn thảo sau lưng các nước khác những vấn đề liên quan tới họ.
Trước đây, (tất nhiên gần đây có gián đoạn) cứ năm nay lãnh đạo cao cấp Việt Nam sang thăm, thì sang năm sau lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sang thăm lại. Tại sao TBT Nguyễn Phú Trọng vừa thăm Trung Quốc vào tháng 9.2011, thì đến tháng 12.2011, Trung Quốc lại cử ngay ông Tập Cận Bình - người được coi là sẽ kế nhiệm chức vụ đứng đầu Đảng và Nhà nước, sang thăm Việt Nam?
Thường xuyên gặp cấp cao đã trở thành truyền thống, không chỉ giữa hai nước Việt - Trung mà là giữa nhiều nước trên thế giới. Dù sao đi nữa những cuộc gặp như vậy là dịp các nhà lãnh đạo cao nhất trao đổi ý kiến, vạch ra phương hướng và biện pháp lớn phát triển quan hệ, đồng thời trang trải khúc mắc, nếu có.
Các cuộc gập cấp cao giữa ta và Trung Quốc cũng nằm trong thông lệ đó. Giữa lúc quan hệ có trục trặc thì những cuộc trao đổi như vậy càng cần thiết.
Quan hệ giữa hai nước có lịch sử rất lâu dài và không đơn giản, lúc thăng lúc trầm. Trong khi mọi chuyện diễn ra phức tạp, chúng ta càng nên bình tĩnh, tỉnh táo theo phương châm "trái tim phải nóng, nhưng đầu phải rất lạnh".
Với cái đầu lạnh và với truyền thống nghĩa tình trọn vẹn, chúng ta không quên sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc trước đây trong các cuộc kháng chiến cứu nước, đồng thời cũng nên thấy rằng, kể từ khi bình thường hóa quan hệ tới nay về tổng thế mối quan hệ giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, những vấn đề hắc búa như biên giới trên bộ, phân định vịnh Bắc bộ đã được giải quyết. Điều này có lợi cho môi trường quốc tế của nước ta, có lợi cho vị thế của ta.
Chỉ còn vấn đề biển Đông, ta cần nỗ lực giải quyết thông qua thương lượng ngoại giao. Thực ra chuyện này không mới, nó tồn tại từ lâu và đã từng nổ ra xung đột quân sự năm 1974, 1988..., sau đó không ít lần xẩy ra căng thẳng. Chẳng thế mà ASEAN có tuyên bố năm 1992 mà ta cũng tham gia (lúc đó mới là quan sát viên), rồi DOC giữa ASEAN và Trung Quốc...
Nhưng liệu người Việt Nam có thực sự là người mau quên ơn không, khi tình nghĩa với người Nga ngày xưa vẫn được giữ gìn khá trọn vẹn? Buổi gặp gỡ thầy trò Nga - Việt đầu năm ngoái, mà ông đã tham dự, chẳng hạn, đã thể hiện phần nào điều đó.
Hay là do, như có người nhận xét (nhà sử học Dương Trung Quốc) rằng chúng ta chưa được sòng phẳng lắm với lịch sử, cả lúc thăng và lúc trầm trong quan hệ?
Tôi không biết anh Dương Trung Quốc nói thế nào và có ý gì. Nhưng, cũng với cái đầu lạnh, ta cũng phải thừa nhận một thực tế nữa là trong quan hệ giữa hai nước từ giữa những năm '70 của thế kỷ trước đã xấu đi và năm 1979 đã xẩy ra chiến tranh biên giới. Đó là một thực tế.
Chỉ có điều mình chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai như mình cũng đã từng ứng xử như vậy với Pháp, với Mỹ, với Nhật, Hàn quốc.... Khổ nỗi nước ta bị nhiều nước xâm lấn quá, cứ nuôi hận thù trong tim thì làm sao sống được?
Tuy nhiên, những chuyện lịch sử như vậy không dễ gì xóa hết, nhất là lúc này lúc khác lại nẩy sinh phức tạp gợi lại nỗi niềm quá khứ. Do vậy ta mong các nước "có vấn đề" với ta tránh để xẩy ra những việc gợi lại quá khứ mà làm mọi việc vì tương lai hợp tác hữu nghị bình đẳng.
Liên quan đến tranh chấp Biển Đông, có ý kiến cho rằng nói đến (tranh chấp) Biển Đông là nói đến (tranh chấp) hai quần đảo. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề vùng nước mới là điều đáng lưu tâm, ít nhất là trước mắt. Ý kiến của ông?
Có ba câu chuyện ở Biển Đông và chúng đều quan trọng cả.
Thứ nhất là Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, người mình đã ở đó bao nhiêu năm rồi, nhưng bây giờ không còn trong tay mình nữa.
Thứ hai là Trường Sa, mình đã hiện diện từ trước ở đó rồi, nhưng đến năm 1988 lại xảy ra cuộc đánh chiếm một số điểm thuộc quần đảo này.
Thứ ba là thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình đúng theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 mà cả mình và Trung Quốc đều đặt bút ký, nhưng Trung Quốc đã khoanh thành cái lưỡi bò choán vào khá sâu, kể cả vùng thuộc các nước khác theo luật quốc tế.
Chuyện chủ quyền lãnh thổ chẳng có gì ít quan trọng cả.
Tôi vẫn nói với phía Trung Quốc là xử lý nó phải có lý, có tình. Tình ở đây là tình hàng xóm láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau. Còn cái lý là luật pháp quốc tế, nhất là Luật biển 1982. Hai nước có quan điểm khác nhau mà không lấy một cái chuẩn chung làm thước đo thì làm sao được? Cái thước đo duy nhất là luật pháp quốc tế thôi - tức là Công ước Quốc tế về Luật Biển.
Anh cũng ký, tôi cũng ký, đều là thành viên rồi. Cứ lấy chuẩn đó mà "cò cưa" với nhau để làm rõ trắng đen, phải trái.
Có một thực tế là ở Việt Nam, và cả ở Trung Quốc, đều có một xu thế đề cao chủ nghĩa dân tộc dường như hơi thái quá. Vậy, theo quan điểm của ông, chúng ta nên giải quyết như thế nào?
Chẳng hạn, nói về thông tin. Tôi có cảm giác, có thể là sai, rằng giữa người lãnh đạo với người dân dường như chưa có sự tin tưởng lẫn nhau. Dân thì cũng nghi hoặc chuyện nọ chuyện kia, còn lãnh đạo thì dường như chưa hẳn đã tin dân?
Cũng không phải thế. Bảo lãnh đạo không tin dân thì tin ai, làm sao lãnh đạo, điều hành đất nước được? Làm gì có chuyện đó, nói thế thì "oan" quá. Lãnh đạo mà có được người dân nhiệt tình yêu nước thì còn gì hơn!
Chỉ có điều cách thể hiện lòng yêu nước sao cho có lợi nhất cho đất nước. Những người thể hiện lòng yêu nước cao đẹp nhất là các chiến sỹ ở hải đảo không quản ngại gian nan, giữ vững chủ quyền.
Tôi vô cùng khâm phục họ, nhất là các chiến sỹ ở những điểm DK nhỏ xíu giữa biển khơi mênh mông, sóng bão bịt bùng mà vẫn kiên định. Tôi cứ trộm nghĩ phong tặng danh hiệu Anh hùng cho tất cả những người đó cũng xứng đáng!
Còn một chuyện khác cũng cần có sự thông hiểu.Thực ra, trong quan hệ đối ngoại có cái khó là không phải mọi chuyện đều có thể lên truyền hình bảo rằng chúng ta đánh giá (thực chất) thế này, chủ trương thế kia. Làm sao làm thế được! Nói một cách dân dã thì làm sao hành động theo kiểu "thưa ông tôi ở bụi này" được?
Còn làm thế nào để người dân hiểu rõ vấn đề thì có nhiều cách, nhưng chưa được sử dụng kịp thời, sâu rộng.
Đặc điểm của đối ngoại là có những chuyện phải giữ kín chứ không phải là dát, hay sợ đâu. Vấn đề là phải khôn. Đừng lẫn lộn cái khôn với cái sợ. Không phải với Trung Quốc đâu, với nước nào cũng vậy.
Do đó cũng phải hiểu cho cái người lãnh đạo, người ta phải giữ cái gì đó để còn có chỗ nói chuyện, chứ cắt cầu thì rất dễ. Bởi muốn gì thì gì mình vẫn phải cố gắng giải quyết bằng đối thoại, nên phải giữ cầu đối thoại chứ.
Có người không hiểu cho cái đó, có người trái tim nóng nhưng đầu không lạnh. Thậm chí một số ít người lợi dụng để kích động, vì những tính toán riêng... Còn công tác tuyên truyền lại không kịp thời.
Do vậy, nên nhìn sự việc một cách thấu đáo, toàn diện chứ cứ trách cứ nhau. Điều đó chỉ có lợi cho những người muốn "tọa sơn quan hổ đấu", đứng xem chúng ta tranh luận, oán trách nhau.
Vâng, quả là một phần cũng một phần do lỗi của những phóng viên như chúng tôi. Nhiều khi chuyện chẳng có gì mà một số báo chí ở Trung Quốc, hay đâu đấy, lại đưa tin theo hướng lệch đi, hoặc theo kiểu mập mờ, có lợi cho phía họ, thế mà anh em chúng tôi lại không kịp thời cải chính lại cho mọi người hiểu.
Sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí cũng chưa được nhịp nhàng, nên đúng là ta thường thông tin chậm hơn họ. Tôi cũng đã không ít lần góp ý kiến rồi.
Vả lại, ta nên tỏ ra đàng hoàng, chẳng nên để bị khiêu khích. Hơn nữa, rất nên tránh vơ đũa cả nắm, gây hận thù dân tộc vì nhân dân là nhân dân.
Trong công tác tuyên truyền, đấu tranh dư luận, phải rất nhanh nhạy, phân biệt phải trái. Ngay khi chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, ta cũng luôn phân biệt giới cầm quyền và nhân dân cơ mà.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Đông Nam Á và Biển Đông, cũng từng nhận xét rằng việc chậm trễ cung cấp thông tin chính thức và chính xác sẽ tạo cơ hội cho những suy đoán, tin đồn lan ra trong dư luận.
Đúng vậy. Các loại tin đồn thất thiệt cứ thế mà chen vào thôi. Anh không chiếm chỗ trước, thì người khác người ta chiếm thôi.

Khôn khéo tận dụng vị thế ASEAN
Thường tâm lý của mấy ông nước lớn là thường muốn bắt nạt mấy anh nhỏ, lẻ, và trong câu chuyện lãnh thổ và kinh doanh là rõ nhất. Quay lại câu chuyện tranh chấp Biển Đông, nhưng mà mấy anh nhỏ đó không còn lẻ nữa, mà cùng nhau góp tiếng nói cho đàng hoàng, chắc ông lớn kia cũng phải hạ giọng.
Thế giới bây giờ là tuỳ thuộc lẫn nhau, chứ không phải là lớn với nhỏ đâu. Tất nhiên anh lớn có tư duy của anh lớn, cách hành xử của anh lớn. Nhưng anh chả sống một mình được, anh vẫn phải đối xử với những anh lớn khác. Mà muốn thế phải có bạn.
Như vậy, cái mạnh của anh nhỏ là có thể trở thành đối trọng trong quan hệ của các nước lớn. ASEAN đâu phải là đối trọng nhỏ. Cũng hơn 500 triệu dân, cũng là một khu vực phát triển kinh tế năng động, cũng có uy tín quốc tế lớn.Có tổ chức khu vực nào mà cả gần chục nguyên thủ các nước lớn phải xách cặp đến họp không, trừ ASEAN? Liên đoàn Ả Rập, hay Mecosur ở Mỹ La tinh có chuyện đó không? Thậm chí là EU cũng làm gì có chuyện mỗi lần họp là Tổng thống Nga, hay Chủ tịch Trung Quốc phải sang.
Trên bàn cờ quốc tế, trong các mối quan hệ giao lưu, họ cần có bạn đồng hành. Và các nước nhỏ có vai trò đó, nếu anh biết ứng khôn khéo. Và ASEAN là một điển hình.
Về vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông, tuy là lâu dài, thậm chí rất lâu dài, nhưng vẫn phải có cái hướng đi từ đầu để vượt qua chặng đường dài đó để đến cái đích cuối cùng. Trong ASEAN chỉ những quốc gia biển là hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, dính dáng đến tranh chấp, chứ còn mấy quốc gia đất liền thì không có lợi ích gì.
Ông nhìn nhận gì trong sự gắn kết gần đây giữa họ, chẳng hạn như giữa Việt Nam với Malaysia, hay gần đây là Việt Nam với Philippines, trong lập trường giải quyết tranh chấp Biển Đông?
Trong quan hệ quốc tế lợi ích là quan trọng nhất. Trong điều kiện khách quan, các nước ASEAN buộc phải chia sẻ lợi ích với nhau. Mặc dù, trên vấn đề này thì nhóm nước này có lợi ích này, nhóm khác có lợi ích khác. Nhưng lợi ích lồng ghép nhau chứ không rành rọt như cái bánh cắt được.
Như vậy, không thể nói chỉ có trên Biển Đông mới thể hiện lợi ích đâu. Còn bao nhiêu lợi ích nhằng nhịt khác nữa. Biển Đông chỉ là một khía cạnh của quan hệ ASEAN thôi.
Ý tôi muốn hỏi là trong mỗi lợi ích mình phải tìm những người bạn, những người cùng có lợi ích với mình, khi nói tới các mối quan hệ của Việt Nam với các quốc gia khác trong ASEAN.
Mình có lợi ích của mình thì cũng đừng bắt người ta bỏ lợi ích của người ta. Phải biết người biết ta, chứ chỉ biết ta, thì không có quan hệ quốc tế.
Cuối năm ngoái, một quan chức phụ trách ASEAN của Bộ Ngoại giao, có nói với tôi rằng cái nét mới của năm ASEAN 2010 so với những năm trước đó là bình thường hoá khái nhạy cảm. Tức là vấn đề tranh chấp Biển Đông được đưa ra bàn thảo các hội nghị lớn như Thượng đỉnh ASEAN, Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF), hay Thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc...
Trước đó, khi đưa vấn đề Biển Đông ở những diễn đàn như vậy, có cảm giác là mình thấy nó nặng nề, nhạy cảm thế nào đó...
Cũng không hẳn đâu. Thời tôi làm cũng đã vật lộn với vấn đề Biển Đông bao nhiêu lâu rồi, chứ có phải không đặt lên bàn quốc tế đâu.
Năm 1995, khi mình vào ASEAN đúng lúc ARF ra đời, nên tôi đã dự ARF ngay từ đầu. Câu chuyện Biển Đông cũng đã được đặt lên bàn rồi. Năm nào cũng bàn để từ đó dẫn đến DOC năm 2002.
Còn khi có tuyên bố Manila năm 1992, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm tham dự với tư cách quan sát viên đã tuyên bố ủng hộ.
Có lẽ lúc đó mình là chủ nhà của ARF và các hội nghị cấp cao nên câu chuyện được nhấn mạnh đặc biệt, đúng không ạ?
Đúng vậy. Chứ mình lẽo đẽo vấn đề Biển Đông từ lâu rồi, vì nó là một vấn đề có thể gây mất ổn định trong khu vực.
Thế còn câu chuyện trùng lặp về thời gian giữa chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc để đạt thoả thuận 6 điểm về nguyên tắc giải quyết tranh chấp, và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Ấn Độ, mời họ vào hợp tác thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông, hay hợp tác quốc phòng. Trong khi đó, Trung Quốc nói gần nói xa nọ kia, ông đánh giá thế nào?
Điều đó có được coi là bình thường hoá khái niệm nhạy cảm không?
(Bật cười) Theo tôi hiểu, chuyện sắp xếp qua kênh ngoại giao là hoàn toàn ngẫu nhiên thôi, chứ có phải mình bầy binh bố trận gì đâu. Ầm ỹ là do suy diễn thôi.
Mình hiểu rõ chẳng ai muốn làm "con bài" của ai, và mình cũng không chủ trương đi với bên này chống bên kia.Trong đối ngoại, anh làm cái gì "phô" quá cũng không được đâu, người ta cười cho. Phải nhớ rằng không chỉ có mình là "khôn" đâu.

