Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Tìm hiểu về Công ước Luật biển 1982: Chuyện kể từ bàn Hội nghị (*)

(*)Dưới đây là nội dung trích lược từ hồi ký ngoại giao "Thanh thản một cuộc đời" của Đại sứ Võ Anh Tuấn do Thiên Đức  giới thiệu trên Tuần báo Thế giới & Việt Nam của Bộ Ngoại Giao. 


May mắn có mặt tại Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ ba về Luật biển với tư cách là Trưởng đoàn Việt Nam, Đại sứ Võ Anh Tuấn đã dành một chương để kể về quá trình Việt Nam tham dự Hội nghị, cũng như những giá trị pháp lý quốc tế quan trọng mà Hội nghị này đạt được, trong hồi ký ngoại giao Thanh thản một cuộc đời của mình.


Từ khi thành lập năm 1945, Liên hợp quốc đã ba lần tổ chức Hội nghị chuyên đề về biển nhằm mục đích soạn thảo một bộ luật quốc tế mới về biển đảo, phù hợp với tình hình sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thể hiện những tiến bộ vượt bậc về khoa học - kỹ thuật của thế kỷ XX, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của tất cả các nước có biển và không có biển, đã phát triển và đang phát triển, hạn chế sự thao túng trong nhiều thập kỷ của một nhóm nhỏ các cường quốc hàng hải.
Tuy nhiên, Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ nhất (1958) và lần thứ hai (1960) về luật biển đã thất bại vì không soạn thảo được một văn kiện pháp lý quốc tế về biển đảo mà tất cả các nước đều có thể chấp nhận.
Xuất phát "giữa đường"
Việt Nam là một quốc gia ven biển, có bờ biển dài hơn 3.200 km, có gần 2.800 hòn đảo lớn nhỏ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam mong muốn góp phần vào việc xây dựng một bộ luật quốc tế về biển phù hợp với tình hình mới, đáp ứng quyền lợi chính đáng của nước mình - nhất là về kinh tế, an ninh và quốc phòng. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc sử dụng biển, đảo và đại dương vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác để phát triển.
Tuy nhiên, do chính sách phân biệt đối xử của các thế lực thù địch, Việt Nam không được mời tham dự Hội nghị Liên hợp quốc về luật biển lần thứ nhất và lần thứ hai. Đến Hội nghị lần thứ ba, Việt Nam cũng không có tên trong danh sách các nước tham dự ngay từ đầu. Đến năm 1977, bốn năm sau khi Hội nghị bắt đầu, khi Mỹ không còn dùng quyền phủ quyết chống lại Việt Nam, cũng là khi nước CHXHCN Việt Nam sắp trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc thì Việt Nam mới được mời dự Hội nghị. Đó là khóa họp lần thứ sáu của Hội nghị, diễn ra tại New York từ ngày 23/5-15/7/1977.
Vì Hội nghị họp xen kẽ giữa hai địa điểm New York (Mỹ) và Geneva (Thụy Sỹ), mỗi năm họp hai khóa, mỗi khóa kéo dài khoảng hai tháng nên Đoàn Việt Nam tham dự chậm mất năm khóa họp. Anh em trong Đoàn vừa khẩn trương tìm hiểu những nội dung mà Hội nghị đã bàn thảo, vừa tham gia thảo luận những vấn đề nêu trong Chương trình nghị sự. Đây là một công việc khó khăn, phức tạp vì có liên quan trực tiếp đến chủ quyền quốc gia và quyền lợi cơ bản của các nước.
Công cụ pháp lý quan trọng nhất
Tại Hội nghị, các nước tập hợp nhau lại theo những "nhóm quyền lợi" thiết thân về biển đảo như Nhóm các nước ven biển, nhóm các nước không biển, nhóm các quốc gia quần đảo, nhóm các nước có thềm lục địa rộng và nhóm các nước không có hoặc có thềm lục địa hẹp… Hội nghị diễn ra trên tinh thần vừa hợp tác, vừa đấu tranh hết sức quyết liệt, nhưng thật sự cầu thị, cùng nhau tìm ra những giải pháp mà các nhóm quyền lợi đều có thể chấp nhận.
Đoàn Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa tích cực góp phần vào việc hoàn chỉnh một bộ luật biển quốc tế đồ sộ, phản ánh quyền lợi chính đáng của các nước, nhất là các nước mới giành được độc lập dân tộc.
Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ ba về luật biển, với sự tham dự của các nước thành viên Liên hợp quốc, kéo dài trong chín năm (1973-1982), kết thúc bằng việc ký kết Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 tại Jamaica. Công ước được đánh giá là Bộ luật quốc tế về biển hoàn chỉnh nhất từ trước tới nay, là văn kiện pháp lý quốc tế hiện đại quan trọng nhất, chỉ sau Hiến chương Liên hợp quốc.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Công ước xác định rõ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các nước về vấn đề biển, đảo và hiện nay đã trở thành công cụ pháp lý quốc tế quan trọng nhất để phân định các vùng biển, giải quyết các bất đồng và tranh chấp về biển đảo.
Tuy nhiên, kể từ khi kế thừa đường lưỡi bò do chính quyền Quốc dân đảng đưa ra vào năm 1947, chính quyền Bắc Kinh không từ bỏ thủ đoạn nào, kể cả đe dọa vũ lực hòng ép các nước ven Biển Đông chấp nhận đòi hỏi chủ quyền của mình trên 80% Biển Đông, mặc dù Trung Quốc đã tham gia đàm phán, ký kết và phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Nguồn: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/NgoaiGiao/2014/5/D22091F0804F3791/

