Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Bể Đông và ông trách nhiệm

(Mạn phép đăng lại nguyên văn bài viết của tác giả Baron Trịnh đăng tải trên Basam hôm nay để có thêm người đọc vì nghĩ rằng đây là một bài viết hay - Bách  Việt)

1. Ngày 15/7, Tân Hoa xã đưa tin Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) thông báo đã hoàn thành xong công tác khoan trắc trên vùng đảo Tây Sa và giàn khoan 981 sẽ được chuyển tới làm việc ở đảo Hải Nam. Tại thời điểm này, trên biển Đông xuất hiện cơn bão Thần Sấm (Rammasun) đi thẳng vào vùng biển mà giàn khoan 981 hạ đặt.

Báo chí trong nước đua nhau giật title câu view thông tin này, mạng xã hội cũng nóng lên không kém. Người cho rằng Trung Quốc rút giàn khoan để tránh bão, kẻ lại nói là đã khoan trắc xong nên dời đến vị trí mới. Người phân tích, kẻ trích dẫn, rất huyên náo.


Sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông báo chính thức về việc trên. Một loạt quan chức và cựu quan chức phát biểu rất hùng hồn, như là họ đã biết trước việc Trung Quốc rút giàn khoan.


Vài quan chức của Quốc hội nổ như pháo tép về biển Đông sau sự kiện này, đến mức báo chí giật title “bản lĩnh Quốc hội về biển Đông”, bởi kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra trong thời điểm căng thẳng ở biển Đông. Bản lĩnh của Quốc hội được ông Giàu – Chủ nhiệm UB Kinh tế “dẫn lời” từ cử tri là: “bài khai mạc và bế mạc của Chủ tịch Quốc hội, công thư của Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại“. Còn ông Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng quốc hội thì cho rằng đó là: “Quốc hội đã dành thời gian thảo luận sâu sắc, mạnh mẽ lên án hành động sai trái của phía Trung Quốc” và ra “Bản thông cáo số 2 của Quốc hội (ngày 21/5)“. Trong khi đó, mặc dù đã được Đại biểu quốc hội đề xuất, nhưng Quốc hội cho rằng, chưa cần thiết phải có một nghị quyết về biển Đông(!?).
Phát biểu trước báo giới, ông Hà Lê – cục phó Cục kiểm ngư cho rằng: “Trung Quốc di chuyển giàn khoan vì sức ép đấu tranh của các lực lượng chấp pháp của Việt Nam trên biển”. Ông Lê Mã Lương – cựu tướng 1 sao đánh giá: “Đây là sự thành công về cuộc chiến về pháp lý, về ngoại giao của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam”. Còn ông Lê Kế Lâm – cựu Chuẩn đô đốc thì cho rằng đó là kết quả của: “sự đấu tranh kiên cường, quyết liệt của dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo kiên cường của Đảng và Nhà nước Việt Nam”. Ông Lâm còn ví von việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép khiến “trời cũng không dung, người không tha”.
Các nhà phân tích, nghiên cứu cũng đua nhau giải mã về hành động của Trung Quốc. Trả lời hãng tin BBC, ông Carlyle Thayer – giáo sư thuộc Học viện quốc phòng Australia, nhà nghiên cứu hàng đầu về biển Đông cho rằng việc Trung Quốc rút giàn khoan là để “lôi kéo Việt Nam vào con đường đàm phán song phương, ngăn chặn những thành phần trong Bộ Chính trị Việt Nam muốn tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài” trong thời điểm Thượng viện Mỹ ra nghị quyết về biển Đông và chuẩn bị diễn ra Diễn đàn An ninh khu vực (ARF). Ông Thayer nhấn mạnh: “Nếu Trung Quốc muốn đặt giàn khoan ở đó vô thời hạn thì Việt Nam cũng không làm gì được”.
Có điều, sau gần 2 ngày giàn khoan 981 di chuyển, thì nó đã dừng hẳn và ở cách vị trí cũ không xa. Có vẻ lý do tránh bão đã bị loại trừ, vì vị trí mới vẫn nằm trong vùng của tâm bão. Báo Tuổi Trẻ giật title: “Giàn khoan 981 ngừng di chuyển, nằm sâu hơn trong biển Việt Nam”. Bài báo đã được gỡ xuống sau khi xuất bản chưa đầy một tiếng đồng hồ. Một loạt báo chí ăn theo nói leo về việc Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam vội vàng gỡ bài, sửa title hoặc sửa nội dung. Thậm chí cả bài phỏng vấn ông Hà Lê nói trên. Lại có một cuộc tranh luận mới gay gắt trên mạng xã hội về vị trí mới của giàn khoan 981 là ở khu vực biển của ai? Khi giàn khoan không còn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhưng vẫn nằm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Chuyện biển Đông và giàn khoan 981 là chuyện quốc gia đại sự, liên quan đến chủ quyền đất nước. Ấy mà từ quan chức, cựu quan chức đến truyền thông toàn “tát nước theo sự kiện”, mới thấy sự hèn hạ của một dân tộc tiểu nhược.
Tiền nhân có câu: “Đánh được người mặt đỏ như vang, không đánh được người mặt vàng như nghệ”. Mặt vàng lâu nay đã mang, không bàn. Ấy thế mà vẫn vênh vang cái mặt đỏ khi người ta không buồn “đánh” mà quay đít bỏ đi.
An-nam đang có mốt tin-tin chụp ảnh “tự sướng” khoe trên mạng.

