Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Tết cổ truyền nên tổ chức theo dương lịch(*)

(*) Đó là ý kiến của Ông Võ Tòng Xuân -Giáo sư – Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân -nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa. Ông sinh năm 1940 tại Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang, nguyên Hiệu trưởng ĐH An Giang. Nhân dịp năm mới Dương lịch vừa đi qua và Tết Âm lịch đang đến gần, Bách Việt muốn đăng lại bài viết của tác giả cách nay 7 năm để tham khảo. Vẫn biết để thay đổi một tập tục có bề dầy hàng ngàn năm hoàn toàn không đơn giản. Nhưng mọi sự thay đổi đều có giá trị của nó-Bách Việt.
 
Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân là nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa. Ông được tặng nhiều giải thưởng cao quý trên thế giới, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Ông có nhiều đóng góp cho trong việc nghiên cứu cây lúa ở ĐBSCLcũng như trong sự nghiệp giáo dục tại vùng này. Ông sinh năm 1940 tại Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang, nguyên Hiệu trưởng ĐH An Giang.
GS-TS Võ Tòng Xuân
“Trong khi ta vui Tết âm bên chén tạc chén thù thì những đối tác của ta lại làm việc bình thường, còn trong khi chúng ta vẫn làm việc bình thường ở Tết dương thì ở nước ngoài người ta nghỉ, thị trường chứng khoán đóng băng”.
GS-TS Võ Tòng Xuân chia sẻ quan điểm Tết cổ truyền Việt Nam nên tổ chức theo dương lịch cùng thế giới trong thời đại hội nhập hiện nay. Dưới đây là nguyên văn bài viết của ông.
Ngày 14/02/2005 mục “Chào buổi sáng” của báo chí có đăng bài viết của tôi nhan đề Tết “hội nhập,” tại sao không? Ngay sau đó một làn sóng tranh luận rất sôi nổi đã dấy lên trong mục “Ý kiến bạn đọc” của tờ báo.
Chỉ trong vòng vài ngày mà đã có hơn 200 độc giả góp ý, trong số đó nhóm không đồng tình chiếm hơn 50%. Sự tranh luận này tiếp tục kéo dài cho đến năm nay 2012, qua nhiều diễn đàn. Tôi tải về tổng cộng được 396 trang A4 với cỡ chữ 8,5.
Thật sự tôi rất cảm kích sự quan tâm của độc giả về vấn đề này, vì đó là thể hiện sự tiến bộ của dân tộc Việt Nam chúng ta trong thời đại mới.
Vì ý kiến quá nhiều, tôi không thể đọc hết các chi tiết lập luận, nhưng có thể thấy được số ý kiến ủng hộ ngày càng nhiều hơn trước, nhất là khi các ý kiến ấy mới được nêu vào năm nay 2012, bảy năm sau khi bài báo xuất hiện.
Tuy nhiên tôi cố gắng đọc kỹ những ý kiến không đồng tình để học hỏi thêm lập luận của các bậc tiền bối.
Một điều tôi khám phá rất quan trọng là những lập luận không đồng tình này đã chỉ căn cứ vào cái tít của những thành viên diễn đàn (hoặc của biên tập viên nhà báo) viết cho kêu như “Có nên bỏ ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam?”, “Tết Tây hay Tết ta?”, “Bỏ hay không bỏ ngày Tết cổ truyền Việt Nam?”, không đúng theo nội dung trình bày của tôi trong bài Chào Buổi Sáng 14/2/2005.
Vì không đọc kỹ lập luận của tôi mà chỉ căn cứ trên những cái tít giựt gân trên đây nên có một số vị độc giả đã viết những câu chê trách quá nặng lời. Sự hiểu lầm này nhằm vào 2 điểm chính:
1. Bỏ ngày Tết cổ truyền
Tôi không hề viết một ý kiến như vậy bất cứ ở đâu. Đọc lại bài trên mục Chào buổi sáng trên báo chí năm 2005, tôi viết rất rõ: “Đã đến lúc chúng ta định nghĩa lại “bản sắc dân tộc” của sự ăn Tết theo lịch Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập thế giới.
Dứt khoát chúng ta không nỡ hưởng thụ đến 3-4 tuần lễ Tết dương lịch và âm lịch gộp lại trong khi các nước đang dành thời giờ đua làm giàu.
Và dĩ nhiên chúng ta cũng không muốn để lỡ cơ hội đưa đất nước tiến nhanh đến phồn vinh. Nên thống nhất ăn Tết cùng lúc với các đối tác thương trường của chúng ta, chuyển các tập quán ăn Tết âm lịch sang các ngày dương lịch, và giảm dần ngày nghỉ Tết âm lịch quá lê thê”.
Như thế, thí dụ tục lệ lì xì thay vì xảy ra vào ngày mồng 1 âm lịch thì ta đổi lại là mồng 1 dương lịch, v.v… Có độc giả chuyên chơi hoa đã cho biết là có thể điều khiển cho hoa mai và hoa đào nở vào ngày mồng 1 dương lịch.
Những phong tục tốt đẹp ngày Tết cổ truyền, dù có dược đổi sang dương lịch, vẫn cần phải được gìn giữ và phát huy.