Thành phần Đoàn VN tại Liên hợp quốc năm 1977 . Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ngồi giữa thứ 5 từ trái vào. Người ngồi giữa thứ 4 từ trái là ông Võ Anh Tuấn
Ông Võ Anh Tuấn sinh năm 1927 ở ngoại ô Sài Gòn - Chợ Lớn. Ông đã tham gia hoạt động cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cho đến thời kỳ đầu của công cuộc xây dựng hòa bình, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Với những phẩm chất đáp ứng được yêu cầu của cách mạng miền Nam về ngoại giao, ông trở thành một trong những nhà ngoại giao may mắn chứng kiến nhiều sự kiện đối ngoại lịch sử của đất nước và sự kiện chính trị quốc tế lớn.
Sau khi nghỉ hưu, Đại sứ Võ Anh Tuấn hệ thống hóa các tư liệu tích lũy, ghi chép được từ quá trình công tác và xuất bản thành những cuốn sách tham khảo về chuyên môn, nghiệp vụ đối ngoại như Phong trào Không liên kết, Lễ tân ngoại giao thực hành, Những gì chưa phai mờ trong ký ức, Hệ thống Liên hợp quốc.
Hồi ký ngoại giao Thanh thản một cuộc đời là sự bổ sung cho cuốn Những gì chưa phai mờ trong ký ức, trên tinh thần đảm bảo tối đa sự chính xác, trung thực và tôn trọng sự thật. Đây là tập hồi ký được Đại sứ Võ Anh Tuấn ấp ủ trong nhiều năm, mà qua đó những ai quan tâm tới nền ngoại giao cách mạng Việt Nam có thể tìm thấy những tư liệu bổ ích qua những công việc mà nhà ngoại giao kỳ cựu này từng đảm nhiệm.
Qua cuốn hồi ký ngoại giao dài gần 350 trang với 15 chương của Đại sứ Võ Anh Tuấn, người đọc hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng như các trải nghiệm, thử thách mà một nhà ngoại giao chuyên nghiệp phải đối mặt thông qua những câu chuyện sống động gắn liền với các mốc sự kiện ngoại giao lớn của đất nước và những bài học ông tích lũy được trong tổng cộng 20 năm làm Đại sứ, 10 năm làm Vụ trưởng và 5 năm làm Cố vấn diễn đàn đa phương của Bộ Ngoại giao của mình.
Nhìn lại và suy ngẫm về những công việc đã làm trong suốt cuộc đời công tác, Đại sứ Võ Anh Tuấn cảm thấy lòng thanh thản vì đã luôn quyết tâm làm đúng những phương châm công tác đã được đúc kết thành nguyên lý để góp phần khiêm tốn vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Ông tâm niệm: "Để thế hệ trẻ nói riêng và tất cả những ai quan tâm đến hoạt động đối ngoại của Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX nói chung, có thể hiểu rõ các khía cạnh của chính sử, cần có những bài viết cụ thể, có tính chất diễn giải, hồi ký, hồi ức, hoài niệm... của những nhân chứng lịch sử". Đó chính là lý do mà cuốn hồi ký ngoại giao Thanh thản một cuộc đời được ông dành nhiều tâm sức biên soạn và đến với bạn đọc ngày hôm nay. Cuốn sách do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này