Cái khác của quan hệ Mỹ - Việt trong mắt ông Vũ Khoan
Ngày xưa Mỹ là kẻ thù. Còn bây giờ, tuy vẫn còn những khác biệt, nhưng vẫn là một đối tác. Thế của mình cũng khác, lực mình cũng khác. Ngày xưa mình bị bao vây cô lập, bây giờ mình có chân khắp nơi, được tôn trọng ở khắp nơi. Vì vậy, thái độ và cách tiếp cận mà hai bên dành cho nhau khác nhiều.
Ông đánh giá thế nào về sự can dự của Mỹ tại khu vực này?
Chẳng hạn, năm ngoái tại Thượng đỉnh Đông Á tại Hà Nội, mới có Ngoại trưởng Hilary Clinton tham dự, nhưng đến năm nay ở Bali cấp tham dự là Tổng thống Barrack Obama, người đã có những tuyên bố khá mạnh mẽ về vai trò của sự can dự của Mỹ đối với việc đảm bảo an ninh khu vực.
Thực ra, chuyện Mỹ can dự vào châu Á - Thái bình dương không phải mới. Có điều, vị trí của châu Á - Thái bình dương đã nổi lên vào cuối thế kỷ trước, vào những năm '90 đã lộ rõ rồi, và trong bối cảnh hiện nay càng nổi bật hơn nữa.
Vì sao?
Thứ nhất, kinh tế cả thế giới đều khó khăn, riêng châu Á - Thái bình dương vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, tuy có giảm đôi chút.
Thứ hai, những nền kinh tế mới nổi tập trung ở đây. Vào những năm '80-90' của thế kỷ trước, đó là những "con rồng", "con hổ" châu Á. Như Hàn Quốc, Hồng Công, Singapore, hay Malaysia, Thái Lan.
Và đặc biệt có con rồng to là Trung Quốc. Rồi bây giờ lại đến Ấn Độ. Hay Indonesia cũng được xếp vào loại cường quốc bậc trung, có trong nhóm G20. Việt Nam ta cũng được đánh giá là nước có tiềm năng.
Cái thứ hai đã làm rõ nét cái thứ nhất về tiềm năng kinh tế.
Thứ ba, nhiều nước lớn đều qui tụ ở đây. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, còn Tây Âu mới hiện diện ít thôi. Khi mấy ông lớn tụm lại với nhau thì thành quan trọng thôi. Đó là địa chính trị.
Còn địa kinh tế, thì ngoài chuyện đã nói ở trên, đây là ngã ba đường của vận chuyển quốc tế, qua eo Malacca. Trong tình hình phát triển kinh tế thế này, vấn đề nguyên liệu và năng lượng trở thành vấn đề rất lớn.
Bây giờ, người ta mới nhấn mạnh chuyện Mỹ quay lại, chứ thực ra người Mỹ chưa bao giờ rời bỏ khu vực này. Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ đã tiến hành 3 cuộc chiến tranh ở đây: chiến tranh Thái Bình Dương; chiến tranh Triều tiên và chiến tranh Việt Nam - Đông Dương.
Nhưng có một thời gian họ xao lãng...
Bởi họ sa lầy vào những chuyện khác. Họ thất bại ở Việt Nam nên phải rút ra, rồi sa lầy ở Trung Cận Đông trong một thời gian rất dài. Rồi những biến động ở châu Âu cũng thu hút sự quan tâm của Mỹ. Nên nói theo cách nói của ta là Mỹ đã "lực bất tòng tâm", muốn quay lại cũng chẳng quay lại được.
Nay tình hình thay đổi, trong đó có nhân tố Trung Quốc nổi lên mà người Mỹ cho rằng có thể cạnh tranh với họ. Chính vì vậy họ phải rút dần chân khỏi những chỗ khác, xác định châu Á - Thái bình dương là hướng chiến lược của họ.
Như vậy, cái mới ở đây là sự nhấn mạnh của họ thôi, chứ không phải là sự bắt đầu.
Nhưng sự hiện diện của họ hiện nay khác với ngày xưa như thế nào?
Ngày xưa, sự hiện diện lớn hơn. Hai cuộc chiến tranh lớn đều tiến hành ở đây là Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam. Bao nhiêu căn cứ quân sự, rồi hạm đội 7 tập trung ở đây. Suốt từ Nhật Bản, Hàn Quốc, xuống tới Thái Lan, Philippines...
Sau chiến tranh Việt Nam họ đã giảm đi rất nhiều. Chính vì vậy tôi muốn nói là sự quay lại của họ chưa trở lại được mức cũ đâu.
Nhưng cái nét mới là sự can dự của họ ở đây không chỉ bằng quân sự, mà can dự bằng quan hệ chính trị, bằng quan hệ kinh tế. Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) chính là một sáng kiến nằm trong chiến lược can dự trở lại này.
Nói tóm lại, sự can dự lần này toàn diện hơn.
Thế cách tiếp cận của họ có gì khác không? Cách đối xử với khu vực này có khác hơn không, tôn trọng hơn không?
Chẳng hạn, TNS Jim Webb, Chủ tịch tiểu ban Đông Á, thuộc Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, sau chuyến đi 5 nước Đông Nam Á, trong đó có cả Myanmar và Việt Nam, vào tháng 8.2009, đã nói rằng mỗi nước Đông Nam Á có một lịch sử riêng, và họ cũng có một lịch sử riêng trong quan hệ với Mỹ, và mục đích của chuyến đi của ông cũng là lắng nghe quan điểm của lãnh đạo các nước Đông Nam Á.
Cái khác lớn nhất là vị thế khu vực này đã khác trước.
Ngày xưa Việt Nam bị chia cắt, nay đã là nước thống nhất. Các nước ASEAN ngày xưa còn yếu, nay đã cứng cáp rồi. Hay Trung Quốc trước kia còn yếu, bị xâu xé bởi những bất ổn nội bộ, nay đã trở thành một cường quốc thứ hai trên thế giới về kinh tế rồi.
Các nước trong khu vực có vị thế cao hơn hẳn, trong khi Mỹ lại khó hơn trước. Sau khi Liên Xô sụp đổ, họ tưởng có thể làm mưa làm gió, cái gì cũng quyết định đơn phương. Nhưng cũng chỉ được một thời gian rất ngắn. Bây giờ họ cũng phải tìm cách tiếp cận đa phương. Chẳng hạn, ký TAC (Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác) với ASEAN, hay tham gia EAS (Cấp cao Đông Á).
Thế khác, lực khác, nên thái độ cũng phải khác là đúng thôi. Không phải đến để dạy bảo người ta nữa mà đến để tìm bạn, tranh thủ tìm đối tác.
Liệu sự thay đổi thái độ và cách tiếp cận của Mỹ với khu vực này cũng tác động đến thái độ và cách tiếp cận của Việt Nam với Mỹ?
Ngày xưa Mỹ là kẻ thù. Còn bây giờ, tuy vẫn còn những khác biệt, nhưng vẫn là một đối tác.
Thế của mình cũng khác, lực mình cũng khác. Ngày xưa mình bị bao vây cô lập, bây giờ mình có chân khắp nơi, được tôn trọng ở mọi chốn.
Vì vậy, thái độ và cách tiếp cận mà hai bên dành cho nhau khác nhiều.
Ông nhìn nhận mối quan hệ đối tác chiến lược mà hai bên đang hướng tới như thế nào?
Qua thông tin báo chí tôi thấy hai bên còn đang bàn bạc. Nhưng cũng phải nhìn nhận là mối quan hệ giữa hai nước, so với thời tôi còn làm việc, phát triển một trời một vực. Từ chỗ buôn bán chẳng có gì, đến chỗ Mỹ là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Tôi không ngờ trước khi ký BTA, xuất khẩu dệt may có 50 triệu USD, nay đã lên 6-7 tỷ USD, tạo ra bao công ăn việc làm.
Còn quan hệ chính trị trước đây làm gì có tiếp xúc cấp cao. Tôi là quan chức Việt Nam đầu tiên vào Nhà Trắng (tháng 7.2000), nhưng sau đó có biết bao nhiêu người vào Nhà Trắng nữa.
Rồi ngày trước làm gì tưởng tượng được Tổng thống Mỹ sẽ sang thăm Việt Nam. Thế mà ông Bill Clinton, rồi ông George Bush đều sang. Còn các ngoại trưởng Mỹ, người nào cũng đều sang thăm Việt Nam cả.
Hai bên còn đối thoại với nhau cả về chiến lược nữa, quan hệ an ninh- quốc phòng cũng đã có.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng có kể rằng Đại sứ Mỹ David Shear, khi mời cơm ông, đã nói rằng câu chuyện của Mỹ và Việt Nam bây giờ không phải là câu chuyện ca basa mà là câu chuyện chiến lược.
Tuy hai nước chưa chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, nhưng trong sự trao đổi ý kiến giữa ta với Mỹ chắc có nhiều chuyện mang tính chiến lược. Nhưng tôi thiết nghĩ phạm vi, mức độ và tính chất của quan hệ Việt - Mỹ không thể nào bằng quan hệ Trung - Mỹ được.
Tôi có nghe là sau khi Quốc hội hai bên phê chuẩn BTA, vào cuối 2001, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Mỹ trao đổi thư phê chuẩn. Trong cuộc nói chuyện với Cố vấn An ninh Quốc gia Condoleeza Rice, Phó Thủ tướng đã nêu vấn đề vụ kiện chống bán phá giá đối với cá basa Việt Nam tại thị trường Mỹ. Trong khi đó, bà này chỉ muốn bàn tới chuyện chiến lược, câu chuyện khu vực và toàn cầu.
Sau 10 năm, câu chuyện đã hoàn toàn khác, đúng không, thưa ông?
Lúc đó, tôi là Bộ trưởng Thương mại, từ trong nước sang để ký văn bản phê chuẩn, còn Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ Mexico sang chứng kiến và thăm Mỹ.
Mỗi thời nó một khác chứ. Quan hệ sau 10 năm thay đổi nhiều rồi.
Ngày xưa chỉ nói song phương, mà song phương cũng chủ yếu nói về kinh tế. Rồi tiến thêm là song phương nói cả chuyện chính trị, chuyện an ninh... Thế rồi, bên cạnh chuyện song phương thì nói thêm chuyện đa phương, chuyện khu vực, chuyện toàn cầu.
Hay nói theo thuật ngữ thời chiến tranh là "leo thang", nhưng có cái khác là "leo thang hoà bình", hay "leo thang đối thoại". Tức là từ thấp đến cao, từ hẹp đến rộng, với nước nào cũng vậy thôi. Nhưng nhất là với những nước là từng là thù địch, việc chuyển hoá quan hệ là cả một quá trình, nhiều khi chật vật.
Ngay cả ở Mỹ cũng có những vấn đề của họ. Chẳng hạn, khi năm ngoái Ngoại trưởng Hilary Clinton sang Việt Nam có nêu vấn đề nhân quyền.
Thực ra, ngoài việc Mỹ giương cao ngọn cờ nhân quyền trong quan hệ với các nước khác, thì bản thân bà Clinton cũng chịu sức ép của Quốc hội. Vì vậy, việc hiểu rõ chính trị nội bộ của nước Mỹ, để tránh việc quá định kiến với một nhân vật nào đó, cho người ta là "bad guy", là không thể chơi được... Ông nghĩ sao ạ?
Nhiều người chúng ta không hiểu cái thể chế của Mỹ. Thể chế của họ khác thể chế của ta. Nếu chúng ta áp dụng cái thể chế của ta để đánh giá họ thì không ổn. Và, ngược lại, nếu họ làm vậy cũng không trúng.
Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải hiểu nhau. Nói chuyện với họ, anh phải biết đang nói chuyện với ai, là người như thế nào, gia đình, hoàn cảnh ra sao...
Thể chế Mỹ có nhiều phe phái, nhiều lực lượng có tiếng nói như nhau. Bên hành pháp khác, lập pháp khác, tư pháp khác, tam quyền phân lập rõ ràng. Chính vì vậy bên hành pháp nhiều khi phải tranh thủ bên lập pháp, hay bên lập pháp có thể áp đặt rất nhiều cho bên hành pháp.
Bên tư pháp thì hoàn toàn độc lập. Trong các vụ kiện bên hành pháp và lập pháp không thể can thiệp.
Hay tiếng nói của truyền thông của họ rất lớn, thậm chí được coi là quyền lực thứ tư.
Mình không hiểu rõ hệ thống của họ thì làm sao mà nói chuyện được.
Chơi với các nước phải hiểu, mỗi nước có một thể chế khác, thậm chí văn hoá khác. Làm đối ngoại, hay thông tin đối ngoại, mà mang văn hoá Việt Nam áp dụng vào Mỹ thì không vào đầu người ta. Trái lại, họ mang cái văn hoá của họ áp vào mình, mình cũng không hiểu nổi.
Vừa rồi, tôi có dịp nói chuyện với Đại sứ Mỹ David Shear, khi tôi hỏi về sự khác nhau của ngươi phương Đông và người phương Tây, ông ấy có nói rằng bất chấp những khác biệt trong lối sống và tư duy, trong sâu thẳm con người hai bên vẫn có thể có những cái chung để nói chuyện với nhau. Ông còn nói nếu hai bên muốn hiểu nhau, cố tìm cách để hiểu nhau, thì nhất định sẽ hiểu. Ông có chia sẻ nhận định này không?
Tôi thì nói đơn giản hơn: Người Mỹ thích rượu Gin, người Anh thích Whisky, người Pháp thích rượu Cognac, còn người Việt lại thích rượu nút lá chuối.
Khác nhau thật đấy, nhưng vẫn cùng là rượu, và mọi người đều muốn uống rượu hết, chả trừ dân tộc nào cả.
Giá trị chung thì vẫn có, nhưng bản sắc lại rất riêng.
Bây giờ người ta nói nhiều đến tương lai chung. Chẳng hạn, từ chuyện chống biến đổi khí hậu, đến câu chuyện xây dựng một môi trường hoà bình ổn định để phát triển...
Thực ra, lịch sử loài người có cái chung, rồi mỗi anh thêm cái bản sắc riêng của mình. Nhưng cái chung vẫn là chung. Chẳng hạn, cái nhà về cơ bản vẫn giống nhau trên khắp thế giới, vẫn là mái với bốn bức tường, chỉ khác nhau kiểu kiến trúc, vật liệu xây dựng sao cho phù hợp với khí hậu, lối sống mà thôi.
Vẫn có cái chung, nhưng vẫn tồn tại cái bản sắc. Cái riêng không thể quyết định cái chung. Nhưng nếu cái chung mà không tính đến cái riêng thì cũng không ổn, bởi cái riêng nó vẫn cứ âm ỷ rồi bung ra chỗ này, phình ra chỗ kia...
Xin cám ơn ông, và chúc ông cùng gia đình một năm mới mạnh khoẻ và hạnh phúc.
Tácgiả:Huỳnh Phan
Tuần ViệtNam số ra ngày 30 và31/12/2011
--------------





Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Tư liệu Hoàng Sa

Tài liệu về trận Hải chiến Hoàng Sa do Trung Quốc công bố

Posted by basamnews on 14/12/2011
BTV: Lâu nay quý độc giả đã đọc qua các bài viết mô tả trận Hải chiến Hoàng Sa do những người lính Việt Nam Cộng hòa đã từng tham gia trận đánh này kể lại, hiếm khi có dịp đọc tài liệu từ phía Trung Quốc nói về trận chiến này. Dưới đây là trận Hải chiến Hoàng Sa đã được tái hiện qua ngòi bút của phía “bạn”, mô tả lại việc họ đã sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam như thế nào. Bài viết này còn cho thấy, việc cưỡng chiếm Quần đảo Hoàng Sa đã được phía Trung Quốc tính toán và lên kế hoạch rất kỹ. Trận đánh này nằm trong kế hoạch chiến lược lớn hơn của Trung Quốc, không như ý kiến của một số người cho rằng, do phía VNCH không khéo xử sự, để bị rơi vào tình trạng khiêu khích, tạo cơ hội cho Trung Quốc “ra tay”, như bài viết của ông Nguyễn Hữu Hạnh: LỘ DIỆN KẺ ĐÁNH MẤT HOÀNG SA SAU 33 NĂM, mà nhiều người đã đọc qua.