                                                     Những phong tục tốt đẹp ngày Tết cổ truyền, dù có được  đổi sang  dương lịch, vẫn cần phải được gìn giữ và phát huy.

2. Bỏ lỡ cơ hội kinh tế (làm giàu)
Tôi nêu mấy thí dụ cho thấy trong khi ta vui Tết lê thê thì thị trường chứng khoán ở Tokyo, New York, London đang hoạt động; các doanh nghiệp bạn hàng của ta ở ngoại quốc cũng đang hoạt động, chắc chắn ta sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt.
Tôi viết: “Ở An Giang, Công ty XNK thủy sản Afiex liên tục nhận fax của khách hàng nước ngoài đặt mua cá filê. Cũng trong mấy ngày Tết ta này tôi vẫn nhận đều đều 30 – 40 bức điện, thư mỗi ngày, trong đó có hai thư phải trả lời ngay để kịp thời hạn.
Một thư về dự án Asia Link (Kết nối Á châu) của Trường Đại học Corvenus ở Budapest, và thư kia của ông Hiệu trưởng Đại học Tufts của Mỹ yêu cầu cho biết ngay tôi có thể tham gia hội nghị quốc tế hiệu trưởng một số trường đại học thảo luận chuyên đề vai trò đại học trong phục vụ xã hội hay không.
Tôi chắc chắn hàng nghìn người chức trách điều hành các ban ngành trung ương và các doanh nghiệp công và tư cũng đã nhận được những điện thư khẩn của các đối tác từ nước ngoài gửi về cần được trả lời ngay trong lúc chúng ta đang “ăn Tết”.
Thực vậy, trong khi chúng ta vui Tết bên dưa hành và bánh chưng, bánh tét, bên chén tạc chén thù đến nhức cả đầu thì những đối tác của ta lại đang làm việc bình thường, và các dịp may trong thương trường quốc tế không thể chờ ta ăn Tết xong, mà chúng sẽ lọt vào tay những ai đáp ứng trước.
Nhớ lại khoảng thời gian từ 24/12 đến 3/1 dương lịch, trong khi chúng ta vẫn làm việc bình thường thì ở nước ngoài người ta nghỉ Tết Tây (kể cả Nhật Bản), thị trường chứng khoán Tokyo, New York, London… đóng băng.
Lúc ấy cho dù ta muốn giao thương với họ vẫn không ai làm việc hoặc gửi thông tin gì cho ta. Như vậy trong thời hội nhập kinh tế thế giới, nếu Việt Nam tiếp tục ăn Tết theo âm lịch thì đương nhiên chúng ta hưởng hai lần nghỉ Tết, tổng cộng ít nhất 3 tuần lễ nghỉ.
Chúng ta biết trên thương trường quốc tế, chỉ hơn thua nhau vài phút là có thể giật lấy hoặc bỏ rơi cơ hội mang về những lợi ích quan trọng. Nếu vì mải mê ăn Tết mà để lỡ cơ hội thì cơ quan sẽ bị thiệt thòi hoặc bỏ lỡ nhiều cơ hội làm giàu.”
Tôi nghĩ rằng nếu tất cả quí vị độc giả có thời gian đọc kỹ bài viết của tôi thì chắc sẽ đồng tình với những lập luận của tôi, như tôi đã cảm nhận khuynh hướng này trong số đông ý kiến mới nhất trong các diễn đàn.
Trong khi các nước đang thi nhau làm giàu, Việt Nam có tiềm năng bắt kịp họ hoặc hơn họ trong tương lai gần nếu bớt ăn nhậu, vui chơi kéo dài, dành thời gian làm việc vào những ngày thế giới làm, nghỉ theo những ngày thế giới nghỉ.
Dĩ nhiên các tập quán cổ truyền lành mạnh của ta chúng ta vẫn giữ và sẽ cử hành vào ngày dương lịch như thế giới đang làm. Chúng ta nên cương quyết đổi mới, không ăn tết 2-3 thậm chí 4 tuần theo âm lịch nữa mà chỉ nên ăn tết 4 ngày theo dương dương lịch là đủ.
Thay đổi tập quán rất khó, nhưng trong tập quán Tết Việt Nam chúng ta thay đổi không khó vì chúng ta vẫn cử hành các tập quán đó, nhưng trong ngày dương lịch. Có quyết tâm đổi mới “Ăn Tết Ta theo ngày dương lịch,” đất nước Việt Nam sẽ có những điều lợi sau đây:
1- Vừa giữ được các tập quán Tết cổ truyền, vừa ít bỏ lỡ cơ hội nắm bắt đối tác kinh doanh, giao thương với nước ngoài.
2- Ít mất thời giờ của nông dân (đại bộ phận người dân) dành chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm.
3- Học sinh và sinh viên có thời khóa biểu học tập và thi học kỳ một cách hợp lý, không gượng ép nghỉ theo âm lịch, do đó không phí thời gian học hành.
4- Giám tối thiểu tình trạng dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian học tập, tổn hại sức khỏe và tính mạng trong giao thông.
5- Chấm dứt lãng phí nhiều ngày làm việc mà mình nghỉ, trong khi quốc tế làm việc.
Theo VTC News