2. Một bản kiến nghị được gửi lên trang web của Nhà Trắng đòi chính quyền của tổng thống Obama phải “đưa ra hình phạt hoặc yêu cầu VTV” phải cấm BLV Tạ Biên Cương vì tội bình luận “nhảm” trong mùa world cup 2014.
Về độ nhảm thì chắc không cần phải nói.
Nhớ cách đây hơn tháng, từ quan chức đến cần-lao, từ trí-thức-khả-kính đến bần-nông-ít-chữ hô hào nhiệt liệt ký tên lên trang này để đòi chính quyền của tổng thống Obama trừng phạt Tàu-khựa vì đã hạ đặt trái phép giàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam. Dĩ nhiên, đến tận bây giờ không có hồi âm.
Mọi so sánh có thể là khập khiễng, nhưng xét trên chủ thể đối tượng, thì việc kiến nghị Tổng thống Mỹ phạt Tạ Biên Cương và phạt Trung Quốc chả khác nhau là mấy. Thế mới thấy mấy cái kiến nghị của dân An-nam nhờ chính quyền quốc gia khác can thiệp chuyện nhà của mình nhảm nhí và ngu dốt đến mức nào.
Ngày trước, chuyện trong nước, từ chổi cùn rẻ rách cũng kêu lên tận Thủ tướng. Giờ, từ chuyện biển đảo đến cu con BLV bóng đá cũng kêu lên tận tổng thống Mỹ.
Những kẻ hèn hạ thường không biết đến sự nhục nhã, là thế.