Trong bài có nói đến hộ tống hạm Nhật Tảo, chiếc HQ-10, mà phía Trung Quốc gọi là “Sóng Dữ”, chúng tôi xin giữ nguyên văn cụm từ này, cùng các cụm từ khác như: Tây Sa (tức Hoàng Sa), Nam Sa (tức Trường Sa), Nam Hải (tức biển Đông), Đông Hải (tức biển Hoa Đông), Nam Việt (tức Việt Nam Cộng hòa)… cho đúng khẩu khí của người viết. Thêm một điểm cần lưu ý, trong bài tiếng Trung có nhiều chỗ đánh dấu bằng hai dấu hoa thị (**), người dịch không hiểu là gì nên đã để nguyên như vậy. Những chỗ đánh dấu như thế trong bài đa số là tên của các loại vũ khí, nên BTV cho rằng, có thể đó là những chữ đã bị kiểm duyệt, do một số thông tin phía Trung Quốc vẫn còn bảo mật.
————
Canglang.com

Tái hiện tin mật về xung đột Trung – Việt trong trận hải chiến Tây Sa năm 1974

07-11-2011
Quốc Trung dịch
Hải chiến Tây Sa là trận hải chiến xảy ra giữa nước ta với Nam Việt trong tranh chấp quần đảo Tây Sa cách nay đã mấy chục năm, hiện có một số bài viết đưa lên gọi là giải mật về Tây Sa, chẳng thấy có chút gì là “giải mật” mà chỉ là đăng lại, dựa theo những bài viết công khai mà thôi, vì thế khi cho đăng tư liệu mình thu thập được, hy vọng xin được sự chỉ giáo từ chư vị.
Chương I: Ôn lại trận chiến
Tân Hoa Xã ngày 19 tháng 1 năm1974 đưa tin, từ 11 tháng 1 năm 1974 đến nay, Bộ Ngoại giao nước ta đã nhiều lần ra tuyên bố và cảnh cáo, nhưng Nam Việt vẫn chưa hề rút lại hành vi xâm lược của mình, mà trái lại còn đưa hải quân và không quân xâm nhập quần đảo Vĩnh Lạc trong quần đảo Tây Sa của ta. Chúng ta không thể chịu đựng thêm được nữa, đã tiến hành đánh trả tự vệ anh dũng, đem lại sự trừng phạt cần có cho quân xâm lược.
Nam Việt:  “Hải quân Trung cộng đã điều tàu loại Komar, có trang bị tên lửa Styx. Trận chiến ác liệt chưa từng có…”
Mỹ:  Đệ thật Hạm đội Hải quân Mỹ hoạt động tại vịnh Bắc Bộ đã từ chối các cuộc gọi của hải quân Nam Việt, yêu cầu sự can thiệp của Mỹ, thậm chí còn từ chối cả việc cử tàu đến cứu những người bị chết đuối.
•  Canh bạc lúc tàn hơi
Quần đảo Vĩnh Lạc là một bộ phận của quần đảo Tây Sa, quần đảo này được tạo thành từ các đảo san hô là: San Hô, Cam Tuyền, Kim Ngân, Thâm Hàng, Tấn Khanh và Quảng Kim…, từ xa xưa là lãnh thổ của nước ta, nhưng từ thế kỷ 19, một phần các đảo bị nước Pháp là thực dân Đông Nam Á chiếm giữ. Năm 1954, Pháp bị đuổi đi, đảo San Hô bị Pháp chiếm giữ rơi vào tay Nam Việt. Tháng 1 năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, đồng thời giao một lượng lớn tàu chiến cho Nam Việt. Từ tháng 8 năm 1973, Nam Việt liên tiếp đưa tàu quân sự xâm phạm lãnh hải của nước ta. Ngày 11 tháng 1 năm sau, lại càng trắng trợn hơn khi cho công bố bản đồ, quy Tây Sa vào bản đồ của họ. Khi ấy nước ta liên tục nảy sinh các vấn đề nội bộ và bên ngoài, trong nước rơi vào trạng thái hỗn loạn của cuộc “Đại cách mạng văn hóa”, rồi quan hệ Trung-Xô căng thẳng, không còn sức để ngó ngàng đến phía nam. Vì thế hành động của Nam Việt mỗi lúc một mạnh, ngày 15 tháng 1, phiên hiệu “Lý Thường Kiệt” (HQ-16) của hải quân Nam Việt xâm nhập đầu tiên, nổ súng uy hiếp vào hai tàu cá 402 và 407 đang tác nghiệp ở gần đảo Cam Tuyền. Trưa ngày 17, quân địch đổ bộ lên đảo Kim Ngân, đến chiều còn cưỡng chiếm cả đảo Cam Tuyền.
•  Cuộc đối đầu trên biển
Đối mặt trước sự xâm nhập ấy, hạm đội Nam Hải đã theo lệnh đưa hai con tàu 271 và 274 thuộc Đại đội tàu Chống ngầm 73 ở căn cứ Du Lâm, do Ngụy Minh Sâm, Phó Tư lệnh Quân 38002 và Đại Đội trưởng Vương Khắc Cường chỉ huy, hợp thành Biên đội 271, thực thi nhiệm vụ bảo vệ cá và vận chuyển cung cấp cho quân dân trên đảo. Biên đội này tới quần đảo Vĩnh Lạc vào đêm ngày 18, đưa 4 trung đội dân binh có vũ trang thuộc Quân khu Nam Hải đến 3 đảo Tấn Khanh, Thâm Hàng, Quảng Kim.
Trưa ngày 18, các tàu quân sự Nam Việt phiên hiệu “Trần Khánh Dư” và phiên hiệu “Lý Thường Kiệt” tiến đến gần tàu cá số 407, nhấn chìm, hăm dọa để buộc phải dời đi. Thuyền trưởng tàu 407, Dương Quý Hào không chịu khuất phục, tàu “Lý Thường Kiệt” đột ngột chuyển bánh lái, đâm thủng mạn trái tàu cá. Chính giữa lúc các ngư dân đang cầm xỉa cá giơ lên quyết tử chiến, thì các tàu 271 và 274 của ta lao đến, phát tín hiệu cảnh báo. Khi thấy hải quân ta tới, tàu Việt đã treo cờ tín hiệu “Tàu mất lái”, rồi vội vàng rời khỏi hiện trường.
Tối hôm đó, đại tá quân địch Hà Văn Ngạc đã đưa tàu phiên hiệu “Trần Bình Trọng” (HQ-5) cùng tàu phiên hiệu “Sóng Dữ” (1) (HQ-10) đi kèm tới tận nơi. Dù số lượng tàu của hai bên là 4-4, song xét cả về trọng tải lẫn hỏa lực, quân Việt đều chiếm ưu thế áp đảo. Tổng trọng tải các tàu bên quân ta còn chưa bằng một tàu của bên quân Việt! Hơn nữa, tàu bên quân Việt đều được trang bị hệ thống điều khiển tự động, còn tàu bên quân ta về cơ bản vẫn là thao tác bằng sức người, sự chênh lệch về tương quan thực lực giữa hai bên là quá rõ ràng.
Sáng sớm ngày 19, bên quân Việt phát hiện thấy bên quân ta chỉ có 4 con tàu nhỏ, liền cho rằng có thể tận dụng ưu thế binh lực để tiêu diệt quân ta, tàu Việt bố trận lại từ đầu, chia làm hai cánh chiếm đường ngoài lợi thế, triển khai đội hình chiến đấu, tàu phiên hiệu “Trần Bình Trọng” dẫn tàu phiên hiệu “Trần Khánh Dư” từ ngoài khơi phía nam đảo Kim Ngân, rạn san hô Linh Dương tiếp cận hai đảo Thâm Hàng, Quảng Kim, các tàu phiên hiệu “Sóng Dữ” và phiên hiệu “Lý Thường Kiệt” từ tây bắc đảo Quảng Kim tiếp cận chiến hạm của ta. Đồng thời, Tổng bộ hải quân Nam Việt hạ lệnh cho đại tá Hà Văn Ngạc nổ súng.
•  Kịch chiến trên biển
Theo sự dàn trận của Quân khu Quảng Châu, biên đội 396 tiến vào phía tây bắc đảo Kim Quảng để đánh chặn các tàu phiên hiệu “Lý Thường Kiệt” và tàu phiên hiệu “Sóng Dữ”, biên đội 271 tiến vào mặt biển đông nam đảo Kim Quảng để giám sát các tàu phiên hiệu “Trần Khánh Dư”, phiên hiệu “Trần Bình Trọng”. Các pháp thủ bên quân ta bám chặt trận địa chờ đợi khi vừa phát hiện  thấy nòng pháp bên tàu địch lóe lên, là liền lập tức đạp cò, đạn pháo của chúng ta cũng ra khỏi nòng. Thời khắc ấy là 10 giờ 25 phút trưa ngày 19 tháng 1 năm 1974.
Toàn bộ trận hải chiến là tương quan 2-2. Biên đội 271 và các tàu phiên hiệu “Lý Thường Kiệt”, “Trần Khánh Dư” ở phía đông nam đảo Quảng Kim là chủ lực của hai bên, cho nên không hẹn mà cùng đều áp dụng chiến thuật “Đánh rắn phải đánh giập đầu”. Thế nhưng cả hai bên đều xuất hiện phán đoán sai lầm. Theo hồ sơ được phía Việt Nam công bố mấy năm gần đây, do khi Hà Văn Ngạc tới, quân Việt đổi tàu đô đốc từ phiên hiệu “Trần Khánh Dư” thành phiên hiệu “Trần Bình Trọng”, bên ta không biết, tất cả hỏa lực đều dồn vào tàu “Trần Khánh Dư; còn bên Việt thì cho rằng tàu 274 đi sau phía ta là tàu chỉ huy, vì thế hỏa pháo của trung đội 1 đã nhằm vào đài chỉ huy trên đó để quét, Chính ủy Phùng Tùng Bá chẳng may trúng đạn hy sinh. Tuy nhiên, bên địch đã phạm phải một sai lầm chiến lược nghiêm trọng: Chúng đã sử dụng đạn xuyên thép với tàu chống ngầm không bọc thép, như vậy ngay cả đạn pháo có bắn trúng thì cũng thường xuyên qua thân tàu mà rơi xuống biển, thậm chí còn có rất nhiều đạn xịt; nếu sử dụng đạn nổ mạnh thì thắng thua là điều khó nói. Còn hai tàu bên quân ta thì đã tận dụng các đặc điểm mục tiêu nhỏ, chạy nhanh để dũng cảm đánh tiếp cận. Pháo bắn nhanh cỡ nhỏ bên quân ta liên tục nhả đạn về phía tàu địch, tàu “Trần Khánh Dư” không bọc thép bị bốc cháy rất nhanh, cự li bắn giữa hai bên từ 1.000m rút lại còn 300m. Lúc này, bánh lái điện của tàu 274 bất ngờ phát sinh sự cố, tận mắt nhìn thấy con tàu nhỏ mất lái đâm vào lưới lửa chằng chịt của tàu “Trần Khánh Dư” và tàu “Trần Bình Trọng”. Trong thế ngàn cân treo sợi tóc, thuyền trưởng tàu Lý Phúc Tường bình tĩnh ra lệnh chuyển sang người lái, đồng thời từ đài chỉ huy nhảy lên sàn tàu, đứng ở cửa cabin lớn tiếng ra lệnh quay đầu thật nhanh, rồi dùng khẩu lệnh và tay chỉ huy tác chiến. Đồng thời, tiểu đội trưởng chủ pháo Vương Tuấn Dân đã chỉ huy hỏa pháo bắn dữ dội về phía tàu “Trần Khánh Dư” đang lao tới trước mặt, tàu địch chống đỡ không nổi, quay đầu tháo chạy. Tàu 274 lại quay pháo bắn liên tiếp vào tàu “Trần Bình Trọng” đang chạy tới chi viện. Người nạp đạn Lý Như Ý nạp bắn một lèo tới hơn 180 quả đạn pháo, làm câm bặt chủ pháo ở sau tàu “Trần Bình Trọng”.
• Tử chiến ở hồ đá ngầm
Trận chém giết lẫn nhau bên trong hồ đá ngầm lại còn oanh liệt hơn, tác chiến trong một phạm vi nhỏ hẹp đầy những rạn san hô, không có khoảng chừa cho tác chiến cơ động, ai là kẻ dũng cảm sẽ chiến thắng, thế là hai tàu 396 và 389 dồn hỏa lực công kích vào tàu “Lý Thường Kiệt”. Tại đó, quân Nam Việt ở vào thế bất lợi, tàu “Sóng Dữ” nguyên là một chiếc tàu dò mìn, tốc độ cao nhất cũng chỉ có 14, có lòng mà giữ được hiệp đồng với tàu “Lý Thường Kiệt”. Cho nên, hai bên vừa bắn nhau, tàu “Sóng Dữ” chỉ có thể tạm thời bắn trước về phía đảo Quảng Kim, rồi chỉ còn cách đứng nhìn  tàu “Lý Thường Kiệt” bị quân ta tập trung công kích mà chẳng có cách gì đi vào chi viện. Khi ấy, hỏa lực mạn bên lớn nhất của quân Việt là 1 khẩu pháo 127 ly, 3 khẩu pháo 40 ly, một khẩu pháo 20 ly và 2 khẩu súng máy, còn bên quân ta thì vũ khí dùng được là 1 khẩu pháo 85 ly, 6 khẩu pháo 37 ly, 4 khẩu pháo 25 ly và 4 khẩu súng máy.  Chỉ cần tiếp cận được hoàn toàn vào tàu địch, không để cho khẩu pháo 127 ly này phát huy uy lực, thì ở chiến trường cục bộ này, bên quân ta vẫn có thể giành được ưu thế hỏa lực tương đối.
Hai tàu 396 và 389 một bên ép sát, một bên nhả đạn pháo lên tàu “Lý Thường Kiệt”. Lúc này, 1 phát đạn pháo 127 ly từ dưới nước vọt trúng tàu “Lý Thường Kiệt”, xuyên thủng khoang máy, nhưng không nổ. Thì ra vì cự ly chiến đấu giữa hai bên quá gần, nên đạn pháo chi viện cho tàu bạn từ tàu “Trần Bình Trọng” đã bắn nhầm phải người mình. Khi đó, tàu “Sóng Dữ” lao tới, bắn thọc đằng sau lưng biên đội của ta. Thế cục thay đổi trong nháy mắt, khiến cho tàu 389 bị quân địch tấn công từ hai phía bốc cháy nhiều chỗ. Mặc dù đã trúng đạn đầy mình, nhưng tàu 389 vẫn ép sát tàu địch, các chiến sĩ trong tình thế nguy cấp đã ôm luôn cả bệ phóng rocket, xách luôn cả súng tiểu liên, tay cầm lựu đạn, đúng là một trận đánh dũng mãnh, đã xảy ra một trận “đấu lưỡi lê trên biển” hiếm thấy trong lịch sử các cuộc hải chiến, quả là một trận xáp mạn tàu khiếp vía kinh hồn! Thuyền trưởng tàu “Sóng Dữ”, thiếu tá họ Ngụy [Văn Thà] đã mất mạng trong trận chiến trần trụi bằng lưỡi lê trên biển này.
Lúc này, tàu “Lý Thường Kiệt” quay về hồ đá ngầm, chuẩn bị cầu cứu tàu “Sóng dữ”. Đạn pháo trên tàu 389 đã bắn hết sạch, thuyền trưởng tàu Tiêu Đức Vạn hạ lệnh nạp bom chống tàu ngầm, quyết cùng chết với tàu địch. Còn thượng úy (2) họ Nguyễn (tức Nguyễn Thành Trí: BTV) chỉ huy thay thế tàu “Sóng dữ” thì muốn cố sức đâm chí mạng vào tàu 389. Chính trong thời khắc nguy cấp ấy, tàu 396 đã chuyển hướng đón chặn trước mặt tàu “Lý Thường Kiệt”, yểm trợ cho tàu 389 thoát hiểm. Tàu “Lý Thường Kiệt” vừa kịp hoàn hồn, không ngờ lại bị một đòn đau, chỉ còn cách rút lui về hướng tây bắc.
 • Thắng lợi và ý nghĩa của nó
11 giờ 49 phút, đại đội 74 tàu chống ngầm sinh lực quân của bên ta lao vào chiến trường. Hạm đội Nam Việt cho là đại quân (trong Hồi ký của trung tá họ Vũ [Hữu San], hạm trưởng tàu “Trần Khánh Dư” cho rằng Trung Quốc đã điều 42 tàu quân sự và 2 tàu ngầm) đã quay đầu rút lui vào lúc 12 giờ. Bản thân tàu “Sóng dữ” tốc độ chậm, lại bị thương tích, nên đã không thể đuổi theo kịp đồng bọn đang tháo chạy. 12 giờ 12 phút, đại đội 74 vừa tới nơi đã tiếp nhận mệnh lệnh tấn công, tàu 281 lao lên hết tốc lực, bắn dữ dội vào tàu “Sóng dữ”, làm nó bị đánh chìm ở phía nam bãi đá ngầm Linh Dương vào lúc 14 giờ 52 phút.