--------------

7 nhận xét:

  1. Tôi ủng hộ quan điểm nên chỉ 1 Tết dương lịch, vì rất nhiều lợi ích và bất cập nói trên mà tôi đã từng trải qua

    Trả lờiXóa
  2. Kính gửi chủ blog,

    Tôi không thể tìm được GS-TS Nguyễn Tòng Xuân như trong bài. Google cho biết người "sinh năm 1940 tại Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang, nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang." là GS-TS Võ Tòng Xuân.

    Trả lờiXóa
  3. Ta nên đề nghị Mỹ , Nhật , Anh , Pháp , Đức ... ăn Tết âm lịch theo Việt nam và Trung quốc , thế mới tài giỏi và có tâm , có tầm Quốc tế !

    Trả lờiXóa
  4. Ngoại lệ chút bác nhé: Bài này nhiều người đã xem , nhận thức về thế giới hòa nhập là đúng , như nước Nhật họ cũng làm vậy từ lâu rồi. Nhưng ở VN các Đỉnh cao trí tuệ không bao giờ dám làm việc ấy vì mục tiêu cao nhất là BẢO VỆ CHẾ ĐỘ CỦA ĐẢNG, nên mọi viêc khác không quan tâm, ngay cả tàu của nước lạ tung hoàng khắp biển VN thì biển Đông cũng không có gì mới!
    Mất hàng chục tỷ $ cũng mo phú tất .

    Trả lờiXóa
  5. Thưa chủ Blog và GS-TS Võ Tòng Xuân, tôi đang sống ở nước ngoài, trân trọng lắm TNĐ cổ truyền của ta (và Tàu), nhưng thấy nhiều bất cập lắm. Chẳng hạn chúng tôi cùng vui tết (như tết) với "tây", nhưng khi tết mình về thì trừ nhưng nới tụ tập chung người Việt, còn ngoài ra các gia đình VN âm thầm lặng lẽ đón xuân (nhất là những g/đ nào ở chung cư). Ví dụ muốn vui chơi ca hát huyên náo ầm ĩ một tí mà tết không trùng ngày nghĩ (t.7, chủ nhật) là không hay rồi. Rồi đón giao thừa xong, người được chọn xông đất chưa đến thì đã có tiếng chuông cửa có người thu tiền điện cầu thang, tiền đóng góp linh tinh...Rồi sáng mồng một ra khỏi nhà láng giềng gặp mấy ai (trừ bạn bè thân quen biết tết ta) có lời CMNM mình, trong khi trước đó hơn một tháng mình gặp ai cũng nói lời CMNM!v.v..
    Tất nhiên nỗi lòng chúng tôi, những người con xa xứ, luôn trào dâng niềm xúc động, nhớ nhung mỗi khi tết (ta) đến xuân sang. Nhó về quê hương làng xóm phố phường, bao nhiêu truyền thống kỉ niệm hiện về thương yêu, nhức nhối. Nhưng ngày gần tết con người luôn có cảm giác lâng lâng, dù đã xa xứ mấy chục năm rồi. Có lẽ vì không được chạy ngược chạy xuôi mua sắm, không được chuẩn bị mổ lợn, gói bánh gói giò, và nhất là không được đi tảo mộ, viếng mộ tổ tiên... càng làm cho chúng tôi bồi hồi xao xuyến.
    Bởi thế để có câu trả lời có nên thay đổi thời điểm đón tết NĐ với tết DL hay không? Thì thật khó trả lời cả muốn cả không, cho dù chúng tôi hàng bao nhiêu năm trăn trở.
    Tuy nhiên theo suy nghĩ của tôi, trong thể chế hiện nay cho dù đại bộ phận nhân dân muốn thay đổi chăng nữa, thì "đảng" và chính quyền người ta không thể chấp nhận, ai lại có thể bỏ phí những ngày tết là cơ hội "vận dụng" phong tục để mừng tuổi, để biếu, cho nhau những món quà ngày càng to lớn giá trị rất cao so với mức thu nhập của họ. Cho nên vẫn để cả hai tết DL và NĐ, đó đang là nguồn thu, là phương tiện, đồng hành cho mọi người, cho cán bộ, doanh nghiệp các ngành, các cấp có cớ đi lại "gắn bó" với nhau hơn.
    Họ luôn muốn giữ 2 là 2, chứ không thể để 2 trong 1 được! Bây giờ đang hình thành "tết" mới: Noen. Rất nhiều cán bộ, doanh nghiệp đã "mượn" Noen coi như là "tết giáng sinh" để thăm hỏi, mừng cấp trên, quan lại các cấp!