3. Vụ vỡ đường ống nước từ nhà máy nước Sông Đà về Hà Nội của Vinaconex đến lần thứ 9 khiến từ quan đến dân thủ đô không khỏi bức xúc. Một công trình liên quan đến đời sống hàng ngày của gần trăm nghìn người dân, đã được cúp vàng về chất lượng xây dựng mà đến 9 lần vỡ ống thì chắc chắn là chất lượng có vấn đề(?) và đơn vị trao cúp vàng kia cũng có vấn đề(?).
Hệ thống cấp nước là công trình công ích, được xây dựng bằng tiền ngân sách. Có nghĩa đây là tiền thuế của dân, được sử dụng để phục vụ lại dân. Thế nhưng tiền thuế thì vẫn thu, nhưng sự phục vụ thì chưa chu đáo.
Vẫn những bài quen thuộc, quan chức chính quyền Hà Nội hùng hồn phản đối, phê phán, quy chụp trách nhiệm. Quan chức Vinaconex thanh minh, giải trình, thậm chí còn phát biểu trước báo giới là “rất muốn xin lỗi nhân dân thủ đô”. Và tất nhiên, báo giới đòi phải tìm ra người chịu trách nhiệm về vụ việc, nhưng chính quyền Hà Nội lại cố né tránh. Nếu bị dồn quá thì vẫn bài cũ đem ra sử dụng, trách nhiệm là của tập thể và lỗi là của thằng cơ chế.
Hà Nội đang có kế hoạch đầu tư 1.000 tỷ đồng để xây dựng đường ống dẫn nước mới thay cho hệ thống đường ống đến 9 lần vỡ của Vinaconex. Thế nhưng, tiền ở đâu và đơn vị nào thi công vẫn chưa được công bố. Trong khi đó, dự án xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư lên tới 4.000 tỷ đồng vẫn được Hà Nội chỉ định cho nhà thầu Vinaconex thực hiện.
Dư luận không thể không đặt câu hỏi: Vì sao Vinaconex đang có nhiều bê bối trong dự án 1, dẫn đến gần 100 nghìn dân thủ đô không có nước sinh hoạt vẫn được ưu ái đến như vậy? Và dĩ nhiên, người ta nghĩ ngay đến “lợi ích nhóm” và “chùm khế ngọt” của bên B. Vài năm nữa khi vận hành dự án 2 này, nếu có 9-10 sự cố vỡ đường ống như dự án 1, không biết khi đó trách nhiệm có là của tập thể và lỗi có là của thằng cơ chế nữa không?
Bởi vì, An-nam vẫn chưa tìm ra, ai là ông trách nhiệm?

4. Một vụ lùm xùm về bổ nhiệm giám đốc Sở y tế ở Vĩnh Phúc đối với ông Đỗ Văn Doanh được một số báo chí đưa tin, nhưng rồi lại rơi vào im lặng như chưa hề xảy ra.
Theo thông tin từ báo chí, ông Doanh là chủ một doanh nghiệp dược 100% vốn tư nhân, nhưng không hiểu vì sao vẫn được bầu là Tỉnh ủy viên? Và đường quan lộ của ông “sáng rực” vào cuối đời. Tháng 4/2012 ông được UBND tỉnh Vĩnh Phúc bổ nhiệm làm phó giám đốc Sở y tế (Quyết định số 1168/QĐ-CT) mà không cần phải thi tuyển công chức như quy định, lương của ông Doanh được xếp vào ngạch chuyên viên chính (mã số 01.002), bậc 7, hệ 6,44. Thời gian nâng bậc lương lần sau tính từ ngày 01/5/2012”(?). 2 năm sau, ông Doanh lại được bổ nhiệm lên làm giám đốc Sở y tế (Quyết định số 999/QĐ-CT), một sự thăng tiến trong quan trường có thể nói là nhanh nhất xứ An-nam ở tầm cấp tỉnh thành, và ông Doanh chỉ còn 3 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu theo luật định.
Báo chí chỉ ra những sai phạm trong việc bổ nhiệm ông Doanh, sai phạm cả về quy trình thi tuyển công chức, sai phạm cả về luật công chức, sai phạm cả về quy định bổ nhiệm giám đốc Sở y tế của Bộ y tế. Ấy thế mà hiện tại ông Doanh vẫn nghiễm nhiên ngồi ghế giám đốc Sở y tế.
Báo giới đang đòi hỏi phải làm rõ vụ việc, tại sao để xảy ra sai phạm(?) và ai chịu trách nhiệm cho sai phạm này? Có lẽ, phải tìm câu trả lời từ “ông trách nhiệm”. Nhưng “ông trách nhiệm” là ai(?) ở đâu(?) thì lại là một đáp án bí ẩn. 

Thế nên, mọi việc vẫn bình thường như chưa hề có sai phạm!