Sau khi quân ta đã phải trả giá với 18 người tử trận, 67 người bị thương, trận hải chiến Tây Sa đã kết thúc bằng thắng lợi về phía quân ta. Sau đó quân ta thừa thắng xuất kích, thu hồi hoàn toàn Tây Sa. Chiến thắng này làm cho quân ta hiểu được rằng ở nơi Nam Hải “nước xanh” mênh mông rộng lớn này còn có được chủ quyền và lợi ích không dễ gì xâm phạm chính bởi trận hải chiến này, mà việc thiết lập lòng tin về sự tác chiến của hải quân ta ở nơi cách xa đại lục đã dần dần được điều chỉnh, sau cuộc chiến ấy, căn cứ Du Lâm lập tức được tăng viện 2 tàu hộ tống. Có thể nói, kể từ khi ấy, Nam Hải mới đi vào tầm ngắm của sự phát triển chiến lược của hải quân ta. Cho nên, xét từ ý nghĩa này, trận hải chiến Tây Sa chính là bước khởi đầu cho hải quân ta tiến ra “biển xanh”.
Chương II: Bối cảnh quốc tế
Trận phản kích tự vệ Tây Sa tuy là một trận chiến quy mô nhỏ, nhưng bối cảnh của nó lại rộng lớn, phức tạp. Liên quan đến chiến lược toàn cầu của 3 nước lớn Trung Quốc, Mỹ và Liên Xô khi ấy còn có cả Việt Nam và khu vực Đài Loan. Muốn nói về trận phản kích tự vệ Tây Sa, còn phải được bắt đầu bằng việc Nixon dến thăm Trung Quốc mở cửa cho quan hệ Trung-Mỹ.
Vào đầu thập niên 70, mối quan hệ Trung-Xô xấu đi nhanh chóng, Liên Xô cho bố trí hàng trăm vạn quân ở biên giới phía bắc Trung Quốc. Đặc biệt là sau trận phản kích tự vệ ở đảo Trân Bảo vào năm 1969, trung Quốc đã phải chịu sự uy hiếp chiến tranh to lớn từ Liên Xô. Mỹ và Liên Xô trong cuộc đối đầu chiến tranh lạnh cũng trở nên hết sức bị động. Vào cuối thập niên 60, lực lượng chiến lược Liên Xô có xu hướng hòa hoãn với Mỹ, nước Mỹ khi phải đối mặt với sự uy hiếp chiến lược của Liên Xô đang leo thang nghiêm trọng, đã yêu cầu được liên hợp với Trung Quốc để cùng nhau áp chế Liên Xô. Đồng thời, chính phủ Mỹ vội vã rút quân khỏi Việt Nam, cũng yêu cầu có sự phối hợp chiến lược của Trung Quốc. Chính trong tình hình ấy, Mao Trạch Đông và Nixon, xuất phát từ con mắt chiến lược sâu rộng, đã mở cửa cho mối quan hệ Trung-Mỹ. Việc thu hồi Tây Sa có thể nói là một sản phẩm ăn theo của quyết sách chiến lược này.
Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, rất nhiều hòn đảo của Tây Sa đã bị Nam Việt chiếm giữ dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, chứ không phải Bắc Việt **. Những hòn đảo này của Tây Sa đã bị Bắc Việt chiếm giữ khi nước Mỹ không muốn rút quân, bởi vì giao Tây Sa cho Bắc Việt thì chẳng khác nào giao cho Liên Xô. Chuyện này có một dẫn chứng quan trọng: Căn cứ quân sự trọng yếu của quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam là vịnh Cam Ranh, sau Chiến tranh Việt Nam, Liên Xô nhanh chóng thuê lại vịnh Cam Ranh làm căn cứ quân sự cho họ, cho đến tận bây giờ (năm 2004 hết hạn) (3). Cho nên, chúng ta có thể phân tích thế này, về vấn đề Trung Quốc thu hồi Tây Sa, Đệ thất Hạm đội hải quân Mỹ đã từ chối lời yêu cầu hải quân Mỹ can thiệp, thậm chí còn từ chối cả việc đưa tàu tới ứng cứu những người bị chết đuối, chứng tỏ Trung Quốc đã có thỏa thuận ngầm với Mỹ. Điều này không hề xuất phát từ chuyện Mỹ tốt với Trung Quốc đến đâu, lại càng không phải là ban ơn, mà hoàn toàn là xuất phát từ lợi ích tự thân của nước Mỹ. Chính trong bối cảnh toàn cục ấy, trong thời khắc then chốt ấy, Trung Quốc đã chớp lấy thời cơ để thu hồi Tây Sa.
Khi Trung Quốc thu hồi Tây Sa, binh lực của Hạm đội Nam Hải rất thiếu, đòi hỏi phải có sự chi viện từ Hạm đội Đông Hải. Đảo Đài Loan nằm ở giữa Nam Hải và Đông Hải, việc điều động hạm đội trước đây đều đi vòng từ ngoài khơi đảo Đài Loan, để tránh đi vào đường nhạy cảm trong eo biển Đài Loan. Thời gian hành động của hạm đội lần này quá gấp gáp, quy mô lại hết sức lớn, liệu có thể đi qua eo biển Đài Loan nổi không? Nixon đến thăm Trung Quốc, đụng chạm vào chính phủ Tưởng Giới Thạch có thể nói là thảm họa. Điều động hạm đội quy mô lớn đi qua eo biển Đài Loan vào lúc này, Tưởng Giới Thạch sẽ có phản ứng gì? Lãnh dạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã liên hệ được với Tưởng Giới Thạch thông qua kênh bí mật, Tưởng Giới Thạch cân nhắc từ đại nghĩa dân tộc, đã để cho hạm đội được đi qua eo biển Đài Loan một cách suôn sẻ, giành được thời cơ cho cuộc chiến. Đài Loan từng nhiều lần thả hải quân Trung Quốc đại lục trong trận hải chiến với Trung Quốc đại lục, chưa hề có mối quan hệ mật thiết nào dưới sự chỉ đạo đằng sau của Mỹ.
Trận phản kích tự vệ Tây Sa không hề được coi là trận hải chiến quy mô lớn. Khi trận chiến kết thúc, Bắc Việt ** lập tức ra tuyên bố, “cảm ơn chính phủ Trung Quốc đã giúp đỡ họ giải phóng Tây Sa từ tay Nam Việt”. Điều này đồng nghĩa với việc đề xuất với Trung Quốc yêu cầu về lãnh thổ Tây Sa. Chính phủ Trung Quốc không đếm xỉa gì đến chuyện này, gọi trận chiến đó là “trận phản kích tự vệ”, nhấn mạnh Tây Sa từ xa xưa đã là lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc thu hồi lại lãnh thổ của mình từ tay “ngụy quân Nam Việt” từ sự hỗ trợ của Mỹ. Chính nước cờ hay tuyệt diệu này đã khiến cho Trung Quốc giành được thế chủ động trong tương lai về vấn đề Nam Hải. Và cũng chính điểm này, sau khi Nam – Bắc Việt Nam thống nhất, đã trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến Việt Nam dựa vào Liên Xô, thù địch với Trung Quốc.
Chương III  Bối cảnh khi xảy ra trận chiến
Nguyên nhân xảy ra trận hải chiến Tây Sa là do sau khi Bắc Việt ký Hiệp định đình chiến, chính phủ Nam Việt đã nhân cơ hội đó để ổn định lại cục diện chiến đấu trên bộ, tích cực triển khai hoạt động trên các yếu điểm chiến lược Nam Việt đã chiếm đoạt. Bắt đầu từ tháng 8 năm 1973, tàu quân sự Nam Việt liên tục xua đuổi và bắt giữ ngư dân Trung Quốc trong vùng biển Tây Sa, chiếm giữ đảo, mưu đồ đẩy Trung Quốc ra khỏi khu vực này, tiến vào độc chiếm quần đảo Tây Sa, khi ấy Trung Quốc và Việt Nam mỗi bên chiếm giữ một vài hòn đảo, tương tự như với quần đảo Nam Sa. Công bằng mà nói, động thái này của chính phủ Nam Việt quả thực rất có tầm nhìn chiến lược, đồng thời không loại trừ có người Mỹ đứng đằng sau khi trù mưu tính kế.
Trung Quốc khi ấy lại đang sa vào vũng lầy của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa. Tầm nhìn của Trung ương và Quân ủy đều tập trung vào 3 khu vực phía bắc tiếp giáp với Liên Xô. Khi ấy Liên Xô đang tập kết tới bốn mươi mấy sư đoàn đã được cơ giới hóa ở toàn bộ phía Đông, cộng thêm quân đội hàng không và quân đội dự bị chiến lược, tổng binh lực lên tới gần 1 triệu quân! Trận chiến trên đảo Trân Bảo nguy cấp nhất, tuy binh lực của cả hai bên không vượt quá quy mô tiểu đoàn, song bày trận ở đằng sau mỗi bên là binh lực với quy mô tập đoàn quân! Trong thời khắc nguy cấp ấy, phía Liên Xô còn tổ chức diễn tập quân sự quy mô lớn (với quy mô mười mấy sư đoàn) ngay trước mắt chúng ta. Phản ứng của phía ta là chỉ trong vòng 2 tháng đã cho nổ 2 quả bom hạt nhân! Không hề đưa một chữ nào trong phần tin tức. Sự kiện một phân đội đi tuần tra biên giới phía bắc sau đó đã khiến cho Trung ương hạ quyết tâm nhanh chóng cải thiện mối quan hệ với Mỹ nhằm giảm bớt áp lực của Liên Xô đối với chúng ta. Không thể lơ lỏng dù chỉ một khắc cuộc đối đầu quân sự với Liên Xô ở phía bắc. Đại bản doanh nguồn lực quốc phòng đã bị liên lụy về phía ấy, còn với khu vực Nam Hải thì nói chung là áp dụng thái độ bỏ mặc, trong khi sự khiêu khích của chính phủ Nam Việt thì lại càng ngày càng mạnh.
Đến tháng 1 năm 1974, chính phủ Nam Việt tuyên bố phải khai thác dầu ở khu vực Tây Sa, buộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải ra tuyên bố, nhắc lại chủ quyền của mình đối với Tây Sa và Nam Sa. Nhưng hành động của hải quân Nam Việt lại leo thang ngay tiếp sau đó, 4 ngày sau, biên đội chiến hạm chiến đấu của họ tiến đến vùng biển Tây sa, khiêu chiến với Trung Quốc bằng vũ lực. Phía Trung Quốc khi ấy về cơ bản chưa chuẩn bị cho việc đánh, trong lúc nguy cấp đã vội vã điều 2 tàu dò mìn (phiên hiệu 396 và 389), 2 tàu chống ngầm (phiên hiệu 271 và 274) đến Tây Sa vào ngày 17 tháng 1. Tàu dò mìn 389 trong số đó vừa được xuất xưởng sửa chữa, chưa hề lái thử, đã phải xuất phát đến vùng chiến địa. Có thể thấy được sự thảm hại của phía quân Trung Quốc khi ấy. Hơn 1 ngày sau, phía quân Trung Quốc lại vội điều 2 tàu chống ngầm (phiên hiệu 281 và 282) đến tăng viện cho Tây Sa. Sau này đã thấy: Chính 2 chiếc tàu này đã bảo đảm cho sự thắng lợi cuối cùng của quân Trung Quốc trong trận Tây Sa.
Những người am hiểu sẽ nhìn ra được những chiếc tàu này không phải được dùng cho các trận hải chiến đích thực. Chứng tỏ phía Trung Quốc khi ấy cơ bản là không muốn đánh, mà chỉ muốn chứng minh sự tồn tại vũ lực của mình ở vùng biển Tây Sa, nhìn mấy chiến tàu nhỏ bên quân Trung Quốc điều đến mà đã tạo nên dũng khí để làm nên chuyện, thì e rằng cũng đã nằm ngoài dự liệu của các nhà quyết sách quân sự khi ấy.
Ngày 18 tháng 1, tàu Trung Quốc đến vùng biển Tây Sa, gặp phải tàu của hải quân Nam Việt ở đó, tổng cộng có 1 tàu khu trục (số ghi ở thân tàu là 04), 2 tàu hộ tống (số ghi ở thân tàu là 05 và 16) và 1 tàu tuần tra (số ghi ở thân tàu là 10). Bốn tàu của hải quân Nam Việt, với tổng trọng tải hơn 6.000 tấn, hơn 50 khẩu hỏa pháo, lại được trang bị hệ thống điều khiển bắn tự động điện tử tiên tiến nhất hồi bấy giờ; còn 4 chiếc tàu bên quân ta gộp lại tổng cộng mới được hơn 1.700 tấn, 16 khẩu hỏa pháo, trọng tải tàu tối đa không bằng trọng tải con tàu nhỏ nhất của quân Nam Việt. Tương quan thực lực giữa hai bên đối trận chênh nhau như vậy cũng là điều hiếm gặp trong lịch sử các trận chiến hải quân trên thế giới. Vì thế, hải quân Nam Việt phán đoán máy bay chiến đấu của Trung Quốc do hành trình xa nên không thể tới chi viện cho Tây Sa được, cảm thấy vẫn có thể đánh được biên đội hải quân nhỏ ấy của Trung Quốc. Cũng có nghĩa là vào sớm ngày hôm đó, sĩ quan chỉ huy tàu Nam Việt khi đã liên lạc được với tổng thống của họ là có thể được trao quyền khai hỏa vào tàu Trung Quốc.
Song hải quân Trung Quốc khi ấy, mặc dù về mặt trang bị và sẵn sàng tác chiến không bằng được Việt Nam, nhưng lòng quả cảm và sĩ khí thì lại ở hàng đầu, là quân đội được trang bị bằng tư tưởng Mao Trạch Đông, đã không hề run sợ trước hải quân Nam Việt với ưu thế áp đảo. Còn hải quân Việt Nam khi gặp phải biên đội tàu Trung Quốc tiến tới bất ngờ, tuy coi thường, nhưng vì cũng không biết được nội tình bên quân Trung Quốc nên cũng không dám manh động, hai bên lại đối đầu trong đêm tối, thế là cả hai bên cùng thu quân. Ngày hôm sau, 19 tháng 1, tàu Nam Việt nhìn thấy bên quân ta không hề có tăng viện, chỉ vẻn vẹn có 4 chiếc tàu nhỏ, thế là can đảm hẳn lên. Tàu hộ tống 5 cậy mình thừa đủ trọng tải mã lực đã va vào trước đánh chặn 2 tàu dò mìn 396 và 389 của bên quân ta, tàu dò mìn 396 của ta bị hư hỏng nhẹ, dùng mấy chiếc xuồng máy đưa khoảng 1 trung đội lính đánh bộ lên 2 hòn đảo Trân Hàng, Quảng Kim, đã bị bên quân ta khống chế (2 hòn đảo này có 1 đại đội dân binh của ta đóng trên đó), đối đầu với dân binh Trung Quốc trên đảo. Tàu bên quân ta nhằm hỏa pháo vào quân Nam Việt đang đổ bộ lên đảo, hiệp trợ dân binh trên đảo, còn tàu quân sự lớn của Nam Việt do ở quá gần đảo, nên chủ pháo ** đã bị rơi vào góc chết, chẳng trợ giúp gì được. Trong tình huống có cảnh cáo cũng vô hiệu ấy, dân binh Trung Quốc đã nổ súng trước, giết chết 1 tên địch, làm bị thương 3 tên, buộc quân Nam Việt phải quay đầu rút chạy thảm hại.
Khi thấy không dễ gì chiếm được đảo, tàu quân sự Nam Việt đã thu hồi quân đổ bộ lên đảo, lượn một vòng ra ngoài khơi (khiến cho tàu bên quân ta bị nằm vào tầm bắn của hỏa pháo ** bên họ), triển khai đội hình chiến đấu. Biên đội tàu Trung Quốc không những không lui về, mà còn dốc hết mã lực cũng triển khai đội hình chiến đấu để đón đầu tàu quân sự Nam Việt (bởi nếu như bị chúng giãn cách cự ly, thì bên quân ta chỉ còn cách chịu đòn). Hai bên đối trận lúc này, pháo chĩa vào nhau, lưỡi lê đã tuốt, khoảng cách ngày một thu hẹp, căng thẳng tột độ. Cuối cùng tàu quân sự Nam Việt không nén nổi, các tàu cùng nổ súng về phía quân Trung Quốc, ngay chính trong khoảnh khắc lửa pháo lóe lên, pháo thủ bên quân ta cũng ấn nút điện, trận hải chiến Tây Sa chính thức bắt đầu!