    Trả lờiXóa
  6. Xin phép Chủ Blog và Bà con cho tôi có ý kiến gọn:
    1-Tôi không thích bỏ Tết Cổ Truyền VN (Việt Nam nhé)
    2- Đại Hàn, Sing...họ phát triển tiến nhanh chắc nhờ bỏ TẾT Âm lịch.
    Đã là Trí thức "nổi tiếng" thì phải tìm và nói đâu là nguyên nhân đem đến sự trì trệ tụt lẹt đẹt và xảy ra mọi cái thứ mà ngày hôm nay Đất nước này có: Xã hội-Văn hóa- Giáo dục- Chính trị (sợ chính trị như đỉa phải vôi) Kinh tế- Tài chánh -Bất công nặng nề...Đưa vụ Tết ra lúc này là bài Trung cộng chớ gì? Tù nhé.-Tại Ta cứ mọp nên bắc chước những cái xấu của Tàu rồi đổ thừa-Trung Hoa họ vẫn có cái tốt(Người Trung Hoa)-Còn Bành trướng nó cướp Đất đai Biển Đảo ta thì chống nó-Thế thôi- Không chừng( vì tôi không là Sử gia) Tết Âm lịch ,Tàu bắc chước Ta đấy- Kinh Dịch có nhiều tài liệu cổ cho thấy Tàu "lấy" của Ta- Nền Văn minh lúa nước là của Ta Tàu bắc chước- Tử cấm thành Ta chỉ cho họ xây....Đừng làm mất gốc- Hãy cố gắng tìm chứng cứ cái gì Ông Bà Ta để lại là của Ta -Tây hay Đông cái gì hay lợi...ta học-Hãy đọc tin tức "chính sách toàn cầu hóa gần như đã thất bại"-Những điều tôi nói là có thật,không phải cực đoan.Cám ơn.

    Trả lờiXóa
  7. Ăn têt dương lịch là theo Tây, ăn tết âm lịch là theo tàu, quan niệm hơi bậy bạ, chữ nhiều sinh "Tẩu hỏa nhập ma', hay tuổi nhiều đâm lẩn thẩn. GS nên hiểu thế nào là tết, vì sao có tết. Còn sợ ăn tết mất cơ hội làm giàu thì cứ làm đi, đừng ăn tết, anh đây không cấm.
    Các chú ở tây nên ăn tết theo tây là đúng. Tây nó sang đây cũng ăn tết theo Đồng Bào mình mà. ai cấm họ đâu. Còn tết cổ truyền các chú về quê mang theo ít tờ xanh ròi lại ỉ eo rằng lỡ việc là các chú bất hiếu đó. Từ nay anh cấm các chú về mà đứng như "Ngổng ỉa" trước bàn thờ gia tiên nhà các chú.

    Trả lờiXóa

Hoan nghênh mọi ý kiến thảo luận, nhưng làm ơn viết tiếng Việt có dấu và không chửi tục.

Bài ngẫu nhiên

Tìm blog này