Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Điều gì đang chờ đợi Việt Nam trên Biển Đông năm 2015?


Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn chắc tay súng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Hình minh họa.

Ngày 16/1 tờ The Diplomat đăng bài phân tích của Khang Vu, một nhà phân tích quan hệ quốc tế từ New London, New Hampshire, Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam có thể tận dụng các mối quan hệ với các nước TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Những vấn đề đặt ra cho ngoại giao Việt Nam năm 2015 là một mớ hỗn độn, phức tạp, chủ yếu là do căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông.

Kể từ khi xảy ra vụ giàn khoan 981 (Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam), Việt Nam đã hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc theo đuổi các mối quan hệ đa dạng hơn với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, Philippines, Hoa Kỳ. Với yếu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc với gần như toàn bộ Biển Đông và ý chí mạnh mẽ xoay trục chiến lược sang châu Á của Hoa Kỳ, năm 2015 mở ra cho ngoại giao Việt Nam cả cơ hội lẫn thách thức.

Về cơ bản Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam do những lợi ích chung cũng như các mối đe dọa từ Trung Quốc. Kể từ khi Washington công bố nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương với Việt Nam từ tháng 10 năm ngoái, Việt Nam đã đa dạng hóa hệ thống vũ khí của mình sau nhiều năm phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ Nga. Năm 2015 Việt Nam sẽ cần tìm ra những loại vũ khí phù hợp nhất với việc đối phó với các thách thức ở Biển Đông và làm thế nào tích hợp hiệu quả với hệ thống vũ khí Nga.

Với những vũ khí Mỹ mà Việt Nam có được, hai nước có thể dễ dàng tiến hành tập trận chung, tăng khả năng Hoa Kỳ có thể truy cập vào các căn cứ hải quân chiến lược của Việt Nam và xây dựng lòng tin giữa hải quân hai nước. Ngoài ra chiến thắng của Thủ tướng Shinzo Abe tại Nhật Bản và những đổi mới trong Hiệp định quốc phòng nâng cao Mỹ - Philippines cũng đã tạo ra mộ nền tảng vững chắc cho sự hợp tác giữa Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, đồng thời đảm bảo cho Mỹ có thể vận hành "trục" trơn tru trong khu vực.

Trong năm 2015, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ bước vào giai đoạn cuối cùng của tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, một hiệp ước kinh tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng và độc lập của nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, Việt Nam đã nhập siêu gần 24 tỉ USD năm 2013. Điều này có thể là một điểm yếu cho Việt Nam trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Trung Quốc trong tương lai.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vẫn tuần tra vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam bất chấp đe dọa, uy hiếp từ tàu Trung Quốc trong vụ giàn khoan 981.

Tuy nhiên Hoa Kỳ luôn muốn có một mối quan hệ ổn định, mạnh mẽ và độc lập với Việt Nam để đối phó với (sự bành trướng sức mạnh) của Trung Quốc, và để duy trì hòa bình, an ninh trong khu vực. Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam trong đàm phán hiệp định này, miễn là Việt Nam có thể đáp ứng một số yêu cầu của Mỹ. Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc vì hiệp đinh đòi hỏi về nguồn gốc của các sản phẩm đến từ một quốc gia thành viên TPP. Việt Nam có thể không hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc để sản xuất nó, có nghĩa là thành công của các cuộc đàm phán TPP sẽ chỉ ra chính sách (kinh tế) của Việt Nam đối với Trung Quốc.

Về tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc đã thay đổi chiến lược đối với Việt Nam một cách tích cực hơn chủ yếu là vì sợ gặp phải sự kháng cự của Việt Nam, quốc gia vốn đã tạo dựng được quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản, Philippines và Hoa Kỳ. Trong 6 tháng cuối năm 2014, Trung Quốc đã 3 lần phái quan chức cấp cao đến Việt Nam để thảo luận về các tranh chấp với những giai điệu trở nên thân thiện hơn sau mỗi lần gặp gỡ, đặc biệt là chuyến thăm của ông Du Chính Thanh, ủy viên Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Chính hiệp trung ương.

Tuy nhiên điều quan trọng cần lưu ý rằng, Trung Quốc không có khả năng từ bỏ tham vọng bành trướng lãnh thổ, và Trung Quốc có thể sử dụng chính sách mới này như một cách hoãn binh cho đến khi họ đủ mạnh để giải quyết vấn đề Biển Đông theo cách riêng của họ. Việt Nam sẽ phải đưa ra một chiến lược linh hoạt để đối phó với một Trung Quốc không thể đoán trước, Khang Vu bình luận.

Trong năm 2015 Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague sẽ ra phán quyết về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc (áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982) ở Biển Đông, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven Biển Đông trong đó có Manila. Một phán quyết như vậy có thể có một tác động mạnh mẽ tới ngoại giao của các nước trong khu vực. Gần đây Việt Nam đã lên tiếng đề nghị tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông, tuy nhiên Trung Quốc vẫn tiếp tục phủ nhận vai trò của tòa án.