Chương IV: Giải mật tư liệu
Về chuyện ai nổ súng trước, có một loạt quan điểm cho rằng, tàu quân Nam Việt lúc ấy nổ súng trước là khi lui về phía sau để giãn cách cự li, cho hỏa pháo ** ở vào vị trí lợi thế, thì tàu quân Trung Quốc đã truy kích để thu hẹp cự ly, thực ra không phải như vậy. Trước hết, nếu đúng là như vậy, thì tàu quân Nam Việt chắc chắn đã đối mặt với quân Trung Quốc bằng pháo đuôi chứ không phải bằng chủ pháo, không phải ở vị trí đắc địa; thứ hai, khi đối đầu, tàu của hai bên ở cách nhau rất gần, dùng theo cách nói của người Nam Việt là “trong tầm cự ly bắn của **”, thì tàu bên quân ta lại chạy nhanh hơn tàu quân Nam Việt (bên Trung Quốc tốc độ 25, bên Nam Việt tốc độ 20), nên chẳng cần phải đợi đến khi tàu quân Nam Việt chạy xa rồi mới đuổi theo; thứ ba, các văn bản chính thức của phía Trung Quốc cũng nói khi ấy hai bên chĩa súng vào nhau, quân Nam Việt nổ súng trước. Cho nên, tình huống khi ấy nên hiểu là khi hai bên tiếp cận chính diện với nhau, đối với quân Nam Việt, nếu quân Trung Quốc tiến gần vào nữa là sẽ bị rơi vào góc chết của chủ pháo ** hạm đội Nam Việt, sẽ bất lợi cho họ, nên họ phải nổ súng trước.
Khẩu pháo ** số 1 của tàu quân Nam Việt là đài chỉ huy của tàu bên quân ta, do ** rất lâu, nên đạn pháo đã bắn rất chuẩn. Một loạt đạn pháo bắn ra, mấy thuyền trưởng và chính ủy bên quân ta khi ấy đã có thương vong. Nhưng tàu bên quân ta tiếp tục áp sát địch hết tốc lực, phát huy ưu thế cự ly gần  của pháo bắn tốc độ **, nên đã áp chế được tàu quân Nam Việt. Còn tàu quân Nam Việt lúc này do tốc độ bắn của hỏa pháo ** chậm, tàu của bên quân ta lại nhỏ, chiều cao chỉ có 2 m, cự ly lại quá gần, rơi vào góc chết của pháo rất khó điều chỉnh, không phát huy được ưu thế hỏa lực, nên đã bị tàu Trung Quốc bắn trả điên cuồng. Để thoát khỏi thế bị động, tàu quân Nam Việt có ý đồ giãn cách cự ly, còn tàu bên quân ta thì truy đuổi đến cùng, áp sát tàu quân địch. Tập trung hỏa lực bắn vào các tàu khu trục 04, tàu hộ tống 16. Quân ta dũng mãnh tấn công tàu khu trục 4 và tàu hộ tống 16 của Nam Việt, vì những con tàu ấy lần lượt ở vào vị trí tàu chỉ huy trong các tàu quân sự Nam Việt. Còn cho đến sau trận hải chiến ấy, phía Trung Quốc đều cho rằng tàu khu trục 04 là kỳ hạm của cả hạm đội Nam Việt. Thực tế, tin của tình báo Trung Quốc rất chuẩn xác, cho đến ngày 18, tàu khu trục 04 luôn là kỳ hạm của Nam Việt, nhưng vào sớm ngày 19, do sự thay đổi về chỉ huy hạm đội Nam Việt, tàu hộ tống 05 đã biến thành kỳ hạm, đây là điều bên quân Trung Quốc không ngờ tới. Hỏa lực từ các tàu chống ngầm 271 và 274 của bên quân ta đã chuyển hướng bắn về phía chủ pháo cùng hệ thống điều khiển bắn, thông tin và chỉ huy của tàu hộ tống 04 Nam Việt.
Mặc dù có sự cứu viện của tàu hộ tống 05, tàu này vẫn bị đánh tới mức làm gián đoạn thông tin, chỉ huy vô hiệu lực, tàu bị cháy khói um lên. Cùng lúc ấy, các tàu quân sự của Nam Việt cũng cố sức bắn trả về phía quân Trung Quốc, pháo ** bắn tàu Trung Quốc ở gần không được liền bắn tới tàu Trung Quốc ở xa, để chi viện cho đồng đội. Do tàu quân ta và quân địch đánh nhau ở cự ly gần, nên không ít ** lực của Nam Việt đã bị đánh gục trên tàu của mình, các tàu của Nam Việt đều bị xơi phải đạn pháo của người mình.
Tàu tuần tiễu số 10 của hải quân Nam Việt đã lao tới và nhả đạn điên cuồng vào tàu dò mìn 389 của ta, để tìm hiểu cứu vãn tàu hộ tống 16 đang bị 2 tàu dò mìn 396 và 389 của quân ta vây đánh. Tàu dò mìn 389 của ta đang chịu tấn công từ hai phía đã bị trúng đạn nhiều chỗ, 6 sĩ quan và lính tử trận, trên tàu bốc cháy, nhưng vẫn dũng cảm chiến đấu, cùng với tàu 396 quay họng pháo bắn trả xối xả về phía tàu tuần tiễu số 10 của đối phương, rồi quay đầu lao tới tàu này. Tàu tuần tiễu số 10 của hải quân Nam Việt bị bắn trúng phải kho đạn đã phát nổ bốc cháy. Tàu dò mìn 389 của ta lúc này đạn pháo cũng đã hết sạch, nhưng vẫn dũng cảm lao lên, xông thẳng tới chỗ cách tàu số 10 mấy chục mét, hải quân Trung Quốc xách cả bệ phóng rocket, súng tiểu liên, bắn xối xả về sàn tàu số 10 (số vũ khí này vốn là vận chuyển cho dân binh của ta đóng trên đảo, nhưng do đêm 18 [tháng 1-1974] sóng quá lớn, nên không thể đưa lên đảo được). Thuyền trưởng tàu tuần tiễu số 10 của Nam Việt đã bị bắn chết trong trận chiến (4).
Tàu hộ tống số 16 của Nam Việt muốn tiến tới cứu tàu tuần tiễu số 10, nhưng đã bị tàu dò mìn 396 của ta đánh chặn. Tàu hộ tống số 16 của Nam Việt đã bị trúng phải một phát đạn pháo từ tàu hộ tống số 5 của họ (may mà quả đạn pháo này không nổ, nếu không thì quân Nam Việt đã đánh đắm mất con tàu của họ trước), sau đó lại bị 2 tàu của quân ta tấn công, lúc này các hệ thống thông tin, điều khiển và cung cấp điện đều bị mất hiệu lực hoàn toàn, tàu bị nghiêng 20º (khi về đến cảng quân sự Nam Việt bị nghiêng tới 40º, chỉ còn lại phần máy chính là còn có thể vận hành), không thể tiếp tục tác chiến, thế là quay đầu tháo chạy ra ngoài khơi.
Nhìn thấy tàu số 16 rút chạy, chính ngay lúc đó,  2 tàu chống ngầm 281 và 282 của quân ta đã đuổi đến vùng biển chiến trận (hai con tàu này đã đến địa điểm được chỉ định sớm hơn một chút, đêm 18 gặp phải sóng lớn, đã vội chạy với tốc độ tối đa cao hơn so với thiết kế của tàu, cuối cùng được phía Trung Quốc kịp thời đưa về sinh lực quân, khiến cho cán cân chiến thắng của trận hải chiến Tây Sa cuối cùng đã nghiêng về phía Trung Quốc). Tàu tuần tiễu 04, tàu hộ tống 05 của Nam Việt không còn lòng dạ nào để chiến đấu tiếp, bỏ lại tàu số 10 đã bị đánh cho tơi tả, cũng quay đầu tháo chạy ra ngoài khơi. Kể từ lúc tàu Nam Việt nổ súng cho đến khi tàu của chúng bị đánh cho tơi tả, chỉ vẻn vẹn trong vòng có mười mấy phút. Theo kiểm nghiệm của hải quân Nam Việt sau trận chiến, ngoại trừ tàu tuần tiễu số 10 bị ta đánh chìm ra, 16 chiếc tàu hộ tống đã bị trúng 820 phát đạn, 2 chiếc tàu còn lại đều bị trúng trên cả ngàn phát đạn, có thể thấy được độ ác liệt của trận chiến và sự anh dũng trong tác chiến của hải quân Trung Quốc.
Mặc dù hạm đội của Nam Việt đã bị đánh tơi bời, tàu bên quân ta lúc này cũng ở trong tình trạng không hay: Tàu  389 cháy mãi không tắt, thân tàu bị nghiêng lệch nặng, buộc phải đưa vào bãi cạn với sự hiệp trợ của các tàu bên ta để khỏi bị chìm. Ba tàu còn lại cũng bị thương tổn, đạn dược lại còn ít, nên chẳng biết làm gì với tầu tuần tiễu số 10 đã không còn đủ năng lực tự vệ của Nam Việt. Cuối cùng phải để cho 2 tàu chống ngầm 281 và 282 của quân ta đưa tàu tuần tiễu số 10 của bên quân địch nhấn chìm xuống biển.
Trận hải chiến Tây Sa cùng hậu quả của nó đã khiến cho Trung Quốc và chính phủ Nam Việt cùng cảm thấy kinh hoàng và bất ngờ. Trung Quốc là bên yếu thế về hải quân đã giành được thắng lợi không hề có sự chuẩn bị ở Tây Sa đã lập tức bắt đầu tổng động viên chiến tranh, với ý đồ mở rộng chiến quả, ra tay giải quyết luôn vấn đề Tây Sa. Phía Trung Quốc khẩn cấp trưng dụng 500 lính đánh bộ và dân binh, đưa các tàu quân sự và tàu cá ra vùng chiến địa vào ngày 20, ngoài việc điều các tàu của hạm đội Nam Hải khẩn cấp ra chi viện Tây Sa, 2 tàu khu trục đạn đạo của hạm đội Đông Hải cũng từ phía nam eo biển Đài Loan tới tăng viện. Về không quân, nghe nói khi ấy đã điều máy bảy chiến đấu F-7 vừa mới được nghiên cứu chế tạo (có tính năng ngang với Mic-25), mặc dù thời gian đậu lại giữa không gian trên vùng biển Tây Sa của loại máy bay chiến đấu này chưa đầy 10 phút, nhưng sự xuất hiện của nó vẫn gây sự phấn chấn lớn lao. Ngày 20 tháng 1, bộ đội tinh nhuệ của Trung Quốc đã đến Tây Sa, dưới sự yểm trợ của hỏa lực pháo hạm, đã chiếm gọn cả 3 hòn đảo từng bị hải quân Nam Việt chiếm giữ từ năm 1956, bắt sống 48 tên địch, trong đó có 1 sĩ quan liên lạc Mỹ.
Tuy Bắc Việt đang đánh nhau với Nam Việt, nhưng khi chúng ta trừng phạt Nam Việt, trong lòng Bắc Việt chưa hẳn đã hài lòng. Với trận hải chiến Tây Sa, hải quân Nam Việt vốn đã có sự chuẩn bị, với ý chí quyết giành bằng được, không ngờ lại bị ăn một đòn trời giáng, đột nhiên trở nên hoảng loạn. Khi viên chỉ huy trận hải chiến đến gặp Tổng thống Nam Việt để báo cáo, không dám nói là trận hải chiến đã bị thất bại, mà chỉ một mực trách không quân không đến chi viện. Đến chiều ngày 20 tháng 1, Nam Việt mới đưa tàu quân sự Kỳ lân chở 1 tiểu đoàn lính đánh bộ, với ý đồ tăng viện cho quân đóng ở Tây Sa (nửa đường đã quay về), ngoài ra còn cho tập kết lính hải, không quân rải khắp làm khung sườn tái chiếm, nhưng sau khi đối mặt với sự tăng viện lớn của bên quân ta, lính hải quân Tây Sa bám trận địa chờ thời từ trước, đã không hề dám manh động, cuối cùng phải rút về.
Trong trận chiến ở Tây Sa, các tàu quân sự của phía Nam Việt đã bị đánh chìm, bị đánh trọng thương, bị thương nhẹ mỗi loại 1 chiếc, lính tử trận hơn 100 người, bị bắt sống 18 người, số bị thương không rõ. Các tàu phía Trung Quốc bị đánh trọng thương 1 chiếc, bị thương nhẹ 3 chiếc, lính tử trận 18 người, bị thương 67 người. Mặc dù phía Trung Quốc đã không lường trước được hết quyết tâm khai chiến của Nam Việt, binh lực điều động hết sức yếu ớt, nhưng sĩ quan binh lính hải quân Trung Quốc tham gia chiến trận đã chiến đấu dũng cảm, chiến thuật vận dụng cũng hết sức thành công, nên cuối cùng đã giành được thắng lợi. Khi xem xét đến sự chênh lệch về tương quan lực lượng giữa hai bên, sẽ thấy chiến quả như vậy là hiếm gặp trong lịch sử hải quân thế giới. Còn ý nghĩa thực sự của trận chiến ở Tây Sa, nằm ở chỗ đã tiêu diệt được quân đội Nam Việt chiếm cứ ở đó từ năm 1956, là đã đánh đuổi sạch thế lực Nam Việt. Nếu không, đợi đến hơn một năm nữa thôi, Việt Nam sau khi thống nhất sẽ tiếp quản luôn cả mấy hòn đảo ở đó, thì nỗi rầy rà của phía Trung Quốc sẽ còn lớn hơn.
1)  Số lượng tàu tham chiến
Con số thực và loại hình tàu tham chiến của phía Trung Quốc: 2 tàu chống ngầm, 2 tàu dò mìn, 2 tàu hộ tống cao tốc; trong đó có 4 tàu khai chiến trước, 2 tàu đuổi theo sau, và chính 2 chiếc tàu đuổi theo sau này đã khiến hải quân Nam Việt cho là còn có một loạt tàu tăng viện nữa đang đuổi tới, gây khiếp đảm, làm quân Nam Việt phải bỏ chạy, ở bước ngoặt quyết định cuối cùng đã làm cho cán cân thắng lợi nghiêng về phía quân ta.
2)  Ai là người nổ phát súng đầu tiên?
Thật tình là hiện giờ cũng không thể nói rõ được ai là người nổ phát súng đầu tiên. Theo những người tham chiến nói, khi ấy bên quân ta chắc chắn không ra lệnh nổ súng, nhưng trước khi nổ súng, bên quân Nam Việt đã bắn 1 phát đạn pháo về phía quân ta bằng pháo **, (đương nhiên là không có trong lệnh), do hỏa pháo chủ yếu của các tàu bên quân Nam Việt đều được điều khiển tự động bằng rađa, cho nên phát đạn pháo này bên quân ta phán đoán là để hiệu chỉnh hệ thống điều khiển bắn tự động, đồng thời sau khi tàu bên quân Nam Việt lui lại với ý đồ giãn cách cự ly (điều này buộc phải làm về mặt chiến thuật khi tàu lớn khai chiến với tàu nhỏ), chỉ huy bên quân ta phải ra lệnh cho 2 biên đội bám sát, đồng thời cảnh báo: Chú ý, quân địch sắp nổ súng! Vào lúc ấy, trận hải chiến đã nổ ra. Khi người bên quân ta phát hiện thấy nòng pháo bên quân địch tóe lửa một cái là liền lập tức đạp cò! Cho nên gần như cùng lúc với bên quân địch nổ súng, đạn pháo bên quân ta cũng nhả luôn! Nhưng do phía quân ta pháo nhỏ, vận tốc cao, thế nên loạt dạn pháo đầu tiên của bên quân ta đạp cò sau, nhưng lại rơi xuống đầu hải quân Nam Việt trước (quả có chút nực cười). Lúc này, chỉ huy bên quân ta quả thực không ra lệnh nổ súng, bắn trả hoàn toàn là sự phản ứng tự động của các chiến sĩ (sự phản ứng tự động này tương đối quan trọng, nếu như đợi đến khi chỉ huy ra lệnh mới bắn trả, thì rất có thể lịch sử về trận hải chiến Tây Sa sẽ phải viết lại). Viết đến đây, đã có thể rõ được ai là người nổ súng trước rồi.

