Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Chuyện bình thường của một xã hội không bình thường

Suốt tuần qua từng tóp công nhân xưng danh "công ty cấp nước" thay nhau đào bới vỉa hè cả tuyến phố Tô Hiêu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội  nói là "để chuyển đồng hồ nước từ trong nhà ra ngoài". Nghe đơn giản vậy, nhưng thực ra đó là cả một mưu đồ tính toán của một nhóm lợi ích. Sao lúc khác không làm, lại nhè lúc sắp Tết ? Dân đã quen với đồng hồ nước đặt bên trong nhà và đồng hồ mới lắp còn tốt sao phải thay thế?   Đã thế vừa thông báo xong là thực hiện liền khiến dân không kịp chuẩn ai cũng sợ bị cắt nước mất ăn Tết! Dân đùa: "Lại dự án đến hẹn giải ngân đây mà!" Năm nào họ đào bới vỉa hè vào dịp cuối năm khi thì lắp lại gạch, khi thì lắp đặt các loại cáp điện, ống nước ....  

Nhưng , điều tồi tệ hơn thế đã diễn ra khi mọi người nhận ra rằng cùng với việc mắc lại đồng hồ nước,  người ta đã cắt bỏ luôn toàn bộ hệ thống ống cấp nước cũ vốn có đủ áp lực mạnh chảy lên các tầng cao giúp tuyến phố này thoát cảnh "tự cung tự cấp" với những đường ống chằng chịt cùng bể ngầm, bể treo và máy bơm, thật là sướng! Những tưởng đó là niềm tự hào dù nhỏ nhoi của phố Tô Hiệu. Nhưng niềm tự hào đó đã không tồn tại được bao lâu! Giờ thì  xin mời quý ông, quý bà hãy dùng một đường nước bình thường chỉ đủ chảy vào tầng I thôi nhé! Các công đoạn còn lại xin mời quý vị "tùy nghi di tản"! 
Bằng động tác "độc quyền" bất ngờ này, phía công ty cấp nước đã "hô biến" mấy trăm hộ dân trở lại với thời kỳ  "tự cung tự cấp" của thế kỷ 20 khiến nhà nhà chỉ còn cách khẩn trương  mua sắm thiết bị , vật tư để xây lại bể chứa , lắp lại máy bơm.... Tất cả diễn ra như thể trên thế gian này không hề có chuyện Nhà cung cấp nước có nghĩa vụ phải cung cấp nước lên tầng cao cho phố phường!  

Có người thắc mắc : Lẽ nào công ty cấp nước không nhân ra sự lãng phí (của cả người dân và Nhà nước) qua việc cắt bỏ một hệ thống cấp nước đang yên lành như vậy ?  Lẽ nào họ không biết rằng hệ thống cấp nước hợp lý sẽ góp phần giảm thiểu thất thoát nước, tiết kiệm điện năng và các loại chi phí không cần thiết và cũng để đảm bảo mỹ quan đô thị ? Nếu biết thì tại sao họ hành động như những "con kiến leo cành đa" và hát mãi "bài ca xây-phá -xây" như thế? Sự thể đơn giản là , để đối lấy một món tiền nhỏ nhoi làm "quà Tết", họ sẵn sàng cho xóa sổ một hệ thống cấp nước đang vận hành tốt và coi đó như một "sáng kiến cải tiến". Nhưng thực ra đó là hành động phá hoại với đầy đủ những tội danh của nó. Trớ trêu thay, tại đất nước này, những hành động phá hoại như vậy lại được coi là thành tích góp phần nâng cao tỷ lệ tăng trưởng cao!
 
Biện pháp khác thường nói trên của cơ quan cấp nước tại Thủ đô chắc chắn không phải là một việc làm tự phát nhỏ lẻ (?) Nó cho thấy một tình trạng chung  đã ăn sâu bám rể trong toàn bộ hệ thống công quyền, đặc biệt các tổ chức kinh tế độc quyền nhà nước. Đối với họ, đó là một mánh lới kinh doanh được coi là bình thường nhằm đưa lại  những khoản "thu nhập thêm" để "động viên cán bộ công nhân viên hăng hái hoàn thành nhiệm vụ" .... Và tất cả đều được che đậy dưới những cái tên gọi là "dự án"....  Nhưng cái mất lớn hơn là ở sự xuống cấp về tư cách và đạo đức của toàn bộ đội ngũ công chức, đế một ngày kia họ không biết mình đang làm việc cho ai và vì ai. Đó là lúc sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước lâm nguy khi lòng tin của nhân dân không còn nữa./.
 

5 nhận xét:

  1. Cách hành xử của các tổ chức,các cơ quan ,các doanh nghiệp ...nước ta phổ biến là vậy.Vì lợi ích cỏn con của một cá nhân hay một nhóm ,người ta sẵn sàng chà đạp ,sẵn sàng đập vỡ cái nồi cơm của số đông ,của cộng đồng .Điều đáng lo ngại là điều rất không bình thường ấy đang trở thành bình thường ,thành "Chuyện hàng ngày ở huyện".

    Trả lờiXóa
  2. Bài biết chất lượng, cảm ơn tác giả

    Trả lờiXóa
  3. Nỗi khổ này không của riêng ai. Khu tập thể Tài chính Cầu Giấy cũng đang có đề nghị như vậy: Chuyển hệ thống nước từ đàng sau ra trước để C.ty QL nước dễ quản, họ không biết rằng (coi như không biết):Để chuyển họng cấp nước như vậy sẽ làm người dân mất rất nhiều tiền để cải tạo lại nhà (t1)mặc dù hệ thống cũ (đã làm lần 2)vẫn đang sử dụng tốt.Cảm ơn Bách Việt đã nêu rất hay.

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn BV đã nêu lên cái chuyện hàng ngày ở huyện. Đào bới mới, rồi hôm nay ta lấp xuống, mai ta lại đào lên. Hàng năm cứ vào dịp tết sắp đến là "ồ ạt giải ngân và kiếm tiền tiêu tết cho công chức và kiếm chác cho nhà mình". Tình cảnh này rơi vào khu nào là khu ấy lo ngay ngáy vì sợ họ bỏ dở thì coi như ăn tết với đất. Và, chính vì vậy mà chất lượng công trình kém, đến địa phận nhà ai thì nhà nấy lo tự san lấp để còn ăn tết. Đó cũng là cách để giảm thiểu công việc, tiền công cao. Họ (dự án) đào bới ra mà tết thì đến nơi rôi, mong sao họ xong cho là may, ai dám đòi hỏi hay bàn về chất lượng. Thủ trưởng vùng nào cũng tranh thủ giải ngân lúc dân sợ mất tết này. Đất nước và nhân dân nghèo đi do các dự án chỉ làm lợi cho một số này đấy. Đâu cũng thấy "con kiến leo cành đa..." hoài. Những dự án vậy đều được phê duyệt hẳn hoi cả, phê duyệt cũng được hẳn hoi cái tết xôm xôm đấy.

    Trả lờiXóa
  5. Câu kết luận thật là hay.

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này