Nếu Trung Quốc tiếp tục xây dựng các hòn đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế, một cuộc xung đột với Việt Nam hay Philippines có thể nổ ra bất cứ lúc nào, vì vậy Việt Nam cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Mối quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản, Philippines và Hoa Kỳ là quan trọng, và một mức độ cảnh giác với Trung Quốc đã được chứng minh là cần thiết mặc dù Việt Nam không thể bỏ mối quan hệ với nước láng giềng này./.
.
Hồng Thủy
Báo GDVN 17/01/15 

7 nhận xét:

  1. "Điều gì đang chờ đợi Việt Nam trên Biển Đông năm 2015?"

    Không có điều gì chờ đợi Việt Nam cả, vì Biển Đông, từ lâu lắm rồi , đã không còn thuộc Việt Nam . Tất nhiên, nếu Việt Nam tình nguyện gia nhập liên bang xã hội chủ nghĩa Trung-Việt thì lại khác . Sau khi 2 đảng cộng sản sáp nhập, ngư dân lại có thể ra xa bờ đánh bắt an toàn mà không bị hải quân trung ương đánh phá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là trung quốc khó để từ bỏ tham vọng của họ, nhưng không phải vì thế mà chúng ta sợ nhé, chúng ta là một dân tộc đoàn kết và dùng chính sức mạnh đoàn kết đấy để đánh thắng tất cả các thế lực giám xúc phạm chúng ta. Nhưng bây giờ chưa đến lưc chúng ta phải dùng tay chân, chúng ta cần phải dùng cái đầu nhiều hơn để tránh một cuộc chiến sẽ tổn thất cho ta đã

      Xóa
    2. Tác giả bài viết đã giả định đặt VN vào thế một quốc gia độc lập , tự lực tự cường . Nhưng xin thưa , thực tế không phải vậy , nếu không nói là ngược lại. Đó là, TQ đã dùng cái thòng lọng 'Ý thực hệ" thít cổ đảng cộng sản VN và dắt đi theo ý muốn của họ . Sợi thòng lọng này ngày càng được siết chặc lại. Cụ thể, TQ đã lũng đoạn VN trên tất cả các mặt Chính trị , quân sự, kinh tế , văn hóa, xã hội .Do đảng cộng sản VN đặt quyền lợi của đảng trên cả quyền lợi dân tộc thì không bao giờ thoát ra được cái vòng kim cô của TQ . VN chỉ thoát khỏi bóng ma TQ khi và chỉ khi tự vứt bỏ ý thức hệ cộng sản này. Nếu làm được, đây chính là điều mà TQ sợ hãi nhất. Vì có thể là hiệu ứng để nhân dân TQ đứng lên lật đổ ách cai trị độc tài tàn bạo của đảng cộng sản TQ.
      Túm lại, cơ hội cho nhân dân và dân tộc VN đứng thẳng người , bảo vệ được độc lập , chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ngày càng xa dần !

      Xóa
  2. Mục tiêu của trung quốc thì đã quá rõ rồi, trung quốc muốn độc chiếm biển Đông, nhưng cái đấy không thể được vì đó là chủ quyền của chúng ta điều nữa đó còn là lợi ích của quốc tế, cho dù trung quốc không từ bỏ thì buộc chúng phải từ bỏ thôi, tôi tin chúng ta sẽ có cách để làm cho trung quốc phải chấm dứt những hành động ngang ngược của họ trên biển Đông, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

    Trả lờiXóa
  3. Đúng là đấu tranh với trung quốc không phải là dễ và cần phải sử dụng cái đầu nhiều hơn và đề phòng cảnh giác cao độ. Năm mới, hi vọng rằng Đảng và nhà nước sẽ tìm ra nhiều cách hay để có thể ngăn chặn những hành động của trung quốc trên biển Đông, và đòi lại chủ quyền lãnh thổ ở Hoàng sa, nơi mà VNCH đã đánh mất vào tay của trung quốc

    Trả lờiXóa
  4. China sẽ thôn tính Biển Đông của VN bằng chiến thuật " Bất chiến tự nhiên thành" , không phải tốn hao nhiều nhân lực, vật lực. Biện pháp mà Trung Nam Hải đang thực hiện là đưa bọn tay sai vào lãnh đạo cấp cao của đảng, quân đội , công an, tuyên giáo...và lũng đoạn họ bằng tiền và gái. Bên cạnh dùng vòng "kim cô" ý thức hệ để khống chế , buộc đảng cọng sản chấp nhận từ bỏ chủ quyền biển Đông và làm chư hầu mãi mãi.

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này