3)  Trận hải chiến đã liều ném luôn cả lựu đạn?
Không phải là bên quân ta đã có chiến pháp liều ném lựu đạn trong trận hải chiến, mà là một chiếc tàu khi ấy do bị thương, mất lái, tốc độ chạy quá nhanh, đâm thẳng vào giữa 2 chiếc tàu bên quân Nam Việt, nên đã bị tấn công bằng hỏa lực chằng chịt rồi bốc cháy, tổn hại nghiêm trọng, chiếc tàu phía sau của quân ta nhìn không rõ (khi ấy cho là khói do tự mình tuôn ra) sợ đánh bị thương nhầm tàu mình, lại không thể chi viện được, nên kết quả là chiếc tàu này lái luôn cả khói lửa đâm thẳng vào tàu số 10 của địch, thuyền trưởng hoa mắt:  Lắp tên lửa chống tàu ngầm! Chuẩn bị sống chết với quân địch. Thế là tàu số 10 quay lái sạt qua tàu của ta, nguy hiểm tới cực điểm. Lúc này hỏa pháo của hai bên đều không thể dùng được, thuyền trưởng gặp nguy ứng biến: Ném lựu đạn! Khi ấy bên quân ta cơ bản chưa chuẩn bị đánh trận hải chiến, trên tàu này có mấy hòm lựu đạn chuyển cho dân binh đóng trên đảo, vào lúc này đã được điều dùng cho trận chiến. Thế là mọi người tranh nhau vớ lấy lựu đạn ném sang tàu số 10 của Nam Việt, có người còn ôm luôn cả bệ phóng tên lửa chống tăng của bộ binh bắn về phía tàu Nam Việt! Đây chính là xuất xứ của chuyện quân Trung cộng đã sử dụng lựu đạn mà Nam Việt đã thông tin cho giới truyền thông sau này, nhân lúc quân địch hoảng loạn chuyển hướng, quân ta đã ngoặt tàu chạy hết tốc độ, đẩy lui được cuộc tấn công của Nam Việt, sau đó lao tới tự cứu lại được bãi đá ngầm.
4)  Được mất về chiến thuật của trận hải chiến
Về kết quả của trận hải chiến mọi người đều đã rõ: Bên quân Nam Việt: 1 chiếc tàu hộ tống nhỏ nhất (phiên hiệu “Sóng dữ”, 650T) bị chìm, 3 chiếc tàu khu trục còn lại bị thương (rất nhẹ). Bên quân ta: 1 chiếc tàu dò mìn gần như bị chìm (đưa lên bãi cạn thành công, tất nhiên, nếu đưa lên bãi cạn không kịp thì chắc chắn sẽ chìm), bị thương 1 chiếc, 2 chiếc còn lại cũng bị thương nhẹ, nhưng 2 chiếc thêm vào sau đó lại không hề bị sứt mẻ gì.
a)  Khi khai chiến, cả hai bên đều theo quan điểm đã đánh phải đánh cho giập đầu, tấn công vào tàu chỉ huy của đối phương, song đều phán đoán nhầm: Trong số 2 biên đội bên quân ta, 1 chiếc tàu xông lên trước nhất là tàu chỉ huy, mà bên quân địch tấn công lại là 2 chiếc tàu ở đằng sau 2 biên đội bên quân ta, phán đoán sai (nếu như quân địch khi ấy đọc được báo chí Trung Quốc thì sẽ không bị sai). Bên quân ta phán đoán quân địch sợ chết, cho nên viên chỉ huy sẽ nấp ở đằng sau, vì thế cũng tấn công 2 tàu ở đằng sau, và cũng phán đoán sai! Xác minh sau trận chiến cho thấy, tàu chỉ huy bên quân địch là tàu đầu ở biên đội số 2!
b)  Bên quân Nam Việt đã sai lầm về vận dụng chiến thuật:  Hải quân Nam Việt cho rằng tàu của ta đại pháo lớn, dùng đạn xuyên thép làm thủng cho mấy lỗ là tàu nhỏ của mày chìm ngay, cho nên trong lúc bắn nhau bên quân Nam Việt đã sử dụng đạn xuyên thép (tất nhiên, không thể nói là không đúng, nhưng nếu như một tàu dùng đạn xuyên thép, một tàu dùng đạn bộc phá thì rất có thể bên quân ta sẽ phải chịu kết cục thảm hại, bởi dẫu sao thì tàu của ta cũng quá nhỏ).
Bên quân ta cho rằng, mặc dù mày là hỏa lực tự động, nhưng có phải lúc nào cũng có người đến thao tác đâu? Tao đánh cho mày bò lê bò càng hết cả ra, thì mày có tự động hóa thì cũng chẳng có ai đến ấn nút được cả! Cho nên tình hình bên quân ta sử dụng đạn bộc phá (người viết cho rằng đây là chiến thuật khi ấy không có biện pháp để đề xuất) trong giao chiến là:  Hai bên vừa bắn nhau, toàn bộ hải quân trên tàu quân sự Nam Việt đều chui hết cả xuống dưới boong tàu, còn hỏa pháo tự động hóa cũng bị mất hiệu lực khi bị quân ta tấn công trọng điểm vào hệ thống điều khiển tự động bằng rađa, người điều khiển pháo đương nhiên là không bắn được chúng ta nữa rồi. Sau khi bên quân ta bị bắn đạn xuyên thép, phần tàu chìm dưới nước bị thủng mấy lỗ lớn, mà những miếng nút chúng ta chuẩn bị sẵn thì lại không đủ, may mà có các chiến sĩ xả thân bịt lại thì mới bảo vệ được tàu. Từng có tin là có chiến sĩ đã hi sinh vì dùng thân mình bịt tàu, thế nhưng quân lính hiện giờ đã được điều đi xa rồi, lát nữa người viết kể cho mọi người nghe về trận hải chiến Xích Qua Tiêu (tức Bãi đá Gạc Ma – ND) thì sẽ biết.
Lời cuối:  Nghe nói sau khi Trung Quốc thu hồi Tây Sa, Bắc Việt là đồng chí và anh em với chúng ta khi ấy, đã gửi điện cảm ơn chính phủ Trung Quốc: Cảm ơn anh em Trung Quốc đã thay chúng tôi thu hồi lại được quần đảo Tây Sa từ tay quân tay sai Nam Việt! Chính phủ Trung Quốc đã từ chối bức “Điện cảm ơn” này, đây cũng là sự khởi đầu cho việc từ chỗ thừa nhận đến chỗ trở mặt về chủ quyền đối với Nam Sa của Trung Quốc từ phía Việt Nam.
Trong trận hải chiến oai hùng thề chết bảo vệ quần đảo Tây Sa của quân dân Trung Quốc, hải quân Trung Quân ở vào thế yếu về trang bị, tổng cộng đã bắn chìm một tàu hộ tống,  bắn bị thương ba tàu khu trục, tiêu diệt thuyền trưởng tàu “Sóng dữ” cùng hơn 100 quân dưới quyền bên quân Nam Việt; trong khi đổ bộ thu hồi ba hòn đảo Cam Tuyền, đảo San Hô và đảo Kim Ngân, bộ đội và dân binh Trung Quốc  đã bắt sống được thiếu tá Phạm Văn Hồng cùng 48 quân dưới quyền bên quân Nam Việt, viên sĩ quan liên lạc Kirsch thuộc Lãnh sự quán Mỹ thường trú tại Đà Nẵng cũng đã thành tù nhân của quân dân Trung Quốc. Tất nhiên, trong trận chiến đấu bảo vệ quần đảo Tây Sa, quân dân Trung Quốc cũng đã phải trả những cái giá nhất định. Chính ủy tàu 274 của hải quân Trung Quốc, Phùng Tùng Bá cùng 18 sĩ quan binh lính khác đã anh dũng hy sinh, 67 chiến sĩ tham chiến bị thương, tàu 389 của ta bị bắn hỏng.
Biên đội trên biển, bộ đội tàu chống ngầm của hải quân ta
Trong trận chiến, tàu tham chiến của quân ta đã cố sức áp dụng thủ pháp cận chiến, cự ly bắn giữa hai bên từ 1.000 m đến 300 m, pháo bắn nhanh khẩu độ nhỏ của quân ta liên tục rót đạn về phía tàu địch, buộc địch không còn dám ở lại trên tầng cao của tàu quân sự.
Trong ảnh là tàu của hải quân Nam Việt chuẩn bị xâm phạm vùng biển Tây Sa đang được kiểm tra sửa chữa ở cảng Đà Nẵng, đồng thời đậu ở bên ngoài là tàu cờ tham chiếnn của hai quân Nam Việt phiên hiệu “Trần Bình Trọng” (số ghi bên mạn tàu là “5″).
Bản đồ hiển thị tác chiến của trận hải chiến Tây Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974.
Sau thắng lợi của trận hải chiến Tây Sa, quân ta thừa thế thu hồi lại tất cả những hòn đảo đã bị Nam Việt xâm chiếm, bắt sống hơn 40 sĩ quan binh lính Nam Việt, trong đó có cả 1 cố vấn Mỹ.
————
Ghi chú của BTV:
(1) Chiếc HQ-10 mà phía Trung Quốc gọi là “Sóng Dữ” (怒涛), Việt Nam gọi là Nhật Tảo, do ông Ngụy Văn Thà làm thuyền trưởng lúc đó .
(2) Ông Nguyễn Thành Trí lúc đó giữ chức đại úy.
(3) Có lẽ bài gốc được viết trước năm 2004.
(4) Tức thiếu tá Ngụy Văn Thà, sau khi mất, ông được truy phong hàm Trung tá Hải quân.
Nguồn: Canglang.com



Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Vì sao qúa trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ kéo dài?

Lời giới thiệu của chủ blog: Dưới đây lả trích đăng bài viết gồm 2 phần của nhà báo Huỳnh Phan sau cuộc phỏng vấn  Nguyên Thứ trưởng Ngoại Giao, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Văn Bàng, người đã trực tiếp chứng kiến và tham gia quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước "cựu thù". Hy vọng bạn đọc được giải đáp một phần những thắc mắc vấn vương trong đầu với một số điều sự thật đàng sau quá trình bình thường hóa quan hệ "chậm chạp" giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ nói ra từ một "người trong cuộc". 
      
                                                   Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng
Phần I: Rơi vào ván bài nước lớn, Việt Nam lỡ bước
Việt nam đã đi gần đến nơi, nhưng câu chuyện chiến lược đã cản trở. Việt Nam đã tình cờ rơi vào ván bài chiến lược của các nước lớn, và lại là một con bài chẳng mấy quan trọng, có thể bị "dập" bất cứ lúc nào.
LTS: Có thể nói trong quá trình bình thường hoá và phát triển quan hệ Việt - Mỹ gần 4 thập kỷ qua, ông Lê Văn Bàng là người chứng kiến và tham gia ở các mức độ khác nhau hầu như từ đầu tới cuối.
Từ một chuyên viên theo dõi tình hình thực hiện Hiệp định Paris, theo dõi báo chí và dư luận Mỹ để báo cáo cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Chính trị, đến vị trí phụ trách quan hệ của Vụ Bắc Mỹ.
Từ một trưởng phòng liên lạc, đại biện lâm thời, rồi trở thành đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ.
Thôi chức thứ trưởng ngoại giao vào đầu năm 2008, ông lại tham gia dự án KX03 về chính sách đối ngoại của Đảng, trong đó phần của ông là quan hệ song phương Việt - Mỹ trong các mối tương quan song phương và đa phương khác.
Kể từ tháng 4. 2011, ở tuổi 64, ông lại tham gia vào một chương trình khác liên quan đến hai quốc gia nhiều duyên nợ này - dự án bệnh viện Việt - Mỹ.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu của trao đổi với cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng về những dấu mốc trong tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, với cả những nỗ lực xích lại gần nhau và những hiểu lầm, những bước tiến và bước hụt, trong những bối cảnh lợi ích của hai bên tham gia tiến trình này bị tác động, chi phối bởi những lợi ích trong những mối quan hệ khác.
- Nhà báo Huỳnh Phan: Lần đầu tiên ông tiếp xúc với người Mỹ là khi nào?
- Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng:Đó là khi ông Henry Kissinger vào Hà Nội đầu năm 1973 (10.1-13.1), do ông Lê Đức Thọ mời, trước khi hai bên chính thức ký Hiệp định Paris vào 27.1.1973. Một dịp may bất ngờ đối với một nhân viên ngoại giao mới vào ngành được vài tháng như tôi (ông Lê Văn Bàng vào Bộ Ngoại giao tháng 10.1972, sau khi tốt nghiệp đại học ở Cuba, chuyên ngành tiếng Anh - TG).
Đoàn của ông Kissinger đến Nội Bài vào buổi tối. Khi đó, sân bay Nội Bài còn tung toé hết lên, chỉ được mỗi cái đường băng là tử tế. Tôi được giao toàn bộ nhóm phi công chuyên cơ, khoảng 20 người, làm hướng dẫn và phiên dịch cho họ.
Tuy vậy, tôi vẫn có hai kỷ niệm đáng nhớ về ông Kissinger.
Kỷ niệm thứ nhất là khi dẫn cả đoàn ông Kissinger đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật (ở đường Nguyễn Thái Học), nhân dân nghe tin có Kissinger đến, họ tập trung rất đông dưới sân bảo tàng biểu tình phản đối. Nhiều người còn cầm đá, cầm gạch, bịt chặt cửa không cho đoàn ra.
Tôi cảm thấy căng quá. Hà Nội vừa mới trả qua đợt tàn phá kinh khủng của B52 Mỹ suốt 12 ngày đêm mà. Tuy nhiên, cuối cùng, chúng tôi cũng dẫn được đoàn Kissinger ra ngoài theo lối cửa sau, ra đường Cao Bá Quát.
Kỷ niệm thứ hai là khi dẫn ông tới Bảo tàng Lịch sử. Khi nghe dịch cái biển ghi 4 câu thơ "Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư", ông ấy nói luôn: "Đây là Điều khoản 1 của Hiệp định Paris (khẳng định độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam)".
Ấn tượng của ông về ông Kissinger?
Trước đó, tôi cũng đọc nhiều về Kissinger, và, khi gặp, tôi cảm nhận ông quả là một người giỏi giang, uyên bác, và có nhiều mưu mẹo. Hơn nữa, đối đầu được với ông Lê Đức Thọ trên bàn đàm phán suốt 4 năm ròng chắc hẳn không phải tay vừa.
Ý ông muốn nói đến việc ông Kissinger đã khéo léo "đẩy" cam kết cụ thể phía Mỹ trong viện trợ giúp hàn gắn vết thương chiến tranh và tái thiết thời hậu chiến ở Việt Nam (3,25 tỷ USD viện trợ không hoàn lại trong 5 năm và khoảng 1-1,5 tỷ USD viện trợ lương thực và hàng hoá), như ông Lê Đức Thọ đã kiên quyết đòi hỏi, sang bức công hàm của Tổng thống Richard Nixon gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng (ngày 1.2.1973)?
Hơn nữa, trong bức công hàm này, Tổng thống Nixon còn gài thêm rằng "mỗi thành viên thực hiện theo những quy định của Hiến pháp của mình". Theo qui định của Hiến pháp Mỹ, có viện trợ không và viện trợ bao nhiêu là do bên lập pháp quyết định, chứ không phải bên hành pháp.
Đúng vậy. Và không ngờ đó lại là chỗ nghẽn trong đàm phán bình thường hoá giữa Việt Nam và Mỹ trong những năm sau đó.
Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, phía Việt Nam đã chiến thắng khi buộc Mỹ phải ký hiệp định hoà bình và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Thế nhưng, tiếp nhận một đất nước bị tàn phá vào thời điểm thống nhất đất nước, cộng với kinh tế ngày càng khó khăn những năm sau đó, yêu cầu kiên quyết của phía Việt Nam là Mỹ viện trợ để tái thiết, theo điều khoản 21 của hiệp định, là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Jimmy Carter của Đảng Dân chủ lên nắm quyền (đầu năm 1977), và thể hiện mạnh mẽ mong muốn bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, ông ta lại vấp phải một thách thức rất lớn từ phái Cộng hoà trong Quốc hội.
Khi thấy vấn đề MIA/POW (người mất tích trong chiến tranh và tù binh) của Mỹ bị phía Việt Nam gắn với điều 21 của Hiệp định, và cả bức thư hứa hẹn của Tổng thống Nixon, những nghị sĩ Cộng hoà đã phản ứng rất mạnh. Đỉnh điểm là đầu tháng 5.1977, khi Mỹ và Việt Nam bắt đầu đàm phán bình thường hoá ở Paris, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu cấm bất kỳ viện trợ nào cho Việt Nam.
Có phải đó là lý do, trong chuyến đi một số nước châu Á vào tháng 7.1978, Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền đã tuyên bố với báo chí quốc tế là Việt Nam không yêu cầu thực hiện điều 21 của hiệp định nữa, hay không? Bởi trong ba vòng đàm phán trong năm 1977 ở Paris, do chính ông Phan Hiền làm trưởng đoàn, Việt Nam luôn coi việc thực hiện điều 21 là điều kiện tiên quyết để bình thường hoá.
Tôi nghĩ còn có thêm một lý do quan trọng khác nữa. Đến lúc đó, lãnh đạo Việt Nam đã nhận thức được tình hình đã thay đổi quá nhiều, nhất là sự căng thẳng với Trung Quốc, với việc cắt viện trợ và rút chuyên gia về nước, và Campuchia, khi chính quyền Khmer Đỏ đã có các cuộc xâm phạm biên giới phía Tây Nam, lên tiếng đòi xem lại vấn đề phân định lãnh thổ giữa hai nước, cũng như cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Việt Nam, lúc đó, đã đồng ý vào COMECON (Hội đồng Tương trợ Kinh tế), chuẩn bị ký một hiệp ước đồng minh với Liên Xô, và cho phép hải quân của họ sử dụng Cảng Cam Ranh. Đổi lại, Liên Xô cam kết tăng viện trợ cho Việt Nam.
Tức là đến thời điểm đó, lãnh đạo Việt Nam đã có sự chuyển hướng chiến lược. Và, như vậy, nhu cầu tái thiết từ viện trợ của Mỹ không còn quan trọng như trước nữa.
Tức là chính sức ép từ phía Bắc, và phần nào đó từ phía Tây Nam, đã khiến lãnh đạo Việt Nam quyết định phải nhanh chóng bình thường hoá vô điều kiện với Mỹ?
Đúng vậy. Trước sức nóng chủ yếu từ phương Bắc, nếu khộng có luồng gió ôn hoà từ phía Tây thì căng lắm. Và, vì vậy, vào tháng 9.1978, Việt Nam cử một trưởng đoàn mới là Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch sang đàm phán kín với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Holbrooke, chấp nhận bình thường hoá vô điều kiện.
Thoả thuận xong với ông Holbrooke, ông Thạch chờ suốt mà không có câu trả lời từ Bộ Ngoại giao Mỹ. Sự nhượng bộ của Việt Nam đã quá muộn, bởi, trong thời gian đó, đã có những biến chuyển mạnh mẽ của tình hình thế giới, và Mỹ không thể ứng xử như cũ. Bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc lúc đó là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.
Mike Morrow, người đầu tiên phỏng vấn được ông Nguyễn Cơ Thạch khi ông lên nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao năm 1980, có kể rằng, trong cuộc phỏng vấn đó, ông Thạch tiết lộ rằng ông đã nói thẳng với người đồng cấp Holbrooke rằng Mỹ không cần phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tức là có thể bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, rồi sau đó với Việt Nam.
Việc Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ Trần Quang Cơ, người sang New York cùng ông Thạch hồi tháng 9.1978,  còn cố chờ sang cả tháng 1.1979, tức là sau khi Mỹ đã ký thoả thuận xong với với Trung Quốc, càng khẳng định cho quyết tâm "còn nước còn tát" này của phía Việt Nam.
Đúng là Việt Nam đã thực sự hy vọng sẽ bình thường hoá được với Mỹ trong thời gian đó. Tôi còn nhớ là đã được Bộ Ngoại giao cử vào biên chế đại sứ quán tương lai, phụ trách mảng văn phòng. Tuy đại sứ chưa chọn, nhưng biên chế sứ quán thì đâu vào đấy. Tháng 12.1978, Bộ Ngoại giao Mỹ còn chuyển cho phía Việt Nam ảnh chụp toà đại sứ ở Washington D.C. của chính quyền Sài Gòn cũ nữa.
Tức là chúng ta đã tính đến việc lập ngay sứ quán khi thoả thuận bình thường hoá được ký kết.

Phóng viên kỳ cựu của hãng AP là Peter Arnett, người đã tháp tòng đoàn nghị sĩ Mỹ vào Hà Nội mùa hè năm 1976, đã nói rằng dưới thời Tổng thống Carter, Mỹ muốn cải thiện quan hệ của mình ở Trung Mỹ với việc trả kênh đào Panama cho nước này quản lý. Ông đã tập trung nhiều công sức và thời gian để thuyết phục Quốc hội phê chuẩn hiệp ước mà ông ký với Tướng Omar Torrijos vào tháng 9.1977, và vì vậy đã sao nhãng phần nào câu chuyện bình thường hoá với Việt Nam.
Ông có ý kiến gì về nhận định đó?



Tôi nghĩ ông ta hoàn toàn chính xác khi nói tới nỗ lực của Tổng thống Carter trong việc lấy lại hình ảnh và ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Mỹ, và Mỹ La tinh nói chung. Bởi, sau Việt Nam, Mỹ thất thế cả về uy tín lẫn kinh tế, và Liên Xô đã tranh thủ mở rộng ảnh hưởng, rất mạnh. Họ vươn tay tới Angola, Mozambique, hay Ethiopia ở châu Phi, và nhất là Nicaragua - một quốc gia nằm ngay "sân sau" của Mỹ.
Nhưng quan trọng hơn, Mỹ đã phải tập trung vào "con bài" Trung Quốc, dựa trên cơ sở sự bất đồng sâu sắc giữa Liên Xô và Trung Quốc, nhằm thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới giữa Mỹ và Liên Xô.
Đến thời điểm lãnh đạo Việt Nam thực sự mong muốn bình thường hoá ngay với Mỹ, phía Mỹ lại chưa muốn. Bởi, như vậy, họ khó thúc đẩy bình thường hoá và cải thiện quan hệ với Trung Quốc được.
Tóm lại, Việt nam đã đi gần đến nơi, nhưng câu chuyện chiến lược đã cản trở. Việt Nam đã tình cờ rơi vào ván bài chiến lược của các nước lớn, và lại là một con bài chẳng mấy quan trọng, có thể bị "dập" bất cứ lúc nào.
Khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia cuối năm 1978, mọi mối tiếp xúc hầu như bị cắt đứt. Ngay cả vấn đề MIA/POW, một trong những lời hứa của ông Jimmy Carter với hiệp hội những gia đình có người Mỹ mất tích trong chiến tranh khi tranh cử, Mỹ cũng chẳng quan tâm nữa.
Thậm chí đến năm 1981, khi chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ một chuyến thăm cho ông Andrew Young, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và cựu cố vấn của Tổng thống Carter, Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan vẫn không chấp thuận cho họ sang Việt Nam.
Mọi chuyện phải chờ đến năm 1985, Mỹ mới quay lại Việt Nam...
                                                                 Đại sứ Lê Văn Bàng trình quốc thư lên Tổng thống Hoa Kỳ  Bin Clinton
Phần II:Việt Nam với nước lớn hay chuyện lòng tin và lợi ích