5. Chuyện giá xăng dầu xứ An-nam nhảy disco trước sự bất lực của cần-lao thì không cần phải nói. Vì cần-lao đã “quen với giá xăng dầu thường xuyên lên xuống” như lời của ông Dũng – Bộ trưởng tài chính.
Ấy thế mà cần-lao vẫn “sốc” khi nghe ông Ngô Hữu Lợi – vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) trả lời báo chí rằng, mỗi lít xăng phải tăng 8.300 đồng tiền thuế để “hạn chế buôn lậu!?”.
Có lẽ chưa có một quốc gia nào mà cần-lao lại có “vinh dự” chịu trận cho tất cả mọi yếu kém, lỗ hổng, tiêu cực,… trong hệ thống quản lý nhà nước. Cảm tưởng như cần-lao là một người cha luôn rộng lượng che chở và giải quyết tất cả những sai phạm của những người con – là các cơ quan quản lý nhà nước gây ra.
Tiền thuế để vận hành quốc gia là do cần-lao đóng. Chính phủ sử dụng tiền thuế này để phát triển đất nước và đảm bảo quyền lợi xã hội cho cần-lao, trong đó có quyền được tiêu dùng hàng hóa đúng giá thị trường. Dĩ nhiên cần-lao là người bỏ tiền, và được quyền đòi hỏi chất lượng phục vụ. Nhưng ở An-nam thì khác, cần-lao được quyền đóng tiền, nhưng quyền đòi hỏi phục vụ thì phải xem lại.
An-nam có ít nhất 5 cơ quan thực hiện và tham gia công tác phòng chống buôn lậu ở các cấp, bao gồm quản lý thị trường (Bộ công thương), hải quan (Bộ tài chính), công an (Bộ công an), bộ đội biên phòng và cảnh sát biển (Bộ quốc phòng). Và dĩ nhiên ngân sách để các cơ quan này hoạt động là tiền thuế của cần-lao. Ấy thế mà Bộ Tài chính lại thu phéng của cần-lao thêm 8.300 đồng để giá xăng “cao hơn hoặc bằng” giá xăng trong khu vực nhằm hạn chế buôn lậu. Không tính đến các cơ quan phối hợp tham gia như công an, quân đội, thì nuôi các cơ quan quản lý thị trường với hải quan làm gì? Hay Bộ công thương còn mãi tranh cãi vì sao Cục quản lý thị trường có một ghế lại bổ nhiệm 2 trưởng phòng mà quên đi việc chống buôn lậu?
Khi một chính phủ, thay bằng chăm lo cuộc sống cho người dân, để họ tái tạo ra nhiều hơn và có giá trị hơn các sản phẩm của xã hội (trong đó có tiền thuế nộp vào ngân sách), mà thay bằng khoan sức dân để bù đắp vào những lỗ hổng trong quản lý, thì đến một lúc nào đó, dân sẽ quỵ ngã.
Khi dân đã ốm, ai sẽ nuôi chính phủ?

6. Một quốc gia mà có “một bộ phận không nhỏ” quan chức lấy chuyện chủ quyền đất nước nói cho sướng miệng, báo chí tát nước theo sự kiện, dân tình a dua bầy đàn chém gió cho bằng anh bằng em,… thì có nghĩa, mối nguy mất chủ quyền đã rất cận kề.
Một quốc gia mà người dân chỉ còn biết sớm nắng chiều mưa, nai lưng ra kiếm từng đồng nuôi thân, nộp thuế và giơ đầu chịu báng cho những việc làm sai trái, yếu kém của chính quyền nói chung và quan chức thực thi nói riêng thì rất hiếm người đứng ra gánh vác cái gọi là “trách nhiệm” trước đất nước, trước nhân dân. Và đó không phải là một quốc gia vững mạnh, dân chủ và văn minh.
Liệu có bao nhiêu người dân An-nam muốn sống trong một quốc gia như thế?


© 2014 Baron Trịnh

2 nhận xét:

  1. Bài viết hay thật, cảm ơn anh Nghị đã đăng lại!

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bạn đã tham gia bình luận. Nhưng tiếc rằng nội dung không hề liên quan gì đến bài viết.Giá như bạn để bút danh (đừng để Nặc danh) cho nó "danh chính ngôn thuận" đúng với tinh thần mà bạn đã phê phán người khác thì tốt!

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này