Chúng ta phải phân biệt những cản trở mang tính kỹ thuật, và lợi ích thực sự của Mỹ ở Đông Nam Á, Đông Á - Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, và các mối quan hệ cụ thể trong từng lĩnh vực. Bởi ở mỗi thời điểm những cản trở mang tính kỹ thuật lại rất khác nhau.
Tại sao ông lại cho rằng từ năm 1985 người Mỹ mới thực sự quan tâm lại tới Việt Nam?
Tình hình thế giới và khu vực từ lúc đó đã quá thay đổi.
Thứ nhất, sự đe doạ của Liên Xô không còn nữa, với việc ông Michail Gorbachev lên nắm quyền vào đầu tháng 3.1985, và tiến hành perestroika (cải tổ). Họ, một mặt, phải tập trung vào giải quyết vấn đề của chính mình, và, mặt khác, lại mở cửa với phương Tây, hoà dịu với Mỹ.
Thứ hai, cũng chính vì vậy, con bài Trung Quốc đối với người Mỹ cũng bị giảm giá trị theo. Đó là chưa nói sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc khiến họ cũng gặp phải những vấn đề của mình, và trong quan hệ với Mỹ. Đỉnh điểm là sự kiện Thiên An Môn năm 1989, khiến quan hệ Trung - Mỹ trở nên căng thẳng.
Thứ ba, yếu tố khu vực cũng có sự tác động tích cực với tiến trình Việt - Mỹ. Các nước ASEAN tuy vẫn phản đối Việt Nam về chuyện đưa quân sang Campuchia, nhưng đã có những nỗ lực muốn giảm sự đối đầu trong khu vực để chuyển sang đối thoại. Bởi năm 1985 cũng là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra tuyên bố trước quốc tế là sẽ hoàn thành rút quân khỏi Campuchia trước năm 1990.
Chẳng hạn như sáng kiến "Jakarta Cocktail" (Tiệc rượu Jakar ta) của Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas giúp cho 4 phái kháng chiến Campuchia ngồi với nhau, và các nước Đông Dương và ASEAN gặp nhau không chính thức (JIM1 và JIM2)...
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, bản thân trong nội bộ Việt Nam cũng có sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Đại hội Đảng đã khẳng định quyết tâm mở cửa và hội nhập của Việt Nam để thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập.
Về đối ngoại, đây cũng là dấu mốc chính thức cho chủ trương đối thoại thay cho đối đầu - tiền đề cho quá trình bình thường hoá quan hệ, không chỉ riêng với Mỹ.
Nhưng tại sao phải mất tới 10 năm, với ba nhiệm kỳ tổng thống nữa (Reagan, Bush cha và Clinton), hai nước mới có thể chính thức hoàn tất việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao?
Cuối năm 1986, ngay trước Đại hội Đảng VI của Việt Nam, phía Mỹ có cử một đoàn do hai hai thượng nghị sĩ là Hart và Lugar dẫn đầu vào Việt Nam.  Họ vào gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, nói rằng tình hình khu vực thay đổi và phía Mỹ muốn đối thoại với Việt Nam. Hai điều kiện họ đưa ra để nối lại đàm phán bình thường hoá là giải quyết vấn đề POW/MIA và Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia.
Bộ trưởng Thạch hiểu câu chuyện, hiểu người Mỹ, và ông biết Việt Nam phải hợp tác tốt trong vấn đề POW/MIA thì Mỹ mới bỏ cấm vận kinh tế, trước khi bình thường hoá quan hệ.
Ông nói với phía Mỹ rằng đây là vấn đề nhân đạo nên hai bên cùng thể hiện thiện chí với nhau, và đề xuất mở hai diễn đàn: một diễn đàn về POW/MIA, và diễn đàn kia về việc giúp đỡ những người bị tàn tật trong chiến tranh với chân tay giả, xe đẩy... Phía Mỹ thấy có thể chấp nhận được, và OK ngay.
Phải nói ông hành động rất khôn khéo, vẹn cả đôi đường.
Nhưng cho dù Việt Nam đã hoàn tất việc rút quân vào tháng 9.1989, đến tận năm 1991, phía Mỹ vẫn chưa tin. Họ bảo rằng biết đâu Việt Nam rút ở đầu này, nhưng lại vào Campuchia ở đầu khác.
Còn đối với vấn đề POW/MIA, trong Quốc hội Mỹ có nhiều nghị sĩ, nổi bật nhất là Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà Bob Smith, của bang New Hampshire, luôn dùng luận điểm này để chống bình thường hoá với Việt Nam. Ông Bob Smith này luôn nói là Việt Nam vẫn còn giam giữ tù binh Mỹ, và điều này tác động đến lòng người ở Mỹ rất mạnh, nhất là đối với hiệp hội những gia đình có người thân mất tích trong chiến tranh và một số tổ chức cựu binh Mỹ.
Tôi còn nhớ là sang đến nhiệm kỳ của Tổng thống George H.W. Bush (cha), khoảng năm 1990-1991 gì đó, có một đoàn của Mỹ sang Việt Nam, và yêu cầu cho phép họ kiểm tra xem Việt Nam còn giam giữ tù binh Mỹ hay không. Ông trợ lý ngoại trưởng Mỹ, tôi không nhớ tên, nói: "Sau khi ăn cơm trưa ở Nhà khách Chính phủ, các ông đưa chúng tôi sang Sân bay Gia Lâm, có một trực thăng chuẩn bị sẵn ở đó. Lúc đó chúng tôi mới nói cần đi đâu."
Bộ trưởng Thạch lại quyết định ngay: Phải chấp nhận mới xây dựng được lòng tin. Lên máy bay, họ chỉ về phía Nam, đến một khu rừng ở Thanh Hoá, đến một cái trại giam tù binh thời chiến tranh, lán trại đã mục nát. Chúng tôi chỉ cho họ xem cỏ mọc dày hết cả lối đi, tức là đã lâu lắm rồi không có người qua lại, lúc đó họ mới tin.
Rồi sang thời của Tổng thống Bill Clinton, khi Việt Nam và Mỹ đã thoả thuận rằng Mỹ sẽ bỏ cấm vận vào mùa hè năm 1993, và thiết lập quan hệ ngoại giao ở mức cơ quan liên lạc, sau chuyến đi của đặc phái viên tổng thống, cựu ngoại trưởng Edmund Musky vào tháng 4 năm đó, thì bên Mỹ lại rộ lên chuyện "tài liệu Nga".

Tôi còn nhớ vào khoảng tháng 5.1993, nhóm làm phim của ABC News vào Việt Nam với mục đích xác minh lại câu chuyện đó, và yêu cầu gặp bằng được Trung tướng Trần Văn Quang. Phóng viên Jim Laurie nói với hai anh em hướng dẫn viên báo chí (thuộc Trung tâm Báo chí Nước ngoài, Bộ Ngoại giao) rằng họ vừa ghé qua Moscow trước khi đến đây, và còn giơ cho chúng tôi xem bản "tài liệu Nga" đó.
Câu chuyện đầu đuôi thế nào nhỉ, thưa ông?
Một nhân vật chống Việt Nam rất mạnh tên là Stephen Morris, làm tại Đại học John Hopkins, đã tung ra bản tài liệu đó và nói rằng ông ta đã lấy được khi qua Moscow. Theo tài liệu này, Trung tướng Trần Văn Quang đã báo cáo với Bộ Chính trị Việt Nam liên quan đến những tù binh Mỹ được gửi sang Liên Xô.
Thế là Chính phủ Mỹ liền tập trung điều tra, yêu cầu gọi Tướng Quang và những người Nga có liên quan trả lời về nghi vấn này. Trong khi đó, Đại tá tình báo Nga Kalugin lại đổ thêm dầu vào lửa, khi phát biểu rằng vấn đề này là có thật.
Vì tài liệu đó mà cần thời gian xác minh, loại bỏ hiểu lầm. Nhưng chuyến đi của ông Musky coi như thất bại. Những gì mà cả hai chính phủ kỳ vọng đã bị vô hiệu hoá.
Tôi vẫn còn nhớ, đầu năm 1993, Bộ Ngoại giao đã cử tôi đi làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc, với tâm thế là sẽ đi Washington D.C. để thành lập cơ quan liên lạc, và bàn giao nhiệm vụ ở LHQ cho người phó của tôi là ông Ngô Quang Xuân.
Và đến tháng 7.1993, Tổng thống Clinton chỉ tiến thêm được một bước nữa trong việc tiếp tục nới lỏng cấm vận, khi quyết định cho Việt Nam tiếp cận các khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Còn việc thiết lập cơ quan liên lạc hai bên phải chờ thêm một năm rưỡi nữa (1.1995), sau khi Tổng thống Clinton dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế gần một năm trước đó (3.2.1994).
Công việc của ông với tư cách là Trưởng phòng Liên lạc, cho tới khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt, và ông trở thành Đại biện Lâm thời?
Thì vẫn tiếp tục thúc đẩy vấn đề POW/MIA. Ngoài ra là các vấn đề nhân đạo và giải quyết những tồn đọng trong chiến tranh.
Chẳng hạn phía Mỹ đòi Việt Nam phải trả khoản tiền hơn 200 triệu USD do công dân Mỹ để lại ở Sài Gòn khi di tản vào tháng 4.1975, như nhà, ô tô, tài sản....
Chủ yếu là do họ tự kê khai và qui ra tiền thôi, nhưng đàm phán đi đàm phán lại, rút cục, chúng ta vẫn phải chấp nhận. Nhưng, đổi lại, phía Mỹ đã hứa dùng toàn bộ số tiền này để giúp Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, và đưa vào quỹ học bổng Fulbright, mỗi năm chi đâu khoảng 6-7 triệu USD.
Món nợ của quá khứ đã trở thành khoản đầu tư cho tương lai.
Với tư cách là người tham gia từ đầu tới cuối tiến trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Mỹ, và cũng là đại sứ Việt Nam đầu tiên ở Mỹ, ông nhìn nhận thế nào về tiến trình này?
Kể từ thời điểm bình thường hoá đến tận bây giờ, vị trí địa chiến lược của Việt Nam ở Đông Nam Á đã đóng vai trò quyết định trong những quyết định lớn Mỹ trong quan hệ với Việt Nam. Dù quan hệ của họ với Trung Quốc vẫn tiếp tục cải thiện, nhưng họ vẫn cần có thêm những mối quan hệ cho nặng đồng cân. Đó là lý do họ duy trì và củng quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Đông Nam Á khác, họ vẫn chủ trương mở rộng quan hệ với chúng ta, từ ngoại giao sang thương mại, giáo dục, và cả an ninh, quốc phòng nữa.
Nói tóm lại, Mỹ luôn tính tới Việt Nam trong việc đàm phán và quan hệ với các cường quốc khác.
Tuy nhiên, có thể quyết sách dựa trên lợi ích là vậy, nhưng giải quyết các vấn đề nội bộ lại là chuyện khác. Cho nên tuy Clinton muốn xoá bỏ cấm vận, bình thường hoá, hay đạt thoả thuận thương mại song phương, ông vẫn cần những ông nghị sĩ cả hai đảng đứng đằng sau, nhất là những thượng nghị sĩ vốn là cựu binh John Kerry, hay John McCain, để hỗ trợ ông.
Chúng ta phải phân biệt những cản trở mang tính kỹ thuật và lợi ích thực sự của Mỹ ở Đông Nam Á, Đông Á - Thái Bình Dương. Điều này đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, và các mối quan hệ cụ thể trong từng lĩnh vực. Bởi ở mỗi thời điểm những cản trở mang tính kỹ thuật lại khác nhau.
Giải mã về "Mr. America" Nguyễn Cơ Thạch
Tôi thấy ông mấy lần nhắc tới cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ấn tượng của ông như thế nào về vai trò của ông Thạch trong tiến trình này?
Nói đến tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, về phía Việt Nam, người đầu tiên phải nhắc đến là ông Nguyễn Cơ Thạch, đặc biệt là từ khi ông trở thành bộ trưởng ngoại giao. Đồng thời là Uỷ viên BCT và Phó Thủ tướng Chính phủ, ông có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ông là người luôn chủ động tìm kiếm các kênh khác nhau để thúc đẩy tiến trình này.
Tôi còn nhớ giai đoạn 1987-1988, hai bên vẫn gặp nhau để bàn thảo những công việc liên quan tới POW/MIA, nhưng phía Mỹ yêu cầu không đưa vấn đề bỏ cấm vận vào chương trình làm việc. Họ không được phép của chính phủ Mỹ.
Ông Thạch bảo phải tìm thêm một kênh nữa để có thể nói chuyện về bỏ cấm vận và bình thường hoá. Thế là vào mùa thu năm 1988, ông đã viết thư cho ông William Sullivan, người đồng cấp với ông trong đàm phán Hiệp định Hoà bình Paris và ông vẫn giữ được quan hệ kể từ đó.
Ông Sullivan có sang London gặp Đại sứ Việt Nam tại đó. Rồi từ London, ông Thạch mời ông Sullivan sang đây, và họ có thể nói chuyện nhiều thứ, chứ không bị bó buộc như đối với trường hợp của đặc phái viên của Tổng thống, Đại tướng John Vessey.
Hội đồng Thương mại Việt - Mỹ, một tổ chức có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy vấn đề POW/MIA, cũng như xoá bỏ cấm vận với Việt Nam, tất nhiên theo một cách riêng, đã ra đời theo sáng kiến của họ. Chị Ginny Foote là thư ký của ông Sullivan, còn tôi cũng ở vai thư ký của ông Thạch nên ngồi những cuộc như thế tôi biết rất rõ.
Ông là người khá gần gũi với ông Thạch trong công việc. Nét tính cách nào của ông Thạch khiến ông thấy ấn tượng nhất?
Hài hước. Ông nói nhiều câu mà người Mỹ ngỡ ngàng.
Chẳng hạn, có một đoàn Mỹ sang đây năm 1988, khi làm việc, thấy câu chuyện hơi căng thẳng, tự nhiên ông hỏi: Các ông có thuốc nổ không? Chúng tôi muốn nhập.
Họ hỏi lại nhập làm gì, và giải thích là việc đó không hề dễ dàng theo qui định của hệ thống pháp luật của Mỹ.
Ông bảo: Tôi muốn làm nổ tung mấy nhà máy in tiền của chúng tôi đi. Lạm phát cao quá!
Cả Mỹ, cả ta cười ồ lên. Không khí trao đổi tự nhiên dịu hẳn đi.
Khi ông Nguyễn Cơ Thạch nghỉ năm 1992, tôi nghe nói có nhà báo Mỹ nhận xét ông là "the right man of the wrong time" (con người đúng ở thời điểm sai). Ông nghĩ sao về nhận xét đó?
(Cười). Tôi nghĩ đã là lãnh đạo thì không thể đi ngang bằng, hoặc đi sau, so với những người còn lại trong đoàn người. Bởi như vậy thì làm sao thực hiện vai trò dẫn dắt được. Nhưng, ngược lại, cũng đừng đi nhanh quá mà anh bị mất hút đối với đám đông.
Ý ông là ông Thạch đi quá nhanh?
Cũng khó nói là ông Thạch đi quá nhanh, hay những người còn lại đi quá chậm. Chỉ có điều, nói một cách hình tượng, trên thực tế, khoảng cách giữa ông và mọi người là 10 mét, trong khi, trong sương mù, người ta chỉ nhìn rõ được 5 mét thôi.
Trong quan hệ với một nước khác, họ cứ đồn ông Thạch là Mr. America, nhưng hoàn toàn không phải. Ông là một người rất Việt Nam, nhưng sáng suốt biết chọn bước đi đúng đắn, có lợi cho mở cửa và đổi mới kinh tế đất nước.
Xin cảm ơn ông.
Nguồn: TuầnViệt Namnet (2 số ra ngày 6 và 7/12/2011)  


Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này